Lời thưa.
Sau khi bài “Rời khỏi địa đàng, chiếm lĩnh Trái đất” được công bố, tôi nhận được điện thư của hai bạn đọc. Một hoan nghênh tác giả có công tìm lại cội nguồn và lịch sử, giúp người Việt thoát khỏi mặc cảm ảnh hưởng Tàu. Một nói thẳng thắn: 'Theo các tài liệu về DNA nhân chủng học của tác giả Spencer Wells được đại đa số các nhà khoa học cũng như nhân chủng học đồng ý do ở sự chính xác của các công trình nghiên cứu của ông. Còn như tài liệu của ông Stephen Openhemer thì chưa được nhiều người chấp nhận. Tiện đây tôi cũng muốn nói thêm về đoàn người thiên di khỏi Châu Phi. Cách đây khoảng từ 35,000 --> 40,000 năm trước đây. Lúc đó, con người ta mới bắt đầu có sự biến dạng màu da mà thôi. Nhưng theo bài viết đăng lên mạng trước đây cũng như e-mail trả lời câu hỏi của tôi, anh khẳng định rằng cách đây 60,000 năm có 3 đoàn người với 3 màu da khác nhau [trắng, vàng, và đen] cùng rời khỏi Phi Châu. Tôi nghĩ rằng có nhiều vấn đề anh không hiểu rỏ mà dám cả gan viết lên để hướng dẫn bạn bè và con em sau nầy thì thật là không nên lắm. Tôi quả thật không muốn tranh biện nhiều, chỉ nêu lên ý kiến cá nhân mà thôi. Vì tôi cũng là một người ham thích tham khảo các tài liệu khảo cổ về nguồn gốc con người, nhất là người Đông Nam Á. Có nhiều vấn đề tôi đồng ý với anh, nhưng vấn đề anh nói ở trên quả thật không thể chấp nhận được.”
Cả hai lá thư cùng đặt cho tôi trách nhiệm nặng nề.
Từ thập niên cuối thế kỷ trước, công nghệ sinh học được áp dụng vào việc tìm hiểu nguồn gốc con người đã dấy lên hoạt động sôi nổi của các nhà di truyền học. Người Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Trung Hoa rồi Nhật Bản lần lượt công bố nghiên cứu của mình. Nổi lên trong lĩnh vực này là trường phái Mỹ của Natinal Geographic do chàng trai trẻ Spencer Wells đứng đầu và trường phái Anh do ông lão cổ lai hy Stephen Oppenheimer Đại học Oxford lãnh đạo.
Dưới đây là bản dịch bài báo của Hillary Mayell, tường thuật cuộc hội thảo về cuốn sách The Journey of Man: A Genetic Odyssey của Spencer Wells đăng trên National Geographic, 21 tháng 1 năm 2003*:
Tài liệu tái thẩm về cây phả hệ loài người
Bằng cách phân tích DNA của nhiều người trong tất cả các khu vực trên thế giới, nhà di truyền học Spencer Wells đã kết luận rằng tất cả mọi người sống hôm nay bắt nguồn từ một người đàn ông duy nhất sống ở Châu Phi khoảng 60.000 năm trước.
Ông cho rằng, con người hiện đại, không bắt đầu lan tỏa trên địa cầu cho đến một thời gian sau đó. Hầu hết các nhà khảo cổ học nói rằng các luồng di cư bắt đầu vào 100.000 năm trước, như vậy có sự khác biệt khoảng 40.000 năm.
Wells cũng cho rằng, nguồn gốc của con người hiện đại và cách thức họ chiếm lĩnh phần còn lại của hành tinh còn là việc đang được tranh cãi.
Công trình của ông bổ sung vào một lĩnh vực đã có nhiều giả thuyết đề ra bởi những người tìm câu trả lời trong "đá và xương" – những nhà khảo cổ và cổ nhân học - và những người tìm kiếm chúng trong máu của chúng ta - những nhà di truyền học quần thể và sinh học phân tử.Trong thập kỷ qua, cuộc tranh luận về việc con người hình thành trước hết ở Châu Phi hay nơi khác, và khi nào họ bắt đầu di cư, nơi họ tới, hoặc là họ lai giống với hoặc thay thế những loài cổ xưa vẫn trong vòng quan tâm của các tạp chí khoa học và công luận.
Wells trình bày vấn đề này trong cuốn sách mới The Journey of Man: A Genetic Odyssey, và một tài liệu cùng tên trên National Geographic. Trong cuộc thảo luận thẳng thắn, ông giải thích rằng mình truy ra các luồng di cư của con người hiện đại rời Châu Phi bằng cách phân tích các thay đổi gien trong DNA từ Y-chromosome.
"Như thường xảy ra trong khoa học", ông nói, "công nghệ đã mở ra một cách thức mới để trả lời câu hỏi cũ - thường là những câu trả lời bất ngờ."
Cố nhiên, không phải tất cả mọi người cùng đồng ý với ông.
TÌM KIẾM CỘI NGUỒN
Việc sử dụng di truyền học quần thể và sinh học phân tử để nghiên cứu nguồn gốc con người có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giải quyết một cuộc tranh luận kéo dài về nơi đầu tiên con người hiện đại sinh thành.
Theo mô hình “Đa vùng”, một dạng cổ của con người đã rời Châu Phi trong khoảng một đến hai triệu năm trước. Con người hiện đại phát triển từ đó một cách độc lập và đồng thời tại Châu Phi, Châu Âu và Châu Á.
Công trình của Wells và những người khác đã xác nhận một cách rộng rãi mô hình “Rời khỏi Châu Phi”, cho rằng tất cả con người hiện đại phát triển ở Châu Phi và sau đó rời khỏi châu Phi trong một vài đợt di cư, sau cùng thay thế tất cả các loài có mặt trước đó.
"Bằng chứng di truyền học cho chúng ta biết rằng, Homo sapiens có nguồn gốc gần đây và nảy sinh ở Châu Phi," S. Blair Hedges, một nhà sinh học phân tử tại Đại học bang Pennsylvania nói. "Cư dân châu Phi có hầu hết các gene-allele cổ [cặp gene mã di truyền có đặc điểm riêng biệt] và độ đa dạng sinh học cao nhất, điều này có nghĩa là họ xuất hiện xa xưa nhất," Hedges giải thích. "Loài chúng ta có khả năng hình thành khoảng 150.000 năm trước, với dân số có lẽ khoảng 10.000 người."
Chris Stringer, giám đốc Chương trình Nguồn gốc con người tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London, xác nhận: "Mô hình Nhiều vùng của nguồn gốc Homo sapiens tiến triển trên toàn cầu trong một thời gian dài chắc chắn đã chết."
Có hay không việc lai giống giữa người cổ và người hiện đại là một chủ đề của cuộc thảo luận.
"Không thật chắc chắn, nhưng điều này không có khả năng xảy ra. Hoặc là chúng ta hoàn toàn từ nguồn gốc châu Phi gần đây – cố nhiên, tôi ưa thích điều này - hoặc là chỉ có một chút ít lai giống/đồng hóa giữa người hiện đại và người cổ," Stringer nói.
Wells cho hay, không có dữ liệu di truyền hỗ trợ các ý tưởng về việc hòa huyết. Có một vài nghiên cứu DNA mạnh mẽ chống lại điều này.
CUỘC DU HÀNH CỦA LOÀI NGƯỜI
Hôm nay, có sự đồng ý chung rằng Homo erectus, tiền nhiệm của con người hiện đại, phát triển ở Châu Phi và từng bước mở rộng để sang Đại lục Á-Âu khoảng 1,7 triệu năm trước.
Khoảng 100.000 năm trước, trên trái đất hiện diện một số loài hominid, gồm H. sapiens ở Châu Phi, H. erectus tại Đông Nam Á, Trung Quốc và Neandertals ở Châu Âu.
Khoảng 30.000 năm trước đây, chỉ duy nhất loài H. sapiens sống sót.
Nhưng khi nào họ rời khỏi Châu Phi và đi tới đâu? Đây là vấn đề có nhiếu ý kiến khác biệt.
Wells nói, chứng cứ của ông dựa trên DNA trong Y-chromosome cho thấy các luồng di dân bắt đầu giữa 60.000 và 50.000 năm trước đây.
Ông cho rằng, các du khách sớm theo bờ biển phía nam của Châu Á, vượt qua khoảng cách 250 km [155 dặm] biển, tới Úc khoảng 50.000 năm trước. Theo ông, thổ dân Úc, là hậu duệ của làn sóng di cư đầu tiên ra khỏi Châu Phi.
Nhiều nhà khảo cổ không đồng ý, nói rằng: các hồ sơ thạch cốt cho thấy, đợt di cư đầu tiên xảy ra khoảng 100.000 năm trước đây.
Alison Brooks, một nhà cổ nhân học tại Đại học George Washington ở Washington DC, nói: "Bằng chứng khảo cổ học cho thấy, có con người hiện đại ít nhất tại hai nơi trong vùng Levant của Trung Đông 90.000 năm trước đây," "Họ biến mất khỏi Levant khoảng 10.000 năm sau đó, nhưng có thể vẫn còn tồn tại thêm ở phía Nam Châu Á – tuy nhiên chúng tôi không có chứng cứ."
"Ngoài ra, còn có bằng chứng", bà bổ sung, "của Homo sapiens ở Úc 60.000 năm trước đây, và có lẽ họ đi qua khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ đến đó."
Wells đồng ý có thể con người sớm đột nhập Trung Đông, nhưng tranh luận rằng những người tới Levant 100.000 đến 150.000 năm trước, chủ yếu là sự bành trướng từ Tây Bắc Châu Phi và có lẽ là một phần của dòng Homo sapiens ban đầu. Những kẻ đi sớm này đã được thay thế bởi Neandertals trong khoảng 80.000 năm trước đây.
"Có gần 30.000 năm khoảng cách theo bằng chứng khảo cổ của Homo sapiens bên ngoài Châu Phi," Wells nói. "Việc mở rộng thực sự xảy ra trong ở thời Đá cũ sớm (khoảng 40.000 năm trước) vào lãnh thổ của Châu Á đúng là chưa được phát hiện."
Brooks đồng ý có một kẽ hở, nhưng nó đã tới gần 20.000 năm.
Richard Klein, một nhà cổ nhân học tại Trường Đại học Stanford, cũng có một giải thích về kẽ hở đó và những làn sóng tiếp theo của cuộc xâm chiếm bắt đầu từ khoảng 45.000 năm trước đây.
Klein cho rằng, Homo sapiens có thể đã có đặc tính giải phẫu hiện đại từ 150.000 năm trước, nhưng đã không có được tập tính hiện đại cho đến 50.000 năm cách nay, khi diễn ra sự đột biến gen khiến họ trở nên thông minh hơn.
Ông giả định rằng, sự thay đổi này trong khả năng tư duy kích hoạt cho con người hiện đại, tạo tác các công cụ thủ công tinh tế, xây dựng chỗ ở cố định, đi săn bắn hiệu quả hơn, và có thể phát triển ngôn ngữ. Nó cũng dẫn đến việc đi du lịch nhiều hơn.
Những cú hích khác có thể thúc đẩy cuộc di cư 45.000 năm trước, bao gồm tăng dân số, thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới; một sự thay đổi trong chế độ ăn uống, với tiêu thụ thịt và cá; hình thành các ngôn ngữ, và biến đổi khí hậu.
CHIẾM LĨNH TRÁI ĐẤT
Wells nói làn sóng thứ hai của hominids rời Châu Phi 45.000 năm trước đây, sinh sôi nhanh chóng, và định cư ở Trung Đông. Nhóm nhỏ hơn đi tới Ấn Độ và Trung Quốc.
Cô lập bởi núi và biển trong nhiều thế hệ, tiếp xúc với một khí hậu lạnh và ánh sáng mặt trời yếu hơn ở Châu Phi, dân Châu Á đã trở nên nhạt màu theo thời gian.
Khoảng 40.000 năm trước đây, băng hà bớt cứng rắn, nhiệt độ ấm lên, con người di chuyển vào Trung Á. Trong quá trình thảo nguyên hình thành, họ tăng nhân số một cách nhanh chóng.
"Nếu Châu Phi là cái nôi của loài người, thì Trung Á là vườn trẻ của nhân loại” Wells nói.
Khoảng 35.000 năm trước đây, một nhóm nhỏ từ Trung Á rẽ trái sang Châu Âu. Nhiệt độ lạnh giữ họ lại ở đó. Tách biệt khỏi các nhóm khác, những di dân này có nước da trở nên nhạt màu hơn và thấp hơn so với tổ tiên châu Phi của họ.
Từ đó, khoảng 20.000 năm trước đây, một nhóm nhỏ của Trung Á di chuyển xa hơn lên phía bắc, tới Siberia và Vòng Bắc Cực. Để giảm thiểu sự tiếp xúc với thời tiết cực lạnh, họ chuyển hóa, qua nhiều thế hệ, thân hình trở nên chắc mập, chân tay, ngón chân, ngón tay ngắn lại.
Cuối cùng, khoảng 15.000 năm trước, khi thời Băng hà bắt đầu suy yếu, một bộ lạc nhỏ của cư dân Bắc cực theo những đàn tuần lộc đi vào Bắc Mỹ qua eo Beringa trên những cầu bằng đất.
Theo các dữ liệu gen, Wells nói, ban đầu nhóm này có thể hai, ba người hoặc có lẽ 10 đến 20 người. Do sống cô lập, họ trở nên quá khác biệt về đặc điểm thể chất.
Tuy nhiên, nhiều nhà khảo cổ học tin rằng Úc, Trung Đông, Ấn Độ, và Trung Quốc đã có người đến định cư sớm hơn nhiều.
"Những tài liệu đó không phù hợp với trình tự hoặc địa lý học của các mẫu di cư mà các xương hóa thạch ghi nhận," Brooks phát biểu. "Dữ liệu Y-chromosome cung cấp niên đại trẻ hơn so với các loại dữ liệu khác về gene, chẳng hạn như mitochondrial DNA."
Hedges cho rằng, "Thời điểm ra đi và nhập cư do Wells đề nghị có thể chính xác, nhưng chúng hầu như xuất hiện quá gần đây. Phần lớn các nhà di truyền học đã đồng ý với hầu hết các dữ liệu khảo cổ và thạch cốt." Tuy nhiên, ông lưu ý rằng tất cả các phương pháp khác nhau được sử dụng để định niên đại có thể mắc lỗi.
"Nếu bạn lùi lại một bước và nhìn vào bức tranh lớn, sẽ thấy, ngày hôm nay, có rất nhiều chi tiết được thỏa thuận trong lĩnh vực này hơn một thập kỷ trước đây," Hedges nói.
TỔ TIÊN CHUNG
Công trình của Wells dựa trên nghiên cứu của DNA trong Y-chromosome. Y-chromosome là một ứng cử viên tốt cho nghiên cứu dân cư bởi vì nó không tái tổ hợp như các phần khác của hệ gen [mỗi cha (mẹ) đóng góp một nửa DNA của đứa trẻ, phối hợp với nhau để tạo ra sự kết hợp gen mới].
Vì vậy, các Y-chromosome được chuyển qua như là một “khúc” của DNA từ cha cho con trai, không thay đổi cơ bản qua nhiều thế hệ, ngoại trừ khi có đột biến ngẫu nhiên.
Những đột biến ngẫu nhiên, có thể xảy ra một cách tự nhiên và vô hại, được gọi là đánh dấu (marker). Khi một đánh dấu được xác định, nhà di truyền học có thể truy ra thời gian và lộ trình nó xuất hiện lần đầu tiên tại một tụ điểm, đó chính là ông tổ chung gần nhất.
Như bất cứ công trình khoa học nào khác, ở đây cũng có ý kiến phản biện.
Điểm mà ở đó một tổ chung được tìm thấy là “có thể thay đổi dựa trên gen mà bạn đang nghiên cứu, mức độ đột biến, kích thước quần thể dân cư, và vào các yếu tố như liệu một ‘chỗ thắt nghẽn’(cổ chai-bottleneck) trong dân số đã xảy ra," Sarah Tishkoff, nhà di truyền học tại Trường Đại học Maryland phát biểu. "Sự chọn lọc tự nhiên cũng giữ một vai trò quan trọng."
Cũng có một chuỗi khác của DNA được chuyển qua nhiều thế hệ tương đối không thay đổi, được tìm thấy trong một phần của tế bào gọi là mitochondrial (mtDNA) và được chuyển giao từ mẹ sang con gái.
Trong khi ông tổ gần nhất được xác định thông qua các Y-chromosome tổ sống 60.000 năm trước, thì bà tổ gần nhất thông qua các mtDNA tổ lại sống khoảng 150.000 năm trước. Dù là một cá nhân có thể được xác định là tổ chung duy nhất của chúng ta thì điều này cũng gây ra tranh luận.
"Gần như chắc chắn không phải chỉ có một Adam hay Eve," Tishkoff nói. "Mỗi một trong số gene của chúng ta có lịch sử của riêng mình, mà có thể di chuyển qua những tổ tiên khác nhau. Có khả năng hơn là một marker có thể được truy tìm trở lại với một dân số 50, 100, hoặc thậm chí vài nghìn người."
Những người khác đồng ý.
"Thực tế là, nếu một người người đàn ông có thể tạo nên Y-chromosome của tất cả con người ngày nay, cũng không có nghĩa ông ta là ông tổ duy nhất của chúng ta," Stringer nói. "Điều đó có nghĩa là con trai của ông ta được nuôi dưỡng tốt hoặc sống hạnh phúc hơn và Y gene của họ tồn tại trong khi những người đồng thời với họ bị diệt vong. Nhưng những người đồng thời đó có thể đã chuyển gen của mình sang những gen khác tới tận con người ngày nay."
Điều này là "hoàn toàn chính xác," Wells nói và bổ sung: "Giá trị thật sự của tài liệu về Y-chromosome tổ chung của chúng ta, là việc cung cấp cho chúng tôi một cách có hiệu quả để xác định giới hạn xa nhất mà loài người bắt đầu rời khỏi Châu Phi."
Một điểm được những nhà nghiên cứu nguồn gốc loài người đồng ý là sự hiểu biết càng sâu sắc hơn sẽ đạt được nhờ phối hợp giữa các bộ môn khoa học.
"Thảo luận và hợp tác nhiều hơn giữa các nhà di truyền và cổ nhân học sẽ tốt cho cả hai," Stringer nói. "Vô cùng có ý nghĩa", ông tiếp, "những nghiên cứu DNA gần đây là những nghiên cứu các gen người sống. Những nghiên cứu không cho chúng ta biết bất cứ điều gì về những người cổ, như người Neandertals và người Solo ở Java. Chúng ta vẫn còn cần những nghiên cứu thạch cốt, khảo cổ, và có thể, cả DNA cổ để vẽ ra bức tranh toàn cảnh về sự tiến hóa của con người."
Công trình của Wells được mô tả trong cuốn Journey of Man rút ra từ di truyền học, cổ nhân học, cổ khí hậu học, khảo cổ, tâm lý học, và ngôn ngữ học. "Tôi thực sự cho đó là một lĩnh vực hợp tác, nỗ lực tổng hợp để làm sáng tỏ quá khứ của chúng ta", Stringer kết luận: "Ý tưởng cho rằng việc điều tra, hoạt động cô lập, có thể đưa ra tất cả các câu trả lời là chuyện lố bịch."
*
Đôi điều nhận xét.
Không phải là nhà di truyền học nên không thể kiểm chứng các nghiên cứu trên bằng một thực nghiệm lặp lại, tôi chỉ có thể đối chiếu chúng với những dữ liệu khảo cổ, cổ nhân chủng, văn hóa học đồng thời so sánh với những công trình di truyền khác.
Điều có thể nhận ra trước hết là ngoài điểm chung con người xuất hiện ở châu Phi khoảng 150.000 năm trước, quan điểm của hai trường phái phần nhiều trái ngược nhau.
1. Về chuyện: “Trong khi ông tổ gần nhất được xác định thông qua các Y-chromosome tổ sống 60.000 năm trước, thì bà tổ gần nhất thông qua các mtDNA tổ lại sống khoảng 150.000 năm trước.”
Quả thực, đây là điều không hiểu nổi. Phải chăng như thế có nghĩa là 150.000 năm trước, nhân loại ra đời với ít nhất 1 Adam, 1 Eve và sinh sôi được khoảng 10.000 cá thể. Nhưng vì nguyên nhân chưa biết, đến 60.000 năm trước, xảy ra tai biến khiến hầu hết con người bị tiêu diệt, chỉ còn lại người đàn ông duy nhất cùng toàn phụ nữ. Những người sống sót này tạo ra lớp người mới và người đàn ông duy nhất đó trở thành ông tổ của toàn thể loài người?
Không có chứng cứ khảo cổ và cổ nhân học ủng hộ ý tưởng này.
Bằng suy luận, ta thấy hiện tượng như vậy đã không xảy ra. Bởi nếu có thật thì vào 60.000 năm trước, loài người mới phục hồi, chưa đủ số lượng để làm cuộc phiêu lưu đầy gian nan rời châu Phi.
Như vậy, chỉ có thể là, trên thực tế, những ông tổ, bà tổ đầu tiên phải cùng xuất hiện khoảng 160.000 năm trước tại châu Phi.
Việc chỉ xác định được ông tổ sớm nhất vào 60.000 năm trước phải chăng là khiếm khuyết trong phương pháp của ekip Wells? Điều này rất có khả năng bởi vì trong hội thảo, nhiều người nhận ra khảo sát Y-chromosome của nhóm này cho ra những thời điểm quá muộn so với mtADN và bằng chứng khảo cổ học.
2. Về thời gian con người rời châu Phi:
- Tại Úc phát hiện hài cốt H. sapiens có tuổi 60.000 năm.
- Tại Quảng Tây Trung Quốc phát hiện bộ xương người Mongoloid 68.000 năm tuổi.
Hai chứng cứ vững chắc này không ủng hộ Wells vì xác định con người rời châu Phi sớm hơn thời điểm 60.000 trước. Nghiên cứu của nhóm Y. Chu trong Dự án Đa dạng di truyền người Trung Quốc với đề xuất “Người hiện đại tới Việt Nam khoảng 60-70.000 năm trước” cũng không ủng hộ ý kiến của Wells.
3. Về ý kiến: “Làn sóng thứ hai rời Châu Phi 45.000 năm trước đây, sinh sôi nhanh chóng, và định cư ở Trung Đông. Nhóm nhỏ hơn đi tới Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu Châu Phi là cái nôi của loài người, thì Trung Á là vườn trẻ của nhân loại.”
3.a. Nếu quả có một luồng di cư theo cách thức như trên, làm nên tổ tiên của tuyệt đại đa số dân châu Á thì họ phải để lại những dấu vết về công cụ đá cùng thạch cốt. Thực tế đã không ủng hộ ý tưởng này.
3.b - Có đúng Trung Á là vườn trẻ của loài người?
Tôi cho rằng không phải vậy. Tài liệu cổ khí hậu cho thấy, khoảng 35.000 năm trước có đợt lạnh khủng khiếp khiến cho người Neanderthals tuyệt chủng đồng thời đẩy người châu Âu vào trạng thái tiềm sinh. Khí hậu vùng Trung Á còn khắc nghiệt hơn: tuyết phủ dầy chứ không phải đồng cỏ như Wells tuởng. Giả dụ vùng này có là “thảo nguyên xanh” đi nữa thì cũng còn mâu thuẫn: những người Trung Á du mục, vì sao chỉ cần vào Đông Á, họ nhanh chóng biến thành dân nông nghiệp với trình độ phát triển cao? Nông nghiệp lúa nước từ đâu du nhập Đông Á? Cố nhiên không phải dân du mục Trung Á mang tới. Chắc chắn cũng không phải từ Mesopotamia, vì vùng này nảy sinh nông nghiệp sau lưu vực sông Trường Giang 5000 năm (1). Oppenheimer có lý khi cho rằng Đông Nam Á là đia đàng ở phương Đông.
3. c. Wells nói: “Nhóm nhỏ hơn đi tới Ấn Độ và Trung Quốc”. Nếu điều này là thực thì cũng không có chuyện đám nhỏ người ấy trong thời gian ngắn sản sinh ra khối lượng dân Đông Á lớn đến vậy!
Một số học giả Ý, Tây Ban nha, Georgia khảo cứu 5000 chiếc răng hóa thạch đi tới kết luận: “Khoảng 40.000 năm trước, có đợt di cư lớn của người từ Đông Á sang qua ngả Trung Á, hòa huyết với người từ Trung Đông lên, sinh ta tổ tiên người châu Âu ngày nay.”(2)
4. d. Trong nghiên cứu của mình, Wells chỉ nói: “Khoảng 60.000 năm trước có một nhóm H. sapiens đi tới Đông Nam Á” nhưng không cho biết gì thêm về số phận của nhóm này. Trong khi ta biết, khí hậu và môi trường sống rất thuận lợi của khu vực đã giúp con người ở đây sinh sôi nhanh chóng. Công trình của Y Chu cho thấy: họ tới Việt Nam 70.000 năm trước, nghỉ lại ở đây 10.000 năm rồi lan tỏa ra các đảo nam Thái Bình Dương sau đó lên Trung Quốc, vượt eo Bering sang Mỹ.
Như vậy, phần nhiều đề xuất của Wells không phù hợp với các tài liệu về khảo cổ, cổ nhân chủng và văn hóa học.
Vì sao cùng nghiên cứu một đề tài mà hai trường phái đưa ra hai kết quả trái ngược?
Điều này làm tôi nghĩ đến cuộc khủng hoảng của vật lý học hiện đại. Gặp khó trong việc tìm bản chất của các hạt hạ nguyên tử, vật lý học hiện đại phát hiện thực chất của nhận thức không phải là bản chất sự vật mà là quan niệm của người khảo sát về sự vật được xác lập bởi phương pháp và công cụ nhất định! Như vậy, việc con người rời khỏi châu Phi là một hiện thực. Nhà khảo cổ nhìn nhận nó qua hiện vật khảo cổ. Opppenheimer nhìn nhận nó bằng tri thức chủ quan của mình, thông qua phương pháp và công cụ thí nghiệm của ông. Wells cũng làm công việc tương tự. Do trình độ khác nhau, họ cho ra những kết quả khác nhau. Đây cũng là quy luật bình thường của nhận thức!
Tin ai đây? Không phải niềm tin tôn giáo nên điều này phụ thuộc vào khả năng của người giải mã tư liệu. “Được đại da số các nhà khoa học cũng như nhân chủng học đồng ý” không phải là thước đo chân lý. Hơn nữa, như bài báo cho thấy, không hề có chuyện đồng thuận ở đây. Nhiều ý kiến khá xác đáng phản bác Wells!
Tôi cho rằng Oppeheimer có lý bởi vì những đề xuất của ông phần nhiều phù hợp với tư liệu của các khoa học kế cận như khảo cô, cổ nhân, văn hóa học. Là người từng trải nhiều năm ở Đông Nam Á, hiểu biết sâu sắc con người và văn hóa khu vực, Oppenheimer đã định hướng nghiên cứu của mình cho ra kết quả phù hợp thực tế. Trong khi đó, là nhà thực nghiệm kinh viện, Wells và đồng nghiệp của ông đã bị chính công cụ và phương pháp của mình đánh lừa.
Như vậy, có sự thật là, công trình của Oppenheimer và Wells đưa ra những kết luận khác nhau mà tôi là người sử dụng tài liệu của Oppenheimer cho khảo cứu của mình. Câu hỏi tất yếu được đặt ra: nếu Oppenheimer sai thì những khảo cứu của tôi bị ảnh hưởng thế nào? Xin trả lới bằng sự khẳng định: không! Bởi lẽ, ý tưởng chủ yếu mà tôi mượn của Oppenheimer là: “85.000 tới 75.000 năm trước, từ Sri Lanka họ tiếp tục men bờ Ấn Độ Dương tới phía tây Indonesia, sau đó tiến vào châu Á. Những người còn ở lại thì đi vòng Borneo tới nam Trung Hoa.” Tuy có muộn hơn trong xác định thời điểm, nhưng chính Wells cũng thừa nhận có cuộc di cư của người hiện đại từ châu Phi tới Đông Nam Á. Thêm vào đó, trong một công trình độc lập, Y. Chu còn đi xa hơn: “ Người hiện đại tới Việt Nam khoảng 60- 70.000 năm trước. Nghỉ lại ở đây 10.000 năm, họ hòa huyết sinh sôi rối 50.000 năm trước đi tới châu Úc và 40.000 năm trước đi lên Trung Hoa.” Không chỉ vậy, khảo cứu của tôi còn dựa vào rất nhiều bằng chứng khảo cổ, cổ nhân chủng, văn hóa học khu vực. Vì vậy có thể nói là đạt độ chính xác rất cao.
Có một thời, các học giả Việt Nam chỉ là những trò nhỏ tin sái cổ trước sách Tàu và thày Tây. Vì vậy không ít khi các vị vì “tận tín thư” mà sai theo thầy! Bây giờ đã khác, trí tuệ Việt Nam không thua kém bất cứ đầu óc sáng láng nào. Khi đủ thông tin, chúng ta có thể giải mã thành công nhiều vấn đề của nhân loại. Với lĩnh vực lịch sử văn hóa phương Đông, chúng ta còn ưu thế hơn vì có sự yểm trợ của tâm linh, điều mà người khác không có được.
12.2008
*http://search.msn.com/results.aspx?srch=106&FORM=AS6&q=Hillary+Mayell+-+
Documentary+Redraws+Humans
Tham khảo:
1. Zhou Jixi: The Rise of Agricultural Civilization in China. SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006
2. Tổ tiên người châu Âu là ai? http://www.radio-canada.ca/nouvelles/Science-Sante/2007/08/07/004-europe-colonisation-asie.shtml?ref=rss