Từ “Vọng sông quê” đến “Mang” của Nhà xuất bản Trẻ, rồi “Gửi thiên thần” của Nhà xuất bản CAND và bây giờ là “Đồng hồ một kim” của Nhà xuất bản Văn Học” được gửi đến bạn đọc. Phan Trung Thành đã khẳng định được gương mặt thơ của thế hệ 7.X. Ở đây, số lượng tác phẩm không định hình nên một gương mặt thơ, mà chính những câu chữ đã vẽ lên chân dung một nhà thơ.
Không hiểu vì sao khi đọc tập thơ “Đồng hồ một kim” của anh, tôi lại liên tưởng đến những chiếc đồng hồ khuyết tật trong những bức tranh của cố hoạ sĩ Bưu Chỉ. Sự mất mát, gãy đổ, không nguyên vẹn của những chiếc đồng hồ như một nổi ám ảnh trong tiềm thức mà nhiệm vụ của người nghệ sỹ phải khai phá, hàn gắn và làm trỗi dậy sự thăng hoa trong xã hội mình đang tồn tại.
Trong tập thơ “Đồng hồ một kim” đầy ắp những sự kiện đang vây bủa những xã hội chưa ổn định, như những bức tranh dang dở chưa định hình. Thật khó hình dung giữa dòng chảy mảnh liệt và hỗn loạn của đời sống đô thị, Phan Trung Thành chợt ngoái đầu nhìn lại và vẽ lên bức tranh đó bằng chiếc “Đồng hồ một kim”. Đó là loại đồng hồ tân kỳ trong thi ca, xa lạ với tất cả những kiểu dáng...
Sự thể nghiệm một phong cách mới trong thơ của Thành, như một bước tiên phong nhằm phê phán cái xấu của xã hội hiện đại đang bị quán tính đen điều động. Tôi mạo muội gọi “Đồng hồ một kim” của Phan Trung Thành là phóng sự thơ đầu thế kỷ XXI, là “Mười viên gạch” của thể nghiệm mới đầy tính nhân văn, và đó cũng là lời cảnh báo cho những nhà thiết kế xã hội:
Con số đau lòng
Đất nước này có bốn mươi ca tử vong vì tai nại giao thông mỗi ngày
hay
Nhiều ngày ngập ứ thông tin
Nhiều thứ không kịp định dạng
đưa vào sọt rác
Trong thế giới của sự bùng nổ thông tin ngày nay, bản chất của thông tin luôn có hai mặt. Mang lại niềm vui và khơi dậy nỗi sợ hãi vốn tiềm ẩn trong mỗi cá thể.
Cho dù trong bóng đêm, trong những căn phòng kín kẽ, chúng ta cứ ngỡ mọi điều rất kín đáo, nhưng trong viên gạch thứ năm, nhà thơ đã chỉ ra những khe hở bí mật mà người trong cuộc mới được biết:
Kín và hở
Cuộc này anh chi đúng tinh thần
Kinh phí đến đâu giải phóng mặt bằng / đến đó
và
Tất cả mọi người đều biết / quen chạy
nhưng bao giờ biết ... Không ăn?
Những câu hỏi của Thành tồn tại dai dẳng và phi lý từ xưa đến nay, như bản năng sống chưa được tiến hoá của con người. Để rồi những trăn trở đau sót đó đã khiến nhà thơ dự báo cho chính mình khi nhập viện Chợ Rẫy cho ca mổ tim đầy nguy hiểm:
Tôi thường chọn sân bay hoặc bệnh viện Chợ Rẫy làm nơi xả stress
tụt huyết áp
loạn nhịp
Người nghệ sỹ nếu không có trái tim đầy xúc cảm, không cảm nhận nỗi đau của xã hội, thì ngoài tài năng ra họ sẽ làm được điều gì ?! Đó là lúc nhà thơ đặt lên những câu hỏi:
“Tại sao dân tộc tôi phải đau đớn chứng kiến những điều mình không muốn...”
và anh đã dùng công cụ của người nghệ sỹ để:
Thắp nén nhang
tôi phản đối những kẻ thô bạo
những kẻ mất nhân tính
chà đạp cô dâu Việt
Sự đấu tranh của người nghệ sỹ trước những bất công của xã hội không gì hơn ngoài tác phẩm của chính mình, đó là điều mà rất ít nghệ sỹ thời nay thực hiện?
Khi mà mọi giá trị xã hội nhập nhằng, trắng đen lẩn lộn, Thành đã cảm nhận sự hỗn loạn:
cà phê lạc soong
nhạc lạc soong
vỉa hè lạc soong
em bên lề mong ngóng lạc soong
...
cổng chợ cổng chùa
nhà thương trại hòm
bụi đè lên bụi
nơi ta nhập cư
xe rác nghiền nát
Giữa những hoảng loạn của sự ô nhiểm đầu thế kỷ XXI, thi sĩ chợt tiếc nuối những chiều thứ bảy dạo phố ngắm tóc dài:
Ngã tư Bốn xã
mười năm đầu thế kỷ Hai mốt
nơi anh nhập cư
lấm lem bụi khói
lấm lem sông suối
ổ voi, khủng long
ngập ngụa hàng Tàu
ung thư nám phổi
làm sao nhận ra em kiếng đen khẩu trang?
còn đâu Sài Gòn chiều thứ Bảy
dong xe ngắm phố tóc dài
anh yêu phố yêu đời bầm dập
Và rồi qua những con chữ biết vui buồn, những con chữ rưng rưng nước mắt, tác giả như cảm nghiệm được sự bất lực của chính mình, khi mà sức mạnh của cái xấu liên kết lại, khi mà tâm thức xã hội bị đậy che bởi những đám mây xám,... người nghệ sỹ đã phải thét lên:
biết làm sao, biết làm gì được
biết làm gì hơn im lặng ngoài đường?
Như vậy đó, sự khuyết tật của một thế giới đã tạo ra đầy rẫy sự phi lý, chúng tồn tại một cách thản nhiên trong xã hội. Như văn hào Albert Camus đã trải nghiệm. Không còn cách nào hơn, là chúng ta, những người nghệ sỹ hãy đón nhận sự phi lý và chia sẻ cùng thi sĩ Phan Trung Thành./.
Huế, 2008