Cuộc sống mỗi ngày là một nhàm chán, càng mòn chán thêm. Năm hết năm, tháng này sang tháng khác. Hằng tuần thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư,… Chủ nhật. Xoay vòng và lặp lại. Cũ mèm. Vẫn công việc đó, khung cảnh đó, khuôn mặt đó, câu chuyện muôn năm cũ lặp lại. “Quanh quẩn lại giữa vài ba dáng điệu / Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người…” (Huy Cận). Vài hành vi vô thức, đôi câu nói vô nghĩa bật ra bất chợt, dăm ba tên người quen vô tình được nhắc tới,… Lặp lại không để làm gì cả. Để giết thời gian – chưa hẳn. Để khỏa lấp nỗi trỗng rỗng trong tâm hồn – đúng hơn.
Công lớn của triết học hiện sinh là khám phá sự vong thân trong sinh hoạt ngày thường, từ hơn nửa thế kỉ trước. Một khi con người chưa vượt qua nỗi nhàm chán đó, sự phi lí như là định phận đó để tìm ra bản ngã mình, thì họ chưa thể “sống” toàn diện. Họ luôn chìm lấp hay tồn tại lờ nhờ giữa tha nhân.
Thế giới này tất cả đều lặp lại
quả đất lặp lại vòng quay
mặt trời lặp lại mỗi ngày
… con đường lặp lại những dấu chân
lặp lại lời yêu của những cặp tình nhân
(“Trái chín”)
Cuộc sống lặp lại đã đành. Cuộc thơ cũng lặp lại, bắt nguồn từ xa lắm trong vô thức cộng đồng, và cả thói quen sáng tác và tiếp nhận thơ ca của ta. Lắm lúc còn hơn cả cuộc sống. Sâu hơn, đậm hơn do đó, nguy hiểm hơn.
… đời người lăn theo lối mòn
câu thơ viết hôm nay rung cảm đến tận cùng
đã ngân vang từ bốn nghìn năm trước
bao nếp nghĩ cũ mèm vạch đường mòn kí ức….
Em gào thét giữa cao xanh
toan vùi xóa những lối mòn chán ngắt…
trái đất cứ giăng ra chi chít lối mòn
(“Lối mòn”)
Có thể nói, từ thời đổi mới ở giữa thập niên tám mươi của thế kỉ trước, các nhà thơ Việt Nam luôn ý thức bị vây bọc bởi cái sáo mòn, lạc hậu của thơ ca. Thơ đang được dạy trong nhà trường, thơ đăng báo, thơ trên diễn đàn, thơ ở các thi tuyển, ở mọi tập thơ biếu tặng. Và hầu hết nhà thơ mang tinh thần cách tân luôn bị ám ảnh bởi sự vùng thoát, để đi tìm cái mới, lạ cho thơ. “Cách tân”, “làm mới”, “đổi mới”, thậm chí – “cách mạng”,… là các hạn từ được dùng tràn lan trên các mặt báo, tại khắp hội thảo thơ. Lê Khánh Mai không là ngoại lệ.
vang tự hồn sâu phải sống khác thôi
không sống khác không thể nào viết được…
(“Nhà thơ nữ bứt phá”)
Sống khác và viết khác. Sống khác để có thể viết khác đi. Nhưng sống thế nào, và viết ra sao để gọi là khác?
Những câu thơ
như chú ngựa bất kham trong lồng ngực
mơ một ngày tung vó thảo nguyên…
(“Khát”)
Em muốn xóa bóng mình – dị bản
để chỉ còn đích thực em thôi
(“Dị bản”)
Lê Khánh Mai “mơ”, Lê Khánh Mai “muốn” tung vó, lồng lên, kêu thét lên rằng ta đang sống cuộc sống lặp lại, quá nhàm chán; ta đang thơ cuộc thơ thậm sáo mòn. Ta muốn xóa bỏ và xóa bỏ. Dứt áo ra đi một lần và mãi mãi lối mòn quen thuộc này, lối viết cũ kĩ này. Để sống khác đi, viết khác đi. Thế nhưng giữa cuộc đời và cuộc thơ tù mù như thế, Lê Khánh Mai đã không thể tìm thấy mình đích thực là mình. Tại sao?
“Em muốn xóa bóng mình – dị bản / để chỉ còn đích thực em thôi”. Tại sao không là “tôi” mà là “em” muốn? “Em” là gì? “Em” với ai? Đây là câu hỏi cốt tủy, đụng chạm đến sinh phận văn chương của người nữ Việt làm thơ. Nên, cho dù Lê Khánh Mai “vẫn khát viết vần thơ định mệnh” (“Khát”), nhưng vẫn cứ không thể!
Không thể lựa chọn số phận
khi sinh ra
ta cũng như một nửa loài người trên trái đất
là đàn bà
(“Bổn phận”)
Đã không thể và, sẽ không bao giờ có thể.
Bạn cùng ta bứt phá
lang thang quên mình là đàn bà
… bao đền đài thơ sừng sững
Ta gieo xác chữ ích gì
…ta ru bình yên ngày thường
oan nghiệt phận thơ – tiếng kêu máu vỡ
(“Nhà thơ nữ bứt phá”)
Muốn sống, nhưng rồi “em” tòng thuộc “anh” lừng lững sẵn sàng áp chế. Muốn viết khác đi, mà “em” cứ vướng vào “bao đền thơ sừng sững”, luôn tư thế bậc cha chú trên ngó xuống đầy dọa nạt. Ngôn ngữ Việt và cả dư hưởng văn hóa Nho giáo đã “đóng đinh số phận” thơ Lê Khánh Mai. Muôn đời cư ngụ vị trí thấp, tư thế lép vế. Bởi tập quán xã hội do đàn ông sáng chế ra và gán ép cho ta đã đành mà, cả do chính ta nữa (Hãy nhớ lại câu nói của một nhân vật nữ trong tiểu thuyết Orhan Pamuk: “Bỏ khăn trùm đầu chẳng khác gì ở truồng đi ra phố”!). Thì làm gì có sáng tạo?
Lê Khánh Mai hiểu thế, ý thức sâu thẳm như thế. Đó là một khởi đầu quan trọng.
Thơ Lê Khánh Mai đi chênh vênh giữa khoảng đó. Thời đại chưa cho phép hay nhà thơ chưa [dám] cấp giấy phép cho mình tự do phá vòng vây ngăn cách giới, chúng ta không cần biết. Chỉ thấy rằng, khi chưa thể xông pha vào cuộc đấu tranh chống áp chế và đòi hỏi công bằng cho phái nữ, Lê Khánh Mai đi tìm sự cảm thông. Cảm thông với những sinh phận không được ưu đãi: người đàn bà đi chợ, người đàn bà lặng im như cát, người đàn bà bán rau, người đàn bà gom rác “đêm đêm / lẫn vào xú uế”, hoặc:
Người đàn bà trong cơn đau sinh nở…
một mình bước lên bàn sinh…
khát khao làm mẹ
căng buồm.
(“Cánh buồm”)
Cảm thông cả với những người “bạn gái” đang mắc kẹt giữa cuộc văn chương và cuộc sống: “thì thôi mình thương lấy mình”.
Đây là điểm sáng nhất trong thơ Lê Khánh Mai. Biết chia sẻ với thân phận con người bé nhỏ, với thân phận phụ nữ yếu đuối, với người nữ làm văn chương trong nỗi xô bồ của cuộc sống tốc độ hôm nay.
Trong cuộc đi tìm sẻ chia và cảm thông đó, qua hơn nửa đời người hành trình thơ, Lê Khánh Mai không ít lần bắt gặp những câu/ đoạn/ bài thơ đẹp. Đẹp mà buồn. “Đẹp, buồn và trong suốt như sương”. Không phải không mang yếu tố “bứt phá”, “mới lạ”, đóng góp nhất định vào tiến trình thơ Việt Nam đương đại.
Nhưng có lẽ Lê Khánh Mai sẽ tung vó mạnh bạo hơn, nếu nhà thơ đang cư trú miền đất Nha Trang thơ mộng này dám phá bỏ thói quen. Mà thói quen đầu tiên chính là ở nỗi tự khuôn định thơ mình trong không gian chật hẹp. Quá chật chội. Tôi không hiểu tại sao Lê Khánh Mai đã tự bó tay bó chân mình như thế. Đại đa số bài thơ luôn dừng lại ở 20-30 câu. Có rất ít bài thơ dài hơi. Bài dài nhất là “Nha Trang của tôi”: 54 câu. Như thể nhà thơ mang ra một tờ giấy A4, viết đến hết trang rồi… thôi. Lạ!
Nhớ buổi chiều tháng Tư vừa qua, bất ngờ ghé thăm phòng tranh của một người bạn ca sĩ mới chuyển sang nghề vẽ. Hơn ba mươi bức tranh cả thảy, không phải là không đẹp, nhưng chúng đều bị giam lỏng trong cùng khung kích thước 60 X 60. Tất tần tật. Chúng tạo cảm giác gò bó, chật chội. Tôi nói: bạn hãy thử làm việc trên khung to hay nhỏ hơn đi, chắc chắn lối vẽ bạn sẽ khác. Và cô bạn đã khác.
Bởi bổn phận của thơ ca là gì, nếu không là phá bỏ thói quen – thói quen sống và, thói quen thơ?
Sài Gòn, 4-5-2008.