Tưởng nhớ Khu, Thinh
Lại một tiết đầu đông cuối thu; trời đã lấm tấm rét, dường như trên cao vợi có một cánh tay khổng lồ đang xắn từng tảng không khí rét ngọt của mùa đông trộn vào cái ngôi nhà bao la, xanh thẳm, trong văn vắt của mùa thu; như mọi lần, Huy lại lững thững trên con đường sau làng. Anh thường chọn khoảng thời gian giao mùa này về quê, để cùng lúc, có thể gặp được cả hai: một mùa anh thích, một mùa anh thiếu. Anh yêu mùa thu, cái mùa có vẻ gì đó dịu dàng thanh khiết như tính cách của một thiếu phụ. Còn mùa đông? Có lẽ, chính mùa đông mới là mùa để lại trong anh nhiều ấn tượng hơn cả. Anh nhớ những buổi sáng co ro đi học trong không gian mù sương; anh nhớ cái cảm giác ấm áp mà dường như chỉ trong giá rét lạnh căm ta mới nhận ra hết được ý nghĩa của nó; và diện mạo của hạnh phúc, bất hạnh của một kiếp người như cũng hiện ra rõ nét hơn. Thấm thoắt thời gian anh sống xa quê đã nhiều hơn cả ở quê rồi! Anh biết mình chưa là gì, nhưng so với những người dân lam lũ trên quê, có vẻ anh đã là một người thành đạt. Anh giống như một con đom đóm bị mất dạng trong ánh điện phố thị chói lòa, nhưng lại tỏa sáng rực rỡ giữa đêm quê; khiến anh về quê không phải để thăm quê, mà như đi gặp chính mình. Anh nhận ra mình trong những tiếng xì xào, trong sự vồn vã chào hỏi: “Đẻ ra được đứa con như bá đúng là nó mát, chứ cứ như bọn em đây nó rát lắm bà chị ạ !”. Có một bà già từng nói với mẹ anh thế. Riêng anh, anh chẳng bao giờ thỏa mãn cả, anh đã có được những cái mà ngày xưa trong mơ cũng không thấy, không hiểu sao vẫn thường xuyên âu lo và mệt mỏi; phải tại cái tham vọng không cùng, hay tại cái nhịp sống đua chen quá căng thẳng nơi phố thị? Chính những lúc ấy, hình ảnh những người dân quê chất phác lại hiện lên an ủi anh, anh kính phục họ, bởi cuộc sống của họ quá vất vả nhưng họ vẫn vui vẻ, nghị lực của họ cũng mới vững vàng làm sao! Trong một đất nước có quá nhiều biến cố, chính từ những con người bình dị ấy đã hợp thành cái sức mạnh vô địch làm nên bao kỳ tích, những người sẵn sàng hy sinh tất cả, nhưng lại không quan tâm lắm đến việc sẽ được nhận lại cái gì! Anh chợt nhớ đến bạn bè thuở thiếu thời, qua cuộc chiến khốc liệt, đứa còn đứa mất... có đứa đến nấm mộ cũng không có, thân thể có khi chỉ còn là một bó rễ cây tại một cánh rừng lạnh ngắt nào đấy! Như vậy, chỉ mỗi việc anh còn được sống thôi đã là may mắn quá rồi! Thế mà...
Cứ vừa đi vừa nghĩ, anh ra bờ sông chọn một vạt cỏ êm, gần chiếc cầu bê tông, ngồi xuống. Vẫn còn kia cây đa cổ thụ với những chạc ba khổng lồ có thể làm giường được, từng bó râu nặng vẫn lững lờ buông chấm mặt sông. Có điều, nó lại có vẻ rũ rượi, lá cứ héo úa, vàng sậm; sau mỗi đợt gió chiều lăn tăn thổi, những chiếc lá quăn queo chao mình rơi xuống lòng sông, trông như những giọt nước mắt. Người ta bảo, nó khóc một ông già nên buồn mà sinh bệnh. Ông chính là người cuối cùng của một dòng họ, không biết từ bao đời, đã trồng nên nó.
- Người ta bảo thế có phải không mẹ? Huy về nhà hỏi mẹ.
- Ờ thì người ta có bảo thế.
- Nhưng ông ấy chết lâu chưa?
- Chẳng còn ai, nên không biết cúng kiếc thế nào, cũng chẳng biết là đã 49 ngày chưa?
Anh chợt thấy nhói lên trong lồng ngực và ngợp thở, phải thở dốc mấy cái mới bình tâm trở lại. Có phải trong cuộc mưu sinh và rượt đuổi bao ảo ảnh phù du, anh đã trở thành một kẻ tệ hại rồi không?
*
Cuối năm 1972, sau đợt B52 đánh phá Hà Nội, lớp học sinh của Huy và Nhữ vừa thi xong đại học thì có đợt tuyển quân. Riêng Nhữ được hoãn vì nhà chỉ còn một mình, người anh Nhữ mới hy sinh.
Một đêm, chính tại chỗ mà Huy vừa ra ngồi đó, hai anh bạn cũng đã ngồi trò truyện sau buổi khám sức khỏe:
-Có lẽ kỳ này mình cùng đi với Huy thôi, Huy ạ.
-Thôi ở nhà đi học đại học. Học như mày vừa rồi thi làm gì mà không đỗ. Có khi còn được ra nước ngoài nữa ấy chứ!
- Mình cũng chẳng có anh hùng gì đâu, nhưng thấy các bạn đi hết, riêng mình được đi học, cứ cảm thấy hèn hèn, như là ăn vụng một cái gì ấy!
- Mày đúng là lẩn thẩn. Không lẽ trong chiến tranh cứ phải ra trận mới vinh quang thôi sao. Mày không nhớ thầy dậy lý kể chuyện bác Trần Đại Nghĩa ở Viện Khoa học đấy à, bác ấy cải tiến vũ khí bắn rơi B52 làm bọn phi công Mỹ chết khiếp! Công nhận là oách thật! Nếu không phải đi bộ đội, tớ cũng muốn đi học để thành nhà khoa học như bác ấy.
- Ừ, thầy chủ nhiệm bảo Huy có tài đấy, chỉ tại lười thôi, thầy bảo Huy có máu nghệ sĩ, lúc hứng lên thì học không ai theo kịp. Kể không có chiến tranh, chúng mình cùng đi học với nhau thì vui nhỉ? Mà tại sao lại có chiến tranh?
Huy im lặng. Lúc này anh chàng học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông không thể trả lời được câu hỏi quá hắc búa ấy. Mãi sau này, Huy cũng đã tự hỏi lại và cũng đã tự trả lời nhiều lần. Trong vô vàn nguyên nhân khác nhau, cái nguyên nhân khiến anh e ngại nhất là, chiến tranh chính là sản phẩm của một thứ triết lý: triết lý về sức mạnh, đề cao và biện minh cho cái ác: bản chất của con người luôn muốn vươn tới cái siêu việt, và vì thế, tất phải giết chóc lẫn nhau! Cũng chính vì thế mà có những kẻ đã cho rằng, loài người sinh ra có giống thượng đẳng và giống hạ đẳng, mà đã là giống thượng đẳng thì có quyền thống trị kẻ khác! Không ngờ suốt chiều dài thăm thẳm của lịch sử, loài người đã bị cuốn theo cái điều tối vô lý ấy, các cuộc chiến to nhỏ đã nối nhau diễn ra và món khoái khẩu nhất của chúng chính là máu tươi, thịt tươi!
Thấy Huy không trả lời, Nhữ lại tiếp:
-Để Huy đi một mình tớ cũng lo lắm. Thôi, kỳ này cho tớ đi với nhé, cho vui!
-Mày buồn cười, lúc nào cũng cứ như ...chị tao ấy. Mà mày muốn đi thì phải hỏi thày mày chứ, rồi còn các chú ở xã đội nữa.
-Các chú ở xã đội thì không lo, đang tổng động viên mà, còn thầy tớ tớ cũng đã hỏi rồi. Đầu tiên tưởng ông già không cho, không ngờ ông lại bảo, đến Hà Nội cũng còn bị bỏ bom, chiến tranh leo thang thì dù có ở quê để tránh hòn tên mũi đạn cũng chả tránh được, tớ muốn đi thì đi!
Sau gần ba chục năm, cuộc nói chuyện hôm nào vẫn còn hiển hiện trong ký ức Huy. Là người trong cuộc, chính anh vẫn phải luôn ngạc nhiên mà tự hỏi rằng, không biết trên trái đất này có dân tộc nào như vậy không, có một thời, thanh niên đã rủ nhau đi bộ đội, vào nơi đầu rơi máu chảy cứ như đi trảy hội?!
*
Sau một năm huấn luyện tại vùng đồi Quảng Ninh, đầu năm 74, đơn vị Huy và Nhữ vào chiến trường. Nửa năm đầu cả hai đều được chọn trong số những người học cao (tốt nghiệp cấp III) làm đội mẫu của Ban Quân huấn Quân khu Miền Đông, đóng tại Chiến khu Đ. Công việc của họ vẫn là huấn luyện để diễn tập minh họa trong những đợt chỉnh huấn.
Lúc đầu, bộ mặt ghớm ghiếc của chiến trường chưa hiện ra trước những người lính trẻ. Mảnh đất “Gian lao mà anh dũng” đã mang đến cho họ nhiều chuyện lạ; họ được biết nhiều loại trái cây rừng; họ cũng vô vàn thích thú khi ban đêm được đội đèn đi săn cùng những bậc đàn anh kỳ cựu, rồi được thưởng thức đủ loại thịt thú, từ heo, nai, mễn, cheo, rùa, kỳ đà đến cá sấu... Ban ngày họ tập lại những bài tập đánh lấn, đánh công sự vững chắc, đánh binh chủng hợp đồng,... Ban đêm, tòng teng đu đưa trên những cánh võng, dưới mái lá trung quân; giữa nền đêm sâu thẳm, tĩnh lặng, họ nằm nghe tiếng sông Đồng Nai rì rầm trò truyện cùng với những vách đá rêu phong, tiếng thú rừng thảng thốt gọi bạn giữa đêm khuya... Thì ra, giữa chiến trường không chỉ có ác liệt, mà cũng nhiều thơ mộng lắm. Đó chính là những lúc hiện về trong đáy sâu tâm khảm họ hình bóng của mẹ và những người thân, và bồi hồi hơn cả là những cô bạn gái! Dù tuổi 17, 18 ở thôn quê thời ấy, hầu hết họ cũng thường mới chỉ biết thập thò trước ngưỡng cửa của ngôi nhà tình yêu, còn bao nhiêu bí mật huyền diệu, nguyên trinh vẫn được cất giấu rất kỹ lưỡng phía sau những cánh cửa! Huy và Nhữ cũng có một người bạn gái cùng xóm như thế. Họ chơi với nhau, học với nhau từ nhỏ. Nhưng khi người con gái đến thời má thắm môi hồng, bộ ngực căng dần lên dưới lần áo mỏng, với bản tính nhường nhịn, Nhữ đã dần tự tách ra một khoảng cách, tạo điều kiện cho Huy gần Liên Hơn.
Đêm đêm, nằm đung đưa trên cánh võng, thỉnh thoảng nỗi nhớ Liên cồn cào, da diết lại tràn ngập lòng Huy; trong xa cách, người bạn gái hiện lên mới đẹp và dịu hiền xiết bao! Anh cũng có một buổi chiều chia tay giống như bao chàng lính trẻ khác. Chiều ấy, cũng vẫn chỗ cây cầu, anh ngồi đợi Liên, vì ở vị trí ấy, mặt trời đỏ ối trước khi khuất dần sau đường chân trời, len lỏi như giăng mắc ở các cành đa, cả một khoảng trời rực lên một phông ánh sáng đã được hơi nước tán sắc thành mầu cam sậm, vô vàn tia hồi quang muôn hồng ngàn tía dệt nên trên đó những dải nan quạt. Lúc đó, Liên đến với anh, tóc bay bay, rực sáng, trông Liên không phải đi mà như lướt trên mặt đất; không phải từ một ngõ nhỏ ra mà như trên tận chín tầng trời buớc xuống, bằng chính những bậc thang ánh sáng!... Nhưng thực sự giữa hai người mới chuyển từ giai đoạn xưng hô “mày, tao” trẻ con sang gọi tên chứ chưa một lần nói đến chữ yêu. Trước khi xa nhau, không thể không nói, nên Huy đã ngập ngừng:
- Kỳ này tôi đi bộ đội, Liên có buồn không?
- Liên không buồn...chỉ... nhớ thôi.
-Thế...Liên nhớ ai?
- Hỏi thế mà cũng hỏi, ghét ghê!
- Liên ơi, hôm nay tôi muốn nói với Liên... một chuyện... quan trọng đấy.
- Huy nói đi...không sao đâu!
- Ờ... tôi muốn nói là... là tôi... mai đi bộ đội đấy!
-Thì...Liên biết rồi mà.
- À, đúng rồi, tôi muốn nói là... Liên ở nhà đi học tiếp nhé. Nhớ bao giờ đi lấy chồng đừng quên tôi.
- Ứ...Liên sẽ không đi lấy chồng đâu!
Cứ thế, như bao đôi trai gái thẹn thùng khác, điều muốn nói Huy vẫn chưa nói được. Hồi nhỏ, chí choé cấu véo nhau thật tự nhiên, nhưng lúc chia tay, một cái nắm tay vẫn ngại. Đọc tiểu thuyết thấy chỗ nào nói đến chữ hôn là đánh dấu thật kỹ, thỉnh thoảng lại dở ra đọc đi đọc lại; trong những đêm trằn trọc, ngọn lửa bản năng cháy lên mãnh liệt trong cơ thể trẻ trung của những chàng trai, những “vùng cấm” trên thân thể người thiếu nữ thực sự là thiên đường bí mật; thế nhưng trước người yêu, rất ít trai làng dám khám phá, ngay cả việc đơn giản nhất là thực hiện một cái hôn thôi! Để rồi, sẽ lại nuối tiếc cả một đời. Cái hôn ở thôn quê thời ấy vẫn là một điều “hệ trọng”. Giữa cánh rừng thăm thẳm, Huy cũng thấy tiếc nuối, nếu mai đây, giả dụ trong cuộc chiến này mình mất đi, hóa ra cái hôn mặt ngang mũi dọc thế nào vẫn chưa biết! Khỉ thật! Huy thấy người bạn gái thật hiền, chẳng khác gì cô Tấm trong câu chuyện cổ, nhưng cô Tấm của Huy không nón thúng quai thao, áo dài tứ thân, chỉ áo gụ, cổ trái tim thôi... Bất chợt, những vần thơ không biết ở đâu bỗng chốc hiện về . Anh liền đốt vội chiếc đèn dầu mà lính Miền Đông thường tự tạo bằng chai dầu muỗi, lấy giấy bút cặm cụi viết:
Những hạt mưa mang theo mầu đêm
Rơi êm đềm trên tán cây, vạt cỏ
Những hạt mưa đều đều như nhịp thở
Làm trào lên nỗi nhớ đêm nay !
Ở nơi em mưa có đang bay?
Để mát lành vây quanh giường em ngủ...
Huy chợt giật nẩy người khi giọng Nhữ bất ngờ vang lên:
-Ông tướng làm thơ hả, nhớ nàng rồi phải không? Vừa nói Nhữ vừa giật tờ giấy trong tay Huy - Đưa tớ đọc thử xem sao?
-Thơ tớ chỉ là thơ con cóc thôi, cậu thấy đấy, hồi đi học toàn xơi ngỗng môn văn, thỉnh thoảng lắm mới được điểm năm.
Nhưng đọc xong, Nhữ lại reo lên:
-Ô! Thơ Huy cứ như thơ của nhà thơ chính hiệu ấy. Hay thật! Nhưng sao trời đang sáng trăng vằng vặc thế này mà lại nói là trời mưa?
-Mày không thấy người ta bảo nhà văn nói láo nhà báo nói phét à? Sáng tác thì phải bịa chứ! Tao viết về nỗi nhớ, nỗi nhớ tức là phải buồn, vì thế phải nói trong khung cảnh trời mưa sẽ hợp hơn. Đấy, tao nghĩ như thế đấy.
-Ừ, thầy dạy văn cũng bảo, muốn sáng tác phải có năng khiếu chứ không phải cứ học giỏi môn văn là được đâu. Mà Huy đâu phải học dốt văn, chỉ cái tội lười không thuộc thơ văn để lấy dẫn chứng khi làm bài thôi.
-Đúng thế thật! Tao không bao giờ thuộc nổi thơ văn trong sách giáo khoa mày ạ!
*
Thời gian thơ mộng đối với những người lính trẻ qua nhanh, cuối năm 74, bộ mặt chiến tranh thực sự hiện ra với đầy đủ sự hung tợn, ác liệt của nó. Lúc này, tại Quân khu bộ, những người lính cơ quan cũng được tổng động viên, một trung đoàn được thành lập để bổ sung cho Cánh quân hướng Đông. Cuộc Tổng tấn công vĩ đại chưa từng có trong lịch sử dân tộc sắp bắt đầu! Huy và Nhữ vẫn được ở cùng nhau trong một trung đội thuộc C2, D74, E5, Quân khu Miền Đông.
Sau nhiều năm, những hình ảnh của một thời gian khổ, khốc liệt nhưng hào hùng ấy, tuy không còn mạch lạc, nhưng luôn khắc sâu những ấn tượng trong ký ức Huy. Những buổi chuyển quân vai chảy máu khi phải vác những quả đạn to như con lợn nhỡ; mùa mưa đất đỏ bám theo mỗi bước đi nặng trịch như đeo hai quả chùy; dốc cao trơn nhẫy, bàn chân phồng rộp, bỏng rát, tứa máu, còn luôn bị trượt khỏi dép, đạp lên những hòn sỏi, buốt thấu đến tận tim óc! Những đêm đào công sự sỏi trắng, sỏi đỏ chặt như nêm, cuốc chim tóe lửa, không gì thất vọng cho bằng phía dưới lại hiện ra lù lù cái lưng tảng đá xám ngoét như lưng con voi; giờ G đã sắp điểm mà phải bắt đầu đào lại. Những lúc như vậy, bên Huy lúc nào cũng có Nhữ đỡ đần, thằng bạn răng hơi vổ, da hơi đen, tính tình chu đáo như một bà chị cả, nhưng lại khỏe mạnh chắc nịch như một tay lực điền chính hiệu. Hồi đi học, dù điểm thi thường là cao hơn Huy nhưng Nhữ lại rất phục Huy, bởi Nhữ biết là Huy có tài. Huy ít học bài, nhưng những bài toán khó nhất cả lớp không ai giải được, thì người lên giải sẽ lại chính là Huy, cái thằng bạn khác người, thất thường, lầm lì, mắt xếch, vóc dáng có phần hơi ẻo lả. Một trong những lý do có vẻ ngây ngô khiến Nhữ xung phong đi bộ đội là để được ở bên giúp Huy, vì Nhữ thấy tính Huy không hợp với chiến tranh. Chiến tranh cần sự cẩn trọng, chu đáo, kiên trì, kịp thời...; chiến tranh không mang tâm hồn nghệ sĩ; nó không có chỗ cho sự tùy hứng. Viên đạn ra khỏi nòng súng bay rất nhanh và thẳng, cứ thế xuyên qua mục tiêu, nó không biết xúc động!
Giờ đây, trong tất cả những hình ảnh xa vợi, hỗn độn, nhòa nhạt của quá khứ, thì trong ký ức Huy, trận đánh đầu tiên, hình bóng thằng bạn thân yêu, luôn hiển hiện rõ nét hơn tất cả.
*
Trận ấy, đơn vị của Huy và Nhữ được giao nhiệm vụ dùng 1 tấn bộc phá giật đổ cây cầu La Ngà bắc qua sông Đồng Nai trên một tuyến giao thông quan trọng, rồi trụ lại chốt chặn, cắt đường chi viện của Sư 18 địch, để quân ta tiến hành chắc thắng những trận đánh phía 66 Phương Lâm, Định Quán. Với những người lính binh nhất 19 tuổi như bọn anh thì chỉ hiểu được láng máng như vậy.
Đêm ấy, hai đại đội, C2 của Huy và Nhữ và C1 thuộc D74, tiếp cận ấp La Ngà, mỗi đại đội một bên đường, hỗ trợ cho một trung đội đặc công thủy chuyển khối bộc phá tiếp cận mục tiêu; giờ G điểm hỏa, các bộ phận sẽ xông lên đột ấp, xây chốt...
Từ nơi đóng quân bên một khe suối, hành quân qua những khu rẫy chuối, đu đủ trĩu quả, những rừng mía bạt ngàn, đoàn quân rồng rắn nhấp nhô, súng đạn đầy mình, lầm lũi đi trong ánh hoàng hôn. Đến một rẫy mía ở bìa ấp đơn vị dừng lại.
Mọi người để nguyên ba lô ngả lưng, chờ đợi. Lúc này, Huy đã tự hỏi, không biết rồi sau trận đánh này trở về sẽ thiếu ai, số đó có mình không? Nếu có, không biết mặt mũi cái chết sẽ như thế nào? Những người bạn cũng đang im lặng, đang trầm tư như anh kia, trước trận đánh đầu tiên này, không biết họ đang nghĩ gì? Sau này, Huy đã được xem nhiều phim ảnh chiến tranh, với con mắt của người từng tham chiến, anh thấy nhiều phim, người lính chỉ như là những mô hình để thực hiện các ý đồ của đạo diễn: hoặc hớn hở coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, hoặc mặt đằng đằng sát khí coi quân địch như cỏ rác. Không, không phải! Người lính trong chiến trận không phải như vậy! Không phải ai cũng là anh hùng, ai cũng là gỗ đá! Trước khi là lính, họ đều là, hoặc những chàng trai nông dân cù mì, đa cảm, hiền từ, hoặc những chàng học sinh ném lỉnh; trước mỗi trận đánh, bản năng sinh tồn trỗi dậy, không người lính nào không nghĩ đến cái chết; không ai không sợ chết; họ rất hiểu giá trị của cuộc sống, hiểu nỗi đau để lại khi mình mất đi; họ lo lắng cho mẹ, cho những người thân yêu... Nhưng bên cạnh đó, họ cũng lại là những chiến sĩ được giáo dục; có ý thức rất rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ... Tất cả, tất cả những tình cảm, những tâm trạng, những nghĩ suy ấy đã trộn lại trong đầu óc họ, tạo nên một trạng thái bồi hồi, náo nức, cùng những âu lo, phấp phỏng... thật khó diễn tả.
Rồi giờ G đã điểm, một ánh chớp bỗng nháng lên chói gắt, sáng lóa cả một vùng; một tiếng nổ long trời lở đất, như ngàn vạn tiếng sét được bó lại đồng loạt gầm lên; nước, đất đá dưới sông Đồng Nai được ném lên rào rào. Trong thế bất ngờ, và trạng thái kích động bởi tiếng nổ, các mũi nhanh chóng đột ấp. Huy cố bám theo đội hình. Lần đầu tiên vào một ấp miền Nam cũng nhiều lạ lẫm, rất nhiều cây cối lúp xúp, Huy chỉ nhận ra được cây chuối, cây mít quen thuộc. Bàn chân, hai ống chân bị dây thép gai và gai mắc cỡ cào tứa máu, hai đầu gối húc vào những tảng đá nằm phục trong bóng tối sưng vù, vậy mà Huy không cảm thấy đau đớn gì. Hình như tất cả ý thức được huy động hết vào cái công việc cấp bách, hệ trọng, hiểm nguy, nên những cảm giác đau đớn thông thường bị lấn át hết cả, và các đầu dây thần kinh cảm giác cũng quên mất nhiệm vụ của mình! Đến các vị trí xung yếu: những ngã ba, đỉnh dốc, ụ đất, lùm cây... đơn vị dàn quân; cứ một tổ ba ba, lính mới lính cũ kèm nhau, chung một hầm. Tổ của Huy ngoài Huy ra còn có Phẩm và Dũng. Phẩm quê ở Tiên Lữ, da đen trũi, hồi ở nhà chuyên đóng gạch, người chắc nịch như con gấu; còn Dũng là tiểu đội trưởng, một cựu binh, dân Long An, từng là du kích, đánh nhau rất chì, nhưng rất hay chửi thề. Bọn Huy rất may là tìm được một căn hầm rất kiên cố có sẵn của dân, nó lại được một cây mít cổ thụ lúc nào cũng như khom lưng che chở cho. Tổ của Nhữ ở bên cạnh, cách hầm Huy vài chục mét.
Ngay sau tiếng nổ, như con thú đang ngủ say bị đánh thức bất ngờ, bọn địch đóng ở lô cốt hai bên cầu bừng tỉnh và lập tức nã đạn. Súng đạn các cỡ thi nhau gầm lên loạn xạ, xé không khí chiu chíu, vạch những đường đạn đỏ lừ, loằng nhoằng đan nhau, rạch nát màn đêm. Nhưng giữa khoảng đen bao la, chúng không thể biết đâu là mục tiêu, nên cũng chỉ bắn hú họa, và cũng không thể đổ đạn vô tội vạ mãi được. Không gian lại trở lại im lặng, nhưng là cái im lặng đã được kéo căng ra như sợi dây đàn, cái im lặng trước một trận động đất, một cơn bão!
Sáng ra, như vừa ăn sáng, cà phê cà pháo đàng hoàng xong, pháo địch từ bốn hướng bắt đầu khạc đạn. Một trận đánh nhỏ đầu chiến dịch chẳng khác gì đụng vào tổ ong, tất cả các cụm pháo ở vùng xung quanh như Định Quán, Túc Trưng, Gia Kiệm, cây số 125... bu lại, rót pháo như giội nước; cái ấp nhỏ rung lên bần bật như một hòn đất bị vồ nện. Căn hầm Huy nằm bên những căn nhà lợp mái tôn, pháo đụng nổ ngay trên mái. Tiếng pháo nổ gần rắn đanh, đinh tai nhức óc, áp suất cao như dứt da dứt thịt, trộn với tiếng những mái tôn bị đập như trăm ngàn phèng la cùng gầm lên ù tai, lộng óc. Những tấm tôn bị dứt xé bay lên trời lả tả như những tàn giấy, rơi xuống xoang xoảng, xoang xoảng! Không khí khét lẹt mùi thuốc súng trộn với mùi nhựa cây cháy, căn hầm chao đảo như một tổ chim trước giông bão...
Pháo ngừng, bọn bộ binh lập tức tấn công. Chiếc cầu không sập, hình như do bộc phá được điểm hỏa trong tình trạng thả trôi nên nổ không chính xác. Một bộ phận bọn Sư đoàn 18 bên kia sông cứ từng đợt, từng đợt tràn qua cầu đánh nhau với tiểu đoàn của Huy, hòng đoạt lại cái ấp. Qua cửa hầm, Huy nghe thấy phía ngoài lộ tiếng xe ô tô và tiếng bọn lính hô hét, chửi thề nhộn nhạo, anh cũng nhìn thấy thấp thoáng bọn chúng đầu cát-ket, lưng ba lô, quân phục xám xanh, tay cầm súng, băng đạn quấn đầy mình, từ trên xe nhảy xuống. Bọn địch mà anh đã được biết từ vô vàn thông tin thực sự là như thế ư? Biết là chúng cũng thuộc giống người như mình nhưng anh vẫn cảm thấy có cái gì đó rất khác biệt, cứ như một loại sinh vật nào đấy rất nguy hiểm mà bọn anh cần phải tiêu diệt ngay, nếu không, chính chúng cũng đang hùng hổ lùng sục bọn anh để tìm diệt... Nhưng đây chỉ là những cảm nghĩ của Huy trong trận chiến, còn sau giải phóng anh đã nghĩ khác khi thấy bàn thờ của gia đình anh quen đầu tiên bên nơi đóng quân thờ hai cha con ở hai phía trận tuyến! Rồi khi lấy vợ người miền Nam có hai chú ruột, một đại úy, một cha tuyên úy, anh đã nói: “Mỗi cá nhân chỉ như hạt cát sẽ bị con lốc cuộc đời cuốn đi, nếu con ở miền Nam cũng có thể con bị bắt đi lính Cộng hòa”. Nhiều lúc nghĩ lại, anh không ngờ mình đã thực hiện chính sách hòa giải hòa hợp một cách tự nhiên nhất. Còn trong trận chiến, trước giây phút sinh tử, một mất một còn đó, làm sao có thể nghĩ một cách “nhân văn” như vậy được, chỉ có một ý chí tiêu diệt lẫn nhau mà thôi!... Khi bọn địch tới gần, những căn hầm quân ta ở gần lộ đã phát hỏa đầu tiên. Huy chỉ nhận ra tiếng AR15 của địch nổ đanh gọn và nhanh hơn, còn tiếng AK nổ trầm hơn và âm vang hơn, có sức uy hiếp hơn; còn tất cả là một mớ âm thanh của B40, B41, M79, pháo, cối... hỗn loạn trộn vào nhau, chát chúa, rú rít, gầm gào, nghiền nát sự yên tĩnh của không gian và tâm trạng con người.
Tại hầm Huy, Dũng có kinh nghiệm nên ở cửa hầm cảnh giới. Lúc này, không gì làm những người lính mới bình tâm cho bằng khi được ở bên cạnh những bậc đàn anh dày dạn trận mạc. Hai người chuẩn bị sẵn sàng ở dưới, được lệnh của Dũng sẽ đội hầm đánh địch. Một toán quân địch đang lò dò tiến đến phía hầm của Huy. Tuy rất tỉnh táo nhưng trước giây phút lần đầu giáp mặt với quân thù, với cái chết, cơ thể những người lính mới tự nhiên run bắn lên, không sao kìm lại được, bản năng sinh tồn mạnh hơn nhiều lần lý trí, nghe nói có người còn “tè”cả ra quần nữa. Bọn địch đã tới tầm bắn, Dũng hét:
- Phẩm đâu, lên bắn B40 ngay!
Phẩm lóng ngóng mang B40 lên mặt hầm, nhưng cứ loay hoay mãi.
- Bắn ngay vào tụi núp ở gốc hồng xiêm kia!
Phẩm vẫn chưa bắn mà lại gọi Huy:
- Huy ơi, lấy tao ít giẻ đút lỗ tai, mày!
Trong tình trạng căng thẳng như vậy mà Huy còn phải bật cười, vội xé miếng vải lau súng ngoi lên hầm đưa cho Phẩm. Đang ở dưới được đất che chở, lên trên trống trải, Huy bỗng thấy sống lưng lạnh toát, anh chợt hiểu cái mà người ta gọi “hở sườn” là như thế nào, và cái tâm trạng mình là mục tiêu bị ngắm bắn là như thế nào.
Dũng văng tục :
- Đ.má! Lẹ lên! Nó liệng cho trái lựu đạn chết ráo trọi bây giờ!
Phẩm chưa kịp bắn, còn Huy, như phản xạ tức thời sau lời giục giã của Dũng, liền nghiến răng bóp cò khẩu AK, báng súng thụi vào vai anh, nòng giật ngược lên trời, cả băng đạn đuổi chim cò hết! Lập tức Huy cảm thấy đầy phấn khích, mấy tay cựu binh nói đúng thật, khi súng đã gầm lên trong tay rồi thì đếch còn sợ gì nữa! Nhưng anh lại thấy Dũng văng tục:
-Đ,má! Bắn gì kỳ vậy? Hết đạn, rồi bắn bằng gì?
Đúng là trong tình trạng hồi hộp, bao nhiêu bài học điểm xạ “pằng pằng” hai phát một quên béng đi mất. Nhưng có điều đặc biệt nghiêm trọng là, khi đánh phục kích mà bắn không trúng ngay loạt đạn đầu, sẽ chẳng khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”! Bọn địch phát hiện ra ngay mục tiêu, lập tức bắn rát rạt, hai luồng đạn đan chéo cánh sẻ ghìm đầu bọn Huy xuống. Tình thế thật nguy kịch, không biết xử trí ra sao, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Một suy nghĩ rất nhanh lóe lên trong đầu Huy, không lẽ mình lại chết vô duyên ngay phút khởi đầu thế này sao? Bao công lao sinh dưỡng của mẹ cha, bao năm tháng học hành, bao ước mơ... rồi bao ngày tháng tập luyện kỳ công nữa, không lẽ bị cắt ngang đơn giản thế sao? Sinh mạng con người trong chiến tranh sao quá mong manh!... Bỗng một tiếng nổ gầm lên, súng địch im bặt, bọn Huy cũng định thần lại bắn bồi thêm ngay, hất bọn địch xuống dưới con dốc. Lúc này Huy mới nhìn sang phía hầm Nhữ, thấy khẩu B41 trên vai thằng bạn còn bốc khói, còn nó thì toe toét, không biết do cười hay tại hàm răng của nó hơi bị mất trật tự! Mẹ kiếp! Mày chỉ chậm tí ti là tao toi rồi! Lần đầu tiên anh cũng hiểu được “chia lửa” ở chiến trường là như thế nào, và tình đồng đội không chỉ là tình bạn thông thường mà còn hàm chứa những ý nghĩa thiêng liêng! Phía trước mặt, Huy thấy rõ một cái đùi của một thằng lính bị tiện đứt, mặt cắt của nó lùi xùi gân trắng nhởn, nhớp nhúa thịt máu đỏ lòm, quần áo còn bốc cháy loang lổ.
Ngày đầu hình như địch cũng mới chỉ thăm dò, sự giành giật chốt còn chưa ác liệt. Cả tiểu đoàn chỉ vài người bị thương nhẹ. Chiều ấy, bọn Huy ăn bữa cơm đầu tiên trên trận địa, mỗi người được anh nuôi chia cho một nắm cơm, Huy ngồi nhai mà thấy như miệng mình nhai rơm.
Đêm xuống, trận đánh tạm nghỉ, không biết những trận giữ chốt khác có giải lao thế không? Chiến tranh với những người lính đã có một ngày kinh nghiệm không còn quá bí hiểm nữa.
Sáng sau, mới tinh mơ, mắt còn cay xè sau một đêm chập chờn thức ngủ, Huy ngạc nhiên khi thấy Nhữ đã khệ nệ bưng sang hầm anh một nồi to, toe toét:
-Tớ tóm được một con gà bị thương, nấu một nồi mì tôm đây này, cố ăn đi mấy tướng, lấy sức mà đánh nhau!
Không hiểu mì miếc, nồi niêu xoong chảo, củi lửa nó lấy đâu ra, mà lúc này Huy mới để ý, không biết dân ấp có được sơ tán trước không mà mấy căn nhà gần hầm Huy không có ai cả. Huy nói với Nhữ:
-Thôi mày về hầm đi, kẻo pháo nó lại bắn đến ngay bây giờ đấy!
Quả thực, khi bọn Huy chưa ăn hết nồi mì tôm, mà miệng đắng nghét khô khốc cũng chẳng nuốt nhiều được, pháo địch lại bắt đầu dội đến, dữ dội hơn, ác liệt hơn ngày đầu. Cứ sau khi pháo ngừng là bọn bộ binh lại xông lên. Quân ta, có công sự nên đánh trả quyết liệt, hắt chúng xuống dễ dàng. Những quả B40, B41 có sức uy hiếp rất lớn, cứ nện cho một phát, có mấy thằng bị thương vong là chúng lui ngay. Nhưng không vì thế mà trận chiến kém ác liệt. Đạn, pháo vãi như trấu không thể không trúng mục tiêu. Một người trung đội trưởng đã bị thương rất nặng, một mảnh pháo xuyên qua ngực, qua cả khuỷu tay anh. Hai thằng khiêng anh về tuyến sau kể “thấy rơi ra cả một miếng gan!”,
Huy nghĩ chắc máu đông chứ gan rơi ra thì làm sao mà còn sống được! Ai cũng tưởng anh không qua khỏi, nhưng thực tế đến nay anh vẫn còn sống. Người ta bảo trong chiến trường có sự linh ứng ngược, người bị thương tưởng chết thì hay sống, ngược lại, người tưởng chắc sống lại hay bị chết!
Khoảng 10 giờ trưa, thấy một đợt pháo vừa bắn tiếng có vẻ trầm hơn, Dũng liền nói:
-Tụi nó bắn pháo khoan đó, tụi bây! Cứ khi nào tiếng đề-pa nghe gọn là nó bắn về hướng mình đó!
Quả thực, phải kinh nghiệm như Dũng mới nhận ra được vậy, còn Huy chỉ cảm thấy duy nhất một cảm giác y như bị nhốt bên trong một thùng phuy mà bên ngoài có người quại búa tạ vào. Rất may căn hầm anh núp dưới cây mít to, pháo đụng là nổ ngay trên cây, nên không việc gì. Đến khi một đợt pháo dài tưởng vô tận vừa ngừng, bọn anh chợt thấy đại đội trưởng Bảy lù lù ở cửa hầm quát:
-Mang cuốc xẻng sang moi hầm thằng Nhữ ngay!
Giời ơi! Huy nấc lên, bật dậy. Anh Lộc y tá đã có mặt. Căn hầm bị san phẳng y như người ta vừa bốc mộ lấp đất lại. Không lẽ dưới mặt đất câm lặng kia đang có ba sinh mạng, lại còn có cả thằng bạn chí thiết của mình nữa! Nhữ ơi! Chúng mày đang ra sao?!
Mọi người khẩn trương moi hầm. Đất, cát, những cây gỗ, những tấm ván lót hầm được kéo lên. Một cái đầu, tóc đen nhẫy, nhòe nhoẹt máu trộn đất, hiện ra. Đại trưởng kêu lên:
- Moi mũi cho nó thở!
Mọi người nhận ra Khuê và chỉ thấy “phì” một cái rồi thôi; Khuê đã bất tỉnh, nhưng còn thoi thóp. Sau này, vốn có tính tò mò, Huy đã hỏi Khuê là thấy thế nào trong cái lúc bị chôn sống ấy? Không ngờ, câu trả lời của Khuê thật đơn giản: “Không thấy gì cả”! Thì ra, cái chết đến với người trong cuộc không kinh khủng quá như những người chứng kiến! Hai người xốc nách Khuê mang lên đặt bên cây vú sữa để anh y tá làm những việc cấp cứu. Moi được một lúc nữa thì tìm được Thái, người nhỏ bé, đã khá tuổi, hàm răng như nhuộm đen, quê Thái Bình. Anh bị một mảnh pháo nhỏ xuyên qua chỗ mang tai và đã hy sinh! Còn lại mình thằng bạn của Huy. Làm sao mày sống nổi dưới vô vàn mảnh pháo khoan như thuốn kia? Nếu không bị thương thì cũng làm sao mà thở được? Tự dưng tay chân Huy bủn rủn, luống cuống, nên anh được thay ngay. Rồi Nhữ cũng đã được tìm thấy. Một cây đà đè ngang ngực làm gẫy tay và xương sườn Nhữ; máu trào ra cả mũi và miệng; giữa trán một mảnh pháo khoan xuyên qua để lại một vết thương chỉ nhỏ như hạt đậu, nhưng nó vẫn đủ sức giết chết Nhữ ngay! Thế là hết! Một nỗi trống vắng mênh mông dâng ngập lòng Huy. Ý muốn được trả thù cũng cuồn cuộn dâng lên!
Trận ấy, vì không giật đổ được cây cầu, tiểu đoàn của Huy đã phải trả giá bằng trận đánh giữ chốt khốc liệt, các anh đã chặn địch không phải bằng việc cắt đường giao thông mà bằng chính tính mạng của mình. Nhiệm vụ đã hoàn thành, nhưng đơn vị thương vong gần hết. Có điều, mọi người không ngờ rằng, đi đánh sập cầu mà lại giữ được cầu, không hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ nhưng lại làm nên một chiến công ngoài dự tính! Bởi sau đó chiến dịch phát triển quá nhanh, thế trận thay đổi, chính chiếc cầu lại làm nhiệm vụ nối liền một trục đường tiến công của đại quân ta đánh Long Khánh, trận đánh ác liệt nhất, mở cánh cửa máu tiến về Sài Gòn!
Sau đó, bọn Huy đã chôn Nhữ và đồng đội tại một bìa rừng. Đêm lạnh, xác mấy người co quắp lại. Bọn Huy đã vào nhà dân lục tìm dầu nóng để bóp, nhưng không biết lại lấy nhầm dầu 777, nên cái mùi dầu này còn ám ảnh anh mãi đến tận hôm nay. Huy để Nhữ nằm gối đầu về phía Nam để lúc nào Nhữ cũng có thể nhìn được về quê hương mình. Ngoài lọ penexilin để tên tuổi, Huy cũng đẽo cho Nhữ một tấm bia gỗ.
Thế đó, với Huy, chiến trường thực sự chỉ có mấy tháng cuối cùng của cuộc chiến như vậy, trận đánh thực sự ác liệt cũng chỉ có trận đầu tiên ấy. Nó chỉ như một ví dụ về chiến tranh đối với cuộc đời anh, thế nhưng vẫn cho anh thấy toàn bộ sự tàn khốc của nó, sự mong manh của tính mạng con người trước đạn bom, sự sợ hãi của con người khi đối diện với cái chết, sự đớn đau trước những mất mát hy sinh... và cuối cùng, nó cũng cho anh biết được thế nào là niềm vui chiến thắng! Cái niềm vui không giống với bất cứ niềm vui nào, nó lớn lao hơn tất thảy, cao cả hơn tất thảy, bởi nó được đổi không phải bằng bất cứ thứ bạc vàng châu báu nào, mà bằng một thứ còn quý giá hơn vô vàn lần: đó là máu, là chính sự sống!
*
Sau đó, hòa bình về, sau khi thi xong vào đại học, Huy mới về quê. Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc đời anh. Sự gặp mặt vui mừng hơn nhiều lần sau xa cách, sự sống quý giá hơn vô vàn lần sau trải qua chết chóc, những người lính trẻ về quê thực sự như những người anh hùng!
Huy đã đến thăm cha Nhữ. Anh chàng đã mang nguyên vẹn niềm vui và cả cái tuổi trẻ nông nổi đến gặp ông, mà không biết rằng, nỗi đau của người cha mất đứa con độc nhất, nỗi đau tuyệt diệt của một dòng họ, cuồn cuộn dâng lên trong lòng ông. Anh chàng còn ngu ngốc tỏ ra hãnh diện, như là một ân nhân, bởi là người đã chứng kiến cái chết của con ông, đã mai táng chu đáo cho con ông, rồi lại còn mang về giao lại cho ông bao kỷ vật nữa! Anh chàng cũng còn hứa hươu vượn nhiều điều với người cha tội nghiệp, mà sau này, cuộc sống trong hòa bình không phải chỉ có mầu hồng như anh chàng tưởng, anh chàng đã không thực hiện được điều gì. Ngay tình yêu với cô bạn cùng xóm xinh đẹp kia, trong gian khổ hy sinh, trong xa cách, tưởng như như bất tử, nhưng anh chàng lại thấy là “không hợp” giữa cuộc sống bon chen nơi phố xá. Nếu cưới Liên, chỉ mỗi việc lo “chuyển hộ khẩu” thôi, cũng đã đủ làm cho Huy khiếp vía rồi. Chia tay Liên Huy cũng tiếc, nhưng đành vậy. Tồi tệ hơn nữa là, những lần về quê Huy lại ngại không đến thăm cha Nhữ, với cái cớ, đã không giúp được gì thì thôi, đến gặp chỉ gợi thêm trong ông những đau khổ... Chỉ khi khá thành đạt, suy nghĩ cũng chín chắn hơn, anh chàng định làm một điều gì đó có ý nghĩa cho ông cụ, thì ông đã chết! Chua xót thay!
Nhữ ơi, tao đã trả ơn mày như thế đấy! Thằng bạn suốt đời chỉ biết nhường nhịn, cả tình yêu, cả sự nghiệp,... và cả mạng sống nữa. Như bao người lính trẻ khác, mày chưa nhận được tí ti gì của cuộc sống, mà cuộc sống hôm nay tồn tại được chính từ những cái chết của chúng mày! Cái điều quá cũ mòn ấy ai cũng biết, nhưng hành động để đáp trả thì không phải ai cũng nghĩ đến. Bây giờ, tao đã vác trên mình một khuôn mặt thành đạt. Sự thành đạt quyến rũ lắm, mày không biết đâu, nhưng để có nó cũng khó khăn lắm, nên nhiều người đã vì nó mà phải trả mọi giá, kể cả lương tâm mình! Thằng bạn của mày, tuy chưa đánh mất lương tâm, nhưng từ lâu có phải tao cũng đã là một kẻ vô tâm, một kẻ tham lam, ích kỷ rồi không?
Bình Thạnh -Ngày giỗ thứ chín của cha -13-5(âm lịch)1999 - Sửa chút ít 22-12-2008