Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
714
123.238.978
 
Biết đâu nguồn cội
Ban Mai

Tặng N.V.T.H và L.L.V.

 

Tàu đêm đến ga Sài Gòn vào lúc rạng sáng, thành phố vẫn chưa thức. Không gian thật yên tĩnh. Nhưng lòng tôi không yên tĩnh. Có một điều gì đó đang trào dâng trong tôi. Có phải tôi đang đi tìm bản thể của chính tôi. Tôi gọi điện cho Hương báo tin mình đã đến. Taxi dừng trước khách sạn. Cánh cửa cuốn được kéo lên. Một thiếu phụ thanh mảnh, tóc ngắn, dáng trí thức, đang đứng dưới tiền sảnh chờ đợi. Tôi nghĩ, có lẽ là Hương. Hương chào tôi với câu hỏi giản dị: “Có phải Mai không?” Tôi nhìn Hương mỉm cười. Một cảm giác thân quen xâm chiếm lấy tôi như chúng tôi đã từng gặp ở đâu rồi. Hương đỡ va li và kéo tôi vào thang máy. - Mai đến sớm quá, chắc là Hương mất ngủ? - Không sao đâu, Hương thức lâu rồi, nằm đọc truyện không ngủ được. Múi giờ thay đổi nên mình chưa quen. “Vào đi Mai”. Hương mở cửa, kéo vali đến cạnh tủ. “Mai treo đồ trong tủ mình, rồi nghĩ một tí đi, chắc mệt phải không?”.

 

Căn phòng xinh, trang nhã với hai chiếc giường đôi khá lớn so với tôi và Hương. Bên cạnh khung cửa sổ bằng kính, choán hết một mặt phòng là một bộ bàn ghế bằng mây đan. Ngoài trời mưa đang rơi. Tôi vào phòng tắm ngâm mình trong nước ấm, xua tan những suy nghĩ cứ mải miết chao lượn trong trí óc mình. Tại sao mình lại đến đây? Hương và tôi hoàn toàn xa lạ. Nhưng tại sao cả hai đều mong muốn gặp nhau. Điều gì đã thôi thúc chúng tôi như vậy? Chúng tôi biết nhau cách đây không lâu, khi cả hai cùng có bài đăng trên một tạp chí. Đọc xong tạp chí, rất băn khoăn về nhiều vấn đề, tôi phản hồi trong một lá thư, mong muốn cùng đối thoại. Rồi cả hai hẹn gặp khi Hương về Việt Nam lo chổ ở cho mẹ. Mẹ Hương cuối đời muốn sống ở quê nhà. Coi thi xong tại Nha Trang, tôi ra Hà Nội dự một lớp tập huấn, chỉ có một ngày nghỉ ngơi. Tôi gọi điện cho Hương, ngày mai mình sẽ đến.

 

Giống như những khách sạn khác, phòng tắm cũng để sẵn những thứ cần dùng. Tôi giữ ý, không muốn thay đổi trật tự của Hương. Tôi dùng khăn tắm, dầu gội và sữa tắm đem theo của mình. Tôi không muốn chạm vào đồ của người khác. Đêm qua Hương mất ngủ, múi giờ thay đổi làm Hương cứ dật dờ. Hai hôm nay cứ nằm mơ đâu đâu. Lần này trở về, Hương phải xuống Vũng Tàu tìm người chăm sóc mẹ. Sài Gòn mùa này buổi sáng lạnh, trời xám, giống như Cali những ngày đầu tiên ra khỏi trại tị nạn và định cư vào cuối thu năm 75. Trời cũng như thế này. Nhưng Sài Gòn không có sương mù và gió từ sa mạc thổi ra như lửa táp. Tôi nói quê miền Trung của Mai cũng có gió Lào thổi như lửa táp. Đêm qua Hương lại nằm mơ thấy đang dọn dẹp nhà cho mẹ ở Cali, bao nhiêu thứ góp nhặt trong 30 năm, một đoạn đời, một cuộc đời di dân. Những dấu vết xóa đi không còn gì. Như mẹ chưa từng đến, làm những công việc nặng nhọc, nhìn con cái lớn lên ở xứ này. Đến một lúc nào mình cũng không còn có mặt, không còn dấu vết. Cuộc đời của những người di dân như diễn ra để làm nổi bật quá trình biến mất của một con người. Hương nghĩ, rồi sẽ tới phiên mình. Đã tới phiên mình. Tôi và Hương ngồi cách nhau một cái bàn, hướng mặt ra khung kính nhìn mưa vần vũ ngoài trời. Mưa thật to. Miền Bắc đang bão lớn. Miền Trung đang lũ lụt. Đất nước này nhỏ bé như một bàn tay, chỉ cần một sự biến động của thời tiết là cả ba miền đều chịu ảnh hưởng. Huống gì chiến tranh?

 

Sài Gòn mưa ào ạt, xối xả. Sài Gòn cái gì cũng nhanh, gọn đến chóng mặt, mưa cũng vậy. Chợt nắng, chợt mưa. Đến rồi đi bất ngờ, không dấu vết. Hương nói lần nào về cũng ở khách sạn này, quen với ông chủ rồi, nên khi đặt phòng người ta để dành phòng này. Căn phòng nhìn qua khoảng sân thượng nhỏ nhà trước mặt có vài chậu cây cảnh không người chăm sóc, mọc vu vơ, hoang dại. Khoảng sân buồn, cô độc như cuộc đời một con người thầm lặng không ai quan tâm. - Cuộc sống bên đó ra sao Hương? Tôi hỏi. Hai đứa im lặng ngồi đọc sách, hỏi chuyện bâng quơ. Và kể cho nhau nghe về cuộc đời mình. Tôi biết, Hương cũng như tôi đang lật từng trang sách nhưng không đọc được gì. Thỉnh thoảng, tôi nhìn Hương qua mái tóc của mình và Hương cũng đang nhìn tôi như vậy. Hương là người Việt Nam nhưng không còn là người Việt Nam nữa. Xa quê hương 30 năm, hơn nữa đời người. Ra đi khi còn thơ dại giờ đã là một thiếu phụ trầm tĩnh, chín chắn. Hương hiện đang giảng dạy tại một trường Đại học ở Cali, cuộc sống tương đối thành đạt đối với người xa xứ. Hương nói, tâm hồn mình ảnh hưởng nhiều nơi xứ sở mình cư ngụ. Quan niệm, tình cảm, phong cách sống không còn là người Việt nũa, chỉ còn lịch sử của chúng ta là chung. Tôi hiểu điều Hương muốn nói. Đã bao người trở về, và hầu như ai cũng luôn trăn trở về căn cước của mình. Có lần, một người bạn phương xa tâm sự: “Trở về”. Suốt bao nhiêu năm chỉ mong ước duy nhất điều này. Trở về đất Mẹ. Trở về với tất cả sung sướng xúc động trong lòng. Nhưng rồi, giống tất cả người Việt sống ngoài tổ quốc, mình bất ngờ khi chứng kiến mình không được đối xử như người Việt, không được xem là người Việt, mà là Việt Kiều! Giá gấp đôi, mọi thứ đối đãi phân biệt… Đây là nỗi đau lớn nhất. Hai chữ “Việt Kiều” chưa bao giờ hiện diện ở hải ngoại từ sau tháng 4/1975, đột ngột hiện ra ở trên chính quê nhà”. Về quê hương nhưng không được coi là người của quê hương, ở xứ người thì cũng không phải là dân của họ. Vậy mình là ai? Hương nói, Hương mệt mỏi lắm rồi khi phải suy nghĩ mình là ai. Mình biết rằng trên xứ Mỹ chắc chắn mình không phải là dân Mỹ, nhưng mình nghĩ mình như là dân Mỹ. Tôi hiểu điều Hương muốn vượt thoát, đó cũng là tâm trạng chung của những người di dân. Tôi nhớ đến hình tượng độc đáo “chiếc bào thai đôi” của nhà văn Linda Lê đã từng ám chỉ nỗi khổ của những người ly hương. Đó không những là nỗi khổ của sự chuyển di về thể xác mà còn là sự đổi thay về tâm lý, những tra vấn tinh thần. Hương nói: Thư Mai viết cho mình đầy băn khoăn, mình hiểu những điều Mai khao khát, vậy ước mơ của Mai là gì? Ước mơ của tôi là gì? Tôi cười buồn bã, đã có thời tôi khao khát vượt thoát và cống hiến. Nhưng giờ đây, tôi chỉ mơ ước làm một người bình thường, sống hết mình cho cuộc đời để đi trọn một kiếp người. Nghĩ là vậy, nhưng thâm tâm sao tôi vẫn luôn thấy lòng đau đớn và dường như trong tôi lúc nào cũng như đang trông đợi điều gì. - …Còn những giấc mơ thì sao? Mai thường thấy gì? Những giấc mơ của tôi, tôi luôn muốn giải mã những giấc mơ, nhưng bao giờ cũng vậy tôi không sao giải thích nổi. Tôi thường thấy mình lênh đênh trên mặt nước, sóng biển thật to vồ chụp lấy tôi. Có hôm lại mơ thấy mình ngồi trên một căn nhà bằng tre, bềnh bồng trên mặt nước. Tôi đang bồng một trẻ sơ sinh bụ bẫm, sáng ngời. Đứa bé trần truồng, run lạnh không một mảnh vải che thân. Nhưng lần nào cũng vậy, tôi chưa bao giờ nhìn thấy mặt. Chỉ là cảm giác. Lại có hôm mơ thấy đi tìm ba. Ngày xưa, ba dạy tôi làm người phải có chí khí. Thời đại nào cũng vậy, người ta đều trọng người có tri thức và nhân cách. Cùng lòng nhân ái và vị tha. Tôi đã nghe lời. Tôi luôn nghe lời. Nhưng cuộc đời có vậy đâu ba? Thời đại mà tôi đang sống có phải là thời đại của loài người? Thời đại gì mà tất cả mọi người đều phải sống bằng lý lịch. Tri thức và nhân cách là mặt hàng ế phẩm. Thời đại gì mà con người đều không có quyền nói, quyền suy nghĩ. Không có cả quyền được quyết định yêu thương. Tất cả đều đã được định sẵn. Tôi đi tìm ba, trong tiềm thức tôi biết tôi đang đi tìm thời đại của ba. Tôi lang thang, lang thang qua những con đường, hẹp, nhỏ. Mờ mờ, sương khói. Giống như một cuốn phim quay chậm, tôi thấy mình đang bay bãng lãng trên những bậc cấp dẫn xuống lòng đất, không khí u ám như dưới âm ti. Một cảm giác lạnh lẽo, rờn rợn và cô độc bao trùm lấy hồn tôi.Tôi bước vào một hầm mộ, ánh sáng yếu ớt của ánh trăng mờ, làm tôi không nhận ra ba. Ba đang nằm trên một phiến đá. Không một mảnh vải che thân. Người ba khô đét. Mà sao ai lại xích ba vào phiến đá. Thấy tôi, ba như muốn chồm dậy, nhưng phiến đá đã kiềm giữ ba. Trong tiềm thức mà tôi lại bật khóc. Hãy trả lời cho con, con đang sống ở thời đại nào vậy ba? Tôi đang bơi và chới với, nước cuộn xiết, cuộn xiết. Tôi đang bị cuốn vào dòng xoáy. Tôi ngộp thở, tôi không thở được nữa. Người ta nói ma và người hơn nhau ở hơi thở. Tôi không còn hơi thở, tôi đã là ma sao? tôi chuẩn bị biến thành hồn ma. Có phải, tôi đã là hồn ma? Đúng. Tôi có sống đâu, tôi chỉ mới tồn tại sinh vật. Hương rất hiểu, mọi việc không bao giờ như mình nghĩ. Chỉ mới hôm nào những sôi nổi muốn thay đổi đời sống chung quanh, bây giờ chỉ leo lét, chớp tắt. Không hy vọng, không trong mong. Dạo này Hương cũng nằm mơ lung tung. Thấy những thành phố lạ, bạn bè tụ họp, những người bạn đã tan tác. Và thấy đường phố Việt Nam, một thành phố nhỏ, ngập lụt nước. Hương đạp xe đèo chị ngồi sau, chạy đi tìm những con đường cũ. Lúc lại thấy dắt một bé gái trên ghi-đông, và chở theo một con chó nhỏ lông đen trắng. Nước càng lúc càng dâng cao, và không có cách gì tìm ra con đường cũ. Tôi nói, tụi mình sao hay nằm mơ, không biết sau này có còn mơ gì nữa không? … Buổi tối, tôi và Hương không muốn đi chơi, trời mưa tầm tã. Hai đứa nằm trong phòng. Hương thu mình ngồi bên khung cửa, tôi nằm trên giường úp mặt vào gối, nghe tiếng mưa đang rì rào ngoài trời đêm. Tôi biết Hương đang nhìn tôi trong ánh sáng mờ của bóng đèn ngủ. Cả hai đều cảm nhận nỗi buồn, cả hai đều đang nghe rõ tiếng động tích tắc của thời gian. Chúng tôi im lặng. Tôi và Hương đều đang chìm trong suy tuởng của riêng mình. Có phải, Hương đang tìm kiếm bóng hình Hương trên thân xác tôi. Và tôi đang tìm kiếm tâm hồn tôi qua ánh mắt Hương? Nếu như cách đây 30 năm, gia đình tôi không lỡ nhịp, thì hôm nay tôi cũng như Hương. Vững vàng và mạnh mẽ. Nhưng, liệu tôi sẽ sống ra sao, khi phải luôn day dứt với tâm trạng làm người Việt nơi đất khách quê người. Tôi và Hương đã từng có chung một tuổi thơ, có chung một nền giáo dục. Nhưng, giờ đây, đã khác, khác xưa lắm rồi. Khoảng cách 30 năm, một khoảng cách quá dài của cuộc đời một con người. Có phải đó là điều mà cả hai vừa cảm thấy thân thương vừa cảm thấy xa lạ. Hương nghĩ, Mai rất lành, cái lành của phụ nữ Việt Nam, cô ấy như một vệt sáng. Nếu như ngày xưa mình không đi, có lẽ cuộc đời mình cũng sẽ như Mai. Nhưng, nếu như mình ở lại, mình có sống nổi không trong bầu không khí nghẹt thở và thiếu tự do này. Liệu mình có đủ nhẫn nhục và chịu đựng như Mai trong một xã hội toàn trị đầy nghịch lý. Số phận con người thật kỳ lạ, nó có thể được định đoạt chỉ trong một tấc gang. Quá khứ – hiện tại – tương lai của một con người, của một dân tộc, tất cả đều có thể thay đổi, hoán chuyển trong một giờ khắc định mệnh. Đã 10h30, trễ giờ ra ga rồi Hương, tôi nói. Và chuẩn bị vali. Hương im lặng nhìn tôi. Tự dưng cả hai không nói được lời nào cho đến khi xuống dưới tiền sảnh. Chiếc taxi trờ đến. -Tội Mai quá đi, sáng ở trên tàu rồi tối cũng ở trên tàu, chịu nổi không. -Không sao đâu, mình lên tàu chỉ ngủ thôi mà. Cả hai đều muốn nói một điều gì nhưng lại nhìn nhau rồi im lặng. Tôi biết Hương muốn chạm vào người tôi, bàn tay Hương xoa nhẹ trên lưng tôi. Tôi quay mặt đi bước vào taxi, cố kiềm nén lòng mình. Tôi biết những khoảnh khắc này sẽ không bao giờ lập lại. - Hương vào đi, mưa ướt hết đó. Đến nơi mình sẽ nhắn tin. Bất chợt, tôi muốn chạm vào làn da Hương như một lời từ biệt, nhưng xe đã chạy. Tôi im lặng khóc lặng lẽ trên đường đến sân ga. Tôi cũng không hiểu vì sao mình lại khóc. Lần đầu tiên trong đời, tôi đi chuyến tàu đêm xuyên Việt - một mình – băng qua đất nước tôi với một tâm hồn nặng trĩu. Thân xác tôi đang băng băng cùng nhịp con tàu. Nhưng tôi biết còn một cái bóng khác của mình đang lưu lạc ở nơi xa. Tôi thầm tự hỏi, khi nào cái bóng ấy sẽ nhập cùng tôi trên một chuyến tàu? Đến khi nào những cái bóng của đất nước tôi mới có thể nhập vào với dân tộc tôi?

 

Việt Nam, 8/2006

(*) Tựa đề bài viết lấy từ tên một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 

Ban Mai
Số lần đọc: 3224
Ngày đăng: 29.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bến trầu của mẹ - Ngô Văn Tuấn
Chăn Trâu khổ Lắm - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Thư gửi anh biên tập - Vũ Trà My
Hà Nội Bốn Mùa - Lê Hiền
Lặng lẽ mùa đông - Nguyệt Quế
Mùa sim - Nguyễn Hải Triều
Tản mạn chuyện thơ : có một nhà thơ thôn Vỹ … - Cao Quảng Văn
Bắp xào ơi! - Lưu Quang Minh
Huế - Văn hóa nghe và không gian tâm tưởng - Trần Hạ Tháp
Người phu quét lá - Nguyễn Hữu An
Cùng một tác giả
Thời gian (tạp văn)