Má ơi con má điên rồi
Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi
(Nguiễn Ngu Í)
Giải thuật là một thứ nhức đầu, bởi vậy khi tự chuyển linh hồn mình qua một thân xác mới, một thân xác cứng đơ bị treo lơ lửng giữa không trung, tôi mới có dịp suy nghĩ về thứ hình vẽ đường đi rối rắm, phức cảm của nó; gọi là thuật toán cũng được, gọi là thuật văn cũng xong. Ở đây, tên gọi không thay đổi được bản chất của những tiếng nói tắc nghẹn từ tôi, tôi đã hoàn tất mình từ, trong, với một cuộc đời mà trạng thái ban đầu có sẵn, hoàn cảnh ban đầu có sẵn là trầm mình trong cuộc chiến giữ nước đầy máu và nước mắt của dân tộc tôi, trong cuộc chiến nhiễu loạn giữa những người anh em ruột rà máu thịt của tôi. Tôi đã sống những ngày ấy bằng niềm tin nhiều hơn là sự thật, tôi triệt để ngang qua, ngang qua, ngang qua theo đúng hành trình để cuối cùng dẫn đến kết quả đã được dự đoán từ đầu. Tôi chịu ơn niềm tin và cả ý nghĩ mình là kẻ phản bội, tôi chịu ơn “hơi thở vua Hùng” mà bạn tôi đã gợi lên trong đầu tôi khập khễnh bước đi kiếm tìm bằng những con số ước lệ. Tôi chịu ơn cả ca nước đen lờ đờ dưới gầm cầu vì đó là những thử thách để tôi xuyên qua chính mình và hiểu một điều đơn giản: Những cố gắng lý giải, chứng minh của tôi và bạn tôi là vô ích, vì thuật toán - thuật văn ấy đã có mặt trên đời này, hiển nhiên kết quả là đúng.
Hú hú hú…u…u…u… Hú hú hú…u…u…u… Hú hú hú…u…u…u…
Đau. Từng cơn đau giật nhói vùng thùy chẫm. Tiếng gió hú rít vọng vọng. Cơn đau lan nhanh nửa đầu, rồi đau bưng cả lên làm như đầu mình là cái trứng nhúng dấm, xương sọ đang mỏng dần và mềm nhũn. Lập tức cơn đau gợi lên trong đầu tôi nỗi lo sợ bâng khuâng, nỗi sợ bóng dáng phù du. Con đường phía trước tối sầm. Cặp mắt tối sầm.
…Lửa đột ngột bùng lên, ngọn lửa cách đây hơn ba mươi năm cứ thỉnh thoảng bùng cháy trong đầu tôi cùng với những cơn đau. Cháy tre. Chẳng có thứ gì trên đời giống với cháy tre cả. Cả vùng trời đêm chợt đỏ lòm lòm như xuất huyết, chợt vàng men mét như da người sốt rét. Lửa xoe xoé đủ màu đủ sắc. Ngọn lửa bốc cao như muốn nói: “Cho mượn cái thang lên trời!” Cả rừng tre dưới chân đồn Gió Ngàn Phương nương theo ngọn gió bấc dữ dội táp nóng hừng hừng. Tiếng tre cháy nổ át cả tiếng súng. Tôi vừa xách thêm thùng đạn tiếp cho Thạnh thì đã thấy nó cởi trần trùng trục, vừa siết cò súng vừa chửi đổng: “Má nó! Hết trò chơi hay sao mà chơi trò luộc xác, giết chóc nhau thế này.” Gió nóng vẫn tiếp tục tạt thốc từng luồng vào lỗ châu mai, tôi cũng bắt chước Thạnh, cởi áo vác vai. Bầu trời đỏ bên ngoài được đóng khung qua lỗ châu mai bèn bẹt nhìn cứ như một bức tranh trừu tượng. Tôi nói với Thạnh: “Sắc trời ngoài đó điển hình của cuộc chiến”. “Má nó, chết tới nơi còn thơ với thẩn”. Một tiếng nổ rền, đất cát tuôn xuống rào rào, vừa phủi áo phành phạch lên người, có thể vì ân hận đã hơi nặng lời với tôi, Thạnh cũng chuyển sang văn vẻ: “Má nó! Hơi thở của vua Hùng cũng không thể nóng hơn…” Thạnh có cái tật thâm căn cố đế là nói gì cũng lôi vua Hùng vào.
Hình như Thạnh còn định bồi thêm hình ảnh văn vẻ nào nữa thì một tiếng nổ chát chúa ngay lỗ châu mai, luồng lửa vàng rực chói loà hất văng tôi ra xa, đập mạnh vào vách hầm. Khi tỉnh dậy tôi bàng hoàng chẳng thấy Thạnh đâu nữa, chỉ còn khối thịt đen thui co rút như một khối than sau trận cháy rừng. Tôi không ngờ đó là câu nói cuối cùng của Thạnh. Tôi hồn vía chẳng còn, cứ lầm bầm như một cái máy lặp đi lặp lại: “Lửa! Hơi thở vua Hùng… Hơi thở vua Hùng… Hơi thở… vua… Hùng… Không biết lặp đến lần thứ mấy thì tôi cũng nhận biết đôi chân của mình cũng bị nám đen, tôi hú lên và quáng quàng định bò đi nhưng không thể, không thể nào được nữa.
… “Một thằng hề trong trò chơi hư ngụy, huyễn hoặc đang rúng người bàng hoàng trống rỗng đau. Một khán giả từng mê đắm vỡ tuồng, từng cười cười khóc khóc theo mỗi lần khép mở của cánh màn nhung để rồi một sáng nọ sững sờ trước đống đồ lề trang điểm, ngụy trang, những đạo cụ vứt bừa bộn trên bãi rác không tên. Nhìn. Nhìn mãi rồi bung cười sặc sụa. Tiếng cười chưa dứt, cơn đau đã lấn nhanh, miệng méo xệch, lưỡi đắng ngắt, tâm hồn tê tái…”
Tôi không cười trò diễn mà cười cho những xúc động, phiền não ngây thơ, cười những rưng rưng, những hiu hắt hình hài hề hịch của chính mình.
II.
Tôi chồm tay qua, gồng hết sức hất người sang xe đò. Anh lơ xe xếp nhanh chiếc xe lăn của tôi rồi quăng roẹt xuống gầm xe làm tôi hơi đau lòng nhưng cũng không phản ứng gì được, việc đeo sầu ngậm tủi với tôi cũng quen rồi. Năm rưỡi đến Sài Gòn. Đóng lệ phí, cầm tờ biên nhận, chẳng biết điều gì đang chờ đợi mình: Đục sọ, lật da mặt đốt xoang, tháo từng mảnh xương sọ ra để chơi trò xếp hình, cắt u ác tính… Có thể hết bệnh, cũng có thể bán thân bất toại, nói nôm na là liệt, là cái thây biết thở, là đời sống thực vật. Mọi người chịu đựng tôi. Tôi chịu đựng tôi. Mình chịu đựng đầu. Cơn chịu đựng thần kinh. Nghĩ tới bấy nhiêu điều ấy tôi bỗng rùng mình.
Bảng số điện tử nhảy qua con số 036 đỏ lòm lòm. Con số đẹp, tổng là một số đại lão dương, mười tám đời vua Hùng cũng có tổng hai chữ số bằng chín, tự dưng tôi liên tưởng và nhớ trung sĩ nhất Thạnh. Lửa lại cháy bùng trong đầu tôi, tôi định hú lên thì bị cắt rựp bởi lệnh từ não truyền lạnh lùng “Đẩy ngang cánh cửa phòng khám”. Tính tôn trọng đám đông còn lại ít ỏi của tôi, lúc này đây như ca nước lạnh tạt lên đầu, tôi biết mình đang có đầy đủ ý thức của người bình thường. Đo huyết áp. Kiểm tra xoang. Tay bác sĩ bịt khẩu trang lòi cặp mắt thâm đen, tay chọt lốc cốc lên bàn phím, thiếu lưỡi hái ở tay kia nữa là thành vị thần chết điển hình của thời đại thông tin, thời đại tốc độ, thời đại chóng mặt đau đầu. Hai ngón tay “thần chết” cứ xe xe hai bên tai “chốc sè sè, chốc sè sè”… Nghe bình thường. Hỏi thêm: Ăn bình thường? Ngủ bình thường? Bài tiết bình thường?... Trả lời: Chỉ có não là không bình thường, tức lá không sâu, không rụng cuống, duy gốc rễ có vấn đề.
Chuyển đo não tâm đồ. Ngồi! “Tôi đang ngồi mà”. Cái lệnh “ngồi” thừa nhưng sắc lạnh, vô cảm của cô “bờ- lu- trẻ” ngăn chặn tôi không được quyền bông lơn, dù thầm biết rằng cái lệnh hớ ấy sẽ làm cô ta cười rũ tóc tai nếu được ra sau cánh cửa kia. Tôi nhấc người lên rồi ngồi phịch xuống một cách hề hịch làm những bệnh nhân ngồi chờ đưa tay bụm miệng.
Chùm dây điện mười tám sợi đủ màu sắc, tôi lần đếm được mười tám sợi đúng (hơi giật mình vì tổng hai chữ số lại là chín), lòng thòng nối với tấm trùm màu đen tuyền. Rột rột roẹt roẹt… Họ tiêm thứ nước gì đó ướt lạnh da đầu. Nhìn vào cửa kính tủm tỉm cười, tôi nửa giống người ngoài hành tinh, nửa giống phi công Nhật trong chiến dịch thần tốc Trân Châu Cảng, một chiến dịch đã đánh thức con thú chiến tranh khổng lồ. Tôi đang mơ màng xem thử mình có nên hoạch định một chiến dịch gì đó cho riêng mình không thì “bờ-lu- sồn sồn” há miệng thật to, lệnh vỡ: Nằm! Nhắm mắt! Vừa nằm vừa nhắm mắt, loại lệnh đúp này thật hiệu quả khi muốn cắt đứt ngay lập tức dòng suy nghĩ của người khác. Tôi đột ngột dứt bỏ những ám muội trong đầu mình mà không cần một chút quán tưởng hay thiền định gì cả. Tôi nhắm tít mắt và hình dung đến những hình răng cưa ngoằn ngoèo trườn trên trang giấy dài cả sãi tay, ngôn ngữ thần chết thường không minh bạch.
“Không có sóng chậm khu trú”. “Không thấy phổ bất thường”. Chẩn đoán: Đau migrain, loại đau nửa đầu thường gặp ở phụ nữ, thế mà tôi lại bị. Chỉ đau nửa đầu thôi sao? Uống thuốc sẽ hết sao? Hú hồn.
Về nhà. Hết thuốc. Lại đau. Khám lần hai. Vẫn không có sóng chậm khu trú, không thấy phổ bất thường. Thêm chứng cứng cổ. Viêm màng não thường cứng cổ, nhưng cứng cổ chưa chắc là viêm màng não. Vẫn chưa có kết luận mới.
Lại đau. Quá tam ba bận. hàng loạt triệu chứng lộ diện. Chẩn đoán khác: Bộ não thoái hoá. Tôi liên tưởng đến mấy lát chao vuông vuông làm bằng đậu nành đang lỏng bỏng trong nước tương ăn ở chùa. Rụng rời tay chân. Đột ngột tối như có ai vừa đổ thùng nước đen quanh người tôi. Hoá ra bản chất không thay đổi của tôi là tham sống sợ chết. Tôi đưa hai tay bóp mạnh hai bên thái dương vì một cơn đau vừa giật nhói. Kí ức lạ trào lên, cũng có thể do cơn đau ngăn trở mà tôi chưa nhận ra “ruột rà máu thịt” với chúng, chưa nhận ra đó là loại kí ức vừa mới đây của mình.
III.
… Nắng đổ lửa. Một tay vịn trụ cầu, tay kia tôi vói ra khua khua rác rồi vục già nửa ca nước đen trên dòng kênh đen sền sệt chất thải. Ngửa cổ lên trời, ực cạn. Móc lại ca chỗ cũ, tôi đưa tay chùi mép, tay cũng lấm đen, lại quệt vội vào tà áo trơn chua của mình. Ngước nhìn xung quanh, người đen đặc, những cặp mắt hiếu kì trố ra. Vài ba ngưởi ngồi thụp xuống ọc ói ngay bên vệ đường. Có người rùng mình rú lên quay mặt. Số còn lại đứng như trời trồng, chòng chọc nhìn. Họ chờ xem cái chết của tôi sẽ đến như thế nào, sự tởm lợm tràn đầy trong mắt họ, trong hành vi bộc phát của họ.
Kên hả? Chúng mày muốn gì? Tôi gồng tay lăn lui, quay đầu xe về phía họ, tôi ẩy mạnh tay xe lăn ào lên trên đường. Tôi ngang phè vậy xem thử ai dám làm gì tôi. Chén kiểu nguyên lành đổi chén sành sứt mẻ. Làm sao họ dám. Tôi biết tỏng tòng tong cái sự đời. Họ chạy, họ cách tôi vài bước chân. Tôi là thằng điên chính hiệu, còn họ luôn cách tôi vài bước chân. Luôn luôn là như thế.
Tôi cứ lao tới, cứ cà khịa. Họ chạy hết. Họ lánh xa. Còn lại một mình giữa nắng chang chang, tôi ôm mặt khóc hu hu như đứa trẻ hay gây sự chú ý nơi người lớn, hay tủi thân tủi phận, hay thút thít sụt sùi nhiều khi chẳng vì điều gì cả. Bao nhiêu năm qua, tôi đã miễn dịch với chất độc, với dơ dáy, bẩn thỉu nhưng không thể nào miễn dịch được với nỗi buồn tủi trẻ con ấy.
IV.
Cơn mưa đêm ập đến. Mưa nghiêng tôi xuống. Tôi nghiêng tôi xuống. Tôi rịt dáng tôi còng cụp xuống tay vịn chiếc xe lăn. Chốc chốc tôi lại ngửa mặt lên trời trò chuyện với những giọt mưa, với ánh đèn vàng. Bóng đèn đường lớn, loại đèn đường dành cho phố núi nhiều sương mù, ánh sáng của chúng hắt ra vàng chạch, lạnh lẽo ma quái. Tôi ngước ngắm cả vùng xam xám bên trên, mặc những giọt mưa đêm như trăm ngàn mũi kim lớn lao vào, đâm vào tận tròng mắt, tôi cố lưu thật lâu cảm giác buốt tận óc mà quên nỗi đau buốt trong tim. Chỉ có nỗi đau mới che lấp được nỗi đau. Nhắm. Mở. Lim dim. Trừng trừng. Nheo. Ánh sáng và bóng tối tạo thành hình nóc nhà (giống nóc nhà của má tôi). Ngôi nhà vàng sáng kim gai, lúc giọt giọt giận dỗi thốc ngang, lúc giọt giọt xuôi tay đâm thẳng, lúc bạt phải, lúc bạt trái… Thiên nhiên không để ý đến tâm trạng của từng cá thể, bởi Bà Mẹ ấy biết rõ dù có ngã bề nào, có đau kiểu gì, dù sống dù chết, dù vật vờ, phiêu dạt kiểu gì cũng trong vòng tay rộng lớn của Bà mà thôi. Mưa nghiêng tôi xuống. Tôi nghiêng tôi xuống vì tâm hồn mình trĩu nặng vết thương. Rốt cuộc chỉ có tôi biết tôi, chẳng ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới, chẳng ảnh hưởng gì đến cân bằng âm dương hay sự phát triển, thật ra là tiến triển, là chuyển động.
V.
Trong kí ức gần có kí ức xa. Kí ức đớn đau thường lồng trong nhau như những vòng tròn đồng tâm. Tôi thường bị những vòng tròn đồng tâm hành hạ. Ngày mới bắt đầu. Nắng lại đổ lửa. Một tay vịn trụ cầu, tay kia tôi vói khua khua cho rác dạt xa rồi vục múc già nửa ca nước đen trên dòng kênh đen sệt nước thải. Một miếng ruột gà ruột vịt gì đó lòng thòng dính theo mép ca. Tôi hắt tay, đưa ca nước tận mắt săm soi. Mặt nước trong ca chính là chiếc gương. Đầu tiên tôi thấy mắt mình hằn đỏ, rồi thấy râu ria xồm xoàm, tóc tai bù xù như một xác chết treo lâu ngày trong gió… Tiếng u u dâng lên to dần.
…U u tạch tạch tạch… Chiếc trực thăng xà xuống bãi sỏi đỏ thốc bụi mịt mù. Tôi cùng toán quân tăng viện nhào xuống rồi lẩn nhanh vào những bụi sầm bụi sim lùm lùm như những chiếc dù nhỏ trên đỉnh đồi của đồn trú Gió Ngàn Phương. Sở dĩ đồn có tên như vậy vì đồn ăn ngầm trong đồi bằng hệ thống hầm hang chằng chịt, gió từ vô vàn lỗ châu mai rin rít, hu hú suốt ngày đêm. Lính bên trong lúc nào cũng như đang nghe một điệu nhạc ma quái. Khi trườn được vào trong hầm, tôi mới định thần trở lại. Thạnh, thằng bạn (cùng là trung sĩ nhất lực lượng trừ bị, cùng mang trên áo “cánh gà kép”, cùng ba tháng quân trường với tôi) vừa vỗ vai vừa lớn giọng chọc quê: “Trượt dây tử thần ở Lam Sơn tao thấy mày bảnh lắm, sao lúc nãy mày run như cầy sấy vậy?”. Tôi thụi vào lưng nó một cái “Mày thì hơn gì”.
Sau khi trình sự vụ lệnh, đặt ba lô xuống vách hầm, việc đầu tiên của Thạnh là rút lưỡi lê khoét vào vách hầm một khung hình chữ nhật. Tôi hỏi: Làm gì? Nó chỉ im lặng. Xong, nó lục trong ba lô ra tấm hình cũ kỹ, nhàu nát đặt lên rồi thả người đánh phịch, ánh mắt đăm đắm một hồi rồi thẩn thờ, xa xăm. Tôi tưởng là tấm hình người thân, má nó hay một em gái hậu phương nào đó nên tôn trọng quay đi. Chuyện lính xa nhà lâu ngày gắn hình người yêu lên vách lô cốt rồi nhìn hình mà thủ dâm là chuyện tôi nghe đầy lỗ tai. Ngã người lên tấm pon- chô chưa được mươi phút thì tay trung úy phụ trách đến truyền lệnh phải tham chiến. Ngay lúc cầm cây súng M16 trên tay tôi mới nhận ra tấm hình nhàu nát kia là tấm bản đồ nước Việt. Nhưng rồi dưới ánh mắt kiểm soát như dao bén của tay trung úy buộc tôi phải lao đi không kịp bàn luận với Thạnh một câu.
Trong tiếng súng cắc cù, ánh sáng hoả châu thỉnh thoảng hắt vào vách hầm, Thạnh xoay người nói với tôi: “Ước mơ của tao là trở thành sử gia”. Nó luôn nói về Văn Lang và các vua Hùng, có lúc tôi thật sự nghĩ “thằng này bị bệnh ám thị về nguồn gốc”, nhưng chịu khó lắng nghe nó, tôi lại nghĩ hiếm có người nào dám lật lại những vấn đề mà ai cũng tưởng là hiển nhiên.
- Lịch sử là lịch sử, tức là phải minh bạch, rõ ràng, phải là sự thật trăm phần trăm. Càng gần với sự thật thì hai chữ “lịch sử” mới xứng đáng viết hoa. Trên thế giới hiếm có đất nước nào lại viết sử bằng truyền thuyết hoặc bán truyền thuyết. Tại sao chúng ta không dùng khoa học để soi rọi lại? Lịch sử không phải là ánh trăng mờ ảo để người ta thích thú ngâm nga những câu thơ duy mỹ… Mắt Thạnh sáng quắc khi nói những dòng ấy, tôi như bị cuốn phăng theo những suy nghĩ của bạn. Tôi khơi gợi thêm:
- Đẹp thì có đẹp thật nhưng liệu các thế hệ con cháu mai sau có chịu vậy không? Việc viết sử bằng truyền thuyết và bán truyền thuyết bắt đầu khi nào, Thạnh biết tường tận không?
- Sao hổng biết. Đầu tiên là do Ngô Sĩ Liên đưa những truyền tích vào bộ Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, ông có cẩn thận thêm câu “Tin sách chẳng bằng không có sách” nhưng hậu sinh cứ thế coi như sự thật. Như cái ông Trần Trọng Kim cứ thế, cứ thế rồi học trò học thuộc lòng, cứ thế, cứ thế… Thạnh nghi ngờ con số mười tám đời vua Hùng chỉ là con số ước lệ, một tập hợp, một chu kì… Thạnh phản đối với cách viết sử kiểu thêu dệt, các đời vua Hùng là có thật, phải viết gần với sự thật càng tốt, dẫu bốn ngàn năm văn hiến có rút lại cũng chẳng sao, nỗi tự hào dân tộc vẫn nguyên vẹn trong lòng từng con dân nước Việt. Thạnh kể có lần nó nằm mơ gặp một vị cao to xưng là Hùng Việt Vương, vị này nói giọng đồng oang oang: “Hãy trả ta về đúng thời của ta!” Chân tay nó run lập cập. Nó quỳ xuống. Nó đã hứa trong giấc mơ. “Nhưng giật mình lại nghe bom đạn ì xèo, chán quá!” Nó chửi bới cuộc chiến này đã cản trở ước mơ viết lại sử theo những nghiên cứu công phu và chân xác của nó. Tụi mình chiến đấu vì điều gì? Chẳng vì cái gì cả. Tụi mình luộc xác mình, hiến xác mình, chôn chặt hoài bão của mình vì ai, vì ai? Chẳng vì ai cả. Vậy lẽ ra tụi mình phải dán lên trán hai chữ “điên khùng” từ lâu rồi mới phải. Các vua Hùng chắc không hề nghĩ rằng có một thế hệ hậu sinh vừa điên khùng vừa hậu đậu như vậy. Thạnh luôn chắc lưỡi: Không có cuộc chiến quỷ quái này, chắc chắn nó sẽ chạm được hơi thở vua Hùng. Nó rất tự tin khi nói rằng sẽ viết lại ngọc phả khác với bản cũ. Những bản ngọc phả cũ: Kể cả bản viết từ thời Tiền Lê, cả bản thời Trần, cả bản san nhuận thời Hậu Lê đều có nhiều chỗ mơ hồ, chưa khoa học… Tôi vốn ít hiểu biết về sử nên ít dám có ý kiến nhưng tôi là người duy nhất trong đơn vị biết lắng nghe nó nói, nó thuyết giảng, thỉnh thoảng tôi chỉ đặt thêm câu hỏi, nhờ vậy mà chúng tôi gắn bó với nhau như hình với bóng.
Ngay cái hôm ly tan, cái ngày quả bọc phá nổ banh lỗ châu mai, trước khi ôm cây trung liên trực chiến, nó còn quỳ lạy cái “bàn- thờ- Việt” ấy, nó khấn các vua Hùng phù hộ độ trì cho nó sống qua khỏi cơn binh đao lửa đạn này. Nhưng rồi các vua Hùng đã không nghe lời khấn thiết tha của nó… Hơi thở vua Hùng vẫn còn trong bàng bạc những huyền tích do người đời mường tượng, thêm thắt.
VI.
“Tôi nó sinh ra nhầm chinh chiến, mới quen nhau mà thương mến. Nó quê ngoài kia, từ lâu lắm không lần về…” Tôi vừa lăn xe trôi trong nắng cháy chang chang vừa hát thống thiết một đoạn tân nhạc, lòng chợt nhớ da diết hình ảnh thằng bạn trung sĩ nhất của tôi. Trở về từ cuộc chiến, trong sọ tôi vẫn còn não nhưng là một bộ não thoái hoá. “Thạnh ơi! Bao nhiêu năm, tao mơ có dịp sẽ nối dài ước ao của mày là chạm được hơi thở vua Hùng, tao sẽ cố suy nghĩ theo hướng của mày, tao đã vò đầu hàng đêm để hiểu, để yêu thương những con số ước lệ, nhưng giờ thì không thể, chuyến đi tìm của hai đứa mình đã kết thúc”.
Tôi đưa tay lên miệng, tự cắn mình một cái thật đau. Ồ, tôi vẫn còn biết đau! Tôi cắn lên bắp tay một lần nữa để biết mọi người nhìn thấy mình điên. Hú hú hú… Lửa tre, lửa đạn đang bùng bùng trong đầu tôi. Tôi nhấm nháp da thịt mình lần nữa để biết mình vĩnh viễn không thể suy tư gì được, không còn nhận thức gì được, không còn cơ hội để “chạm được hơi thở vua Hùng”, dù chỉ trong lí thuyết, trong câu văn. Hú hú hú… Hú hú hú… Hú hú hú…
Riêng lý do lần cắn phập thứ ba tôi rất mơ hồ nhưng thân xác đã ngã ra. Khi rời khỏi khu nhà xác ở bệnh viện, tôi bay lên rồi đi vào một hang động đầy những khối đá vôi xốp như mây trời. Gió nổi lên rất mạnh. Tôi lồm cồm bò, tôi nhớ ca nước đen trong quãng sống lắc lay của mình, tôi nhớ khả năng miễn dịch với sự dơ dáy nhưng không miễn dịch được với nỗi đau, tôi nhớ sự chú ý cùng cực và lo sợ khôn tả trong đêm chiến tranh, tôi nhớ quá… Môi tôi nứt toác ra vì khát, tôi khát, một loại khát vọng từ xu hướng sâu kín nhất của cá thể tôi, tôi khát nhưng vẫn cố vừa bò vừa lao lên ngược chiều gió. Cơn gió đột ngột buốt lạnh như vừa đội mồ, đội mả mà lên. Ngay lúc tưởng chừng tan biến, hồn tôi chợt lạnh cóng, hai môi tôi lập cập đánh vào nhau, tôi đông cứng dần dần rồi treo lơ lửng như bị một chiếc mạng nhện vô hình khổng lồ bó chặt. Nhìn quanh tôi thấy có nhiều linh hồn cũng bị trói gô lửng lơ như mình vậy. Dường như đây chính là cái bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ đã hạ sinh trăm con cường tráng rùng rùng lên non xuống biển, nhưng giờ cũng chính là cái bọc thu gom những linh hồn èo ọt, bệnh tật, điên khùng như tôi, như một số đông người cùng thời với tôi, một thế hệ bị dụ khị, bị đưa vào vở bi hài kịch chia rẽ, giết chóc, một trò chơi mà trong đó kẻ hư ngụy như tôi lại cứ đinh ninh mình chính danh quân tử. Trong tích tắc cuối cùng, tôi thấy chiếc vương miện to lớn hiện ra rực rỡ, chói ngời. Tôi biết luồng hơi lạnh kia phả ra từ hơi thở của vua Hùng thật sự, chắc là vua Hùng đầu tiên. Tôi cứ tưởng Tổ tiên không hề để ý đến từng sinh linh cháu chắc chút chít nhỏ nhoi nhưng thật ra tất cả đều được quan sát theo dõi, chăm sóc từ nơi cao xa này. Tôi cố cảm nhận ở mức có thể được với và trong hơi thở của vua Hùng, từng luồng, từng luồng, lúc chầm chậm lúc rít rú nhưng tất cả đều lạnh lùng, làm tôi liên tưởng nhanh đến sự lạnh lùng nghiệt ngã của quy luật trần gian. Nhưng dù gì tôi cũng đã kết nối! Tôi khấp khởi mừng vì đã được kết nối, đã được “về nhà”. Tôi tiếc không có Thạnh ở đây để nó nhận ra hơi thở ấy là của vua Hùng thứ mấy, có thể là của vua Hùng thứ nhất hay thứ mười lăm, mười sáu, hay mười chín hai mươi gì đó cũng nên. Không nhứt thiết phải mười tám; mà có khi chính nó cũng sai lầm, nó từng bảo tôi, hơi thở vua Hùng… nóng… lắm…kia mà, hơi thở vua Hùng… nóng… lắm…kia mà.
Dù nóng, dù lạnh, dù gì đi nữa thì quy trình giải thuật cũng hoàn tất. Tôi đã đi xuôi về ngược trọn một kiếp người. Cứ đi, sẽ đến, đừng bao giờ tìm cách chứng minh đúng sai. Đúng sai cũng chỉ là ước lệ mà thôi. Giải thuật là một thứ nhức đầu thực sự. Hú hú hú…
Dưới chân núi Tà Cú, 11/ 2008