Bạn tôi xa quê hương gần hai mươi năm, trở về, nó cứ trố mắt ngạc nhiên. Nó nói, có nghe tin Việt Nam thay đổi từng giờ nhưng thay đổi như... phim thế này thì nó không tưởng tượng nổi. Cũng nó nói, mầy nhớ hồi trước ở đây, tức cái ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách nằm heo hút ở tận cùng mảnh đất Bến Tre, ra sao không? Nhớ chứ, cái xẻo đất nằm dài theo sông Cổ Chiên toàn ruộng. Lúa èo uột như một đứa bé sinh non. Bên ấy làm gì có nhà. Chòi. Chòi giữ vịt. Vịt chạy trắng đồng vào mùa gặt. Và khói rơm nữa, cũng trắng nhưng đẹp hơn nếu có những tia nắng chiều trộn vào.
Tao nhớ rồi, nó nói, bên đây đất liền, mầy nhớ tụi mình còn học cấp một, đi học ban ngày mà sợ ma! Vườn tạp rậm rạp hoang sơ toàn sắn, dầu, mù u và những ngôi nhà cổ nằm bí mật, cô đơn trước sự im lặng đáng sợ của thời gian. Thỉnh thoảng mới có một ngôi nhà lá nằm mẹp dưới gốc vườn hoang. Ở đó, tiếng trẻ khóc trưa và tiếng mẹ ru lẫn với tiếng cu gù, tiếng con bìm bịp kêu nước lớn mới buồn bã làm sao! Riêng con đường làng trước nhà nè, kỉ niệm tuổi thơ của chúng mình đã giẫm đầy lên đó. Thôi thì đủ loại trò chơi mộc mạc quê mùa nào đá thun, chọi đáo, đánh trổng, cả những trò chơi "tự chế" nhưng vẫn hấp dẫn và vui nhộn. Con đường mà mùa nước lụt đúng là "bắt cá giữa đường" như lời bài hát của ông Từ Huy. Sao, bạn vẫn cho đây là một giấc mơ à? Nói thật với bạn, không có một giấc mơ nào đẹp và hoàn hảo như thế!
*
* *
Bạn thân mến!
Hai ngày chắc chỉ đủ để bạn cỡi... phi thuyền xem hoa chứ không thể cảm nhận đầy đủ sự thay đổi bức phá của quê hương mình. Vậy, theo ước nguyện của bạn, tôi sẽ kể cho bạn biết về sự thay đổi lớn lao này. Như bạn thấy ấp mình giờ đã có đường dal liên xã thay cho con đường lầy lội ngày nào. Những cây cầu khỉ chỉ còn trong hình vẽ của sách tập đọc cấp một. Vì đường đã được đắp đập, đắp cống nên không còn cảnh ngủ một đêm thức dậy thò chân xuống giường là đụng nước vào mùa lụt. Không còn cảnh chiều thứ bảy tập hợp nhau kéo đến một nhà giàu nào đó để xem cải lương trên vô tuyến. Cái xẻo đất ở mép sông Cổ Chiên bây giờ là một dải vườn cây ăn trái bạt ngàn. Dù bạn có bới nát hiện tại cũng không tìm được cảnh trắng đồng của đàn vịt vào mùa gặt và màu khói trộn nắng chiều ở cuối xẻo đất như ngày nào.
Bên đất liền cũng vậy, sắn, dầu, mù u là những gã độc thân còn lại của thế kỷ đứng lẻ loi nhìn nhãn, chôm chôm, sầu riêng, những tên tuổi hiện đại trong các loại cây ăn trái lên ngôi. Cũng vì vậy mà tiếng cu gù, tiếng bìm bịp kêu nước lớn chỉ còn văng vẳng từ ký ức. Và giờ đây, bạn đừng mong tìm được một ngôi nhà lá nằm mẹp dưới gốc vườn hoang, chín chục phần trăm là nhà ngói, nhà tường và cả nhà lầu một hai tầng đứng ngang nhiên giữa miệt vườn xanh mướt. Bạn đừng tưởng như ngày xưa chỉ có một chiếc ti vi trắng đen cho cả trăm hộ khát thèm văn hóa, nghệ thuật. Bây giờ nhà nào nấy xem, nhà nào nấy nghe, ti vi màu, đầu máy hiệu Sony đàng hoàng.
Mười nhà thì đến tám nhà có xe máy. Xe đạp là phương tiện di chuyển hạ cấp nếu không muốn nói nó là "đồ cổ" trong mắt nhiều người! Bạn còn nhớ những ngôi trường phổ thông mà chúng mình đã học qua không? Trường cấp một, nơi mà chúng mình ê a những từ vở lòng chỉ hai phòng học tre nứa ấy giờ là khung trường điểm bốn phòng khang trang. Những đứa trẻ của chúng mình không phải ngồi học dưới... mưa như chúng mình ngày đó. Riêng trường cấp hai còn hiện đại hơn, hai tầng với một thư viện đầy sách và trang thiết bị trường học khá hoàn chỉnh. Rồi bưu điện, trạm y tế... tất cả được thay thế sạch trơn như vậy.
Bạn thân mến!
Mấy năm nữa bạn mới trở về? Năm năm nhé! Hay sớm hơn càng tốt và lần tới bạn cố thu xếp thời gian ở lại lâu hơn tôi sẽ dẫn bạn đi khắp nơi trong tỉnh mình chứ chỉ kể thôi tôi e bạn không hình dung hết diện mạo mới của quê hương. Tôi sẽ dẫn bạn đi thăm cống đập Ba Lai, công trình cầu Rạch Miễu, thăm nhiều nữa những dự án thế kỷ của ta. Tôi chắc rằng lần về sau này bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn về những thành tựu của quê mình, và biết đâu, bạn sẽ rút lại lời nói lúc chia tay với tôi, rằng: "Một đi không trở lại". Về bạn nhé, chim vịt vẫn kêu chiều đâu đó.n