Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.149.603
 
Chuyện của Cậu tôi
Trần Kỳ Trung

Chuyện cậu nhận là em ruột của bố tôi, nói gọn là như thế này.

... Hồi cách mạng một chín bốn lăm, bố của tôi chỉ huy một lực lượng bán vũ trang, lực lượng này có nhiệm vụ phải chiếm bằng được một kho gạo do lính Nhật chiếm đóng, lấy số gạo đó chia cho người nghèo. Ác một nỗi, do lực lượng quá chênh lệch, bọn lính Nhật có vũ khí, lại canh gác kho gạo rất cẩn mật, còn lực lượng vũ tranh cách mạng do bố tôi chỉ huy chỉ có mã tấu, gậy gộc, đường đi lối lại trong kho gạo không ai biết... Phong trào cách mạng lúc ấy lên rất cao, tinh thần của bọn lính Nhật đang suy sụp, nên chỉ cần có người xung phong  treo cờ lên nóc kho gạo làm hiệu lệnh cho mọi người xông lên, bọn lính Nhật canh kho gạo sẽ đầu hàng. Tìm mãi, chẳng có người nào nhận nhiệm vụ đó, bố tôi bèn phát hiệu lệnh:" Ai cắm được cờ lên nóc kho gạo, sau này phá được kho gạo, người ấy sẽ là người đầu tiên được nhận gạo.", cậu liền xung phong và làm được điều đó. Chỉ có điều, treo được cờ lên nóc kho gạo, có lẽ do vội vàng, lúc tụt xuống cậu bị ngã gãy chân. Bố tôi thấy vậy  cho người băng bó rồi đưa cậu về tuyến sau. Để ghi công chuyện này, ngoài việc được ưu tiên lĩnh gạo, cậu còn được nhận một cái giấy khen to hơn bàn tay có chữ ký của bố tôi.

 

Khi tình hình tạm yên, bố tôi vào thăm cậu và hỏi, vì sao cậu biết chỗ đó để xung phong cắm cờ một cách dễ dàng như thế ? Cậu liền nói rất thật:" ...Chuyện ấy chẳng khó đối với em.Vì chỗ anh chỉ treo cờ đúng chỗ em hay vào đó trộm gạo, bọn lính Nhật không biết .".

 

Sau sự việc đó, giữa cậu và bố tôi bị mất liên lạc. Đến hồi bố tôi làm trưởng phòng thuế ở một vùng tự do, một hôm anh em nhân viên phòng thuế báo bắt được một thanh niên chở hàng lậu, trốn thuế, cần xử lý. Bố tôi yêu cầu đưa người thanh niên đó vào gặp. Tưởng người đó là ai, té ra là cậu. Gặp được bố tôi thì cậu mừng y như người sắp chết đuối vớ được cọc. Mồm cậu  lúc đó chỉ một điều " Thưa anh !" hai điều :" Thưa anh !" rồi : " Anh thương em tha cho lần này cũng giống y như ngày xưa phá kho gạo của lính Nhật, em trèo lên lên treo cờ, lúc xuống bị ngã gãy chân, anh cho người băng bó tử tế,  rồi đưa em về tuyến sau... Anh tha cho em, em đội ơn anh suốt đời.". Cậu còn đưa cái giấy khen, khen công lao của cậu " treo cờ lên nóc kho gạo của lính Nhật" có chữ ký của bố tôi để kể lể sự thân thiết giữa cậu và gia đình tôi.  Nghe cậu nói thế, tính của bố tôi hay thương người liền cho qua tội  buôn lậu, trốn thuế của cậu.

 

Cũng từ đấy nhà của tôi là chỗ cậu năng qua lại, lúc thì lợp lại mái nhà, lúc thì trát bùn lên vách của chuồng heo, lúc thì tát nước vào ruộng... Nghĩa là cậu giúp gia đình tôi rất nhiều việc. Mặc nhiên, cũng từ đó cậu đã trở thành thành viên của gia đình tôi lúc nào không hay. Khi đã thân thiết với gia đình tôi, cậu lại tìm cách chuyển  họ từ " Lương " sang  họ " Vũ " cho trùng với họ của bố tôi. Cho đến tận bây giờ bố tôi cũng không nhớ mình đã xác nhận chuyện ấy vào lúc nào ? Có lẽ lúc uống rượu hơi quá chén chỉ có cậu và bố, cậu tranh thủ đưa bản lý lịch ra, bố đã ký. Sau này khi tỉnh táo bố tôi ngồi kể lại. Biết xác nhận như thế là không nên, nói dối tổ chức, nhưng bố tôi lại chặc lưỡi:" Chú ấy là người không có cha, không có mẹ, nơi sinh cũng không biết cho nhận họ với gia đình mình để chú ấy đỡ tủi.Vả lại, bố thấy tính chú ấy cũng tốt, nhận là người ruột thịt sau này  bố còn có điều kiện còn giúp đỡ chú.". Lời bố tôi nói hình như cũng trúng ý cậu. Chẳng thế đi đâu cậu cũng khoe với mọi người là em ruột của bố tôi, nhất là từ khi bố tôi lên làm lãnh đạo một huyện.

 

Hoà bình được lập lại, gia đình tôi tập kết ra bắc, lúc ấy nhà nước ta động viên mọi người lên miền tây khai hoang, bố tôi được trên điều động làm giám đốc một nông trường ở một vùng trung du. Thấy cậu không có công ăn việc làm, trình độ văn hóa thấp, bố tôi cho cậu đi theo. Các Nông trường viên lúc ấy toàn là thanh niên vùng nông thôn. Đối với họ, được sinh hoạt trong một tập thể lớn có chi đoàn, có tổ, có liên hoan, có hội họp, bình bầu... là một sự đổi đời, một điều chưa bao giờ họ mơ ước tới. Cho nên họ nhìn bố tôi với con mắt kính trọng, đặc biệt với cậu," em ruột " của ông Giám đốc ai cũng muốn kết thân.

 

Cũng nhờ có bản lý lý lịch " đẹp " như thế nên cậu dễ dàng kết nạp vào Đoàn, vào Đảng, thậm chí... năm đầu tiên , sau khi thành lập nông trường,ở đây tổ chức đại hội Chi đoàn, cậu trúng cử với chức Bí thư chi đoàn với số phiếu rất cao. Vào được cái chức đó, khỏi phải nói cậu " nghiêm" đến mức độ nào ? Mái tóc cắt cao, mặt rất lạnh, bút máy Trường Sơn cài trước ngực, quyển sổ cầm trên tay... cứ đến chín giờ tối, cậu đi dạo khắp khu tập thể nữ. Lúc ấy ai đi chơi về muộn, ai còn ngồi nói chuyện, ai đùa nghịch ... là " chết " với cậu. Cậu ghi tên người ấy vào sổ liền, để đến hôm sinh hoạt chi đoàn là cậu lôi họ ra, phê bình kịch liệt. Tưởng cậu nghiêm khắc... có ai ngờ ! Chính cậu lại để xảy ra một chuyện cười ra nước mắt. Một buổi chiều, sau giờ làm việc, một chị trong đội cờ đỏ của nông trường vô tình đi tìm chỗ " tiểu tiện" đã bắt gặt cậu đang vạch một bụi cây nhìn trộm mấy nữ Nông trường viên tắm ở giếng. Chuyện ấy lan ra khắp nông trường. Để tránh tiếng cho cậu, bố tôi cho cậu đi học lớp bổ túc công nông. Sau vài năm, chuyện đó lắng đi, tốt nghiệp cấp hai trường bổ túc công nông,  cậu được bố tôi điều về làm đội trưởng, một đội sản xuất của nông trường sát biên giới một nước bạn. Sát biên giới, hàng hoá cũng dễ mua hơn.  Không biết bằng cách nào cậu lại kết thân được với một ông Tộc trưởng, một bộ tộc nước bạn. Ông ấy cấp cho cậu cái giấy thông hành có chữ  viết loằng ngoằng như chữ "giun" để cậu đi lại giữa hai nước mà không bị lục soát. Nhờ cái giấy thông hành đó, cậu dễ dàng qua nước bạn trao đổi mua nhiều loại hàng quý hiếm. Thỉnh thoảng cậu về Nông trường bộ báo cáo tình hình, thế nào cũng có quà cho gia đình tôi và các chú, các bác trong Ban giám đốc. Quà toàn những thứ khan hiếm, vì thế mọi người trong Ban giám đốc quý cậu lắm. Họ quý đến mức độ giữ cậu lại, không cho cậu đi bộ đội, cứ tiếp tục ở lại trên đó trao đổi với nước bạn, để có hàng quý hiếm cung cấp cho Ban giám đốc.  Riêng bố tôi và cả gia đình tôi lại càng quý cậu khôn cùng! Chiến tranh ác liệt như thế này, gia đình tôi vẫn có những bữa no là nhờ cậu !

 

Cũng trong thời gian này, cậu lấy vợ. Cậu hơn vợ hai mươi bảy tuổi, hơn bố vợ bốn tuổi. Bố tôi kể :" Từ lúc cậu mày tìm hiểu đến ngày tổ chức cưới vợ, đúng một tuần.". Mấy người bạn của cậu kể lại, cậu toàn dựa vào cái " uy " của bố tôi để tán mợ tôi:" Cháu mà lấy chú ... à quên! Em mà lấy anh thì anh sẽ nói anh Thông ( Thông là tên của bố tôi) cho em đi học lớp trung cấp. Anh Thông là anh ruột của anh, anh ấy không giúp em dâu thì giúp ai !!!".Thấy mợ tôi hơi chần chừ , cậu liền doạ:"... Em không lấy anh mà đi lấy người khác anh sẽ nói với anh Thông cho em nghỉ việc về quê ngay.". Mợ tôi, một cô gái nông thôn mới lớn, còn ngơ ngác lắm, nghe cậu nói vậy thì sợ, đồng ý lấy cậu. Còn chuyện gặp bố vợ, nhiều người cũng chịu cậu. Bố vợ của cậu ít tuổi hơn cậu, nét mặt cũng trẻ hơn, thế mà cậu không ngượng, cứ một điều:" ...thưa bố !" hai điều " ...Thưa bố ! " ngay từ phút đầu gặp mặt. Mấy người họ hàng bên vợ ngồi cạnh phải lấy tay bịt miệng để khỏi bật ra tiếng cười. Cậu coi như không biết chuyện đó, vẫn thưa gửi rất đàng hoàng, mặt cứ tỉnh như không. Ông bố vợ, vốn năm đời làm bần cố nông, điếc một bên tai, thấy cậu, một "ông cán bộ" có áo đại cán bốn túi, cũng có ý... sợ. Cậu nói gì ông bố vợ cũng gật. Nên chuyện lấy vợ của cậu tưởng khó hoá ra quá dễ dàng.

Sau ngày đất nước thống nhất, bố tôi về lại quê cũ, được Tổ chức trung ương phân công làm Giám đốc Ty nông nghiệp. Bố tôi đưa cả gia đình về quê, tất nhiên gia đình cậu cũng theo về. Thấy bố tôi làm chức vụ to, nhiều người muốn đến nhờ vả và tìm cách thân quen. Nếu họ không gặp được bố tôi thì họ lại tìm cách gặp cậu, một người " em ruột " của đồng chí lãnh đạo. Khỏi phải nói, lúc đó trông cậu rất "oai vệ", có khi trông còn "oai" hơn cả bố tôi.

 

Mấy năm đầu đất nước thống nhất, cũng phải nói tình hình kinh tế rất khó khăn, nhiều đối tượng thuộc diện chính sách, nhà nước ta chỉ lo được phần nào.  Riêng đối tượng là cán bộ Tiền khởi nghĩa, nhà nước ta vẫn lo chu đáo. Bố tôi có lãnh đạo lực lượng bán vũ trang chống Pháp - Nhật lúc đó, nhưng thời gian thì chưa đủ, nên không được tính vào đối tượng tham gia Tiền khởi nghĩa. Ấy vậy cậu tôi lại được tính. Để minh chứng theo đúng yêu cầu là  " Có tham gia Tiền khởi nghĩa", cậu còn giữ giấy khen có chữ ký của bố tôi, xác nhận cậu đã tham gia treo cờ lên kho gạo của lính Nhật, cậu còn có một giấy xác nhận khác, trong giấy xác nhận đó có chữ ký của ông Năm Cần. Ông Năm Cần trước đây là Thủ trưởng của bố tôi, hiện là Chủ tịch tỉnh. Bố tôi ngạc nhiên, tìm hiểu chuyện này thì được biết. Một lần thăm bố tôi nằm viện, nằm phòng bên cạnh là bà cụ thân sinh ra ông Năm Cần. Biết thế, cậu liền mua hai hộp sữa và một cân đường mang đến thăm. Sau lần ấy, cậu lại càng năng thăm cụ hơn. Bố tôi đã ra viện, cậu vẫn hàng ngày vào thăm cụ, lúc mấy cây thuốc nam, lúc vài tờ báo, lúc lại đấm lưng, cõng cụ đi vệ sinh... Bà cụ thân sinh ra ông Năm Cần rất cảm động. Ông Năm Cần vào thăm mẹ, biết chuyện, cũng cảm ơn cậu. Khi biết cậu là " em ruột " của bố tôi, ông Năm Cần rất vui vì ông rất mến bố và liền  nhận cậu là " em kết nghĩa". Sau này chuyện cậu ra vào nhà ông Năm Cần tự nhiên y như cậu ra vào nhà tôi. Có lần trên một tờ báo Trung ương chụp một bức ảnh ông Năm Cần đứng giữa cánh đồng tiếp một đồng chí Lãnh đạo nhà nước, người đứng bên cạnh ông Năm Cần là cậu. Bức ảnh đó cậu phóng rất to treo giữa nhà. Nên thế việc xác nhận cậu có tham gia giai đoạn  " Tiền khởi nghĩa " của ông Năm Cần rất đơn giản. Bố tôi cũng nghĩ đơn giản còn hơn chữ ký xác nhận của ông Năm Cần :" Chú ấy được xét vào tiêu chuẩn những người tham gia Tiền khởi nghĩa cũng chẳng chết ai. Gia đình chú ấy có thêm chút tiêu chuẩn để cải thiện đời sống.".

 

Từ đó nhiều tổ chức, đoàn thể biết cậu là người tham gia cách  mạng từ thời Tiền khởi nghĩa, cứ đến những ngày lễ lớn, họ lại mời cậu về nói chuyện về " truyền thống yêu nước ". Chẳng gì bây giờ cậu đã trở thành một "nhân chứng sống " dễ gì tìm được người thứ hai. "... Hồi tôi còn hoạt động bí mật, gây dựng cơ sở cho phong trào cách mạng, giặc Pháp truy lùng tôi ráo riết. Có một lần, chúng huy động cả một trung đoàn bao vây định bắt tôi cùng một số đồng chí khác nữa. Chúng rải quân dày đặc từ đầu làng đến cuối làng, dày đến mức độ có khi con muỗi cũng khó chui lọt. Ấy vậy bằng lòng dũng cảm và sự mưu trí tôi vẫn thoát được, lại còn đạp cho một thằng lính Pháp chết đuối dưới  sông.". Cậu kể câu chuyện đó giọng rất trơn tru, nét mặt hồng hào. Bên dưới các em học sinh cứ há mồm ra nghe. Lại một câu chuyện khác cậu kể cho các em sinh viên một trường cao đẳng về một "mối tình trong sáng" trong " quan hệ quốc tế ". Giọng cậu khúc chiếc, tình cảm :"...Cô ấy đi hái măng qua một lùm cây. Có ba thằng biệt kích đang núp trong  lùm cây ấy lao ra định làm nhục cô gái. Cũng vừa lúc ấy tôi đi đến, bằng cả một làn đạn tiểu liên bắn thẳng, cả ba thằng biệt kích đã chết thẳng cẳng. Từ đó giữa tôi và cô gái người nước bạn có một tình cảm rất sâu đậm. Nhưng nghĩ đến nhiệm vụ còn đánh bọn Đế quốc và tay sai, tôi gác tình riêng lại, cố hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Khi biết tôi về nước, cô gái ấy ra tận biên giới để tiễn, khóc sụt sùi, trông thương lắm.".  Kể xong câu chuyện đó, cậu đưa cho các em sinh viên xem cái giấy thông hành của ông Tộc trưởng nước bạn ký cho cậu đi lại không bị lục soát viết  bằng chữ " giun " loằng ngoằng, để chứng minh câu chuyện cậu vừa kể có thật một trăm phần trăm. Các em sinh viên nghe xong vỗ tay hoan nghênh cậu một cách nhiệt liệt. Cũng từ đó, bất cứ hội nghị lớn, hay mít tinh lớn nhân một sự kiện lịch sử nào đó, ở hàng ghế đại biểu hay chủ tịch đoàn thường xuyên có cậu. Tiêu chuẩn của cậu từ nhà cửa đến đi an dưỡng do nhà nước cấp  cũng có phần hơn bố tôi.

 

Sau ngày bố tôi về hưu, cuộc sống  của gia đình  tôi lâm vào cảnh thiếu trước, hụt sau. Hồi còn đương chức, tính bố tôi lương thiện, thật thà, ít tính toán, nhà nước cho sao, ở vậy, không bao giờ bố đòi hỏi. Đến lúc về hưu căn nhà đựơc nhà nước cấp hoá ra quá chật chội khi anh em tôi  mỗi ngày một lớn, đến tuổi lập gia đình. Lúc còn chức tước bố không xin cấp nhà, về hưu là khó, anh em tôi trong gia đình tự nhiên đâm hục hặc. Bố nghĩ mãi, rồi nhờ cậu. Cậu lại làm được cái việc mà lúc về hưu bố tôi không làm được, là xin Tỉnh cấp cho bố một miếng đất vuông vức ngay mặt tiền. Bố tôi hỏi cậu làm sao có thể đạt được kết quả tốt ở một chuyện khó như thế? Cậu nghiêm ngay nét mặt, nói rất quan trọng:" Biết chuyện khó khăn của anh, em đến ngay Ban tổ chức tỉnh uỷ quát thẳng vào mặt họ:" Các anh có giải quyết cho anh Thông không ? Anh Thông một cán bộ lãnh đạo Sở về hưu đang gặp khó khăn về chuyện nhà cửa. Anh ấy lại là anh ruột của tôi, mà tôi thì các anh biết rồi, một các bộ Tiền khởi nghĩa cùng hoạt động với anh Năm Cần, một vị tiền bối cách mạng của tỉnh. Chúng tôi đổ bao xương máu, các anh mới có ngày hôm nay. Các anh không giải quyết  chuyện này, tôi sẽ báo với anh Năm Cần và kiện đến tận Trung ương ...". Chuyện cậu là cán bộ thời " Tiền khởi nghĩa", là " Em  kết nghĩa của ông Năm Cần"... cả tỉnh đều biết. Nghe cậu nói vậy mấy ông lãnh đạo Tỉnh có vẻ sợ, đồng ý cấp cho bố tôi miếng đất đủ làm một cái nhà ngay mặt tiền. Khi căn nhà làm xong trên miếng đất do cậu xin hộ, bố tôi rất vui. Nghe tiếng cậu đến thăm, bố tôi lật bật chạy ra tận cổng để đón, quên cả xỏ chân vào dép. Khi cậu về rồi, bố tôi ngồi nhìn căn nhà, giọng vẫn bần thần: " Không có cậu mày thì làm sao gia đình mình có căn nhà này. Cậu mày giỏi thật, rất xứng đáng là cán bộ Tiền khởi nghĩa ".

 

Cậu và bố tôi tuổi đã cao, khi về hưu trong người bố tôi có nhiều trọng bệnh, dáng gầy, thuốc men luôn, vào viện thường xuyên. Trong khi ấy, dáng cậu trông vẫn to khoẻ, nước da hồng hào, mái tóc bạc cứ óng mượt. Nhìn hai anh em, ai cũng đoán là bố tôi sẽ " đi " trước cậu.  Có ai ngờ! Cậu lại " đi " trước bố tôi.

 

Nhân đám cưới của cô con gái lớn, ông Năm Cần nhờ cậu đứng ra lo toan việc tiếp khách, mà khách của ông Năm Cần lại toàn những người có chức to, làm việc lớn của Tỉnh. Cậu phải tất bật bắt tay người này, chạm cốc người kia, rồi ngồi mâm này bắt tay, đến mâm kia chào hỏi... Tất cả những quan khách cậu đều đến tiếp chuyện rất thân, không thiếu một ai. Làm việc quá sức, uống nhiều, tuổi đã lớn, có bệnh huyết áp cao,  ngay tối hôm ấy về nhà ngả lưng xuống giường là cậu " đi ".

 

Bây giờ ngồi nghĩ lại, khi còn sống, cậu đã làm cho gia đình tôi được bao nhiêu điều. Không có cậu, gia đình tôi cũng còn khổ. Những lần cậu giúp gia đình tôi qua cơn khốn khó như xin việc cho anh em tôi, đưa bố tôi đi chữa bệnh, mua hàng giá rẻ... Gia đình tôi mang ơn cậu nhiều. Mỗi lần thấy cậu xuất hiện trên ti vi, ngồi ở Đoàn chủ tịch một cuộc mít tinh lớn nhân một lễ kỷ niệm nào đó, bố tôi nói không dấu được niềm tự hào: " Cậu đã làm rạng danh gia đình ta, các con ạ !". Cậu mất, bố tôi đau xót. Nên khi ông Năm Cần nói với bố tôi nên viết điếu văn về cậu, vì chỉ có bố là hiểu cậu nhất. Bố tôi đồng ý ngay. Mở đầu bài điếu văn, bố tôi viết:

 

"... Đồng chí Vũ... sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, có truyền thống cách mạng. Ngay từ tuổi thanh niên đồng chí đã nuôi trong mình ý thức đấu tranh giai cấp, tham gia cách mạng. Một sự kiện tiêu biểu mà hiện nay sách sử địa phương còn ghi là việc đồng chí dũng cảm,  mưu trí treo cờ lên nóc kho gạo của bọn lính Nhật chiếm đóng làm hiệu lệnh Tổng khởi nghĩa cho toàn vùng. Sau đó với lý tưởng Cách mạng đã ngấm vào trong máu, đồng chí tiếp tục có những hoạt động sôi nổi như..."./.

Trần Kỳ Trung
Số lần đọc: 2214
Ngày đăng: 31.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lang thang - Đông La
Giải thuật - Nguyễn Hiệp
Người của biển - Nguyễn Minh Phúc
Chuyện xóm củi - Mang Viên Long
Mèo ơi ! - Huỳnh Văn Úc
Ân nhân - Đông La
Những đóa hồng của đời sống - Mang Viên Long
Tìm cha trong gương - Lê Mai *
Trực chiến - Huỳnh Văn Úc
Ảo giác - Phạm Ngọc Tú
Cùng một tác giả
Người đánh trống (truyện ngắn)
Bằng di tích (truyện ngắn)
Đọp-nhà thơ (truyện ngắn)
Lầm lẫn (truyện ngắn)
Chỉ tại con ruồi (truyện ngắn)
Chuyện của Cậu tôi (truyện ngắn)
Lõm to (truyện ngắn)
Mẹ (truyện ngắn)
Hương hoa móng rồng (truyện ngắn)
Bài văn tả…! (truyện ngắn)