Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.087
123.164.067
 
Tản mạn cuối năm
Trương Quang

 

Tặng Bùi Văn Nam-Sơn và Tôn Thất Thiêm

 

«Je me promène, donc je suis» ( Tôi đi dạo, vậy thì  tôi hiện hữu)

(Phỏng theo Descartes)

 

Ở những nơi có bốn mùa phân biệt rõ rệt, có lẽ mùa thu đẹp và để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người. Nhưng mùa thu năm 2008 là thời điểm của đủ loại thiên tai và nhân tai - trầm trọng đến nỗi có người gọi là mùa của «những cú sốc» (Shocktober) với hàng loạt những cuộc động đất, bão lụt, đánh bom tự sát, diệt chủng, xung đột tôn giáo, khủng bố…vượt tầm mức thông thường. Bao trùm lên tất cả là cuộc suy thoái tài chánh-kinh tế vô tiền khoáng hậu đang lan rộng trên toàn cầu. Trong nỗi hoang mang và tuyệt vọng tìm kiếm một lối thoát cho sự bế tắc chu kỳ cuả thiên niên kỷ mới, con người cần có thời gian và cơ hội suy tưởng để hiểu mình, hiểu đời và hiểu toàn khối vũ trụ quanh mình hơn, ngõ hầu có thể vượt qua những khó khăn trước mắt và tiếp tục tồn tại.

 

Mùa thu của bầu trời trong xanh và lá vàng rộn rã có thể giúp người ta hồi tưởng những phút giây, ngày tháng; những sát na  ngắn ngủi mà nhẹ nhàng và đầy kỳ diệu của đời người. Thụ cảm mùa thu đã giúp con  người tìm ra phần tinh tế của mình và khơi nguồn suy tưởng mới, để lại nhiều kiệt tác về cảnh sắc (‘Thu vịnh’ của Nguyễn Khuyến, ‘Tiếng thu’ của Lưu Trọng Lư), về tình yêu (‘Le lac’ của Lamartine, ‘Thu ‘ và ‘ Đây mùa thu tới’ của Xuân Diệu) và về triết lý chính trị-xã hội (‘Meditationes de prima philosophia’ của Descartes, ‘Les confessions’ và ‘Les rêveries du promeneur solitaire’ của Jean-Jacques Rousseau). Nhưng đáng kể nhất phải là những cuộc đi dạo  chơi (thường là đơn độc) của Jean-Jacques Rousseau mà kết quả là những điều ông ghi nhận đã tạo tiền đề cho những cuộc cải cách giáo dục và chế độ chính trị; cụ thể nhất là cuộc Cách mạng Pháp năm 1789.

 

Cuộc đời và số phận của Jean-Jacques Rousseau ở Pháp cũng trầm kha, trôi nổi như Tô Đông Pha bên Tàu, dù hai người sống cách nhau gần mười thế kỷ. Điều giống nhau là cả hai đều đã tìm ra một cách riêng để chôn vùi những khổ lụy của đời mình dưới những đống lá vàng xếp lớp dưới chân trong những cuộc đi dạo. Những cuộc dạo chơi thảnh thơi giữa thiên nhiên đã giúp họ thoát ra ngoài tấm thân mượn tạm, cuộc sống phù du và vượt lên trên những điều bình thường với những bài thơ tuyệt tác được ca tụng như «hành vân, lưu thủy»  nước chảy mây  trôi của Đông Pha hay tư tưởng dẫn đạo qui định lại mối liên hệ giữa con người và xã hội (‘Du contrat social ou Principes du droit politique’) của Rousseau.

 

Người ta kể rằng, do buồn lòng vì những cáo buộc (đạo đức giả, không trung thực, hèn nhát, đạo văn…), đôi khi quá khích (đốt sách, ném đá) của người đương thời đối với những tư tưởng cải cách mới mẻ trong cuốn Emile (hay Bàn về giáo dục) và Contrat social (Khế ước xã hội) mà Jean-Jacques Rousseau đã lui về sống ẩn dật giữa hồ Bienne trên đảo St. Peter và cuối cùng trong dinh cơ đồ sộ của bá tước de Girardin, một người ngưỡng mộ văn tài của ông, ở phía bắc Paris và bắt đầu ghi lại những cảm nhận riêng tư của mình trong những cuộc đi dạo hằng ngày kéo dài trong hai năm, từ mùa thu năm 1776 đến hết năm 1778. Cuốn Les rêveries du promeneur solitaire (Những mơ tưởng của người đi dạo đơn độc) ghi lại những suy nghĩ sâu sắc và độc đáo của ông trong mười cuộc dạo, nhưng thật sự chỉ có tám chương được chính ông tự duyệt lại và hệ thống hóa để in thành sách, phần còn lại đành phải dang dở (dù có in, nhưng không được ông hiệu đính lại) vì cuộc ra đi bất ngờ (trong một hoàn cảnh khá bi đát) vào cõi vĩnh hằng của ông vào năm 1778 ở Ermenonville.

 

Dù là ‘suy tưởng’ (meditation) trong trường hợp của Descartes và Lamartine, hoặc ‘mộng tưởng’ (rêverie) như Rousseau, chắc chắn là những chiếc lá vàng tươm, khu rừng u tịch, con đường mòn vắng vẻ, vùng trời xanh bàng bạc, mặt nước yên ắng và đôi cánh thiên nga trắng nõn lặng lờ trong hồ … chắc chắn đã góp phần khơi nguồn thi phú và những luồng tư tưởng chuyển đổi trong thế kỷ 18, khi số phận và điều kiện sống của con người vẫn còn rất bức bối và khá bi thảm.

 

Cho đến khi hậu quả khốc liệt của hai cuộc thế chiến nhằm mở rộng «không gian sinh tồn» (espace vital, Lebensraum) và cuộc «chiến tranh lạnh» dằng dai trong thế kỷ 20 đã vắt cạn kiệt lòng kiên trì và sức sáng tạo của con người, thì những cánh rừng nội đô (urban forest hay forest park) trở thành những «mảng xanh» cần thiết, nơi con người có thể hít thở để thanh lọc hai buồng phổi đặc quánh khói công nghiệp (vì cuộc chạy đua kỹ nghệ hóa), tìm lại một phần đời đã mất đi của mình (trong cuộc tranh giành sự nghiệp và danh lợi) và giúp con người tiếp nạp sinh lực cho những đợt sáng tạo mới. Nhiều cánh rừng như thế đã được chính những công nhân thất nghiệp trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 xây dựng (Haagse Bos, Hà Lan), nhưng phần lớn phát sinh từ nhận thức về quân bình sinh thái và bảo vệ môi sinh cho sự trường tồn của cộng đồng cư dân và toàn thể sinh vật trên trái đất. Những cánh rừng nội đô càng ngày càng phát triển và nhân rộng ra khắp nơi trên toàn thế giới hiện nay, từ Jefferson Memorial Forest ở Louisville, Kentucky (24.5 km2, lớn nhất ở Hoa Kỳ) đến Bois de Boulogne (Pháp), Minsk (Belarus), Bracknell, Berkshire (Anh quốc), Ontorio (Gia-Nã-Đại), Donegal (Aí Nhĩ Lan) Portland, Oklahoma, Queens NY, Springfield (Hoa Kỳ)…không những  góp phần tăng vẻ đẹp cho thành phố,mà đồng thời còn giúp giảm bớt cường độ căng thẳng về tinh thần của cư dân, hạ nhiệt tạo ra từ động cơ, ô nhiễm từ khói xe, khí thải, giảm nguy cơ lũ lụt, cải thiện môi trường sống cho động vật và nâng cao giá trị của bất động sản trong khu vực.

 

Thât sự con người khó có thể sinh hoạt, suy nghĩ bình thường, làm việc có hiệu quả hoặc tiếp tục sáng tạo trong một môi trường sống thường trực căng thẳng giữa rừng người, xe cộ và cao ốc đan dày, ngột ngạt như hiện nay. Chính vào lúc mọi sự trở thành đảo điên thì những mảng xanh, những cánh rừng nhỏ, lối mòn trong công viên, phố đi bộ và kể cả những cảnh mùa thu tĩnh lặng đều cần được phục hồi hoặc xây dựng ở những thành phố, để cư dân có thể ‘suy tưởng’ và ‘mơ tưởng’. Những bước chân dạo chơi  thanh thản sẽ giúp trả lại lòng vị tha, nhân hòa, niềm tự tin, lạc quan và mở rộng tầm mắt cho con người, rất cần thiết để  con người chuẩn bị chống chọi với những thách đố đang trải dài trước mặt. /.

 

Blaricum, 5-12-2008

 

Trương Quang
Số lần đọc: 2406
Ngày đăng: 31.12.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gia tài của mẹ - Phạm Ngọc Tú
Xa xăm trường cũ - Nguyễn Hải Triều
Biết đâu nguồn cội - Ban Mai
Bến trầu của mẹ - Ngô Văn Tuấn
Chăn Trâu khổ Lắm - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Thư gửi anh biên tập - Vũ Trà My
Hà Nội Bốn Mùa - Lê Hiền
Lặng lẽ mùa đông - Nguyệt Quế
Mùa sim - Nguyễn Hải Triều
Tản mạn chuyện thơ : có một nhà thơ thôn Vỹ … - Cao Quảng Văn