Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.991 tác phẩm
2.764 tác giả
266
124.531.233
 
Một nửa lời nguyền
Nguyễn Thảo Nguyên

Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi; từ những ngày mà vùng đất phương Nam vừa được khai phá. Ngọn núi Vọng Bàn khi ấy còn mang nhiều nét hoang sơ nhưng rất xinh đẹp và thơ mộng, đứng sừng sững soi bóng xuống bãi biển - nơi đã hình thành một làng chài. Trên núi có một ngôi chùa nhỏ mang tên núi: chùa Vọng Bàn, đã được xây dựng từ hai mươi năm nay. Trụ trì chùa là một vị hòa thượng tuổi đã ngoài năm mươi. Không ai rõ lai lịch của vị hòa thượng này. Có nhiều nguồn dự đoán khác nhau. Người thì bảo trước đây hòa thượng là một viên quan, do chán cảnh quan trường nên chọn kiếp tu hành. Có kẻ nói sau nhiều năm thương hồ trở nên giàu có, người thương buôn muốn dùng đồng tiền từ lao động của mình xây chùa tạo công đức. Lại có tin bảo thầy là chân truyền của một vị thánh tăng đã viên tịch và đắc đạo. Lai lịch của hòa thượng là một bí ẩn, thậm chí được thêu dệt trở nên huyền bí. Nhưng có một điều mọi người đều biết: hòa thượng là một người đạo hạnh từ xa đến đây tạo nhiều công đức cho làng chài này.

 

Không chỉ tinh thông Phật pháp và làm tròn trọng trách của một bậc chân tu, thầy còn rất giỏi về y thuật. Thầy cho mở hẳn một phòng thuốc sau chùa để xem mạch và bốc thuốc cho người bệnh. Những lúc rỗi việc chùa, thầy cũng thường xuyên cùng đệ tử xuống núi vào làng để thăm hỏi, rao giảng Phật pháp và bốc thuốc. Tất cả mọi người đều yêu kính thầy. Là một người có nhiều công đức lại được trọng vọng như vậy, song, chú tiểu Khai Tâm - người trong nhiều năm nay được gần gũi bên hòa thượng vẫn cảm thấy sư phụ của mình như có điều ray rứt. Những lúc rỗi việc và thường xuyên vào mỗi tối, hòa thượng luôn quì trong phòng sám hối để tụng niệm, có khi kéo dài đến rạng sáng hôm sau. Nhiều lúc vì lo ngại cho sức khỏe của sư phụ, chú tiểu nài nỉ, hòa thượng khẽ nói, giọng nhân từ:

 

- Ta và con cũng như mọi người trong kiếp trầm luân này đều có thể đã phạm tội. Phải sám hối để gột rửa những lỗi lầm. Việc làm của ta không bao giờ đủ, chỉ mong sao làm nhẹ bớt cái quả không tốt mà ta cũng như mọi người phải nhận do cái nhân xấu của mình gây ra. Biển cả mênh mông, quay đầu là bờ; phải luôn sám hối và hướng thiện, con ạ!

 

Thời gian qua đi, hình ảnh vị hòa thượng đạo hạnh trong phòng sám hối đã trở nên quen thuộc với những người trong chùa. Và cuộc sống của xóm chài trôi qua trong yên bình; hạnh phúc mà ai ai cũng tin rằng điều đó có được nhờ vào những phúc đức của vị trụ trì chùa Vọng Bàn.

Một buổi chiều, khi cùng Khai Tâm đi bốc thuốc ở dưới làng về, hòa thượng thấy có một con chim đang nằm giãy giụa bên cổng tam quan. Chân và cánh của nó đã bị gãy. Chẳng biết nó đã nằm đó bao lâu, khi đưa vào trong, sức lực của nó gần như cạn kiệt. Phải mất nhiều ngày được bó thuốc, chú chim mới bình phục và được trả lại bầu trời. Sau đó, thầy trò trong chùa cũng chẳng còn bận tâm, cho đến một hôm, vào buổi sáng, khi chú tiểu Khai Tâm mở cổng tam quan để chuẩn bị cùng thầy xuống núi, cũng nhìn thấy một con chim nữa nằm dưới đất và cũng trong tình trạng giống như con chim trước.

 

Khai Tâm nói, có phần lo lắng khi nhìn sư phụ bó thuốc cho chim:

 

- Thưa thầy! Không biết có phải do ngẫu nhiên? Vì sao chỉ cách có vài tuần mà xảy ra trùng hợp lạ lùng này?

 

Hòa thượng ngước lên, nét mặt thoáng lo nghĩ, nhưng rồi thầy nói:

 

- Vạn vật muôn loài đông đúc. Chắc ngẫu nhiên thôi, con à! Có thể xem đây là thử thách công đức của thầy trò ta. Đừng lo nghĩ! Người tu hành không được đa nghi.

 

Vừa lúc ấy, thấy có một người phụ nữ từ ngoài bước vào với chiếc khăn che một bên mặt. Nghĩ rằng cũng như mọi khi, đây là người làng đến nhờ hòa thượng chữa bệnh cho người thân, thầy từ tốn:

 

- Mô Phật! Xin thí chủ thông cảm và tạm nghĩ một lát. Bó thuốc cho chim xong, bần tăng sẽ đi ngay.

 

Người phụ nữ dừng lại, cất tiếng:

 

- Sao thầy phải nhọc lòng thế này? Nó chỉ là con vật. Cần gì phải bỏ công cho nó?

 

Giọng nói của bà sắc lạnh. Chú tiểu Khai Tâm thoáng nhận ra nét căm hờn trong ánh mắt của bà. Nhưng hòa thượng trụ trì vì mải mê quấn băng cho chim đã không nhìn thấy, dù thầy có hơi ngờ ngợ khi nghe lời nói vừa rồi. Thầy vẫn nhỏ nhẹ:

 

- Mô Phật! Con vật cũng là sinh linh do tạo hóa ban cho trong cõi trần thế của chúng ta. Xin hãy đừng phân biệt. Đức Thích Ca Mâu Ni ngày xưa, trên bước đường trần gian khổ, có lúc phải cắt thịt của mình cho chim ưng ăn qua cơn đói.

 

Người phụ nữ càng lạnh lùng:

 

- Thế còn sinh mạng của con người, thưa thầy?

 

Lúc này, hòa thượng đột nhiên ngừng tay và ngước lên, vừa lúc người phụ nữ quay lưng và phá lên cười. Tiếng cười lanh lảnh và xen lẫn vào đó là những lời ai oán, căm hờn:

 

- "Ha... ha...

 

Con chim đói khát

 

Phật lóc thịt mời

 

Đứa bé quặn người

 

Đi vào cõi chết

 

Ha... ha..."

 

Chú tiểu Khai Tâm cảm thấy rợn người, nhìn chiếc áo đen khuất xa dần. Nhưng rồi chú hốt hoảng khi nhìn thấy sư phụ của mình biến sắc đánh rơi chiếc kéo. Thầy lảo đảo tựa hẳn vào chiếc tràng kỷ và cắn chặt môi như như cố kìm nén lời nói của mình chực phát ra. Lần đầu tiên, chú tiểu Khai Tâm nhìn thấy vẻ thảng thốt xen lẫn hoảng sợ của sư phụ.

 

Những ngày sau đó, không khí của chùa có vẻ nặng nề hơn theo những nét trầm mặc và sinh hoạt khép kín hơn của hòa thượng trụ trì. Những lúc rỗi việc chùa, thầy trò của chú tiểu Khai Tâm vẫn xuống núi như mọi khi, nhưng chú tiểu nhận ra thầy của mình ít lưu lại các nhà làng; công việc chấm dứt sớm hơn và hòa thượng lại nhốt mình trong phòng sám hối nhiều hơn. Sáu tháng, sau sự xuất hiện của người phụ nữ áo đen, vị trù trì lâm bệnh và ngày càng trở nặng. Nhưng điều làm những người ở chùa lo lắng hơn là sư phụ của họ không quan tâm gì đến việc chữa trị cho mình. Đối với hòa thượng trụ trì bây giờ, việc làm cho thầy thanh thản và có thể vơi đi cảm giác từ sự hành hạ của căn bệnh, là tiếng mõ lời kinh. Hằng đêm, thầy vẫn quì trong phòng sám hối; tiếng mõ công phu vang lên như một động hình của thầy có khi tỉnh táo, khi mơ màng; cũng như xen lẫn lúc tịnh tâm, lúc hoảng loạn thảng thốt. Trong sự đan chéo lẫn lộn, không rõ ràng của các cảm xúc ấy, thầy mơ màng thấy lại hình ảnh của gần ba mươi năm trước.

 

"... Có một chàng trai sinh ra trong một gia đình khá giả, có cha làm nghề thương hồ có những chuyến đi dài ngày. Năm chàng được mười tám tuổi, cha chàng muốn truyền nghề cho đứa con trai duy nhất thông qua việc để chàng theo các chuyến hải trình. Thời gian này, chàng đã yêu thương và ước hẹn với một người con gái xinh đẹp trong vùng. Gia đình hai bên đồng ý và thỏa thuận cuộc hôn nhân sẽ diễn ra vài năm sau đó, khi chàng đã quen với việc buôn bán và chỉ huy những chuyến đi biển. Ngày tiễn chàng theo đoàn thuyền, cô gái đưa ra hai chiếc khăn thêu. Họ đã thề nguyền với nhau, sau khi mỗi người cầm giữ một chiếc.

 

- Nguyền rằng lúc sống và khi chết đều là của nhau và ở bên nhau mãi mãi.

 

Chuyến đi đó kéo dài và tạo ra sự thành đạt lớn. Vài năm sau, chàng trở về; rồi sau đó cha mất. Chàng kế thừa tài sản to lớn và trở nên giàu có. Nhưng chàng vẫn thấy đau khổ khi người yêu đã không chờ đợi chàng ở chuyến hải trình đó. Do hoàn cảnh gia đình, nàng bị cha mẹ ép gã cho một người khác. Từ đó, chàng bỏ việc buôn bán. Những năm theo cha lưu lạc khắp sông hồ, chàng đã học được nghề bốc thuốc. Chàng mở hiệu thuốc và trở nên nổi tiếng trong công việc mới này. Nhưng chàng vẫn thấy buồn, vẫn cô độc.

 

Một hôm, hiệu thuốc của chàng tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt, đứa trẻ khoảng bốn tuổi trong cơn sốt động kinh đã bị ngã từ trên cao xuống đất, bị gãy xương và làm trầm trọng hơn căn bệnh trước đó của nó. Mẹ của đứa trẻ, chẳng ai khác, chính là cô gái ngày xưa đã nguyện ước với chàng. Nhìn đứa bé với đôi mắt nhắm nghiền và hơi thở mệt nhọc, chàng bất nhẫn, muốn xem mạch, bốc thuốc cho nó. Nhưng khi nhìn lại cha mẹ nó, chàng thấy như có một bức tường vô hình nhưng thật vững chắc ngăn trở. Đôi phu phụ đang ngồi kia: một người đã phản bội và một người đã cướp lấy tình yêu của chàng. "Không, ta không để cho các người thỏa mãn trong hạnh phúc của mình mà phải gánh lấy và chia sớt nỗi đau khổ của ta!" - Chàng nghĩ và lắc đầu trước họ.

 

Người mẹ quì sụp xuống:

 

- Tôi van người, xin hãy vì tình cảm tốt đẹp của chúng ta trước đây mà cứu lấy đứa bé! Chúng tôi nguyện cắn cỏ lạy người.

 

Người thầy thuốc kiên quyết khoát tay...

 

Tiếng mõ vang lên đều đặn theo nhịp tay của hòa thượng trụ trì chùa Vọng Bàn xen kẽ với tiếng trống điểm canh từ xa vọng lại. Trời đã thật khuya, cơn sốt trong người của thầy như tăng thêm; cùng với hơi thở lúc gấp gáp đứt quãng, lúc yếu ớt. Mồ hôi chảy ra ướt đẫm chiếc áo cà sa của thầy. Thầy lại mơ màng thấy mình đang trầm mình trong một hồ nước mát đầy sen trên đất Phật. Những dòng nước cam lồ như thấm vào da thịt, làm dịu đi nỗi đau trên cơ thể; tâm của thầy trở nên thật thanh thản. Nhưng chỉ một lúc, hồ nước mát ấy bỗng trở màu máu khủng khiếp; những dòng nước đỏ cuồn cuộn chảy, xoáy tròn làm xoay chiếc thuyền đơn độc giữa dòng sông mênh mông vào một đêm đen thẫm. Những ánh chớp giông lóe lên trong cơn mưa rọi sáng ba bóng người trên thuyền. Hai vợ chồng trong đêm tối chống thuyền tìm thầy thuốc trị bệnh cho con đã gặp phải cơn mưa bão bất chợt. Giờ họ là những sinh linh quá nhỏ bé trước thiên nhiên hung tợn. Tiếng mõ của hòa thượng trụ trì dồn dập hơn theo hình ảnh quay tít của chiếc thuyền. Hơi thở của thầy thảng thốt theo tiếng kêu thét, lạc lõng trong đêm giông bão của đôi vợ chồng: "Cứu chúng tôi! Hãy cứu giúp chúng tôi!". Rồi ánh chớp lại lóe lên, hòa thượng trụ trì nhìn thấy chiếc thuyền xoay tròn lần cuối cùng rồi lật úp. Đầu óc của thầy như vỡ ra. Tiếng mõ công phu cũng yếu dần rồi tắt hẳn; hòa thượng đổ gập người xuống. Trong cơn mơ màng cuối cùng, thầy còn thấy được hình ảnh người phụ nữ bị sóng đẩy giạt vào bờ; sau cơn giông bão, đang tỉnh lại và vật vã khóc chồng, con của mình.

 

Cái tin hòa thượng trù trì chùa Vọng Bàn viên tịch đã tạo nỗi kinh hoàng và đau xót cho những người dân làng chài. Họ tiếc thương một bậc chân tu đạo hạnh nhiều công phúc; đồng thời đau buồn vì từ nay mất đi một người chăm lo phần hồn lẫn phần xác của họ. Theo thỉnh cầu của dân làng, tang lễ của hòa thượng được kéo dài ngày để mọi người được đến thắp hương, vọng bái và tưởng nhớ công đức của thầy. Lúc phụ soạn lại tư trang để lo tẩn liệm hòa thượng, chú tiểu Khai Tâm phát hiện một chiếc khăn thêu để cùng với ít quần áo trần tục của sư phụ trong một hòm gỗ. Nghĩ đây là kỷ vật của sư phụ khi còn sống với gia đình lúc trẻ, Khai Tâm đã cho vào cùng đồ tẩn liệm theo thầy.

 

Buổi tối hôm an táng hòa thượng, trời mưa nặng và kéo dài. Bên nấm mồ mới đắp trên đỉnh Vọng Bàn có một người phụ nữ quì phục và cất giọng ai oán:

 

- Hãy tha thứ cho tôi vì tôi đã phản bội người. Tôi đã không tròn lòng chung thủy khi vì chữ hiếu mà trở thành kẻ phụ bạc. Nhưng tôi cũng căm hận người. Đứa bé không có tội gì hết; tôi đã nghĩ rằng nếu nó được người điều trị lành bệnh và khôn lớn, tôi sẽ dùng cái chết để tạ tội với người. Nhưng người đã quá nhẫn tâm và vô cảm. Đã hơn hai mươi năm tôi cố vọng tìm người để nói lên lòng căm hận đó. Giờ tôi dã làm được điều đó liệu có thỏa mãn? Tôi cũng không biết! Chỉ thấy quanh mình là khoảng mênh mông vô tận. Tôi đã làm cho người đau lòng. Xin hãy tha thứ cho tôi cũng như tôi vừa tha thứ cho người.

 

Ánh chớp lóe lên trong mưa rọi chiếc bóng của bà đổ dài và dán chặt vào nấm mộ như muốn ôm trọn lấy nó. Bà lôi từ trong người ra một chiếc khăn thêu rồi chìa trước mộ.

 

- Người hãy xem đây! Kỷ vật của gần ba mươi năm. Hình ảnh ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Chúng ta đã nguyền rằng lúc sống là của nhau và lúc chết cũng xin được bên nhau. Khi còn sống, tôi đã là người phản bội. Giờ người là bậc chân tu và có thể đã đắc đạo. Nhưng nếu điều ấy xảy ra, van xin người hãy đừng nhập Niết Bàn để một nửa còn lại của lời nguyền được ứng nghiệm.

 

Người phụ nữ rụt tay về và nắm chặt chiếc khăn thêu. Bà lảo đảo đứng lên.

 

- Tôi xin giữ mãi chiếc khăn này. Rồi đây trong chốn u linh có thể có nhiều hồn ma, tôi luôn giữ chặt chiếc khăn này như một tín hiệu để người nhận ra tôi và tôi cũng xin được làm điều đó với người.

 

Ánh chớp lại lóe lên, người phụ nữ bước lùi dần.

 

Hai hôm sau, người ta phát hiện xác một phụ nữ giạt vào bờ. Sóng dập làm rách chiếc áo đen trên người. Nhưng lúc được vớt lên để tẩn liệm, tay của người chết vẫn còn nắm chặt chiếc khăn thêu.

 

                                                            Những ngày Tết Giáp Thân

                                                                      Tháng 1-2004

                                                                             N.T.N

Nguyễn Thảo Nguyên
Số lần đọc: 1751
Ngày đăng: 19.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nơi cuối đường - Nguyễn Thị Diệp Mai
Mảnh vụn - Ngọc Hiệp
Chim Nhạn trở về - Nguyễn Thị Diệp Mai
Lửa cháy phía Phương Thành - Nguyễn Thị Diệp Mai
Đại ca Bầu - Nguyễn Thị Diệp Mai
Quên - Thu Trang
Hư ảo cuộc đời - Thu Trang
Quê ngoại - Thu Trang
Ông Mười - Nguyễn Trọng Tấn
Con khỉ nhà 3B - Thảo Bích
Cùng một tác giả