Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
742
123.239.065
 
Nơi bến sông
Nguyên Tùng

Cuối cùng thì Thuận cũng dừng xe lại. Anh bước xuống tiến lại gần ông già đang đứng bên vệ đường phía trước khoảng năm mét, tay vẫn còn đưa thẳng ra trong tư thế đón xe.

- Đi chơi nghen!

Thuận nói, nắm tay dẫn ông đến cửa xe rồi đỡ ông lên ca bin chiếc Benz. Ông lão vẫn im lặng và ngoan ngoãn làm theo. Đã chín giờ đêm. Trăng mười bốn thập thò bởi những đám mây mỏng bay lướt làm cảnh vật bên dưới lúc thì sẫm lại, lúc hiện ra sáng trong, mây mẩy. Thuận biết mình vừa làm một việc mà từ lâu anh tự nói với lòng là không được phép làm. Nhưng đêm nay trong chuyến chở đất cuối cùng ra công trường Thuận không đành lòng chạy vút qua, bỏ mặc ông lão như bao lần khác. Đã nhiều ngày rồi, ông Hảo - tên ông lão - vẫn đứng ở ngã ba này, nơi ngã rẽ ra hướng bờ sông chờ những chiếc xe chở đất ra công trường là giơ tay đón. Không ai dừng lại, Thuận cũng vậy vì đó là một ông già lơ ngơ, lẩm cẩm. Với Thuận thì ông Hảo không xa lạ gì bởi Thuận là người duy nhất trong đội xe tải chuyển đất ra công trường quê ở làng này. Thuận biết ông từ lúc anh còn là đứa trẻ con, vả lại ông Hảo cũng rất nổi tiếng vì cá tính kỳ quặc của mình. Vài ba năm trở lại đây một cơn tai biến mạch máu não đã biến ông thành một con người hoàn toàn khác. Từ một ông già sức khỏe còn lực bạt, nhanh nhẹn giờ trở nên chậm chạp, ăn nói khó khăn, trí óc mụ mẫm khi nhớ, khi quên.

- Chút nữa đổ đất rồi tôi dẫn bác về nhà tôi ngủ, chịu hôn?

- Chịu. - Ông lão vừa trả lời vừa gật đầu.

- Rủi con bác đi kiếm, làm sao?

- Tụi nó... không... kiếm đâu!

- Sao vậy?

- Tui ở... một... mình. Muốn đi... đâu... thì đi.

Hỏi thì hỏi vậy, chứ Thuận biết những người con của ông đều ra ở riêng kể từ khi vợ ông đột ngột chết vì một cơn nhồi máu cơ tim. Chúng nó khắc nhau như lửa với nước, hễ gặp nhau một lát thì y như rằng có cuộc khẩu chiến xảy ra. Chung quy là chúng giành nhau quyền thừa kế căn nhà. Không ai chịu ai, cuối cùng đành phó mặc ông lão ở một mình, nếu có ai ghé qua cũng chẳng khác nào thăm bẫy.

Không muốn khơi sâu câu chuyện về hướng này, Thuận lái sang chuyện khác.

- Bác biết ba tôi không?

- Biết.

- Ai?

- Hai Nhàn.

- Còn tôi?

- Thằng Thuận... còi... cọc.

Thuận cười thành tiếng. Ngó qua, nhờ ánh sáng của trăng dọi vào Thuận thấy ông Hảo cũng cười, nhưng là cái cười dài dại của người trí não không còn được minh mẫn. Giọng nói của ông ngọng líu, phát âm từng tiếng một cách khó khăn. Thuận cũng không ngờ ông ta còn nhớ cái biệt danh "Thuận còi" mà lũ bạn cùng lứa đặt cho anh hồi còn nhỏ vì tướng tá anh ốm yếu, còm nhom, lại còn biết thêm vô chữ "cọc" để pha trò. Thuận thấy tội nghiệp ông lão. Đến bây giờ Thuận vẫn không hiểu sao má anh hận ông ta đến chết cũng không nhìn mặt, còn cấm tuyệt đối Thuận không được đi ngang nhà ông. Nhà ông Hảo ở tại ngã ba, cách chỗ ông đứng lúc nãy chừng năm chục thước. Nhà Thuận ở xóm ngoài Vàm cách ngã ba hơn cây số, tại bến đò ngang. Ba Thuận làm nghề đưa đò, chiều tối và khuya còn đi lưới cá để nuôi Thuận ăn học. Từ nhà Thuận muốn đến chợ hay trường học nếu rẽ ở ngã ba trước cửa nhà ông Hảo là nhanh nhất nhưng má Thuận không bao giờ đi đường này. Bà rẽ vào con lộ nhỏ cách nhà ông chừng hai trăm thước, từ đây đến được chợ phải đi vòng vèo xa hơn rất nhiều. Vậy mà cả một thời cắp sách đến trường ở làng này Thuận phải đi theo lối đó, vì anh không muốn mẹ buồn.

Đối với một đứa trẻ dù có ngoan ngoãn nghe lời mẹ dạy đến đâu thì cũng có lúc do bản tính hiếu kỳ nó muốn làm ngược lại cái điều bị cấm đoán. Thuận cũng vậy. Và chính cái lần lén cãi mẹ ấy nó đã thật sự thấy ông Hảo đáng ghét, để từ đó mỗi khi đi học dù mưa gió, đường sá trơn trợt cỡ nào nó cũng không đi con đường trước cửa nhà ông.

Năm đó Thuận mới học lớp Hai. Một hôm cả làng bỗng xôn xao lên vì cái tin sắp xảy ra một đám cưới lạ thường. Đám cưới ma. Không riêng họ hàng thân tộc của hai gia đình đôi tân hôn mà bà con lối xóm cũng nhận được thiệp mời. Người ta ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, tưởng như mình hoa mắt, nhìn gà hóa cuốc, rồi lại đâm ra thắc mắc hỏi lẫn nhau vì ngỡ có sự nhầm lẫn nào trong khâu in ấn khi rõ ràng tên cô dâu chú rể trên tấm thiệp cưới là hai cô cậu đã chết cách đó không lâu. Đến lúc biết đó là thật, sự tò mò càng khiến họ rủ nhau đi dự rất đông để tận mắt chứng kiến đám rước dâu có một không hai này. Điều kỳ lạ là đám rước sẽ chính thức diễn ra ở ngã ba lộ giồng, trước cửa nhà ông Hảo. Hôm ấy Thuận nhập vào bọn trẻ cùng xóm kéo nhau đi xem.

Thuận nghe người ta kể: Hơn ba tháng trước, nơi ấy đã xảy ra một tai nạn giao thông khủng khiếp khiến cả hai người đi xe đụng nhau đều chết. Một cô gái đẹp nổi tiếng của xóm Giồng, mười chín tuổi, tiếp viên nhà hàng Phi Á trên thành phố. Còn chàng trai hai mươi tuổi là con ông chủ lò heo giàu nhất ở xóm Chợ. Hôm ấy cô gái về thăm nhà còn chàng trai đang trên đường đến nhà bạn để rủ nhau đi hát Karaoke. Ai cũng gấp gáp nên chạy nhanh, đụng nhau chết liền, chắc chưa kịp nghe đau. Ông Hảo đang lúc ra sân thắp hương ở bàn ông Thiên nên chứng kiến rõ cái giây phút bất thần đó.

Người ta lại kể: Khoảng một tháng sau cả hai gia đình nạn nhân đều có những giấc mơ giống nhau. Cô gái và chàng trai về báo mộng là họ đã có duyên tiền định, nhưng số họ vắn nên không thể thành vợ thành chồng ở chốn dương gian mà họ phải gắn bó nhau nơi âm cảnh. Nhưng dù chốn dương gian hay âm cảnh thì họ cũng không thể vượt qua vòng lễ giáo mà cần có sự tác hợp của cha mẹ hai bên. Họ cũng cho biết ông Hảo - người duy nhất nhìn thấy cuộc "tương ngộ" của họ - chính là ông mai cho cuộc thành hôn.

Đám rước diễn ra long trọng, tàng lọng, mâm quả đủ đầy. Có cả dâu phụ, rể phụ và hơn ba mươi người hai họ. Xuất phát từ nhà trai họ đến ngã ba để "chú rể" nhập vào rồi đến nhà gái làm lễ đón dâu. Khi trở về dòng người đông hơn vì có họ nhà gái, cũng đi đến ngã ba để "cô dâu" lên xe hoa. Ông Hảo trịnh trọng trong lễ phục truyền thống - khăn đóng áo dài - đúng nghĩa một ông mai.

Thuận chen chúc trong đám trẻ hiếu kỳ đứng ở bên đường xem đám rước đi qua. Chúng đồng thanh hô to: Đám cưới ma, đám cưới ma. Á ngộ!... Có lẽ trong đám trẻ ấy Thuận là đứa hét to nhất. Ông Hảo rẽ đoàn bước tới, không nhằm vào mấy đứa khác mà chỉ nhằm vào Thuận, dang thẳng tay tát vào má nó một cái tóe lửa: "Đi về nhà, đồ mất dạy!". Phần đau, phần tức vì bị đòn oan, Thuận trốn vào bụi trâm bầu khóc tức tưởi.  Lúc này nó mới thấy ông Hảo đáng ghét làm sao. Dĩ nhiên là chuyện bị ông Hảo tát tay được nó giấu biệt với ba mẹ, nhưng kể từ đó Thuận không bao giờ đi con đường qua cửa nhà lão già đáng ghét đó.

*

*     *

Kể ra thì không chỉ riêng mẹ con Thuận không ưa ông Hảo. Ở làng này hình như ông là một trong những đề tài để người ta mỉa mai, châm biếm. Dáng người lùn tịt không hơn thước rưỡi, bắp thịt cuồn cuộn, săn cón, tóc hớt "đờ mi cua" cao nghệu. Người ta nói tướng đi của ông như tướng vịt xiêm. Tuy vậy cái khuyết tật bẩm sinh ấy cũng không ai nỡ cười cợt nếu như ông không có những nết khác người. Ai đời, ở những năm cuối của thế kỷ hai mươi rồi mà mỗi bữa dẫn trâu đi cày, dù cày mướn hay cày cho ruộng nhà, ông đều lận theo một mo cơm nếp. Cơm nếp nấu với nước cốt dừa thêm vô chút đường, chút muối, vo tròn thành năm hoặc bảy vắt to bằng nắm tay. Ông để các vắt cơm vào tay nải được làm bằng mo cau tơ. Phía trên tay nải có chừa một khoảng trống vừa đủ thò tay vào bốc lấy nắm cơm. Tay nải cơm ấy được ông Hảo cột vào đầu của đoạn trúc dài khoảng hai thước.

Dẫn trâu xuống ruộng bắt ách xong, ông đem cây-sào-mo-cơm cắm ở giữa ruộng, độ chừng cách đường cày đầu tiên khoảng ba lối cày. Cứ vậy, ông đánh trâu ba vòng, tới mo cơm thì dò trâu lại bốc lấy nắm cơm, tiện thể dời cây sào cách khoảng ba đường cày nữa về phía trong bờ mẫu rồi vừa đánh trâu vừa ăn. Nghĩa là càng lúc đường cày càng rộng ra, thời gian đến gần cây sào bốc được nắm cơm sẽ càng lâu hơn. Thấy ông chẳng giống ai, như mẫu người sót lại của hồi đầu thế kỷ, có người hỏi: "Sao không nghỉ, ăn mẹ nó đi rồi làm. Tội nợ gì phải hành xác cho khổ thân vậy?". Ông ta cười, nhưng ánh mắt loé lên tia nhìn nghiêm nghị: "Làm ăn mà, có phải ăn chơi đâu!", rồi vừa bước đi ông vừa lẩm bẩm như tự nói với mình nhưng cũng vừa đủ để người đó nghe: "Làm như mấy người chỉ tổ phí thời gian".

Nói cho cùng thì chuyện của ông hay cá tính ông nào có làm phiền ai, cũng không động phạm gì đến "hòa bình thế giới" nhưng người ta không ưa ông vì cái câu cao đạo mà họ chỉ được nghe loáng thoáng kia. Vậy là họ có cớ để ngồi lê đôi mách, đem chuyện ông ra mà bêu riếu. Họ nói rằng ông dại, cả đời làm thân quạ nuôi tu hú mà không biết. Con ruột của mình không ngó ngàng tới, lại trần lưng nuôi con kẻ khác. Đó là họ ám chỉ bốn đứa con của ông với bà vợ. Bà này về với ông đẻ sòn sòn hai năm một đứa nhưng người ta đồn thổi, cũng chẳng biết thực hư thế nào, là không một đứa nào đích thị là giọt máu của ông. Chẳng qua ông chỉ là tấm bình phong che chắn cho cái tính phóng đãng của bà. Bà có đôi mắt ướt rượt với thân hình bốc lửa. Môi mỏng và giọng nói vừa ngọt lịm vừa nũng na nũng nịu như một cô bé luôn vòi vĩnh. Lúc ấy đeo quanh bà đâu phải chỉ một mình ông mà có đến năm, bảy anh chàng, trong đó có người đã có vợ con mà chẳng chịu yên bề gia thất. Họ mê bà ở giọng ca ngọt lịm, quyến rũ nhất trong ban đờn ca tài tử của ông giáo Thụ - một nghệ nhân nổi tiếng trong làng. Nhưng đối với anh nông dân Hảo đặc biệt hơn, ngoài mê mẩn giọng ca, anh chàng còn bị hốt hồn bởi thân hình ẻo lả, uyển chuyển của cô nàng trong điệu múa bông vào dịp cúng đình. Không biết sao trong mắt anh chàng, điệu múa mà nhiều người cho rằng rất đồng bóng và linh thiêng, lại có sức gợi tình đến vậy. Trong anh chợt lóe lên ý nghĩ được độc quyền chiếm cô nàng. Cuộc hẹn hò và sự ưng thuận dễ dàng của cô đã làm anh chàng như bay lên mây bởi tâm trạng của người chiến thắng. Bất chấp sự phản đối của người mẹ góa, vào một đêm trăng liềm tháng tư, Hảo cho tất cả quần áo, một con dao, hai cái xoong một nhỏ, một lớn, hai cái chén, hai đôi đũa và một cây cuốc vào cái ú sành rồi vác chạy ra mảnh đất đầy tranh sậy nơi ngã ba lộ giồng. Một căn nhà nhỏ được dựng lên, dù chỉ bằng tre lá nhưng cũng đủ làm tổ ấm cho đôi uyên ương dám vượt vòng lễ giáo. Rồi chẳng bao lâu sau bằng sức cường tráng, lực bạt Hảo đã biến khu đất đầy tranh sậy thành vườn, nơi năn lác thành ruộng. Đây là mảnh đất của bên nội anh bỏ hoang nhiều năm vì lẽ trên đó bọn nghĩa quân ngụy đóng bót, rồi bị đặc công đánh gọn, bỏ luôn.

*

*     *

Cả vùng ánh sáng chói lòa phía trước soi rõ cái dáng sừng sững rợp bóng cờ của công trình cống đập ngăn mặn mà phía trên mặt thật sự là chiếc cầu nối liền hai bờ của một con sông lớn. Từ bao giờ người ở hai bên qua lại chỉ bằng chiếc đò ngang. Đã hơn ba mươi năm nay ba Thuận là ông lão đưa đò ở bến sông này. Ngày mai là lễ khánh thành công trình cũng tức là ngày ba Thuận thôi làm công việc đưa khách. Thuận cho xe đổ đất cách mố cầu chừng năm mươi mét, nơi mà ngày mai người dân các xã tập trung về dự lễ. Công việc đã xong phần còn lại là việc của xe ủi đất. Thuận lái xe về bãi xe dã chiến của công trường.

- Ơ... đẹp quá!

- Bác mới thấy nó lần đầu à?

- Ừ... mới... lần... đầu.

- Ngày mai tôi dẫn bác đi trên đó, nghen.

- Ừ, mai đi.

Thuận dẫn ông Hảo đi dọc bờ sông về hướng nhà anh. Chắc giờ này ba Thuận vẫn còn thức. Lúc sáng trước lúc Thuận ra công trường, ông Nhàn dặn: Hễ xong việc con về sớm. Bữa nay ba có làm mâm cơm cúng tạ thần sông, ngày mai không còn đưa khách nữa. Thuận vẫn nhớ nhưng vì công việc còn nhiều mà phải hoàn tất dù phải thức trắng đêm nên anh không nghỉ ca chiều. Giờ này về có thêm ông Hảo chắc là ba anh ngạc nhiên lắm. Nhưng Thuận biết thái độ của ba sẽ không gay gắt như mẹ anh. Nếu mẹ còn, chắc hẳn Thuận không bao giờ có hành động táo bạo này. Từ trước đến nay Thuận chưa hề thấy ba tỏ thái độ gì với ông Hảo. Cứ mỗi lần nghe ai - kể cả mẹ anh - nhắc đến ông Hảo, ba Thuận luôn tìm cách lãng tránh hoặc là im lặng. Ngay cả cái lần biết Thuận cãi mẹ lén đi bồi mương vườn nhà ông. Thấy ba mẹ cực nhọc quá Thuận muốn đỡ đần phần nào, để sang năm đi học lái xe tải có sẵn ít tiền cha mẹ đỡ lo nên Thuận hay đi làm mướn. Công việc ở quê, ai mướn gì làm nấy, thường là cuốc đất, bồi liếp hay đào ao nuôi tôm, nuôi cá... Vả lại có một điều Thuận luôn thắc mắc và muốn tự mình khám phá: Cái con người vừa kỳ quặc, vừa bí ẩn của ông Hảo. Chính vì vậy nên Thuận cùng hai bạn làm công khác nhận bồi hơn một mẫu vườn dừa nhà "lão già đáng ghét" đó. Hôm tới làm lão nhìn chằm chằm Thuận, Thuận cũng nhìn lại, và cái tát tay oan ức ngày nào chợt sống lại trong đầu anh. Nhưng rồi lão quay sang Hải, đầu công - người nhận khoán trực tiếp công việc với lão, nói:

- Có mấy mương vườn mày với thằng Quí làm được rồi, để thằng này - lão hất hàm về phía Thuận - ở đây phụ với ông thợ mộc đóng cho tao một ít bàn ghế.

- Tôi không biết làm mộc. - Thuận nói khô khan.

- Ai bảo mày làm thợ. Mày phụ với tao soạn cây, bào chút đỉnh để thợ họ đóng ráp cho nhanh thôi chứ có bắt mày đóng đâu mà sợ.

Sợ thì có gì mà sợ. Làm dở, thậm chí không được việc như ý ông là tại ông chứ có phải do tôi đâu. Tôi đến để bồi vườn chứ không phải làm thợ mộc. Là tôi bực vì cái công việc tréo ngoe, không phải là việc tôi đã từng làm. Thuận nghĩ thầm như vậy. Nhưng rồi cái tính ương bướng và hiếu kỳ khiến cho Thuận dễ dàng ưng thuận, trong lòng còn tỏ ra thích thú nữa. Đây là dịp để hiểu rõ con người ông Hảo hơn. Hóa ra công việc lại nhẹ nhàng hơn Thuận tưởng và đôi lúc Thuận có cảm giác chính anh là người được học việc, chứ không phải kẻ làm công mà ông Hảo cố tình tạo điều kiện. Hình như có sự thỏa thuận nào đó, người thợ tuổi cũng suýt soát ông Hảo, vui vẻ, ân cần chỉ cho Thuận từng đường cưa, lưỡi đụt. Không bao lâu Thuận sử dụng thành thục bộ đồ nghề thợ mộc và có thể đóng được những món đồ đơn giản. Ông Hảo rất thích vật dụng trang trí trong nhà bằng gỗ, nhưng ông không bao giờ mua đồ đóng sẵn ở tiệm mà mua cây rước thợ về nhà đóng. Bởi vậy người trong làng thường nói: Lão già Hảo có hai đức tính tốt: một là nuôi con vợ, hai là nuôi thợ mộc.

Cứ mỗi chiều ông Hảo trả tiền công cho Thuận bằng giá tiền của ông thợ cái, dĩ nhiên là cao hơn tiền bồi vườn khá nhiều vì ở nông thôn việc sên ao, bồi vườn được xem là công việc lao động giản đơn. Chuyện ấy có làm cho Thuận thắc mắc nhưng rồi cũng chẳng để tâm. Ở tuổi mười tám, Thuận chỉ nghĩ có lẽ do ông lão trái tính trái nết. Có lúc nghĩ lại, Thuận cũng thầm cám ơn ông, nhờ đó mà Thuận dành dụm được số tiền kha khá đưa cho mẹ.

- Má tôi ghét bác lắm, bác biết hôn? - Bất chợt Thuận hỏi, câu hỏi mà trước đây anh không hề nghĩ là sẽ hỏi thẳng ông Hảo.

- Biết. Tới chết... bà... cũng còn... giận... tui.

- Sao vậy?

- Tui... có lỗi...

- Bác kể tôi nghe đi.

Ông Hảo nhìn Thuận. Dù ánh mắt đờ đẫn chứ không còn tinh anh như trước nhưng Thuận cảm nhận được trong đó chất chứa những điều khó nói.

- Về... gặp... Hai Nhàn... ba cậu... đi.

*

*     *

Thuận mở dây buộc ở gốc bần, bước xuống đò, cắm cúi chèo như một thằng điên dù con nước đang đổ xuôi dòng. Gió thổi thốc ngược nhưng chiếc ghe chín lá hai kèm vẫn lao về phía trước như một mũi tên do tay chèo cật lực cộng với sức nước từ thượng nguồn đổ về bị cống đập ép dòng, chảy qua các cửa cống mãnh liệt hơn. Từng chùm lửa đom đóm sáng xanh, lập lòe trên những rặng bần ven hai bờ sông là hàng nghìn, hàng vạn ánh nhìn lạnh lẽo xoáy vào nỗi bấn loạn trong lòng Thuận. Tay Thuận buông thỏng, rũ riệt bỏ mặc đò trôi. Điều biết được vừa rồi đã vượt xa trí tưởng tượng của Thuận. Trong thoáng chốc tưởng mình không còn đứng vững. Ông Hảo là cha ruột của Thuận. Cái lão già đáng ghét đó, người mà mẹ anh lúc còn sống không muốn nhìn mặt, không muốn ai, nhất là Thuận nhắc đến. Người đã từng đứng ra mai mối, se duyên đem lại hạnh phúc cho những kẻ chỉ là hồn ma bóng quế, còn với con ruột của mình thì như người dưng nước lả, không hề biết tới, người ấy lại là cha anh. Thuận vẫn nhớ như in dáng điệu kẻ cả của ông mai Hảo trong đám cưới ma, và cái tát tay tóc lửa như còn rát bỏng trên má Thuận. Càng nghĩ Thuận càng chơi vơi, hụt hẫng, không muốn tin vào điều đó. Nhưng làm sao không tin khi mà chính ba anh - ông Nhàn - đã thừa nhận. Ba mươi năm trước trong một đêm bủa lưới ở sông tình cờ ông đã cứu người con gái. Người đó là mẹ anh. Cô quyết trầm mình mang theo giọt máu hoang vừa mới tượng hình trong bụng khi cả làng rộ lên việc anh chàng Hảo với "Đào Bích" - một cô gái vừa lẳng lơ vừa đồng bóng - đã chính thức sống chung. Không phải là sự lợi dụng của một ân nhân cứu mạng hay sự đáp đền của kẻ chịu ơn, cũng không phải là lòng nhân ái, hào hiệp thường tình của anh thanh niên miền sông nước mà Nhàn và cô gái vừa thoát khỏi bàn tay thủy thần kết nghĩa vợ chồng nhằm bịt miệng dư luận. Đối với Nhàn, anh cho rằng đó là cuộc gặp gỡ bất ngờ của số phận. Anh sẵn sàng chấp nhận đứa bé trong bụng cô gái là con anh. Khi đã qua cơn bấn loạn, người đàn bà bị bỏ rơi đành chấp nhận lời cầu hôn của Nhàn mà lúc đầu cô xem như là sự cưu mang. Tuy vậy giữa họ có sự thỏa thuận sẽ không chung đụng nhau khi một trong hai người chưa có tình yêu. Và phải ba năm sau, đôi vợ chồng ấy mới thực sự có đêm tân hôn.

VĨ THANH

Thuận khóc. Lần đầu tiên tôi thấy anh khóc. Cũng lần đầu tiên từ lúc quen nhau rồi ngỏ lời yêu tôi Thuận chưa hề có thái độ đó. Nửa đêm, tôi bỗng nghe tiếng gọi cửa: Hiền ơi, Hiền ơi... Tiếng gọi nhỏ mà thê thiết, mà như lạc giọng. Cửa mở, Thuận ào vào như cơn lốc, rồi rũ xuống. Tóc tai bù xù, mặt mày bợt bạt. "Chuyện gì vậy anh, ba...?". Tôi ngỡ có chuyện gì xảy đến với ba anh. Thuận nhìn tôi, lắc đầu. Nước mắt Thuận ứa ra, dù tôi biết là anh đã cố kìm nén. Linh cảm của một người sắp làm vợ đối với người mình hết mực thương yêu tôi hiểu Thuận vừa trải qua một nỗi đau rất lớn, có thể là lớn nhất sau nỗi đau mất mẹ của anh.

Và suốt đêm ấy, đúng hơn là những giờ khắc còn lại của đêm ấy Thuận kể tôi nghe câu chuyện này. Anh nói anh đã phát cuồng khi biết được sự thật. Anh đã chèo như một thằng điên, không cần biết đang là nửa đêm, không cần biết phía trước mũi ghe đang lao vun vút kia là gì. May mắn là xe đã vào trong bãi đậu của công trường chứ nếu nó ở trước cửa nhà thì anh cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Rồi anh rũ riệt, không còn chút sức lực. Cứ mặc ghe trôi. Trong đầu anh là khoảng trống mênh mông. Không biết thời gian trôi qua bao lâu, chợt tỉnh lại, Thuận uể oải chèo về. Cũng chẳng biết sao, như là sự vô thức, Thuận dừng ở bến nhà tôi.

Lúc bình tâm lại, Thuận nói rằng dù thế nào thì anh cũng phải chấp nhận. Chấp nhận cái điều mà nếu như con người được tạo hóa ban cho một chút huyền năng thì sẽ không bao giờ anh muốn nó xảy ra. Nhưng làm sao anh có quyền chối bỏ khi chính mình lại là kết quả của cái mà người ta gọi là trót-đã-xảy-ra.

Qua khe cửa, những mảng sáng của ngày mới bắt đầu, tôi đến hôn anh, rồi nói: Anh ở lại, chút nữa đưa em dự lễ khánh thành cống đập.

Sực nhớ ra, Thuận nói:

"Em chuẩn bị đi với anh. Anh có hứa dẫn ba đi trên cầu mới qua bờ bên kia".

                                                 N.T

Nguyên Tùng
Số lần đọc: 2204
Ngày đăng: 19.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nơi cuối đường - Nguyễn Thị Diệp Mai
Mảnh vụn - Ngọc Hiệp
Chim Nhạn trở về - Nguyễn Thị Diệp Mai
Lửa cháy phía Phương Thành - Nguyễn Thị Diệp Mai
Đại ca Bầu - Nguyễn Thị Diệp Mai
Quên - Thu Trang
Hư ảo cuộc đời - Thu Trang
Quê ngoại - Thu Trang
Ông Mười - Nguyễn Trọng Tấn
Con khỉ nhà 3B - Thảo Bích
Cùng một tác giả
Nơi bến sông (truyện ngắn)
Dấu hỏi lặng (truyện ngắn)