Ai đã một lần xem bộ sưu tập tranh dân gian Đông Hồ đều sẽ giống tôi, như bị lạc vào thế giới nghệ thuật vừa thơ mộng, huyền ảo lại vừa gần với cuộc sống dân dã đời thường. Những mảng màu tối sáng, nét vẽ mềm mại, bố cục chắc gọn và những đột phá bất ngờ trong từng bức tranh đã gây ấn tượng khó phai mờ trong lòng người xem. Ai bảo các cụ ta xưa ít lãng mạn, không dám vẽ "nuy" ? Trong tranh "Đánh ghen", các cụ đã bóc gần hết xiêm y của người vợ lẽ, những gì kiêng đặc tả hình như đã vẽ hết. Một điều bất ngờ thú vị là đức lang quân trong khi che đỡ bà bé, can ngăn bà cả mà tay trái vẫn còn nắm chặt lấy trái tuyết lê lừng lững của nàng. Chiếc kéo to tướng trên tay bà cả cũng rất độc đáo.
Thường các bà ngày xưa đánh ghen hay dùng guốc mộc, dùng đòn gánh hay răng cắn, móng cào chứ có ai dùng kéo bao giờ ? Chiếc kéo trong tranh hừng hực lửa ghen, muốn cắt ngay mối tình tay ba, cắt phăng cái của anh của ả cho bõ tức, hay cắt đứt đoạn tuyệt với đức lang quân tệ bạc... Tôi không dám bàn sâu về mỹ học và nghệ thuật tranh Đông Hồ vì tự biết mình còn chưa thạo lắm. Ông Tô Ngọc Vân trong một bài tranh luận về mỹ học trên báo văn nghệ thời kháng Pháp in bằng giấy bản chẳng đã nói : " Muốn phê tranh phải học ngôn ngữ hội họa, phải hiểu qui luật phối hợp của ánh sáng, hình sắc, đường nét trong tranh ". Tôi chỉ muốn viết đôi lời về triết lý nhân luân trong tam giác nhân quả của tranh "Hứng dừa" vì mỗi lần xem nó trong tôi lại thoáng gợn chút suy tư : Phải chăng triết lý nhân luân cũng là một nét độc đáo làm nên sức sống mãnh liệt trong dân gian của tranh Đông Hồ ?
Ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc đối với tôi mỗi lần xem tranh Hứng dừa là tam giác nhân quả (vợ - chồng - con cái) bám chắc và xoay quanh cái trục huyết thống và nề nếp, gia phong như thân cây dừa thẳng, vững trái biểu tượng của vẻ đẹp yên bình và thơ mộng của làng quê Đại Việt. Hình ảnh trong tranh Hứng dừa thể hiện một gia đình hạnh phúc viên mãn của người dân quê Việt Nam. ở đây cha ra cha, con ra con, vợ chồng thương yêu giúp đỡ bao dung lẫn nhau, cùng nhau giồng cây phúc cho con cháu ăn quả.
Trong đạo "Tam Cương" có ba mối quan hệ vua tôi - cha con - chồng vợ. Nhưng hai mối quan hệ sau là cơ bản vì gia đình là tế bào của xã hội. Người trai Đại Việt có tu thân, tề gia trước mới trị quốc, bình thiên hạ được. Xét hai mối quan hệ này thì quan hệ vợ chồng thuộc phạm trù nguyên nhân, quan hệ cha con thuộc phạm trù kết quả. Bạn hãy cùng tôi tìm hiểu về ý nghĩa từng nhân vật đặt trên ba đỉnh của tam giác nhân quả trong bức tranh mộc mạc và rất thâm thuý này.
Trụ cột gia đình phải là người cha như thân cây dừa mọc thẳng hiên ngang giữa đất cằn sỏi đá, dù mưa bão đại dương hết năm này tháng nọ, đe dọa vẫn đứng vững hiên ngang đơm hoa, kết trái ngọt cho đời. Trèo dừa là công việc vất vả nguy hiểm. người làm cha luôn dũng cảm vượt qua mọi thử thách bươn trèo tới đỉnh cao sự nghiệp, gặt hái tiền bạc danh vọng như bẻ trái dừa trên cao cho vợ con vậy.
Thông thường khi cha trèo cây hái quả thì con trẻ hớn hở chạy nhảy dưới đất ngẩng mặt lên cao chờ đợi những trái ngọt từ tay cha mình tung xuống. ở đây hai đứa con lại bấu chặt vào gốc cây như muốn chia sẻ nỗi vất vả hoặc quyết noi gương cha trèo lên vượt mọi hiểm nguy, làm rạng rỡ thêm truyền thống gia tộc Cha con là mối tương quan trực hệ, cùng tựa vào truyền thống đạo đức, nề nếp, gia phong mà vươn lên, vươn mãi theo lý tưởng " vinh thân phì gia".
Mọi hành vi ứng xử trong quan hệ vợ chồng đều lấy tương lai hạnh phúc con cái làm điểm gốc xuất phát và điều chỉnh. Cho dù trong cuộc sống chung đụng vợ chồng không tránh khỏi lúc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt " nhưng vì con cái mà họ nhường nhịn bao dung lẫn nhau như câu ca dao : "Chồng nóng thì vợ bớt lời - Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê". Nếu vai trò người chồng trong gia đình là nỗ lực bươn trải mưu sinh, thì vai trò người vợ chủ .yếu là tay hòm chìa khóa, quán xuyến công việc gia đình. Vậy nên phương ngôn có câu : "Vợ như cái giỏ, chồng như cái nơm" hay "Phúc gia tại mẫu ". Xem kỹ bức tranh tôi chọt sững sờ kinh ngạc về đột phá bất ngờ trong mối quan hệ vợ chồng : Hình ảnh vạt váy người vợ giơ lên hứng trái dừa rất mỏng manh. Người ta đem thúng ra hứng dừa chứ ai giơ vạt váy mỏng manh thế kia ? Trong khi người chồng nét mặt rạng rỡ đầy kiêu hãnh, sung sướng trên ngọn cây dừa thì người vợ không ngẩng lên nhìn chàng, chiêm ngưỡng thành quả của chàng. Nàng hướng cặp mắt về phía xa xăm, suy nghĩ đăm chiêu. Phải chăng khi người đàn ông đã lên tới đỉnh cao danh vọng, thừa tiền, nhiều của thường dễ sa ngã ăn chơi trác táng hoặc quá đam mê với quyền và lợi mà có thể làm điều thất đức, trái với gia phong, vi phạm luân thường ? Tình nghĩa phu thê khiến người vợ có linh cảm và nàng đang tìm cách níu giữ chồng theo trọn đạo "trung dung", đừng thái quá, đừng bất cập. Chính đức lo xa của người phụ nữ Việt Nam đã làm cân bằng trạng thái hưng phấn tư tưởng cho chồng lúc thành đạt, bảo vệ hạnh phúc gia đình trọn vẹn dài lâu
Cảm ơn các nghệ nhân làng Đông Hồ xứ kinh Bắc !
Bắc Ninh, Tết Canh Thân (2000)