1.
Có giọt nắng ngủ quên triền sông cũ, và đã mấy mùa trôi, con chưa về thăm lại bến sông xưa. Dòng Hàm Luông mỗi mùa gió chướng thổi tràn, nhấp nhô hoa lục bình tim tím, và hoa bần rơi trắng. Dường như trong ký ức bất kỳ ai sinh ra và lớn lên ở miền này, đều có bóng dáng một dòng sông và bóng dáng hàng dừa đong đưa quả ngọt. Thèm một lần về bến sông rửa mặt, để nghe tiếng róc rách vỗ về con nước, để thấy trong sự lớn lên của mình có vị ngọt phù sa. Ngót nghét đã mười năm rồi phải không mẹ, từ buổi chiều mưa trên bến sông quê hôm đó, con rời xa quê, rời xa mẹ. Thời trai trẻ, ai cũng khao khát được sải bàn chân mình trên những miền đất lạ, được tự tìm tòi và khám phá cuộc sống với đầy ắp ước mơ và khắc khoải trong lòng. Tự nhủ, đi rồi sẽ đến. Mười năm, mái hiên xưa nắng chiều ngủ quên, dáng mẹ trên cánh đồng sớm hôm tần tảo. Mười năm phố thị, không biết bình minh dậy lúc nào, không hình dung được ánh hoàng hôn mỗi chiều ra sao. Không hẳn vì lọt thỏm giữa cốt thép bê tông hay những tòa nhà cao tầng, mà vì thức khuya dậy muộn, vì vật lộn với manh áo, bát cơm, vì nhọc nhằn lòng mình và những khát vọng cháy bỏng cho sự trưởng thành, đàng hoàng và thiệt thà.
Ai cũng nói quê mình nghèo, cái nghèo cứ quanh quẩn, khó thay đổi. Không phải vì người quê thiếu năng động, ít sáng tạo hay không biết cách làm ăn, mà do hoàn cảnh chung. Cuộc sống dường như luôn chứa đựng nhiều nghịch lý: những miền quê ngày xưa giàu truyền thống cách mạng bao nhiêu, thì bây giờ khó khăn bấy nhiêu: Đường sá khó khăn, hàng hóa nông sản thiếu đầu tư đúng mức nên cũng thiếu đầu ra. Chính sự nghèo khó ấy đã đẩy một bộ phận không nhỏ những người quê trôi dạt lên phố thị, trở thành người xa xứ . Đôi lúc chợt khát khao, tại sao thiên nhiên không ưu ái cho quê mình một mỏ vàng hay một bụng dầu như… I-rắc, ừ, thiên nhiên đã ưu ái cho quê mình một dòng sông rồi còn gì. Dòng Hàm Luông không đem đến cho người quê nhiều đô -la như dầu hỏa, nhưng đã nuôi biết bao tâm hồn lớn lên, phải không mẹ? Để những người đi xa, mỗi đêm thao thức, mỗi sáng thức dậy, thấy lòng mình nhớ một bến sông. Nhớ, nhưng chẳng dám quay về. Thử hỏi, nếu những người bỏ quê đi chịu trở về, thì sức sống quê hương sẽ bừng dậy như thế nào? Con cũng không thoát ra được bước thăng trầm ấy. Nhưng mẹ ơi, mọi thứ đều có giá của nó. Nếu gieo một hạt giống, mình sẽ gặt một cánh đồng; nếu gieo một ân tình, mình sẽ gặt nhiều ân tình; nếu gieo một oán trách, mình sẽ gặt nhiều oán trách, và mỗi bình minh đều trả giá một hoàng hôn, phải không mẹ?
2.
Tháng chạp, mùa đã bắt đầu chớm xuân. Chắc trên cánh đồng tuổi thơ của con, trời đầy chim én liệng. Mùa này dọc những triền sông quê mình, gió chướng về xôn xao lắm. Cả mai vàng nữa, cứ rừng rực như thắp lửa. Con vẫn vậy, miệt mài phố chợ, miệt mài tìm kiếm giá trị sống. Băn khoăn nhiều hơn, trăn trở cũng nhiều. Thời đại lốc cốc vi tính vi sinh vi mạch. Ai cũng muốn đi ngang về tắt, đánh đổi giá trị lễ nghĩa trí tín, chứ còn mấy ai chịu đi bằng chính đôi chân của mình vào cuộc đời đâu. Mẹ một đời chân quê, có khi không hình dung ra được lớp người trẻ hiện đại, nhưng chăc mẹ hiểu nhiều hơn giá trị của giọt mồ hôi và sự kiên trì, chịu khó? Con cũng vậy- đôi khi viết nhiều thơ tặng con gái, nhưng chưa viết nỗi một câu thơ tặng mẹ, mẹ ơi!
Nhưng, tự trong mùa, như xuân đến, có nỗi lòng người đi xa vẫn nhớ về quê cũ, như nhớ giọt nắng trên tàu lá dừa, như nhớ khói bay đồng chiều, như nhớ lời thì thầm của gió chướng dọc triền sông. Quê mình giờ cũng đổi thay, cuộc sống hiện đại hơn, cây mía, trái dừa, con tôm có giá, làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn. Cái nghèo - như đám lưu cữu đã không còn bám víu nữa. Anh hứa, rồi sẽ đưa em về với miệt vườn, để xứ biển mặn kia hiểu rằng phù sa tuy đục mà trong. Sức xuân đã về trên vùng sông nước này, em ơi chỉ có những người bỏ quê đi là thấy ái ngại. Mình đã làm được gì, đã đem đến hy vọng gì cho những dòng sông? Con nhìn dáng mẹ già nua theo năm tháng, mà thấy lòng khắc khoải. Mẹ ơi con biết mình một đời mắc nợ dòng sông!