Khi nghe loạt súng từ quận và chi khu bắn ngang qua hiên nhà hướng về dãy núi phía sau, Viên vẫn còn ngồi ở ghế trước sân. Nhìn cái sân đất được quét nhẵn có kích thước của ba gian nhà, Viên thấy thương cho con Phụng. Nó được lão Phi gọi về, bỏ học, để cúi đầu trên những công việc tuy nhỏ nhặt nhưng không được nghỉ tay, thế mẹ. Chạy cho nó học ở tỉnh gần hai năm ở trung học, lão Phi nói đã đuối sức, mày hãy về giúp cho mẹ mày. Phụng vì thế còn nhỏ, phải làm việc của người đàn bà: Hết việc này đến việc nọ, từ nhà bếp đến ngoài sân. Phụng từ ngõ mang chổi vào hỏi sao thầy chưa đi ngủ à ? Viên nói thấy làm biếng quá, chắc chui vào hầm nằm.
Lão Phi ôm cái mền ngang hông bước xuống bực hiên:
-Thầy ở đi sau, tui còn ghé đằng thằng Ninh có chút việc.
Viên cúi đầu chào cười với lão như mọi chiều, khi lão kè kè cái mền đòi đi trước. Già chừng đó còn sợ cái nỗi gì nữa ông Phi? Hễ còn chút gân cốt là còn sợ, thầy không thấy lão Tá bị bắt đi, trở về với nhúm xương? Viên nhớ lão Tá thiệt quá xui, quanh năm suốt tháng ôm mền đi ngủ, ngủ nhà có một đêm cũng gặp. Và cái thí dụ về trường hợp lão Tá được lão Phi nhắc hoài để đòi đi trước và thúc Viên mang ghế vào. Riêng Viên còn nghĩ khác hơn cái lý do lão Phi nói là lão cũng mong được lên sớm sớm với bà Kính. Từ ngày lên ngủ nhờ nhà bà Kính, lão hết đi lang thang như trước. Và cũng hết than khổ từng buổi chiều sau mỗi bữa ăn nghĩ đến việc tìm một góc nhà nào đó đủ quen, đủ yên để nằm đỡ một đêm.
Buổi chiều xuống đậm hơn ngoài hàng rào, trong sân lũ nhỏ còn giành nhau cái banh quấn bằng rơm và giấy; Viên vẫn còn ngồi ở ghế đặt giữa sân hóng gió, nghĩ ngợi lơ mơ không việc gì ra việc gì. Viên nhìn rộng về phía chi khu bên kia cánh đồng, ánh điện của chiếc đèn pha soi dò dẫm từng ô ruộng, bụi cây bên ngoài hàng rào kẽm gai dày sáu lớp. con xóm đã vắng, buổi chiều lại vắng hơn, dễ gây nỗi hoang mang cho Viên khi nghĩ nhớ lại dáng Mộng. Viên đạn cũng có thể tình cờ từ bên kia hàng rào bay tới, những dáng người cũng có thể vội vã từ ngoài ngõ chui vô; Viên lao xao nhớ Mộng trong nỗi bất an thường ngày từ lúc được đổi đến dạy tại quận này. Cái quận được bao bọc bởi núi, tách xa quốc lộ, con đường độc nhất đến đó phải qua đèo Thị lởm chởm những lỗ mìn được đào gỡ lên cho mỗi buổi sáng xe cộ di chuyển. Viên vì thế sống trong những hàng rào kẽm gai, và ở giữa những trái mìn.
Ngồi trong bóng tối chập choạng tiến vào sân, Viên chờ tiếng kiểng ở quận báo giờ giới nghiêm. Lũ nhỏ bỏ trái banh tản đâu mất, Viên vừa mang ghế lên hiên thì nghe một hồi kiểng thúc dài tiếp theo là những loạt súng bắn liên thanh. Thằng con út lão Phi lửng chửng bước ra hiên nhìn những lằn đạn lửa đỏ chói bay lao vào núi, vỗ tay cười. Viên nhớ lại tiếng cười của nó lúc Viên mới đến trọ lần đầu nghe súng nổ, đã làm hắn yên tâm. Thằng nhỏ mới từng đó tuổi đã quen với tiếng súng, tiếng bom.
Viên không đi tắt ngõ sau băng qua đám ruộng lên phố, hắn cũng hơi ngại mấy cái xác chết hôm trước; đốt xong điếu thuốc, hắn đi thẳng ra ngã giếng. Đi ngã này hy vọng còn gặp ít bóng người, nhất là bóng Khương. Nếu Khương còn nấu nướng ở bếp đột nhiên cười lên, nghe như Mộng có ở đó. Không hiểu trời khiến sao Khương lại có thể có giọng cười giống của Mộng như đúc. Và Viên cũng thường tình cờ bắt gặp lại dáng Mộng trong dáng điệu của Khương nữa. Phụng đang giặt giũ tắm rửa ở giếng, nói vọng qua bờ rào, ủa thầy không ngủ ở dưới hầm na ? Viên dừng lại bên này hàng rào, nói như nhắn nhủ với cô em gái, ra phố ngủ để mai anh đi Tuy Hòa luôn thể, Phụng dặn bác đừng để phần cơm. A, anh đi thăm chị Mộng đó hả ? Viên cười.
Lúc đi ngang qua sân nhà Khương, Viên chỉ thấy mấy chậu hoa nở muộn từ hôm Tết, không có bóng Khương ngồi lấp ló sau đó. Người đàn bà vừa có chồng chết trận ở Quảng Ngãi, bồng đứa con đầu đứng dựa ngõ nhà Khương nhoẻn miệng cười chào Viên khi hắn đi qua. Bóng tối vây kín từng con đường hẻm dày bóng tre. Viên nghe như có tiếng chân đi lao xao trên xác lá rụng. Một người lính trong toán đi kích nhận ra bóng Viên, gọi giật lại. Sao giờ này còn quờ quạng ở đây cậu ? Viên đứng lại chờ Điềm, tiếng hắn cười nói ồn ào với toán lính đàng sau.
-Giờ này là giờ của bọn tớ làm việc rồi đó…
Điềm báo tin thằng Nại đã chết. Điềm kể lại lần tha chết cho hai thằng oắt con đi qua trước mũi súng trong đêm kích ở Hòn Bứa; nhắc lại những lúc còn dạy học với Nại ở Tuy Hòa, và cuối cùng là những ván bài miệt mài cả ngày đằng nhà thằng Huân. Đi cùng chân với Điềm và toán lính đến đầu xóm, Viên rẽ lên phố. Cuộn dây thép gai đã đem chận lối lên, Viên kêu nhờ người lính đang nằm trên những bao cát của một công sự gỡ hộ. Lúc người lính rời chiếc Radio, Viên thấy nét mặt gã nhăn nhó, bực bội một cách dễ nể.
Ánh điện của vài gian nhà dựng lên vội vàng của dãy phố sợ hãi khép dần các cánh cửa, không làm tan hết nỗi ngơ ngác của phố chợ, không làm giảm đi nỗi hoang mang trên nét mặt mỗi người. Viên nhận ra những bóng người ở phía bên kia đầu cầu lên muộn chở nhau trên một chiếc xe Honda chạy ào ào lên quận. Vài bóng người ở chung quanh chợ ôm gói, xách, tất tả. Từ ngày nhà ông Thương bị lấy mấy bao gạo, ai ở gần chợ cũng sợ tới phiên mình nên rủ nhau dồn lên mấy căn nhà nằm sát chi khu, gần chi cảnh sát, mặc dù chợ chỉ cách quận hơn một trăm thước.
Viên tự tay gỡ những cuộn dây kẽm gai chắn ngang đường để lên ngủ nhờ nhà bà Kính. Hắn đã đếm cả thảy bảy bận bị dừng lại để gỡ những hàng kẽm gai trên một đoạn đường cách nhau một dãy phố ngắn. Và ba lần bị lính gát cằn nhằn, la quát ầm ĩ. Nhà bà Kính ở dưới sát con dốc nhỏ cạnh quận, lại mới đem thêm một cuộn kẽm gai chận trước ngõ. Trông thấy Viên, lão Phi rời ghế đang ngồi với bà Kính trong sân ra mở cửa. Chào thầy, sao thầy lên trễ dữ ? Viên chỉ cười, nghĩ bụng, thầy bà cái nỗi gì.
Nằm tòn ten ở võng một lúc để nhìn những trái sáng ở chi khu bắn lên gần hòn Dứa trước mặt, nghe bà Kính đem chuyện góp nhặt dưới chợ về những trận đụng độ quanh vùng nói lại đầy đủ chi tiết hơn nghe một bản tin, đọc một tờ báo; Viên thấy cần tắm một cái nhân cái thì giờ rỗi rãi chẳng để làm gì được này. Hắn men theo bờ tường mò ra sau giếng, tới nơi mới nhận ra trong người chỉ có một cái quần cộc. Nhìn chung quanh và bên kia bờ rào dãy nhà đã đóng kín cửa, vắng tanh; Viên ở truồng thả gàu xuống giếng múc nước. Từng tràng đạn lửa tua tủa hương về xóm nhà lão Phi, lao vào núi, âm vang dội lại nghe rền một góc núi. Ánh đèn pha quơ quất chiếu lại chỗ Viên tắm, Viên lùi sâu vào thềm nhìn theo từng vùng ánh sáng ngọn đèn; cỏ cây, nhà cửa, im lìm còm cõi. Viên nghĩ đến những hơi thở thoi thóp của những con người ở đó, của bọn học trò ở đó, mà Viên thường vẫn xuống rong chơi mỗi trưa. Ở đó lũ thằng Năm, thằng Nghệ, con Loan, con Suốt, con Hiên mới chạng vạng đã lo tắt lửa, đóng kỹ cửa chui xuống hầm. Ánh đèn pha soi đi soi lại như thể ánh mắt thú tìm mồi. Viên bắt đầu nghe lạnh mặc cho ánh đèn soi, xối nước vội vã lên người.
Trái sáng vụt lên nổ reo một tiếng nhỏ, sáng lơ lửng trên lưng chừng trái đồi, theo chiều gió đong đưa ra ruộng. Những trái sáng tiếp theo chong rực rỡ khắp cánh đồng, Viên nhìn được hàng tre trước nhà lão Phi, và con đường tắt sau ngõ. Mê nhìn những trái sáng, Viên quên rằng mình đang ở truồng. Lúc hắn nhớ thì đã nghe được tiếng cười ở bên kia hàng rào, có cả tiếng cười của con gái.
Trở vào thì lão Phi đã ngủ, Viên mang giường bố ra sân. Ở trước mặt, ngoài bóng di động của vài người lính, những cuộn kẽm gai chắn lối đi, vài căn nhà đóng cửa, nhưng tiếng máy Radio vẫn mở to; Viên không biết nhìn vào đâu. Chợt những ngọn đèn ở tiền đồn núi Dứa tắt phụt, im lặng một lúc, rồi tiếng súng nổ ròn rã. Súng lớn và súng nhỏ nổ liên hồi, ánh lửa bay yếu đuối vơ vẩn trong bầu trời tối đặc. Lão Phi tông cửa chạy ra, bà Kính hớt hãi theo sau mớ tóc còn để rũ bên ngực:
-Bắn ở tiền đồn há thầy, họ mà quýnh được ngã đó ở đây ngán lắm thầy ơi…
Lão Phi nghe tiếng súng ngớt dần, nằm vào võng đốt thuốc hút. Bà Kính ngồi ở hiên chờ. Chờ đợi sự yên lặng trở lại và giấc ngủ được tiếp tục yên ổn. Lão Phi nhắc đến các trận đánh ở núi Dứa. Một trận chúng vượt được bẩy lần hàng rào kẽm gai vào đồn đánh dữ, một bận chui vào được sáu, một đứa bị sẩy chân rơi xuống núi gọi thức lính gác, đánh nhau cũng ác liệt. Thấy bà Kính bỏ vào nhà, lão rời võng nói trổng:
-Chà, bận này ra sao mà lặng tăm vậy cà ?
Viên còn lại nằm ngửa mặt nhìn trời, nghe từng hồi kiểng đổi gác vang lên, chạy từ trạm này sang trạm kia. Âm thanh vang lên khác biệt, thoảng trong gió. Viên nhớ lại dáng Mộng cầm dù hồng, đeo bank nâu, và nụ cười héo hắt lúc đưa hắn lên bến xe ở đầu đường công viên gió cát, cây cối lã ngọn xác xơ… Tự dưng Viên nghĩ đến Mộng và những ánh sao trước mặt trên trời, thấy tình yêu mình cũng hun hút dịu vợi, thoáng chút ngậm ngùi.
Hơi sương bốc dày thấm lạnh, những điều thuốc đốt lên chờ đợi giấc ngủ muộn màng, mong mỏi một đêm đi qua yên ổn đã làm Viên khó ngủ sớm dù mới bảy giờ đã bị những hàng rào kẽm gai bao giữ. Căn nhà bên cạnh đã vắng tiếng xầm xì của những người đánh bạc, giấc ngủ họ chắc đang mùi. Viên đứng dậy nói thầm, vậy cũng yên một đời sống. Cũng là một đời.
Cái phảng rộng được bà Kính dành riêng cho Viên và thằng con trai riêng của bà, kê gần cửa sổ trong một góc nhà. Ở giữa là bộ bàn ghế để lão Phi sáng sáng ngồi uống trà, hút thuốc. Kế đó là những cái tủ chứa đồ tạp hóa. Phía trong được dành riêng cho những người quen dưới chợ. Đó là sự xếp đặt vào những ngày thường, nhưng nếu có động tĩnh gì chung quanh, nhà bà là nơi đông đảo bà con đùm bọc tới ngủ. Nhưng dù thế nào đi nữa, lão Phi vẫn có nơi dành riêng trong buồng, nơi mà lão vẫn nói là để mối tình cũ của lão với bà Kính có dịp thực hiện. Ở lâu, Viên nghĩ nơi này sao có quá nhiều mối tình cũ đến nửa chừng mới gặp?
Trong giấc ngủ Viên bị gọi thức nhiều lần bởi muỗi, bởi tiếng nói cười hốt hoảng trong mơ của thằng con bà Kính. Nó nói gì lí nhí trong cổ, đột nhiên cười to, gọi tên một đứa con gái nào đó có tên Trang. Viên bị giấc mơ thằng nhỏ gọi dậy nhiều lần, bực mình quay mặt vào vách, thằng khỉ mới đệ ngũ đã bày đặt yêu đương!
Tiếng kiểng đổi gác vừa nổi lên ở hướng quận, Viên bỗng ngồi bật dậy bởi những tiếng nổ quá gần, quá lớn. Viên không định được tiếng nổ phát ra ở đâu, hình như ở chung quanh đây, nhưng biết đã bị pháo kích. Vắng được mấy hôm bây giờ lại nổi khùng. Tiếng nổ rung chuyển nhà cửa tiếp theo đánh thức hết mọi người. Viên ngồi yên ở phảng nhìn mọi người nhốn nháo lôi kéo nhau chạy ra hầm. Cánh cửa mở rộng., Viên thấy bóng mấy người lính xôn xao chạy từ nhà ra công sự dọc đường, di chuyển từ những chiếc võng mắc dưới tàn cây tới các đơn vị phòng thủ. Tiếng súng ở quận và chi khu bắng xối xả đến các nơi nghi ngờ chung quanh. Trái sáng thắp chong chong khắp phố chợ, kiểng báo động dồn dập, gay gắt. Viên vẫn ngồi yên trong nhà, ngoài sân vắng ngắt.
-Thầy Viên, thầy Viên đâu rồi cà ?
Mở mắt ra thì trời đã sáng bét, những người ngủ trọ ở dưới chợ cũng biến đâu hết. Thằng con bà Kính ngồi chồm hổm ở hiên ôm sách học. Lão Phi ngồi uống nước trà ở bàn thấy Viên mở mắt nói khi hôm bị pháo kích ở ga và trong quận đó thầy. Viên đến ngồi uống trà với lão như mọi bữa trước giờ đến trường. Lão Phi ngồi kỹ lưỡng ở ghế, nói lơ lửng, cũng may không có ai bị thương, chỉ hư mấy cái tủ lạnh và bếp nấu của Mỹ, đã gọi máy bay từ Quy Nhơn chở vô rồi. Ngoài đường các toán lính đi kích lũ lượt vào quận.
Buổi sáng đã trở lại yên tĩnh, ngoài dự đoán. Viên thấy khó chịu với nỗi yên tĩnh kỳ lạ này. Các cửa hàng đã được dọn ra, những người ở các vùng lân cận đã quảy gánh xuống chợ. Công việc từng ngày phải làm để giữ sự sống, như Viên từng ngày phải đến trường, như Điềm từng đêm phải dẫn toán lính đi ngủ bờ ngủ bụi; sao lạt lẽo, bơ phờ quá. Nhìn những cửa hàng chưng bày sơ sài, tạm bợ quá đỗi, tự dưng Viên nhận ra phố chợ này vắng vẻ hơn xưa, èo uột hơn xưa. Và xót thương cho từng bóng người qua lại.
Lúc rẽ vào ga, lên trường, Viên nhìn thấy mấy lỗ đạn pháo kích ngay trên nóc nhà bán vé. Toán lính giữ ở đây vẫn còn treo võng ở hiên nằm, vẫn còn chui ra chui vào cái gong tàu cũ nằm ngã bên một con đường sắt bỏ hoang. Viên dừng lại mua ổ bánh mì được rưới ít muối mè, và xì dầu, nhai. Qua mấy đợt rào dây thép ngăn đôi xóm ga với những căn nhà của lính mới cất, Viên đã nghe mùi hôi thối của đủ loại rác rưởi từ cầu hắt lên. Khi theo bọn học trò qua cầu Viên dừng lại thấy đống rác càng cao, nhầy nhụa. Bên này cầu, trước mặt trường là những ngôi mộ đắp cao bằng cát. Sau lưng trường là trái đồi, là cây lá tịch liêu. Viên bước vào sân trường tiến lại nơi những người bạn đồng nghiệp đang bàn tán dông dài về đủ mọi thứ chuyện góp nhặt, nhớ lại. Cái bánh mì, quá lớn, khô cứng mới được hắn gặm gần một nửa. Nhìn cái bánh mì, nhìn dáng điệu lùi xùi của Viên, Phụng (trùng tên với đứa con gái lão Phi) cười nghẻo đầu:
-Khi hôm mặc sức mà chui xuống hầm há thầy?
Vừa xuống khỏi dốc, Viên chui vào quán gần ga tìm cái gì ăn để chờ tàu. Nghe phong phanh tàu không chạy, nhưng kệ cứ chờ. Viên muốn được ngồi yên trên một toa rộng, vắng khách, để nghĩ đến Mộng, và tìm lại cái yên lành của những năm cũ. Những năm còn đi học ở Quy Nhơn, cũng trưa thứ bảy, đeo theo tàu về quê, những chuyến tàu đông đảo người chen lấn, rộn rịp tại các nhà ga. Những chuyến tàu còn lại trong ký ức với tiếng còi hú vang tiếng máy kêu rập rình dễ gợi nỗi mơ mộng trong lúc đời chờ. Viên thấy thèm được ngồi ở cái băng gỗ mòn nhẵn gần cửa sổ để trông ra xóm nhà sàn, nhìn xuống một cánh đồng, một dòng sông. Thấy có bóng vài người khách đang ngồi chờ ở hiên ga, Viên yên tâm ăn uống.
Tàu dừng lại bỏ ít người khách xuống, phần đông là lính, và người đi buôn. Tàu kéo còi rời bến đúng một giờ chiều. Viên đi từ goong này tới goong kia như một người lần đầu đi tàu. Từ cửa sổ Viên nhìn thấy xác chiếc máy bay trực thăng tan tành dưới gầm cầu, chẳng may cánh quạt chém vào các thanh sắt máy bay chao qua, đâm đầu xuống đất, bốc cháy. Phi hành đoàn chết không còn một mạng. Đứng đã thấy mỏi, Viên tìm lại ngồi ở chiếc băng dài chỉ có một người lính đang trầm ngâm với khói thuốc. Lúc nhìn tưởng chàng lính này thuộc loại cô hồn, nhưng ngồi lâu nghe chàng ta kể chuyện mới hay chàng thuộc loại lính đa tình. Mới quen, anh đã kể một hơi câu chuyện tình của anh trong chuyến xe lửa tháng trước. Được ngồi hút thuốc, nghe kể chuyện tình. Thỉnh thoảng có thể nhìn núi đồi ngoài khung cửa, Viên nghĩ như vậy mình có thể dễ dãi gặp Mộng với những nụ cười. Và thấy trong cuộc sống âm thầm, gian nan của hết thảy vẫn có nhiều điều an ủi nhỏ nhặt, đáng quí. Viên định nhớ cái cảnh mà anh bạn lính chiến vừa kể , “Lúc tàu chui vào hầm, hầm tối thui, cô nàng ngồi cạnh co ro, tui đã bật quẹt diêm cho sáng đến mấy lần nhìn thấy nụ cười cô bé…” . Sau cái cảnh quẹt diêm soi sáng trong đường hầm là giai đoạn tỏ tình, cô nàng chịu quá trời, thương hết cỡ. Viên sẽ nhớ để kể lại cho dì Tâm và Mộng cái truyện “đường hầm, cô bé và những que diêm” đó. Người lính rầu rĩ, buồn quá, tui bỏ đồn đi theo tiếng gọi tình yêu thế nào về cũng bị gậy…
Tiếng nổ bất chợt rung vang trước đầu máy, khói cuộn từng luồng mờ mắt. Mùi khét của thuốc đạn, của đầu máy dạt theo gió vào kín các toa tàu. Viên theo những người từ trên tàu nhảy bổ xuống đất, hốt hoảng trong nỗi xôn xao, lộn xộn của đám hành khách ngồi ở toa trước. Lửa bốc cháy cao hơn bắt qua các goong chở hàng. Trước mặt Viên đoạn đường sắt đứt bung ra, cháy đen. Đầu máy đổ về phía bên kia bờ ruộng kéo theo mấy toa kế, nghi ngút khói. Dưới bờ ruộng sâu, xác hai người lính nằm vắt vẻo. Viên nhìn ra xa nhận được tàu đã đến xóm Rượu, cái xóm đã xảy ra nhiều lần những vụ nổ mìn, bắn sẻ. Lính ở đâu ùn ùn kéo tới, có cả lính Đại hàn. Chiếc máy bay trực thăng cũng có mặt sau đó, bỏ xuống mấy sĩ quan Mỹ, họ nhìn đầu máy đang nghi ngút cháy, vẻ mặt quan trọng khẩn thiết, chỉ chỏ vào trong núi, rồi chở xác hai người lính khiêng từ ruộng lên. Một người bất động, một người còn rên rỉ. Hai người điều khiển tàu lốm thốm ôm ngực, miệng máu chảy ròng, xin được lên phi cơ.
Viên đi theo đám hành khách mang xách, bồng bế tìm xuống cuối xóm, đón xe Lam. Những chiếc xe Lam chở đầy nhóc hành khách, đồ đạc chạy vụt qua. Chiếc xe chao qua, lướt lại, như thể để tránh những trái mìn còn sót ở dưới. Viên đã giơ tay đón xe nhiều lần, lần nào cũng bị chủ xe làm ngơ, tăng thêm tốc độ. Cuối cùng Viên là người đi chậm, lững thững, mệt mỏi nhất. Buổi chiều xuống mát ngoài đồng, ánh nắng còn sót ngoài xóm xa soi rõ một vùng đìu hiu, lạnh ngắt.
Chiếc xe dừng lại, tiếng bà Phi gọi. Viên trả lời vội vã rồi leo lên ngồi ở trần xe với hai người lính. Ngồi nghe người lính mới từ Đức Lập về phép kể đủ mọi chuyện đánh nhau, hành quân, chết chóc, Viên thấy ngầy ngật trong đầu. Đi đâu, ở đâu, cũng nghe toàn súng đạn, và chết chóc… Viên nghĩ đến dáng Mộng trong chiếc dù hồng, đeo bank nâu và nụ cười héo hắt, trong buổi trưa ở công viên, đầu đường thành phố…
Ở bên này hàng rào, Viên và dì Tâm đứng nhìn đoàn người với cờ xí khẩu hiệu lũ lượt kéo ra sân vận động. Có lẽ để đón phái đoàn ở Saigon, và luôn thể để nghe diễn thuyết. Hết đợt nọ đến đợt kia, đoàn người như những đám kiến. Lúc ông lão khập khiễng ôm một đầu cây căng khẩu hiệu, còn bên kia là một người đàn bà, dì Tâm kêu Viên chỉ, rồi cười. Thật tội nghiệp cho ông già, già chừng đó còn khổ. Viên đang chú ý đám con gái hí hửng se sua tấm áo, cái gương, chiếc bóp, quay nhìn theo tay dì Tâm, hỏi:
-Dì có biết ông già đó đã cầm cờ cho mấy triều đại rồi không?
-Cứ nhìn hàm râu, mái tóc, dáng đi… cũng dư biết còn hỏi.
Viên tự trả lời cho mình, ít ra cũng năm sáu triều đại rồi chứ chẳng chơi. Và nghĩ bụng, từ giờ đến chết lão chắc còn cầm cờ cho vài lớp nữa. Viên nhớ lời lão Phi, : “Thầy nghĩ coi, suốt đời tui như chỉ để lo vào đào hầm trú ẩn và cầm cờ, cầm biểu ngữ…”
Thấy Mộng là thấy nụ cười, dì Tâm nói nụ cười Mộng là bóng mát ngàn đời cho Viên. Dì hơi màu mè rồi đó, mà sao dì biết được điều đó nhỉ? Có phải dì nhớ lời của anh Truyền ? Anh Truyền đã nói câu đó cho dì chứ chạy đàng nào nữa? Dì Tâm cãi, cố chối, nhưng dì quả quyết nụ cười Mộng nhất định là bóng mát ngàn đời cho Viên. Mộng xếp lại chiếc dù hồng, đầu đeo bank nâu, nở nụ cười bóng mát ngàn đời cho Viên.
Mộng nói trông anh bắt mòn con mắt, ở ngoài đó bận ăn giỗ lắm sao? Viên nhìn đôi mắt Mộng, đôi mắt không mòn nhưng có vòng thâm đen, hơi sâu, làm đôi mắt thêm mộng mị hơn. Số anh có số ăn uống, đi dạy học thì quanh năm suốt tháng vác ô đi ăn giỗ ăn kỵ, về đến đây lại nghe dì Tâm báo tin nhà Mộng sắp sửa… Dì Tâm chực cười khi nghe chưa hết câu Viên nói. Dì Tâm thường có những nụ cười chịu trận rất dễ thương mỗi khi gặp một câu nói không giấu giếm của Viên, những câu nói đáng lý ra nói nhỏ, nói chỉ để hai người nghe thôi. Lọt ra người thứ ba thì kỳ lắm, nhưng dì cũng cười. Viên lại nghĩ, chắc như đinh đóng, anh Truyền đã có một hôm nào đó nhận ra nụ cười của dì có tỏa hương, tỏa hơi mát bèn nói : “Nụ cười Tâm là bóng mát ngàn đời cho Truyền”. Viên cười với ý nghĩ trong đầu. Mà cũng thật, nụ cười mộng và dáng nàng cũng hiện ra như một bóng mát trong những ngày hắn sống lẻ loi, như con ngựa lạc bầy, như con chim lạc hướng…
Dì Tâm nói Viên có nhiều cái cười kỳ cục lắm, tự dưng muốn cười thì cười; rồi kéo tay Mộng vào nhà như thể dì với Mộng theo một phe. Từ ngày Viên bảo đã yêu Mộng không còn sợ dối lòng thì dì cũng tỏ vẻ gần gũi thân thiết với Mộng hơn. Sự gần gũi đó dễ dàng cho Viên biết là dì cũng có cùng tâm trạng với Mộng. Tâm trạng của những kẻ đang bước dần vào một cuộc tình, ở hồi gay cấn. Dì họa theo từng câu nói của Mộng một cách rất một dạ một lòng, đôi lúc quên rằng, dì với Viên là bà con, dì cháu. Viên tự dưng cũng có đôi hồi thấy dì Tâm xa lạ, khó hiểu như Mộng. Viên vừa ngồi vào ghế, dì Tâm chỉ mặt Viên nói anh chàng này sống xùng xình lắm. Dĩ nhiên là vừa lòng Mộng, nàng gật đầu với dì rồi cười. Viên không biết nói sao, những giãi bày nhiều lúc bị hiểu lầm trong những cuộc tình mới chớm. Yên lặng thật lâu, Viên nói như không có mặt Mộng:
-Có sống đời xùng xình mồ côi như cháu mới thấy khó lòng sống với người nọ người kia, ai mà muốn sống lớ ngớ, lạc lõng làm gì?
Dì Tâm nhìn Viên với đôi mắt nhìn một đứa cháu, không là đôi mắt để nhìn Truyền nên Viên tin là khuôn mặt mình dễ gây được tin tưởng. Như trên chuyến tàu hôm qua, người lính đã nhìn ngắm anh sao đó, mới quen đã nói một mạch với đầy đủ chi tiết câu chuyện tình của gả với cô bé khi xe chạy vào đường hầm. Thì ra, những người con gái mới lớn dễ dàng bị xúc động bởi những hình ảnh hời hợt, như những que diêm; Viên không muốn đến với Mộng như những que diêm thoáng sáng, rồi lại tắt phụt.
Mộng tha thiết mong dì Tâm về quê nàng để ăn giỗ cho vui nhưng dù dì được nghỉ không đến sở trực ngày chủ nhựt, dì vẫn từ chối. Cũng tha thiết như Mộng. Dì nêu lên một lô lí do nào là làm ở nhà thương thèm ngủ muốn chết, nào là lu bù công việc giặt giũ quét dọn… Nói tóm, dì không kể lý do ở nhà viết thư cho anh Truyền mới nhập ngũ gần một tháng. Ngoài cái lý do chính đó, Viên dư biết là là dì muốn để Mộng có thì giờ gần mình, nhiều chừng nào tốt chừng đó. Và thầm phục dì Tâm kỹ lưỡng, đàng hoàng quá sức. Khi đưa cả hai ra ngõ lên phố, dì Tâm dặn chiều nhớ về sớm sớm nghe thầy cô?
Đoàn người ùa ra ồn ào, nhốn nháo, mệt mỏi từ ngã sân vận động, khi tiếng còi cảnh sát báo động hộ tống những chiếc xe huê kỳ về tòa tỉnh. Viên giữ tay Mộng lại dưới những hàng dương rợp bóng mát ân tình của con đường Hoàng Diệu. Mộng có vẻ thích thú nhìn đám người tranh nhau trèo lên những chiếc xe GMC đậu dọc đường chờ. Tiếng la gọi, chửi rủa vang lên ầm ầm. Bụi từ những bước chân cày đất bốc lên lưng chừng ngột ngạt. Viên gặp lại ông già lúc sáng ôm khẩu hiệu, bây giờ người đàn bà đã bỏ đi đâu mất. Gương mặt ông đỏ hỏn dù má đã hóp sâu, râu tóc phờ phạc. Một tay ôm hai cây căng khẩu hiệu được quấn chập vào nhau, một tay quệt hoài những hột mồ hôi chảy ròng; chiếc nón cũng lệch trật xuống lưng. Người đàn bà chắc đã thoái thác về nhà cho con bú, về nhà lo cơm nước cho lũ nhỏ, giao hết cho ông lão. Ông lão còn lại một mình khệ nệ vác khẩu hiệu, chập choạng đi như say.
Đám đông được giải tán rất nhanh, như đàn kiến dưới sức nóng hơi lửa ; Viên lại bắt đầu những bước đi dè dặt bên Mộng sát hàng cây. Bóng mát thì đậm, hàng cây thì dày, con đường thì sâu, bóng hai người di động vì thế âm thầm và khiêm tốn như cuộc tình của họ. Rẽ ra đoạn đường ngắn gần sân vận động, Mộng trầm trồ khen cái sân khấu được chưng bày lộng lẫy quá đỗi. Mặt tiền được quấn hoa lá ở những cây cột gỗ. Hai bên treo hai bức tranh cành trúc con chim đậu. Ngoài lối vào, những tấm khẩu hiệu kẽ chữ nhiều màu giăng cùng khắp. Hàng ghế bành sắp trên một tấm thảm ngay ở giữa sân. Chung quanh cờ xí và những chậu hoa tươi thược dược, cúc vàng… Sân vận động vắng ngắt, trơ vơ những khúc cây ngổn ngang, rác giấy, và những trận gió cát mịt mù.
Nắng gắt, gió khô áp hơi nóng vào mặt, Viên đi dưới bóng dù Mộng, bóng dù che mát cuộc đời. Phố chủ nhật tiếp rước nên có đông người đi dạo, có đông người ghé vào các cửa hàng. Nhất là từng nhóm những cô gái, những chàng trai lắt chắc chưa đến tuổi quân dịch ở xa về dự. Viên nhìn thoáng lên gương mặt Mộng, vẫn nụ cười trả lời bóng mát ngàn đời cho Viên, trong dáng dấp xanh xao, lười biếng một chút. Cũng sau lần đi phố với Mộng đầu tiên để lên bến xe, Viên đã nhận ra Mộng như lần này; xanh xao bất chợt có chút biếng nhác trong sự điểm trang, và thấy yêu Mộng xót xa khôn có cách nào thoát. Mộng quay lại nói, nếu có dì Tâm trước mặt, thế nào dì cũng lầm mà cố mở mắt ra coi. Viên cười nhớ lại lời dì Tâm : “Đi phố ngạc nhiên thấy một cặp trông lả lướt, nhìn kỹ, tưởng ai hèn gì ông thầy và bà cô”. Phố này có được một cặp như thế cũng là một điều là lạ, đáng để mắt mà nhìn lắm phải không Viên?
Viên cũng thương Mộng ngay ở việc nàng không chịu cho chuyện đi với Viên là một điều là lạ, đáng cho thiên hạ để mắt mà ngắm. Nàng thành thực và tự nhiên vô cùng những lần đưa Viên qua hết dãy phố chính, lên bến xe. Không có chút áy náy nào trong đôi mắt mệt mỏi vì thức đêm nhiều ở nhà thương. Ở điểm này, Viên an tâm thấy Mộng trưởng thành trong những ý nghĩ, trong cuộc sống đã tự định chọn cho mình. Chỉ có lòng buồn chán đột ngột đến với Mộng mới làm Viên lo lắng. Đã đành hằng ngày đối diện với những người chết, băng bó, may vá cho những vết thương dễ làm Mộng nản lòng khi nghĩ đến ngày mai, đến cuộc sống cho cả hai. Giữ cho lòng yên tĩnh trước những phút hấp hối của người bệnh là một điều khó, nhưng Mộng bảo, thấy lâu rồi quen, và coi như thường. Đôi lúc em cũng liên tưởng đến cái chết cho em, cho anh. Nó cũng tức tưởi, hãi hùng như một thằng bé nằm trong cánh tay người cha, từ từ nhắm mắt nghe những lời kinh cầu nguyện. Người cha gọi đến tên Chúa hớt hãi, đọc kinh vội vàng, nhưng thằng nhỏ đã chết vì mảnh đạn quá sâu ngập vào thân thể nhỏ xíu của nó. Mộng đã hết cách tìm lại sự sống cho đứa nhỏ, nhưng sự sống sao quá mong manh và bay đi. Giọng nàng thấp trầm buồn hơn những câu kinh nghe được lúc đưa nàng vào nhà thờ mỗi sáng chủ nhật.
Viên kêu Mộng dừng lại, ghé vào hiệu trà chọn một cặp trà ngon. Mộng nói anh làm y như tụi mình đã cưới nhau. Viên cười, thì cứ coi như vậy có sao đâu? Cưới nhau đâu có khó khăn gì? Tiếng máy rè rè từ cái haut-parleur treo lên một cột cây ở giữa ngã Năm phát ra giọng hát một bản nhạc nghe nhàm nói về lính chiến đa tình, vì yêu anh là lính, yêu lính hơn yêu cả bạc vàng… trong những âm thanh xôn xao của một ngày chúa nhật.
Đi băng qua công viên, giọng hát từ cái haut-parleur treo trên đỉnh cột lại dội xuống những âm thanh chói tai, nóng bừng. Những cây hoa giấy màu đỏ và hường, bám bụi dàu dàu trong sắc nắng, gió cát. Tại vài băng đá có bóng mát, những người lính như đang chuẩn bị đi xa, ngồi gặm bánh mì, thẫn thờ. Có vài người hãy còn trẻ, kè nè bên cái bàn nước có một cô gái nơi cuối công viên. Viên kéo tay Mộng dừng lại một gian hàng bán đủ loại đồ Mỹ, mua một gói thuốc Pall Mall.
Người lái xe vừa cho xe rà rà ra khỏi bến, xoay hỏi : Viên đi đâu. Như thể chiếc xe chờ sẵn để đón. Mộng và Viên, cả hai lên xe, xe chạy bỏ chuyến nên chỉ vơ được hai người. Xe quẹo ra quốc lộ, Mộng kêu gió mát quá, gió từ cánh đồng phía dưới lên. Viên giữ tay Mộng, xe chạy ồn ào qua cầu ngắn. Nhìn những ngón tay thon thon trắng nuột, những ngón tay xoa dịu đau thương, chằm vá sự sống; Viên muốn được cúi xuống trên đó thật lâu. Thật lâu để nghe mùi da thịt Mộng và tình yêu thương tươi mát xao động trong lòng.
Hai người đàn bà đón xe tại một bót cảnh sát, trên cái dốc đổ xuôi xuống một xóm nhà làm vườn bên này sông Chùa. Lên xe, cả hai ngồi yên lặng với những lo tính trong đầu, và những quảy trái cây mới mua ở miệt Ngọc Lãng, Hòa Trị trước mặt. Vẻ mặt hai người cứng nhắt, đờ đẫn trong hơi nắng trưa và mọi thứ rộn ràng trong lòng. Mộng ngồi nép vào Viên tránh gió lúc xe chạy vào nhịp thứ mười. Gió lồng hơi nước từ mặt sông thấp, cạn nước. Mộng ao ước được dựng một ngôi nhà nổi lênh đênh trên sông, Viên bảo ai qua cầu mùa này cũng thường có nỗi ao ước đó trong đầu, và bảo thèm một giấc ngủ trong các lồng gỗ của lính gác cầu quá chừng. Mộng cười bảo, rồi anh cũng sẽ được ngủ ở trong đó chứ ước ao gì.
Mộng dẫn Viên đi theo con đường rải đá vào làng, hỏi anh có nhớ đường này để tìm đến nhà Mộng không? Viên như được nhắc nhở đến con đường, nói đi miệt mài trong các hàng tre này anh khó nhớ đường quá. Con đường như dài hun hút trong bóng tre dày lã ngọn, vắng lạnh và hơi tối. Viên đưa tay Mộng lên hôn.
-Anh muốn hôn những ngón tay này từ lúc xe qua cầu ngắn….
Xóm vắng bóng đàn ông, thỉnh thoảng nhìn vào vài sân nhà để chào vài người quen với Mộng, Viên chỉ thấy toàn bà già, con nít. Sự sống vì thế cũng chậm chạp, già nua như những bà già ngồi trước hiên xoáy trầu. Xóm làng vì thế cũng uể oải buồn tênh. Mộng chỉ xuống mặt đường:
-Anh cứ theo con đường rải đá này mà đi, đi mãi đến cùng đường sẽ thấy cổng nhà Mộng.
Chưa phải lúc nhìn xuống con đường rải đá để tìm nhà Mộng ở cuối đường, đứng ở ngõ nhìn vào sân, Viên cũng biết ngay là nhà của Mộng rồi. Căn nhà phảng phất những lời nàng kể trước đây, và ồn ào tiếng người ăn giỗ. Thấy Mộng thấp thoáng ở ngõ, cố lôi Viên vào một lượt, ông già ba Mộng chạy ra:
-Con Mộng đó hả, sao về muộn vậy con?
Mộng không trả lời câu hỏi của cha, nàng vẫn xem những câu hỏi đó chỉ là những lời lo lắng, chăm sóc nàng thôi, nhưng bây giò thì nàng đã lớn. Mộng chỉ vào Viên cười:
-Anh bạn con thường nói với cha đó, tới chơi …
-Ờ, được đó, về chơi cho vui con, ở đây một mình già buồn lắm!
Viên cúi chào, đi se sẽ theo Mộng như sợ lạc đường. Hai bàn ăn dọn ở hiên, một bàn toàn đàn bà con gái, một bàn toàn ông già, đàn ông; dừng ăn nhìn Mộng cười. Viên tách rời Mộng rẽ ra sau vườn. Ba cột rơm dựng cao choán hết khu vườn phía sau. Khu vườn nhiều lá khô, thiếu bàn tay chăm sóc. Viên lững thững dưới những cây ổi, lơ đãng tìm một trái chín. Trong cảnh phất thơ một mình, Viên thấy như gần gũi hơn với ngôi nhà, thân thuộc hơn với Mộng. Và sung sướng với giấc mơ ngày đó bình yên về sống với Mộng, với khu vườn, với đàn con, bầy gà… Mộng soắn sít tìm Viên:
-Cha kêu anh vào ăn chớ để đói…
Cha kêu anh vào ăn chớ để đói, anh chưa đói đâu, đợi vắng khách một chút đã. Anh có số đi ăn giỗ còn ngại vậy à? Dạy học phải nhớ nằm lòng câu tục ngữ : “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” chớ?
Viên nghe lời Mộng áp dụng đứng đắn câu tục ngữ, bước vào ngồi ở bàn giữa, đã có ông già ba Mộng ngồi chờ. Còn chờ vài ông già nữa cho đủ. Cái cảnh chờ đợi khi dự một bữa giỗ nhà quê lúc đầu đã làm Viên thấy mệt. Sau rồi cũng quen với những điều dài dòng khách sáo của mấy cụ. Cỗ giữa còn lại những người thân thuộc bà con của gia đình Mộng. Mộng xin Viên đại diện, nàng còn bận việc nhà bếp với người chị. Ăn uống mà được bầu làm đại diện thì còn gì bằng Viên nhìn kỹ Mộng hơn, hiền thục trong bộ đồ bộ màu bông bí.
Đã có kinh nghiệm, Viên ngồi nói chuyện dông dài mưa gió, nắng hạn theo mấy ông già ngồi cạnh. Chừng mực và khề khà ly rượu thuốc. Ông già ba Mộng thấy Viên uống được rượu, rót rượu thêm. Mộng lấp ló ở cửa nhà bếp, nhìn Viên cười. Nụ cười bóng mát ngàn đời cho Viên. Hết chuyện thời tiết, ruộng vườn, ông già bên cạnh dở chuyện nhà cửa, gia đình ra than:
-Thầy biết không, già cỡ như tui lúc trước là nằm co một chỗ bây giờ dễ gì được nằm yên ? Phải nai lưng ra làm tối ngày vì lũ nhỏ đi lính hết, mang vợ con về cả đùm. Vừa rồi thằng rể tui chết nữa, khổ hoài… Ngày lo chuyện ăn, đêm lo giấc ngủ.
Ông già đưa chén rượu uống ừng ực, mắt bắt đầu đỏ, giọng nói đã đặc sệt những tiếng lè nhè. Ông già ba Mộng nhìn Viên cười rung hàm râu:
-Thôi nghe anh Tám, để mắt sáng tối còn thấy đường mà chạy…
Viên rời bàn ăn tìm ra bóng mát bên thềm giếng nhìn Mộng kéo cần xách nước. Mộng đổ nước cho Viên rửa mặt, bảo Viên rửa mặt cho giải rượu. Trong hơi men chếch choáng, trong một bữa ăn ồn ào cởi mở vừa dứt, Viên thấy Mộng tươi mát hơn trong sắc áo quần màu hoa bí. Dáng cao, tóc mượt, da trắng, mắt đen. Chừng đó dáng Mộng đã huyền hoặc lắm rồi trong giấc ngủ; đã trong sáng lắm rồi trong những giây phút hồi tưởng mông lung. Viên kiếm chuyện hỏi Mộng:
-Sao lại có hai cái giếng trong sân vậy em?
-Một cái nước đục, một cái nước trong… Cái kia có hồi Mộng còn bé, cái này có lúc Mộng…
-Có chồng?
-Anh lại uống rượu say rồi hả?
Mộng bỏ vào bảo đứa cháu vác ghế bố ra vườn cho Viên. Vườn không dày bóng cây, nên vẫn còn nhiều lỗ sáng chiếu xuống. Loay hoay tìm một lúc, Viên chọn dưới gốc dừa, sát bên hàng rào. Chỗ này vắng, và có hơi gió từ cánh đồng phía trước. Nằm mơ màng chờ đợi cho lão Tám say sưa xong trở về, Viên vào nói chuyện với ba Mộng. Ông gìa vợ tương lai.
Lão Tám là người cuối cùng ra về, căn nhà trở lại cái không khí im vắng cũ. Uống hết chén trà, ăn hết mấy cái bánh ít đen, ba Mộng nói, con ra vườn chơi cho mát đi.
Mộng đã nằm ở giường thay vào chỗ Viên. Viên đứng dựa vào gốc cây dừa, nhìn Mộng. Anh uống rượu say rồi hả? Đâu dễ gì mà say, anh đã uống rượu thi với mấy ông già ngoài đó luôn, ngay ông già phu trường cái ruột như một hũ chứa rượu; Mộng nhìn lườm Viên, ôm mặt cười. Qua hàng rào Viên nhìn mông ra ngoài cánh đồng trước mặt trơ trụi thẳng tắp. Viên thu nhận kỹ từng hình ảnh như thể người đi xa đã lâu được trở lại nhà xưa, tìm kiếm từng cái lạ, từng kỷ niệm còn ẩn dấu sau hàng rào, trên cành lá dừa, sau cột rơm… Do đó, Viên thấy hoàn toàn thích thú trong mỗi khám phá. Mộng vẫn còn đó, nằm ngó lên những tia nắng chiều chiếu xuyên lá cành rọi lên mắt. Anh có thấy những tia nắng chiều kia đẹp và buồn không? Có, và thấy buồn hơn ở lời nói của em.
Mộng theo người chị có chồng lên núi ra thăm soi bắp, chị bảo, để bẻ ít chục đem ra ngoài đó mà ăn. Mộng nói nhỏ em, không thích ăn bắp nhưng thích được đi rong chơi ngoài soi với chị một lát rồi về liền. Đã lâu lắm, em không có dịp ra soi bẻ bắp, thấy nhớ những lúc nhỏ trốn nhà chui vào soi bẻ trộm lên gò đốt lửa nướng ăn ghê. Viên nghe nặng trong đầu, và có ý định để vắng mặt Mộng ở đây một lát, nên nằm ở nhà ngủ. Nằm yên với nỗi mơ mộng riêng mà ít khi Viên tìm thấy.
Đi ngang qua nhà ông Tám, Mộng dừng lại nhìn vào sân thấy ông nằm quị ở đó, lũ cháu bu quanh vỗ tay cười. Có tiếng bà Tám cằn nhằn lục đục dưới bếp. Mấy người con dâu, con gái đi làm chưa về. Mộng như một con chim lần đầu cất cánh, ham bay, ham nhảy, ham nói, ham cười. Người chị với bầy con sáu đứa trông chồng đã ba năm, mất nụ cười thoáng nét phấn khởi chiu chắc trên gương mặt sạm đen, khô đét. Chị lầm lũi đi, góp chuyện với Mộng.
-Chị thấy “nhà em” có được không?
-Cũng được.
Vừa gỡ xong những nhánh gai tre, hai chị em bước xâm xâm vào soi bắp. Những cây bắp cao quá đầu, nghe mùi thơm. Mộng hỏi chị có nhớ hồi Việt Minh hai chị em hái trộm bắp ra gò nướng ăn không? Chị cười, nói hồi đó vui quá hả ? Bây giờ em tha hồ bẻ, tha hồ đem lên gò nướng ăn đi. Mộng cười khúc khích sau những hàng bắp dày. Mộng lục lạo tìm những trái bắp lớn, tròn trịa. Tiếng gió chiều lao xao trên đầu, tiếng bắp kêu, tiếng chị gọi chừng Mộng ở những hàng bắp đầu soi; tất cả những âm thanh đó đều êm ái vui tai. Mộng vừa cột những trái bắp chọn được thành chùm, bước tới một bước thì có tiếng nổ. Tiếng nổ ngay dưới bàn chân Mộng. Rồi tiếng người chị mất hồn réo gọi thất thanh. Đám khói bốc cao một vùng ở giữa soi bắp, ở giữa cuộc đời Mộng đang rạt rào mộng ước. Chị Mộng lăn vào đám khói. Mộng ơi…
Thằng nhỏ giữ bò chạy đưa tin vấp vào thanh gỗ ở ngõ lăn cù xuống đất, nó nín khóc, la lớn:
-Bác Hai ơi, bác Hai… Chị Mộng bị mắc mìn, mắc mìn nổ chết ngoài soi bắp.
Chị Mộng bị mắc mìn nổ chết ngoài soi bắp, Viên nghe rõ giọng nói hao hụt trong hơi thở hào hễn của thằng nhỏ, ngồi bật dây, nghe đầu choáng váng. Hơi thở dội tức ở lồng ngực, lòng bủn rủn ngơ ngác. Chị Mộng bị mắc mìn nổ chết ngoài soi bắp - ông Hai vụt chạy, khóc không có một giọng nước mắt. Khóc như những đứa trẻ.
Từ cái trổ mở xuống xoi, Viên nhìn thấy một vùng cháy xém, trống trải. Đã có đông người bu quanh xác Mộng. Người chị hai tay vung lên trời, mặt mũi đầy đất bụi, chạy vòng vòng khóc lóc, gọi tên Mộng hớt hãi, não lòng. Ông già ba Mộng xô ngã đám đông, chúi vào ôm xác con, giật mạnh. Tiếng khóc ông nổi to, to hơn nhưng nước mắt đã cạn trong đôi mắt ông hóm sâu, khô cằn tuổi sống. Hàm râu run run dấy máu. Những vũng máu hồng vừa đổ ra từ dáng Mộng, vung vãi trên những thân cây bắp bị chặt đứt, ngã nghiêng. Mọi người nín lặng, giữ hơi thở mỏng phập phồng, ái ngại. Chị Mộng tiếp tục chạy vòng tròn, hai tay vung lên trời…
Đôi lúc em cũng liên tưởng đến cái chết cho anh, cho em. Nó cũng tức tưởi, hãi hùng như một thằng bé nằm trong cánh tay người cha, từ từ nhắm mắt, nghe lời kinh cầu nguyện… Viên ngồi yên bên quan tài Mộng, bên tình yêu thương mình đã mất từ đây, nhưng dáng Mộng và nụ cười nàng vẫn là bóng mát ngàn đời cho một đời Viên xùng xình, xuôi ngược …
( 1) ( Tạp Chí VĂN-1971)