Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.114
123.144.807
 
Trăm đồng xu của mẹ
Trương Quân

Đã năm tháng nay, thằng Tâm mất tích. Mẹ nó và bà con láng giềng lùng kiếm khắp nơi mà không thấy. Cuối cùng, ai nấy đều đoán non đoán già là nó đã chết sông chết hói đâu rồi, hay đã bỏ nhà đi theo chúng bạn ở một nơi xa lắc xa lơ nào đó không bao giờ về lại.

 

Tất bật với cuộc sống, hình như mẹ nó cũng quen dần với những ngày hẩm hiu, cô độc của mình mà quên đi đứa con một côi cút từ năm lên sáu. Cha nó bị chết trong lao Thừa Phủ vì cái tội gán cho là chống Pháp.Từ đó mẹ con thui thủi sống bên nhau trong túp lều tranh vách lá giữa một mảnh vườn nhỏ có ít cây ăn trái. Sáng sáng, từ lúc tinh sương, chị gánh một gánh cháo trắng đến bán ở  góc chợ xép gần đó.Thằng Tâm thì bán bánh mì quanh xóm, đến sáu giờ nó trở về nhà ăn bát cháo trắng chị để dành cho, rồi cắp sách đến trường.

 

Chị đã sống cuộc đời tăm tối và cơ cực ấy mà không một lời than thở. Hai mẹ con quấn quít bên nhau như hình với bóng. Nay thì mẹ con chia lìa. Chị lủi thủi sống với chút hi vọng là nó đi đâu đó rồi sẽ về.

 

Bỗng nhiên  nó về thật. Thằng nhỏ mười lăm tuổi đang nằm co ro trên tấm phản gỗ tạp đầy lỗ mọt mà trước đây nó vẫn nằm. Chị đi bán về, sững sờ thấy nó nằm một đống , ngáy như sấm. Mừng quá nhưng chẳng dám đánh thức con dậy, cứ ngồi bên cạnh trân trân nhìn con mà khóc. Khi thấy cái nước da vàng như nghệ, cặp chân phù thũng, bộ áo quần dơ bẩn, tả tơi của con, cầm lòng không đậu, chị khóc rống lên.

 

Thằng Tâm tỉnh giấc, nằm mà nhìn mẹ. Nó không ngồi dậy được vì tay chân đang run bần bật. Miệng nó đánh bò cạp. Người nó toát hơi lạnh. Nó rét. Chị lấy hai chiếc chiếu đắp cho nó. Một lát sau nó hất chiếu ngồi dậy, có vẻ tỉnh táo. Nó ôm mẹ vào lòng.Hai mẹ con mừng mừng tủi tủi, mở miệng không ra lời, lại nhìn nhau mà khóc.

 

Chị mếu máo hỏi:

-                    Con bỏ đi mô mà chừ thân thè ra ri? Con ở mô về? Mắc bịnh chi mà dữ rứa?

Thằng Tâm vừa thở dốc vừa nói:

-                    Con thấy mạ cực quá mà con thì không giúp được chi cho mạ. Mạ bữa no bữa đói, lo cho con đậu được cái bằng tiểu học là mạ kiệt sức rồi! Nghĩ rứa nên con mới bỏ nhà để tìm một việc chi đó mà làm, dù đi ở đợ cũng được miễn là có tiển gởi về cho mạ!

 

Chị vuốt đầu tóc rối bù của Tâm, hỏi:Rứa con đi mô, làm chi? Con đi biệt tăm biệt tích cả năm tháng ni ! Chừ đem cái bịnh sốt rét  về đó, phải không ?

-                    Con đi theo ông anh của bạn con. Anh nớ làm phu cạo mủ cao su của đồn điền Trảng Bom ở tận Nam Kỳ lận. Anh nói sẽ xin cho con làm phu như anh.Anh còn nói: Mi đừng cho mạ mi biết. Biết thì mạ mi không cho mi đi mô! Làm có tiền gởi về là yên thôi!Ông cai phu thấy con có chút ít chữ nghĩa mới cho giữ sổ sách và chấm công các phu phen thuộc quyền ông ấy. Chỗ nớ rừng thiêng nước độc dữ quá mạ nờ! Con làm việc không cực khổ mấy nhưng mới được mươi ngày thì đã bị sốt rét vật nhào! Con vẫn còn sức chịu nên kéo dài qua tháng thứ tư. Con để dành được mười đồng  định gởi về cho mạ, không ngờ bị đau nặng.Con không bị sốt rét thường  mà là sốt rét vàng da. Công nhân đồn điền ai ai cũng sợ mắc phải cái thứ sốt rét này. Mười người mắc bịnh  thì hết sáu người chết. Trạm y tế đồn điền không đủ thuốc cho người bịnh như con nên chủ Tây cho đưa con lên nhà thương tỉnh.Nằm ở nhà thương gần một tháng! Trong phòng có năm người cùng mắc bịnh như con thì đã ba người ra nhà xác rồi! Con sợ quá lại nhớ nhà, nhớ mạ không chịu nổi nên con trốn khỏi nhà thương, nhảy đại lên xe lửa, trốn chui trốn nhủi, nhịn đói nhịn khát bốn ngày bốn đêm mới về được với mạ đây!

 

Không cầm được nước mắt, chị hỏi con có ăn được cơm không để nấu. Tâm trả lời:- Mạ bán cháo có còn dư không cho con một đọi cũng được! Con mệt lắm, ăn cơm không nổi !

 

Ăn vừa xong bát cháo, nó thấy mẹ đem đến trước mặt nó một vật tròn như cái bình  nhỏ bằng đất nung đỏ.Tâm nhìn ra chiếc bùng binh. Mẹ nó cầm lắc qua lắc lại. Nó nghe thấy tiếng các đồng xu chạm nhau kêu leng keng.

Chị đặt chiếc bùng binh vào tay con :

-                    Con đập ra mà lấy tiền. Tiền bỏ ống  nhờ trái mù u và trái bàng đó !

 

Nó cầm chiếc bùng binh trong tay mà nghĩ đâu đâu. Nhớ lại năm nào vào mùa trái mù u và trái bàng chín, mẹ nó và nó cũng được cái bổng trời, nói đúng hơn là của dơi cho. Dọc đường cái gần nhà nó không thiếu chi hai loại cây này. Đêm đến, dơi tha trái vào vườn ăn rồi thả những gì còn sót lại xuống đất.ẹ con chỉ mất công thu dọn lại thành đống  để phơi trái cho thật khô rồi chẻ ra lấy hột. Hột mù u thì làm chất đốt, hột bàng thì để các công nương, công tử mua về nhâm nhi, béo bùi còn hơn cả củ ấu, hột sen hồ Tịnh Tâm nữa. Tâm chẻ trái bàng lấy hột cũng tài không thua gì mẹ. Nó chẻ thì hột bàng không bao giờ sứt mẻ hay gãy đôi, gãy ba.Còn mù u, chỉ lấy búa đập vỡ vỏ ra, lấy cái hột tròn lớn bằng  đầu ngón tay cái, cắt thành lát xâu vào que tre, chờ người đến mua. Mỗi lần bán xong món hàng ấy, mẹ nó cho nó chiếc  quần vải quyến trắng hay ít nhất cũng một chiếc quần cụt  vải dù đen. Mẹ nó chẳng bao giờ may cho mình một manh áo quần nào, chỉ toàn mặc đồ cũ của bà con xóm giềng cho thôi. Nghĩ lan man, nó không nhớ là đang cầm trong tay chiếc bùng binh có tiền.

 

Mẹ nó nhắc:

-                    Con đập đi coi thử được mấy. Mạ cho con hết đó !

-                    Cái áo của mạ rách như xơ mướp, mặc răng được nữa mà mặc !

Nói xong, nó đập mạnh chiếc bùng binh xuống đất. Bùng binh vỡ thành nhiều mảnh. Những đồng xu cùng  cỡ văng tung tóe trên mặt đất.

 

Mẹ nó cúi xuống lượm từng đồng, xâu thành một xâu với sợi dây gai nhỏ. Chị đưa tiền cho Tâm: Chẵn một trăm xu con nờ! Hơn năm ngoái ba mươi xu! Muốn ăn chi con cứ ăn, nhưng phải kiêng cữ những đồ sống sít, nặng bụng  nghe!

 

Tâm bỏ xâu xu lên đầu nằm của nó và ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy thì nhằm lúc mẹ nó đang lui cui nấu cơm chiều. Nó gọi mẹ vào, kể cho nghe giấc chiêm bao nó vừa nằm thấy.

-                    Mạ nờ, con thấy… cái chi lạ lắm! Con không biết là điềm chi đây! Con thấy cha về, mặc áo quần trắng toát. Mặt mũi cha giống như trong bóng ở bàn thờ! Cha nói: Cha về đưa con đi chơi xa một chuyến! Lâu lắm không thấy con, cha nhớ lắm! Cha ở lại nhà chơi, ngày mai cha con mình cùng đi! Con trả lời: Con mới về, không thể bỏ mạ mà đi được! Răng  cha không rủ mạ đi với? Cha nói: Cha lo cho mạ rồi! Mạ không đi với cha con mình mô! Rồi cha biến mất.

 

Chị nghe nói mà lạnh xương sống. Chị đến trước bàn thờ chồng, thắp nhang khấn vái: Sống khôn chết thiêng, anh có thương vợ con thì về phù hộ độ trì cho thằng Tâm. Hắn mắc bịnh nặng, mà thuốc thang chưa có, tiền bạc cũng không. Thấy con như rứa, em đứt ruột đứt gan. Anh có bắt thì bắt em, đừng bắt con tội nghiệp! Hắn còn nhỏ dại, để cho hắn sống, anh ơi.

 

Chị cắm nhang vào bát nhang. Tàn nhang gặp gió làm phựt cháy luôn cả các chân nhang cũ. Chị kêu ầm lên; Bát nhang hóa! Bát nhang hóa! Và chị sụp lạy, nước mắt nước mũi ràn rụa.

 

Tối hôm ấy, sau khi ăn một bữa cơm mà nó cho là ngon nhất trong đời, thằng Tâm bỏ xâu tiền xu vào túi quần rồi bước ra khỏi nhà. Nó dự tính đến cái quán tạp hóa cách nhà chừng ba trăm mét. Muốn đến quán phải đi qua nhà Ô ng  hoàng Ba, hay còn gọi là  Ông Ngũ Đại. Ông hoàng này là con trưởng của vua Thành Thái bị Pháp truất phế và lưu đày, và là anh của  một ông vua khác, vua Duy Tân,cũng bị truất phế và lưu đày cùng với vua cha sang đảo Reunion vì can tội mưu đồ chống Pháp.Người biết chuyện nói rằng Ông hoàng Ba đã được vua cha xem như người có thể kế vị mình. Do đó, trong những cuộc ngự du hay lễ lạt, ông được vua cha cho ngồi một bên như một thái tử. Sự thế đổi thay, khi vua Thành  Thái bị buộc phải thoái vị, có lẽ vì Tòa Khâm sứ Trung Kỳ dùng áp lực nên Phủ Tôn Nhơn và Cơ Mật Viện phải tôn ông hoàng Vĩnh San, lúc bấy giờ mới tám, chín tuổi gì đó  lên ngôi. Sau khi vua cha và vua em đi đày, Ông hoàng Ba sống lây lất, không công danh, không sự nghiệp. Cuối cùng, ông đến dựng một ngôi nhà tranh không xa An Lăng tức là lăng vua Dục Đức, ông nội của ông.Vua Dục Đức mới làm vua  có ba hôm đã bị hai đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường truất phế và  bỏ đói trong ngục cho đến chết. Ông hoàng Ba sống tạm đủ nhờ mở sòng xóc đĩa mỗi đêm trong nhà. Hình như con cáo già Sở Liêm Phóng Trung Kỳ Sogny đã cố ý cho các ông hoàng bà chúa tổ chức cờ bạc, đá gà,v.v để họ sống qua ngày mà chẳng còn nghĩ đến chống đối chính quyền bảo hộ nữa.

 

Thằng Tâm đã bán bánh mì ở nhà này  nhiều lần rồi. Giờ đi ngang qua đó, nó bị mùi thơm phức của bánh ướt thịt nướng,cháo gà, xương hầm bo bo, đẫu xanh và mùi ngọt của các thứ chè hột sen, đẫu xanh, đậu ván quyến rũ khiến bao tử nó cồn cào và miệng nhỏ dãi. Cả một sân đầy người bán và người ăn. Thấy đông quá, nó sợ.Hơn nữa, món gì đối với nó cũng ngon cả, nó không biết lựa món nào. Nó tần ngần đứng ngó những con bạc vào ra tấp nập.Nó nhìn vào trong nhà. Dưới ngọn đèn măng sông một trăm nến treo lủng lẳng giữa nhà, nó thấy lố nhố những người đứng có, ngồi có hai bên một hàng chiếu ba chiếc trải dài ở căn nhà giữa.Không biết thằng Tâm nghĩ sao mà nó thủng thẳng đi vào nhà và đứng xem đánh bạc. Căn nhà oi ả vì sức nóng của ngọn đèn treo quá thấp cộng với hơi hướng của gần một trăm con bạc tỏa ra. Tuy nhiên ai cũng quên mồ hôi ướt đẫm mà chỉ lo quay mặt về phía chủ cái và cái chén bằng sắt tây sơn xanh úp miệng lên lòng một chiếc đĩa sành trắng. Thằng Tâm lén nhìn chủ cái. Ông hoàng Ba mặc áo quần lụa trắng, ngậm một chiếc đót dài nhỏ bằng ngà. Một làn khói nhẹ uyển chuyển bay lên từ điếu thuốc ở đầu đót. Ông ngồi xếp bằng tròn ở đầu chiếu, tay xoa cái bát sắt , hỏi :Xong chưa? Hồ lỳ nói: Thưa xong! Chủ cái bật chén. Bao nhiêu con mắt đổ dồn về chiếc đĩa và mấy đống tiền. Ông hoàng hô: Sấp một,! Có tiếng xì xào: Lẻ chi mà lẻ hoài rứa, khát nước muốn chết! Rền như rứa thì chỉ có nước bán nhà bán ruộng. Năm cái lẻ liên tiếp rồi, nư gan quá! Đánh chẵn nữa !

 

Không biết có ma lực gì thúc đẩy, thằng Tâm lấy xâu xu ra và đặt vào mặt lẻ, thay vì theo đa số con bạc đang đặt tiền vào mặt chẵn. Chủ cái lại bật chén, hô: Ngửa một , lẻ! Hồ lỳ thu dọn tiền trên chiếu và chung tiền cho người đánh trúng sau khi đã lấy mười phần trăm tiền xâu. Chén này thằng Tâm được. Nó chợt cảm thấy mệt mỏi. Đôi chân tê tận đầu gối. Mồ hôi vã đầy hai má vàng khè. Nó liên ngồi bệt xuống nền đất. Nó chờ con bạc đặt tiền. Nó đẩy cả số tiền hiện có vào chiếu ở mặt lẻ. Và nó lại được. Bây giờ số tiền của nó lên đến ba đồng sáu. Và vẫn như cũ, nó thản nhiên đẩy hết số tiền ra chiếu, vào mặt lẻ. Chủ cái và con bạc bắt đầu để ý đến nó. Chủ cái thấy thằng bé dơ bẩn và vàng võ kia vẫn lầm lì, không tỏ vẻ gì mừng rỡ, không muốn cho nó đánh nữa nên bảo nó:Ăn chừng nớ được rồi! Về đi con! Với đôi mắt lờ đờ như muốn ngủ, nó nhìn ông hoàng thưa: Xin Ng2ai cho con đánh nữa! Con chưa đánh lần mô cả, đây là lần đầu mà cũng là lần chót! Rồi nó đánh tiếpặt lẻ như trước cho đến chén thứ bảy. Cả bảy lần nó đều được. Cái lối đánh được ăn cả ngã về không ấy chẳng một con bạc nào ở đây dám thử. Họ chào xáo với nhau : Thằng nớ có lẽ thờ ma xó! Chỉ ma dẫn dắt mới cả gan đánh như rứa! Có người cãi lại: Ma dắt quỷ dắt chi! Hắn điên hay ngu mới đánh cái lối vong mạng nớ thôi! Nói thì nói, họ vẫn chăm chú nhìn khi thấy nó đẩy đống tiền lớn trước mặt vào mặt lẻ. Trong lúc đó, một số con bạc tức mình một cách vô cớ bèn đổ xô vào đánh chẵn. Ông hoàng cười tủm tỉm, xoay cái chén mấy vòng nhưng  chưa chịu bật chén. Ông cất giọng “các mệ “ hỏi hồ lỳ: Mi đoán chừng mỗi bên đặt mấy rứa ? Hồ lỳ trả lời: Thưa, mỗi bên chừng chín mươi đến một trăm chi đó! Ông hoàng nói tiếp; Ừ, không chênh lệch mấy hỉ. Coi chừng ta mở chén đây !

 

Ông đưa tay phải nhẹ nhàng bật cái chén ra xa, dõng dạc hô: Ba tráng, một đen. Lẻ! Hầu hết cá con bạc rũ áo đứng dậy. Thằng Tâm đã được thêm chén nữa, vị chi là tám chén liên tục. Đống tiền bây giờ cao gấp bội. Nó đưa hai tay phù thũng ra hốt bạc về phía mình, nhét đầy hai túi quần rồi lầm lũi ra về.

 

Về đến nhà, thằng Tâm thấy mẹ đang ngủ li bì. Nó lẩm bẩm một mình: Cả ngày mạ mệt, thôi để mạ ngủ.Sáng mai mạ còn phải dậy sớm để nấu cháo và xôi đi bán. Nói xong nó leo lên phản , nằm dài.

 

Sáng hôm sau, mẹ nó chợt thức dậy theo tiếng gà gáy. Chị nhớ đến con. Chị đến chỗ ngủ của nó.Nó xây mặt vào vách mà ngủ. Đôi chân nó co lại giữa những xu, bạc giác và bạc giấy vung vãi trên tấm phản. Chị đặt nhẹ tay lên tay con, chợt rùng mình thụt tay lại. Chị có cảm giác chạm phải hơi lạnh ở bàn tay con. Chị lại rón rén sờ chân con. Cũng thứ cảm giác rờn rợn, lành lạnh ấy. Chị kéo thử chân con. Cái chân không duỗi ra được. Chị khóc rống và hô hoán lên. Mấy nhà hàng xóm mắt nhắm mắt mở vội vã chạy sang. Có người đến lay thằng Tâm dậy. Lay mấy thì lay, nó vẫn nằm đờ ra đó, không cựa quậy nhúc nhích. Họ lật ngửa nó ra. Tay chân nó cứng đờ như gỗ, bụng nó phình lên, da bụng căng như da trống. Đôi mắt bất động nhìn trừng trừng : Nó đã chết tự bao giờ!

Lúc khâm liệm, người ta dốc tiền trong túi nó ra, đếm được tất cả một trăm sáu mươi chín đồng, tám giác, ba xu – số tiền mà một đời dành dụm mẹ nó cũng không thể nào có được !

 

-------------

Đọi: bát, tô.   –Giác : hào, cắc  tiền xưa ( 1 hào = 10 xu ).
Trương Quân
Số lần đọc: 2160
Ngày đăng: 11.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mười ba bến nước - Sương Nguyệt Minh
Hoa Dã Qùy vàng - Nguyễn Minh Phúc
Thảo nguyên - Minh Nguyễn
Đàn ông ngồi đái - Ngô Kế Tựu
Chùm truyện ngắn mi ni - Hoàng Nhật Tuyên
Chuyện thật như ma - Lê Hiền
Đàn ống tre bên kia sông - Khôi Vũ
Hảo hán cuối cùng - Nguyễn Minh Nữu
Tình yêu thiếu phụ - Hồ Việt Khuê
Đi qua đồng chiều - Sương Nguyệt Minh
Cùng một tác giả