Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ca dao là một bộ phận văn vần độc đáo, không trùng lặp với bất kỳ thể loại văn vần nào . Ca dao phản ánh mọi góc độ tâm hồn, nhân sinh quan và thế giới quan của người Việt suốt bao thế kỷ qua. Người ta nhận thấy trong ca dao có biết bao đề tài về lịch sử, lao động sản xuất, kinh nghiệm dân gian…, song đặc biệt nhất và chiếm số lượng nhiều nhất chính là đề tài về tình yêu. Có lẽ vì thế nhiều nhà nghiên cứu mới khẳng định rằng ca dao là “một thể loại văn chương trữ tình”.
Trước đây tôi đã từng nghe và đọc một số câu ca dao, đã từng giật mình thán phục trước sự sáng tạo của những tác giả khuyết danh. Và bây giờ, khi sưu tập và tổng hợp ca dao về tình yêu, tôi lại càng ngạc nhiên trước cách biểu đạt phong phú, đa dạng, miêu tả được mọi cung bậc tình cảm của con người . Có những câu thể hiện tình yêu thanh cao, thuần khiết; có những câu cho thấy loại tình yêu sâu nặng nhớ thương, loại tình đơn phương đau khổ hay loại tình lừa, tình thoáng chốc, tình dục vọng….
Nhìn chung, có đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố trong tình yêu toát ra từ ca dao. Người thế nào thì yêu thế nấy, người thanh yêu khác người tục v.v. Và dĩ nhiên, tình yêu cao đẹp có rất nhiều trong ca dao Việt Nam. Ở đây, chúng tôi xin phép trích dẫn một số câu tạm gọi là khá ấn tượng, phản ánh những nét riêng trong tính cách và tâm lý của từng cá nhân.
Thông thường, trai gái muốn quen nhau thì giới thiệu đôi chút về bản thân, nhưng phô trương cỡ này thì có một không hai:
Nhà anh phúc thọ đời đời
Cha mẹ sinh hạ chín mười con trai
Cũng đều có đức có tài
Ai ai cũng xứng một đời tài hoa
Anh cả thì đỗ Thám Hoa
Anh Hai tiến sĩ anh ba tú tài
Anh Tư là quan tỉnh Đoài
Anh Năm dẹp giặc tỉnh ngoài tỉnh trong
Anh Sáu Tổng Đốc xứ Đông
Anh Bảy Án Sát ở trong Ninh Bình
Anh Tám Tuần Phủ Bắc Ninh
Anh Chín Tri Phủ Quảng Bình gần xa
Anh là em Út trong nhà
Anh đi kén vợ đường xa nước người
Thấy em đẹp nói đẹp cười
Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng
Vậy nên anh gửi thơ sang
Bởi lòng anh quyết lấy nàng mà thôi.
Ngày xưa, trong chuyện tình cảm, người nữ thường tỏ ra kín đáo, bóng gió lời yêu, nhưng đôi khi lại có những người rất bạo dạn:
Em là con gái tổng trên
Em đi bắt cáy xuống lên ngõ này
Tình cờ gặp được anh đây
Có cho chung mẹ chung thầy hay không?
Sự bạo dạn như trên còn chấp nhận được, nhưng một khi nó biến thành sự táo tợn thì lắm lời chê trách:
Gái đâu có gái lạ đời
Chỉ trừ có một ông Trời không chim
Thổ Công Hà Bá cũng nhìn
Tề Thiên Ðại Thánh cũng chim làm chồng.
Ngược lại, có những người lại quá rụt rè:
Lăm xăm bước tới cây chanh
Thò tay muốn bẻ sợ nhành có gai.
Còn tán gái như những câu dưới đây thì …(!):
Vú em chum chúm chũm cau
Cho anh bóp cái có đau anh đền
Vú em chỉ đáng ba tiền
Cho anh bóp cái anh đền quan năm.
(Thật khó mà tin rằng cô gái sẽ chấp nhận một anh chàng nói năng chớt nhã như thế).
Trong quan hệ nam nữ, cho dù tán tỉnh “lịch sự” song đôi khi cũng vấp phải sự cố:
- Gánh nặng mà đi đường dài
Để anh gánh đỡ một vai nên chồng.
- Gánh nặng thì chị trả công
Mặt em chẳng đáng làm chồng chị đâu.
Dĩ nhiên, trong ca dao có rất nhiều những lời chân thật:
- Ai trắng như bông, lòng tôi không chuộng
Người đó đen giòn làm ruộng tôi thương.
Biết rằng dạ có vấn vương
Để tôi cậy mối tìm đường sang chơi.
- Ai về cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.
Xét về ngôn ngữ, ca dao chủ yếu hình thành trên cấu trúc câu lục bát (câu 6 và câu 8), tuân thủ luật bằng trắc và cách gieo vần, do đó ta nghe rất êm tai. Tuy nhiên cũng có một số câu nhiều chữ hoặc ít chữ hơn, trúc trắc về cách gieo vần, song ta vẫn nhận ra đó là ca dao chứ không phải là thơ hiện đại. Nói như thế, chứ thực ra cũng có người nhầm lẫn, cứ tưởng thơ là ca dao (có lẽ do hình thức lục bát của nó). Thí dụ:
- Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
(thơ của Bàng Bá Lân)
- Bướm vàng đậu bụi mù u
Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn.
(thơ của Kiên Giang)
Tác giả dân gian ở miền nào thì thường sử dụng tiếng địa phương của miền đó, thậm chí là tiếng lóng để sáng tác ca dao và họ đưa cả những địa danh nơi mình sinh sống vào ca dao. Thí dụ như những địa danh ở Bình Định dưới đây:
- Cầu Đôi đứng cạnh Tháp Đôi
Đôi ta đẹp lứa đẹp đôi trên đời.
Hoặc:
- Nước trên nguồn chảy tuôn ra biển
Cảm thương người một kiểng hai quê.
- Cầu Đôi liền lối đi về
Mịt mùng mây phủ An Khê, Phú Tài.
Và một số câu khi tới địa phương khác lại được tác giả dân gian nơi đó “cải biên” thêm đôi chút cho hợp với cái tình, cái cảnh ở quê mình, thậm chí cho hợp với ngữ cảnh đang sáng tác. Song, thật khó mà xác định câu nào ra đời trước:
Ba phen quạ nói với diều
Ngả kinh ông Hóng có nhiều vịt con
(Kinh ông Hóng ở tỉnh Long An)
- Ba phen quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm.
(Cù lao ông Chưởng thuộc tỉnh An Giang)
Tác giả dân gian là bậc thầy về nghệ thuật chơi chữ:
- Bấy lâu chẳng thấy chàng sang
Bây giờ chữ liễu nét ngang mất rồi.
(Chữ liễu thêm nét ngang là chữ tử, ý nói đã có gia đình, có con rồi).
Họ sử dụng rất nhiều biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, so sánh hayphóng đại…; họ lấy cái xác định biểu đạt cho cái không xác định hoặc hoặc ngược lại:
- Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
- Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
- Qua cầu ngả nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu.
- Cầu này cầu ái cầu ân
Một trăm cô gái rửa chân cầu này.
(“một trăm” (từ xác định) biểu đạt cho “rất nhiều” (từ không xác định).
Có tác giả dân gian viết những câu ca dao rất hay, song lại khiến ta ngỡ ngàng trước cách dùng từ “tiền hậu bất nhất” của họ:
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…
Xây dọc anh lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Có rửa thì rửa chân tay
Đừng rửa lông mày chết cá ao anh...
(Ở câu 6 tác giả nói về “xây hồ”, nhưng đến câu 8 lại thành “ao”)
Và ta càng thắc mắc khi đọc:
Người xinh cái bóng cũng xinh
Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn.
(Có Trời mới biết “tỉnh tình tinh” là cái gì. Điều này cũng giống như nhà thơ Hoàng Cầm viết về “lá diêu bông” – một loại lá không có thực trên đời. Đành chấp nhận vậy, nghệ thuật mà! Có những khi “cái cảm” lại quan trọng hơn là sự cần hiểu chính xác).