Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.138.959
 
Cái chết của một danh tướng
Sâm Thương

Đứng trên đồi cao cùng với đám tùy tùng, Võ An Quân Bạch Khởi đưa mắt quan sát khắp trận chiến. Giữa tiếng trống trận dồn dập, tiếng ngựa chiến hí rền, tiếng kêu la gầm thét vang trời. Phía bên phải, Triệu Quát tổ chức bốn nhánh thay nhau phá vòng vây của quân Tần. Nhưng quân Tần bao vây rất chặt, nhiều đợt phá vây không hiệu quả. Cuối cùng, Triệu Quát đích thân dẫn đầu đoàn quân tinh nhuệ tăng cường phá vỡ vòng vây, nhưng Triệu Quát vừa lướt tới thì con ngựa của Quát bị một mũi tên bắn ngả, Quát ngã theo và trở thành đích nhắm của bọn cung thủ của quân Tần. Nhuệ khí của quân Triệu suy giảm rõ rệt, thế trận hỗn loạn. Các tướng của Tần đồng loạt tấn công, hàng vạn quân mã như hổ đói vồ mồi xông vào phá hỏng phòng tuyến. Quân Triệu đã hoàn toàn rối loạn. Cuộc chiến đẫm máu đã gần đến hồi kết thúc, quân Triệu phía bên trái ném vũ khí tháo chạy tán loạn.

 

Bạch Khởi quay lại nói với cận vệ:

- Hãy xuống lệnh của ta cho binh sĩ cắm một lá cờ trắng ở mô đất cao đằng kia để chiêu hàng và cắm cái đầu của Triệu Quát lên cho quân Triệu trong thành trông thấy.

 

Một viên cận tướng được lệnh phóng ngựa đi rất nhanh. Chỉ một lát sau, một lá cờ trắng đã được cắm lên. Cờ bay phần phật trước gió, nổi hẳn trên nền trời. Quân Triệu nhìn thấy  vội vàng bỏ cả vũ khí, khôi giáp quỳ xuống tung hô:

- Vạn tuế! Vạn tuế !

 

Phía bên trái, trước cửa thành Trường Bình, cái đầu của Triệu Quát cũng đã được cắm trên một chiếc cọc bêu cao. Quân Triệu còn đến hai mươi vạn, nhưng nhìn thấy chiếc đầu của chủ soái, đã không còn lòng dạ nào để chiến đấu, tất cả đồng loạt ném vũ khí sụp lạy, miệng hô:

-Vạn tuế! Vạn tuế!

Tiếng hô vang rền tưởng như thấu tận trời xanh. Nhìn lại toàn cục trận chiến một lần cuối cùng, Bạch Khởi bậm môi, thúc ngựa phi nhanh tiến thẳng vào thành, các tùy tướng lục tục theo sau.

                                                      

*

Vào thành, mặc dù thắng trận, nhưng  khuôn mặt của Bạch Khởi vẫn giữ nguyên nét ưu tư, lo lắng. Khi các tướng tham mưu đã có mặt đầy đủ, buổi họp bắt đầu.

Vương Hột ngước nhìn Khởi lên tiếng hỏi:

- Sao quân ta vừa thắng trận mà chủ tướng không vui?

Một viên tướng khác hỏi tiếp:

- Không biết điều gì làm tướng quân lo lắng?

Mặt Khởi vẫn nhìn thẳng, một chút trầm ngâm:

- Ta nhớ trước đây, khi đánh chiếm Dã vương, Thượng Đảng đã nằm trong tay, nhưng quân dân nước Hàn không chịu hàng Tần mà hàng Triệu. Nay quân Triệu quy hàng đến bốn mươi vạn mà quân ta chỉ có hai mươi vạn, liệu chúng ta phải làm gì đề phòng chúng nổi loạn?

Mông Ngao buột miệng nói:

- Giết hết để tránh hậu họa !

 

Cả phòng họp bỗng im phắt, không ai nói thêm lời nào. Bởi vì, những người ngồi trong trướng toàn là tướng lãnh cao cấp dưới quyền thống soái của Bạch Khởi đều có chung một giải pháp, nhưng chỉ một mình Mông Ngao tính tình bộc trực nói ngay ý nghĩ trong đầu. Lời nói như một nhát đao lạnh lùng chém xuống, có thể quyết định số phận của hơn bốn mươi vạn quân Triệu vừa mới quy hàng.

 

Vương Tiễn vẫn nhìn xuống:

- Chỉ có biện pháp này mới làm suy yếu lực lượng của Triệu, dọn đường cho cuộc tiến công của chúng ta trong những ngày tới.

Bạch Khởi gật đầu:

- Đập tan lực lượng chủ lực của Triệu là điều tất yếu, nhưng bản thân ta vẫn thấy bốn mươi vạn người không phải là ít.

Mông Ngao tưởng mọi người không chấp nhận giải pháp của mình, gân cổ cãi:

- Đành vậy, nhưng chúng ta là những chiến binh, tất cả đều chỉ là những con số. Nếu chúng ta không giết chúng thì chúng sẽ quay lại giết ta.

Khởi nhìn khắp phòng, đưa mắt dò hỏi:

- Ai có giải pháp nào khác?

Căn phòng trở lại  im lặng nặng nề.

Vương Hột gật đầu, lên tiếng:

- Có lẽ không còn giải pháp nào khác!

 

Bạch Khởi mệt mỏi ngước lên:

- Các tướng cứ tiếp tục thảo luận, phân công. Các chi tiết cần  được cân nhắc kỹ và phải tiến hành thật thận trọng. Đồng thời, ta cũng nhắc nhở, để tránh cho bọn chúng không nghi ngờ, hãy giết bò ban rượu cho chúng ăn uống và tuyên bố với chúng: ngày mai ta sẽ chọn lựa một số quân Triệu. Phàm binh sĩ nào tinh nhuệ, chiến đấu giỏi, sẽ phát cho binh khí rồi cùng về nước Tần để tiếp tục chiến đấu. Riêng các binh sĩ già yếu hoặc không còn tinh thần chiến đấu, sẽ tha cho về nước Triệu. Sau đó, cứ theo kế hoạch  cũ mà thực hiện.

 

Nói xong, Bạch Khởi đứng dậy bước ra khỏi phòng họp. Vầng trán rộng của ông cau lại, ông cảm thấy bất an với chính quyết định của mình.

 

*

Đầu canh một đêm đó, quân Tần bất thần đồng loạt ra tay. Số quân lính Triệu quy hàng hoàn toàn không ngờ đến biện pháp tàn độc này, mặt khác vũ khí đã bị tước đoạt từ trước, nên đành bó tay chịu chết. Một số cố tìm cách trốn  khỏi doanh trại cũng bị quân tuần tiễu của Tần giết chết. Trên bốn mươi vạn quân Triệu đã bị chôn sống trong vòng một đêm.

 

Ở một góc tối trên tường thành, Bạch Khởi đứng im lặng nhìn về phía dãy nhà giam bọn hàng binh Triệu. Lửa bốc cao, tiếng kêu gào ,la hét. Một cơn gió thổi qua, mùi máu bốc lên tanh tưởi làm ông chấn động, khuôn mặt ông giựt giựt như người bị động kinh.

 

Lá thư của phu nhân mà ông mới nhận được từ chặp tối vẫn còn trên tay. Những dòng chữ vẫn còn đó:’’ Đêm đêm bên ngọn đèn dầu, trước tượng Phật tổ, thiếp luôn nguyện cầu cho tướng công  được bình an vô sự, sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Thiếp chỉ mong trong mọi sách lược cầm quân đối với binh lính dưới quyền cũng như quân binh đối phương, tướng công  nhớ lấy đức hiếu sinh làm trọng.”

 

Thiếp cũng gửi kèm theo hai cuốn sách rất lạ: Trung A- Hàm (Madhyama Àgama)  và Trung Bộ (Madhyama Àgama)  mà thiếp vừa được một bậc thức giả từ A Phú Hản trở về trao tặng. Thiếp đã nghiền ngẫm cả mấy tháng nay, và ngộ ra được nhiều điều làm thay đổi cách nhìn của thiếp về nhân sinh, về vũ  trụ..Thiếp muốn tướng công  đọc, suy tưởng, trước hết để cùng chia sẻ, cảm thông với thiếp…"

 

Bất ngờ ông giật mình, có tiếng rượt chạy huỳnh huỵch. Rất nhanh, ông nắm chặt đốc kiếm quay lại: một hàng binh Triệu đang từ đâu chạy tới, theo sau là hai quân binh Tần đuổi theo. Ông chưa kịp hiểu chuyện gì  thì tên lính Triệu đã ngã sấp xuống trước mặt ông với ngọn lao cắm sau lưng. Hai quân binh Tần bước tới, rút cây lao ra, định chém bồi thêm, thì ông đưa tay ngăn lại.

- Khoan !

Một trong hai tên quân khi nhận ra ông, thì vòng tay thưa:

- Tên này thoát ra khỏi trại định trốn.

Bạch Khởi bước đến gần, lật người hắn lên. Hắn vẫn chưa chết, miệng vẫn gào lên nho nhỏ vì những vết thương quá nặng :

- Hãy cho tôi về ! Vợ con tôi đang đợi ở nhà.

 

Đôi mắt của tên hàng binh không biết vô tình hay cố ý trừng trừng nhìn xoáy vào người ông, đôi mắt chất chứa một cái gì đó nửa như khát khao, nửa như khinh miệt làm ông hoảng sợ. Cái cảm giác mà bao nhiêu năm lăn lộn trên chiến trường chưa từng có trong ông.

- Các ông đã nói cho chúng tôi về nhà kia mà! Chúng tôi đâu có muốn cầm binh khí giết người.

Nói dứt câu, đầu hắn ngoẻo sang một bên không cựa quậy. Khuôn mặt của Bạch Khởi chợt co rúm lại, ông không dám nhìn vào đôi mắt của tên hàng binh. Ông đưa tay khoát, hai người lính vội vã bồng xốc xác của tên hàng binh chạy đi. Tự nhiên, ông thấy đau tức ở ngực, lợm giọng, ói ra một búng máu đỏ hỏn nằm trên lòng bàn tay.

 

Con quạ đậu trên nóc tháp cao giật mình vụt bay để lại tiếng kêu thảng thốt xao động giữa khoảng trời đêm vắng lặng.

 

*

Đêm đó, nằm trong trướng, Võ An Quân tò mò giở một trong hai cuốn sách do phu nhân đã gửi cùng với lá thư từ chiều. Càng đọc ông càng bị cuốn hút theo từng chữ, từng câu. Những cuộc đối thoại và ngụ ngôn, tư tưởng từ bi của tác phẩm có phần lay động, tịnh hóa tâm hồn ông.

 

Bạch Khởi  đọc cho đến khi thiếp đi lúc nào không biết. Vừa chợp mắt, ông thấy mình mặc giáp bào uy nghi, cưỡi trên lưng con ngựa trắng cao lớn băng qua cánh đồng cỏ, chợt nhiên nước lũ màu đỏ như máu không biết từ đâu dâng lên cuồn cuộn, chớp mắt nhận chìm con ngựa của ông và hất tung ông xuống nước. Ông cố cựa quậy ngoi lên, vùng vẫy tìm cách thoát ra, nhưng ông ngoi tới đâu, máu dâng lên theo ông tới đó, và tiếng kêu khóc đòi mạng chát chúa inh ỏi  vang lên bên tai ông. Bạch Khởi hoảng hốt lên tiếng kêu cứu…

 

Trong cơn tuyệt vọng, bất ngờ, một cánh tay trần đưa ra cho ông nắm, kéo ông lên chiếc thuyền nhỏ như chiếc lá tre, đang bập bềnh lướt đi giữa biển máu cuồng nộ. Ông nhìn thấy người cứu mình là một vị sư già. Ông định lên tiếng hỏi, nhưng nhà sư vẫn nhắm nghiền đôi mắt, miệng tiếp tục tụng niệm, hồn để hết trong câu kinh:

 - Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế."

 

Bạch Khởi không hiểu ý nghĩa câu kinh muốn nói gì, nó hoàn toàn xa lạ đối với ông. Nhưng đầu óc ông bỗng nổi lên sự háo hức, nỗi ngờ vực… Và ông đã vô tình lặp đi, lặp lại câu kinh của nhà sư như tiếng nói tự trong tâm thức:

 - Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế."

Bất giác nhà sư mở mắt nhìn Bạch Khởi:

- Mô Phật! Hạnh duyên! Thí chủ đã thuộc kinh Kim Cang. Câu đó là căn bản của kinh, ý nói :" Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, đậu tại bến kia". Bây giờ, xin mời thí chủ xuống bến.

Nhà sư dứt lời thì chiếc thuyền tre cũng vừa cập bến. Bạch Khởi nhảy lên bờ, khi quay lại định lên tiếng cám ơn thì nhà sư đã biến mất. Ông giật mình thức dậy, biết mình vừa trải qua một giấc mơ.  

 

Giấc mơ khiến ông dần hiểu ra được bến kia là đâu. Ông cũng nhận ra những người bị giết trong trận chiến đều không đáng phải chết. Họ được sinh ra và chỉ muốn được sống hạnh phúc. Không ai tự nguyện lao vào cuộc tranh chấp để rồi bị giết, bỏ lại vợ con và người thân, bỏ lại những ước mơ đời thường. Ngoại trừ những kẻ có tham vọng tranh bá đồ vương, những kẻ nhập cuộc với đầu óc cơ hội, hay để thỏa mãn cái ngông cuồng như ông. Trong phút giây đó, ông chợt  thức ngộ, thấy mình trở thành một con người khác, hoàn toàn khác với con người ông trước đây.

 

Từ phút giây đó, ông không còn lòng nào muốn đánh chiếm Hàm Đan. Đối với ông, việc tiến chiếm Hàm Đan lúc này dễ như trở bàn tay. Vì quân Triệu sau khi đại bại ở trận  Trường Bình, thực lực bị hao tổn nặng nề, quân dân nước Triệu đang trong tình trạng  hoang mang, mất phương hướng. Ông thật sự không còn muốn nhúng tay vào máu. Nhưng ông cũng chưa tìm ra giải pháp nào vẹn toàn cho mình nếu như Tần vương ra lệnh ông tiếp tục tấn công hai nước Triệu, Hàn. Ông đang bị đặt trước một ván cờ cân não, bởi chính  sự chọn lựa của ông. Có thể do ông chưa thể nào dứt khoát với  danh vọng quyền uy theo đuổi  cả một đời  cho  dù lương tâm đã tỉnh thức.

 

Bất giác ông nghĩ đến vợ ông nơi quê nhà, người phụ nữ mà ông yêu thương trân quý, đêm đêm vẫn chong đèn mong ngóng ngày ông chinh chiến trở về. Ông cảm thấy nỗi nhớ vợ, nhớ con như đốt cháy cả tâm  can.

 

*

Nhìn ánh mắt của Tần vương uy nghi trên ngai vàng, tự nhiên Phạm Thư nhớ lại lời Tô Đại, một môn khách của Bình Nguyên Quân nước Triệu từng nói với mình:’’Khởi dụng binh như thần, với tư cách là danh tướng của nước Tần. Khởi đã đánh chiếm hơn bảy mươi thành trì, chém gần một triệu thủ cấp, cho dù công lao của Y Doãn, Lã Vọng trước kia cũng không qua nổi. Nay Khởi thừa thắng tấn công Hàm Đan, tiêu diệt Triệu. Nước Triệu diệt vong thì nước Tần hoàn thành đế nghiệp, và Khởi sẽ trở thành vị công thần hàng đầu. Trong khi Ngài tuy là người  quyền cao chức trọng, nhưng rồi cũng  đành xếp hạng dưới Khởi thôi”.

 

Câu nói đó như xoáy tận trong trí óc Phạm Thư, nếu sự thể xảy ra như vậy thì thật bất hạnh cho ông. Ông thầm nghĩ : đường đường là một vị tướng quốc với bao thành tích kiệt xuất về cả chính trị và ngoại giao như ông há lại phải chịu đứng sau Bạch Khởi hay sao?  Ông chỉ muốn loại bỏ Bạch Khởi, cũng như đã từng loại bỏ Ngụy Nhiễm, người tiền nhiệm của ông. Ông quyết bài xích những người không ăn cánh với ông. Ông vội vã quỳ xuống tâu:

- Tâu Đại vương, theo thần: quân Tần chinh chiến ở ngoài đã lâu, đang rất mệt mỏi, cần phải nghỉ ngơi dưỡng sức một thời gian. Vậy chi bằng sai người đi khuyên hai nước Hàn, Triệu, cắt đất để xin cầu hòa.

Tần vương nhíu mày, ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Nếu vậy, phiền tướng quốc hãy lo liệu việc này. Khanh tức tốc thảo ngay chiếu thư mau triệu hồi Võ An Quân về.

Phạm Thư quỳ xuống bái tạ rồi lui ra. Mặt trời đã xuống thấp, một nửa nghiêng nghiêng trên bức tường thành.

 

*

Ở Hàm Đan, Khởi ngồi trong trướng đọc tấu chương, nhưng từng trang lật qua mà đầu óc ông tưởng chừng như trống rỗng. Cái đêm kinh hoàng đó vẫn luôn ám ảnh ông. Bên ngoài, không mấy ai biết được tâm trạng đã thay đổi nơi ông, nó như một cơn bão dữ làm đảo ngược tất cả. Ông bắt đầu cảm thấy chán ngán mệt mỏi với binh nghiệp mà ông những tưởng sẽ suốt đời theo đuổi.  Ông hiểu ra tất cả chỉ là hư danh, ông đã như kẻ mù lòa sống nhởn nhơ, tự biến thành một con cờ trong cuộc tranh bá đồ vương. Trong mắt ông chợt hiện ra hàng hàng lớp lớp những thây ma không đầu, nối đuôi nhau câm lặng, u uất đi mãi về tận chân trời. Họ đi qua trước mặt ông mà không hề quan tâm đến sự hiện diện của ông. Ông cảm thấy lành lạnh ở gáy, ông để cuốn sách rơi xuống đất tự  lúc nào không biết. Giữa lúc ông đang bị cuốn đi miên man trong  dòng suy tưởng, thì một tên quân bước vào:

- Trình chủ tướng! Có sứ giả mang chiếu chỉ của Đại vương đến.

 

Bạch Khởi chợt tỉnh, hấp tấp đứng dậy sửa mũ áo bước ra đại sảnh tiếp đón khâm sai. Sứ giả đã đứng đợi sẵn, khi thấy Bạch Khởi bước ra, thì tuyên đọc:“Xét thấy quân binh ta chinh chiến ở ngoài đã lâu, đang rất mệt mỏi, cần phải nghỉ ngơi dưỡng sức một thời gian. Vậy lệnh cho Võ An Quân Bạch Khởi rút ngay quân về Hàm Dương .”

 

Nghe xong chiếu chỉ, tuy ngoài mặt không lộ vẻ, nhưng trong lòng Khởi khấp khởi mừng thầm vì mình không bị bắt buộc phải tấn công Hàm Đan. Thế cờ bí đã có nước giải. Bàn tay ông không phải tiếp tục nhúng máu. Nhưng mặt khác, ông lại ngán ngẩm, chua chát bởi Tần vương không  hiểu rõ tình hình, Phạm Thư nông cạn, chủ trương rút quân, đánh mất cơ hội ngàn vàng để sớm hoàn thành nghiệp đế  của Tần.

 

Khởi đưa tay nhận chiếu chỉ, cười khẩy không nói, lòng cảm thấy hoàn toàn nguội lạnh.

 

*

Đọc xong đống văn thư, rồi nhìn lên tấm bản đồ bằng da treo trước mặt, Tần Chiêu vương bỗng nhíu mày tức giận, đưa tay hất tung các  tấu chương, nghiên bút xuống mặt thảm. Tên thái giám và đám  cung nữ đứng sau ai nấy đều thất kinh, biến sắc.

 

Tần vương  quắt  mắt hét lên:

- Hãy triệu hồi tướng quốc ngay cho ta!

Tên thái giám cúi đầu lui ra. Một lát Phạm Thư hớt hải bước nhanh vào, chưa kịp quỳ lạy thì Tần vương đã khoát tay:

- Thôi! Khanh không cần giữ lễ. Quả nhân muốn hỏi khanh hồi đó Bạch Khởi có thể chiếm được Hàm Đan, sao khanh đề nghị rút quân cầu hòa?

Mặt Phạm Thư tái mét, sợ hãi tâu lên:

- Tâu Đại vương, vì …  quân ta chinh chiến ở ngoài đã lâu.

Tần vương khoát tay:

- Khanh không cần biện luận, trong đó quả nhân cũng có lỗi đã nghe lời khanh hạ chiếu rút binh. Quả nhân thật hối hận vô cùng, đã đe lỡ mất cơ hội hoàn thành nghiệp đế.

Phạm Thư cung kính vòng tay:

- Tâu Đại vương, thần nghĩ nếu muốn đánh chiếm Triệu cũng chưa muộn!

Tần vương chỉ tay vào mặt Phạm Thư:

- Vậy khanh hãy mau xuống chiếu của quả nhân: cử Bạch Khởi làm đại tướng, thống lĩnh mười vạn quân đi đánh Tần.

Phạm Thư ấp úng:

- Chuyện này, dạ không được !

Tần vương nói như thét:

- Tại sao? Khanh liệu hồn!

- Không phải thần có ý đồ gì, mà vì Bạch tướng quân còn đang bệnh rất nặng, không thể đi được.

Tần vương thốt lên:

- Lẽ nào ông Trời không giúp quả nhân làm nên nghiệp đế!

 

Phạm Thư vòng tay kính cẩn:

- Đại vương không nên nói vậy, dưới trướng của ngài đâu chỉ có một mình Võ An Quân ! Tần vương lắc đầu nói lớn:

- Khanh là người có công lớn đã giúp quả nhân thiết lập lại triều chính, hoạch định kế sách, tàm thực các nước chư hầu. Quả nhân không bao giờ quên điều đó. Giúp quả nhân hoàn thành đế nghiệp, bên trong không thể thiếu khanh, bên ngoài không thể vắng Bạch Khởi. Chưa bao giờ Võ An Quân ra quân mà không chiến thắng trở về.

Phạm Thư quỳ xuống:

- Muôn tâu, thần xin đề cử Vương Lăng làm đại tướng đi đánh Triệu.

 

Tần vương nhìn Phạm Thư , vẫn giọng cương nghị:

- Quả nhân muốn biết bệnh tình của Võ An Quân thế nào?

Phạm Thư đáp ngay:

- Thần cùng các quan văn võ mới đi thăm Võ An Quân, nhưng Võ An Quân vẫn nằm liệt giường không ngồi dậy nổi.

Tần vương hơi có chút thất vọng:

- Thôi được, khanh cử Vương Lăng, nhưng bảo hắn đừng làm tổn thương uy danh của quả nhân.

Nói xong, Tần vương quay người bước nhanh ra khỏi thư phòng như bị ma đuổi, bỏ mặc Phạm Thư một mình nhìn theo lẩm bẩm:

- Bạch Khởi! Ngươi vẫn chưa hết đe dọa sự nghiệp của ta!

 

*

Ánh trăng chênh chếch. Bên mái Tây hiên, phu nhân Võ An Quân đang ngồi trước cây nguyệt cầm. Những ngón tay của phu nhân thoăn thoắt lướt nhanh trên phím, tiếng đàn đang chơi vơi lảnh lót, đột ngột ngưng hẳn lại.

Bạch Khởi ngồi đối diện cạnh bên, ngước lên mỉm cười và định lên tiếng tán thưởng, thì những ngón tay mềm mại của phu nhân đã kịp đặt lên môi ông chận lại, giọng phu nhân thật ngọt ngào:

- Từ ngày chung sống, nay thiếp mới cảm thấy tướng quân thật sự là chồng của thiếp.

 

Bạch Khởi nhìn thẳng vào đôi mắt long lanh của phu nhân:

- Ta sợ mai kia Tần vương nổi cơn thịnh nộ vì quyết định của ta. Chỉ khổ cho phu nhân, những ngày hạnh phúc quá ngắn. Ta thật sự vô cùng hối tiếc đã không nghe lời can gián của phu nhân từ trước!

Phu nhân lắc đầu:

- Được sống, được chết với tướng quân, dù chỉ một ngày cũng là may mắn và hạnh phúc của thiếp !

Bạch Khởi nâng chén trà lên miệng nhắp một hớp:

- Ta không biết có nên cám ơn Phạm Thư, lòng vị kỷ của hắn đã giúp ta thoát khỏi thế cờ bí. Nếu hắn không tâu trình với Tần vương yêu cầu rút binh thì bàn tay ta còn vấy máu tanh biết đến khi nào mới dứt !

Phu nhân khẽ gật đầu:

- Tướng quân đã quyết không can dự vào việc binh đao là lòng thiếp mãn nguyện vô cùng, dẫu có thác cũng không ân hận!

Bỗng Bạch Khởi đặt mạnh chén trà xuống mặt bàn, nói lớn:

- Sao không bước ra, mà còn thập thò trong bóng tối?

Câu nói của Bạch Khởi vừa dứt, thì có hai bóng đen bịt mặt nhảy ra, hai mũi kiếm phóng tới rất nhanh về phía Bạch Khởi. Nhưng một sức mạnh vô hình giữ chặt lấy hai thanh kiếm và bàn tay của Bạch Khởi khẽ lắc, hai thanh kiếm gãy đôi rơi xuống nền gạch. Hai tên bịt mặt bất động sợ hãi, tròn mắt ngạc nhiên, không ngờ công phu của Bạch Khởi ghê khiếp đến  thế.

Bạch Khởi lại mỉm cười nói :

- Các ngươi hãy về báo lại với tướng quốc, ta vốn chẳng có lòng tranh công đoạt lợi với ông ấy. Bây giờ ta chỉ có một nguyện vọng, được ở nhà kẻ lông mày cho phu nhân ta, việc thế sự không màng đến nữa!

 

Hai tên bịt mặt nhún người biến mất trong đêm tối. Phu nhân thản nhiên cúi xuống sửa lại dây đàn, rồi ngước lên nhìn chồng mỉm cười, đôi mắt tuyệt đẹp ánh lên một tia nhìn nồng ấm hơn bao giờ hết. Những ngón tay búp măng lại nhẹ nhàng đặt xuống trên phím. Những âm thanh huyền ảo bất ngờ rung lên như ánh trăng chao nghiêng trên mặt hồ.

 

*

Từ trên bệ cao, Tần vương đưa mắt nhìn xuống đám bá quan văn võ như chờ đợi. Quan Lệnh Doãn từ ngoài hấp tấp bước vào, quỳ xuống tâu:

- Bẩm Đại vương! Có tin từ Hàm Đan.

Tần vương nôn nóng:

- Tâu ngay cho quả nhân được rõ!

Quan Lệnh Doãn nói tiếp :

- Đại tướng Vương Lăng xin cấp thêm quân cứu viện !

Tần vương giận dữ đập tay xuống bàn, nạt lớn:

- Đồ quân ăn hại, chỉ làm tổn uy danh của quả nhân. Hãy cách chức và gọi hắn về !

Quay về phía Bạch Khởi, Tần vương nói:

- Võ An Quân nay đã không còn bệnh, tiện có mặt ở đây, ta cử khanh làm đại tướng thay Vương Lăng.

 

Mặt Phạm Thư bất chợt tái lại. Bạch Khởi bước ra quỳ tâu:

- Thần không thể tuân lệnh cất quân được. Vì trước đây, khi quân Triệu đại bại ở Trường Bình, quân dân Triệu hoang mang sợ hãi, nếu thừa thắng xông lên đánh chiếm Hàm Đan thì sẽ chiếm được thành một cách dễ dàng. Nay đã hai năm, Triệu vương sau lần thất bại đã thức tỉnh, nên cử lão tướng Liêm Pha làm tướng quân, chịu trách nhiệm chống lại quân Tần, bảo vệ thành Hàm Đan. Liêm Pha là một con người mưu lược, hơn hẳnTriệu Quát trước kia. Mặt khác, các chư hầu thấy Tần đã chấp nhận cho Triệu cắt đất cầu hòa, nay bỗng nhiên đem quân đến đánh, sẽ nghĩ Tần thất tín. Họ sẽ hợp tung để cứu Triệu. Cho nên theo thần, việc quân Tần chiến thắng là một kế hoạch khó thực hiện.

 

Tần vương vẫn ôn tồn:

- Trước đây nước Sở xa nghìn dặm, binh sĩ đông cả triệu, thế mà khanh chỉ dẫn mấy vạn quân Tần vào đất Sở, chiếm các thành Yên, Sính, thiêu hủy tông miếu và tiến quân đến Cảnh Lăng, khiến người Sở khiếp hãi bỏ chạy. Lúc bấy giờ khanh tỏ ra anh dũng biết bao. Trong trận giao chiến giữa Tần và hai nước Hàn- Ngụy tại Y Khuyết, binh sĩ của khanh không bằng một nửa, thế mà khanh vẫn đánh bại quân đội hai nước đó, chém người máu chảy thành sông, làm Hàn, Ngụy đến nay vẫn khuất phục xưng thần. Đó là công lao lớn của khanh. Nay quân Triệu, mười phần đã chết đến bảy tám phần trong trận Trường Bình, quân lực trống rỗng, còn quân ta đông gấp mấy lần. Trước kia khanh có thể dùng ít đánh đông, thủ thắng như thần, huống hồ  ngày nay lấy mạnh đánh yếu, lấy đông đánh ít?

 

Bạch Khởi đáp:

- Thời đó, nước Sở ỷ mình là nước lớn, không chỉnh đốn triều chính, quần thần đố kỵ, tranh quyền đoạt lợi, những bậc hiền tài bị trù ếm, kẻ tiểu nhân được trọng dụng, bá tánh mất niềm tin. Trong tình trạng đó, thần xua quân có thể đánh thắng. Trong trận đánh Y Khuyết, hai nước Hàn và Ngụy đều né tránh trách nhiệm, không muốn đưa quân đánh Tần để bảo tồn thực lực của riêng mình. Do vậy thần mới dùng kế nghi binh, hòa hoãn với quân Hàn để đánh Ngụy. Khi quân Ngụy bị đánh bại thì quân Hàn cũng tự tan ra theo. Thừa thắng thần truy kích họ và lập được chiến công. Đó là nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa chứ nào phải thần tài năng gì? Khi quân Tần đánh bại được quân Triệu ở Trường Bình, đã không thừa thắng tiêu diệt Triệu mà lại để họ có thời gian chỉnh đốn binh mã, tích trữ lương thảo. Hiện nay, vua tôi của nước Triệu trên dưới một lòng. Nếu cử binh phạt Triệu, quân Triệu sẽ cố thủ, có bao vây kinh đô của họ cũng không thể chiếm được. Ra quân mà không thắng, kéo dài thời gian các chư hầu sẽ bất bình, cùng chung sức cứu Triệu thì thật bất lợi. Như vậy, nếu phát động một cuộc chiến tốn hao tiền của, nhọc sức dân mà không chắc thắng thì chi bằng rút quân về chờ cơ hội tốt hơn cũng không muộn.

Tần vương nhìn thẳng vào mặt Bạch Khởi, bất ngờ hỏi:

- Những phản bác của khanh nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng ý chừng không phải ý tứ tự trong lòng khanh?

Bạch Khởi gật đầu thú nhận:

- Đúng là Đại vương đã hiểu lòng dạ thần.

Tần vương gằn giọng:

- Ý quả nhân đã quyết, nếu khanh không chấp hành thì đừng trách quả nhân.

 

Giọng Bạch Khởi vẫn không thay đổi:

- Thần biết xuất chinh mà không lập chiến công cũng không bị bắt tội. Trái lại, nếu không chịu xuất chinh thì dù không tội cũng sẽ bị chém. Nhưng thần thà chịu chém chứ không muốn dự phần tạo nên cảnh máu đổ đầu rơi chỉ để thỏa mãn tham vọng thống trị thiên hạ. Thần đã thức ngộ, những kẻ chết dưới tay thần đâu phải cỏ cây, thú vật. Họ là con người, những con người như Đại vương, như thần. Họ được Tạo hóa sinh ra, nếu cần thiết thì chỉ có Tạo hóa mới có quyền lấy lại. Còn con người, không ai có quyền nhân danh bất cứ chiêu bài nào hay quyền lợi gì để hủy diệt họ.

Tần vương quay ngoắt lại:

- Nếu ngươi đã không muốn làm đại tướng thì ta cho ngươi làm một tên lính để ngươi hiểu thế nào là đau khổ!

Bạch Khởi vẫn giọng trầm tĩnh:

- Làm đại tướng mà phạm đức hiếu sinh thì thần nguyện làm lính, quyết không ân hận.

Tần vương tức giận nạt ngang:

- Ngươi muốn làm lính ta cho ngươi làm lính!

 

Nói xong, vương hầm hầm quay lưng bước vào nội cung. Còn tướng quốc Phạm Thư lơ đãng nhìn lên những bức tranh liên hoàn trên trần đại điện, chạm hai con hổ đang tấn công nhau. Đôi mắt Phạm Thư dừng lại ở bức tranh cuối, con hổ chiến thắng chống hai chân trước nhìn theo, mặt cao ngạo; còn con kia, thua cuộc lẳng lặng nhảy qua con suối bỏ đi. Trên khoé miệng của Phạm Thư phảng phất một nụ cười.

 

*

Trong khoảnh đất trống của vườn Thượng Uyển, Tần vương đang  chạy tới chạy lui, một tay cầm cương, tay kia cầm chiếc roi dài, dồn bao nóng giận bực tức lên con ngựa hồng, trước ánh mắt run sợ của tên mã phu đang đứng thu mình ở một góc gần đó.

Khi nhìn thấy Phạm Thư đang hấp tấp bước tới, Tần vương ném roi ngựa, quay ngoắt lại:

- Tình hình thế nào?

 

Phạm Thư rụt rè:

- Hàn vương đã lấy lại vùng Thượng Đảng.

Tần vương ôm đầu:

- Vừa tổn thất binh tướng, vừa bị mất đất. Nỗi nhục này làm sao quả nhân dám ngẩng mặt nhìn thiên hạ mà xưng đế?

Phạm Thư nói vào:

- Việc này, thần nghĩ do Võ An Quân cố tình thoái thác.

Tần vương gật đầu:

- Đúng là hắn đã không hết lòng với quả nhân. Quả nhân đã ra lệnh trục xuất hắn ra khỏi Hàm Dương!

Phạm Thư bất ngờ giãy nảy:

- Lệnh trục xuất ban hành lúc nào?

- Sáng nay, chắc giờ này hắn đã lên đường.

Phạm Thư hấp tấp:

- Bạch Khởi ra đi lần này, trong lòng ấm ức không phục, chắc có sự thán oán. Chỉ sợ hắn ta sẽ đến nước khác làm tướng, gây hậu họa cho nước Tần. Chi bằng sai người đuổi theo giết đi!

Tần vương ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu:

- Khanh nói phải, hãy lấy thanh kiếm của ta sai sứ giả trao cho Bạch Khởi tự xử.

Phạm Thư cúi đầu:

- Thần sẽ thi hành ngay, không dám chậm trễ!

Phạm Thư quay lưng bước ra. Ánh nắng vẫn còn vương vất trên tường thành.

 

*

Trên đường người ngựa đi lại tấp nập. Hai bên đường là những cửa hàng, quán trọ, tửu lầu, khách điếm. Đây là nơi tập trung của giới buôn bán, du khách tứ phương đổ về. Bạch Khởi đang cùng gia quyến rời khỏi Hàm Dương đi qua cửa Tây Môn. Khi đến Đổ Bưu, ông và phu nhân dừng lại để chờ hành lý.

 

Bạch Khởi đưa mắt nhìn quanh  cảnh phố xá, rồi quay lại nói với vợ:

- Nơi đây ta đã qua lại nhiều lần, nhưng sao hôm nay ta cảm thấy có vẻ gì khác lạ!

Phu nhân ngước nhìn chồng mỉm cười nhỏ nhẹ:

- Phải chăng phu quân cảm thấy  mọi vật  như tươi vui  hồn nhiên hơn?

Bạch Khởi gật đầu:

- Ừ!

- Thiếp nghĩ, có lẽ trái tim của phu  quân đã  có cùng nhịp đập với  vạn vật.

- Phu nhân nói phải! Ta hối tiếc đã uổng phí nửa đời người … 

 

Hai người đang tần ngần ngóng đợi người nhà, thì không biết từ đâu hai người lạ mặt cùng  lúc bước tới, chấp tay vái:

- Thưa Võ An Quân, tôi là sứ giả nước Triệu, Triệu vương thấy ngài một đời phụng sự Tần vương lập bao chiến công lẫy lừng cho nước Tần, thế mà Tần vương đã đem dạ hẹp hòi đối xử với ngài thật tệ bạc, nên Triệu vương sai tôi đến gặp ngài, mời ngài sang nước Triệu.

- Sở vương cũng muốn mời ngài sang nước Sở!

Bạch Khởi nhíu mày, quay qua sứ giả nước Triệu :

- Triệu vương có ý định mời ta đến Triệu làm gì?

Sứ giả nước Triệu đáp:

- Dưới một người, mà trên cả muôn người!

- Còn Sở vương?

Sứ giả nước Sở hấp tấp đáp:

- Sở vương muốn cùng ngài chia đôi thiên hạ.

 

Bạch Khởi từ tốn:

- Mới đó mà Sở vương đã quên mất cái tội của Khởi dám cả gan nhận chìm mấy chục vạn quân binh nước Sở ở Yên Thành; còn Triệu vương thì bỏ quên cái tội của Khởi một đêm chôn sống hơn bốn mươi vạn quân binh nước Triệu ở Trường Bình sao? Đối với quân dân nước Sở, nước Triệụ, xét cho cùng Khởi là kẻ trọng tội, có đem thân xác Khởi phanh thây mấy trăm vạn mảnh vẫn chưa đền hết tội, đâu dám đứng ra thống lĩnh ba quân. Sở dĩ , Khởi còn muốn giữ cái mạng sống là muốn được nhìn thấy đoạn kết của cuộc tranh bá đồ vương này, cuộc cờ mà có một thời Khởi đã ngu muội lao vào như con thiêu thân.

 

Sứ giả hai nước Triệu và Sở thấy không có hy vọng gì thuyết phục được Bạch Khởi nên đành cúi chào rồi lặng lẽ rút lui. Bạch Khởi đứng dậy, định cùng gia quyến đi tiếp thì sứ giả nước Ngụy bước tới, Bạch Khởi lên tiếng trước:

- Thật tình Ngụy vương muốn gì ở Khởi này?

Sứ giả Ngụy vòng tay thưa:

- Ngụy vương muốn ngài thống lĩnh ba quân đòi lại công lý cho ngài. Dưới gầm trời này theo Ngụy vương không ai có tài thao lược, đánh đâu thắng đó như ngài. Ngài phải được trả lại vị trí cho đúng tài năng của ngài..

Bạch Khởi nhìn thẳng vào mắt của sứ giả:

- Tôi hỏi thật ngài, có trận đánh nào đoạt được thành, cướp được lũy mà không có người phải hy sinh đổ máu không?

Sứ giả của Ngụy lắc đầu không hiểu, Bạch Khởi nói tiếp:

- Sở dĩ Khởi và Tần vương bất hòa chỉ vì Khởi không còn muốn nhìn thấy bất cứ một giọt máu nào rơi do chính bàn tay của mình gây ra nữa. Liệu một người như vậy có còn cần thiết cho Ngụy vương?

Sứ giả nước Ngụy thất vọng, lủi mất trong đám đông. Chưa lâu thì một đám quân binh người ngựa lướt tới trong bụi mù, rồi ngừng hẳn trước mặt vợ chồng Bạch Khởi. Những người trên ngựa nhảy xuống, cung kính thi lễ, vị chỉ huy cầm một thanh kiếm dâng lên:

- Thưa tướng quân! Mạt tướng chấp hành lệnh của Tần vương..

Bạch Khởi mặt không đổi sắc, đưa tay ra nhận thanh kiếm, bình  tĩnh cười nói:

- Xét ra, tội ta cũng đáng chết chẳng có gì phải thán oán. Chỉ mong các tướng lấy gương ta để sinh linh trong thiên hạ bớt khổ vì  nạn đao binh!

 

Nói dứt câu, chỉ kịp thấy một vầng sáng lạnh buốt bao trùm, Khởi đã rút kiếm ra khỏi vỏ không biết từ bao giờ, đường kiếm  bay như xé gió, bất ngờ trở ngược đâm thẳng vào cổ mình.

Xác Khởi chưa kịp ngã xuống, thì có tiếng thét:

- Kẻ đồng phạm như ta nhất định không thể không bị kết tội.

 

Âm thanh chưa dứt, thì bóng một phụ nữ lướt tới, chụp vội thanh kiếm trên tay Bạch Khởi vung lên. Thêm một xác người nữa ngã xuống. Hai vợ chồng nằm gần bên nhau, khuôn mặt họ thật thanh thản. Chỉ có máu chảy loang thành vết dài, ướt thấm mặt đất.

                                                                                     

27.12. 2001

Sâm Thương
Số lần đọc: 3550
Ngày đăng: 13.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cu Tí - Huỳnh Văn Úc
Giữa tiếng gió ngàn - Hoàng Nhật Tuyên
Tình người - Khaly Chàm
Dáng mộng (1) - Mang Viên Long
Trăm đồng xu của mẹ - Trương Quân
Mười ba bến nước - Sương Nguyệt Minh
Hoa Dã Qùy vàng - Nguyễn Minh Phúc
Thảo nguyên - Minh Nguyễn
Đàn ông ngồi đái - Ngô Kế Tựu
Chùm truyện ngắn mi ni - Hoàng Nhật Tuyên
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)