Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.276
123.157.055
 
Tản mạn chuyện đi và ở.
Thí Chủ

Nói nôm na là “thôi chức”, “về hưu”…mà sở dĩ chuyện này trở nên ồn ào là bởi họ là những người đứng đầu một số cơ quan truyền thông được xem là “lớn” trên cả nước. Ồn ào thêm là bởi người ta khoác lên trên đó nhiều chuyện không thuộc về bản chất của vấn đề. Vậy sao ta không phản biện theo một hướng khác tạm gọi là bổ sung để vấn đề được đầy đủ hơn, thực chất hơn-như một cách nhìn nhận có đối chứng mà người trong cuộc thấy được, nghe được, hiểu được về cái ghế mà họ đã nắm giữ, đã mất đi?

 

1. Trước tiên, bàn về chuyện chiếc ghế. Ghế đâu phải tự dưng mà có. Nó được tương tác từ 2 phía: Người đánh cờ và Quân cờ. Ý kiến chủ quan của Người đánh cờ là điều kiện cần để có nó, và ai cũng biết là các Quân cờ trên bàn cờ đều phải do Người đánh cờ-người có quyền thống trị của giai cấp thống trị-nhấc lên thì Quân cờ mới di động được. (Vậy hãy hiểu theo cách của phù thủy “Dấy âm binh lên được, thì cũng ra tay dẹp âm binh được”; đó mới là một phù thủy cao tay ấn!). Nhưng đó mới cũng chỉ là điều kiện cần. Để được ngồi vào được chiếc ghế, đâu phải đơn giản như vậy: người ta đã phải dùng mọi cách, mọi thủ đoạn cần có như: chạy chọt, mở chiến dịch gửi đơn thư tố giác địch thủ, kéo bè kéo cánh để hạ gục địch thủ, tìm tận chân tơ kẻ tóc, soi mói đời tư, lý lịch 3 đời của đối thủ, moi móc kể cả những chuyện nhỏ nhặt, sai sót nhỏ nhất để…thổi nó lên thành lỗi lầm trầm trọng, rồi làm như tình cờ chuyền quả bóng ấy sang Người đánh cờ. Địch thủ gục ngã. Thế là thành công, là ngồi vào ghế, một chiếc ghế phải khó nhọc mới có được-kể cả việc hy sinh phần nào nhân cách của mình!

 

Tôi nhớ, có dạo cách nay gần 30 năm, một Quân cờ (rất nổi tiếng trong phong trào đấu tranh sinh viên học sinh Sài Gòn trước 1975) bị rớt ghế đã phải ôm hận vì sai sót trong chuyện vay mượn - mất khả năng chi trả của…vợ mình. Sai sót này đã được ai đó nhân rộng nó ra, để những Người đánh cờ khắp nơi biết được. Nếu như bây giờ, giả dụ có xảy ra, vụ việc cỡ đó thuộc hàng “chuyện nhỏ”; nhưng vào thời ấy, sai sót đó trở thành chuyện lớn, và thế là đi toong chiếc ghế! Hoặc một Quân cờ khác đã phải ôm hận ra đi khỏi cơ quan, bất chấp lợi thế chuyên ngành mà mình đang công tác, do bị đối thủ chơi xấu kéo hết bè cánh về phía họ bằng đủ mọi cách, kể cả việc xoàng nhất là rủ nhậu mỗi chiều, để tỉ tê, khuyến dụ…khiến anh ta trở thành cô đơn, thành kẻ bất tài, thành cái gai trong mắt nhiều người trong cơ quan; để rồi đến thời khắc cao điểm nhất của chiến dịch, một lá đơn tố giác gửi đến tổ chức. Thế là lại đi toong chiếc ghế! Có Quân cờ, sau khi một Bàn cờ tan rã, đã tâm sự, thề thốt với một Quân cờ khác cũng có tầm ảnh hưởng trên Bàn cờ như mình rằng: “Thôi, chúng ta quyết định sẽ ra đi, chị đi trước đi, rồi chẳng mấy chốc em sẽ đi sau…”, hứa hẹn đồng sanh, đồng tử tìm nơi để cùng thành lập Bàn cờ khác. Nhưng…đó chỉ là chiêu khuyến dụ, nên sau khi Quân cờ ấy dứt áo ra đi, Quân cờ còn lại đã điềm nhiên dừng chân để…ngồi vào chiếc ghế trống, vì đối thủ đã không còn. Thế là “bất chiến tự nhiên thành!”. Và còn khá nhiều chuyện tương tự như vậy xung quanh chuyện đánh cờ, ngồi ghế…giờ nghĩ lại, thấy đau thon thót cả lòng, đau thon thót cho cả một vài thế hệ sinh viên mới ra trường dưới trướng những Quân cờ kiểu ấy, cứ nghĩ mình đang “phò” Minh quân, chứ biết sao được về các thủ đoạn, toan tính của thần tượng của mình!

 

2. Giành ghế đã khó, ngồi ghế-mà ngồi cho chắc, cho ổn định-lại càng khó hơn, là cả một nghệ thuật ấy chứ! Có Quân cờ, sau khi ngồi vào ghế bèn quyết định gia cố để giữ ghế cho chắc. Có nhiều chiêu; ví dụ: đơn giản nhất là bố trí các vị trí từ ông giữ xe, bảo vệ, giao liên…cho đến thủ quỹ, kế toán đều thuộc hàng…bà con quyến thuộc của mình (Tất nhiên, họ đủ khôn để sắp xếp sao cho không vi phạm Pháp lệnh cán bộ công chức và Luật phòng chống tham nhũng, trường hợp này tôi đã thấy qua và thêm ngao ngán trong lòng) ; chiêu quen thuộc nhất là chỉ tuyển vào làm việc toàn người đồng hương (để khỏi sợ bị phản!), hoặc giả vờ đứng nép qua một bên để “mấy em tự nhiên làm việc”, nghĩa là tạo ra 12 sứ quân mỗi người cát cứ một đạo quân, không ai chịu ai, để ai cũng phải làm tình báo cho mình, ai cũng phải cuối cùng vẫn tựu trung về một mối-minh chúa-là mình (Chiêu này khá hay, chúng nó lo oánh nhau đã bở hơi tai, còn đâu mưu lược mà nghĩ đến chuyện lật đổ mình!); hoặc cao tay hơn, khi biết cơ quan nọ có Sĩ tốt đang bị “phốt”, Quân cờ dang tay “xin” họ về làm phó cho mình, ơn nặng như núi, kẻ lòng lang dạ thú nào lại đang tâm phản bội người đã cứu mình ra khỏi vũng lầy? Hay chiêu nạp vài sĩ tốt kém tài, kém trí về phò tá, chúng càng thể hiện cái sự kém của chúng thì càng nổi bật lên sự minh quân, tài trí của Quân cờ (theo kiểu lập luận; không có tiểu nhơn, thì anh hùng làm gì được biết đến!), và quan trọng hơn, chúng kém như vậy thì làm sao lật ta được? Chiêu này khá hay, vì nếu không sớm chiêu nạp họ cho đầy chỗ, cứ trùng trình thì biết đâu Người đánh cờ thấy cơ quan còn khuyết chỗ trống, lại ấn về những người tài trí hơn ta thì khốn, chẳng hóa “dưỡng hổ di họa” à? Đó là chưa kể năm hết, Tết đến còn phải cúc cung tận tụy, trà nước cho Người đánh cờ để “Nhắc cho nhớ, nhớ cho nhắc” forget me not mới là thượng sách!

 

Ngồi vững ghế rồi, các Quân cờ mới nghĩ đến chuyện thu hồi lại những tổn thất trong quá trình lao tâm khổ tứ để có chiếc ghế. Nhưng vì là người đứng đầu của cơ quan chuyên chống những gì mình sắp làm nên các Quân cờ lại phải vắt óc suy nghĩ làm sao có mà không thô thiển, trắng trợn như ở những nơi khác. Chuyện này thì tôi đã từng biết. Ví dụ, cho lính đi oánh một nơi tơi như cái mền rách, oánh rất nghiêm chứ không dùng dằng, không nhận tiêu cực phí để làm mất danh tiếng mặt sắt đen sì. Tất nhiên, sau đó gia ơn cho đối tượng-mà Quân cờ lý giải với lính tráng là do một cú điện thoại quan trọng nào đó biểu phải dừng cuộc chơi. Vài tháng, thậm chí cả năm sau, một hôm đẹp trời, Quân cờ điện thoại cho đối tượng, đại loại: “Nghe nói chỗ bạn còn dư mấy miếng đất chưa dùng đến, cơ quan mình đang cần đất để hỗ trợ cho cán bộ khó khăn, chưa có điều kiện nhà ở…”. Sức mấy mà đối tượng dám từ chối. Danh nghĩa là cho cơ quan, nhưng…tại sao không ưu tiên chút xíu cho Quân cờ được nhỉ? Phải, tại sao không? Và thế nên mới có chuyện có khi lính tráng không có nhà, phải đi thuê, nhưng Quân cờ thì nhà đất bao la ở vài quận huyện, kể cả ở tỉnh bạn! Khai thác chiếc ghế nhiều năm , với các Quân cờ, đương nhiên lợi nhuận không thể tính được bằng 10 ngón tay.

 

3. Mình giành giật nó, gia cố nó, khai thác nó, cúc cung tận tụy phục vụ cho hệ tư tưởng chính trị của những Người đánh cờ trong suốt một thời gian dài, nay, Người đánh cờ muốn giao nó cho người khác âu cũng là điều bình thường thôi. Đó là một sự thật, và là một sự thật khác bên ngoài lớp son phấn, hào quang mà người ta đã vô tình hay cố ý phủ lên nó, lên các Quân cờ. Sự thật này có thể làm đắng lòng ai đó-nhưng vẫn là sự thật. Vậy nên xin đừng buồn, xin đừng khoác lên sự kiện ấy một màu sắc khác; xin hãy nghĩ theo thuyết luân hồi, pha lẫn một chút biện chứng là : Ghế không do ta sinh ra, ghế cũng không tự mất đi, mà nó chỉ chuyển dịch từ người này sang người khác!

Thí Chủ
Số lần đọc: 2255
Ngày đăng: 14.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lễ đặt viên đá Nhà Thờ Mépu - Nguyễn Hữu An
Lộng lẫy Caracas - Lê Khánh Mai
Một hội thảo dưới tầm cuộc sống - Hà văn Thùy
Xa rồi ..còn đâu ! - Vũ Trà My
Ôm hôn các chàng hậu vệ - Võ Đăng Bình
Tết trên vỉa hè Sàigon năm Nhâm Ngọ (1942) - Khổng Ðức
Khi danh dự lên tiếng - Khaly Chàm
Vỉa phố lan rừng - Trần Hạ Tháp
Tản mạn cuối năm - Trương Quang
Gia tài của mẹ - Phạm Ngọc Tú