Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.229
123.153.644
 
Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường
Nguyễn Hoàn

 

Trong một lần đến với Bảo tàng tỉnh Quảng Trị để sống với cội nguồn”, tôi đã tần ngần hồi lâu trước bức chân dung quắc thước và ưu tư của Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường được treo cao trang trọng trên tường. Vị đại quan yêu nước có cuộc đời đầy uẩn khúc và phải chịu tiếng oan dằng dặc trăm năm là đầu thú giặc Pháp này, tiếng oan gieo mối nhục, gieo hệ luỵ xuống cả bao đời hậu duệ, vị đại quan yêu nước lúc cuối đời đã trút bao tâm sự đắng cay và u uẩn trong bài thơ Giải triều” (Chia tách triều chính): “Thị phi nhiên phó thiên thu hậu” (Đúng, sai phó mặc ngàn sau luận), rút cuộc đã được hậu thế minh xét, giải oan. Sự giải oan này cho dẫu muộn màng nhưng rất may là không phải đợi đến ngàn thu như thơ Nguyễn Văn Tường hằng đau đáu ngỏ cùng hậu thế. Quả đúng là một kết thúc có hậu trong đời thực chứ hoàn toàn không là chuyện viễn mơ hay chuyện trong tiểu thuyết!

           

Xưa nay, viết về Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, hai đại thần cùng thuộc nhóm chủ chiến chống Pháp trong triều đình nhà Nguyễn, người ta thường gắn tên tuổi, vai trò Tôn Thất Thuyết với căn cứ kháng chiến Tân Sở, Cam Lộ, Quảng Trị, còn tên tuổi Nguyễn Văn Tường ít được nhắc đến gắn với căn cứ này. Điều này dễ hiểu thôi, vì sau đêm 4-7-1885, Tôn Thất Thuyết bất ngờ tổ chức tấn công quân Pháp ở Huế nhưng không thành, kinh đô thất thủ, sáng 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết phải rước vua Hàm Nghi ra Tân Sở, dĩ nhiên, tên tuổi vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết thường nổi lên khi nhắc đến Tân Sở, còn Nguyễn Văn Tường lúc đó theo chỉ dụ của bà Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) là ở lại Huế thương thuyết với Pháp, không phải ra Tân Sở, Nguyễn Văn Tường đã ở lại và gặp tướng Pháp Do Courcy, từ đó Nguyễn Văn Tường mang tiếng là “đầu thú” giặc Pháp thì bao nhiêu công lao của ông đối với Tân Sở cũng bị lãng quên. Vậy để cho công minh, xin hãy bắt đầu câu chuyện về Nguyễn Văn Tường từ Tân Sở.

           

Lên với Tân Sở ngày trước, thuộc địa phận xã Cam Chính bây giờ, dấu tích xưa đã vắng bóng tuyệt mù, bảng chỉ dẫn di tích bị đổ gãy mất chưa được cắm lại, tôi chỉ còn hình dung một Tân Sở xưa qua lời kể truyền đời của các vị cao niên ở đây. Các cụ được truyền rằng Tân Sở xưa có nhiều luỹ tre gai, có hào sâu, có giếng nước, có cột cờ, có súng thần công đại bác. Cụ Võ Văn Lồ, 86 tuổi trò chuyện cùng tôi trên mảnh đất nhà ông Trần Hạnh ở thôn Bảng Sơn, Cam Nghĩa, Cam Lộ thuở trước, nơi vua Hàm Nghi từng nghỉ lại, nhà cũ không còn, chỉ còn một gian nhà nhỏ làm nơi thờ tự. Cụ Lồ hoài niệm kể như kể chuyện cổ tích: “Nhà ông Trần Điu (gọi theo tên người cháu 3 đời của ông Trần Hạnh) hồi ấy giàu nhất xóm. Cả nhà ở lui phía sau, dành nhà trên cho vua. Xóm này hồi ấy có ba người đi gác cho vua, đó là ông cai Võ Văn Ky, bác ruột tôi, ông lý Võ Văn Lâm và ông đội Võ Liệu”. Hồi ấy, Nguyễn Văn Tường dù không theo đưa vua Hàm Nghi lên Tân Sở nhưng hẳn rằng khi nếm mật nằm gai ở Tân Sở, dấu chân vua đã bắt gặp dấu chân Nguyễn Văn Tường, một trung thần yêu nước vốn có bề dày lăn lộn với mảnh đất Cam Lộ. Chính nhờ có bề dày này mà Nguyễn Văn Tường đã nhạy cảm suy tính và thực hành kế sách chuẩn bị căn cứ hậu bị cho kinh đô Huế từ sớm ở Tân Sở. Bề dày này in đậm, in sâu trong niên biểu Nguyễn Văn Tường: “Năm 1850 (Canh Tuất): Làm tri huyện Thành Hoá, Quảng Trị (nay là các huyện Cam Lộ, Hướng Hoá, Đakrông). Năm 1866 (Bính Dần): Mùa thu, Nguyễn Văn Tường được đưa ra Quảng Trị làm Bang biện huyện Thành Hoá. Sau vua cấp cho ấn “khâm phái sơn phòng” riêng để tiện việc tâu bày. Cuối năm, Nguyễn Văn Tường tâu bày 6 điều về việc sơn phòng ở đạo Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị: Xin mở con đường thượng du nối Tây Sơn (Bình Định) thông với Cam Lộ và trấn Ninh (Nghệ An) để chống giữ lẫn nhau...Năm 1875 (Ất Hợi): Tháng 8 (âm lịch), Nguyễn Văn Tường xin đặt nha Kinh Lý sơn phòng Quảng Trị. Năm 1883 (Quý Mùi): Nguyễn Văn Tường thiết kế và chỉ đạo xây dựng thành Tân Sở ở Quảng Trị” (PGS TS Đỗ Bang chủ biên, Nguyễn Văn Tường (1824-1886), cuộc đời và lời giải, NXB Văn hoá Thông tin, 2007, tr.225, 227, 228, 233, 235). Ghi nhận bề dày đóng góp này của Nguyễn Văn Tường, nhân dân ở Cam Lộ đã lập miếu thờ ông.

           

Lịch sử bao giờ cũng có lô gích riêng của nó. Thế nên, trong những ngày nằm gai nếm mật ở Tân Sở, vua Hàm Nghi đã nhớ nghĩ nhiều đến Nguyễn Văn Tường, người đã miệt mài “thai nghén” nên Tân Sở đang phải sống trong vòng vây bủa của giặc Pháp ở Huế. Ngày 13-7-1885, cùng ngày, từ Tân Sở, vua Hàm Nghi vừa ban dụ Cần Vương, vừa dụ cho Nguyễn Văn Tường: “Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta quanh quẩn, còn ngươi là Phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản” (Đại Nam thực lục, tập 36, NXB KHXH, 1976, tr.225). Tiếp đó, ngày 18-7-1885, từ Tân Sở, vua Hàm Nghi có bài dụ gửi cho hoàng tộc, có đoạn khen ngợi hết lời đối với Nguyễn Văn Tường: “Nay đã có Phụ chính đại thần là Nguyễn khanh (tức Nguyễn Văn Tường) ở lại giảng nói, che chở được nhiều việc, hơi được yên ổn. Huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là đau khổ quá chừng. Nhân vật nước ta, những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được” (Đại Nam thực lục, tập 36, sách đã dẫn tr.227). Tân Sở đã toả bóng xuống cuộc đời Nguyễn Văn Tường như vậy, vua Hàm Nghi đã thấu tỏ sâu sắc lòng trung của Nguyễn Văn Tường đến vậy, thế nhưng sau 2 tháng về sống “hợp pháp” với Pháp để tính kế thương thuyết cho xã tắc tránh bớt nguy biến, Nguyễn Văn Tường đã không gỡ nổi tiếng oan đầu thú giặc Pháp. Kể cả cái kết cục thảm thương mà Nguyễn Văn Tường phải nhận lãnh sau 2 tháng ở trong nách giặc: bị Pháp đày sang đảo Tahiti, bị đổ thuốc độc vào miệng làm rụng hết răng, rồi lìa đời nơi xứ người trong đau đớn, tái tê vì mộng nước chưa thành, Nguyễn Văn Tường vẫn không thể gỡ nổi tiếng oan phản bội. Tiếng oan chồng chất đến cả nhiều đời hậu duệ của ông, chồng chất cả trong lịch sử khi sử sách cứ viết theo lối mòn gieo oan cho ông.

 

Thế rồi, cũng có ngày “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” (Nguyễn Du). Lần lượt, các hội nghị, hội thảo khoa học về Nguyễn Văn Tường hoặc có liên quan đến Nguyễn Văn Tường được mở ra: Hội nghị khoa học lịch sử về “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế cuối thế kỷ XIX” do Khoa Sử Trường Cao đẳng Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 12-11-1991, hội thảo khoa học lịch sử “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường” do Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20-6-1996. Hội thảo năm 1996 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đánh giá về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường: kết luận ông là người yêu nước. Tuy nhiên, hội thảo này còn thiếu những tư liệu để làm rõ việc Nguyễn Văn Tường rời Tôn Thất Thuyết trở về Huế tạm thời “cộng tác” với Pháp sau ngày thất thủ kinh đô có xuất phát từ động cơ trong sáng hay không. Nếu có đủ tư liệu làm rõ được điều này, giới sử học mới thật sự yên tâm trong việc đánh giá, khẳng định Nguyễn Văn Tường là đại thần yêu nước. Mà những tư liệu “đánh đố” này lấy ở đâu ra? Giáo sư sử học Nguyễn Văn Kiệm đưa ra ý kiến là cần phải có nguồn tư liệu xuất phát không phải từ bản thân Nguyễn Văn Tường, từ gia đình, từ phía có quan hệ mật thiết với Nguyễn Văn Tường mà phải xuất phát từ phía không có quan hệ mật thiết, không đồng ý kiến. Giáo sư còn nêu là không tán thành đánh giá nhất quán về Nguyễn Văn Tường nếu xuất hiện hai nguồn tư liệu khác nhau, không ăn khớp. Để giải những “câu đố” hóc búa này, hai hậu duệ của Nguyễn Văn Tường là Nguyễn Thị Ngọc Oanh ở California, Hoa Kỳ (đời thứ 5) và Trần Nguyễn Từ Vân, con gái bà Oanh (đời thứ 6) đã khăn gói lên đường miệt mài tìm kiếm, lục lọi khắp các cơ sở lưu trữ hồ sơ ở Tahiti và Pháp may ra phát hiện được những tư liệu mới mẻ về Nguyễn Văn Tường. Hành trình “mò kim đáy bể” này của hai mẹ con bà Oanh kéo dài hơn 7 năm trời, từ năm 1996 đến năm 2003 mới dò thấu tận cùng tăm tích. Ban đầu, Từ Vân đi một mình sang Tahiti, nơi Nguyễn Văn Tường đã trút hơi thở cuối cùng trong cảnh lưu đày uất hận, vì như Từ Vân tâm sự là “không thể ngồi yên nhìn người mẹ thân yêu đã già còn chịu băn khoăn, lo lắng, giày vò tâm tư”. Nhưng những chuyến tìm đến Tahiti đầu tiên của Từ Vân chưa đủ sức làm xoay chuyển tình hình. Hai mẹ con lại tất tả đến Pháp, phần nhiều đi trong mùa đông giá lạnh, tay xách nách mang, đi bộ nhiều hơn đi xe. Trong phòng lưu trữ, có lúc Từ Vân vừa tìm, vừa khấn nguyện cầu may: “Vải thương con thì chỉ cho con cách tìm”. Trong gian khó, hai mẹ con vẫn bền lòng với việc nghĩa cao cả mình làm và vững tin ở lòng trung của tiền nhân, khiến cho bà Oanh có lúc đã quên hết nhọc nhằn để cười đùa với con: “Chuyện đã trên 100 năm mà còn đi tìm kiếm, làm như chuyện vừa xảy ra hôm qua. Nếu ai biết và thấy việc mình đang làm, họ sẽ nghĩ là hai mẹ con mình điên”. Để tiết kiệm thời gian tìm kiếm, hai mẹ con thường nhịn ăn trưa, thậm chí, nín cả đi...toa lét nữa và rời các thư viện, trung tâm lưu trữ vào lúc chiều xuống. Thế rồi, hai mẹ con mừng hơn cả “bắt được vàng”, khi tìm được những tư liệu mấu chốt góp phần làm “xoay chuyển” cách đánh giá đầy ngộ nhận lâu nay về Nguyễn Văn Tường. Đây rồi, trong một lần tìm kiếm tại Trung tâm lưu trữ hồ sơ Bộ Ngoại giao Paris, Pháp, trước mặt Từ Vân đã hiện lên một tư liệu nói đến việc Pháp bắt Nguyễn Văn Tường là do phát hiện một người bên ngoài đang cất giấu mật thư để chuyển đến cho Nguyễn Văn Tường: “Vào chiều thứ hai, sự tình cờ đã khiến một người đưa thư rơi vào tay chúng ta. Lục soát khắp nơi, người ta không tìm được gì trên người của hắn ta; khi tên này bị lột trần ra và khám xét kỹ lưỡng, người ta tìm thấy một tờ giấy nhỏ, sau khi mật thư được dịch tại chỗ, thì quyết định bắt giữ Tường được ban hành tức khắc” (trích từ Báo Pháp Avenir Militaire-Tương lai Quân đội, ngày 26-8-1885).

 

Đặc biệt, cũng từ Trung tâm lưu trữ này, Từ Vân đã sao lục được một tư liệu khác nhắc đến một câu nói của Nguyễn Văn Tường mà người Pháp đã phải thốt lên là “câu nói nổi tiếng”: “Nếu họ thắng lợi, đúng là chính trị của họ đã đắc thắng và câu nói nổi tiếng mà ông đệ nhất Phụ chính thường hay lập đi lập lại được thực hiện: “Chúng ta lấy lại từ người Pháp bằng chính trị và mưu mô, những gì mà họ đã chiếm được của chúng ta bằng binh lực” (trích thư của Cơ Mật viện gửi Công sứ Huế Le Maire do Giám mục Puginier sao lại). Câu nói này cho thấy đường lối đấu tranh ngoại giao với Pháp của Nguyễn Văn Tường và chính vì đường lối này mà ông đã ở lại kinh đô Huế “hợp tác” với Pháp. Nguyễn Văn Tường vốn là một nhà ngoại giao giỏi, ông từng thương thuyết với nhà Thanh (Trung Hoa) bàn việc dẹp loạn ở vùng biên giới, thương thuyết với Pháp để Pháp chấp nhận trả lại các thành Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội cho triều đình Huế. Ông sống nhờ danh tiếng giỏi ngoại giao, ứng đối mà chết rồi vẫn hàm oan là vì ngoại giao, quả đúng là “sinh nghề tử nghiệp” vậy.

           

Những tư liệu mà mẹ con bà Oanh tìm kiếm đã được đánh giá rất cao tại hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường do Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Huế (Đại học Huế) và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 2-7-2002. Rồi trong cái ngày mong đợi nhất đã đến, ngày 3-6-2007, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND xã Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị tổ chức lễ trao tặng bia Nguyễn Văn Tường ngay trên chính quê hương của ông, giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã xúc động phát biểu: “Sự thật lịch sử đã sáng loà, xua tan mọi hiểu lầm. Nguyễn Văn Tường đã được chiêu tuyết. Trong việc chiêu tuyết cho Nguyễn Văn Tường phải kể tới đóng góp của bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh và con gái Trần Nguyễn Từ Vân”. Còn nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã gọi mẹ con bà Oanh là “những nhà sử học bất đắc dĩ”. Chiêu tuyết được cho Nguyễn Văn Tường, giới sử học trả được “món nợ lòng” dai dẳng với lịch sử và bao hậu duệ Nguyễn Văn Tường cũng trút được gánh nặng của mối oan nghiệt ngã. Trước và sau khi Nguyễn Văn Tường được lịch sử minh oan, tôi đã có những lần gặp gỡ ông Nguyễn Bưa, hưu trí ở khu phố 8, phường 1, Đông Hà, người gọi Nguyễn Văn Tường là cố nội. Ông kể, từ lúc 14 tuổi, biết được việc đời, ông đã phải chịu miệng tiếng là con cháu vua chúa, Việt gian, nhưng ông luôn vững một niềm tin ở Nguyễn Văn Tường, dù lúc đó chưa có đủ tài liệu bảo chứng, ông vẫn tin bởi một lẽ rất giản đơn: nếu Nguyễn Văn Tường theo Pháp, tại sao Pháp đày Nguyễn Văn Tường cho đến chết ở đảo Tahiti, cái chết của Nguyễn Văn Tường chính là một bản cáo trạng đối với thực dân Pháp. Trong thời gian những năm tám mươi, ông Bưa đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì nhưng bên niềm vui lớn của cuộc đời là mối sầu uẩn khúc về Nguyễn Văn Tường hằng canh cánh, dù vậy, ông vẫn cao hứng viết những vần thơ cảm khái về lòng trung với nước của Nguyễn Văn Tường, người cố nội nuốt hận vì bi kịch lịch sử:

 

“Bút ghi chữ Quốc bằng xương trắng

Mực viết chữ Trung nhỏ máu hồng”

           

Lưu giữ và tôn thờ hình bóng của tiền nhân, ông cho đắp hình Nguyễn Văn Tường từ trần trên giường bệnh ở Tahiti, đắp tượng Nguyễn Văn Tường đội mũ cánh chuồn làm quan đại thần đặt trang trọng trong nhà. Lúc mối oan Nguyễn Văn Tường đã được lịch sử hoá giải, ông lại làm những vần thơ hào sảng về người cố nội yêu nước đa truân mà trung nghĩa:

 

“Cố ra đi để lại cho chúng cháu quả tim hồng trong lồng ngực

Chữ trí sáng láng trên đầu

Phải chăng đó là những vần thơ không chấm hết

Con cháu của cố đời đời sau đời đời sau nữa

Vẫn viết tiếp về cố những vần thơ không chấm hết”

           

Vâng, “những vần thơ không chấm hết”. Vâng, “lịch sử chỉ diễn ra một lần, còn nhận thức lịch sử là cả một quá trình”, như cách nói của nhà sử học Dương Trung Quốc. Từ chuyện hoá giải nỗi oan cho Nguyễn Văn Tường, rõ ràng, nhận thức lịch sử về cặp đôi phân ly “kẻ ở, người đi” Nguyễn Văn Tường-Tôn Thất Thuyết được nâng lên đúng vai trò, vị trí của nó, cặp đôi này khác nào “hai mặt của một vấn đề”, hai mặt của kế sách “vừa đánh, vừa đàm”, một kế sách độc đáo và đầy hiệu quả trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Từ chuyện hoá giải nỗi oan cho Nguyễn Văn Tường, cho thấy, người Việt dẫu tha hương ở tận trời Tây vẫn một lòng tha thiết hướng về cội nguồn đất nước ông cha, cho thấy sức mạnh cội nguồn là diệu kỳ và bất diệt. Trong lần gặp Từ Vân cùng mẹ về quê dự lễ trao tặng bia cho Nguyễn Văn Tường, tôi hỏi Từ Vân trong quãng thời gian dằng dặc tìm kiếm tài liệu đầy gian nan, vất vả, có lúc nào ngỡ như tuyệt vọng không, Từ Vân bật khóc dàn giụa, quệt áo lau nước mắt rồi bộc bạch: “Có những lúc tưởng chừng tuyệt vọng, có khi tưởng phải ngừng. Nhưng dường như có sức mạnh thiêng liêng giúp cho mình. Lúc nào tìm được tư liệu, tôi cũng khóc, mẹ tôi la rầy luôn, nhưng vì thương vải quá nên khóc. Tôi muốn đền ơn mẹ và tổ tiên. Người Việt mình có tinh thần cầu tiến, không chấp nhận thất bại”. Nghe nói người Hoa kiều ở đâu trên trái đất này cũng đều một lòng hướng về Trung Hoa, đều giúp nhau vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Người Việt kiều cho dẫu ở đâu đều cùng chung dòng máu Lạc Hồng càng phải làm như vậy. Từ chuyện Nguyễn Văn Tường đã được chiêu tuyết, tôi nghĩ đến chuyện cấp thiết cần tôn tạo lại di tích Tân Sở xứng đáng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó. Dĩ nhiên, tôn tạo không có nghĩa là phục chế hoàn toàn, nhưng cần phải đảm bảo lưu niệm đầy đủ các dấu tích của di tích, đặc biệt là cần “đánh dấu” vị trí nơi vua Hàm Nghi từng nghỉ lại ở Bảng Sơn và cần giành cho Nguyễn Văn Tường một vị trí xứng đáng trong khu lưu niệm Tân Sở. Theo anh Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND xã Cam Chính, Cam Lộ cho biết, huyện Cam Lộ đã phê duyệt quy hoạch từ năm 2004 cho di tích Tân Sở là 2 ha và hiện đây vẫn là một “vùng đất chờ”, trong khi di tích xưa đã hoang phế từ lâu. Còn chờ gì nữa, hỡi các thứ thủ tục giấy tờ, hồ sơ xây dựng di tích phải mở ra cho Tân Sở, nhất là khi sự gắn kết cho dẫu phân ly của bộ ba “Xe-Pháo-Mã” Hàm Nghi-Tôn Thất Thuyết-Nguyễn Văn Tường qua Tân Sở nói riêng, trong lịch sử nói chung rút cuộc đã được thời gian minh xét và soi tỏ.

 

Chú thích ảnh kèm theo:

Trần Nguyễn Từ Vân (trái), hậu duệ Nguyễn Văn Tường trò chuyện với tác giả bài viết (Ảnh ).

Nguyễn Hoàn
Số lần đọc: 6216
Ngày đăng: 14.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Cà Mau, cuối năm… - Huỳnh Kim
Chuyện chép bên dòng sông Trâu - Phạm Minh Hoàng
Nhạc Sĩ Cao Hồng Sơn : hoa thơm và cỏ úa - Nguyễn Một *
Windhoek: thành phố giữa sa mạc - Trương Quang
Bất ngờ từ một bức thư lạ. - Võ Ðắc Danh
Pho tượng Luang Prabang - Nguyễn Linh Khiếu
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên - Vũ Ngọc Tiến
Cụ Phan Khôi qua hồi nhớ của con gái một người bạn thơ - Lâm Bích Thủy
Chiều chiều mây kéo về kinh - Yến Lan
Ăn cơm mới nhớ chuyện xưa - Lâm Bích Thủy
Cùng một tác giả