Ngày 8-1-2009 tại thành phố Biên Hòa – Đồng Nai, Hội nhà văn VN đã tổ chức Hội thảo “Nhà văn với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”. VCV
Tham luận tại Hội thảo
Đồng Nai là một địa phương có nhiều khu công nghiệp, vì thế nhiều người vẫn cho rằng đây là "mảnh đất màu mỡ" cho những cây bút viết về công nhân. Có thật như thế không?
Từ nhiều năm nay, đề tài công nghiệp hóa - hiện đại hóa được nhắc đến như một trong những yêu cầu cần có của văn chương Việt. Viết về đề tài nào thì rồi cũng là viết về những số phận con người trong lĩnh vực đó. Nhân vật của đề tài công nghiệp hóa - hiện đại hóa khá rộng. Đó có thể là nhà quản lý, là doanh nhân, là các kỹ sư, công nhân, người lao động phổ thông... thuộc các xí nghiệp, nhà máy. công trường... Trong đó, có vẻ như "chính thống" hơn cả là những công nhân, những người trực tiếp tham gia sản xuất, làm nên những sản phẩm cho xã hội Việt Nam đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
*
Tôi có dịp tiếp cận với những người công nhân thời kỳ đổi mới ở Đồng Nai từ những năm 1990. Khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài còn dè dặt với việc đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Đồng Nai. Thời gian này cũng bắt đầu một cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Lợi thế của các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân khá rõ trong suốt một thời gian dài, khi các doanh nghiệp nhà nước còn bị "trói" bởi cơ chế quản lý mà mãi sau này, vào giai đoạn cổ phần hóa mới được cải thiện. Từ đó, có sự phân hóa giữa những người công nhân trong các thành phần doanh nghiệp; cả trong một gia đình mà những thành viên làm việc ở các đơn vị khác nhau, với những cống hiến và quyền lợi khác nhau, nhiều khi là một trời một vực... Suốt nhiều năm liền, nhiều vụ tranh chấp lao động đã xảy ra giữa người sử dụng lao động là chủ các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài và người lao động Việt Nam.
Bây giờ nhìn lại mới thấy quả có một thời ban đầu nhiều ấu trĩ. Rất nhiều công nhân vốn xuất thân ở các vùng nông thôn, mới tiếp xúc với môi trường công nghiệp nên chưa kịp làm quen với kỷ luật lao động công nghiệp. Đang đứng trong chuyền sản xuất, người công nhân xin đi vệ sinh không được, thế là kiện "không tôn trọng nhân phẩm". Đi trễ giờ làm việc mươi, mười lăm phút bị phạt tiền, kiện "chủ bóc lột sức lao động"... Về phía chủ doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc, nhiều người quản lý đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh bằng tay chân với công nhân ta như thói quen được chấp nhận ở nước họ, đã bị tố cáo, bị lên án và phải mất một thời gian dài họ mới từ từ "nhập gia tùy tục" được...
Nhiều cuộc đình công xảy ra ở các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài mà nguyên nhân chính thường là tranh chấp quyền lợi giữa chủ đầu tư và người lao động. Hồi đó, ngay trong công nhân ta cũng có những mâu thuẫn. Chẳng hạn về việc làm thêm ngoài giờ: những công nhân có gia đình ở gần nhà máy chọn nghỉ ngơi trong khi công nhân ở các tỉnh xa đến Đồng Nai làm việc lại muốn làm thêm để có thêm thu nhập dành dụm gửi về giúp đỡ gia đình ở quê! Một vài năm gần đây lại có một thực tế được xem là "nghịch lý": cứ sau dịp Tết âm lịch, số công nhân nhà xa sau khi về quê ăn Tết đã trở lại làm việc với tỉ lệ khá thấp, khiến các doanh nghiệp phải đăng bảng tuyển dụng công nhân mới với rất nhiều ưu tiên ! Gần đây nhất là vấn nạn gây ô nhiễm môi trường của nhiều nhà máy mà ảnh hưởng của nó là trực tiếp, không chỉ với nông dân, ngư dân... mà còn cả với công nhân, người lao động trong các nhà máy vi phạm.
Xem ra, một thực tế ngổn ngang đã, đang và sẽ còn diễn ra trong các khu công nghiệp; không chỉ về việc làm của công nhân mà cả diễn biến tư tưởng, đời sống văn hóa tinh thần của họ... Thực tế ngổn ngang này ai bảo không phải là "mảnh đất màu mỡ" cho những cây bút viết về công nhân, công nghiệp!
*
Nhưng lại có một thực tế khác, về phía những người cầm bút (Tôi xin khoanh lại trong số những người cầm bút mà tôi biết, không dám nói là tất cả vì chưa đủ cứ liệu kết luận). Đó là sự thiếu mặn mà với đề tài công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thậm chí, có người còn coi nhân vật công nhân như khá xa lạ với mình. Nhiều tác giả lớn tuổi cho rằng mình cứ khai thác cái vốn sống hiện có cho chắc ăn, thay vì phiêu lưu vào một lĩnh vực còn quá mới mẻ mà chưa biết kết quả sẽ ra sao. Suy nghĩ này không phải không có lý và thật không dễ thuyết phục những người cầm bút tuổi tri thiên mệnh trở lên thay đổi quan điểm của mình: họ không còn nhiều thời gian.
Trong khi đó, các tác gia trẻ (tạm coi gồm thế hệ 8x, 7x và cả một số 6x) thì không ít người đang mải mê với những trang viết tràn ngập tâm tư, trăn trở hạn hẹp của nội thân như một nội dung thời thượng cần theo để được làng văn và bạn đọc chú ý. Có người sau khi khai thác hết cái vốn sống hiện có, đã tạm dừng trang viết lại chứ vẫn không xem đề tài công nghiệp là một chọn lựa ưu tiên để tích lũy vốn sống.
Một thành phần tiềm năng khác, những người trong cuộc - là đội ngũ trí thức, công nhân... đang làm việc trong chính môi trường công nghiệp - thì chưa được phát hiện hoặc quá hiếm người chọn con đường cầm bút, dẫu chỉ là tay trái, so với việc chọn con đường tiến thân, tích lũy kinh tế cho gia đình và bản thân.
Ở một khía cạnh khác, không ít người cầm bút tuy muốn viết về đề tài công nghiệp đấy, nhưng lại biết rất ít về các nhà máy, về hoạt động sản xuất kinh doanh, về đời sống của công nhân lao động. Rải rác đó đây, lúc này lúc nọ, có những chuyến đi thực tế được các Hội văn nghệ tổ chức đến các nhà máy, xí nghiệp... nhưng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Nhiều nhà máy, nhất là của nước ngoài, không cho người ngoài vào tham quan vì lý do họ sợ bị "gián điệp kinh tế", một lý do không phải là không chính đáng ! Hiện nay, số người cầm bút có chút kinh nghiệm và tay nghề tương đối, chấp nhận đến làm việc trong một nhà máy, xí nghiệp nào đó như một cách đi thực tế dấn thân, quả là quá hiếm hoi !
*
Trước "mảnh đất màu mỡ" công nghiệp mà việc tiếp cận sâu sát của những người cầm bút còn bị hạn chế bởi những lý do vừa chủ quan, vừa khách quan như đã nêu; thì sự chọn lựa, định hướng và điều kiện thâm nhập thực tế tìm vốn sống của mỗi tác giả sẽ quyết định việc ra đời những tác phẩm có chiều sâu hoặc chỉ là hời hợt.
Ngán ngại trước đề tài hoặc nôn nóng viết, tôi cho đều là phi thực tế; không phải và không nên là cách chọn lựa của những người cầm bút yêu trang viết của mình và biết tôn trọng bạn đọc.
Tham luận tại Hội thảo văn học "Nhà văn với sự nghiệp Công nghiệp hóa - hiện đại hóa" Đồng Nai, tháng 1/2009