Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.091
123.198.781
 
Ðường vào triết học-1
Nguyễn Ước

I. Triết học là gì

II. Triết học để làm gì

III. Lý do học triết

IV. Các kiểu luận cứ khác nhau

V. Các phạm vi triết học được bài này đề cập

VI. Tiếp cận triết học Ðông phương

VII. Các truyền thống tư tưởng Tây phương

VIII. Có đáng để chịu chết không?

 

I. Triết học là gì ?

 

Triết học, tiếng Anh là philosophy, tiếng Pháp là philosophie. Cả hai tiếng ấy có gốc từ tiếng Hi Lạp philosophià (philo: tình yêu; sophìa: sự khôn ngoan, hoặc minh triết).

Theo Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh, triết học là "thứ học vấn nghiên cứu về nguyên lý của vũ trụ và nhân sinh".

 

Theo Việt Nam từ điển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ, triết học là "môn học chuyên tìm tòi cái gốc của vũ trụ và việc sinh sống của vạn vật"; và triết lý là "cái lý sâu xa mà phải vậy của mọi sự vật, mọi lý do, mọi nguyên lý trên đời".

 

Theo từ điển Concise Oxford Dictionary, triết học là:

"...hành động tìm kiếm minh triết hoặc tri thức đặc biệt ứng xử với thực tại tối hậu hoặc với các nguyên nhân hay nguyên lý tổng quát nhất của vạn vật, và các tư tưởng, tri thức và tri giác của chúng ta về chúng, các hiện tượng vật lý (triết học tự nhiên) và luân lý (triết học đạo đức)."

 

Như thế, xét theo nghĩa đen, triết học là tình yêu sự khôn ngoan hay minh triết. Triết học là sự khảo sát một cách có hệ thống với tinh thần phê phán cách thức chúng ta suy xét, đánh giá và hành động, nhằm mục đích làm cho bản thân mình khôn ngoan hơn, suy tư hơn, và do đó, nhân tính hơn.

 

Triết học là hoạt động và là nỗ lực tìm cho ra các nguyên lý tổng quát và các ý tưởng nằm đằng sau những khía cạnh muôn hình muôn vẻ của cuộc sống. Có thể nêu hai thí du. Triết học chính trị đặt những câu hỏi (vấn nạn) về công bình và bình đẳng, về cách tổ chức quốc gia và nhà nước cùng ý nghĩa thật sự của các ý niệm chính trị, như trật tự hoặc công bình xã hội. Triết học tôn giáo bàn về việc có hay không có Thượng đế, bản chất và cứu cánh của ngôn ngữ tôn giáo, nguồn gốc của cái ác, v.v.

 

II. Triết học để làm gì ?

 

Khảo sát các thuật ngữ

 

Trong sinh hoạt thường ngày, thỉnh thoảng diễn ra những cuộc tranh luận giữa người làm chính trị thuộc các tổ chức đối lập nhau, các nhóm có những lợi ích xã hội khác nhau, hoặc giữa những người có cùng mối quan tâm tới thời cuộc. Lúc ấy, thường xảy ra chuyện người tham dự sử dụng những thuật ngữ tuy giống nhau nhưng mang nội hàm khác nhau.

 

Cách riêng, có những kẻ muốn vận động sự ủng hộ của người khác bằng cách cố ý sử dụng các từ ngữ phổ quát với nội dung uyển chuyển để rồi có thể tùy nghi biến hóa cho phù hợp với sách lược và mục tiêu giai đoạn của họ. Ðồng thời cũng không hiếm trường hợp có những người vì xuất thân từ những bối cảnh khác nhau nên thường có khái niệm không giống nhau về một số thuật ngữ mang nội dung khá trừu tượng.

 

Shakespeare đã để cho nhân vật Macberth của ông mô tả tình trạng ấy bằng những lời cụ thể mà ta có thể đem ra để mô tả nhiều cuộc diễn thuyết và diễn văn dành cho công chúng ngày nay:

 

... đó chỉ là truyện kể lể

cũ kỹ của một gã khờ,

chỉ toàn lời la và tiếng rú

chẳng ý nghĩa gì!

 

Ðể tránh ngộ nhận, giảm dị biệt, tạo tương thông và đạt kết quả tốt, điều thiết yếu là cần khảo sát các thuật ngữ được các bên đối tác hay đối thủ đề cập trong khi tranh luận hoặc đối thoại. Thêm nữa, các bên tham dự cần thăm dò nội dung của từ ngữ và ý định của nhau khi sử dụng chúng. Ta có thể đặt các câu hỏi như: "Bằng thuật ngữ đó, chúng ta có ý nói gì?" "Từ ngữ đó có những hàm ý gì, có nội dung nào?"

 

Ðối với hai câu hỏi thuộc loại như thế, ta có thể tìm thấy trong các từ điển tiếng Việt, thậm chí các cuốn liên quan tới lãnh vực tranh luận, như từ điển chính trị học, từ điển xã hội học, v.v. đôi dòng gợi ý hoặc lời giải thích ý nghĩa của một thuật ngữ, nhưng nói chung, chúng vẫn khái quát và không thể nào đi sát với vấn đề đúng theo bối cảnh hiện tại của nó.

 

Vì thế có người nghĩ rằng triết học đã không theo kịp thực tế mà còn khô khan và quá hàn lâm. Có thể triết học là như thế, nhưng không phải chỉ một mình nó có các đặc tính ấy, còn có những môn học khác cũng khô khan và hàn lâm không kém. Thí dụ một bài toán hoặc một bản vẽ kỹ thuật. Ðối với người "ngoại đạo", chúng hình như có ít ý nghĩa, nhưng đối với người am hiểu những gì chúng đang diễn tả, họ sẽ thấy nội dung của chúng thích đáng và thú vị.

 

Làm sáng sủa tư tưởng

 

Triết học cũng giống hệt như thế, không có ngoại lệ. Nó nhìn từng lãnh vực của đời sống và đặt các "câu hỏi lớn lao". Tùy theo chủ đề, bạn có thể chia triết học thành những lãnh vực đa dạng: triết học tâm trí, triết học tôn giáo, triết học khoa học, triết học chính trị, mỹ học, v.v. Bạn có thể thăm dò các cách thức cá biệt hoặc đặc thù khi làm triết học, hoặc khảo sát triết học từ quan điểm lịch sử. Thí dụ như trong triết học Tây phương, bắt đầu với các nhà tư tưởng Hi Lạp thời cổ đại – cách riêng Platon và Aristotle – và nhìn vào con đường phát triển của nó qua hàng chục thế kỷ.

 

Trên con đường phát triển ấy, triết học nhằm mục đích làm sáng sủa các tư tưởng, các khái niệm và ý nghĩa của ngôn ngữ. Vì thế, hiểu một cách cụ thể, việc bạn triết học hóa một đề tài tức là bạn đang suy nghĩ một cách sáng sủa và chính xác về đề tài đó.

 

Nếu khi nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên, bạn có thể truy tầm khái quát quá trình tiến triển của các ý tưởng và sự phát triển tiệm tiến của những kiến thức liên hệ. Thỉnh thoảng, có sự thay đổi hệ qui chiếu và có sự phát hiện cách thức mới mẻ trong việc nhìn sự vật, nhưng nói chung, những thay đổi đó có tính ngoại lệ hơn là qui luật. Ngược lại, trong khi học triết, cùng với việc lần tìm quá trình tiến triển của các ý tưởng, bạn đồng thời có thể khám phá ra rằng có một số vấn đề tuy đã được người Hi Lạp thăm dò từ thời cổ đại, nhưng đến hôm nay chúng vẫn được ráo riết tranh luận, và rằng một số triết gia không ngần ngại bác bỏ tận gốc rễ công trình của các triết gia khác.

 

Bất kỳ thời đại nào, triết học cũng thường xuyên đề nghị triết gia nhìn lại các vấn nạn cũ và diễn đạt các ý tưởng bằng phương cách mới, cùng tìm kiếm các quan điểm mới về mục đích và chức năng của chính nó.

 

Hai cấp bậc phát biểu

 

Phần lớn triết học có liên quan tới ngôn ngữ. Thật thế, có một số triết gia xem toàn bộ công trình của họ chỉ mang tính ngôn ngữ học. Tuy vậy, để đánh giá một công trình triết học, điều quan trọng là bạn phải phân biệt giữa ngôn ngữ ‘cấp một’ với ngôn ngữ ‘cấp hai’.

Dưới đây là một ít thí dụ:

 

Cấp một: "A gây ra B"

Cấp hai: "Có ý gì khi nói rằng A gây ra B?"

Cấp một: "Làm thế này có đúng không?"

Cấp hai: "Có ý gì khi nói rằng điều gì đó là ‘đúng’?"

Cấp một: "Không có Thượng đế."

Cấp hai: "Nhưng, ngôn ngữ tôn giáo là gì, và làm thế nào có thể xác minh những lời quả quyết mang tính tôn giáo?"

 

Ngôn ngữ cấp hai làm sáng sủa ngôn ngữ cấp một. Trong khi thực hiện chức năng đó, nó đồng thời làm sáng sủa tư tưởng nằm đằng sau ngôn ngữ ấy. Triết học quan tâm chủ yếu tới ngôn ngữ cấp hai. Có thể triết học không có khả năng bảo cho bạn biết một điều nào đó là đúng hoặc sai, nhưng chắc chắn nó sẽ làm sáng sủa những nền tảng để bạn có thể căn cứ vào đó mà lập quyết định.

 

III. Lý do học triết

 

Khi truyền đạt cho người khác, bạn dùng ngôn ngữ. Nếu bạn không chỉ lặp lại những gì được bạn nghe thì lúc đó, ngôn ngữ của bạn phát sinh từ ý tưởng và quan điểm của chính bạn. Các ý tưởng và quan điểm ấy tự thân chúng lại phát sinh từ kinh nghiệm cuộc sống và từ bối cảnh giáo dục của bạn, những cái vốn có thể bị ảnh hưởng bởi các thái độ đã được người đời chấp nhận và các quan điểm của xã hội trong đó bạn chào đời.

 

Ðể lập quyết định chính xác

 

Triết học cung ứng cho bạn cơ hội để thăm dò các vấn nạn và để xem xét một cách chính xác những gì các nhà tư tưởng đã phát biểu về chúng trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Ðiều ấy trong tự nó đã có giá trị, vì nó giải phóng bạn khỏi tình trạng bị giới hạn bởi những giả định mà từ trước tới nay chưa từng bị những người sống chung quanh bạn chất vấn.

 

Suy nghĩ thấu đáo các đề tài từ những nguyên lý đầu tiên là kết quả tự nhiên của hành động nhìn vào con đường mà các triết gia đã và đang đi bằng công trình của họ. Triết học còn giúp cho tư tưởng của bạn được sáng sủa. Càng suy nghĩ mạch lạc và sáng sủa, bạn càng có khả năng diễn đạt trung thực ý tưởng của mình và càng sở đắc cách thức xem xét chính xác cùng lập quyết định đúng đắn về cuộc đời mình.

 

Ðể xác minh lời phát biểu

 

Tiếp đến, như chúng ta đã thấy, triết học khảo sát và làm sáng sủa ngôn ngữ. Nó là một công cụ để làm lộ rõ những gì vô nghĩa và để diễn đạt các ý tưởng một cách sáng sủa nhất có thể được. Thí dụ, triết học tạo sự phân biệt giữa hai loại phát biểu: một có tính "phân tích" và một có tính "tổng hợp". Một phát biểu phân tích được xem là đúng khi người ta hiểu định nghĩa về từ ngữ của nó.

 

Phát biểu 2+ 2 = 4 là kiểu mẫu chính xác của loại phát biểu phân tích. Bạn không bị bắt buộc phải bước ra ngoài phát biểu ấy để thu thập các cặp gồm từng hai khoản một rồi bạn lần lượt đếm chúng theo thứ tự để xác minh nó. Bạn không thể nào tuyên bố chiến thắng và công bố rằng bạn đã tìm thấy một trường hợp riêng lẻ có khả năng giúp bác bỏ qui luật ấy, nghĩa là có hai cặp của hai nào đó mà khi cộng lại bạn thấy chúng thành năm!

 

Ðối với phát biểu phân tích, không cần đòi hỏi bạn phải nghiên cứu hoặc xét nghiệm. Nhưng nếu tôi nói rằng một người nào đó hiện có mặt tại nhà của anh ta thì phát biểu ấy không thể là đúng theo kiểu mẫu vừa kể. Ðể xác minh, tôi phải gọi điện thoại tới nhà anh ta hoặc ghé qua ngôi nhà đó. Người ta có thể dễ dàng chứng minh phát biểu ấy là sai, và vì thế, nó không có khả năng luôn luôn đúng một cách chắc chắn.

 

Nhưng nếu có người nói rằng "Có Thượng đế", thì phát biểu đó có tính phân tích hay tổng hợp? Liệu bạn có thể xác định "Thượng đế" theo cách cho rằng sự hiện hữu của Ngài là điều không thể tránh? Nếu như thế, liệu có thể có bằng chứng thích đáng nào để biện hộ hoặc để bác bỏ phát biểu ấy?

Luận cứ biện hộ có thể bắt đầu bằng:

 

a. Thượng đế là mọi sự đang hiện hữu.

b. Mọi sự đang hiện hữu thì hiện hữu.

c. Do đó, Thượng đế hiện hữu.

 

Ðể thấy đúng thực tại

 

Luận cứ ấy nghe có vẻ có lý, nhưng nó hàm ý rằng "Thượng đế" và "mọi sự đang hiện hữu" là hai thuật ngữ có thể đổi chỗ cho nhau. Ðây là thuyết phiếm thần, với ý tưởng rằng Thượng đế và thế giới thì y hệt nhau, và vì thế, luận cứ ấy hoàn toàn thuận lý. Thế nhưng, hầu hết người ta có hàm ý gì khi dùng chữ "Thượng đế"? Còn đối với cách nhìn của chúng ta thì "mọi sự đang hiện hữu" có hàm ý gì?

 

Chúng ta quan sát và thấy rằng mọi sự trong thế giới này không thể không tránh khỏi bị liên tục biến đổi. Và tới một thời điểm nhất định, sẽ không tồn tại mọi sự đang hiện hữu. Như thế phải chăng có nghĩa rằng Thượng đế mang tính phiếm thần thuyết ấy cũng liên tục biến đổi? Tại Hi Lạp thời cổ đại, cách đây 2.600 năm, ngay từ đầu thế kỷ 6 trước Công nguyên (CN), triết gia Heraclitus (?-460 trước CN) trong khi xem xét cuộc thế vô thường, đã nói rằng con người không thể bước hai lần xuống một dòng sông vì nước giữa đôi bờ đang liên tục biến đổi.

 

Thế nhưng, có phải cũng vẫn ngôi trường thuở ấy không nếu các tòa nhà đã được thay thế, ban giảng huấn đã bị thuyên chuyển, từ năm học này sang năm học khác, học sinh của nó lần lượt ra đi và được thay thế bằng các lượt học sinh khác? Và liệu tôi có thể vẫn cứ là tôi thuở ấy không dù hầu hết các tế bào trong thân thể tôi đang thay đổi và các ý nghĩ của tôi đang liên tục chuyển động? Cái "Tôi còn lại" là cái gì trong suốt cuộc đời tôi?

 

Các vấn đề triết học

 

Bằng nội dung của các câu hỏi ấy, chúng ta đã chạm tới một số vấn đề chủ yếu của triết học:

1. Siêu hình học: Nghiên cứu về thực tại, về những gì đang thật sự hiện hữu;

2. Tri thức luận: Các vấn nạn (các câu hỏi) về những sự vật nào chúng ta có thể biết và bằng cách nào chúng ta có thể biết chúng;

3. Triết học tôn giáo: Những vấn đề nằm đằng sau các ý tưởng và ngôn ngữ tôn giáo;

4. Triết học tâm trí: Nghiên cứu bản tính của cái tôi (cái ngã, bản ngã).

 

"Hãy tự biết mình"

 

Những vấn đề vừa kể minh họa một đặc tính khác của triết học cùng lý do chính đáng và tốt lành khiến chúng ta nên học triết: bạn có thể bắt đầu từ bất cứ vấn nạn nào và rồi bạn sẽ thấy mình bị lôi kéo vào việc xem xét hết vấn nạn này tới vấn nạn khác. Câu châm ngôn vượt thời gian, được khắc trên đền Delphi ở Athens, và được Socrates dùng làm con đường triết học là: "Người ơi, hãy tự biết mình".

 

Hãy bắt đầu cuộc lên đường bằng cách bắt đầu đi vào "bản thân mình", và rồi bạn sẽ thấy rằng các vấn đề siêu hình học hoặc tôn giáo bị cuốn hút vào cõi tư duy của bạn. Bằng việc dùng kỹ năng triết học, bạn có phương tiện để hội nhập các ý tưởng của mình, để gắn chúng liền lạc với nhau và để kiểm tra rốt ráo chúng nội trong phạm vi rộng lớn của các vấn đề ấy.

 

IV. Các kiểu luận cứ khác nhau

 

Người ta có thể trình bày triết học bằng nhiều cách khác nhau. Thí dụ Plato thích dùng hình thức đối thoại. Do đó, triết học chính trị của ông trong cuốn Republic (Nền cộng hòa) có một nhóm các nhân vật; mỗi người trình bày và tranh cãi cho một quan điểm cá biệt. Các triết gia khác thì từ từ mở các nội hàm tiềm ẩn trong lý thuyết đặc thù của mình ra theo cách tuyến tính, nghĩa là cái này nối tiếp cái nọ theo một đường thẳng.

 

Dĩ nhiên có một số triết gia dùng tới lối tiếp cận có tính phân tích và diễn dịch hơn. Họ chiết các ý tưởng đã được người khác chấp nhận thành những yếu tố rõ ràng và đơn giản nhất. Kế đó, họ nỗ lực khởi sự từ đầu để đưa ra một tường trình về những gì có thể biết một cách chắc chắn. Ngoài ra, cũng có luận lý học thuần túy trong đó sử dụng ngôn ngữ nhân tạo để làm sáng sủa và sắp đặt tính chất luận lý cho ngôn ngữ thông thường.

 

Triết học và ngôn ngữ

 

Trong triết học có một thời kỳ – khởi sự từ đầu thế kỷ 20 – lúc ấy công tác độc nhất được đặt ra cho triết học là làm sáng tỏ ý nghĩa của ngôn từ. Người ta cho rằng toàn bộ triết học liên quan tới ngôn ngữ, và một khi vấn đề ngôn ngữ học được giải quyết thì mọi cái khác cũng tự nhiên sẽ được giải quyết. Ngày nay, quan điểm ấy nhường chỗ cho một viễn cảnh rộng rãi hơn.

 

Quả thật triết học liên quan tới ngôn ngữ; nó chủ yếu là để am hiểu ngôn ngữ bạn đang sử dụng, nhưng cùng lúc ấy, triết học còn có tầm quan trọng vượt lên trên ngôn ngữ. Triết học thăm dò các ý tưởng và các khái niệm căn bản được diễn đạt bằng ngôn ngữ, và rồi nó tiếp tục chuyển động để thăm dò các đặc tính về thế giới vốn không thể được soi sáng nếu không có một quá trình tư duy và phân tích nghiêm chỉnh.

 

Không có gì chắc chắn

 

Dĩ nhiên không phải các triết gia lúc nào cũng đồng ý với nhau về cách ứng xử của triết học hoặc về các giá trị của nó. Năm 1980, Alfred J. Ayer (1910-1989), triết gia quá cố của Ðại học Oxford, Anh quốc, và là người nổi tiếng với công trình về "thuyết thực chứng luận lý", khi trả lời trong một cuộc phỏng vấn về tác phẩm ấy, đã bình phẩm những công trình đa dạng của các triết gia khác. Bằng lối nói bộc trực, ông đề cập tới ý tưởng của triết gia hiện sinh Ðức Martin Heidegger (1889-1976) về "Hư vô". Ayer cho rằng đối với ông dường như ý tưởng ấy là "hoàn toàn rác rưởi" và rằng thỉnh thoảng người ta có thể có ấn tượng về nó chẳng qua là vì họ thích bị kẻ khác chọc cho hoang mang rối rắm.

 

Trong chương 9, chúng ta sẽ xem xét ngắn gọn công trình của Heidegger. Sau khi đọc đoạn tóm lược đó, bạn có thể cảm thấy mình nghiêng về phía đồng ý với Ayer, hoặc bạn có thể cảm thấy Heidegger đang mô tả điều gì đó có tầm quan trọng hơn sự phân tích dựa trên lý tính của Ayer về những gì được biết tới và được mô tả. Ở cấp bậc sơ khởi này, điều mà bạn cần nhận biết một cách cốt yếu là không phải mọi triết gia đều đồng thuận về các đề tài được triết học hóa, các cách thức xử lý chúng trước đây cùng các kết luận đã đạt được. Có nhiều triết gia bảo lưu những ý kiến đối lập nhau. Thậm chí còn có triết gia có những ý kiến khác nhau về cũng một đề tài, trong những đoạn đời khác nhau.

 

Triết học thì chẳng có gì chắc chắn. Không một bộ phận nào được thiết định vĩnh viễn và không một công trình nào không bị chất vấn. Ðúng hơn, như đã nói từ lúc bắt đầu chương dẫn nhập này, triết học là một hoạt động đang tiếp diễn – và người làm triết học thường đặt câu hỏi hơn là chỉ tìm cách đưa ra câu trả lời.

 

Xem phần 2

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3477
Ngày đăng: 14.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Bính - một áng thơ Say - Vũ Ngọc Tiến
Lịch sử tính dục : Phần 3.- Khoái cảm trong hôn nhân - Khổng Ðức
Lịch sử tính dục : Phần 2 ( trong chương năm - tiếp theo ) Vấn đề độc chiếm - Khổng Ðức
Thơ & Thơ Huế : đôi điều về dòng thơ mặc thị - Trần Hạ Tháp
Hòa bình vĩnh cửu - Nguyễn Hữu An
Giáng Sinh 2008 : nhân vị là trọng tâm của hoà bình - Nguyễn Hữu An
Tự do trong sáng tạo và xu thế hội nhập - Hoàng Vũ Thuật
Lịch sử tính dục : Chương năm : Nữ giới - Khổng Ðức
Mầu Nhiệm Nhập Thể và lễ Giáng Sinh - Nguyễn Hữu An
Lược Sử Thi Pháp Học Việt Nam - Phạm Ngọc Hiền
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)