Tốt nghiệp sư phạm, tôi đi dạy một năm thì lấy chồng. Đêm trước ngày cưới dông bão kéo đến ầm ầm, khúc sông gần nhà nước réo lên cuồn cuộn. Bụi tre, cây nọ nghiến vào cây kia ken két. Ao bèo cái thường ngày phủ kín mặt nước gió thổi nát hết dồn lại chỉ còn ở góc. Các anh trai tôi cuộn rạp lại vứt vào góc nhà thành đống. Bố tôi đi ra đi vào tức giận: “Đang mùa dông bão cưới với xin”. Bố mẹ tôi không đồng ý cho tôi lấy Đức với lý do: Nhà nó mấy đời độc đinh...
Nhà chồng tôi ở bến sông Hoàng Long. Gia cảnh xưa kia giàu có nhất làng. Ông nội chồng tôi ngày trước làm nghề dạy chữ. Cứ đầu khoá học bao giờ ông cũng dành ra một buổi để nói chuyện với các trò về lễ nghĩa, gia phong, đạo đức. Ông là trưởng tộc của dòng họ Phạm trong làng. Ông sống nổi tiếng về nếp nhà, kỷ cương và nghiêm khắc. Ông hay nói với học trò của mình: “Tiên học lễ, hậu học văn...; làm người muốn học chữ thì phải học đạo...” Mẹ già chồng tôi thường kể về ông như vậy.
Ngôi nhà năm gian nhà chồng tôi lợp ngói vẩy nhìn thẳng ra bên sông. Cái sân rộng lát gạch vuông đã mòn theo năm tháng, những hàng gạch nhẵn lỳ, nâu bóng. Cái bể nổi lừng lững bằng gian nhà, đựng nước mưa đủ dùng quanh năm. Mẹ già bảo: “Ngày xưa cố nội chắt bóp mấy năm mới xây được cái bể to nhất làng như vậy”.
Lại ngày xưa, cái ngày xưa đầy kỷ niệm buồn vui, sướng khổ vì cuộc đời của mẹ già và mẹ đẻ chồng tôi bây giờ.
*
Ông bà nội chồng tôi hiếm hoi đẻ mấy bận nhưng toàn là gái. Bà nội sau cơn vượt cạn quá sức đã trút hơi thở cuối cùng để lại cho dòng họ Phạm một cậu bé trai bụ bẫm. Cậu bé ấy là bố chồng tôi. Ông nội ôm con vào lòng và vuốt mắt cho vợ. Ông thề sẽ không bao giờ lấy vợ nữa. Ông đã ở vậy vừa dạy học, vừa làm ruộng nuôi các con. Các bác gái lấy chồng ra ở riêng, mấy gian nhà rộng tềnh toàng còn lại ông và bố chồng tôi.
Mấy năm đói kém mất mùa xóm làng phiêu bạt hết, các bác theo chồng đi làm ăn xa. Ông nội càng buồn. Ông dồn hết tình cảm che chắn cho đứa con trai. Trong nhà, ông vừa là mẹ vừa là cha. Ông dạy bố học chữ quốc ngữ. Ông dạy bố dong trâu, vác cày ra ruộng. Ông hay thủ thỉ cùng bố: “Cái gì cũng phải học thì mới biết được, làm người không học ăn, học nói, học làm thì chẳng làm nên trò trống gì”.
Năm cô Tằm mười sáu tuổi về làm dâu, ông nội đang ốm lắm. Ông nội nhìn con dâu rồi phều phào gắng từng lời đứt quãng nói với con trai: “Đàn bà... thắt đáy lưng ong..., chân tay nhỏ nhắn... hai con mắt đen lay láy... là người... có phúc...”.
Nhà cô Tằm nghèo lắm, mới tý tuổi đầu cô đã biết chợ búa, cơm nước chèo đò và cấy hái một mình. Vào những hôm phiên chợ Hối đò của cô bao giờ cũng dày chuyến hơn để kiếm thêm tiền thuốc thang cho bố. Bố cô mất sau trận ngã nước, cô thành mồ côi.
Cô còn nhớ bến đò cuối mùa đông năm ấy, cô và anh gặp nhau. Cô một mình ôm chèo đợi khách qua sông. Anh hay qua đò và nhìn cô im lặng. Họ cứ nhìn nhau như vậy riết rồi quen nhau. Có hôm anh chèo hộ đò để cô lên chợ mua cho anh lúc thì bát muối chai dầu, hôm thì ống diêm chai mắm và cả những gói thuốc lào ngon... Thế rồi như định mệnh, họ gắn bó với nhau qua một đám cưới chạy tang.
Năm bà Tằm đẻ thằng Phúc xong thì bà bị đau bụng, đau dữ dội, đau triền miên. Ai mách thuốc gì ông cũng tìm cho bà uống nhưng không đỡ. Một hôm có thầy lang núi xuống chợ huyện bốc thuốc, ông chèo đò cả buổi tìm đến cắt cho bà thang thuốc, uống hết ba thang thì bà khỏi đau bụng, nhưng bà đã không bao giờ sinh nở được nữa. Ông lang đã cắt nhầm thuốc có vị xạ hương...
Thằng Phúc lớn lên khôi ngô, trắng trẻo. Ông cưng nó như trứng mỏng. Bà quý nó hơn ngọc hơn vàng. Năm tuổi, ông dạy nó đánh vần chữ o, a, lên bảy tuổi nó mới cắp sách đến trường. Học lớp một nó vẫn còn đái dầm và sờ tý mẹ.
Thằng Phúc của bà mười tuổi nó đã biết bơi qua sông Hoàng Long để vớt tóc tiên về cho bà nuôi lợn.
Khu vườn nhà bà toàn cây lâu niên. Cây nọ xen cây kia, cây nào cũng gắn bó với bà như người ruột thịt. Cây mít già cạnh cầu ao múi to và ngọt lịm nhưng mỗi năm chỉ ra một vài quả, có năm ra dái non nhiều mà chẳng đậu quả nào.
Cứ đến ngày mùng năm tháng năm âm lịch, thằng Phúc lại trèo lên cây làm mít, bà ở dưới gốc đánh bộp bộp rồi hỏi: “Mít ơi sang năm mày có ra nhiều quả không?” Nó nói: “Bà ơi! Đừng sốt ruột. Vụ tới tôi đậu... một trăm quả vừa to, vừa ngọt”. Nó cười hì hì trên cây. Thằng bé thích ăn mít nhất. Còn cây nhãn đầu hồi năm nào cũng phải đốn cành. Ngày còn sống, ông cứ thấy trời trở gió là lại cưa bớt cành, ông sợ cành gãy rơi vào mái nhà. Cây nhãn bây giờ lệch hẳn nhìn xa như cái thước thợ. Những đầu cành bị đốn giờ sù sì nâu sẫm, ở chỗ ấy mọc ra mấy dọc non xanh tía sà vào mái ngói.
Mấy bận bão to. Cây nhãn không việc gì nhưng cây bưởi gãy cả cành, bà cũng không nỡ chặt. Bà yêu quí cây bưởi này như thằng Phúc của bà.
Vào khoảng riêng hai là cây bưởi ra hoa trắng cành. Hoa bưởi rụng đầy lối đi, mùi thơm kín đáo, lặng lẽ mà xốn xang, rạo rực.
Bà thuộc từng cành nhỏ. Cái hôm thằng Phúc còn ở nhà, đi thi học sinh giỏi trên tỉnh về nó mang hạt giống ra gieo. Nó khoe với bà: “Giống bưởi này quả to lắm u ạ”. Năm cây bưởi ra hoa, thằng Phúc vào bộ đội. Từ ấy đến nay đã ba mươi năm, cây bưởi cỗi cằn rồi nhưng vẫn sai quả, chỉ phải cái chua, chua lảnh lói.
Bà không bao giờ quên được, suốt đêm trước ngày nó đi bộ đội bà không chợp mắt. Gần sáng bà dậy nấu cơm. Ông ngồi hút thuốc vặt cả đêm. Trong Nam đang đánh to, trai làng lần lượt ra đi hết. Bà thương nó đơn lẻ, bà coi hòn ngọc, hòn vàng mà phải ra hòn tên mũi đạn thì bà không chịu nổi, lòng quặn thắt lại. Bữa cơm sáng dọn ra xong bà cố tỏ ra bình tĩnh, tay bưng bát mà run cầm cập. Thằng Phúc ăn qua loa lưng cơm, uống với bố hớp nước chè tươi rồi đứng dậy. Lúc ấy, bà chợt thấy giận nó. Bà thì lo lắng cho nó bao nhiêu mà mặt nó hớn hở, nhơn nhơn thế kia. Nhưng bà đẻ nó ra bà biết: nó là đứa có nghĩa. Nó không muốn thua anh, thua em trong lúc loạn lạc. Bà bưng mâm ra bể rửa bát. Nó đi ra, đi vào bâng khuâng, bứt dứt mãi mãi.
Ngoài đình đang kèn la, trống giục rộn rã. Nó tần ngần nhìn bố, nhìn mẹ, nhìn bao quát căn nhà. Nó đi nhanh vào bếp, nó ôm lấy cổ bà, ngón tay nó bấu vào vai bà đau rát. Bà lặng cả người khi nó nói nhỏ vào tai bà: “Con đi u ạ”.
Nó đi. Mấy năm trời đằng đẵng, bà làm gì cũng tâm tâm niệm niệm về nó. Bà mong nó về để cưới vợ cho nó. Bà cố nuôi lợn thật to, dành cót thóc ngon nhất cho nó.
Rồi thằng Phúc của bà không bao giờ về nữa. Hôm nhận được giấy báo tử của nó, bà vật vã đến rũ cả người. Bà thấy đất trời quay cuồng. Bà thấy người nhẹ bỗng. Ai đó lắp cho bà đôi cánh, bà bay cao mãi, bay lên tận chín tầng mây. Bà lại thấy văng vẳng bên tai: “Đồng chí Phúc đã anh dũng hy sinh tại chiến trường phía Nam Tổ quốc”.
Không! Thằng Phúc nhỏ bé của bà không chết. Nó mà bỏ bà để đi ư? Nó thương bà nhất cơ mà. Lớn lồng nhồng nó còn sờ tý mẹ rồi cười khanh khách ấy. Nó đang bơi qua sông lấy tóc tiên về cho bà nuôi lợn. Nó bơi giỏi lắm. Phải rồi nó là đặc công nhái cơ mà, nó làm sao mà chết được. Nó còn trẻ. Bà già thế này còn chưa chết huống chi nó mới ngoài hai mươi tuổi???
Bà Tằm mê mê tỉnh tỉnh. Có lúc bà thấy mình bay cao, rồi có lúc bà thấy mình xuống hố, cái dòng xoáy sâu hút cuốn bà xuống sâu, sâu mãi.
Chồng bà suốt ngày ngồi ủ rũ, hai đầu gối nhô cao quá đầu. Ông hút thuốc lào sòng sọc cả đêm. Ông cứ nhìn xa xăm rồi nhìn mãi vào di ảnh của nó. Ông khóc nức lên, tiếng khóc của người cha già tuyệt vọng. Đất nước này rộng lớn bao la mà ông chỉ có mình nó.
Năm báo tử thằng Phúc, vườn cây xơ xác như sau cơn bão. Sân ngõ mọc đầy rêu. Ngôi nhà lạnh lẽo cô quạnh. Đêm đến, đầu nhà bên này bà thở dài dấm dứt, đầu kia ông hút thuốc lào vặt cả đêm. Trên bàn thờ Phúc khói hương nghi ngút...
*
Trời tháng mười ngày như ngắn lại, tối nhọ mặt người bà Vấn mới lên khỏi mặt ruộng. Bà vừa chao rửa cái cuốc mòn vẹt vừa nghe tiếng bà Tằm cằn nhằn:
- Gớm tôi đã bảo mãi rồi. Dì về sớm mà ăn cho thằng bé nó xem bài, xem vở.
- Tôi cố vạc cho xong mấy góc bờ, mai dậy muộn nước nó cạn hết.
- Làm gì thì cũng có buổi có bóng chứ. Mùa này nước cạn hết rắn rết đầy bờ, nhỡ ra thì...
Đã bao năm nay câu chuyện của hai bà lúc thì nhấm nhẳng, lúc thì thủ thỉ, nhưng hàng xóm chưa bao giờ thấy họ to tiếng.
Những hôm chiều nắng nhạt, công việc đồng áng vãn, bà Tằm dứt nắm lá bưởi già, nướng mấy quả bồ kết, bà nấu một nồi đầy nước. Hai bà vừa gội đầu vừa trò chuyện. Bà Tằm nhìn mái tóc bạc trên đầu mình, rồi bà quay đi thở dài, lại thấy bà Vấn mớ tóc đã điểm bạc vào tay vặn nước và quay mấy vòng. Những giọt nước li ti bắn tung toé. Bà Tằm lo sợ tuổi già của mình đi qua, của bà Vấn đang sắp tới. Bà sợ cô đơn. Bà lại nhớ lại...
*
Dạo ấy, đã ra riêng mà trời vẫn rét. Mưa phùn răng răng mù mịt. Một sáng, bà Tằm dậy thật sớm. Bà quét tước lại nhà cửa. Bà cọ sân, dọn cổng rồi bà ra bến sông Hoàng Long chèo qua bờ bên kia. Ông không biết bà đi đâu cứ chốc chốc lại ra bến ngóng. Quãng gần chiều thì bà về, mặt mày rạng rỡ. Bà thổi cơm, nấu bát dấm cá. Bà cười cười nói nói, vui vẻ như không có gì sảy ra. Tất cả xong xuôi, bà gọi ông:
- Ông vào xơi cơm rồi tôi có chuyện muốn nói với ông.
Cơm nước xong bà ngồi têm trầu, nhai trầu bỏm bẻm. Bà quệt một miếng đưa ông, giọng bà chậm rãi:
- Đêm qua tôi mơ thằng Phúc nó về. Nó không chết ông ạ. Nó bảo với tôi sẽ lấy vợ bên làng Trình. Con bé ngoan nết lắm.
Bà thấy ông im lặng lại đủng đỉnh:
- Tôi là tôi tính như vậy, nếu ông thấy không đúng thì ông bỏ qua cho tôi, còn nếu ông thuận thì mai ông sang đò với tôi.
Bà Tằm nói thế thì dừng lại. Bà nhổ quết trầu vào ống. Hai ngón tay quệt ngang miệng, bà phe phẩy quạt mo đập muỗi.
Bên bãi có nhà cô Vấn năm nay đã ngoài ba mươi. Cô ấy hiền lành tốt nết, người tầm thước, chỉ phải cái ông trời bắt tội chấm lên mặt một vết chàm thành ra bên má trái cô đen sạm lại.
Bà nhìn xa xăm, bà đang nghĩ về cô Vấn, người đàn bà mà bà nhắm cho chồng nay mai có phúc sẽ đẻ cho dòng họ chồng bà đứa con trai. Nghĩ đến đó, bà bao dạn hẳn lên nói như ra lệnh:
- Tôi muốn đón cô Vấn về làm bạn với ông.
Ông Huấn ngẩn người ra! Ông đập muỗi phành phạch. Đột nhiên, ông đứng dậy đến bàn thờ thằng Phúc. Ông thắp nén hương cắm vào bát, lầm rầm khấn. Tiếng côn trùng eo ỉ, ngoài kia mưa lộp bộp. Ngôi nhà chìm trong im lặng lạnh lẽo, quạnh hưu. Ông cứ đứng yên như vậy.
Bà Tằm đi nằm. Khác với mọi hôm bà ngủ một giấc đến sáng. Bà thấy lòng mình thanh thản.
Sớm sau ông dậy gọi bà:
- Tôi nghĩ rồi bà ạ. Tôi đã già rồi, bà không thương tôi nữa phỏng, làm thế thiên hạ họ chê cười.
- Ô hay, ai cười, đường ăn nhẽ ở là một chuyện. Tôi đã nói chuyện với người ta rồi. Ông chuẩn bị đi với tôi.
Nói như vậy chứ ông biết bà Vấn lâu rồi. Mấy năm trước cô hay chèo thuyền sang sông, lên bến vào làng ông mua dâu nuôi tằm.
Tạo hoá thật công bằng, cô Vấn mất một phần nhan sắc thì bù lại được sự khôn khéo, cần cù mềm mỏng. Nghe nói có mấy đám goá vợ dạm, nhưng cô không ưng ai vì ngại cảnh gì ghẻ con chồng.
Những chiều tàn nắng, cứ nhìn cô Vấn hái dâu cũng thích mắt, hai tay thoăn thoắt. Hàng dâu xanh mỡ màng chỉ một nhoáng đã trụi hết.
Ngày trước, cô là một đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài chợ. Có bà vãi đã đưa cô về nuôi. Rất hiếm khi thiên hạ nhìn thấy mặt cô. Quanh năm lúc cấy hái cũng như khi hái dâu, cô bịt mặt bằng chiếc khăn vuông nâu đậm. Cô làm ruộng khéo lắm. Những luống khoai cô đánh cứ vồng lên thẳng tắp như kẻ sẵn. Từ ngày bà Vãi mất cô ở một mình vẫn nuôi tằm. Một năm vài lứa lợn lại lắm công điểm thành ra cô cũng có bát ăn bát để. Cứ mặc cảm vết chàm trên mặt nên cô không trò chuyện với ai lâu, ai hỏi gì chỉ cười hiền lành. Ngày trước mỗi bận sang hái dâu cô hay đem cho thằng Phúc khi quả thị lúc bát nhộng và có khi cả cái súng cao su cô nhặt được của bọn trẻ con đánh rơi. Có năm gần Tết bận bịu, cô còn ở lại cả buổi chiều gói hộ bà Tằm chục bánh chưng. Bánh cô gói không cần khuôn mà cứ bằng chằn chặn, gạo thịt, đỗ, hành đều đặn. Cuối cùng còn một ít bao giờ cô cũng đãi lại dúm cho thằng Phúc chiếc bánh chưng con. Cô bảo: “Bánh nếm, trẻ nó mừng.”
Đón cô Vấn về được hai tháng thì ông mất. Hôm ấy, trời nắng to lắm. Buổi chiều ông vác búa chim ra dãy phi lao mới chặt. Ông bổ gốc lấy củi sưởi. Tối nhọ mặt người ông gánh gốc về xếp vào chái nhà thành một đống. Rửa chân tay xong, ông uống chén rượu thuốc, ăn lưng cơm rồi đi nằm sớm. Ông kêu nhức đầu.
Bà Tằm gọi cô Vấn vào bảo: “Dì giã nắm gừng đổ rượu vào đánh cảm cho ông.”
Quãng canh tư, ông gọi hai bà lại và thều thào dặn: “Tôi thấy trong người khó ở. Có nhẽ tôi đi theo các cụ và thằng Phúc. Bà Tằm ơi! Tôi thương bà mà làm bạn với bà Vấn. Giờ tôi biết bà Vấn đã khai hoa kết nhuỵ. Nó là dòng máu của tôi và bà Vấn, nhưng cũng là của bà, của họ Phạm. Hai bà cố bảo ban, nương tựa vào nhau. Nếu là con trai hay con gái thì hai bà cũng đặt tên nó là Đư...ức”.
Bà vuốt mắt cho ông. Bà không khóc được. Bà thấy thèm được như ông, thanh thản như đi vào giấc ngủ. Thôi, cũng xong một đời người, bao nợ trần gian ông để lại cho bà. Mà bà cũng già rồi chỉ thương cô Vấn cả đời đơn chiếc lẻ loi vừa đi lấy chồng được và tháng thì...
Ngày cô Vấn đẻ thằng Đức, bà lấy giọt rượu trắng nhỏ vào miệng con, nó nhăn nhó rồi tróm trém nuốt luôn. Bà mỉm cười nói với bà Vấn: “Con trai họ Phạm có khác. Thấy rượu là mắt cứ sáng trưng ra.”
Bà Tằm lấy củi phi lao ông bổ dạo trước đã khô xếp giữa nhà. Bà đổ thêm mẹt trấu, đốt đống sưởi rừng rực. Mặt bà bừng lên rạng rỡ. Những khúc củi khô nổ tí tách, thằng bé cay mắt khóc choe choe.
Bà lại thắp nén nhang lên bàn thờ. Bà khấn ông bà tổ tiên, khấn chồng bà và thằng Phúc về phù hộ cho thằng Đức, đứa con trai bé bỏng của bà Vấn, của bà hay ăn chóng lớn.
Thằng bé cứ mỗi ngày một phổng phao. Rời vú mẹ là nó ngủ với bà. Tối nào nó cũng bắt bà kể chuyện. Câu chuyện ngày nào cũng bắt đầu từ ngày xửa ngày xưa sang chuyện anh Phúc thì nó đã ngủ khì. Hai chân nó gác ngang bụng bà nặng chình chịch...
- Dì đã ngâm nếp rồi à?
- Em ngâm rồi. Cả nếp cả đỗ nữa.
Hai bà đang bàn tính ngày mai giỗ thằng Phúc, thằng Đức thế nào cũng về.
- Chiều tối rồi mà chưa thấy nó về, cái thằng...
- Tôi nghe nó bảo đang mùa diễn tập, diễn tành gì ấy.
- Dì kệ nó, nó lớn rồi.
Bà Tằm gắt lên vậy, nhưng bà lo lắm. Đường xá, xe cộ, nó đi khỏi nhà là lòng dạ bà bồn chồn không yên. Bà biết tính “thằng bé”, nó giống y hệt tính thằng anh nó, thích gì là làm bằng được. Ngay cả chuyện lấy vợ, nó cứ nhất quyết phải lấy vợ bên bãi.
Nó đưa bà ra bến sông Hoàng Long, chèo đò sang bãi Trình hỏi vợ. Ngồi ở thuyền bà cứ nghĩ đến giấc mơ thằng Phúc khen con bé làng Trình ngoan nết. Trời lạnh mà mồ hôi bà toát ra. Nhưng rồi bà lại mừng, không nhẽ thằng Phúc báo mộng cho bà. Hay nó là thằng Phúc, hai anh em nó cứ chập lại một rồi lại tách ra. Rồi thằng Đức đứng trước mặt bà cười hềnh hệch, bà ngẩng lên nhìn hai hàm răng nó sáng lấp loá. Nó ôm chầm lấy bà, lại bấu tay vào vai bà đau rát...
Năm nay Tết muộn. Chồng tôi đóng quân ở biên giới chưa thấy về. Đẻ tôi ngồi gói bánh chưng. Xếp bánh xanh ngăn ngắt cứ cao dần lên. Vẫn những chiếc bánh chưng không cần khuôn, vuông vức.
Hai cậu con trai sinh đôi của tôi ngọ nguậy khóc choe choé, chắc các cậu đói bụng đòi ăn.
Cây bưởi đầu ngõ lá già rụng đầy xuống lối đi. Thân cây sù sì, cằn cỗi nhưng đã thấy bừng lên ở các cành một loạt nõn mới xanh màu lá mạ và những đốm li ti trắng ngà.
Mẹ già chồng tôi ngồi nhai trầu móm mém, đôi mắt mờ sương của bà sáng lên những ánh nhìn ấm áp. Mẹ đã già lắm rồi. Cả đẻ chồng tôi cũng vậy. Hai mẹ và tôi, ba người đàn bà làm dâu họ Phạm ở bến sông Hoàng Long. Lúc rảnh dỗi ngồi bên nhau, chúng tôi cũng chẳng biết nói chuyện gì, ngoài nói về chồng con, những người con trai họ Phạm ở bến sông Hoàng Long.