Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
795
123.240.537
 
Con báo
Nguyễn Khắc Phước

Cả thị trấn đều xôn xao về cái tin trong rừng bảo tồn vừa xuất hiện một con báo. Chẳng biết ai đã tận mắt trông thấy con báo nhưng rồi tin dữ cứ lan truyền và cho dù cứng đầu mấy rồi cũng phải tin.

 

Thoạt đầu người ta nói đó là một con báo, thế thôi. Dần dà người ta tả chi tiết hơn, làm như nó đứng yên đấy làm mẫu cho người ta ngắm..

 

Con báo đã ở tuổi trưởng thành, lớn bằng một con nghé ba tuổi, mình nó dài cả mét rưởi, chưa kể chiếc đuôi dài nửa mét thường cúp xuống như đuôi cáo. Sức mạnh có thể sánh bằng một con sư tử. Lông nó màu đen mượt, chắc là nhờ ăn đầy đủ thịt rừng , kể cả thịt người.. Mắt nó đỏ ngầu, sáng rực như hai hòn lửa . Con báo chỉ xuất hiện ban đêm mà thôi, lại là màu đen , nên nếu nó núp trong bụi rậm thì đố ai mà biết nó đang rình ở góc tối nào. Chỉ cần trông thấy hai hòn lửa là hồn xiêu phách lạc, bấn loạn tâm thần, chân cẳng tê cứng, mắt trợn miệng há mà không thốt được một lời rồi bất tỉnh nhơn sự , đành làm mồi cho nó xơi. Người ta rỉ tai với nhau như vậy.

 

Dân thị trấn đều là dân từ xa đến lập nghiệp, mỗi người một xứ. Goị là thị trấn cho oai chớ nó chỉ là một khu chợ nhỏ nằm bên con lộ mới mở. Ngày xưa khu này là rừng hoang, thú rừng vô số, gổ quý vô số, chẳng có loài nào mà không có. Nhưng rồi con người đến và tiêu diệt sạch. Từ con sóc cho đến con hổ, từ con trút cho đến chim trỉ, từ cây nấm cho đến cho đến cây dó, cây lim. Người dân trở thành lâm tặc thì đố rừng nào mà còn, con gì mà sống sót.

 

Để giữ rừng, người ta đật tên cho nó là rừng bảo tồn, rồi đưa mấy người kiểm lâm đến , mặc dù chẳng còn gì quý giá mà giữ cho mất công. Người dân vẫn vào rừng kiếm củi tự do bởi cây lớn đã đốn rồi thì nhánh nhỏ vẫn nằm phơi khô, nếu không khai thác thì rất dễ làm mồi cho lửa. Nói vậy chớ người ta vào rừng chặt cây nhỏ rồi để đấy, mười ngày nửa tháng sau trở lại chở về thì cái gì mà không khô ?

 

Ỏ khu chợ nhỏ ven lộ có một quán nước có bán cà phê, một quán hớt tóc, một đồn công an, một trụ sở xã, một bưu trạm ... Nghĩa là có đủ điện -đường - trường - trạm và có một anh chàng tên Thìn,  tóc dài thậm thượt, có vẻ là thầy giáo bỏ việc hay nghệ sĩ thất nghiệp gì đó, là người nghiện báo, thường xuyên đến bưu trạm lấy báo từ dưới xuôi gởi lên. Không biết vì quá bận hay không biết chữ, mà mọi người xung quanh chẳng ai mượn báo để đọc.Có lần ở quán nước, Thìn đọc tin có liên quan đến kiểm lâm, lâm tặc thì bị mọi người xí xà phản đối, không muốn nghe. Ngay cả tin thầy giáo đổi điểm lấy tình, giám đốc hiếp nhân viên, thì người ta cũng xem như là chuyện trên trời, chẳng có một lời bàn luận. Thìn chỉ đọc báo một mình.

 

Nhưng kể từ khi con báo xuất hiện đến nay thì anh bưu tá không thấy đến và anh chàng tóc dài mê báo có tên là Thìn cũng không đến bưu trạm.

 

Người ta nói con báo có tài xuất quỷ nhập thần. Nó có khả năng tàng hình như ma, độn thổ cũng giỏi, đằng vân cũng tài. Trong nháy mắt nó có thể xuất hiện , xiết cổ bất cứ ai nhắc đến tên nó. Chỉ cần nói " báo" là chết ngay tại chỗ. Dần dà người ta cữ luôn mọi cụm danh từ có từ báo như báo cáo, dự báo thời tiết . Cha mẹ không chửi con là đồ báo hại, báo cô, báo đời. Người ta cũng cữ luôn tên gọi động vật hoang dã ăn thịt khác như beo, cọp, hổ, chó sói bởi chúng là bạn bè, thường chơi với nhau. Nghe giống như chuyện thời chống khủng bố, cứ ai mở miệng nói tiếng " bom" hoặc " chất nổ " thì được mời ngay vào bót mà ngồi.

 

Lúc đầu Thìn không tin. Anh ta thuyết phục vợ rằng chẳng qua bọn giữ rừng muốn rảnh rang để chuồn về ngủ với vợ nên phao tin đồn nhảm. Nhưng rồi hằng ngày hắn bị vợ hắn thuyết phục ngược lại bằng những bằng chứng không thể chối cãi được mà chị ta nghe kể như là dấu chân, cục phân, tiếng gầm... của con báo.

 

Người dân quanh khu thị trấn chuyên sống nhờ rừng nay không vào rừng được, đời sống của họ đang gặp khó khăn. Một nhóm thanh niên thường ngày vào rừng đốn cây làm củi bán độ nhật thì nay tập trung ở quán nước uống cà phê, bực tức chưởi thề gây gổ lẫn nhau, nhưng không đứa nào dám chửi con báo. Nghe quán có người đông, Thìn bớt sợ, mang báo cũ ra quán ngồi đọc. Thấy Thìn đang đọc báo , một đứa giận dữ la lên : Vứt cái thứ chết tiệt đó đi, không thì chết cả đám. Một thằng khác nhào tới giựt phăng tờ báo, bật quẹt đốt ngay. Hình như ngọn lửa kích thích sự phẫn nộ, cả bọn xông vào đánh Thìn tới tấp. Thìn bỏ chạy về nhà, uất ức không thể tả, nằm liệt mấy ngày mới dậy được.

 

Một chiều lúc chạng vạng,có hai vợ chồng đi làm về không tìm thấy đứa con gái năm tuổi ở nhà liền hô hoán : Chằng tinh bắt con tui rồi, bà con ơi ! . Một nhóm đàn ông tức tốc đi tìm kiếm nhưng nhanh chóng trở về nhà vì đêm tối là lúc con báo hoạt động, không chừa một ai. Đêm ấy , nghe nói có người thức khuya để nghe ngóng xem con báo có xuất hiện ở nhà Thìn không, nhưng chỉ nghe hắn ta ú ớ như mọi hôm. Sáng sớm hôm sau khi hai vợ chồng còn ngủ thì nghe tiếng con bé khóc ngoài cửa, kêu đói. Thì ra nó rúc vào đồng rơm ngủ suốt đêm.

 

Không có báo để đọc, không dám ra khỏi nhà vì sợ con báo đã đành, còn sợ mấy thằng tiều phu đuổi đánh, Thìn trút sự bực tức lên vợ con. Hắn thường la mắng vợ con vô cớ. Vợ Thìn kể với người hàng xóm hầu như đêm nào anh ta cũng nói mớ , kêu "báo, báo", không biết là báo gì, rồi sau đó vùng vẫy như là đang bị con báo xiết cổ, đạp hết vợ con, mền chiếu xuống đất. Vợ Thìn, mặc dù sợ báo, cũng phải trải ni-lông xuống đất ngủ riêng. Hàng xóm, nghe chuyện, hoảng sợ vì nếu con báo nghe được thì nó sẽ đến ăn thịt cả xóm.Họ bàn với nhau làm sao cho Thìn hết ngủ mớ kêu báo. Dần dà rồi cả thị trấn làng mạc quanh đấy đều biết chuyện đêm nào Thìn cũng kêu báo. Không ngày nào mà không có người đến đe doạ. Chuyện chi trên đời nầy cũng có thể tự kiềm chế chứ chuyện ngủ mớ thì đến thánh cũng phải chịu. Để tránh ngủ mớ, Thìn phải thức suốt đêm và ngủ suốt ngày. Thế nhưng ngủ ngày hắn ta cũng mớ và mớ to hơn, và lúc ấy hàng xóm đều thức nên ai cũng nghe được. Thìn gầy rộc như con mắm , nước da xanh xao, vàng võ vì mất ngủ. Thần kinh bắt đầu có vấn đề. Trí nhớ chập chờn , lúc tỉnh lúc mê.

 

Người ta đồn Thìn bị ma ám. Vợ Thìn mời một ông thầy đến cúng nhưng bị Thìn rượt đuổi chạy.

 

Một sáng nọ Thìn tỉnh giấc thì nhận thấy tay chân mình bị trói chặt vào một băng-ca. Ở hai đầu giường là hai nam y tá lực lưỡng mặc áo bờ-lu trắng. Thìn gọi vợ nhưng không nghe tiếng trả lời. Người ta khiêng Thìn bỏ vào xe cấp cứu và chở đi. Hỏi cả thị trấn và dân làng quanh đó không ai biết Thìn được chở đến bệnh viện nào. Người ta trở lại vui vẻ như vừa vứt đi một của nợ. Họ lại vào rừng chặt cây làm củi, bẻ măng , tìm nấm mặc dù chẳng có thông báo chính thức nào về việc con báo không còn xuất hiện.

Nguyễn Khắc Phước
Số lần đọc: 2207
Ngày đăng: 17.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những người đàn bà ở bến sông - Vũ Minh Nguyệt
Romeo của trần thế - Minh Thuỳ
Làm từ thiện - Hồ Việt Khuê
Năm mười mười lăm hai mươi! - Đỗ Thư
Chuyến đi săn cuối cùng - Sương Nguyệt Minh
Cái chết của một danh tướng - Sâm Thương
Cu Tí - Huỳnh Văn Úc
Giữa tiếng gió ngàn - Hoàng Nhật Tuyên
Tình người - Khaly Chàm
Dáng mộng (1) - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Con báo (truyện ngắn)
Chim chào mào (truyện ngắn)