Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.150.816
 
Tiếng đàn kìm
Nguyễn Minh Phúc

Chuyến xe đò sáng nay đưa tôi về quê mẹ. Đây là chuyến về quê sau hàng chục năm trời xa cách. Tôi giờ là cô bé mười tám tuổi nhưng đã phổng phao với mái tóc đuôi gà và vóc dáng lênh khênh của một thiếu nữ. Về quê lần nầy tôi cố tìm thăm người mẹ yêu tha thiết nhưng lại bỏ đi lấy chồng biền biệt, không lần nào trở lại thăm quê. Quê mẹ vùng châu thổ, sông nước chằng chịt, phải đi xe đò mấy chặng rồi mới xuôi ghe quá giang theo hàng chục con kinh rạch lớn nhỏ, nhấp nhô tràm đước len lỏi mọc ken dày từ phía bờ sông.

 

Ngày còn trẻ, mẹ yêu người ấy đến nỗi phải chịu những trận đòn roi của ông ngoại, những lời giận dữ ngọt lạt thậm chí chửi mắng chua chát của bà ngoại. Mẹ yêu mà không lấy được chỉ vì người ấy nghèo, nghèo lắm. Nghèo nhưng tiếng đàn kìm thì không thể nào mẹ quên. Sáng hôm về quê, mẹ còn dúi vào tay tôi một chiếc phím đàn cũ làm bằng sừng trâu theo thời gian đã bạc phếch. Đó là di vật cuối cùng của người ấy tặng cho, mẹ nói và rưng nước mắt.

 

Mối tình của mẹ và anh Kiệm ai trong làng cũng biết. Người ta thắc mắc không hiểu sao cô con gái xinh đẹp nhất làng, con nhà giàu nức vách lại yêu anh chàng nông dân nghèo rớt mồng tơi như anh Kiệm hồi đó. Đến lúc mẹ bỏ anh Kiệm theo chồng về thành phố thì hàng xóm mới ngã ngửa, té ra mẹ chẳng yêu thương gì anh mà chỉ mê tiếng đàn kìm.

 

Nhưng điều ấy tôi cũng chỉ nghe người khác nói lại. Mẹ lấy ba là do sắp đặt của ông ngoại. Ba tôi hồi đó làm chủ cửa hàng bán sắt thép trên thành phố, là con trai út bạn ngoại. Chỉ gặp nhau vài lần, ngoại và ông bạn đã hứa làm sui. Đám cưới diễn ra hoành tráng sau khi chàng rễ tặng nguyên số sắt thép xây nhà cho ngoại và bà mối từ thành phố xuống coi mắt con dâu. Mẹ tôi ngày sắp theo chồng về chợ cứ ngơ ngơ ngác ngác, suốt mấy đêm không ngủ chờ nghe lại tiếng đàn kìm của người yêu mà không được. Trái tim mẹ tan vỡ theo từng bước chân ngập ngừng lên chiếc xe hoa sang trọng với người chồng giàu có nhưng mẹ không hề yêu thương …

 

*

Đêm đầu tiên ở nhà ngoại tôi không ngủ được. Phần lạ chỗ, phần nửa đêm từ đâu vọng lại tiếng đàn kìm. Tiếng đàn ngân dài não nuột, như bày tỏ nỗi nhớ thương day dứt, niềm hoài niệm khôn nguôi. Có điều gì nôn nao làm tôi chập chờn thao thức, lòng bồi hồi bảng lảng theo từng làn thanh âm rã rời thao thiết. Tôi ngồi dậy khêu to ngọn đèn hột vịt rồi bước ra sân. Đêm miền quê yên tĩnh lạ. Chỉ nghe tiếng sóng vỗ ì  ộp, đàn cá quẩy nước trước nhà, cành lá dừa lạo xạo cọ quẹt theo từng ngọn gió chướng từ bờ sông thông thống tràn qua. Tiếng đàn ngân nga làm tôi mơ hồ nghĩ đến người đàn ông mẹ bao năm đau đáu hướng về. Không hiểu mẹ lấy đâu ra nghị lực trông vời một tình yêu mơ hồ như thế.

 

Nhưng điều tôi biết chắc là mẹ không hề yêu ba. Từ ngày về thành phố phồn hoa, rực rỡ ánh đèn, mẹ vẫn buồn thiu, âm thầm ra vào ngôi nhà to lớn, sang trọng như chiếc bóng. Đứa con gái duy nhất là tôi đêm nằm bên cạnh thỉnh thoảng lại nghe mẹ thở dài. Ba tôi hầu như suốt ngày không ở nhà và nếu có thì lần nào cũng say khướt, đập phá đồ đạc, hành hạ mẹ bằng nhiều đêm thức trắng. Những lời đay nghiến, mỉa mai, trách móc sao vô phước gặp mẹ để rồi không có lấy một ngày hạnh phúc như điệp khúc ông lải nhải nhằn nhừ trong cơn say ngật ngưỡng.

 

Mẹ chỉ im lặng nghe, im lặng khóc. Thể như mẹ sống cuộc đời của người khác. Thở bằng hơi thở ngươi khác. Nằm bên mẹ hàng đêm, tôi cũng miên man thổn thức cùng nỗi đau của mẹ.

 

Ba tôi càng ngày càng nát rượu và vắng nhà nhiều hơn. Ba biết mẹ không hề yêu ba. Lá gan ba ngày càng xơ xác như chính tâm hồn ông. Đến khi tôi mười tám tuổi, ba sống dật dờ, lây lất trong men rượu cho đến ngày mất. Kể cũng tội nghiệp ông nhưng làm sao hơn. Trái tim mẹ như đóng băng không cách nào phá vỡ được .

 

…Tôi ngồi thẩn thờ trong sân nhà ngoại nghĩ mông lung, mắt hướng về bờ sông trước mặt. Hình như tiếng đàn phát ra từ phía đó. Không biết tiếng đàn của ai? Sao lại ngẫu nhiên bật lên trong đêm nay, ngày tôi về quê tìm thăm người của mẹ? Hệt những gì mẹ kể tôi nghe về âm thanh của tiếng đàn kìm : Day dứt, nuối tiếc, nhớ nhung, trách hờn, tủi phận… Âm thanh sâu lắng ngân xa, tiếng đàn cứ lan ra, như xoáy, như đâm vào lòng người nỗi nhớ, niềm thương, thân phận đời cô đơn bất hạnh.

 

Không cách gì tôi dỗ lại giấc ngủ được dù đã cố hết sức.Vẳng bên tai, thì thầm trong đêm sâu vẫn là tiếng đàn kìm khắc khoải. Tôi cố trông trời sáng. Nhất định tôi sẽ hỏi ngoại về chú Kiệm, về tiếng đàn đã theo mẹ tôi đăng đẳng mấy mươi năm trời âm ỉ. Trái tim mười tám tuổi mách bảo tôi điều gì ẩn khuất sau tiếng đàn đau thương quay quắt ấy!

 

 

 

Tôi thức dậy lúc trời sáng bảnh mắt. Không biết tôi đã chợp mắt lúc nào, tiếng đàn còn vẳng bên tai. Sau khi đánh răng rửa mặt xong, câu đầu tiên tôi hỏi ngoại là tiếng đàn bên kia sông hồi tối. Ngoại tôi giờ lẩn thẩn, hỏi mãi bà mới nhớ ra:

- Cái gì? Tiếng đàn… Thằng Kiệm… Để tao nhớ coi! Thằng Kiệm nào? Hay thằng Kiệm đàn kìm ngày xưa bên sông. Có thời mẹ mầy mê tiếng đàn của nó, đêm nào cũng trốn tao và ông ngoại chèo đò qua sông.  Mà nó nghèo kiết xác con ơi! Bởi vậy tao đâu có gả con cho nó. Sau đó ông ngoại bắt mẹ mầy lấy chồng mút miệt thành phố mới yên chuyện…

- Còn người đánh đàn khi tối là ai, hở ngoại. Chú Kiệm giờ ở đâu? Tôi hỏi đi hỏi lại mấy lần ngoại mới hiểu. Bà giờ lãng tai lắm rồi.

- À ! Đó là thằng Cần, con thằng Kiệm. Mẹ mầy lấy chồng được vài tháng, thằng Kiệm cũng lấy vợ – đâu như con bán ve chai đầu xóm – sinh ra thằng Cần. Sau đó, không biết sao thằng Kiệm ngã bịnh, buồn rầu sinh tật uống rượu. Mấy năm sau nó mất. Đám ma nó nghèo không có lấy cái hòm, hàng xóm phải góp cho. Tội nghiệp cái thằng! Đời nó trước sau không được bộ đồ lành lặn. Đến khi chết gia đình cũng kiếm không nổi chỗ đặt lưng. Gia tài độc nhất là chái tranh dột nát và cây đàn kìm củ kỹ. Bà thở dài chép miệng.

- Giờ họ sống ra sao , hả ngoại. Tôi băn khoăn hỏi .

- Sau khi thằng Kiệm mất, con vợ dắt thằng Cần lên phố ở đợ. Được mấy năm, thằng Cần lớn thì nghe đâu mẹ nó cũng qua đời vì làm việc kiệt sức. Vậy là thằng Cần mồ côi, lại về căn nhà dột xưa làm mướn tới giờ. Ủa, ngoại tôi bấm đốt tay nhẩm tính, năm nay nó cũng trạc tuổi mầy rồi còn gì …Mười bảy, mười tám thì phải …

 

Nghe mà chua xót quá. Kiếp người sao nhiều cay đắng! Không biết sao trời cứ vận cảnh khổ vào những người mà hoàn cảnh éo le và tiếng đàn bi thương cũng đủ làm họ đau đớn lắm rồi. Lại nhớ đến mẹ tôi. Tình yêu mẹ hai mươi năm vẫn xao xác vì tiếng đàn kìm, vì một người mẹ không thể nào quên được …

 

*

 

Cơm chiều xong, tôi quyết định nhờ thằng cháu bơi xuồng  qua sông, chỗ tôi nghe tiếng đàn kìm vọng lại tối qua. Tôi cũng muốn gặp Cần, người mà ngoại tôi kể là giống cha như đúc, từ gương mặt đến tiếng đàn bi thương, khắc khoải. Câp xuồng vào bờ rồi mà tôi chưa tin vào mắt mình. Trước mặt tôi là một chòi lá xác xơ, chung quanh trống hoác, không gọi là gì được. Một người thanh niên đen nhẻm nhưng khoẻ mạnh, đôi mắt sáng và mái tóc húi cua từ trong chòi lá bước ra, mắt đăm đăm nhìn tôi vừa ngạc nhiên vừa e ngại. Cần đây sao ? Bản sao của người đàn ông làm mẹ tôi đau đớn gần hai mươi năm trời đây sao ? Tôi cũng e dè nhìn anh, ngập ngừng vì chính sự đường đột của mình khi bất ngờ đến đây mà không báo trước :

- Chào anh ! Tôi … Tôi… là cháu bà Tư nhà bên kia sông, từ thành phố xuống đây thăm ngoại. Hồi tối nghe tiếng đàn hay quá nên hôm nay tôi mạo muội đến đây cho biết. Anh có phải là người đàn kìm khi hôm …

 

Người con trai bối rối nhìn tôi trước khi ấp úng mãi mới thành lời. Trông anh ta chân chất với khuôn mặt vuông vức và giọng nói rời rạc:

-    Dạ … Tôi tên Cần … Mời cô vô nhà chơi! Tôi biết rồi … Phải cô là con gái… dì Hai, con bà Tư bên sông. Nói không phải cô bỏ qua … Nghe dì  Hai ở thành phố có chồng giàu lắm. Là do cha tôi nói lại, cha còn nói người ta mặt đẹp vậy chứ tham vàng bỏ ngãi. Cha tôi mất rồi, đâu lúc tôi chín, mười tuổi …

Tôi đứng lặng hồi lâu mới lên tiếng :

- Tôi… tôi xin lỗi đã làm anh buồn …Mà … anh…Cần. Anh làm ơn nói cho tôi nghe về người cha với tiếng đàn kìm đã làm mẹ tôi mê mẩn hồi đó đi anh?

 

Như chạm vào nỗi đau nào đó, sau khi biết chắc tôi là con gái của mẹ, Cần mới ngậm ngùi kể:

- Cô biết không, sau khi dì Hai lấy chồng, cha tôi như điên dại. Ông đau một trận thập tử nhất sinh, may nhờ cô bán ve chai đầu chợ chăm sóc cật lực nên mới thoát cơn hiểm nghèo, sống sót. Rồi sau đó, cảm cái nghĩa cái ơn, cha tôi sống với mẹ rồi sinh ra tôi. Nhưng cũng vì không thể yêu ai được ngoài cô Hai nên ông đau đớn buồn khổ, tìm men rượu giải sầu cho tới khi mất. Còn cây đàn kìm, từ ngày cô Hai lấy chồng cho đến phút lâm chung, cha tôi không hề đụng tới. Đến khi tôi lưu lạc trở về vẫn còn thấy nó nằm đây, trong căn chòi dột nát nầy. Những lúc buồn, tôi mang cây đàn ra chơi cho khuây khoả. Mấy bài mà cô nghe hồi tối tôi đàn cũng là do cha tôi chép lại. Chỉ tiếc không còn cái phím.

 

Tôi lặng người nghe Cần kể chuyện. Anh đâu biết mẹ tôi cũng đã đau đớn thế nào trong suốt hai mươi năm vì mối tình dang dở. Nhưng giờ thì làm gì được?  Tôi đến đây mong tìm gặp người xưa của mẹ. Giờ người ấy mất rồi, mọi chuyện cũng kết thúc. Trả lại cho Cần phím đàn đã ố vàng vì thời gian, tôi bùi ngùi khẽ nói:

- Mẹ tôi gửi lại! Đây là vật của cha anh tặng mẹ tôi khi hai người còn yêu nhau. Mong anh nhận để hiểu tấm lòng mẹ tôi! Hai mươi năm  mẹ chỉ yêu một người. Người đó là cha anh …

Cần rưng rưng nước mắt. Tôi cũng nghe miệng môi mình mặn chát. Lãng đãng trong không gian quạnh quẽ, buồn hiu của buổi chiều vùng sông nước là tiếng gió bời bời, tiếng sóng vỗ lách tách bờ sông, tiếng chim vịt kêu lên buồn thê thiết…

 

Hai chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau và hai tiếng thở dài cùng buông ra một lúc.

Tôi bước vào chòi lá xác xơ cầm cây đàn kìm củ kỹ từ chiếc bàn thờ lạnh tanh không hương khói của chú Kiệm. Hai sợi dây đàn song song nằm trên mặt đàn tròn vành vạnh như cứ mãi quấn quít, không rời xa nhau, cung bổng cung trầm, khi ngân nga cứ vọng lên làn âm thanh buồn đứt ruột.

Như thương cảm hoài mối tình không thành của những người tha thiết yêu nhau….

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 3668
Ngày đăng: 18.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con báo - Nguyễn Khắc Phước
Những người đàn bà ở bến sông - Vũ Minh Nguyệt
Romeo của trần thế - Minh Thuỳ
Làm từ thiện - Hồ Việt Khuê
Năm mười mười lăm hai mươi! - Đỗ Thư
Chuyến đi săn cuối cùng - Sương Nguyệt Minh
Cái chết của một danh tướng - Sâm Thương
Cu Tí - Huỳnh Văn Úc
Giữa tiếng gió ngàn - Hoàng Nhật Tuyên
Tình người - Khaly Chàm
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)