Nếu nghệ thuật là biến xấu thành đẹp đẹp thành xấu, đúng thành sai sai thành đúng trước tiên để mà chơi thôi chứ không vì chủ đích thực dụng nào cả, thì nghệ thuật thứ bảy hay Điện Ảnh là một nghệ thuật cao độ. Và nếu điện ảnh là nghệ thuật tột đỉnh thì người nghệ sĩ của điện ảnh - cả diễn xuất và đạo diễn - cũng là người nghệ sĩ tột đỉnh vậy. Họ là ngôi sao của những ngôi sao, là vì sao sáng của những vì sao sáng. Marlon Brando là ngôi sao sáng vừa tắt. 80 tuổi thọ, thế cũng đủ rồi. Nhưng những gì Marlon Brando đã làm về cả hai phương diện diễn xuất và cuộc sống, về cả hai phương diện nghệ sĩ và con người, có lẽ còn to lớn hơn dài lâu hơn chính tuổi thọ của ông.
Ra đời năm 1924 ở tiểu bang Nebraska, Brando mới đầu dự tính theo đường binh nghiệp. Ông nhập trường võ bị Shattuck ở Minnesota, nhưng ông không thỏa hiệp nổi với những đòi hỏi của những con người máy thi hành trước khiếu nại sau nên ông bị tống cổ khỏi trường.
Con đường sân khấu và diễn xuất mở ra trước mặt ông trong lúc điện ảnh Mỹ đang loay hoay với những phim cao-bồi hoặc những phim trinh thám tẻ nhạt mà hành động và phản ứng của nhân vật trong phim ai cũng có thể đoán trước được. Anh hùng cao-bồi bao giờ cũng chiến thắng vinh quang mã thượng, thanh tra cảnh sát là những ông thánh có súng có còng, thổ dân da đỏ hay Mễ Tây Cơ là những thú hoang man rợ, bọn đầu trộm đuôi cướp bao giờ cũng bị trừng trị đích đáng. Tài nghệ diễn xuất của Brando đã là luồng gió mới thổi vào môi trường nghệ thuật sân khấu và màn bạc đang loay hoay chưa có đường thoát đó. Theo nhân sinh quan cổ điển Tây phương, con người mang hình ảnh của Thượng Đế sáng tạo nên không thể xấu được. Con người không xấu không ác, chỉ có ma quỷ xấu ác thôi. Dưới ảnh hưởng của nhân sinh quan ấy, sân khấu và màn ảnh tạo ra hai hạng nhân vật thiện ác xấu đẹp rạch ròi như đen với trắng, như ngày với đêm, nhưng cũng là những nhân vật khuôn sáo siêu nhân hời hợt bất thực xa lạ với cuộc đời. Diễn xuất của Brando là trình bày những bộ mặt thật, những con người thật, những nhân vật thật, thật đến độ sống sượng sững sờ.
Brando khởi đầu nghiệp dĩ trên sân khấu. Năm 1943, Brando đến New York và được cặp Lee Strasberg và Stella Adler nhận truyền thụ giáo cho một kỹ thuật diễn xuất mới - gọi là Phương pháp diễn xuất Stanislavsky - giúp cho diễn viên lột tả được những nội lực những đam mê, những tình cảm rất sâu đậm mà cũng rất thực.
Năm 1947, tên tuổi Brando vụt chói sáng với vở kịch Chuyến Tàu Điện Tên Desire(A Streetcar Named Desire) của một trong những nhà viết kịch tài ba nhất nước Mỹ là Tennessee Williams. Trong vở kịch này, Brando đóng vai Stanley Kowalski, một người chồng tên bất bình thường. Đây là vở tuồng thứ ba của Brando từ khi nhập tịch thủ đô kịch nghệ Mỹ Broadway.
Địa vị của Brando đã được cũng cố vững vàng hơn và chuyển sang một hướng mới khi Brando được thiên tài điện ảnh là đạo diễn Elia Kazan cho giữ nguyên vai cũ trong vỡ kịch được dựng thành phim năm 1951. Eliza Kazan đã bị Thượng Nghị Sĩ Joseph McCarthy với chiến dịch điên cuồng truy lùng công sản nằm vùng hành cho tan tành sự nghiệp và thân bại danh liệt.
McCarthylà một TNS Cộng Hòa thuộc phe bảo thủ cực đoan. Năm 1950, trong lúc Chiến Tranh Lạnh đang hạ xuống độ thấp nhất thì McCarthy tung ra nguồn tin là ông có một danh sách 200 tên cộng sản nằm vùng trong Bộ Ngoại Giao. Tuyên bố của McCarthy khởi đầu cho một chiến dịch truy lùng cộng sản nằm vùng trong chính quyền và trong giới văn nghệ sĩ khiến cho nhiều người chết lên chết xuống, trong đó có Elia Kazan vốn đã nổi tiếng tiến bộ cực đoan. Năm 1954, hết truy lùng công chức và văn nghệ sĩ, McCarthy quay sang Bộ Quốc Phòng và bị phản ứng. Người ta khám phá ra rằng đám McCarthy đã nguỵ tạo hồ sơ để hảm hại những người không chịu thần phục hay chống đối. Phong trào McCarthy lịm dần từ đó và tắt hẳn khi McCarthy từ trần năm 1957. Trong Anh ngữ, McCarthyism đồng nghĩa với chụp mũ, vu cáo, hay tố cáo vô bằng cớ.
Kazan cũng là đạo diễn của hai phim đã là cho tên tuổi của Brando trở thành bất tử đó là Viva Zapata! năm 1952 và Trên Bên Cảng (On the Waterfront) năm 1954. Kazan cũng là người đã khám phá ra thiên tài điện ảnh vắn số James Dean với phim Phía Đông Vườn Địa Đàng (East of Eden) 1955. Thái độ và lập trường chính trị về sau này của Brando phần nào có lẽ bắt nguồn từ quan hệ của Brando với Elia Kazan. Tiếng tăm và danh vọng của Brando sau này đã làm cho những lập trường và quan điểm của Brando về các vấn đề chủng tộc, xã hội, môi sinh, chính trị càng làm cho nhiều người phải chú ý không thể bỏ qua. Trước hết và trên hết, Brando l2 một người tranh đấu không biết mõi mệt cho sự tồn sinh và quyền lợi của thổ dân ở Mỹ
Năm 1954, Brando được giải Oscar về diễn viên xuất sắc trong vai Terry Malloy, một kẻ dám đương dầu với quyền lực áp bức trong phim Trên Bến Cảng. Các nhà phê bình điện ảnh sau này đã nói rằng qua vai trò của Terry Malloy, Brando thực sự muốn nói là mình không ngại chống lại những thế lực ngán trở đà sáng tạo nghệ thuật của Hollywood. Cũng đừng quên là 1954 McCarthy vẫn còn làm mưa làm gió ở Mỹ và riêng Hollywood.
Thập niên 60, tài năng của Brando như khựng lại, và kép theo những khó khăn về tiền bạc nữa. Brando có lúc đã trở nên khó tính, cau có gắt gỏng. Chẳng hiểu vì Hollywood khnôg hiểu nổi con người Brando, hay vì Brando không tìm ra được một đạo diễn đủ tài ba giúp Brando nói hết những điều muốn nói?
Năm 1972, nữ thần nghệ thuật lại mĩm cười với Brando khi ông cộng tác với thiên tài điện ảnh khác là Francis Ford Coppola để làm phim Bố Già (Godfather) được coi là một trong những phim hay nhất – và Brando là diễn viên xuất sắc nhất - của thế kỷ 20. Brando cũng được Coppola điều động trở lại năm 1979 để xuất hiện trong phim Tận Thế Là Đây (Apocalypse Now) một phim chống chiến tranh Việt Nam rất nổi tiếng. Bố già đem lại cho Brando thêm một giải Oscar về diễn viên xuất sắc nữa. Nhưng cũng như J.P. Sartre đã chối từ cái danh vọng tột đỉnh của người cầm bút là giải Nobel văn chương năm 1964 vì cho đó là một trò đùa khệnh khạng, Brando cũng đã chối từ giải Oscar để phản đối lối nhìn người thổ dân Da Đỏ sai chậy lệch lạc của Hollywood. Brando đã ủy nhiệm một người gốc thổ dân, cô
Sasheen Littlefeather đến dự lễ và tuyên bố chối từ giải Oscar để phản đối Hollywood đã không khách quan công bằng với người Da Đỏ. Năm 1992, Brando yêu cầu rút tên mình ra khỏi phim Khai Phá (The Discovery) trong đó Brando thủ vai Torquemada một chánh thẩm phiên tòa xử kẻ ngoại đạo giáo vì lý do phim này đã không nói đến hành động tiêu diệt thổ dân của những kẻ đã khám phá ra Mỹ châu.
Trầm trọng hơn nữa là trong thập niên 90, Brando đã gồng mình tố cáo người Do Thái thao túng truyền thông và Hollywood. ‘Người Do Thái điều khiển Hollywood, làm chủ Hollywood, người Do Thái nên tỏ ra thông cảm hơn với những người đang đau khổ.’ Brando đã tuyên bố như thế với Larry King trong chương trình phỏng vấn của CNN phát hình hôm 5/4/1996. Brando bị tố ngược là bài Do Thái khiến Brando phải lên tiếng tạ lỗi. Để trả lời cho những tố cáo của Brando trên CNN, tạp chí American Moment được coi là một tạp chí của người Do Thái số tháng 8/1996 đã đưa ra chủ đề: Ừ, Do Thái điều khiển Hollywood đó - Ai làm gì được nào? (Jews Run Hollywood – So What?)
Sau lần va chạm với người Do Thái đó, quan hệ của Hollywood với Brando nhạt dần, cơ hội đóng phim cũng kém đi. Phim cuối cùng Brando đóng là phim Điểm Thắng (The Score) với Robert de Niro không được nói tới nhiều. Khó khăn bắt đầu chồng chất. Dù Brando được coi là một trong những ngưuời có lương cao nhất Hollywood thời đó. Chẳng hạng năm 1978, Brando đã xuất hiện không đầy 10 phút trong phim Superman với cái giá là 3 triệu 750 ngàn đô-la. Nhưng vì hào hiệp giúp đỡ những hoạt động xã hội từ thiện, mặt khác quen tiêu xài quá mức nên cuối đời Brando không khỏi chật vật vì công nợ. Những kẻ không thông cảm với hoàn cảnh của Brando đã nói là chủ nợ xiếc gì cũng được, Brando chỉ sợ họ xiếc cái tượng vàng Oscar của mình mà thôi! Họa vô đơn chí, thảm kịch gia đình lại ập tới. Con trai của Brando phải đi tù vì mang tội giết người yêu của em gái, và cô này sau đó đã tự tử. Xuống tinh thần, Brando càng ngày càng phì ra và tìm cách chạy trốn con mắt thế nhân cho đến ngày từ giả cơi tạm mà ông đã đi qua suốt 80 năm như một tài hoa ngang bướng dám thách thức những thế lực mà Brando cho là đã ngán trở sự phát triển của nghệ thuật và tình tự giữa người với người.
Sống là gì, và sống để làm gì? Câu trả lời của Marlon Brando thật là rõ rệt: một cuộc chơi. Đã chơi thì phải có thắng bại, nhưng thắng hay bại thì cũng chỉ là một cuộc chơi. Brando từng nói: ‘Anh biết may mắn là gì không? May mắn là tin mình được may mắn, thế thôi. Để được luôn luôn về đầu trong cuộc đua ráo riết một còn một mất này, anh phải tin là anh may mắn.’ Không biết tôi đã nói hết điều Marlon Brando muốn nhắn gửi không, khi Brando nói nguyên văn thế này: ‘You know what luck is? Luck is believing you're lucky, that's all. To hold a front position in this rat-race, you've got to believe you are lucky’.
May mắn là tin mình may mắn? Chỉ tin như vậy thôi cũng đủ trần thân một đời. Chỉ tin như vậy thôi cũng đủ mạnh dạn nhào dô chơi rồi. Tại sao không? Phải chăng vì thủ cho kỹ vào, hay lạnh cẳng không chơi, thì rồi cũng vậy thôi? Đường một chiều, đâu có U TURN được, phải không!?