Bẵng đi mấy ngày lo sắm tết không lướt Web, ngồi vào bàn máy gõ phím, chợt đọc dăm tờ báo cùng lúc đưa tin Nhà nước đặc xá cho hơn 15 ngàn phạm nhân về ăn tết Kỷ Sửu, thấy nhẹ lòng bởi nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến được nằm trong số ấy.
Nhưng sao thế nhỉ? Trong tôi cứ thấy nghèn nghẹn bởi hàng tít in đậm mấy chữ “nguyên nhà báo Nguyễn Việt Chiến”! Nguyên là thế nào? Người ta thường viết hoặc nói ai đó trên đời này là nguyên Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng, nguyên Chủ tịch UBND… hay trong làng báo là nguyên Chánh, Phó TBT. Đơn giản vì đằng sau chữ nguyên kia là sự mất đi một chức vụ, quyền lực, mà sự còn mất ấy vốn là lẽ tự nhiên ở cõi người.
Với Nguyễn Việt Chiến thì danh xưng nhà báo, nhà thơ của anh chỉ là một nghề như mọi nghề cũng là nỗi đam mê, là lý tưởng một đời của anh vĩnh viễn không thể mất, không ai có quyền tước đọat. Cho dù thẻ nhà báo rồi cả thẻ hội viên Hội nhà văn của anh biết đâu có thể mất cũng chẳng thể làm anh bỏ nghề.
Lúc đầu, khi đọc tin trên vietnamnet, tôi chỉ phỏng đoán rằng có lẽ cánh PV trẻ bây giờ lười nghĩ, dùng chữ văng mạng. Song khi gặp lại chữ nguyên kia trên báo Lao Động thì tôi nghĩ khác, bởi đây là tờ báo lớn, nổi tiếng là có đội ngũ BTV giỏi nghề, TKTS và TBT thuộc típ nhà báo có hạng. Vậy cái gì đang chờ Nguyễn Việt Chiến những ngày sau tết Kỷ Sửu? Vui đấy mà liệu có hết buồn!...
Tôi vẩn vơ suy ngẫm lung bung, tìm lại tên anh trên nhiều tờ báo có đăng tin đặc xá, càng thấy xót xa, nghẹn đắng vì người ta còn mở những “săm-pô” in đậm tên NVC bên cạnh những cái tên cộm cán như tội phạm tham nhũng Mai Văn Dâu, tội phạm hiếp dâm trẻ em Lương Quốc Dũng, trùm buôn lậu điện thoại di động Quang Thiều…Lại một sự vô tình, thiếu tế nhị của đồng nghiệp nữa chăng?
Ai mà biết được! Chỉ có điều cái tên MVD kia chợt gợi tôi nghĩ và nhớ một kỷ niệm trong nghề viết của mình cách đây vừa tròn một giáp (12/1996). Hồi ấy tôi viết bài ký “Câu lạc bộ các tỷ phú”dự thi trên báo Văn Nghệ và được giải. Trong tác phẩm ấy tôi học theo lối viết của hai ông vua phóng sự Bắc Kỳ ngày xưa (Tam Lang, Vũ Trọng Phụng), trong ký phải có truyện mới hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Vì thế nên tôi đã cho nhân vật “thăng hoa” bới móc nhau, lô bô kể ra nhiều mẩu chuyện ly kỳ về mánh lới làm ăn, thủ đọan móc ngoặc hay đút lót, tham ô ngay trên chiếu bạc hoặc trong khói thuốc “ba số” và men rượu ngoại ở một biệt thự lộng lẫy ven hồ Tây. Một trong những nguyên mẫu đắt giá, được tôi chế biến thành mẩu chuyện ly kỳ đầu tiên chính là ngài MVD vừa được vinh thăng Thứ trưởng, nhưng trước đó, khoảng năm 1991, khi còn làm TGĐ Naforimex, ông ta cùng với bà Th thọt đã dựng nên màn kịch siêu hạng trong quá trình thu mua, xuất khẩu lạc nhân cho hãng Sanofy của Pháp, chia nhau bộn tiền USD. Bài ký sau khi đăng số đầu tiên của tháng 1/1997 (số áp tết Đinh Sửu) đã gây xôn xao dư luận thời đó. Tôi đến 65 Nguyễn Du thăm anh Nguyễn Phan Hách đang làm PGĐ NXB Hội nhà văn, anh ghé tai tôi nói nhỏ: “Cậu viết kinh quá! Cẩn thận kẻo có thằng tìm cậu xin tí tiết.” Rất may tôi đã vô sự, tác phẩm được giải cuộc thi Ký- Phóng sự báo Văn Nghệ 1996- 1997. Bởi thế nên hôm nay tôi càng đồng cảm, quý trọng Chiến biết bao! Đọc tin đặc xá, tôi chợt nghĩ rồi… viết, vừa viết vừa ngẫm chuyện gần, chuyện xa…Chiến ơi!...
Hà Nội ngày táo quân chầu giời tết Kỷ Sửu