Tháng chín, khi mưa gió bắt đầu dầm dề ở kinh thành Phú Xuân, thanh trà cũng chín tới. Những trái thanh trà màu xanh như ngọc, bóng lẫy như đôi vú con gái dậy thì. Bên trong là những tép thanh trà mọng nước ngọt và mát.
Tối hôm nay, dinh Bùi thái sư mở tiệc mừng lứa thanh trà đầu mùa. Bàn tiệc đặt trước hiên dinh, dưới những đèn lồng vàng đỏ tỏa xuống thứ ánh sáng lung linh ấm cúng. Mặc cho mưa lai rai ngoài vườn, trong bàn tiệc vẫn chuốc rượu mê say. Chuyện thanh trà chỉ là cái cớ. Trong dinh Thái sư vẫn ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn, thôi đủ mọi lý do: khi hoa nở, lúc trăng lên, lúc mừng toàn chuyện vặt. Cái chính là trong các bữa tiệc này, Bùi thái sư và các quan đồng rơ gặp nhau để tính toán chuyện triều đình, chuyện vây cánh.
Mở đầu tiệc rượu bao giờ cũng là chuyện đọc thơ, bình thơ và họa thơ. Tội nghiệp cho văn học. Lẽ ra nó có chức năng trung thực và cao thượng thì trong dinh Thái sư nó chỉ phục vụ cho những lời nịnh hót. Rượu đi theo thơ. Mỗi lời nịnh là tiêu đi một chén rượu. Mỗi khi Bùi thái sư gật gù, vuốt râu thì mặt người nào cũng sáng lên. Lộc phúc mỗi người sẽ tới từ cái vuốt râu ấy.
Ngắm nghía từng người Bùi thái sư chợt hỏi:
- Tình hình bọn Dũng, Diệu hiện nay ra sao?
Chưởng cơ Trần Đại Thiên - người đang cai quản mấy vạn quân bảo vệ Phú Xuân, đặt chén rượu xuống, vòng tay thưa gởi:
- Võ Văn Dũng trấn thủ Bắc thành, tình hình ngoài ấy rất phức tạp, ông ta trăm công nghìn việc, thì giờ đâu mà nghĩ đến việc triều đình. Còn Trần Quang Diệu đóng quân Diên Khánh, đang lo tối mắt về chuyện Nguyễn Ánh cứ đem quân ra quấy nhiễu, hơi sức đâu mà nghĩ đến chuyện thái sư. Ngoài biên ải không có chuyện gì đáng lo. Chỉ có việc trong triều người đáng lo là Lê Văn Hưng.
Thấy Thiên nhận định đúng ý mình, Bùi thái sư rót ra một chén rượu thưởng. Rượu hôm nay, nồng đậm quá nhưng nghĩ đến Hưng, Bùi thái sư cảm thấy đắng. Thái úy Phạm Công Hưng và đại tư mã Ngô Văn Sở là hai tướng tài, song tính tình nhu hòa, xử sự theo hướng yên dân nên Bùi thái sư rất dễ chiêu dụ. Chỉ cần chức tước, bổng lộc. Còn Lê Văn Hưng xuất thân là đầu đảng trộm cướp, lại ít học nên tính tình ngay thẳng, cương trực. Không thể lấy vàng bạc, nhà cửa mua chuộc. Dù được cấp cho ngôi nhà ngói ba gian ven bờ sông Hương, Hưng vẫn sống rất giản dị. Nhà không có rèm che trướng phủ, tối không có đèn lồng, không có con hát. Hưng vẫn mê ba điệu hát bài chòi dân dã như ở quê nhưng kinh thành làm gì có. Thế là khác với các dinh quan khác, Hưng dẹp tuốt.
Hưng là người “không có tóc”. Thân phận là đứa bé mồ côi, lăn lộn ngoài giang hồ rất sớm. Bà con gần rất ít, nên Bùi Thái sư muốn ban ơn cất nhắc ban phẩm hàm cho họ hàng cũng không tìm ra người. Muốn đưa Hưng lên chức, Hưng nhún nhường từ chối bảo thân phận mình được như vầy là phúc rồi. Bổng lộc, danh lợi không màng thì Bùi thái sư biết lấy gì mồi, nếu không có mồi, làm sao câu được cá. Cả vài năm, Bùi thái sư trăn trở vẫn không tìm ra cách để chiêu dụ Lê Văn Hưng.
Nhưng cách đây hai tháng, Bùi thái sư đã tìm ra ánh sáng cuối đường hầm. Người đáng được thưởng khi đưa ra sáng kiến chính là thái giám Lý Tựu. Nguyên Tựu là người hầu hạ cho Bùi thái hậu. Tựu quê huyện Phong Điền, Phú Xuân, có dáng đi ẻo lả như đàn bà. Viên thái giám này có đôi mắt mỏng lét, nói chuyện dẻo quẹo, cặp lồng mày tỉa tót hình lá liễu như lông mày phụ nữ. Cặp mắt lươn của y luôn luôn liếc ngang liếc dọc. Lúc Bùi Đắc Tuyên còn là thị lang bộ lễ, Quang Toản chỉ mới lên mười, Lý Tựu đã bày kế cho Tuyên với danh nghĩa cậu ruột thường lân la vào cung bày trò vui cho Quang Toản. Nhờ đấy, khi lên ngôi vua Quang Toản đã cất nhắc vượt bậc Đắc Tuyên lên làm thái sư. Nhờ thế, Lý Tựu cũng được nhờ.
Lý Tựu cho Bùi thái sư biết xưa kia, trước khi đi ăn cướp, Lê Văn Hưng có quen với cô gái tên là Ngọc Bích, hai người đã từng thề non hẹn biển. Hưng đã trao nhẫn cho Bích và hẹn năm năm sau sẽ về cưới Bích. Hưng đi ăn cướp rồi sau đó theo Tây Sơn. Bích ở nhà chờ đợi mòn mỏi. Đã qua năm năm mà chưa thấy Hưng về, Bích buồn tủi cho rằng Hưng đã phụ tình nên nhịn ăn mà chết. Nghe được tin Bích chết, Hưng rất hối hận và đau khổ. Dù đi đông, đi tây, đánh nam, dẹp bắc nhưng Hưng vẫn không nguôi nhớ đến Bích. Hôm ở Diên Khánh, Hưng có tổ chức cầu cơ. Nghe nói Bích có hiện về báo cho Hưng biết 13 năm sau, cả hai sẽ hội ngộ. Chuyện ma quỉ có tin được không, hạ hồi phân giải. Nhưng năm nay đúng là 13 năm từ lúc Hưng cầu cơ. Đây là cơ hội cho chúng ta.
- Nghe ông nói, tôi không biết cơ hội gì. Chẳng lẽ chúng ta lại nắn lên một Ngọc Bích thứ hai?
- Một vạn cô gái cũng có hai người giống nhau. Cố công tìm, ắt là có. Chừng đó chúng ta trang điểm lại rồi cho diện kiến với Lê Văn Hưng. Ắt hẳn Hưng sẽ cho là hồn Ngọc Bích đầu thai vào cô gái này. Lê Văn Hưng sẽ rất biết ơn lão thái sư. Chừng đó chúng ta muốn sai biểu Hưng cái gì lại không được. Bọn giang hồ mà, chúng trọng tình hơn lí.
Bùi thái sư cười hà hà, vuốt râu:
- Ông quả là cao kiến. Thằng Hưng này rất giỏi võ nghệ. Một mình hắn với cây roi có thể đánh ngã hàng chục người. Nó theo phe ta, thằng nào đụng tới ta. Hà hà
Nghĩ đến chuyện này, Bùi thái sư chợt nhìn sang Lý Tựu. Gương mặt gã thái giám đỏ lên vì rượu đang vểnh tai chờ thái sư sai bảo.
- Nè ông Tựu, chẳng hay vụ tìm ra cô Ngọc Bích của ông tới đâu rồi?
Gã thái giám cất giọng cười the thé
- Thành công mĩ mãn rồi thái sư ơi. Công lao tôi bỏ ra năm tháng trời tìm từ nam chí bắc không uổng công. Cô này là con gái phú hộ Thâm ở Quảng Nam. Bảo đảm cô ta giống Ngọc Bích như hai giọt nước. Nhìn thấy, thằng Hưng chắc phải mê mẩn.
Bùi thái sư lại vuốt râu:
- Rồi ông sẽ được thưởng. Nghe nói 10 ngày nữa là Lê Văn Hưng giỗ song thân. Ông mau mau đem cô ta lại.
Đến đây, Bùi thái sư lại nâng ly rượu lên mời các quan. Những tiếng khà vang lên như xóa tàn màn mưa ủ dột ngoài trời.
*
Đối với các quan, ngày kị song thân bao giờ cũng tổ chức nổi đình, nổi đám. Trước hết là để khoe của, để rạng rỡ tông môn. Sau đó là để kết giao với giới quyền lực hòng có lúc nhờ đỡ. Song ngày giỗ cha mẹ của Lê Văn Hưng ngay tại kinh thành Phú Xuân lại rất đơn giản. Chỉ một vài mâm cúng và dăm ba bạn thân đồng triều.
Giữa lúc tiệc mới sắp sửa, gia nhân vào báo “có thái sư tới”. Hưng phải đích thân ra cửa nghênh tiếp và tự hỏi: mình không mời, ông ta tới phải có chuyện.
Đi theo Bùi thái sư, lúc nào cũng có Lý thái giám và Trần chưởng cơ. Hưng vòng tay tạ tội:
- Dạ, hôm nay là ngày kị song thân. Hiềm ở chỗ tổ chức đơn giản quá, không dám mời thái sư
Bùi thái sư cười, xua tay
- Không cần lễ nghĩa gì. Lão nghe đề đốc có ngày trả hiếu nên cũng đến đây thắp mấy nén nhang bày tỏ lòng kính trọng.
Lê Văn Hưng thét gia nhân bày tiệc rượu. Ngồi chưa nóng đít, Bùi thái sư nói:
- Hôm nay, lão muốn tặng đề đốc một món quà. Chỉ một cái búng tay của thái sư, ngoài cửa hai tỳ nữ hộ tống một giai nhân mặc áo xanh bước vào. Một mùi hương thoang thoảng. Cô gái có gương mặt bầu bĩnh, mái tóc đen tuyền xõa ngang vai, đôi mắt to, cái miệng nhỏ chúm chím. Lê Văn Hưng nhìn cô gái rồi thảng thốt
- Ngọc Bích, có phải em không?
Phải rồi khuôn mặt này chính là của Ngọc Bích. Giống hệt nhau như hai giọt nước
Thuở hai đứa cùng đi ở cho hai nhà cùng làng chỉ cách nhau một con sông. Sáng nào Hưng dắt bò qua sông để ăn cỏ bờ bên kia cũng gặp cô gái ngồi giặt quần áo ở bờ đá. Qua lại, lần nào cũng gặp nên Hưng buông lời làm quen. Ngọc Bích không trả lời chỉ cười. Một nụ cười có duyên, làm Hưng mê mẩn. Rồi một hôm, trong làng có hát bội, Hưng ngỏ lời mời Bích tối nay cùng đi xem. Ngọc Bích từ chối “Em không quen đến chỗ đông người”. Không tới chỗ đông người lần sau, Hưng hẹn Bích ở bãi dài. Một bãi cỏ xanh ngát với những cây phi lao cao vút. Nhưng Hưng tới chờ một đêm trăng, buồn ngủ muốn chết, cho mãi đến gần khuya, mặc cho muỗi cắn, vẫn không thấy bóng dáng Bích. Sáng hôm sau, vừa thấy Bích ở bến sông, Hưng vội lên tiếng trách, Bích lại khóc thút thít: “Em muốn ra lắm nhưng chủ không cho”. Hưng lại lên tiếng xin lỗi, dỗ dành.
Về sau, Hưng thấy thương Bích như thương một viên ngọc. Rất mỏng manh, dễ vỡ và dễ mất. Bích là một cô bé hay hờn giận và mau nước mắt. Nói mà không giữ lời. Giận. Hẹn đến trễ. Giận. Nói chuyện với người khác phái. Giận. Đùa quá trớn. Cũng giận. Khoảng thời gian mà Hưng kết thân với Bích bao nhiêu hờn giận và bấy nhiêu nước mắt.
Tính Hưng nóng nảy và cộc cằn, anh như lửa cháy còn Bích thì ủy mị yếu đuối, Bích như giòng nước mát. Bích làm cho Hưng mát mẻ và cân bằng. Giờ phút ngồi bên Bích, Hưng cảm thấy hạnh phúc. Nhưng Bích luôn luôn nghi ngờ. Hưng mới rụt rè nắm tay Bích, cô vội vàng rụt lại, hỏi với giọng gay gắt: “Anh đã nắm tay bao nhiêu cô gái rồi”. Hưng lúng túng gãi đầu “đâu có!”. Hưng nhận một cái nhéo vào bắp đùi: “Mới ngồi bên con gái, anh đã vội nắm tay. Anh kinh nghiệm trai gái lắm phải không?”. Hưng ngẩn ngơ không biết trả lời sao. Anh nào biết cô gái nào ngoài Bích. Anh chỉ yêu có mình Bích.
Cuộc cầu cơ 13 năm trước ở Diên Khánh đã ứng nghiệm. Bích đã hứa và bây giờ Bích đã y hẹn. Hưng nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay phải của cô gái. Anh thấy vết hằn của chiếc nhẫn trên ngón tay út. Đúng là trước khi theo Tây Sơn, Hưng có trao cho Bích chiếc nhẫn một chỉ coi như là lễ đính hôn. Bích đã đeo nó vào ngón út chứ không phải ngón kế út. Anh hỏi: “vì sao?, Bích trả lời: “Giàu út ăn, khó út chịu”. Hưng hẹn năm năm sau sẽ về cưới Bích. Nhưng phong trào Tây Sơn như vũ bão. Hưng đã theo Nguyễn Huệ đánh nam dẹp bắc quên cả thời gian. Anh không còn nhớ ngày trở về. Thế rồi ở nhà, Bích đã quyết định xa anh mãi mãi.
Nỗi xúc động tràn ngập trong tâm hồn viên võ tướng. Một viên dũng tướng võ nghệ cao cường của Tây Sơn bỗng rơi nước mắt. Tất cả mọi người kể cả Bùi thái sư đều mờ nhạt trước mắt Hưng. Anh quì xuống trước mặt cô gái. Cô gái đâm hoảng hốt. Còn Bùi thái sư nhoẻn miệng cười mãn nguyện “cá đã cắn câu”. Hưng vừa khóc vừa nói:
- Ngọc Bích, hãy tha tội cho anh.
Cô gái giống Ngọc Bích như tạc không hề biết Ngọc Bích là ai. Cô tên là Thiên Phúc là đứa con gái độc nhất của viên phú hộ xứ Quảng. Đúng như tên gọi, đứa con gái như lộc trời ban xuống cho gia đình lão phú hộ hiếm muộn. Thời nhà Nguyễn, lão còn ruộng đất nhưng Tây Sơn tới đã chuyển hầu hết của lão cho dân nghèo. Cuộc sống của lão trở nên đạm bạc hẩm hiu nếu không nhờ con gái lão mà Bùi thái sư đã ban cho tiền bạc và phẩm tước. Về tới dinh thái sư, Thiên Phúc đã trải qua thời gian học đi đứng, ăn nói cho đúng với hình ảnh Ngọc Bích. Nhưng trước thái độ quá ủy mị của Hưng, Phúc không biết làm sao, cứ nhìn Bùi thái sư cầu cứu. Bùi thái sư nhìn cô nháy mắt, gật đầu.
Bối rối trong giây lát, Phúc nói bằng một giọng nhỏ nhẹ (đã được tập luyện)
- Em đã đến đây rồi
Hưng ngẩng đầu lên
- Nghĩa là em tha thứ
Thiên Phúc khe khẽ gật đầu rồi hai tay nâng Hưng dậy. Hưng đứng lên khóe mắt vẫn còn mấy giọt nước mắt như gương đã vỡ lại lành.
Hai người đứng trước bàn thờ quì lạy song thân. Thế là Thiên Phúc đã về với Lê Văn Hưng.
Lần ân ái đầu tiên với Thiên Phúc đã đưa Văn Hưng lên tuyệt đỉnh cảm xúc. Đã bao lần hẹn hò với Ngọc Bích dù ở những nơi thanh vắng, chưa bao giờ Hưng ôm trọn người yêu trong vòng tay. Vì Bích luôn luôn giữ một khoảng cách trước anh. Cô luôn luôn nói “hãy chờ đợi cho đến ngày ấy”. Nhưng gần Bích, Hưng luôn bị quyến rũ bởi mùi hương con gái trinh nguyên, mùi bồ kết trên mái tóc. Xa Bích làm cho Hưng nhớ quay quắt. Nhưng chiến tranh là sống hay chết, mình không giết, kẻ địch sẽ giết mình. Vì thế nhiều lúc Hưng không còn nhớ đến Bích. Khi nhớ thì “gương đã vỡ” Hưng ôm hận và đáng tiếc. Bây giờ ôm Thiên Phúc, anh cũng bị cái gạt tay chiếu lệ. Rồi Phúc lăn vào anh một cách dữ dội. Nằm bên Phúc mà anh tưởng như nằm bên Bích. Bao nhiêu nhớ thương đã được đền đáp. Hưng ngấu nghiến, say mê như chưa từng có.
Hôm sau, thức dậy Hưng bàng hoàng. Bên anh là một mùi hương khác lạ, không phải là mùi bồ kết dân dã, thôn quê trước đây. Nhìn kĩ người con gái anh vẫn thấy được Bích. Dù là ai đi nữa, Bích đã đến đúng hẹn rồi.
Hôm sau, Hưng mang lễ vật đến phủ thái sư
Bùi thái sư tiếp anh với nụ cười đồng cảm:
- Tôi mừng cho ông tìm được người yêu
- Dạ đêm qua tôi như rồng gặp mây nhưng sáng ra thì áy náy không biết lấy gì trả ơn cho thái sư
Bùi thái sư lại vuốt chòm râu, nhẹ nhàng bảo:
- Ơn nghĩa gì đâu, chỉ cần đề đốc cư xử đúng mực là được
- Thế nghĩa là sao? Thái sư chỉ bảo thêm
- Trong triều có kẻ không ưa lão, nên nói bậy nói bạ, họ có lôi kéo ông, ông cứ giữ mực trung dung như xưa nay: trung với vua, hiếu với nước là được.
- Gì chứ chuyện đó, dễ quá. Tôi xin tuân lệnh thái sư
Bùi thái sư cười rung rung cả chòm râu. Như vậy mục đích ông đặt ra đã đạt rồi
Lúc bấy giờ, trong triều đình phân hóa làm hai phe. Một phe ra sức nịnh nọt Bùi thái sư. Phe này thuê bọn làm thơ, ngày đêm làm ra những bài thơ ca ngợi Bùi Đắc Tuyên như một ngôi sao sáng vì dân vì nước. Bọn làm thơ thì tự cao tự đắc coi thiên hạ như cỏ rác mà thực chất chỉ là bọn giòi bọ bám vào đống phân. Phe thứ hai rất bất bình trước cách cư xử của Tuyên nhưng phần lớn im lặng, chỉ có một số người phản kháng thì hoặc là cách chức, hoặc bị lưu đày. Những trung thần có tiếng nói ngược lại thì hôm sau nhận chiếu chỉ của Quang Toản nhẹ thì lưu đày, nặng thì cách chức.
Một hôm Trần Long Vĩ đến dinh đề đốc với bộ mặt căng thẳng. Y lấm lét nhìn chung quanh rồi hỏi nhỏ Hưng:
- Ông là tướng Tây Sơn, theo tiên đế chinh chiến khắp nơi mà thấy cảnh chướng tai, gai mắt ở triều đình mà ông cứ ngồi yên là sao?
Lê Văn Hưng nhìn trừng trừng vào Trần Long Vĩ:
- Tới nhà tôi chơi, đừng bàn chuyện triều đình. Tôi không muốn nghe đâu
Trần Long Vĩ ngồi lại nói mấy câu nửa chừng thấy Hưng bịt tai, bẽn lẽn cáo lui như con chó cụp đuôi.
Hôm khác, vị quan đồng triều là Đình Sĩ An hớt hải chạy tới gặp Hưng, khuôn mặt uất ức
- Tôi có thằng cháu ở quê lên Phú Xuân chơi. Mải mê ngắm cảnh nhà phố nên không nghe tiếng ngựa, tiếng người thét tránh đường. Lúc đó quan chưởng cơ đang đi tuần. Vậy mà thằng lính đâm cháu tôi lòi ruột. Tôi tâu với quan thái sư xử tội kẻ giết người mà quan vẫn giả lơ. Biết ông có vai vế trong triều, ông nói giùm với thái sư một tiếng.
Lê Văn Hưng mặt lạnh như đồng, thản nhiên nói:
- Việc đó, xin ông nhờ người khác
Sĩ An nhìn vào mặt Hưng như nhìn con vật lạ
- Thôi rồi, người cương trực như ông mà đối xử như vậy thì nhà Tây Sơn suy sụp rồi.
Đình Sĩ An vừa bưng mặt vừa chạy ra khỏi nhà.
Không biết vì sao, tin tức ở đây lọt vào tai Bùi thái sư. Hôm sau, có chiếu chỉ của vua Cảnh Thịnh cách chức cả hai người.
Thường ngày Lê Văn Hưng rất quí Võ Văn Cao. Ông ta quê ở Phú Yên làm quốc tử giám trực giảng rồi thăng làm thái tử Trung Doãn thời Quang Trung, Võ Văn Cao đúng là một trí thức thời Tây Sơn. Kiến thức rộng nhưng Văn Cao luôn khiêm tốn, tính tình cương trực. Văn Cao cũng quí Hưng, thích cái tính mộc mạc, chân quê không rườm rà, huê dạng của một vị tướng xuất thân từ giới đạo tặc.
Rồi Văn Cao đến dinh của Hưng. Ông nói đến để chào từ biệt, về quê cư tang mẹ nhưng chắc ông không trở lại triều đình. Ông từ quan để ở nhà cày ruộng. Giọng ông xúc cảm:
- Thấy trái mà sợ, không mở miệng được. Ăn ba đấu gạo của dân chỉ làm bù nhìn thì ngồi ở triều đình để làm gì.
Lần này, Hưng không thể làm mặt lạnh được nữa
- Chuyện gì mà không nói được
Gương mặt Võ Văn Cao đau khổ:
- Chính ông là võ tướng nổi tiếng ngang tàng mà phải ngậm miệng huống chi tôi.
Hưng nghe nói, miệng chỉ ừ hử mà lòng đã bắt đầu xốn xang. Văn Cao về rồi, triều đình này còn ai để bầu bạn. Mấy tháng sau, Hưng nhận được thư của Võ Văn Cao. Mở ra, Hưng nhìn thấy một số bài thơ của Cao chê Tuyên là gian thần. Hưng lật đật đưa cho Thiên Phúc đốt đi. Không biết sao mấy bài thơ lại rơi vào tay của Bùi thái sư. Tuyên rất căm hận Cao, đến khi Cao chết Tuyên còn truyền cho quan huyện địa phương bắt phải mở quan tài ra xem coi thử chết thật hay chết giả.
Nghĩa tử là nghĩa tận, Hưng không chấp nhất hành động thô bỉ với người chết. Ngay khi nghe tin, Hưng đã đến tận dinh của thái sư để phản đối. Giống như chuyện mẹ Mạnh Tử, ba lần bị người vu cáo con mình là kẻ cướp, bà phải bỏ chạy. Niềm tin của Hưng với quan thái sư đã xói mòn. Khi Hưng đến phản đối Bùi thái sư tái mặt nói lại với thuộc hạ “thằng này đã phản chủ”.
Sau mấy tuần thân thiết với Thiên Phúc, Hưng thấy tình cảm không giống như những ngày đầu. Trong đầu Hưng bỗng hiện lên những dấu hỏi nghi ngại. Lại gần Thiên Phúc, Hưng nhận ra đó là Ngọc Bích ở khuôn mặt, ở cơ thể nhưng mùi hương da thịt không phải là nàng. Ngọc Bích là đóa hoa dại của đồng nội, hương thơm của cây cỏ, đồng ruộng. Còn Thiên Phúc là hoa kiểng nhà giàu, hương thơm sực nức nhưng kiêu sa không hợp với một thằng bụi đời như Lê Văn Hưng. Ngọc Bích như đóa hoa luôn khép cánh, còn Thiên Phúc lúc nào cũng mãn khai, không còn gì gợi sự tò mò. Qua đêm tân hôn, Hưng đã nhìn thấy Thiên Phúc tận đáy. Thỏa thê chỉ mang lại cảm giác chán chê.
Về với Hưng, Thiên Phúc đã biến dinh đề đốc trở thành lộng lẫy với rèm che trướng phủ và đèn lồng xanh đỏ vào ban đêm. Vài đêm lại có một đêm ca Huế xôn xao kèn trống. Ngọc Bích đâu có biết đến ca Huế nàng chỉ thích hát bội, bài chòi. Những đêm có hội thường có hát bội là đêm vui của hai đứa. Ngồi nghe ca Huế, Hưng thấy mất hình ảnh Ngọc Bích. Có đêm Hưng rời bỏ cuộc vui nửa chừng, đi tìm bọn vạn đò uống rượu đến sáng mới bò về nhà.
Hưng rất ghét Lý thái giám. Đàn ông không ra đàn ông mà cũng chẳng phải đàn bà. Cặp môi mỏng lét chỉ chuyên nói lời nịnh nọt. Nhưng vài ba đêm, Thiên Phúc lại gặp thái giám. Hình như để xin xỏ gì gì đó cho bà con họ hàng. Thật khác xa với Ngọc Bích, sống khẳng khái ít khi bợ đỡ ai. Từ đó Hưng có cái nhìn khác với Thiên Phúc.
Trước đây trong giấc mộng Ngọc Bích lại hiện về. Bây giờ có Ngọc Bích mới, Hưng không còn thấy nàng nữa. Ngọc Bích ở cạnh Hưng hiện nay chỉ là thể xác là dung mạo. Một cái thể xác rỗng không. Linh hồn của Ngọc Bích không có mặt ở đây. Bây giờ Hưng mới thấy rõ: cái đẹp của thể xác chỉ là nhất thời còn cái đẹp ở linh hồn mới là vĩnh viễn. Phụ nữ đến tuổi già đâu còn nhan sắc, nhưng họ vẫn còn tính cách, linh hồn.
Những ngày trôi qua với Thiên Phúc là những ngày buồn bã. Càng ngày Hưng lại nhìn thấy những cảnh chướng tai gai mắt ở triều đình. Hưng uống rượu nhiều hơn, nhiều lúc say mèm, Hưng lại muốn nhìn Ngọc Bích trong giấc mộng. Nhưng Hưng không thấy gì cả. Hưng muốn trở lại Diên Khánh để tìm lại nàng như 13 năm trước đã gặp trong buổi cầu cơ. Làm võ tướng anh sốt ruột khi thấy bọn ăn không ngồi rồi, suốt ngày chia phe phái chém giết lẫn nhau. Trong khi ngoài mặt trận biết bao nhiêu chiến sĩ Tây Sơn đang đổ máu để bảo vệ cơ đồ.
Lê Văn Hưng đã lên xin thái sư được ra chiến trường. Bọn Lý Tựu, Trần Đại Thiên bàn với Bùi thái sư là không nên “nuôi hổ gầm giường”. Sáng hôm sau có chiếu chỉ của vua Cảnh Thịnh, cấp một vạn quân cho Lê Văn Hưng đi Diên Khánh hỗ trợ cho Trần Quang Diệu.
Lê Văn Hưng điểm binh và tức tốc lên đường. Thiên Phúc hay tin muộn, thảng thốt vì Hưng không một lời từ giã. Nàng xúi gia nhân đóng ngựa vào xe, đuổi theo. Nhưng tới đèo Hải Vân thì mất dấu.
Thiên Phúc dừng ngựa ở đỉnh đèo nhìn bốn bể núi đồi chập chùng, biển trải rộng mênh mông. Bên tai chỉ nghe tiếng chim kêu, tiếng vượn rú. Thiên Phúc bưng mặt, nghẹn ngào cất tiếng khóc.
Tháng 11-2008