I. Tính hiếu kỳ triết học
II. Nguồn cội của triết học
III. Những thí dụ về các chủ đề của triết học
IV. Tinh thần triết học
V. Ðiểm khởi hành của triết học
VI. Giá trị của triết học
I. Tính hiếu kỳ triết học
Tự nhiên như trẻ thơ
Như kẻ nhẹ nhàng phân chia công việc, triết học chỉ đưa ra cho người mới khởi sự tìm hiểu nó một yêu cầu duy nhất: bạn hãy bắt đầu với tính hiếu kỳ và tiếp tục duy trì sống động tính cách ấy. Chắc chắn bạn cũng như tôi, chẳng ai cho rằng đó là lời yêu cầu quá đáng.
Chúng ta từng trải qua và cũng đang chứng kiến các trẻ em phô bày tính tò mò tự nhiên của chúng như thế nào. Thế nhưng cùng với thời gian dần trôi, trong khi mỗi ngày một lớn, chúng ta thỉnh thoảng lại cảm thấy như thể mình đang nắm trong lòng bàn tay mọi câu trả lời hoặc mình đang biết rõ nơi sẽ tìm thấy mọi đáp án. Và rồi với tâm trạng tự tin như thế, chúng ta càng ngày càng vô tình làm cho tính hiếu kỳ của mình cùn dần cạnh sắc của nó.
Nghi ngờ mọi đáp án
Trong cuốn sách này, triết học sẽ hiện ra dưới mắt bạn với cơn thách thức triền miên của nó, đặc biệt qua thái độ nghi ngờ mọi câu trả lời – hoặc các đáp án – đã được tìm thấy hay kiến lập từ trước. Vì nếu muốn bước qua ngưỡng cửa dẫn vào triết học, bạn và tôi trước hết phải giống như trẻ thơ, với tính hiếu kỳ không bao giờ có khả năng bị xơ cứng và trí óc tươi tắn, sẵn sàng đón nhận những cái mới mẻ.
Tinh thần không biết của Socrates
Bạn sẽ không thể nào trở thành triết gia, thậm chí không bao giờ cảm thấy thoải mái khi đi vào triết học nếu bạn nghĩ rằng mình đang biết hết các câu trả lời cho bất cứ câu hỏi nào, hoặc ngay cả mình biết hết mọi câu hỏi.
Kẻ nào nghĩ như thế tức là vẫn mãi mãi không biết về sự vô minh (ignorance) của mình, và như thế, về mặt trí tuệ, y tự cưu mang một chướng ngại tệ hại nhất. *Socrates (469-399 tr.C.N.) được xem là người thông thái nhất thành quốc Athens của Hi Lạp vì trong khi hết thảy những người đương thời ở đó đều không biết rằng họ chẳng biết gì thì chỉ một mình ông biết ông không biết gì. Triết học, trong điều kiện tốt nhất của nó, phản ánh tinh thần ấy của Socrates.
II. Nguồn cội của triết học
1. Giới hạn của tri thức
Càng biết càng thiếu
Những tiến bộ của khoa học trong việc vén lộ các bí ẩn của thiên nhiên (nature) – hay tự nhiên – đã và đang khiến cho chúng ta ngày càng sửng sốt trước tính chất huyền ảo của thiên nhiên và làm cho chúng ta nhận thấy những gì mình đã biết thật ra cực kỳ nhỏ nhoi. Nhà vật lý học và toán học Anh *Isaac Newton (1642-1727) thường xem mình giống như đứa bé đang nô đùa với các viên sỏi bên bờ biển trong khi đại dương tri thức (knowledge) vẫn ở ngay trước mặt và chưa được thăm dò.
Vào cuối thế kỷ 19, có một số nhà khoa học tin chắc rằng mọi vấn đề khó khăn trong vũ trụ (the universe) và con người đang được giải quyết, và chẳng bao lâu nữa, với sự phân công thích đáng giữa họ với nhau, họ sẽ hoàn tất kho tàng tri thức của loài người. Thế rồi sau đó, suốt thế kỷ 20 và bước sang thiên niên kỷ thứ ba này, chúng ta ngày càng nhận ra rằng không đáp án nào không làm phát sinh các vấn đề mới và rằng hơn bao giờ hết, loài người đều cảm thấy không chắc chắn lắm về bất cứ kết quả nào.
Chung quanh vẫn huyền bí
Vũ trụ, cả trên không gian bao la, dưới đại dương sâu thẳm lẫn ở gần gũi bên ta, vẫn bị che phủ bởi một tấm khăn huyền bí. Ðằng sau tấm khăn liệm đó, mọi bí mật của nó vẫn còn giấu kín. Trong khi con người tuy đã đặt chân lên mặt trăng, tiến dần về sao Hỏa và tiến xa về mặt tri thức, vẫn càng lúc càng nhận ra sự ngu dốt (ignorance) của mình thật không bờ bến.
Chúng ta đã nhìn thấy vũ trụ gồm những vì sao và những thiên hà nhưng theo những phát hiện ở nửa sau thế kỷ 20, vũ trụ còn gồm những thứ chúng ta hay kính viễn vọng không thể thấy. Sự tính toán chính xác của các nhà khoa học trong năm 2004 cho thấy những thứ chưa được thấy chiếm tới 96% khối lượng của toàn thể vũ trụ. Những gì trước đây chúng ta tưởng là toàn thể vũ trụ thật ra chỉ mới có 4%!
Ðôi khi tính hiếu kỳ của chúng ta nảy sinh do bởi cảm giác ngờ vực, phát xuất từ sự nhận biết các giới hạn của tri thức. Khi suy ngẫm về thiên nhiên, về bản thân, về thân phận (destiny) tổng quát của con người, chúng ta cảm thấy dường như phần lớn các vấn đề ấy đều mù mịt và khó hiểu. Là con người, chúng ta đều bị cuốn hút vào mạng lưới của các biến cố (events) và bị chúng chi phối. Chúng ta chẳng thể nào hành động như một loài tự nhiên, thí dụ con trâu con bò hoặc dây bầu dây bí.
Sống như một con người
Dù tốt hay xấu, đúng hay sai, chúng ta đều phải hành động như một con người. Một số hành động này của chúng ta được đánh giá là tốt/thiện (good). Một số hành động khác của chúng ta bị phê phán là xấu/ác (bad). Một số hành động đem lại khoái lạc hoặc đau đớn cho chúng ta. Có một số hành động chúng ta cảm thấy mình chịu trách nhiệm trong khi đó có một số hành động chúng ta bị kẻ khác cưỡng bách mình làm. Thí dụ việc giết người trên đường phố hoặc trên chiến trường.
Chúng ta thường cho rằng mình là những cá nhân độc lập (independent individuals) tuy biết mình đang sống trong những câu thúc của xã hội, hoặc đang bị điều kiện hóa bởi môi trường (environment). Tuy trong chúng ta thời nào cũng có một ít người tìm cách "nổi loạn"; họ quan tâm tới việc không sống đúng với các khuôn mẫu (pattern) hoặc động thái (behaviour) đang được xã hội chấp nhận và khích lệ.
Thời nào cũng thế, chúng ta thích nghĩ rằng bản thân mình tự do, tuy hầu như ai cũng biết rằng số phận của mình, trên một qui mô lớn, bị quyết định bởi những yếu tố nằm ngoài bản thân mình. Và hơn hết, ai cũng biết rằng sự sống của mình chỉ là tạm thời; trước sau gì mình cũng không thoát khỏi cái chết đã được định sẵn cho loài người.
Duyệt xét nhân sinh quan
Những suy ngẫm (reflections) ấy khiến cho chúng ta không thể không đặt câu hỏi về bản tính của con người (human nature), tự do của con người (human freedom) và thân phận của con người (human destiny).
Có phải cuộc đời là chỉ là một giai đoạn đang qua, không có cội rễ trong quá khứ và chẳng có hy vọng cho tương lai? Có phải chúng ta nên đồng ý với những kẻ theo thuyết *bất khả tri (agnosticism) rằng con người đang đứng giữa hai cái vĩnh cửu: y triền miên than khóc, suốt từ điểm chạm vào đầu mút vĩnh cửu đầu này cho tới điểm chạm vào đầu mút vĩnh cửu cuối kia, và y chỉ nhận được tiếng khóc than của mình dội lại.
Cuộc hiện sinh (existence) của chúng ta có ý nghĩa nào hoặc có mục đích nào không? Có phải chúng ta chỉ là những sản phẩm tình cờ của các hoạt động hoá học đang thao tác một cách mù lòa, vô cảm, chẳng chút động lòng? Có phải con người có tự do quyết định động thái của mình? Có phải hết thảy các hành động của con người đều bị quyết định bởi các trung gian vật chất? Ðó là những vấn nạn mà một người bình thường không thể không đặt ra cho y?
2. Tình trạng bối rối
Ðời phức tạp và lúng túng
Trước những vấn nạn biểu hiện mối quan tâm có tính lý thuyết ấy, cho tới nay, dường như triết học là nỗ lực duy nhất nhằm đáp ứng nó. Triết học cũng là lãnh vực duy nhất luôn luôn cần tới sự khích lệ một tính hiếu kỳ thuần lý thuyết (a theoretical curiosity). Nhiều người có khuynh hướng tin rằng tình trạng phức tạp và lúng túng về cuộc đời làm nảy sinh trực tiếp mối quan tâm tới triết học.
Con người đôi khi không thể không cảm thấy mình là đồ chơi của thần linh, bị xô đẩy hết chỗ này sang chỗ nọ mà không có lý do rõ rệt và không chút xót thương. Y cảm thấy trong bản thân tràn ngập những sức mạnh mà y không thể nào kiểm soát. Chúng dẫn đưa y tới những hành động mà bản thân y chẳng thể nào tán thành, giống hệt tên nô lệ trơ vơ, bị các đam mê (passions) sai khiến. Bên trên những cái đó, phủ chiếc bóng thảm kịch lớn lao hơn được làm thành bởi cái chết, đau khổ, bệnh tật, lũ lụt, động đất, bão tố, cách mạng và chiến tranh, hoặc mô tả ngắn gọn như *Phật Thích Ca là sinh, lão, bệnh, tử.
Không thể tránh né
Các cơ hội xảy đến thì kể không cùng. Không dịp này cũng dịp khác, sớm muộn gì mỗi người đều phải đương đầu với vấn đề cái ác (evil), với sự nhận biết các sức mạnh trong vũ trụ; chúng dường như đang nhắm thẳng đến chúng ta để hủy diệt con người.
Tình trạng hoang mang khắc khoải dễ thấy trong xã hội Việt Nam hiện nay là dấu hiệu cho thấy rằng tính lãnh đạm, lạnh lùng khắc nghiệt đã thấm sâu vào tâm hồn của nhiều thế hệ. Hậu quả thê thảm của các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 vừa qua, và nhất là những khép kín trong tương quan nhân quần, sự mất quân bình giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, rồi tới cơn đảo lộn cực kỳ của cuộc công nghiệp hóa trong thời kỳ đầu toàn cầu hóa, v.v. Tất cả đã và đang làm lan tràn cảm giác bất lực và bất an, được phản ánh trong cơn khủng hoảng niềm tin cùng những hoang mang về các giá trị đạo đức, rối loạn đạo lý của xã hội Việt Nam hiện đại.
Ði tìm ý nghĩa cuộc đời
Chúng ta tìm kiếm sự an toàn và chẳng thấy nó ở nơi nào. Khắp mọi chốn, chúng ta đối mặt với quá nhiều điều khó hiểu tới độ dù có vắt hết óc mình ra mà suy nghĩ hẳn cũng chẳng tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Triết học có thể nảy sinh từ sự nhận biết những thực tại cay nghiệt của cuộc sống khi con người tìm cách nắm bắt trọn vẹn trật tự của vạn vật và tìm cách nhận thức các vấn đề của bản thân nó từ một điểm nhìn (perspective) bao quát hơn, hoặc một viễn cảnh rộng lớn hơn. Trong các biến cố của cuộc nhân sinh, con người muốn tìm cho ra một cứu cánh (purpose) nhằm biện minh cho những khổ đau của y, và một niềm tin (belief) để cho y có đủ sức mạnh để gánh vác số phận.
Kinh nghiệm tôn giáo
Nếu xem xét khía cạnh triết học của *Do Thái giáo, *Phật giáo, *Ấn giáo, *Kitô giáo, *Hồi giáo (Islam), v.v. chúng ta sẽ thấy rằng hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều quan tâm tới những vấn đề đó, đều đặt vấn đề nhìn thực tại đúng như chúng đang là và nhìn tới quá bên kia thực tại. Nghĩa là, những tôn giáo lớn đều phát sinh từ cuộc tìm kiếm câu trả lời cho những phức tạp lúng túng của con người.
Hình tượng vị Phật nghìn mắt nghìn tay và hình ảnh *Giêsu Kitô trên cây thánh giá như một chốn ẩn náu dưới đôi tay vươn dài tới vô tận. Cả hai hình tượng ấy đều biểu hiện cho quan điểm về vũ trụ và sự tìm thấy sức mạnh tâm linh như một câu trả lời cho tình trạng khắc khoải ấy. Các tín đồ của Ấn giáo, Hồi giáo và của các tôn giáo khác cũng tìm thấy sự an ủi trong niềm tin của họ với cách thức giống y như thế.
Tôn giáo nào, kể cả *Nho giáo và *Ðạo giáo, cũng có quan niệm về vũ trụ – thường được gọi là phần Hình nhi thượng trong học thuyết của mình – trong đó đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi tối hậu. Nghĩa là chúng cung cấp cái được người Ðức gọi là Weltanschauung – thế giới quan (world-view).
Ðáp án thích đáng thời đại
Chừng nào các câu trả lời còn thích hợp với nhu cầu của con người thì chúng còn được duy trì. Thế nhưng những đổi thay xã hội, biến động chính trị hoặc các nguồn suối tri thức mới mẻ có thể làm cho chúng không còn thích đáng. Tới lúc đó, xuất hiện tình trạng chống lại chúng. Con người thách thức thẩm quyền (authority) của chúng, khiến chúng hoặc phải bị thay thế hoặc phải được sửa đổi để có khả năng đáp ứng sự thách thức mới mẻ ấy.
Thế nhưng chúng không bị tiêu hủy hoàn toàn vì loài người thời nào cũng cần một đức tin nào đó để tiếp tục cuộc sống – cho dù cuối cùng, có thể chỉ còn biết tin vào chính bản thân mình. Những bất định và hoang mang trong cuộc sinh tồn (existence) luôn luôn thúc ép loài người phải mở rộng tầm mắt và tìm kiếm câu trả lời cho tình trạng khắc khoải của mình.
3. Mâu thuẫn
Trái ngược nhau thì sai
Triết học có thể bắt đầu từ tính hiếu kỳ sống động hoặc sự tìm kiếm câu trả lời cho tình trạng khắc khoải của cuộc đời. Nó cũng có thể bắt đầu với nỗ lực nhằm giải quyết các mâu thuẫn vốn xuất hiện khi có các tiến bộ sâu xa hơn về tri thức. Có một nguyên tắc chủ yếu của tư tưởng rằng không thể có hai câu trả lời vừa mâu thuẫn nhau vừa đều đúng. Hoặc là p hoặc là không p chứ không thể vừa là p vừa là không p.
Vì thế, bạn phải từ khước một trong hai câu trả lời hoặc bạn phải đạt cho được một nguyên tắc cao hơn để giải quyết tình thế mâu thuẫn ấy. Bạn hoàn toàn sai lầm khi cho rằng thân hình của Ðại đế Quang Trung vừa cao vừa thấp trừ phi bạn nêu ra những thẩm định khác và chứng minh rằng, thí dụ, so với vua Gia Long thì ông ấy thấp hơn, còn so với vua Lê Chiêu Thống thì ông ấy cao hơn.
Phải giải quyết mâu thuẫn
Trong thực tế, không thể khắc phục mọi mâu thuẫn một cách dễ dàng như thế, nhưng những kẻ muốn suy nghĩ một cách chân thành và thỏa đáng đều bị áp lực phải giải quyết mọi mâu thuẫn.
Thí dụ làm sao bạn có thể xem con người là một cá thể tự do trong khi nó phải sống trong một thế giới mà khoa học chứng minh cho thấy là bị chi phối bởi những định luật khắc khe và cứng nhắc? Hoặc tại sao lại có quá nhiều sự ác trong một thế giới mà từ người bình dân cho tới các nhà thần học đều cho rằng nó được tạo ra bởi một Ông trời công chính hoặc một Thượng đế toàn năng, toàn trí và đầy lòng thương xót?
III. Những thí dụ về các chủ đề của triết học
1. Tính hiếu kỳ triết học
Phương hướng của óc tò mò
Giả dụ chúng ta đồng ý với nhau rằng triết học bắt đầu từ sự kinh ngạc hoặc hiếu kỳ vốn được kích động do bởi tính chất huyền ảo của thiên nhiên hoặc từ sự hoài nghi do bởi tri thức ngày càng gia tăng của loài người, hoặc từ những nhu cầu khẩn cấp và tuyệt đối của cuộc sinh tồn, lúc đó chúng ta phải đặt câu hỏi rằng thế thì óc tò mò ấy phải nhắm tới phương hướng nào nếu nó muốn được xem như một chủ đề (issue) trong triết học .
Thí dụ minh họa
Chỉ hiếu kỳ mà thôi thì chưa đủ. Một triết gia đang ở trong khu phố của bạn có thể hết sức để ý và nói chuyện tò mò tọc mạch về những việc người hàng xóm của y làm khi đêm về, đằng sau các bức rèm cửa sổ họ vừa buông xuống, tuy thế, bản thân y biết rõ đó không phải là sự tò mò mang tính triết học.
Triết gia cũng có thể, không kém một khoa học gia không gian, quan tâm tới việc tìm cách cho con người đổ bộ xuống sao Hỏa, nhưng y không gọi đó là sự hiếu kỳ triết học. Y cũng có thể, không kém một nhà xã hội học, quan tâm tới sự phân tích bản thống kê để chứng minh sự bất bình đẳng ngày càng lớn giữa giới giàu và giới nghèo nhưng y cũng không gọi đó là sự hiếu kỳ triết học. Cách tốt nhất để xác định một sự hiếu kỳ có tính triết học hay không nằm ngay trong loại vấn đề mà y quan tâm.
2. Tri thức về ngoại giới
Kiểm tra để quyết định
Tôi chỉ vào một vật và nói rằng "Ðây là trái xoài". Lời phát biểu ấy vô thưởng vô phạt và không thể tạo nên sự hoài nghi nào nếu tôi không biết rằng mình có thể bị lừa dối do bởi trái xoài này làm bằng nhựa hoặc được vẽ trong một bức tranh tĩnh vật. Nhận thức rằng mình có thể bị lừa dối, tôi bắt đầu kiểm tra (test) chân lý (sự thật, truth) của lời khẳng định ấy bằng cách nhìn kỹ vật đó, ngửi nó và cắn nó.
Gần như mọi người đều đồng ý rằng đó là trái xoài nếu nhìn vẻ ngoài của nó, ngửi mùi của nó và nếm vị của nó để "thấy" nó giống với một trái xoài. Công việc đó xem có vẻ giản dị nhưng thật ra mang tính hóa học. Rõ ràng rằng ngay cả chúng ta cũng có thể bị lừa dối bởi các kiểm tra của mình, vì thế mới phải cần tới thao tác hóa học để có quyết định chung cuộc; và chúng ta cho rằng các kiểm tra ấy đều có tính quyết định.
Từ giác quan vào ý thức
Tới đây, ta bỗng chốc nhận ra rằng mình vừa đòi hỏi sự xác nhận của ba giác quan khác nhau. Với mỗi giác quan, tôi chỉ được bảo đảm một loại tác dụng kích thích cá biệt. Mắt không thể báo cho bạn biết mùi vị của vật đó và mũi không thể báo về màu sắc. Bạn chỉ có thể có được thông tin (information) về màu sắc nhờ cơ quan để nhìn, mùi nhờ cơ quan để ngửi và vị nhờ cơ quan để nếm.
Do bởi các thông tin ấy khác nhau và chúng đi vào ý thức (consciousness) bằng những lối đi khác nhau nên tôi kỳ vọng mình sẽ tìm thấy trong tâm trí mình ba mảnh thông tin khác nhau. Trong thực tế, tôi không trông chờ như thế vì tôi đang muốn tìm thấy một ý tưởng (idea) duy nhất: cả ba cảm giác (sensations) đó cùng phối hợp sao đó để cho ra bức hình của một vật duy nhất trong khi tự thân các cảm giác đó không có điểm chung nào và không cho ta thấy lý do khiến chúng phải phối hợp với nhau.
Chỉ tùy vào ý thức?
Cho tới nay, chúng ta đã biết ít nhiều về phương cách vật lý của việc truyền giao màu sắc. Ánh sáng được phản chiếu từ một vật như là những chấn động đánh vào thần kinh thị giác, làm phát sinh ý tưởng về màu sắc. Chúng ta không thể giả dụ rằng các luồng sóng ấy tự thân chúng có màu sắc vì thông thường, sự phân biệt điều kiện vật lý của các màu sắc khác nhau đều chỉ do bởi các luồng sóng dài ngắn khác nhau.
Nếu tự thân các luồng sóng ấy không có màu sắc và ngoài chúng ra, chúng ta không còn cách nào khác để liên hệ với các đối tượng (objects), thế thì làm thế nào chúng ta có thể biết chúng có màu sắc? Rất có thể màu sắc ấy chỉ tùy vào ý thức của tôi như một cái triền miên đi kèm với các tác nhân (stimuli) nhất định và nó chỉ hiện hữu trong ý thức của tôi.
Cũng có thể đúng như thế với ngửi và nếm vì các nhà *tâm lý học (psychologist) đoan chắc với chúng ta rằng cả hai cái đó nếu tùy vào các thao tác hóa học trong mũi và miệng. Dường như cũng giống với màu sắc, mùi và vị đều chỉ tùy vào ý thức của tôi. Tất cả, nói theo *Duy thức tông của Phật giáo Ðại thừa là "vạn sự qui tâm".
Duyệt xét thế giới quan
Nếu quả đúng như thế thì bắt buộc phải có sự duyệt xét nghiêm chỉnh cái thế giới quan (view of the world) mang tính cảm quan chung (commonsense) của chúng ta vì hầu hết người ta đều có khuynh hướng tin rằng vạn vật (things) hiện hữu đúng theo vẻ bên ngoài của chúng.
Nếu các ý tưởng hoàn toàn tùy vào tôi, thì khi giả định rằng chúng quả thật là vạn vật trong thế giới ngoại tại (the external world), tôi buộc lòng phải nói rằng chúng hiện hữu (exist) mà không có màu sắc, không có mùi và cũng chẳng có vị.
Như thế, bằng hành động ấy, tôi đã cất chân đi bước đầu tiên vào triết học vì tôi vừa đưa ra lời tuyên bố về bản tính của thế giới (the nature of the world) như một suy diễn từ tri thức tôi đang sở hữu.
Có thể bước chân ấy sai lầm – chúng ta sẽ trở lại vấn đề đó ở một phần sau – nhưng nó hẳn làm cho người đọc cảm thấy thú vị khi ngang đây, họ biết rằng khái niệm ấy (conception) về vũ trụ vật lý sẽ không gây bối rối cho các nhà khoa học đang nối gót nhà thiên văn học và toán học người Ý *Galileo Galilei (1564-1642) và Isaac Newton.
3. Phân biệt giữa thiện và ác
Thế nào là tốt, xấu
Minh họa vừa nêu ấy có tính rất đơn giản vì ít ra trong khi xem xét nó, chúng ta có thể sử dụng phần nào tới tri thức được sở đắc từ những nguồn khác nhau. Nhưng giả dụ khi tôi nói, như chúng ta vẫn thường nói, rằng "Ðây là một hành động tốt" (good), thì bằng cách nào mà tôi khẳng định hành động đó tốt hoặc không tốt? Rõ ràng tôi không thể viện dẫn giác quan vì như chúng ta biết cho tới hôm nay, rằng không có giác quan nào liên quan tới sự tốt xấu hoặc sự thiện ác (good/bad).
Trong thực tế, vấn đề ấy không làm bận tâm nhiều người vì chúng ta được dạy bảo cách phân biệt một hành động tốt với một hành động xấu. Tôi học cách phân biệt màu đỏ với màu lục và màu xanh vì đã có ai đó, vào những thời điểm khác nhau, đưa tay chỉ tới một màu sắc nhất định và bảo rằng đó là màu "đỏ". Tôi học cách liên kết từ ngữ "đỏ" ấy với một cảm giác nhất định. Bằng chứng độc nhất tôi có thể đưa ra cho người khác về việc tôi đang thấy màu "đỏ" là đưa tay chỉ vào vật đó, với niềm hy vọng rằng kẻ đó đã từng học được một sự liên kết giống y như tôi đã học.
Nguồn của ý tưởng thiện ác
Ý tưởng về sự tốt/thiện (goodness) dường như cũng phát sinh theo cách thức giống y như thế. Cha mẹ, thầy giáo cô giáo, các linh mục và các nhà sư, các tỉ các huynh, v.v. gắn nhãn hiệu "tốt" hoặc "thiện" cho các hành động nhất định, và nhãn hiệu "xấu" hoặc "ác" cho các hành động nhất định. Vì tôi tín nhiệm óc phán xét của chư vị ấy hoặc vì tôi cảm thấy mình chẳng có lý do gì không đồng ý với họ nên tôi chấp nhận lời quả quyết của họ.
Và cứ thế, tôi tiếp tục gọi những hành động nhất định này là "tốt/thiện" và những hành động nhất định nọ là "xấu/ác". Như thế, có vẻ vấn đề ấy đã được giải quyết êm thắm.
Thực tế không đơn giản
Thế nhưng rõ ràng sự giống nhau giữa "đỏ" và "thiện" không hoàn toàn y hệt như người ta tưởng. Bất cứ lúc nào tôi gặp người không mắc bệnh mù màu sắc và có khả năng hiểu điều tôi muốn nói, tôi đều kỳ vọng người ấy sẽ đồng ý khi tôi chỉ vào một vật nhất định và bảo nó là "đỏ". Nếu người ấy không chịu bảo nó là "đỏ", đôi bên sẽ tìm cho ra những gì đang gây nên sai biệt, cùng nhau xem xét chúng để đạt tới một thỏa thuận, rằng nó chỉ "đo đỏ" hoặc "đỏ lòm".
Tuy thế, giữa những người cùng chung ngôn ngữ và được đào tạo giống nhau, có thể có sự khác biệt đáng kể về ý kiến khi họ mô tả một hành động nhất định là "tốt" hoặc "xấu" và có thể đôi bên không cách gì đạt tới một thỏa thuận về vấn đề ấy.
Chúng ta hầu hết đều được dạy bảo rằng không được giết người. Giả dụ chúng ta đã đồng ý với nhau về ý nghĩa của từ ngữ "giết người" và rằng những người tham gia tranh luận đều chấp nhận cụm từ "không được giết người" như một nguyên tắc đúng đắn.
Trong những người tranh luận ấy, có kẻ cầm khí giới ra chiến trường trong khi có kẻ không chịu làm như thế, họ thà chấp nhận, như ở Na Uy, mỗi ngày làm công tác phục vụ cộng đồng trong vài năm thay vì thi hành nghĩa vụ quân sự. Kẻ này quả quyết rằng quốc gia (the state) có quyền hành quyết tội nhân trong khi kẻ khác phủ định quyền ấy. Tuy cả hai chấp nhận nguyên tác tổng quát đó và được đào tạo giống nhau nhưng đôi bên đều không thể đạt tới sự đồng thuận nào về việc áp dụng từ ngữ "tốt" hoặc "thiện".
Khác biệt xã hội và thế hệ
Tình trạng trở nên phức tạp hơn khi chúng ta so sánh các xã hội khác nhau, vì cái được đánh giá là "tốt/thiện" trong xã hội này có thể bị phê phán là "xấu/ác" trong xã hội nọ. Thậm chí không cần phải so sánh các xã hội khác nhau vì chúng ta có thể tìm thấy sự bất đồng ấy giữa các thế hệ trước sau, làm thành nguyên nhân chủ yếu tạo nên những xung khắc giữa người già và người trẻ.
Và cứ thế nó tạo nên một tình trạng rắc rối lưu niên ta thường bắt gặp trong các tác phẩm văn học viết về buổi giao thời, thí dụ của Khái Hưng (1896-1947) và Nhất Linh (1906-1963) trong Tự lực Văn đoàn, về mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu, phu xướng phụ tùy, tam tòng tứ đức, v.v.
Giả dụ đơn giản hóa
Ðể thuận tiện tranh luận, chúng ta cứ giả dụ rằng không hành động nào vừa đồng thời có cả "tốt/thiện" lẫn "xấu/ác". Chừng nào đôi bên tranh luận còn bất đồng về tính chất tốt hoặc xấu của một hành động thì phải có một bên sai. Bên dựa vào thẩm quyền thế giá (authority), cái vốn được y tín nhiệm từ trước tới nay, hoặc bản tính y không ưa nghe lời chỉ trích, sẽ gạt vấn đề sang một bên, không để cho nó làm vướng bận tâm trí (mind) mình.
Trái lại bên từng biết ít nhiều về tinh thần triết học (philosophic spirit) trong cuộc truy tầm chân lý của con người và y đang khắc khoải muốn có một quyết định chính xác cho dù kết quả ấy làm y phải xét lại phán đoán của mình; y chấp nhận đối mặt với vấn đề. Vậy, câu hỏi đầu tiên và cơ bản y tự đặt ra cho mình là làm thế nào mình có thể biết hành động nào thật sự là tốt và hành động nào thật sự là xấu?
Chắc chắn bạn, một trong những người đọc cuốn sách này, đang nôn nóng trông đợi câu trả lời cho câu hỏi ấy. Nhưng xin bạn vui lòng chờ một chút vì đây chưa phải là nơi cũng như chưa phải là lúc để tính chuyện trả lời. Trong chương này, chúng ta hãy tạm thời giới hạn sự quan tâm của mình vào việc trình bày loại vấn đề nào các triết gia cảm thấy thú vị khi thăm dò và loại tri thức nào họ tìm cách sở đắc cho bằng được.
Ði tìm nguyên tắc phân định
Rõ ràng rằng nếu có sự "tốt/thiện" tối thượng, nghĩa là có một nguyên tắc bất di bất dịch để căn cứ vào đó, quyết định hành động nào thật sự là tốt và hành động nào thật sự là xấu, thì việc khám phá nó phải là công tác ưu tiên, vì đối với bất cứ xã hội nào, các phán đoán đạo đức đều có tầm quan trọng tới tận nền tảng.
Nếu không có sự "tốt/thiện" tối thượng, không có một nguyên tắc như thế, lúc đó có nghĩa là chúng ta không nên ngần ngại trong việc sửa đổi động thái của mình, vì hành động ấy đang có một bảo đảm cụ thể, và thêm nữa, chúng ta có khả năng xúc tiến một lối tiếp cận khác vào các vấn đề của con người.
4. Vấn đề chọn lựa
Chúng ta có tự do
Giả dụ rằng chúng ta có khả năng quyết định hành động nào là tốt và hành động nào là xấu và rằng chúng ta khao khát làm điều tốt chứ không làm điều xấu, liệu chúng ta có khả năng chọn lựa hành động theo ý của mình không?
Khi đối mặt với một số khả năng hành động này hoặc nọ, người ta hầu hết đều cảm thấy mình được tự do quyết định nên chọn cái nào. Tình trạng ấy đưa tới giả định (assumption) rằng trên thực tế, có ý chí tự do (free-will). Thế thì rõ ràng rằng, trong thực tiễn của xã hội chúng ta, khái niệm về tự do là một khái niệm được bảo lưu một cách tự nhiên, đã và đang được chấp nhận. Theo luật pháp hiện hành của nhiều nước, tòa án không trừng phạt người mắc bệnh mất trí (insane) hoặc trẻ em về các hành vi phạm pháp của họ vì người ta cho rằng những kẻ ấy không ý thức được hành động của mìnhï và do đó, không thể bị qui trách nhiệm.
Chúng ta có trách nhiệm
Lý thuyết ấy về trách nhiệm được xem ngang với việc khẳng định rằng con người có ý chí tự do và có khả năng quyết định hành động của mình, ít nhất về mặt luật pháp. Vì đương sự đã quyết định một cách sai lầm, nghĩa là chọn sự phạm pháp, nên việc trừng phạt đương sự là điều chính đáng.
Chúng ta chấp nhận nguyên tắc trách nhiệm khi cảm thấy hối hận về một hành động nào đó mình đã làm, và tuyên bố rằng lý ra mình không nên làm như thế. Ở đây có một điểm nhỏ cần để ý. Khi ta nói rằng "không nên làm như thế" có nghĩa là tin rằng vào thời điểm ấy, ta có thể làm điều ngược lại. Kinh nghiệm – hay trải nghiệm – (experience) của chính chúng ta và kinh nghiệm của những người khác chứng minh rằng trong thực tế có ý chí tự do.
Giới hạn của tự do
Thế nhưng trong thế giới này, quyền quyết định một cách tự do ấy được mở rộng tới đâu? Không dễ dàng có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi ấy.
Có những thời điểm đảo điên trong đó trâu bò cứ thế húc nhau, chó sủa bậy, mèo kêu réo không ngớt như thể đất sắp động; chúng không chịu nghe theo lời răn đe, kể cả roi vọt của con người. Cũng có những lúc cỏ úp lá dưới ánh nắng, hoa khép cánh giữa trời đêm, cây như quẫy mạnh cho rớt các tua dây leo và đánh bẫy ăn tươi nuốt sống côn trùng như thể trời sắp bão. Phải chăng những sự kiện (facts) ấy chứng minh cho thấy ở cấp độ đời sống thấp hơn con người cũng có sự sở hữu ý chí tự do? Nếu như thế, hẳn lũ thú vật và thực vật ấy cũng phải chịu trách nhiệm về hạnh kiểm của chúng?
Cho tới thế kỷ 19, tại nhiều xứ sở, người ta đồng ý rằng thú vật và thực vật phải chịu trách nhiệm và phải lôi cổ chúng ra trước tòa án, xử chúng về tội phạm pháp. Ngày nay, không còn xảy ra chuyện như thế. Cho dù thừa nhận chúng cũng có tự do nhưng không ai trong chúng ta khẳng định rằng khúc cây hoặc hòn đá hoặc bất cứ cái gì hoàn toàn thiếu sự sống lại có ý chí tự do.
Người ta cho rằng các thực thể (entities) vừa kể (gỗ, đá, v.v.) không có ý chí tự do vì chúng không có khả năng hoạt động tách biệt với ngoại giới (external), cũng không có khả năng tự mình xê dịch lệch hướng quĩ đạo đã định sẵn cho mình. Nếu một hòn đá rơi xuống từ nóc một tòa nhà thì chúng ta biết rằng theo công thức đã được xác định, nó càng rơi càng tăng tốc.
Con người có thể quan sát chuyển động của trái bi trên bàn bi-da để đoán đúng nó sẽ lăn theo hướng nào và rồi dừng lại ở chỗ nào. Vì trái bi-da không có sự sống, động thái của nó bị quyết định hoàn toàn bởi sức mạnh đến từ bên ngoài nên ta có thể dự báo hành động của nó; do đó trái bi-da không sở hữu tự do.
Có phần nào không tự do
Nhưng nếu chấp nhận các tiêu chuẩn (criteria) vừa kể, chúng ta sẽ nhận thấy rằng trong động thái của ta, cũng có phần nào không có tự do. Tôi đang ngồi lên thành cửa sổ ở tầng thứ 20 của một khách sạn năm sao gần chợ Bến Thành Sài Gòn, và ngẫm nghĩ về tình hình tài chánh suy sụp của mình. Càng suy nghĩ tôi càng bức xúc tới độ cảm thấy mình không còn có thể sống nổi, và tôi quyết định nhảy quách xuống đất.
Một khi đã lao mình ra ngoài khung cửa sổ, chơi vơi giữa khoảng không, thì lời phát biểu "Con người có tự do" đối với tôi chỉ còn rất ít ý nghĩa. Vì có muốn tới mấy đi nữa, tôi cũng không thể nào quay trở lại thành cửa sổ. Lúc ấy, đối với các lực ngoại tại (external forces), tôi là một vật giống như bất cứ vật vô tri vô giác nào khác và phải rơi xuống đất. Dù gì đi nữa, tôi là một vật (object), chịu chung một định luật với bất cứ vật thể đang rơi nào.
Nửa này nửa nọ
Nếu lúc đó có một nhà khoa học quan sát sự rơi của tôi, người ấy có thể dự báo hoàn toàn chính xác sẽ mất bao lâu tôi mới đụng mặt đất. Do đó, trong các tình huống nhất định, tôi hoàn toàn là đối tượng (object) của các sức mạnh ngoại tại, và người khác có thể tiên đoán đúng cách cư xử của tôi, giống hệt cách cư xử của bất cứ đối tượng nào khác trên thế giới.
Tuy thế, vẫn có một điểm rất khác. Cú phóng người ra khỏi thành cửa sổ để lao xuống đất ấy khởi đi từ quyết định nhảy của tôi. Tôi hoàn toàn tin rằng nếu mình quay trở lại thành cửa sổ, có thể mình sẽ quyết định ngồi lại ở đó. Và lúc ấy, hoạt động tiếp theo của tôi sẽ khác hẳn. Nếu điều ấy đúng thì dường như tôi là một vật bị phân chia: mặt này có khả năng quyết định hoạt động của mình, và mặt kia thì không. Và cho tới đây, tôi không thể thấy đường lằn phân chia ấy kéo tới đâu.
5. Thể xác và tâm trí
Hai cái khác nhau?
Có lẽ tạm thời, chúng ta có thể đồng ý với triết gia Pháp *René Descartes (1596-1650) rằng chúng ta là sự phối hợp của thể xác (body) và tâm trí (mind). Theo lý thuyết này, tôi là đối tượng của hết thảy các định luật về thân xác vật lý, và trong chừng mực là một tâm trí, tôi không lệ thuộc chúng. Quan điểm ấy dường như cung cấp một lối ra khỏi tình thế nan giải (dilemma) của chúng ta. Nhưng chẳng may nó lại dẫn tới những nan giải (diificulties) khác.
Nếu thể xác và tâm trí khác nhau hoàn toàn thì không cách gì chúng có thể ảnh hưởng lên nhau. Nếu như vậy làm thế nào chúng ta nhận thức đối tượng ngoại tại (external object) vì toàn bộ cảm giác là hoạt động trong thể xác và theo giả thuyết ấy, nó không thể nào thâm nhập tâm trí.
Ðôi khi tôi cảm thấy ý muốn nhấc cánh tay mình là nguyên nhân đưa lên của cánh tay, nhưng nếu tâm trí và thể xác hoàn toàn khác nhau thì không cách gì một quyết định của tâm trí tôi có thể tác động lên thể xác tôi. Giải pháp của Descartes đưa ra trông có vẻ như một lối thoát khỏi tình thế nan giải của chúng ta nhưng thực tế làm nảy sinh những nan giải khác và rõ ràng nghiêm trọng không kém.
Ðịnh luật quan hệ nhân quả
Khó khăn ấy càng tăng thêm nếu chúng ta đưa mắt nhìn sang khoa học để tìm ở đó bằng chứng hỗ trợ. Hầu hết các nhà khoa học đều thừa nhận một nguyên lý, hay định luật (principle) được gọi là "quan hệ nhân quả" (causality), qua đó họ hiểu rằng biến cố tự nhiên (natural event) nào cũng được sản sinh bởi biến cố tự nhiên xảy ra ngay trước đó. Nguyên lý này được xem là có tính phổ quát (universal) trong ứng dụng của nó.
Các nhà khoa học chắc chắn, một cách tuyệt đối, rằng luôn luôn có khả năng tìm ra nguyên nhân của bất cứ biến cố nào. Nguyên tắc này trở thành định luật, dường như có giá trị cho hết thảy các vật vô cơ (inorganic objects), và nó là cơ sở cho sự dự báo động thái của chúng. Chiếu theo định luật này, dường như mỗi vật đã được quyết định hiện hữu đúng như nó đang là và làm đúng cái nó đang làm, do bởi một biến cố tự nhiên nào đó khác với nó.
Rõ ràng chừng nào tôi còn là một thể xác, tôi vẫn là đối tượng của định luật quan hệ nhân quả ấy. Nếu tôi tập thể dục, bắp thịt của tôi sẽ nở nang. Nếu tôi ăn kiêng, số đo vòng bụng của tôi sẽ giảm dần. Nếu tôi uống quá nhiều rượu, lời tôi nói và chân tôi đi sẽ để lộ ra. Nhưng nếu người ta có thể chứng minh cho thấy rằng các hoặt động được gọi là "tâm thần" (mental), hay tinh thần, cũng là đối tượng của định luật quan hệ nhân quả tự nhiên, lúc đó biến mất sự phân biệt giữa thể xác và tâm trí.
Tâm trí và khát vọng
Descartes cho rằng chỉ riêng có con người mới sở hữu tâm trí. Theo ông, thú vật, thực vật cùng các vật vô cơ khác đều không có tâm trí. Ông giải thích động thái của những hữu thể (being) thấp hơn ấy bằng những nguyên lý có tính máy móc (mechanical principles).
Thí dụ, Descartes xác nhận chúng hành động như bất cứ hành động máy móc nào, nghĩa là một cách mù lòa và đi theo sự cưỡng ép của những hành động xảy ra trước đó. Chẳng có lúc nào thú vật hay thực vật có khả năng quyết định hoặc không thể thực hiện một hành động nhất định hoặc né tránh đừng làm việc đó.
Chúng ta từng thấy một số thú vật và thực vật có động thái rất giống với con người. Chúng ta hẳn cũng có thể thông giải (interprete) hành động của mình theo một cách thức giống y như thế. Lúc đó, chúng ta có thể thấy các mong muốn hoặc khát vọng nào đó đi trước và quyết định mọi hành động tiếp theo của mình.
Quả thật, triết gia chính trị học người Anh *Thomas Hobbes (1588-1679) định nghĩa rằng ý chí là cái mong muốn cuối cùng trong cuộc cân nhắc, thảo luận. Qua định nghĩa đó, ông có ý nói rằng trước khi chúng ta thể hiện một hành động nhất định, đã xảy ra cuộc xung đột giữa các khát vọng khác nhau; thế rồi một trong các khát vọng ấy chiến thắng và nó khiến ta hành động.
Tự do và điều kiện thể lý
Ðối với chúng ta dường như chúng ta quyết định một cách tự do giữa các cách thế hành động khác nhau – trong khi động thái (behaviour) của chúng ta quả thật bị quyết định bởi điều kiện thể lý (physical condition) trước đó. Xét theo hoàn cảnh tâm lý, chúng ta chỉ có thể hành động như thế thôi, chẳng còn cách nào khác.
Trong khi tôi ngồi lên thành cửa sổ của khách sạn năm sao, cả khát vọng sống lẫn khát vọng chết đều phát sinh từ các điều kiện thể lý; chúng chiến đấu với nhau để quyết định hành động của tôi. Khát vọng nào mạnh hơn sẽ chịu trách nhiệm về hành động tôi sắp thể hiện.
Trong các tác phẩm văn học như truyện dài, truyện ngắn, kịch, cuộc xung đột hoặc cân nhắc thảo luận ấy mang hình thức khác nhau tùy theo đề tài của tác phẩm nhưng chúng thường quyện vào nhau, đẩy dần lên đỉnh điểm hoặc thắt gút lại, để đi tới kết luận rằng nhân vật ấy hoàn toàn mang bản sắc thể lý và không khác gì hòn đá hoặc bất cứ vật thể vật lý nào khác, nghĩa là y không còn tự do. Thậm chí có trường hợp tác giả có cảm tưởng bị một nhân vật của mình cưỡng lại khi tác giả dàn dựng cho y hành động trái với những dữ liệu về y, theo với tính cách của y đã được tác giả mô tả trong những trang sách trước đó!
Tự do là ảo giác?
Giải pháp này tránh được tình thế nan giải khi phân chia thể xác với tâm trí và làm cho động thái của chúng ta phù hợp với các điều kiện cần thiết cho một tiến trình thẩm tra khoa học. Có vẻ nhà khoa học chỉ có thể kiểm tra được động thái khi cho rằng nó bị quyết định bởi các điều kiện vật lý trước đó và có liên quan tới chúng đúng theo cách đã được khám phá ra định luật hàm chứa mối quan hệ giữa các biến cố vật lý đó.
Các ngành khoa học xã hội (social sciences), trong khi tha thiết chứng minh tính khoa học của mình, cũng tìm cách giải thích động thái của con người bằng những nguyên tắc tương tự như những nguyên tắc của các ngành khoa học tự nhiên (natural sciences). Bởi thế họ cho rằng toàn bộ động thái là đối tượng của các định luật như nhau về quan hệ nhân quả dù chúng thao tác nơi này nơi nọ trong vũ trụ hoặc trong con người.
Nếu họ có lý, lúc đó có nghĩa rằng cảm giác của chúng ta về tự do chỉ là ảo giác và rằng mọi thực hành xã hội đặt căn bản trên sự tự do đều sai lầm.
Không tự do không trách nhiệm
Nếu chúng ta không có tự do chọn lựa cách thế hành động của mình, lúc đó bất cứ hành động nào cũng là cái độc nhất mà ta có thể thể hiện. Nếu hoàn toàn không có khả năng chọn lựa thì thật cực kỳ ngớ ngẩn khi tôi vừa cảm thấy hối hận về một hành động trong quá khứ vừa kết án mình đã không chọn cách thế hành động nào khác.
Ở một đoạn trên, chúng ta đã đề cập tới việc tòa án không trừng phạt người bị mất trí và trẻ em về các hành động của họ vì người ta cho rằng các đương sự ấy không chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Thí dụ cả hai đều không có khả năng để nhận thức ý nghĩa hành vi của mình và để chọn lựa cách thế hành động thích đáng.
Nếu hết thảy các hành động của chúng ta đều đã bị quyết định, lúc ấy chúng ta chẳng hơn gì người mất trí và trẻ em; chúng ta không thể bị qui trách về hành động của mình vì chúng ta không có khả năng làm một điều nào khác với điều chúng ta đã làm. Chúng ta như người lính khi đụng địch, chỉ còn một chọn lựa độc nhất là nổ súng bắn về phía có đối phương. Như thế, không một người nào trong xã hội đáng bị trừng phạt.
Sản phẩm của môi trường sống
Chúng ta đang thảo luận một vấn đề mà đối tượng quan tâm của nó không thuần túy có tính hàn lâm sách vở (academic), vì chắc chắn các nhà khoa học xã hội đã xem xét cặn kẽ những hệ lụy của lập trường đó và họ sẵn sàng biện hộ cho nó. Theo lý thuyết ấy, phạm nhân là sản phẩm của môi trường sống (environment) của y. Phạm nhân chỉ là kẻ chịu khổ sở không khác chút nào người mắc bệnh ho lao hoặc người bị cảm lạnh. Thay vì trừng phạt y vì tội ác của y, ta nên cư xử với y như một người bệnh, vì y không thật sự chịu trách nhiệm về hành động của y.
Cũng giống như thế nếu ta quan sát các trại cải huấn thiếu niên phạm pháp. Một cách tổng quát, các thiếu niên ấy sinh ra và lớn lên trong các gia đình bị đổ vỡ không về mặt này thì mặt khác: cha mẹ li dị, nghèo khổ, thất nghiệp, v.v. Bản thân chúng ít được cắp sách tới trường hoặc không an tâm học hành hoặc không có điều kiện tham gia các trò giải trí lành mạnh. Do đó, theo quan điểm vừa kể, chúng là sản phẩm của môi trường sống và chúng không thể chịu trách nhiệm về các hành động tội phạm của chúng. Và như thế là đủ, chúng ta chẳng cần phải minh họa thêm cho vấn đề này.
Một chủ đề căn bản
Nếu lý thuyết ấy đúng, lúc đó người thiện không chịu trách nhiệm về sự tốt lành của họ và không đáng được tán thưởng, người ác không chịu trách nhiệm về sự xấu xa của họ và không đáng bị trừng phạt. Và chúng ta hãy từ khước ý niệm về tự do, hãy chấp nhận và truyền bá thuyết *tất định chủ nghĩa (determinism).
Từ ngữ "nên" sẽ không bao giờ còn có ý nghĩa như một nghĩa vụ xã hội và cũng như tôi, bạn không cách gì có khả năng chọn lựa giữa hành động tốt và hành động xấu. Như thế, tới đây bạn đã thấy vấn đề này trở thành một chủ đề căn bản của triết học.
6. Vấn đề trật tự
Vô phương thoát
Thuyết tất định cung cấp giải pháp cho vấn đề trật tự (order) trong vũ trụ này. Nó xem mọi biến cố, kể cả các biến cố của thể xác và của tâm trí, đều liên quan nhau rất chặt chẽ tới độ với kiến thức nhất định về những biến cố nào đó trong hiện tại, bạn có thể thấy trước những gì sắp xảy ra. Thí dụ nếu là nhà thiên văn, bạn có thể dự báo chính xác các biến cố tương lai, nếu là nhà địa chất, bạn có thể trình bày những gì nhất định đã xảy ra trong quá khứ.
Chúng ta đều biết rằng nước làm cho hết cơn khát, thực phẩm nuôi dưỡng cơ thể, mọi cái đang sống đều sẽ phải chết, cuối mùa đông chắc chắn sắp sang mùa xuân. Bạn cứ làm hết sức mình rồi bạn coi, không ai trong chúng ta có khả năng thoát ra ngoài các tiến trình (process) diễn biến liên tục ấy của mình và chúng cũng là đối tượng vô tri giác (no sense subject) đối với ý chí của chúng ta.
Trật tự của vạn vật
Khi nhà khoa học tiến hành một cuộc thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, y ghi chép tỉ mỉ các vật liệu được sử dụng, các điều kiện theo đó cuộc thí nghiệm được xúc tiến, và các kết quả thu lượm được. Y cực kỳ tin tưởng rằng bất cứ người nào sử dụng các vật liệu giống như thế, xúc tiến theo các điều kiện giống như thế thì chắc chắn sẽ thu lượm được những kết quả giống như của y.
Khoa học tùy thuộc vào khả năng đưa ra những dự báo của nó. Nhà khoa học không thể đưa lời tiên đoán nếu không có sự trật tự trong thiên nhiên (hoặc trong tự nhiên, order in nature) bảo đảm rằng với các điều kiện giống như thế ta chắc chắn sẽ đạt kết quả giống như thế.
Trong cuốn Science and the Modern World (Khoa học và thế giới hiện đại, 1925) triết gia và là nhà toán học người Anh *Alfred North Whitehead (1861-1947) tuyên bố rằng: "Không thể có khoa học sống động nếu không có niềm xác tín có tính bản năng và bao quát vào sự hiện hữu của Trật tự của Vạn vật (Order of Things) và cách riêng vào Trật tự của Thiên nhiên (Order of Nature)".
Trật tự là tất nhiên
Lối sử dụng cụm từ "niềm xác tín có tính bản năng" (instinctive conviction) của Whitehead khiến chúng ta đoán chừng ông có ý nói rằng không nhất thiết hoặc khả dĩ qua tranh luận mà chứng minh được sự hiện hữu của trật tự ấy. Nó là một giả định, một cái gì đó được cho là tất nhiên vì điều thiết yếu là niềm tin vào nó, và vì chẳng có lý do gì để giả dụ rằng nó sai. Nếu toan tính chứng minh nó thì ta chỉ có thể viện dẫn thực tế rằng trật tự giả định ấy đã hằng được con người nhận thấy từ quá khứ.
Rủi thay ta không thể nào lập luận từ quá khứ cho tương lai mà không giả định cái trật tự chúng ta muốn thiết lập. Vì tương lai chưa xảy tới nên chúng ta không thể hiểu nó sẽ giống với cái gì. Khi tiên đoán rằng những tác động nhất định sẽ tiếp theo hôm qua từ những nguyên nhân nhất định, tức là chúng ta đang ở trong cảnh giới của đức tin (the realm of faith) chứ không ở trong cảnh giới của chứng minh (the realm of demonstration).
Ðức tin khoa học và trật tự
Tuy thế, Whitehead có lý khi ông nói rằng có thể không có khoa học nếu không có đức tin. Kỹ sư phải giả định rằng cây cầu do mình sắp xây sẽ chịu nổi sức nặng mà mình dự báo. Bác sĩ phải tin rằng những triệu chứng mình đã học ở trường y về việc xác định bệnh viêm ruột thừa sẽ tiếp tục chỉ cho mình thấy bệnh ấy trong điều kiện giống như thế. Nếu đức tin ấy không được chứng minh, chúng ta sẽ đối mặt với hỗn độn và không thể nào dự liệu tương lai bằng một mức độ bảo đảm nào đó.
Tại sao trong vũ trụ lại có trật tự? Theo như chúng ta biết cho tới lúc này thì không có lý do nào cho thấy tại sao nên hiện hữu trật tự thay vì vô trật tự; có lẽ vô trật tự có khả năng hơn. Liệu chúng ta có thể hài lòng với lời quả quyết rằng có trật tự trong vũ trụ và cứ để yên cho nó diễn tiến như thế? Người nông dân bình thường đang thong thả vác cuốc về nhà và nhà khoa học đang thao tác trong phòng thí nghiệm đều có khuynh hướng hài lòng và an lòng như thế.
Thế nhưng, ở đây, đối với triết gia, tính hiếu kỳ triết học mang y đi vượt quá đức tin mộc mạc ấy. Liệu quả thật có trật tự trong trong thiên nhiên? Nếu có, nguồn gốc của nó là gì? Nếu nó hiện hữu thì lý do nào khiến cho nó hiện hữu?
Thật chẳng đáng ngạc nhiên chút nào khi thấy người bình thường chấp nhận niềm xác tín ấy không một chút áy náy, vì như thế là đủ cho công việc thực tiễn của họ trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng cũng khá ngạc nhiên khi thấy nhà khoa học, kẻ vốn tự hào rằng mình luôn luôn dựa vào bằng cớ, lại đặt trường hợp của chính mình trên một hành động mang tính đức tin!
Tiến trình tất yếu
Nếu mọi vật đều liên quan với nhau rất chặt chẽ tới độ biến cố nào cũng phải phát sinh từ một biến cố đi liền trước nó, và nếu không có sự lệch lạc trong mối quan hệ ấy, lúc đó, trật tự của vũ trụ được quyết định bởi định luật quan hệ nhân quả. Vạn vật hiện hữu đúng như chúng đang hiện hữu vì chúng chẳng còn cách nào khác. Các sức mạnh mù lòa chi phối dòng chảy của các biến cố, và tính chất năng động của thiên nhiên (the dynamic of nature) chỉ là hành động phô diễn những gì đã được gây ra từ thuở tạo thiên lập địa.
Nếu đúng như thế, lúc đó trong thiên nhiên sẽ không bao giờ diễn ra cái mới mẻ vì dù có xảy ra gì đi nữa thì đó cũng chỉ là một hình thức khác của cái đã hiện hữu từ trước. Mọi hy vọng vào sự thay đổi dòng chảy của các biến cố chỉ là giấc mộng hão huyền vì không thể nào biến cải tính chất liên tục của tự nhiên.
Và như thế, chúng ta phải buông bỏ niềm xác tín vào sự tự do của con người – hoặc chúng ta phải thông giải nó bằng một cách khác, như người theo *chủ nghĩa *Marx cho rằng đó chỉ là ý thức về tiến trình tất yếu của lịch sử. Có vẻ như thuyết tất định chủ nghĩa giải quyết được vấn đề trật tự nhưng nó lại gây nên sự tổn thất đáng sợ: con người không có tự do.
Hữu thể siêu nhiên
Thay vào học thuyết mang tính *máy móc chủ nghĩa (the mechanistic doctrine) vừa kể, người ta đưa ra sự hiện hữu của một Hữu thể siêu nhiên (a supernatutal Being). Ðấng ấy vừa vượt quá lên trên tính chất liên tục tự nhiên của các biến cố vừa có quyền năng ra lệnh cho chúng phải tuân theo ý chí của ngài. Bằng cách ấy, người ta có thể giải thích mối quan hệ bình thường giữa các biến cố đồng thời thừa nhận sự lệch lạc hoặc sự xuất hiện của cái mới mẻ.
Thuyết này được chấp nhận một cách rất tổng quát. Ðối với nhiều người bảo lưu nó, dường như rất rõ ràng rằng họ không thể hiểu tại sao lại có kẻ hoài nghi nó. Những người ấy thường dè bỉu rằng "Họa là điên mới nghĩ trong bụng rằng không có Thượng đế", và rằng "Cứ đưa mắt ngó lên bầu trời sẽ thấy vinh quang của Thượng đế và cứ đưa mắt nhìn quanh mặt đất sẽ thấy công trình vĩ đại của Ngài".
Một bước lùi?
Lối giải thích như thế mang chúng ta lùi một bước dài vì lúc ấy công tác tất yếu phải làm là kiến lập sự hiện hữu của Thượng đế và bản tính của Thượng đế. Bởi vì không gì vô lý cho bằng khi qui trật tự của thiên nhiên cho Thượng đế mà không có lý do để tin vào sự hiện diện của Thượng đế.
Những minh họa vừa rồi chỉ để cho chúng ta thấy làm thế nào tính hiếu kỳ có thể dẫn chúng ta đi từ những thực tế đơn giản trong trải nghiệm (experience) hằng ngày tới các câu hỏi tối hậu về bản tính (nature) của vũ trụ và định mệnh hay thân phận của con người. Tuy thế, những gì chúng ta vừa tiến hành ấy chỉ mới là nhú cao một chút lên trên bề mặt thôi.
Xem tiếp phần 2