Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.272
123.158.230
 
Ý nghĩa của triết học-2
Nguyễn Ước

IV. Tinh thần triết học

 

1. Tìm câu trả lời hợp lý

 

Phải xác minh đức tin

 

Tính hiếu kỳ triết học thì vô hạn, cũng như chẳng có giới hạn nào cho những nỗ lực thăm dò sâu vào các bí mật của vũ trụ. Trong khi ứng xử với vấn đề trật tự của vũ trụ, chúng ta đã nêu ý tưởng rằng không thể tránh việc đưa ra một câu trả lời nào đó cho vấn đề ấy dù câu trả lời đó hoàn toàn mang tính đức tin, nghĩa là không một chút thắc mắc.

 

Tuy thế, nếu chân thành đối mặt với cuộc đời, chúng ta phải lục lọi ở bất cứ chỗ nào có khả năng đưa ra lý do xác đáng cho đức tin đang được chúng ta ấp ủ trong lòng, để chúng ta không tin một cách nhẹ dạ, cũng như để không cho bất cứ bậc "thẩm quyền thế giá" (authority) nào chi phối cái mà chúng ta có thể kiến lập bằng lý trí.

 

Phải có vũ trụ quan

 

Nếu xem xét thêâm lần nữa những minh họa vừa kể, chúng ta sẽ thấy rằng đáp án cho các vấn đề đã nêu ấy đòi hỏi phải có một lý thuyết tổng quát về bản tính của vũ trụ. Cắt nghĩa các nhận thức của chúng ta, chứng minh việc chúng ta chọn lựa những hành vi nhất định này là tốt hơn những hành vi nào đó khác, khẳng định hoặc phủ định sự sở hữu ý chí tự do, và xác nhận rằng trật tự của thiên nhiên do bởi ý chí của Thượng đế hoặc do bởi hành động mù lòa của các sức mạnh tự nhiên, tức là nhìn vạn vật trong toàn bộ của chúng và nói rằng vũ trụ, một cách tối hậu, là thế này thế nọ.

 

Do đó, chúng ta có thể nói rằng, như một phương diện hoạt động của nó, triết học nỗ lực hình thành một lý thuyết toàn diện và nhất quán về bản tính của vũ trụ bằng thao tác của lý trí dựa trên những thông tin có sẵn và tốt nhất.

 

Như một điểm khởi đầu

 

Câu vừa nói đó không là một định nghĩa, vì nó không phải là lời phát biểu về chức năng phê phán của triết học cùng chức năng xem xét những giả định của khoa học và kinh nghiệm thông thường, những cái góp phần làm thành các chủ đề được thăm dò trong những trang còn lại của cuốn sách này.

 

Tuy thế, để thuận tiện khởi sự, chúng ta phải bắt đầu từ một điểm nào đó, và câu nói đó sẽ góp phần vào việc trình bày sơ lược tinh thần, các niềm hy vọng và các phương pháp của triết học.

 

Ý nghĩa của câu nói đó sẽ được triển khai khi chúng ta ứng xử với tương quan giữa khoa học và triết học. Tạm thời lúc này, nó tương đối đủ để làm nổi bật tinh thần thiết yếu được các triết gia duy trì khi bắt đầu giải quyết một chủ đề triết học. Và như thế, hy vọng rằng nó cũng tạm đủ cho những gì chúng ta xem là hành trang gọn nhẹ khi đặt bước chân đầu tiên lên con đường dẫn vào triết học.

 

2. Vai trò độc tôn của lý trí

 

Lý trí là cơ sở thao tác

 

Là người thao tác đặt cơ sở trên lý trí (reason), triết gia không thể để bất cứ bậc thẩm quyền thế giá nào đọc kết luận cho mà chép; triết gia chỉ chấp nhận các kết luận do bản thân y đạt được.

 

Các chứng cớ đang ở trước mặt và người triết học phải đi theo chúng cho dẫu chúng dẫn tới chỗ nào đi nữa. Lúc này, cơn đam mê độc chiếm tâm tư y là cuộc truy tầm chân lý, do đó y phải tìm cách khất rầy hẹn mai hoặc thoái thác những thứ khác mặc dù chúng có thể rất quyến rũ và được cống hiến rất hậu hĩ.

Thực tế, chuyện đó không dễ làm vì triết gia cũng là con người với đầy đủ thất tình lục dục. Trong lịch sử loài người, đã có và vẫn có các chế độ chính trị bàn tay này không ngần ngại hành hạ hiền giả trong khi bàn tay kia sẵn sàng ban phát bỗng lộc cho những kẻ thông thái chịu đánh mất bản thân.

 

Lịch sử triết học đã để dành ít nhất một trang cho các triết gia châu Âu lưu vong thời bị Hitler chiếm đóng. Thậm chí bản thân triết gia Ðức *Martin Heidegger (1889-1976) cũng để lại nhiều nghi vấn trong mối quan hệ giữa triết thuyết và tham vọng địa vị cá nhân của ông với lý thuyết chính trị của đảng Quốc xã Ðức.

 

Gương mẫu Descartes

 

Nhiều người cảm thấy càng nghiên cứu sâu xa thì càng mệt óc mòn người nên thay vì tiến hành công tác một cách gian nan, họ chỉ muốn tìm chỗ trú ẩn trong một hệ thống nào đó không đòi hỏi phải suy tưởng rốt ráo. Ở đây, ta chợt thấy hiện lên hình bóng của Descartes, người được xem là cha đẻ của tư tưởng thời hiện đại.

 

Từ cuốn sách của ông có nhan đề là Discours de la méthode (Luận về phương pháp, 1637), ta có thể trích đôi câu như một lời khuyên đầy minh triết (wisdom), khích lệ chúng ta nói gương ông:

 

"Vì Thượng đế ban phát cho mỗi chúng ta ít nhiều Ánh sáng của Lý trí (Light of Reason) để qua đó phân biệt cái đúng và cái sai, tôi không thể tin rằng mình nên, trong một khoảnh khắc tạm thời nào đó, an tâm mãn nguyện với ý kiến của kẻ khác. Còn về các ý kiến đã được tôi ấp ủ cho tới lúc này, tôi nghĩ rằng cách giải quyết tốt nhất là ngay lập tức quét sạch sành sanh chúng, và rằng sau đó tôi sẽ ở trong tư thế tiếp thu ý kiến khác chính xác hơn, hoặc thậm chí có thể tiếp thu những ý kiến cũ một khi chúng đã trải qua cuộc xem xét rốt ráo của Lý trí"

 

Chân lý không ngại lý trí

 

Descartes giả định rằng cái đúng (chân lý, truth) có thể đứng vững trước sự thẩm tra của lý trí và rằng chỉ có cái sai là lẫn trốn ánh sáng xuyên suốt của lý trí. Vì thế, ông xem xét hết thảy các ý kiến của mình với niềm xác tín rằng cái đúng thì luôn luôn đứng vững trước cuộc thẩm tra và nó rất đáng để kiểm tra.

 

Ông cho rằng các ý kiến đúng – vốn có thể bị chắn ngang hoặc bị làm cho mù mịt bởi thành kiến và các ý kiến sai – có thể được phát hiện và chấp nhận. Thật khó tin tưởng những kẻ tuyên bố rằng mình yêu quí chân lý hoặc đang sở hữu chân lý mà lại không chịu để cho kẻ khác xem xét hệ thống ý tưởng của họ.

 

Không có bậc thẩm quyền thế giá hoặc thành kiến hoặc tập quán nào có khả năng biến cái sai thành cái đúng hoặc ngược lại, làm cho cái đúng thành cái sai. Cái đúng hoặc cái sai phải trải qua ngọn lửa kiểm tra mới có thể được tuyên bố một cách khẳng định và đầy tin tưởng. Ngọn lửa kiểm tra duy nhất chính là sự khảo sát dựa trên lý trí (rational examination).

 

Suy luận trên cơ sở chứng cớ

 

Suy luận thì bao hàm chứng cớ. Nếu định nghĩa rằng suy luận là hành động đi từ cái đã biết tới cái chưa biết, chúng ta có thể minh họa nó bằng một tiến trình qua đó quan tòa tìm kiếm một quyết định khởi đi từ chứng cớ trước mặt ông để tới kết luận rằng bị cáo có tội hay vô tội. Nếu quan tòa quyết định tuyên án trước khi chứng cớ được đưa ra, nếu ông bác bỏ cái kết luận hiển nhiên chỉ do bởi ông cảm thấy khó chịu hoặc không ưa nó, nếu ông không chú ý tới chứng cớ và không chịu tham khảo ý kiến của những người khác, hoặc nếu ông quyết định dựa theo những cái không thích đáng như quần áo nhếch nhác hay vẻ mặt trông như có tội của bị cáo, thì như thế, ông không thể hiện đúng chức năng thẩm phán của mình.

 

Bổn phận của quan tòa là phải cân nhắc chứng cớ một cách vô tư và không bị thiên lệch bởi đặc quyền đặc lợi của cá nhân hoặc sức ép của xã hội, để đưa ra quyết định mà dường như đối với ông, đó là phán quyết chỉ được chứng thực bởi những thông tin ông đang sở hữu. Và tinh thần ấy của vị quan tòa cũng là tinh thần của một triết gia.

 

3. Tính nhất quán

 

Luận cứ phải thống nhất

 

Suy luận thì bao hàm sự chú trọng tính chất nhất quán (consistency), nghĩa là có sự thống nhất từ đầu đến cuối, trước và sau không trái ngược nhau.

 

Con người nói chung dễ bị rơi vào chiếc bẫy của tình trạng duy trì các lý thuyết trái ngược nhau về vũ trụ. Có một số người hẳn muốn tin, như các nhà khoa học, rằng không thể có ý chí tự do tuy họ chấp nhận ý chí tự do như một thực tế trong cuộc sống hằng ngày của mình.

 

Thí dụ rõ nét nhất cho hiện tượng ấy là người chấp nhận chủ nghĩa Marx. Theo lý thuyết của họ, loài người phải tin tưởng rằng xã hội phi giai cấp thuộc phần tiến hóa của lịch sử nên dứt khoát nó là cái không một ai có khả năng ngăn cản đà tiến. Họ luôn luôn nhấn mạnh như thế nhưng lại không cân nhắc tính chất mâu thuẫn (contradiction) trong lời phát biểu của mình rằng loài người có thể và cần phải lao động cần cù để biến xã hội ấy thành hiện thực.

 

Không chấp nhận mâu thuẫn

 

Bên cạnh thí dụ vừa kể, ta có thể dễ dàng tìm thêm nhiều thí dụ khác. Tinh thần triết học chống lại tính chất không nhất quán (inconsistency).

 

Ở bất cứ chỗ nào tìm thấy có mâu thuẫn, triết gia phải sẵn lòng từ bỏ một trong các lập trường trái ngược nhau ấy, hoặc đề ra lý thuyết có khả năng giải thích các sự kiện ấy mà không mâu thuẫn với nhau, trước sau như một.

 

4. Tính toàn diện

 

Cân nhắc mọi sự kiện

 

Tính nhất quán là thiết yếu (ắt có) nhưng chưa đủ, còn phải có tính toàn diện (comprehensiveness) hay tổng hợp. Chúng ta có thể dễ dàng đạt tới tính nhất quán bằng cách làm như không biết tới những sự kiện có khả năng đưa tới mâu thuẫn. Nhất quán theo kiểàu đó tức là phải trả giá bằng chân lý.

Một lý thuyết đúng về bản tính của vũ trụ phải là một lý thuyết trong đó có tính tới hết thảy các sự kiện. Ðây là một thách đố thật sự cho tư duy của chúng ta. Triết gia và nhà tâm lý học Hoa Kỳ *William James (1842-1910) tâm sự rằng ông luôn luôn gặp khó khăn với "các sự kiện bướng bỉnh, không thể giảm thiểu", những sự kiện ông không thể bỏ qua tuy chúng chẳng thể vừa vặn với lý thuyết đã được chấp nhận mà không gây ra mâu thuẫn.

 

Không đơn giản hóa

 

Trong khi suy ngẫm các sự kiện, khuyết điểm trầm trọng nhất của chúng ta là có khuynh hướng chấp nhận sự giải thích đơn giản. Những giải thích ấy dường như hữu hiệu vì chúng ta bỏ qua một bên cái nào có vẻ là ngoại lệ.

 

Rõ ràng môi trường sống của các thiếu niên phạm pháp đóng vai trò to lớn trong quá trình hình thành cá tính của chúng nhưng vẫn có chứng cớ về khả năng chọn lựa các hành động khác nhau, và sự chọn lựa ấy khiến cho cá nhân chịu trách nhiệm một cách thích đáng về hành động tội phạm của y. Không thể nói rằng lý thuyết ấy ứng xử thỏa đáng với vấn đề thiếu niên phạm pháp trừ phi nó giải thích trách nhiệm thực tế cũng như ảnh hưởng mang tính quyết định của hoàn cảnh.

 

Tìm kiếm nguyên tắc và hệ thống

 

Những người quả quyết rằng ý chí vốn tự do và các quyết định của con người không bị tác động bởi các điều kiện vật lý, thì dường như cũng vấp phải sai lầm không kém những người quả quyết rằng con người chẳng có chút tự do nào. Triết học có nhiệm vụ đương đầu với các khía cạnh mâu thuẫn rõ rệt của kinh nghiệm, và bằng sự suy ngẫm về chúng, triết gia tìm kiếm nguyên tắc tổng quát khiến cho con người có thể hiểu vị trí của mọi sự kiện cá biệt trong một hệ thống có tính toàn bộ.

 

Ðó là lý do khiến trong cuốn Process and Reality (Tiến trình và thực tại, 1929), Whitehead định nghĩa triết học là "nỗ lực kết cấu các ý niệm tổng quát thành một hệ thống thiết yếu, hợp lý, chặt chẽ, và từ cơ sở ấy, có thể thông giải mọi thành tố trong kinh nghiệm của chúng ta".

 

Ðó cũng là lý do khiến trong cuốn The Function of Reason (Chức năng của lý trí, 1929), triết gia ấy quả quyết rằng lý trí suy xét "tìm kiếm, với tính hiếu kỳ và vô tư, tri thức về thế giới này. Không điều gì xảy ra mà hoàn toàn ở bên ngoài hoặc bị nó gạt bỏ ra ngoài. Nó được lèo lái bằng đức tin tối hậu rằng có khả năng am hiểu mọi sự kiện đặc thù khi rọi sáng nguyên lý tổng quát về bản tính của chính nó và về địa vị của nó giữa những sự kiện đặc thù khác".

 

Hình thành lý thuyết

 

Thoạt đầu, mọi sự kiện cá biệt (particular facts) trông có vẻ rời rạc, nhưng rồi chẳng bao lâu, những suy ngẫm về chúng sẽ vén lộ cho thấy rằng chúng ta không thể nào am hiểu chúng nếu cứ để sự kiện này rời rạc với sự kiện khác. Vốn bắt đầu với các sự kiện đặc thù và tiến hành qua những nối kết của chúng với các sự kiện khác, triết học phải đi tới một tổng quát tối hậu để rọi sáng hết thảy các sự kiện ấy.

 

Nói theo ngôn từ của thi sĩ, triết học là nỗ lực để thấy toàn bộ lược đồ chán ngán của vạn vật. Chính trong ý nghĩa đó mà chúng ta mô tả triết học như một nỗ lực hình thành lý thuyết (theory), vì bằng từ ngữ "lý thuyết", chúng ta có ý nói tới một sự tổng quát hóa có khả năng giải thích vô số sự kiện – như lý thuyết Newton về định luật vạn vật hấp dẫn đã đưa ra lời giải thích cho động thái của hết thảy các đối tượng vật lý.

 

V. Ðiểm khởi hành của triết học

 

1. Tri thức chính xác

 

Tới đây chỉ còn một điều cần phải thảo luận, đó là chúng ta có ý nói gì qua cụm từ "những thông tin có sẵn và đáng tin cậy nhất", nghĩa là "tốt nhất".

 

Nói chung, người ta đều đồng ý rằng không phải hết thảy các thông tin chúng ta đang sở hữu đều đáng tin. Không ai dám nghĩ rằng ảo ảnh có thể biểu thị cho một sự kiện hiện hữu, rằng ảo giác có thể cung cấp kiến thức đáng tin cậy và rằng dối trá có thể cung cấp sự thông giải khả dĩ chấp nhận về một biến cố.

Chúng ta phải bắt đầu bằng tri thức – hay còn gọi là kiến thức, am hiểu (knowledge, understanding) – chính xác, hoặc chúng ta có thể làm cho nó trở nên cực kỳ chính xác hết sức có thể được, nếu chúng ta muốn chứng minh hữu hiệu những suy tưởng hay lý đoán (speculations) của mình.

 

2. Mạc khải

 

Thông tin của Thượng đế

 

Nếu có Thượng đế, nếu đấng Thượïng đế ấy vén lộ (reveal) cho thấy thế giới này giống như cái gì và nếu ngài tiết lộ đầy đủ câu chuyện về thân phận của con người, lúc đó chúng ta sẽ có những thông tin chính xác mà chúng ta đang đòi hỏi. Ðã và vẫn có những lời tuyên bố rằng loài người từng được ban cho một mạc khải (revelation) như thế, và quả thật kinh sách của hầu hết các tôn giáo đều có đề cập tới lời tuyên bố ấy.

 

Có những tôn giáo nhấn cực kỳ mạnh tới mạc khải, đặt hẳn cho Thượng đế ấy một danh xưng là Thiên Chúa, là Giê-hô-va, là Ðức Chúa Trời, là Allah, làm thành một nhóm Thiên Chúa giáo bao gồm Do Thái giáo, Kitô giáo (Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo, v.v.) và có thể tính luôn cả đạo Islam (Hồi giáo).

 

Mạc khải không giống nhau

 

Rủi thay, các tông phái Thiên Chúa giáo có nhiều điểm bất đồng khi trình bày lý thuyết của mình về mạc khải. Giữa những mạc khải khác nhau đó, chúng ta hiện chưa biết làm thế nào để có thể quyết định mạc khải nào là chính xác và duy nhất. Ấy là chưa kể tới các mạc khải, thường được gọi là ngộ, chứng ngộ, thức ngộ, v.v. trong Phật giáo, Ðạo giáo, Bái hỏa giáo, v.v.

 

Tín đồ Kitô giáo có thể khẳng định rằng Kinh thánh (Bible) – cả Cựu Ước lẫn Tân Ước – kiến lập một mạc khải chính xác và duy nhất, và rằng sự am hiểu chân chính về vũ trụ phải đặt cơ sở trên cuốn sách thiêng liêng ấy. Thế nhưng không dễ dàng gì khi phải quyết định rằng mạc khải ấy thật sự nói cho chúng ta biết cái gì, vì gần như mỗi chi phái hội thánh Kitô đều đưa ra một thông giải cá biệt, và chi phái nào cũng tuyên bố rằng cái mình đưa ra đó là đầy đủ và chính xác.

 

Những tuyên bố ấy thường đối chọi nhau và dường như không cách gì giải quyết. Thậm chí dẫu cho có đồng thuận đi nữa về một thông giải đặc thù nào đó, chúng ta vẫn thấy mạc khải đó vẫn có các giới hạn của nó vì nó chẳng giúp được gì nhiều trong việc am hiểu bản tính của thế giới vật lý (physical world).

 

Mạc khải và khoa học

 

Trong quá khứ, đã từng có nhiều lý thuyết khoa học bị tấn công. Thí dụ thuyết của nhà thiên văn học *Nicolas Copernicus (1473-1543) hoặc *thuyết tiến hóa (the theory of evolution) của nhà vạn vật học *Charles Darwin (1809-1882) dường như mâu thuẫn với thông điệp tạo hóa trong Kinh Thánh Thiên Chúa giáo cho dù về sau rất nhiều người đồng ý rằng đôi bên không có xung khắc.

 

Khoa học tiến bộ là nhờ viện dẫn sự kiện (fact) chứ không viện dẫn mạc khải. Những kẻ tự giới hạn mình trong mạc khải thì thường không đạt được thành quả tốt trong khoa học, nếu không muốn nói toàn là những thành quả dở.

 

Ngay từ thuở thế kỷ 16, trong cuốn Novum Organum, (Công cụ mới, 1620), triết gia Anh *Francis Bacon (1561-1626) đã có thể viết rằng: "Với tính cực kỳ nhẹ dạ, một số người hiện đại lấy làm thỏa thích, tới một chừng mực nào đó, nỗ lực tìm thấy một hệ thống triết học tự nhiên trong những chương đầu của sách Sáng thế, của sách Gióp và của những phần khác của kinh điển thiêng liêng ấy... Xuất từ sự trộn lẫn không lành mạnh vạn vật với con người và thần linh đã phát sinh không chỉ một nền triết học quái đản (fantastic philosophy) mà còn một tôn giáo mang tính dị giáo (heretical religion). Chính bởi sự gặp gỡ như thế mà chúng ta phải điềm đạm tâm trí và phải cung cấp cho đức tin cái duy nhất đúng là đức tin".

 

Phải phát hiện mạc khải

 

Trong khi vẫn còn nhiều người chấp nhận cái nhìn cổ truyền về mạc khải, hầu hết các nhà tư tưởng tôn giáo hiện đại đều chia sẻ quan điểm của vị Tổng giám mục Anh giáo *William Temple (1881-1944) rằng không có chân lý được mạc khải theo kiểu đó. Có chân lý của mạc khải theo ý nghĩa rằng Thượng đế tự ngài vén lộ trong lịch sử và thiên nhiên nhưng loài người phải tự mình phát hiện ý nghĩa của mạc khải ấy.

Tuy thế, thật không công bằng khi nói rằng hầu hết các nhà thần học hiện đại đều đồng ý với nhà văn Ðức *Gotthold E. Lessing (1729-1781) rằng "Chân lý của các tôn giáo lớn đều không hợp lý khi chúng được mạc khải nhưng chúng được mạc khải để trở thành hợp lý" (the great religious truths were not rational when they were revealed but they were revealed so that they might become rational).

 

Phải đi tìm chân lý

 

Cuốn sách này có chủ đề triết học chứ không phải *thần học (theology) nên không thể đẩy vấn đề mac khải đi xa hơn. Ngang đây có lẽ vừa đủ cho mục đích của chúng ta, nhằm trình bày rằng chân lý không được cung cấp sẵn dưới hình thức một viên thuốc con nhộng – thường chứa chất thuốc kháng sinh hay thuốc trị bệnh nhức đầu, cảm mạo – cho những ai muốn đi tới cội nguồn thích đáng của nó.

Chỉ có thể tìm thấy chân lý bằng những nghiên cứu triệt để và kiên nhẫn của những kẻ bị tính lương thiện trí thức khống chế và được tính hiếu kỳ triết học thúc ép.

 

3. Cảm quan chung

 

Nhận biết ngay lập tức

 

Một số người cảm thấy không cần phải tìm kiếm chân lý về vũ trụ ở đâu xa và cũng chẳng cần phải có bằng cớ tỉ mỉ. Theo họ, con người có một khả năng thấy vạn vật ngay lập tức; họ gọi khả năng ấy là cảm quan chung (commonsense), hiểu như một sự nhận biết theo lẽ thường hoặc một khả năng cảm nhận đúng sai, tốt xấu tuy chưa đạt tới mức bẩm sinh như lương tri.

 

Những kẻ chấp nhận "cảm quan chung" thường đối lập với cái bị họ gọi là suy tưởng hay lý đoán trừu tượng (abstract speculation) của triết gia. Ðối với họ thì triết gia, kẻ phát biểu về không gian và thời gian (space and time) như là các điều kiện chủ quan của kinh nghiệm (subjective conditions of experience) hoặc chức năng của người nhận thức (function of the perceiver) trong việc quyết định phẩm tính của đối tượng (quality of object), dường như đang sống trên mây và đang dùng loại ngôn ngữ được đặc biệt dự kiến chỉ cốt để gây hoang mang và thần bí hóa.

 

Nhìn đời giản dị

 

Theo họ, nếu chúng ta tự giới hạn trong những sự việc bình thường của cuộc sống thì sẽ thấy vấn đề tranh luận bất tận về bản tính tối hậu của thực tại (the ultimate nature of reality) chỉ là chuyện nhỏ. Người ta có thể làm tình, giết người, nói dối, làm giàu mà không cần phải có quyết định về các vấn đề *duy vật chủ nghĩa (materialism) và *duy tâm chủ nghĩa (idealism). Những thảo luận về các vấn đề tối hậu ấy thậm chí còn có thể làm cho triết gia, không nhiều thì ít, mù lòa trước những sự thật hiển nhiên.

 

Triết gia và giám mục Anh giáo *George Berkeley (1685-1753), sau khi biện luận tỉ mỉ, đã phủ nhận thực tại vật chất của vạn vật (material reality of things). Thế nhưng tác giả người Anh, *Samuel Johnson, thường được gọi là Dr. Johnson (1709-1764), lại xem quan điểm ấy cực kỳ phi lý tới độ có thể dễ dàng đánh bại nó như co chân đạp đổ một hòn đá. May mà Tiến sĩ Johnson sai, như rất nhiều người ưa chuộng "cảm quan chung".

 

Triết học gắn bó với đời sống

 

Các chủ đề mà triết học xem xét không phải là những nan đề nhân tạo (artificial dilemmas) do con người bày đặt ra để tự tiêu khiển bằng những trầm tư mặc tưởng của tâm trí; chúng là những vấn đề liên quan thật sự tới cuộc sống.

 

Ta không thể nào giải quyết một vấn đề bằng cách bảo rằng nó trừu tượng, hoặc giải quyết một khó khăn bằng lời quả quyết vu vơ. Kẻ không chịu xem xét các nguyên lý căn bản đang nằm bên dưới hành động của mình vẫn không thể tránh khỏi tác động của các nguyên lý ấy; họ chỉ đơn giản thay thế các nguyên lý tốt bằng các nguyên lý xấu.

 

Nội hàm cảm quan chung

 

Có thể định nghĩa cảm quan chung là sự nhận biết lập tức giải pháp của một vấn đề mà không cần xem xét chứng cớ căn bản của vấn đề ấy, cũng không cần xem xét giải pháp của nó có mâu thuẫn hay không. Cảm quan chung chỉ có thể thao tác khi ứng xử riêng biệt với từng vấn đề và từng giải pháp tương ứng vì nó khó có thể hữu hiệu khi đem áp dụng nguyên lý ấy vào một tình huống khác.

 

Cảm quan chung hình thành các ý kiến tức thời mà ta không thể nào truy nguyên cội nguồn tâm lý của chúng; tuy thế không có lý do gì để giả dụ rằng loài người được ban cho một quyền năng đặc biệt, có thể quyết định một cách chính xác mà không cần phải suy ngẫm, và chỉ việc lắng nghe tiếng nói của cảm quan chung – hiểu đơn giản như một loại lương tri dường như bẩm sinh – là đủ.

 

Có khả năng rằng cảm quan chung chỉ là một hình thức khôn ngoan, nghĩa là khả năng chiếu rọi các nguyên tắc từng thao tác hữu hiệu trong quá khứ thành giải pháp cho các vấn đề hiện tại.

 

Nguồn gốc của cảm quan chung

 

Như thế, có thể hiểu cảm quan chung là khả năng nhận biết theo lẽ phải thông thường, có được từ những trải nghiệm trong thực tế cuộc sống chứ không phải do một tiến trình suy tưởng hoặc nghiên cứu đặc biệt nào. Có đủ mọi lý do để tin rằng cảm quan chung, hoặc có khi được gọi một cách khái quát là lương tri, chỉ là sự tích lũy những thông tin sở đắc từ những cái khác.

 

Tri thức khoa học (scientific knowledge) thẩm thấu chầm chậm và dài ngày vào ngôn ngữ thông thường, được các thế hệ đi sau chấp nhận và xem là hiển nhiên những gì mà các thế hệ đi trước phải khám phá. Nếu quả đúng như thế, cảm quan chung hoặc lương tri lúc nào cũng là tiếng dội lại của quá khứ; tự nó không đủ để ứng xử thỏa đáng những vấn đề phát sinh trong thời đại chúng ta hoặc để đánh giá chính xác các khó khăn tiềm ẩn trong một lập trường đã cũ, được phát hiện nhờ những thẩm tra mới.

 

Sai lầm của cảm quan chung

 

Cảm quan chung công kích lý thuyết của Copernicus vì rõ ràng mặt trời mọc ở phương đông và lặn ở phương tây. Ðối với cảm quan chung, dường như rõ ràng rằng không gian chỉ có ba chiều, bất chấp những gì có thể được phát biểu bởi nhà vật lý toán học người Ðức *Albert Einstein (1879-1955) hoặc bất cứ nhà khoa học hiện đại nào khác, thí dụ nhà vật lý lý thuyết người Anh *Stephen Hawking (1942- ) hay nữ giáo sư vật lý Mỹ *Lisa Randall (1962- ). Cảm quan chung đặt cơ sở trên sự chứng nhận tức thời của các giác quan cùng các ý tưởng khoa học đang lưu hành và được tiếp nhận một cách tổng quát.

 

Cảm quan chung là đối tượng của hết thảy những sai lầm có xuất xứ từ khuyết điểm của các giác quan và sự thiếu hiểu biết các tiến bộ của khoa học. Ðối với tri thức, cách riêng tri thức triết học (philosophic knowledge) thì không có phương cách dễ dàng sở đắc chúng; những lời tuyên bố tức thời và thiếu phê phán của cảm quan chung có khả năng làm cho chúng ta không đi sát với việc giải quyết các vấn đề tổng quát mà chúng ta phải đối mặt.

 

4. Kinh nghiệm

 

Trải nghiệm không tự giải thích

 

Nhiều người chấp nhận các giải pháp mang tính cảm quan chung vì chúng dường như bắt đầu với trải nghiệm (experience) và tiếp tục gần gũi với kinh nghiệm, nhưng đặc tính đó không phải là độc quyền của cảm quan chung.

 

Khoa học cũng như triết học đều đồng ý rằng đối với kinh nghiệm, ta phải bắt đầu thẩm tra nó tới nơi tới chốn. Hai bộ môn ấy không đồng quan điểm với cảm quan chung vì cả hai đều cho rằng kinh nghiệm không mang tính tự giải thích và rằng vạn vật không nhất thiết hiện hữu đúng như vẻ bên ngoài của nó. Người bình thường thấy chiếc ghế dựa là cái gì đó rắn đặc trong khi nhà khoa học có thể thấy nó như một không gian mênh mông. Kinh nghiệm được khoa học chắt lọc cho tới khi vượt quá vẻ bên ngoài và phát hiện mối tương quan giữa các biến cố.

 

Kinh nghiệm, khoa học và triết học

 

Chính vì rất thành công trong hoạt động đó nên khoa học là nguồn thông tin tốt nhất cho chúng ta khi bắt đầu làm triết học, nghĩa là khởi sự triết học hóa một vấn đề. Nhưng như thế không có nghĩa khoa học là nguồn thông tin duy nhất. Chúng ta cần phải tính đến những thành tố trong kinh nghiệm, thí dụ cảm giác tự do, cho dù muốn cắt nghĩa thích đáng các thành tố ấy ta có thể phải điều chỉnh các kết luận mang tính khoa học.

 

Cũng như khoa học, triết học không hoàn toàn bằng lòng với việc trình bày kết luận của nó bằng lý trí nhưng phải cho thấy rằng những cái tổng quát đã được thừa nhận ấy có sự ứng dụng của kinh nghiệm và chúng làm cho kinh nghiệm có ý nghĩa. Nhà triết học chân chính thường đồng ý với Berkeley rằng nếu trong kinh nghiệm có bất cứ thành tố nào mâu thuẫn với lý thuyết tổng quát thì lúc đó rất có khả năng lý thuyết tổng quát ấy sai.

 

Trong cuốn Process and Reality (Tiến trình và thực tại) từng được nhắc tới ở một đoạn trên, Whitehead quả quyết rằng điểm khởi hành của cuộc tra vấn là "thế giới thật sự, gồm cả bản thân chúng ta; và thế giới thật sự ấy dàn trải nó ra cho chúng ta quan sát nhân danh vấn đề kinh nghiệm tức thời. Sự giải thích sáng sủa của kinh nghiệm tức thời là chứng minh độc nhất cho bất cứ tư tưởng nào".

 

Kinh nghiệm và suy tưởng

 

Nếu tự thân kinh nghiệm tức thời mang trong nó sự giải thích tức thời của chính nó thì hẳn chẳng cần tới khoa học hoặc triết học. Chính kinh nghiệm khiến chúng ta phải đương đầu với vấn đề nên mới cần đến suy tưởng. Vì suy tưởng liên quan tới giải pháp cho vấn đề kinh nghiệm nên phải kiểm tra một cách thích đáng tính chính xác của ý tưởng để ta có khả năng xử lý vấn đề. Và điều này chỉ có thể được quyết định bằng việc đặt các giải pháp vào trong kinh nghiệm.

 

Y hệt sự chính xác của khoa học, tính chất chính xác của mọi quan điểm hay lập trường triết học (philosophic position) đều phải được quyết định bởi sự thich đáng của nó để tiến hành công việc mà nó đã khởi sự. Do đó, chẳng có gì lạ khi thấy rằng triết học hiện đại phải tín nhiệm các kết luận của khoa học hiện đại hơn bất cứ thông tin nào khác, và rằng trong nhiệm vụ của triết học có phần việc biến những gì liên quan tới tri thức thành một lý thuyết tổng quát có khả năng giải thích mọi mặt của kinh nghiệm.

 

VI. Giá trị của triết học

 

1. Chiêm nghiệm và hành động

 

Thúc bách của đời thường

 

Thật không dễ trình bày cho người khác hiểu tầm quan trọng của nỗ lực khai phá mang tính triết học. Thành quả của khoa học ứng dụng và các yêu cầu của một xã hội kỹ nghệ cạnh tranh cao độ và công nghệ thông tin chớp nhoáng ngày nay đang thúc đẩy con người lao mình vào hành động và biến người ưa thích chiêm nghiệm (contemplation) thành kẻ lỗi thời, hoặc thậm chí còn bị xem là kẻ ăn bám.

 

Triết học không dạy cho người ta cách làm thức ăn ngon hơn, cách áp dụng năng lượng hạt nhân vào kỹ nghệ hoặc tiếp tay trả cho xong tiền nợ thẻ tín dụng. Nếu các vấn đề thực tiễn ấy quan trọng đúng như vẻ bên ngoài của chúng thì người ta có lý khi không còn kiên nhẫn trước một đề tài triết học vì dường như nó không bao giờ đạt tới một kết luận chung cuộc và không bao giờ làm tăng thêm khả năng kiểm soát các sức mạnh thiên nhiên của con người.

 

Triền miên thảo luận

 

Nếu triết gia có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn cho tình trạng bối rối về đạo đức và tôn giáo của loài người, y sẽ được xem là người cung cấp dịch vụ hữu ích. Nhưng ngay cả trong phạm vi ấy, câu trả lời của y cũng chẳng cụ thể chút nào.

 

Người ta dễ dàng nhận ra rằng đó là các chủ đề thảo luận triền miên và bất tận giữa những kẻ không có các phương pháp nhằm đạt tới sự đồng thuận về bất cứ chủ đề nào, và có lẽ bản thân họ cũng chẳng quan tâm tới sự đồng thuận! Do đó triết gia dường như là người ngoại cuộc, khán giả; kẻ không tham dự vào trò chơi cuộc đời và là kẻ viễn mơ xa xỉ mà xã hội phải nhẫn nại chịu đựng.

 

Triết học song hành khoa học

 

Phán đoán ấy có thể không hoàn toàn chính xác. Ngày nay, chúng ta thường nghĩ tới triết học như bộ môn khác với khoa học và quên rằng cho mãi tới gần đây, từ ngữ "triết học" (philosophy) bao hàm toàn bộ phạm vi tri thức trong đó khoa học là một thành phần. Tại Bắc Mỹ, học vị tiến sĩ của ngành khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội đều được gọi là Doctor of Philosophy (Ph.D.), gốc từ chữ La-tin Philosophiae Doctor.

 

*Aristotle (384-322 tr.C.N.), một trong các triết gia vĩ đại nhất của loài người, cũng được hậu thế ca ngợi một cách xác đáng là cha đẻ của khoa học. Descartes, người thường được gọi là cha đẻ của triết học hiện đại, từng ứng xử với mọi vấn nạn khoa học trong thời đại ông và chắc chắn ông sẽ lấy làm kinh ngạc khi nghe có kẻ bảo rằng khoa học khác với triết học.

 

Einstein với những phát biểu đầy tính triết lý và nhà toán học *Bertrand Russell (1872-1970) với công trình triết học đồ sộ, xứng đáng là những kẻ tiên phong cho một thế hệ triết gia mới, xuất hiện nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 có gốc gác từ giới khoa học gia.

 

Khoa học bắt đầu tách rời triết học khi số lượng thông tin tích lũy ngày càng quá lớn tới độ những kẻ muốn xử lý nó một cách có lớp lang đều cảm thấy cồng kềnh. Cuộc tách rời ấy làm cho khoa học, bằng sự phát triển các kỹ thuật thỏa đáng hơn và sự phân công thích đáng hơn, tích lũy kiến thức nhanh hơn và hoàn toàn bảo đảm hơn.

 

Do đó, triết học ngày càng bị phân biệt thành một đối tượng không có phương pháp thẩm tra chuyên biệt nào cũng như không quan tâm tới việc đua tranh với các ngành khoa học vốn là nơi bảo đảm cho sự sở đắc tri thức. Thay vào đó, triết học tập trung vào việc suy tưởng các vấn đề không thể kiểm nghiệm bằng thẩm tra khoa học.

 

Triết học bổ sung khoa học

 

Trong cuốn The Nature of the Physical World (Bản tính của thế giới vật lý, 1928), nhà thiên văn học người Anh *Arthur S. Eddington (1882-1944) nỗ lực trình bày rằng khoa học hiện đại phải thăng tiến thành suy tưởng triết học (philosophic speculation) nếu nó muốn hoàn thành thỏa đáng chức năng của nó.

 

Nhiều nhà khoa học khác, kể cả *James Jeans (1877-1946), *Max Planck (1858-1947) và Einstein, đều đã làm bước nhảy vọt ấy và rồi họ nhận thấy nhờ thế mà sự nghiệp khoa học của mình ngày càng phong phú.

 

Whitehead từng đề nghị thêm một chức năng cho triết học là nhắc nhở các nhà khoa học rằng dù họ đi xa tới mấy đi nữa cũng còn một quãng đường rất dài trước mắt để còn phải đi xa hơn, và qua suy tưởng, triết học vạch ra cho các nhà khoa học thấy những đại lộ thẩm tra sum suê hoa trái.

 

2. Triết học là suy tưởng

 

Suy tưởng để sống trọn vẹn

 

Dù triết học không đóng góp vào các ngành khoa học và cho dẫu chức năng của nó có tính hoàn toàn chiêm nghiệm đi nữa, triết học vẫn là một môn học quan trọng. Ở đây, chúng ta không có thời gian suy ngẫm về đạo đức của thế hệ hiện nay nhưng từ cuối kỷ trước cho tới đầu thiên niên kỷ thứ ba này, người ta càng ngày càng thấy rõ rằng "Con người không chỉ sống bằng vật chất" và rằng "Kẻ nào chỉ biết suy nghĩ tới cái gọi là ‘thực tế cuộc đời’ thì hầu như không thể nào sống trọn vẹn cuộc đời".

 

Các nghề nghiệp chuyên môn ngày càng được nhấn mạnh, đưa tới tình trạng loại dần ngành khoa học nhân văn. Và đó dường như là một đòi hỏi cấp thiết của xã hội công nghiệp hóa. Tình trạng ấy gây thiệt hại đáng kể cho các trường đại học, và nói chung cho phẩm chất của cuộc sống.

 

Từ khoảng năm chục năm nay, các trường đại học và cao đẳng đã từng bước nỗ lực xóa bỏ sự phân biệt giả tạo ấy. Nhà trường đưa vào học trình chuyên nghiệp một số tín chỉ cơ bản, có tính triết học, nhằm giới thiệu những chủ đề có vẻ không quan trọng nhưng thực tiễn, chúng có ích cho việc chuẩn bị nghề nghiệp cho sinh viên.

 

Làm phong phú con người

 

Là con người, có lẽ ai cũng cảm thấy thích thú muốn biết đầy đủ tất cả những gì có thể biết về thế giới mình đang sống và thỉnh thoảng muốn có cơ hội suy tưởng các vấn đề, để vượt lên trên những đòi hỏi chật hẹp của cuộc mưu sinh. Nếu triết học giới hạn chức năng của nó để chỉ giới thiệu cho con người một số tư tưởng sâu sắc nhất của một số nhân vật vĩ đại nhất, thì hẳn nó sẽ cung cấp những kinh nghiệm vô cùng lý thú và hào hứng.

 

Tuy thế, như đã trình bày, triết học còn thêm nhiệm vụ chủ yếu khác nữa. Bằng việc khích lệ sự suy ngẫm về các nguyên lý tối hậu của tri thức nhân sinh và động thái con người, triết học ra sức làm cho tinh thần của sinh viên thêm phong phú.

 

What is your philosophy?

 

Ai dám quả quyết rằng chẳng quan trọng chút nào việc suy ngẫm mang tính xét lại (reflection) những nguyên tắc trên đó các niềm tin xã hội, đạo đức và tôn giáo đặt cơ sở, và nếu cần thì sửa chữa những nguyên tắc ấy? Chỉ có những kẻ không được chuẩn bị để hành động như một người có trí tuệ mới dám khẳng định và đưa ra lời quả quyết như thế.

 

Có lẽ vì thế, ngày nay các chuyên gia thượng thặng trong các ngành khoa học nhân văn, thâm chí khoa học kỹ thuật, khi được phỏng vấn trên báo đài, thường bị hỏi về quan điểm triết lý của họ trong các vấn đề liên quan tới bộ môn của mình, hay nhận xét của họ về khía cạnh triết lý của một vấn đề đang cần phải xử lý. Qua câu trả lời, người ta thấy kẻ được phỏng vấn am hiểu bản chất của vấn đề ngang mức nào.

 

3. Xung khắc thời hiện đại

 

Thời thế kỷ 20

 

Ngày nay, bước sang thiên niên kỷ thứ ba và đang trong giai đoạn đầu của công cuộc toàn cầu hóa, nhất thời bị đặt nặng trên công nghiệp hóa, quyền lợi của nước lớn và lợi nhuận của các tập đoàn đại công ty, vấn nạn về giá trị thực tiễn của triết học đang ngày càng trở thành một đề tài cấp thiết. Thế giới của thế kỷ 20 vừa qua đã để lại kinh nghiệm cay đắng trong việc tìm câu trả lời cho vấn nạn đó.

 

Thuở ấy, sau hai cuộc đại chiến, thế giới bị chia thành hai hệ thống chính trị lớn với hai *hệ tư tưởng (two ideologies) đối lập và lao vào cuộc chiến tranh lạnh toàn cầu, song hành với những cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại nhiều địa phương nằm cách xa trung tâm quyền lực của các cường quốc. Ngày nay nhìn lại, hẳn có nhiều người thấy rõ những nguyên nhân đưa tới tình trạng thê thảm ấy, nhưng trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là cuộc tranh giành quyền lực tối thượng của hai hệ thống triết học khác nhau.

 

Triết học Marx và dân chủ

 

Giữa chủ nghĩa Marx và *thể chế dân chủ (democracy) không có điểm gặp gỡ nào, cũng như không có khả năng thỏa hiệp vì cả hai tiêu biểu cho các khái niệm khác nhau về bản tính của thực tại. Các khái niệm khác nhau đó đưa tới các quan điểm khác nhau về con người, tự do và vai trò của nhà nước.

 

Chủ nghĩa Marx tuyên bố rằng nó là một triết học đầy đủ và rằng nó rút tỉa các nguyên lý của mình từ bản tính của vũ trụ, một cách cực kỳ đúng đắn. Cuộc đấu tranh mang tính biện chứng pháp trong suốt quá trình lịch sử được đưa ra làm chìa khóa dùng để am hiểu các biến cố lịch sử và nhìn thấu suốt dòng chảy tất yếu của xã hội loài người.

 

Chủ nghĩa Marx làm ta bất chợt nhớ lại các ngôn sứ (prophet) Do Thái xa xưa, những kẻ luôn luôn hướng ánh mắt tới các giai đoạn bi thảm trong cuộc sinh tồn của loài người, tuy thế họ vẫn cất cao lời bảo đảm rằng đang tới thời kỳ trên mặt đất lũ cừu non nằm chung với loài sư tử, từ núi Sion tuôn trào công lý và các quốc gia không còn gây chiến.

 

Marx nhấn mạnh những quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp và, không có sự phù trợ của Thượng đế, hứa hẹn sự kết thúc toàn bộ hình thức bóc lột trong một xã hội con người thôi không còn ở trong tình trạng làm nô lệ cho đồng loại.

 

Thể chế dân chủ dựa trên các khái niệm về phẩm giá con người và tự do, về giá trị của luật pháp, quyền tư hữu và khả năng của con người bằng sự thao tác tự do của lý trí để sửa chữa những độc dữ của xã hội mà không có nguy cơ đánh mất tự do vào tay các chính thể bạo tàn.

 

Thách đố của thời đại

 

Triết học, một môn học tự thân nó là đấu trường của cuộc xung khắc ý thức hệ toàn cầu đó, chắc chắn không thể bị gọi là môn học không thực tiễn. Thời đại hiện nay đang thách đố chúng ta tái khảo sát những nguyên tắc căn bản của mình. Sự thách đố của các chế độ thiếu dân chủ hậu chiến tranh lạnh là có thật. Tình trạng ấy không bao giờ có thể thay đổi bởi những phát biểu ngoan đạo hoặc những lời lẽ ủy mị tầm thường hoặc những lên án mang tính giáo điều.

 

 

Có một sự thách đố thật sự cho những ai xem xét các nguyên tắc trên đó thiết lập thể chế dân chủ và cho thấy tính ưu việt của nó so với những lời tuyên bố trước đây của chủ nghĩa Marx. Làm điều đó có nghĩa là quay về với triết học.

 

Ý nghĩa và tư duy cá thể

 

Trong phân tích vừa rồi, ý nghĩa của triết học phải là một ý nghĩa cá nhân riêng tư. Kẻ nào muốn trung thực với bản thân, kẻ đó phải tìm kiếm câu trả lời các vấn đề của y bằng suy ngẫm có tính triết học. Ngày nay, không có gì ổn định. Những ý niệm từng phục vụ thế hệ cha ông chúng ta nay không còn thỏa đáng.

Trong khi các yêu cầu của thời hiện đại chưa được đáp ứùng thỏa đáng thì đã dậy lên phong trào hậu hiện đại với những phá cách chưa định hình. Các nền tảng của tôn giáo, đạo đức, tổ chức chính trị, v.v. đều đang bị thách thức, và nếu chúng ta không muốn để cho lý trí sắp sửa bị thay thế bằng mê tín, chúng ta phải tái xem xét toàn bộ chúng.

 

Triệt để và đồng bộ

 

Chúng ta được nhắc nhở không ngớt rằng tiến bộ đạo đức đang không đồng bộ với tiến bộ công nghiệp và rằng những phát minh của khoa học khiến cho loài người thấy mình đang sở hữu những khí giới mà nó không có khả năng kiểm soát chúng để phục vụ cho phúc lợi của nó. Tại sao lại xảy ra tình trạng như thế? Câu hỏi đó hoàn toàn chính đáng.

 

Câu trả lời có thể là vì chúng ta đã không áp dụng vào các vấn đề đạo đức những kỹ thuật cùng cung cách tự do thẩm tra giống y như đã áp dụng vào khoa học, nơi đã và đang chứng tỏ kết quả rất hữu hiệu của chúng. Nỗi niềm hoài nhớ những ngày xưa tốt lành không đủ để đáp ứng các nhu cầu ngày nay.

 

Cũng như khoa học đã và đang tái xem xét hết thảy các khái niệm căn bản và các nguyên tắc căn bản của nó, chúng ta cũng phải sẵn sàng làm giống y như thế đối với các nền tảng thực tiễn của mình. Chưa làm như thế tức là chưa chân thành đối mặt với hiện trạng. Thách đố chủ yếu của triết học là thách đố của sự lương thiện trí thức.

 

4. Đạo của triết gia

 

Tình yêu minh triết

 

Sự phân biệt tính chân chính hay không của một triết gia đặt cơ sở trên động thái của ông ta khi làm triết học chứ không dựa vào các kết luận được ông ta đưa ra. Ðối với triết gia, triết học là tình yêu sự minh triết, nghĩa là tha thiết sự khôn ngoan do suy tưởng triết học mang lại. Tự thân chữ triết học (philosophy hoặc philosophie) có nguồn gốc từ chữ Hi Lạp cổ philosophia (philos nghĩa là yêu; sophia nghĩa là minh triết, khôn ngoan).

 

Triết học là niềm khát khao muốn biết chân lý của mọi vật, muốn đặt câu hỏi tối hậu, muốn tìm kiếm câu trả lời hợp lý cho các vấn đề xuất hiện trước mắt hay trong trí óc của người có tính suy ngẫm.

Tình yêu ấy có một sức mạnh không ngưng nghỉ và không nao núng. Nó không cho phép triết gia mãn nguyện với lý thuyết về vũ trụ nào bỏ sót hầu hết các sự kiện hoặc đưa lời giải thích mang tính giáo điều chủ nghĩa (dogmatism), không ai dám thắc mắc hoặc có thể thắc mắc.

 

Hành giả khiêm tốn

 

Thế giới sắp sửa được giải thích nhưng nó quá đổi vĩ đại và quá đổi huyền ảo so với những công thức đơn giản của chúng ta. Mọi câu trả lời đều gợi tới những câu hỏi mới; chân lý luôn luôn ở quá bên kia chúng ta.

 

Như một hành giả khiêm tốn, triết gia cất bàn chân kiên trì bước tới phía trước, trong khi tìm kiếm phương thế nắm bắt ý nghĩa của những thông tin tốt nhất mà mình có thể sở hữu.

 

Cho dẫu không đạt tới mục đích sau cùng, triết gia – thậm chí cả bạn và tôi, những kẻ muốn được đồng hành với các nhà tư tưởng ấy – cũng sẽ thoát ra khỏi tình trạng bối rối do bởi ý kiến lệch lạc gây nên, lòng cảm thấy sung sướng rộn ràng vì sự tự do của tâm trí, và mắt nhận biết các chân trời đang bị che khuất đối với những kẻ mù lòa, mê tín và vô minh./.

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 3280
Ngày đăng: 21.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bản lĩnh của sự lựa chọn - Hoàng Vũ Thuật
Bảy lời của Đức Maria & đời sống linh mục -1 - Vũ Duy Thống
Bảy lời của Đức Maria & đời sống linh mục -2 - Vũ Duy Thống
Không gian văn học Miền đông nam bộ và hiện thực đời sống hay tâm trạng đời sống. - Nguyễn Một *
Đi tìm ứng viên giải Nobel cho văn chương Việt Nam - Đông La
Viết về công nhân thời kỳ mới : không ngại cũng không vội ! - Khôi Vũ
Ðường vào triết học-1 - Nguyễn Ước
Ðường vào triết học-2 - Nguyễn Ước
Nguyễn Bính - một áng thơ Say - Vũ Ngọc Tiến
Lịch sử tính dục : Phần 3.- Khoái cảm trong hôn nhân - Khổng Ðức
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)