Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.141
123.162.595
 
Thơ tặng mùa đông (*)
Đoàn Minh Châu

Quán café

 

… đến và đi và những con người và hơi lạnh

lọ hoa cúc mùa đông

bức tranh màu nhàu nhĩ

chiếc đèn dầu thoảng khói

Người thiếu phụ áo đỏ xoa cái bụng tròn trĩnh sau quầy

lẩm nhẩm quãng đường sắp tới.

 

… đến và đi với cốc café pha sẵn nhạt như nước ốc

tôi dõi theo ánh mắt đang dõi theo hàng kiến bò dọc mép tường

cái đầu nghiêng nghiêng

cúi xuống

xoay ngang

chi chép

đếm tiền

ánh mắt vẫn đè lên hàng kiến thênh thênh di chuyển dọc mép tường

lùng sục một con chệch hướng

bất kể mùa đông.

 

Hai năm,

lọ hoa cúc mùa đông

bức tranh màu nhàu nhĩ

chiếc đèn dầu thoảng khói

Người thiếu phụ áo đỏ ngước mắt nhìn tôi qua cặp kính cận sau quầy

đôi môi nhạt hằn một đường nhỏ xíu.

 

Mùa đông lạnh.

 

11/12/05

 

Phố chiều cuối năm

 

ngủ quên mấy buổi chiều chợt chiều nay tỉnh

thấy mình nằm chỏng chơ giữa ngã tư thập tự

rưng rức khóc

chiều mềm như thở

vỗ quanh một cái tên cũng chiều nay chợt tỉnh

thoát ly phố đi rỡn thánh giá

nằm lì nơi góc cống

 

không kiểm soát nổi một giọt nước lẽo đẽo theo bước chân

nỗi ám ảnh xám xanh rối rít chạy cuồng vào mạch cống

nơi đó thế giới khác đang cười

 

bội thực thanh âm hổ lốn

bội thực mớ vai trần ngon khét gió

những con đường chiều nay cũng tức tưởi xô về

 

chạm mặt tại đó

chiều nay

nước cống loang ướt nhẹp thành phố.

 

31/12/05

 

Về với mùa đông

 

Cốc rượu đã cạn

và sợi khói Capri cuối cùng bay ra khỏi quán

ta về thôi

mưa không dội sạch được những linh hồn run rẩy trên khung sắt của tòa nhà xây dở

ẩm ướt mưa ẩm ướt lời tỏ tình chắp vá

 

về đi

đêm quánh đặc tràn vào hốc mắt

con đường dập dềnh trôi qua tay trăm nghìn lối rẽ

chằng chịt những ngã tư vắng hoe

những ổ gà lởm chởm ước mơ nát bét

 

giọt mưa cào trên mặt hình thù một gương mặt khác một trí nhớ khác

cứ lấp loáng giữa những ảo tưởng thật thà

cũng quánh đặc và lặng lẽ chảy trên con đường dọn sẵn

về đi thôi

tiếng xe máy vỡ vào đêm

như tiếng mùa đông gọi.

 

14.10.2007

 

Mưa tháng Chạp

 

Em nghĩ về anh khi thành phố rả rích những đợt rét bất thường tháng Chạp

và giọng hát Thuỳ Dương rớt xuống sàn nhà nỗi buồn lung linh sáng

em đóng kín các ngõ ngách căn phòng

thành phố chao nghiêng ngoài kia

từng đợt

từng đợt

sóng sánh mưa rơi rơi như tóc

 

ngày giáp Tết ẩm mốc đống áo quần cũ kĩ không phơi hết nắng

mường tượng một vòng tay siết chặt ngực

trong giấc ngủ trễ nãi kéo dài vô tận

cơn mưa cứ rơi hoài hoài

những đêm em tự tử bằng nỗi buồn không duyên cớ

 

và buổi sáng

lại gặp nhau trong gương nỗi nhớ thâm thấm lạnh của ngày tháng cũ

 

mùa xuân rơi nơi nào trong mưa ngoài kia hả anh?

 

25.1.08 

 

Mùa đông

 

Mùa đông theo những cơn mưa áp thấp nhiệt đới

một ngày tháng chín

xứ sở không có thu

xứ sở nổi trôi theo điệu trống bập bùng của lũ trẻ

 

tiếp theo một buổi chiều mê mải 

cái bóng mờ ảo của giấc ngủ ngày

quấn quanh chăn như một con nhộng lười

nằm nghe chủ nhật chiều dần ngoài tấm rèm xanh đầy bụi

thấy mình cũng đang lặng chìm vào tối

 

những giọt nước rỉ rả

luồn vào mạch máu như một nhớ nhung lặng chảy

từ mùa đông nào rất xa

mùa đông có hình dáng một gương mặt nhoà mưa và ngọt lịm môi mềm

tiếng trống cứ bấn loạn theo những giọt nước long tong

rớt trên khung cửa

gõ những âm điệu rối bời

gõ mê mải suốt mùa

trên xứ sở mờ ảo ánh nến trẻ con và điệu trống bập bùng thôi thúc một nỗi nhớ cũ xưa không ngừng day dứt

 

mưa mưa mưa mưa mưa mưa mưa mưa mưa...

 

Trung thu 2008

(*)  Chùm thơ này tác giả  trích trong tập thơ  “ m-n & z”, Minh Chau xuất bản 2008, số lượng 50 bản

 

Đoàn Minh Châu
Số lần đọc: 1797
Ngày đăng: 21.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
V ĩ thanh - Nguyễn Văn Tao
khúc cuối năm – b , - Chu Ngạn Thư
Chuyện người đời thường - Inrasara
Mùa xuân - Cao Quảng Văn
Hạt bụi thức giấc - Võ Minh Trang
Tôi nói _Thơ - Vũ Trọng Quang
Ba người đàn bà - Nguyễn Thái Sơn
Thổi tình qua bay biệt xứ - Linh Phương
đọc lại hoàng hạc lâu - Hoàng Lộc
Tổ quốc - Nửa bàn chân đã dính bùn và máu - Đông La