Trước Đông chí mấy ngày tàu tôi cặp cảng Cổ Bình (Furubira), vùng Hokkaido (Bắc Hải đạo). Trời lạnh khủng khiếp, mưa tuyết liên tục thành ra thủy thủ đoàn được nghỉ ngơi vài hôm chờ dỡ hàng. Phố thị ướt át và vắng lặng như đang ngủ đông nên chẳng ai có hứng đi bờ dạo chơi hay mua bán, xin xỏ, đổi chác.
Khi nghe nói tôi định lên núi, nữ nhân viên Đại lý hàng hải cứ trợn tròn mắt. Cô bảo trên ấy còn mấy con sói xám không nguy hiểm lắm vì đã rã bầy, chúng sợ tiếng va đập kim loại và luôn tránh xa lửa. Yukiko tặng tôi đôi giày đi tuyết cũ, chỉ dẫn đường hướng rõ ràng và dặn dò đừng qua đêm một mình ngoài trời.
Đông chí hay Noel, bản chất chỉ là tên gọi một thời điểm của chu trình thiên nhiên. Khoảng năm 2100 trước Công nguyên, nền văn minh cổ đại Hoa Hạ đã xác định mặt trời bình minh ngày Đông chí nằm chính giữa đỉnh núi Sùng. Các tia nắng đến tâm đồng hồ bán nguyệt bằng đá sẽ chui qua múi rãnh số hai. Khảo cổ học cơ bản thống nhất quan điểm thiên văn của di tích đàn Nam giao sơ khai này, tại di chỉ Đào Tự huyện Tương Phần, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Theo sách Lễ ký của Nho giáo, Tế giao được tiến hành vào ngày Đông chí. Khi ấy mặt trời dịch xuống vĩ độ 23 độ 27 phút nam (đi qua thành phố Rockhamton bang Queensland Australia). Đây là ngày lạnh nhất trong năm ở bắc bán cầu, đêm rất dài. Hơn ngàn năm trước phương Tây dùng lịch Julian, Đông chí nhằm 25 tháng 12. Thiên chúa giáo khi định vị giáng sinh tượng trưng cho chúa Jesu đã chọn Đông chí. Như vậy Đông chí năm thứ nhất từng được cho là khởi điểm của Công lịch. Khi lịch Gregorio thay thế lịch Julian thiếu chính xác, Đông chí bị điều chỉnh về ngày 22 tháng 12 hằng năm, giáng sinh đã không thay đổi theo vì thói quen.
Qui luật chuyển động tương đối giữa mặt trời và trái đất là: khi chạm Đông chí, mặt trời mỗi ngày lại mọc cao hơn một chút, tạo nên chu kỳ quay lại bán cầu bắc đến điểm mút Hạ chí (đi qua thành phố Quảng Châu, Trung Quốc). Văn minh nhân loại phát triển mạnh mẽ hơn ở bắc bán cầu. Lễ tế Nam giao hay giáng sinh có lẽ phát triển từ tục thờ mặt trời rất phổ biến. Chắc chắn khi chưa có tên Tế giao hoặc Giáng sinh thì Đông chí là một ngày khá trọng đại. Việc cầu khẩn mặt trời ở xa trở về, đem nắm ấm cho mùa màng và nhân sinh là điều dễ hiểu. Chìa khóa thiên văn này thậm chí có thể đã từng là bí quyết mị dân của những vị chủ tế/lãnh tụ đầy quyền lực.
*
Buổi trưa trước Đông chí tôi rời tàu, băng qua con đường ven biển và hướng về ngọn núi Omori. Tuyết ngập đất. Màu trắng nhức mắt. Mặt trời chói lọi nhưng cô quạnh giữa một nền xanh nhàn nhạt, nhàm chán và vô vị.
Tôi men theo đường mòn có phương vị tây bắc cho nên khi nghe tiếng gọi giật sau lưng, ở một ngã rẽ bên phải, thì gần như khuôn mặt Yukiko sáng rực lên như trăng rằm. Cô đối diện với mặt trời chính nam. Sau lớp kính râm tôi đoán Yukiko đang nheo mắt.
“Tôi cũng lên núi” – Yukiko cười rất tươi – “ Anh sẽ giúp tôi cưa một cành thông Noel thật đẹp nhé. Chúng ta cùng đường, chẳng biết có duyên ngộ gì hay không?”. Người tôi nóng bừng. Yukiko từng bảo nhà cô trên sườn núi. Cô hay ngắm vịnh Furubira và đỉnh Omori bằng ống nhòm chuyên dụng hàng hải.
“Cô phải quay về lúc ba giờ chiều. Nên kể bản thân tôi cũng là một mối nguy hiểm giữa rừng. Nếu không tìm được chòi gác nào đó, tôi cũng có sẵn chiếc lều cá nhân dã chiến tự may trong ba lô, để đêm nay nghe nhất dương sinh của Đông chí”.
“Tôi chỉ cần nhấn phím S.O.S trên điện thoại di động, năm phút sau sẽ có trực thăng cứu hộ đón” – Tiếng Yukiko giòn tan – “Anh không cần cả nghĩ thế. Anh làm tôi tò mò rồi đấy. Nhất dương sinh là gì?”.
“Theo Sử ký Tư Mã Thiên, ngày Đông chí là cực âm. Âm toàn trị thì nhất dương sinh, khởi đầu nảy nở tăng trưởng của vạn vật, mặt trời thoát khỏi tấm lưới tù nhốt (Thiên la). Đông chí là ngày đầu năm thiên văn, gần trùng với mùa xuân dương lịch. Tôi đi tìm và thuận dưỡng niềm lạc quan cá nhân giữa trời đất, thiên nhiên”.
“Có không sự bế tắc hiện tại khiến ta quay về quá khứ, vinh danh quá khứ? Một trí thức hữu dụng điển hình phương Tây không cần biết nhiều đến phương Đông. Họ ít khi thấu triệt quan niệm Nhân sinh bản ác của Tuân Tử là cách đề cao giáo dục, là sự tương hỗ đáng giá cho Nhân sinh bản thiện của Mạnh Tử chủ trì lòng nhân. Người Nhật chúng tôi thành công bởi không tự ti trong hào quang trung cổ, không sợ sệt tương lai, luôn dấn thân tiếp thu cái mới, cầu thị điều hay với ý thức trách nhiệm. Chúng tôi giàu có tri thức hơn bất cứ một người phương Tây hay phương Đông thuần chất nào”.
“Tôi e rằng bạn quên. Mâu thuẫn của nền văn minh vật chất phương Tây với thiên nhiên là mâu thuẫn hủy diệt lẫn nhau. Để có gỗ chất đầy vào hầm tàu của tôi đem đến cảng này, hàng chục hecta rừng đã bị tàn sát. Đất trống, đồi trọc sẽ dẫn đến lũ lụt chết người, an ninh lương thực của biết bao cộng đồng cư dân bị đe dọa. Hài hòa với tự nhiên, nương dựa vào thiên nhiên, cải tạo mặt đất để phục vụ đời sống, không “đấu tranh” một mất một còn với ông trời mà tạo nên chỉnh thể đối lập trong thống nhất là tư duy, tư tưởng đã có từ rất xưa của người Á Đông”.
Nhìn vào mắt Yukiko tôi biết cô không nắm bắt được nội dung tôi muốn chuyển tải. Không phải cô kém cỏi mà chính vì giới hạn tiếng Anh của tôi và của cô. Nhưng có hề gì. Tôi bỗng nhớ đến truyền thuyết Sơn Tinh và Thủy Tinh của dân tộc mình. Rõ ràng đây là cuộc đấu tranh triệt tiêu đối thủ. Nó hoàn toàn sơ khai và sơ sinh so với chuyện Hạ Vũ trị thủy.
*
Càng lên cao sườn núi càng dốc. Tuyết thưa và mỏng dần. Cây cối nhiều hơn, ít rụng lá hẳn đi. Yukiko vẫn chưa chọn được cành thông như ý. Cô nhấn mạnh chỉ cắt tỉa nhánh chứ không cưa ngọn. Cô chấp nhận sự cân đối kém hoàn hảo, nhằm nuôi dưỡng mảng rừng che bão cho vịnh Furubira.
Xê xế, gió bắc chuyển mình. Tuyết rơi trắng trời. Yukiko và tôi đã thấm mệt dù không lạnh lắm, vì cường độ vận động cơ thể luôn duy trì rất cao. Đến lúc này cô mới hỏi có phải thật sự tôi muốn vào núi, ở qua đêm. Thế rồi cô tìm đủ cách thuyết phục tôi cho cô chia sẻ cuộc du ngoạn đáng nhớ. Cô đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết trong ba lô, kể cả cà phê phin Việt Nam pha rượu sakê ủ nóng, từ lúc thấy tôi rời tàu qua ống nhòm. Yukiko rất thất vọng vì bè bạn, người thân chưa bao giờ chia sẻ với cô niềm ao ước phiêu lưu. Ngọn Omori thân thương luôn ở trong tầm mắt cô từ thơ bé, càng ngày càng xa vời bên cuộc sống phố thị tốc độ chóng mặt.
Yukiko tin loài người không bị thoái hóa, thui chột mà ngày càng mạnh mẽ hơn khi bỏ vùng xích đạo ấm áp để tiến lên phương bắc băng giá cách nay hằng chục ngàn năm. Những lý do như nhân mãn, thiếu hụt lương thực hoàn toàn thuyết phục. Yukiko thấy giá trị của thử thách là ổn hơn hết nhưng quá mơ hồ với những cái đầu trực quan dễ dãi. Vượt qua chướng ngại, vượt qua bản thân, vượt qua đối kháng ngoại vi, con người đã hòa với thiên nhiên trở thành một thể thống nhất, để trở thành loài động vật thống trị quả đất. Sự thống trị ấy đang cực đoan hóa, nó hiển hiện nguy cơ tự hủy cục bộ, đầu tiên là ở những nước nghèo, phải bán tài nguyên cứu đói, đấu giá môi trường với tăng trưởng.
Chúng tôi không có tham vọng lên đến đỉnh Omori chỉ trong một buổi chiều. Nỗ lực càng cao càng xa càng tốt, thế thôi. Tối mịt chúng tôi đành dừng lại giữa một thảm rừng thông thưa nhưng bằng phẳng. Chẳng thể tìm được vọng gác lửa mùa hè theo tấm bản đồ tỉ lệ xích khá nhỏ Yukiko mang theo.
Như hai nhà thám hiểm chuyên nghiệp, chúng tôi dựng lều, gom củi khô mục đốt lửa. Gã thủy thủ còn lấy lòng người đẹp bằng cách hướng dẫn cho Yukiko mấy nút dây hàng hải cơ bản, dễ thao tác, dễ mở, song cực kỳ chắc chắn. Sau bữa ăn nhẹ tiết kiệm, Yukiko khuyên tôi nên đi nghỉ nếu muốn cảm nhận thời khắc giao mùa. Một mầm dương đầy sức sống sẽ khởi sinh vào lúc không giờ ngày Đông chí, dù tiếng gió hú hiện hữu và tuyết rơi khá dày chẳng hứa hẹn điều gì.
*
Yukiko bảo trăng đã đánh thức cô. Lúc ấy mười một giờ tối, giờ Tokyo đi trước Bắc Kinh một tiếng và Hà Nội hai tiếng. Đống lửa sắp tắt. Gió lặng. Trời trong. Trăng vàng. Tuyết trắng. Sâu thẳm đâu đó tiếng sói tru. Cô độc nhưng hân hoan. Như gọi bầy. Như hứng tình.
Yukiko nhờ tôi chặt tỉa ít cành thông già trong tầm với để nhen lại hơi ấm. Lạ lùng thay, tạo hóa đã ban tặng con người xứ lạnh loài thông đầy nhựa sống. Dù còn tươi rói và xanh rượi, chúng vẫn sẵn sàng nuôi lửa giúp họ băng qua bóng đêm từ thuở hồng hoang.
Vị cà phê chắt chiu tinh hoa đất trời trên cao nguyên trung phần Việt Nam hòa điệu đẹp một cách đáng ngạc nhiên cùng rượu Sakê Phù Tang. Có phải kể thêm chiếc bình tráng thủy bảo ôn sản xuất tại Trung Hoa không nhỉ? Chúng tôi tự nhiên tựa vai vào nhau, không bởi tâm hướng dục tính. Chúng tôi cần san sẻ hơi người, cần có đồng loại đồng hành trong giây phút giao hòa đáng ghi nhớ.
“Yukiko nghĩa là Tuyết tử anh ạ. Hiểu sao cũng được. Con gái của tuyết. Cô gái tuyết” – Giọng Yukiko đầy xúc động và hoài tưởng – “Ba mẹ em gặp nhau trong tuyết, yêu nhau dưới trăng ở sườn núi này. Đáng lẽ họ đặt tên em là Tuyết Nguyệt nhưng ở Nhật chẳng ai dùng cái âm ít nhạc tính và rắc rối ấy. Trong lựa chọn của ông bà còn có cả Miyuki (Mỹ Tuyết) và Mitsuki (Mỹ Nguyệt). Cuối cùng sự giản dị truyền thống thắng thế”.
“Anh sợ bị người tuyết bắt cóc lắm” – Tôi pha trò – “Ở sườn núi bên kia họ đang dắt chó sói đi săn những con mồi lạc loài đấy”.
Yukiko dụi đầu vào lưng tôi như bắt đền rồi vụt bỏ chạy. Chúng tôi vờ đuổi nhau để làm nóng. Tiếng tuyết nén rào rạo dưới chân. Tưởng có thể tan vào ánh trăng huyễn hoặc. Bắt được nàng trong vòng tay, không hiểu sao tôi lại nhớ đến một câu thơ triết lý “ngoài luồng”, chứ không phải đôi dòng lục bát tình tự thấm đẫm hồn Việt lãng mạn nào đó.
“Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ”.
Tôi giải nghĩa tên tác giả Việt Phương là vẻ đẹp Việt. Yukiko ngạc nhiên với biểu hiện duy ý chí đến siêu thực. “Anh chỉ là một lão già bảo hoàng hơn vua, gửi hồn trong cái xác trai trẻ này thôi” – Nàng nói sau thoáng suy nghĩ khá lung – “Nếu làm quân vương thì anh luôn xem mỹ nhân là trang sức nhỉ?”.
Giúp em hiểu thấu đáo ngữ cảnh trên là một điều khó khăn. Nó tương tự việc trả lời tại sao người Việt đã phức tạp hóa Hán tự để có chữ Nôm, trong khi Nhật Bản chọn việc giảm nét tượng hình nhằm sáng tạo hệ thống ký âm Kana. Lý do nằm ở nhiều thế kỷ bắc thuộc và lệ thuộc chăng?
Ở xứ sở của tôi, bây giờ đã tháng Một âm lịch, tháng khởi đầu đúng như hàm nghĩa từ Một, tháng Tý dẫn dắt mười hai con giáp. Điều trái khoáy là chúng tôi lại ăn tết ở tháng Giêng, theo ý chỉ của Hán Vũ Đế trước công nguyên cả thế kỷ. Giêng Hai miền nam hết sức khô nóng, miền bắc mưa phùn ướt áo. Những ngày nghỉ dông dài, chộn rộn nỗi lo ăn mặc không còn phù hợp với nhịp điệu công nghiệp, văn minh đô thị. Tôi trộm nghĩ sao người Việt chưa lấy dương lịch làm chuẩn. Tết nguyên đán phải trở về đúng chất lễ hội nhàn kỳ thư thả của văn minh lúa nước đặc thù ngàn năm.
Trong cảm thức phố xá, thế hệ chúng tôi lạc lõng bên kiểu ước lệ khiên cưỡng và mang tính thời cuộc về quê hương như cau khế. Gắn bó cùng tuổi thơ leo trèo nghịch ngợm của tôi có chăng là me sấu. Tôi không hề gần gũi với chùm quả chua thật ngọt giả của thi ca bàn giấy, nặng mùi điệu bôlêrô than thân quân dịch, bên vỉa hè Sài Gòn ngày ngoại bang chiếm đóng. Tuy nhiên tôi biết những đồng bào đầy tự tôn và tự ti của tôi sẽ thẳng thừng bác bỏ bất cứ cái nhìn nào khác đi. Tỷ dụ sự so sánh bản chất giữa truyền thuyết Sơn tinh – Thủy tinh và chuyện Hạ Vũ trị thủy, rất dễ bị kết tội phỉ báng tiền nhân, bôi nhọ văn hóa.
Yukiko tin phản dân tộc tính trong mỗi cá nhân kểt tủa bởi sự lưu cữu những giá trị cần thay thế. Các bộ óc cuồng vĩ ít nhiều luôn có hành động phản văn hóa như Tần Thủy Hoàng đốt sách, Hitler diệt chủng. Vẫn biết khái niệm tích cực bao giờ cũng kèm theo phủ định, giả như anh hùng/hèn nhát, đoàn kết/chia rẽ, chiến thắng/chiến bại, thông minh/ngu đần, vinh quang/nhục nhã, sáng tạo/sao chép, vị tha/nhỏ nhen, thơm thảo/tham lam, giàu có/nghèo nàn… Phải chăng qui trình đánh tráo mệnh đề gốc cho những nhu cầu thiển cận, đã dẫn đến nô lệ ảo vọng trong tinh thần đám đông, biến di sản thành gánh nặng. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn người Nhật vào vũng lầy gây hấn khu vực đầu thế kỷ hai mươi, vào mấy hố bom nguyên tử ở Nagazaki và Hiroshima chỉ sau đó bốn chục năm.
*
Chúng tôi im lặng nhìn lửa nuốt dần những mắt thông sần sùi. Sự im lặng cần thiết để con người lắng nghe đất trời chuyển mình qua ngày mới.
Yukiko hát một bài haiku súc tích của Kobayashi Issa. Điệu luân vũ loang thấm vào từng đơn vị tế bào trong tôi: “Chùa treo vách núi. Dưới đáy tuyết. Chuông ngân”. Cảm ơn em, trái tim hồng ngày băng giá. Cảm ơn trăng nhắc tôi về tổ quốc đằng xa.
Trong nắng ban mai, chúng tôi trở lại phố biển với một cành thông không đến nỗi xấu xí. Những mỏm đá trọc nối dài, những con đê bê tông chắn sóng vươn ra vịnh Cổ Bình vẫn khoác trên mình lớp áo tuyết mùa cũ, lấp lóa trắng. Một đoàn công nhân bốc xếp đội mũ cứng, mang giày đinh, mặc áo da cam dầy cộp, khệnh khạng và sạch sẽ như phi công vũ trụ đang nhận ca. Đợt mưa tuyết đã chấm dứt. Những lô gỗ sẽ nhanh chóng được giải phóng. Với tốc độ làm hàng nhanh gọn của các hải cảng Nhật, có lẽ tàu tôi phải nhổ neo trước Noel.
Chuyến tới chúng tôi sẽ vào biển Hoàng hải, chở sắt cuộn từ Đại Liên Trung Quốc hay Incheon Nam Hàn gì đó đến Đài Loan. Mùa xuân còn xa. Quê nhà cũng còn xa. Nhưng cơn bão sót số mười ba, đang hình thành từ một áp thấp ở vùng biển Trường Sa rất gần với lo lắng của tôi khi đọc bản tin thời tiết. Chiếc đòn gánh của bà mẹ Việt Nam lại oằn xuống, sắt se ngày Đông chí.
Thảo Điền-11.2008