Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.148.122
 
Lớp trẻ
Vũ Ngọc Tiến

VCV. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến đọc bài dành cho những người trẻ của tác giả Nguyễn Trung đã chuyển cho VCV một bài về Lớp trẻ rất thú vị.

 

Bên mép đường quốc lộ 32, gần Cầu Diễn, có ngôi nhà gạch xây tường con kiến, để gạch mộc, lợp tôn nằm giữa một khuôn đất rộng chừng 500m2. Chủ nhân của nó là một ông sếp trong ủy ban huyện. Ông xây tạm hai gian nhà tuềnh toàng cốt để giữ đất. Đang loay hoay chưa tìm được người đến trông nom thì có ông em vợ ở trên Sơn Tây đến gặp, xin  ông  cho con gái và mấy đứa bạn sinh viên cùng lớp đến ở nhờ. Đôi bên hóa ra cùng có lợi: ông chủ không phải thuê người trông nhà, coi đất, lại còn được hàm ơn; đám trẻ được rời ký túc xá chật chội ra  ở riêng, sinh hoạt tự do thoải mái. Miếng đất được mấy cô sinh viên ham làm chăm học cuốc lên trồng rau, mùa nào thức ấy, thêm mấy khóm hoa nom rất mát mắt. Ngôi nhà hai gian đang hoang lạnh bỗng trở nên đầy ắp tiếng cười tiếng hát. Nga, cô cháu họ xa của chủ nhà kéo thêm Nhàn và Xoan đến ở. Ngoài ra còn có thêm hai chàng sinh viên Huân và Phú thường xuyên có mặt. Ba nàng và hai chàng cùng học tổ, thỉnh thoảng có bữa cải thiện, các nàng đãi hai chàng khi bún riêu cua, lúc cơm cà tím xào thịt ba chỉ, đậu phụ, tía tô. Đời sinh viên trọ học xa nhà thế cũng “xôm” chán. ở đâu có sinh viên, ở đó có tiếng đàn hát, cười reo và những trò đùa nhất quỷ nhì ma...

 

Lần này hai chàng đến tụ họp ở nhà của ba nàng từ sáng sớm. Sau kỳ nghỉ Tết, họ mang đến cho nhau chút quà quê hương và những mẩu chuyện từ khắp nẻo quê xa. Còn một lý do khác nữa khiến họ gặp nhau, ấy là lời hẹn ước trong dịp Tết mỗi đứa sẽ phải hoàn thành một cuộc điều tra xã hội học nhỏ ở chính quê mình. Họ đều là sinh viên trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia. Đứa nào có kết quả điều tra xuất sắc nhất sẽ được thưởng một tháng không phải quét nhà, tưới rau, nấu ăn và giặt quần áo. Phần thưởng này với cánh sinh viên còn oách hơn cả suất học bổng.

 

Trên chiếc bàn gỗ thông tự đóng kê giữa nhà bày một bát hoa hồng hàm tiếu đủ để chia cho mỗi chàng, mỗi nàng ba bông: yêu - ghét - may mắn. Có ba chai Pepsi và đặc cách có thêm hai chai bia Hà Nội cho các chàng. Sinh viên nghèo biết chi ly tính đếm ra trò. Bánh kẹo mỗi người đều góp một ít đặc sản quê mình. Họ không quên bóc sẵn hai đĩa bánh chưng vì sinh viên háu đói mà háu đói sẽ ít cười, biếng hát. Huân còi ôm chiếc đàn ghi ta bập bùng bắt nhịp cho tất cả hát bài “Nâng cốc" của Nga: “Được cùng đồng chí tưng bừng - Họp vào ngày tết huy hoàng - Cùng mừng, cùng hát vang lên bài ca - Nhớ tới phút xưa êm đềm - Sống bên nhau xây cuộc đời...”.

 

Người gắp thăm bốc được số 1, phải trình bày kết quả điều tra xã hội học đầu tiên là Nga, cô gái thị xã Sơn Tây hẻo lánh. Nàng đùn đẩy không được đành phụng phịu đấm vào lưng chàng Phú cận một cái rồi bắt đầu kể:

- Thị xã của tớ bé tí tẹo, đi một loáng là hết. Vì vậy cả thị xã có mỗi cửa hàng của bà già tớ là bán rượu Tây. Mọi năm Tết đến tớ thấy bà già chỉ nhập từ Hà Nội về mỗi loại 20 chai rượu Tây. Nhưng trong sổ bán hàng của bà già đều ghi có loại 30, 40 thậm chí 50 chai. Hóa ra mấy ông to, bà nhớn được biếu lại sai con mang ra nhờ bán hộ để người khác đến mua biếu tiếp. Lần này về nghỉ Tết, tớ quyết tâm điều tra xem cái vòng luẩn quẩn nó ra răng? Mỗi hộp rượu Tây tớ đánh dấu ở đáy hộp, riêng sâm banh Nga thì tớ đánh dấu ở mép dưới của nhãn. Khoái nhất là được bà già tấm tắc khen con Nga có học có khác, lần này về nghỉ Tết không đi chơi lông nhông, suốt ngày ngồi lỳ bán hàng cho mẹ quên cả ăn... Các cậu biết không? Kết quả điều tra cực kỳ ngoạn mục. Đúng chiều 30 Tết tớ tổng kết: Rượu đắt tiền Heinessy, Black - Label, Remy Martell quay vòng nhiều nhất. Có chai 7, 8 vòng, bét cũng là 4 vòng. Rượu loàng xoàng như sâm banh Nga chữ nghiêng quay ít vòng hơn, đại loại 2, 3 vòng. Chưa hết. Tớ kể tiếp đoạn này mới khoái ơi là khoái! Các sếp nhớn quay nhiều hơn sếp vừa, sếp nhỏ. Hóa ra sếp nhớn thì không phải biếu ai, còn sếp vừa được sếp bé biếu lại gói ghém thật đẹp biếu tiếp lên trên. Dân đen đương nhiên chỉ có mua và... biếu... Mấy cụ già nhà quê nếu được con cháu ở Hà Nội đem về biếu không dám uống, bày mấy ngày Tết cho oai rồi ra giêng đem bán cho bà già tớ, giá rẻ bằng một nửa, có khi không được nửa.

- Chuyện của Nga khá độc đáo nhưng theo tớ chưa được vào diện xét thưởng. Đến lượt tớ kể các cậu đảm bảo cứ là tròn mắt mà nghe. - Huân còi, anh chàng bốc thăm số 2 lên tiếng. - Tớ về Hải Phòng vào 23 Tết, chưa kịp đi thăm thằng bạn nối khố từ thời để chỏm. Đêm ấy cỡ khoảng 11 giờ, ông già tớ cằn nhằn gọi như quát: "Huân có điện thoại". Tớ nhận ra tiếng thằng bạn ở đầu dây nhắn sáng mai đến khách sạn vừa tâm sự vừa giúp nó. Thằng bạn tớ rất có chí. Nhà nghèo, nó vừa đi làm tiếp tân ở khách sạn, vừa học hàm thụ đại học tiếng Anh. Vì thằng bạn làm bảo vệ của nó nghỉ ốm nên cu cậu gọi điện nhờ tớ giúp một tay. Tớ không ngờ bị bắt cóc làm bảo vệ khách sạn, liền có ngay cuộc điều tra về "Đàn bà thời hiện đại" ... Đúng 8 giờ sáng, một ông cỡ 40 tuổi, nom dáng trí thức đèo bà vợ đẹp hết sảy, diện váy ngắn, đến khách sạn. Bà ta lên phòng 102, nơi có ông chủ người Australia thuê lâu dài để làm việc. Về danh nghĩa, bà ta có thể là phiên dịch hay thư ký gì đó. Nhưng có trời biết họ làm gì với nhau trong phòng. Trưa hôm đó, tớ chứng kiến chàng ôm eo nàng đi ăn trưa. Ngực áo của chàng có dấu son in đậm làn môi như cánh hoa đào. Đi ăn về chàng choàng tay ôm hôn nàng ngay cầu thang, sau đó luồn tay xuống đùi bế nàng bước lên từng bậc vào phòng. Đang để tâm suy nghĩ về những trò lố sẽ diễn ra sau cửa phòng 102 thì có đôi "tàu nhanh" đến thuê phòng 208. Chị dịu dàng, tình tứ bảo anh ngồi ghế chờ và gọi điện: "Alô, Hạnh đấy con? Em có ngoan không? Cơm mẹ nấu rồi, cá rán sẵn để trên chảo. Khi nào ăn đảo qua cho nóng. Bố con về chưa? Về rồi à? Thôi để bố nghỉ. Nói với bố trưa nay mẹ bận, không về nhà...". Hai khách "tàu nhanh" trả phòng vừa xong, tớ lại gặp một cặp chồng Tây, vợ ta. Ông chồng Tây ngót nghét 60 chiếc lá vàng rơi. Chị vợ không đẹp lắm nhưng phom người hết ý, hừng hực sức xuân. Chị trạc độ 35, 36 tuổi, là bác sĩ đa khoa bệnh viện Việt - Tiệp. Chị thề độc không yêu con trai mũi tẹt, da vàng và quyết chí lấy chồng Tây để đổi đời. Thằng bạn mình quen và biết rất rõ đường tình duyên lận đận của chị ta. Lần thứ nhất với ông Tây lai Anbe Phúc. Ông ta về nước làm quen với chị khoảng mười ngày đã vội làm lễ ăn hỏi linh đình. Sau lễ ăn hỏi ông dọn khỏi khách sạn về nhà ăn ở với chị như vợ chồng tại phố Cầu Đất. Cơm no bò cưỡi, lại không tốn tiền thuê khách sạn. Được ba tháng, hắn chia tay chị với lời hứa về Pháp làm thủ tục đón chị sang. Đi đâu chị cũng khoe: Anbe Phúc có cả đồn điền trồng nho và biệt thự lớn ở tỉnh Booc-đô. Chị đợi hoài mấy năm trời đằng đẵng, càng đợi càng biệt tăm. Lần thứ hai chị gặp và yêu ông bác sĩ người Hà Lan. Ông ta vừa ăn hỏi, chuẩn bị cưới thì bà vợ đột nhiên bay sang. Đàn bà Tây hóa ra đánh ghen còn dữ hơn sư tử Hà Đông. Lần này là ông chồng thứ ba người Tuynidi, cưới xin khá ồn ào, nổi đình nổi đám, cặp kè bên nhau khá hạnh phúc. Nhưng nghe đâu cuối năm tới ông ấy về nước. Tớ cứ cảm thấy lo lo cho bà bác sĩ rồi lại cười mình lẩn thẩn, ấm đầu!...

 

Nga nghe chuyện khoái trá cười rinh rích từ đầu đến cuối. Hai nàng sinh viên còn lại trầm ngâm suy nghĩ. Không khí có phần hơi nặng nề. Phú - chàng trai thành phố dệt Nam Định đeo cặp đít chai dày cộp, nom dáng như cụ đồ - giục mọi người uống bia, ăn bánh để xoá đi cái không khí kém vui giữa ngày xuân. Hồi lâu Phú ta đủng đỉnh kể chuyện điều tra của mình:

-Tớ về ăn Tết, tiếng là về Nam Định nhưng hai phần ba thời gian ở quê ngoại cách thành phố 30 cây số về phía biển. Quê ngoại tớ có nghĩa trang xã vào loại hiện đại, tượng đài hùng vĩ, vườn hoa bốn mùa rực rỡ, bia mộ bằng đá hoa cương. Hai anh trai tớ yên nghỉ ở đó. Tớ rất tự hào nhưng cũng rất xót xa biết rằng có ối ông cán bộ từ huyện đến xã kiếm bẫm nhờ xây nghĩa trang. Vong linh các anh tớ chắc cũng ngậm ngùi thương các bà mẹ liệt sĩ đang sống vất vả ở quê nhà. Vì vậy vừa về quê ngoại, nghe bà con trong làng ngoài xã kháo nhau, háo hức chờ ngày khánh thành cụm "đình - đền - chùa" vừa được trùng tu là tớ cảnh giác ngay. Bài học cũ, cộng thêm máu nghề nghiệp điều tra xã hội học xui khiến tớ đi sâu tìm hiểu vụ này. Tớ lăn lộn đi hết làng trên xóm dưới, tìm gặp các cụ phụ lão có tham gia Ban quản lý. Tớ rút ra kết luận: Tổng số tiền quyên góp công đức hơn 500 triệu. Khách thập phương đóng góp trên 300 triệu, trong đó già nửa là người gốc quê nhà. Hồi trẻ họ có nhiều lỗi lầm, xấu hổ bỏ làng đi kiếm ăn. Nay họ giàu có muốn chuộc lỗi với dân làng, tích thiện cầu phúc cho con cháu nên gửi bạc triệu, có người cả chục triệu cho Ban quản lý. Số tiền của dân địa phương đóng góp hoàn toàn do dân nghèo. Tớ xúc động đến ứa nước mắt khi biết chuyện có bà mẹ ở xóm bãi đem đến xung công đức một cục tiền to bằng viên gạch, buột bằng rơm cẩn thận từng tập 10 ngàn toàn giấy 100 hoặc 200 đồng. Người giàu, người có quyền chức ở quê không hề đóng góp, ngược lại thi nhau cấu véo. Tính ra 500 triệu giỏi lắm theo các cụ cho biết chỉ sử dụng vào trùng tu cỡ hai phần ba. Đến đức Phật, thánh thần còn bị họ trấn lột, họ tha gì dân quê! ...

 

Xoan từ đầu chăm chú ngồi nghe các bạn kể chuyện. Thỉnh thoảng cô nàng lắc đầu chua chát. Nhưng Xoan nghĩ cuộc sống là sự đan xen nhào trộn thành bùn ngấu trong ruộng mạ giữa cái xấu và cái tốt, cái thiện và cái ác. Cửa chùa ở quê Xoan đâu cũng có ông Thiện, ông ác canh giữ hai bên. Cho dù thế nào đi nữa thì cái thiện vẫn thắng cái ác. Cuộc sống vẫn như cánh đồng lúa chiêm xuân ngập tràn ánh nắng, "thấm đậm hương và rộn tiếng chim". Xoan yêu cuộc đời này, các bạn Xoan cũng vậy. Xoan muốn cùng bạn bè giang tay bước qua đống rác rưởi hướng tới tương lai.

 

Cô mỉm cười nói:

- Đến lượt tớ, sẽ không có chuyện giật gân như các cậu đâu. Tại sao giữa ngày xuân tươi đẹp nhường này, các cậu chỉ hướng cuộc điều tra vào góc tối đen, nhơ nhớp? Tớ nhắc lại, đó chỉ là một góc tối của cuộc sống sôi động, náo nhiệt quanh ta. Có thể tớ chỉ là con gái nhà quê, tớ không tỏ tường hết muôn mặt đời thường ở đô thị. Nhưng tớ có lý do để tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp, bởi tớ tin vào chính mình, tin vào các cậu. "Đó rách  ngáng ngòi" sao được, nếu dòng nước lịch sử vẫn đang chảy mạnh? Quê tớ là vùng trung du Vĩnh Phúc. Thanh niên đang có phong trào kinh tế trang trại. Bà chị dâu tớ là Phó bí thư tỉnh đoàn trực tiếp chỉ đạo phong trào. Tớ đã nghiên cứu tài liệu của bà chị dâu, đã giành những ngày nghỉ Tết đi điều tra, gặp gỡ các chủ trang trại trẻ trong huyện nhà. Tớ rút ra nhận xét bổ ích: cả tỉnh có 135 chủ trang trại trẻ và nhanh chóng trở lên giàu có nhờ biết làm ăn. Trong số họ 80% có trình độ lớp 12 hoặc đại học. Số 20% còn lại đều đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở và rất thông minh, ham học hỏi, mua sách báo thường xuyên. Họ mới chính là gương mặt đại biểu cho đất nước thời mở cửa. Cuộc cách mạng xanh và đô thị hóa nông thôn sẽ bắt đầu từ họ chứ đâu phải từ mấy thằng cha "lý toét" ăn cắp của công đức ở nhà chùa như Phú vừa kể.

 

Nhàn đứng bật dậy, sôi nổi tiếp lời Xoan:

- Đừng nghĩ tớ với Xoan là dân gái quê mùa, suy nghĩ kiểu nông dân. Cái Xoan nó nói trúng tim tớ lắm! Tớ là đàn bà nên tớ rất quan tâm vấn đề kế hoạch hóa gia đình. Quê Thái Bình của tớ bây giờ tỷ lệ sinh con thứ ba rất ít. 100% các cặp gia đình trẻ dưới 30 tuổi đặt vòng và tình nguyện chỉ sinh 1 hoặc 2 con. Họ rất hiểu nỗi nhục của cái nghèo vì đông con. Điều thú vị tớ mới phát hiện thêm trong dịp nghỉ Tết là ở quê bây giờ hộ nông dân gồm hai thế hệ chiếm 70%. Người nhà quê chúng tớ bao đời nay coi mẫu hình gia đình "ngũ đại đồng đường" là gia đình hạnh phúc lý tưởng. Bố tớ và các chú ngày xưa con cái đầy đàn đầy lũ vẫn không dám tách hộ ra ở riêng, phải ở với ông bà. Mẫu hình gia đình ấy đã kìm hãm mọi sáng tạo, giam trói sức trẻ. Hộ gia đình hai thế hệ không có lực cản của lớp già, tự do chủ động sáng tạo làm ăn kinh tế. Công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu công nông nghiệp ở nông thôn phải chăng nhờ đó đang phát triển, đem lại bức tranh quê tuyệt bích hơn nhiều so với bức tranh quê của nữ sĩ Anh Thơ ngày xưa?...

 

Ngôi nhà nhỏ ven đê chỉ có ba nàng và hai chàng bỗng trở thành hội nghị bàn tròn, tranh luận sôi nổi, toàn những chuyện quốc gia đại sự. Họ không thể bình chọn ai là người điều tra xuất sắc như đã giao ước ban đáu.

 

Phú, anh chàng có hai đít chai dày cộp, lúc nào cũng như ông cụ non, thở dài đánh thượt rồi nói:

- Nước Nga thế kỷ 19 có cụ Makarencô đưa ra lý thuyết vĩ đại về phương pháp giáo dục bằng nêu gương , ở phương Đông ta từ thời trước công lịch, các cụ Khổng Tử, Mạnh Tử đã đề cao thuyết "chính danh định phận". Thực chất đó cũng là giáo dục bằng nêu gương. Người lớn phải làm gương cho lũ trẻ chúng mình. Danh có chính ngôn mới thuận. "Quân tử sĩ kỳ ngôn, nhi quá kỳ hành". Người quân tử, người lớn tuổi, người có tước vị danh vọng phải nói sao làm vậy, đừng có nói một đằng làm một nẻo để cánh trẻ chúng mình noi theo. "Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi tất phong yếu". Lũ trẻ chúng mình đức mỏng, dễ sa ngã. Người lớn phải noi gương tốt để như ngọn gió thổi rạp ngọn cỏ là chúng mình. Vậy mà chuyện các cậu kể chỉ thấy nhiều gương xấu, đức hèn. Chúng ta sẽ tin và theo ai bây giờ?

 

Xoan hăng hái ngắt lời Phú :

- Thây kệ người lớn với những lỗi lầm của họ. Trái đất này là của chúng mình. Lũ trẻ chúng ta có lý tưởng, nếp nghĩ, cách làm riêng.

Huân còi chúa là hay tếu táo. Anh chàng ôm cây đàn ghi ta đứng dậy gõ bồm bộp :

- Hoan hô Xoan ! Tất cả hãy cùng tớ hát vang bài "Bài ca tuổi trẻ"  mà thế hệ ông già tớ đã hát suốt một thời .

 

Họ say sưa hát vang : "Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ - Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ ... Dù sương gió tuyết rơi - Dù vắng ngôi sao giữa trời ...".

 

Tiếng hát vang xa, bay bổng giữa trời xuân bát ngát. Mặt đất như xanh thêm, không gian như ấm lại quanh ngôi nhà đầy ắp tiếng cười của ba nàng và hai chàng.

 

Tôi chỉ là vị khách bất đắc dĩ trong cái buổi sinh hoạt "Câu lạc bộ sinh viên nghèo" ấy. Chả là "thầy đồ" Phú có đít chai dày cộp đã gần hai năm làm gia sư cho con gái út của tôi. Bữa ấy tôi tìm Phú nhờ cậu đến giảng cho con gái về lý thuyết vi tính. Họ kéo tôi vào dự bữa liên hoan đạm bạc và hỏi tôi nhiều điều về bài ký dự thi "Câu lạc bộ các tỷ phú" vừa đăng trên số 3 tháng 1/97 của tuần báo Văn nghệ, xem chừng tâm đắc lắm. Ngày 11/7/1997 vừa qua tôi tình cờ gặp lại ba nàng và hai chàng trong đoàn biểu diễn văn nghệ lưu động của huyện Từ Liêm - Hà Nội, tuyên truyền cho ngày dân số thế giới. Họ vây quanh tôi chúc mừng "Câu lạc bộ các tỷ phú" vừa được giải. "Thầy đồ" Phú nắm tay tôi nói:

- Bác nên viết một bài về câu lạc bộ sinh viên nghèo của tụi cháu . Có giàu phải có nghèo, có âm phải có dương, thế mới cân bằng...

 

Hà Nội, tháng Giêng Mậu Dần (1998)

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 3415
Ngày đăng: 25.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ăn tết – phiếm đàm về cái sự ăn! - Trần Huy Thuận
Chuyện Trâu - Cao Quảng Văn
Người trẻ phải tự chủ - Nguyễn Trung
Thanh Hải – Mùa xuân thi sĩ - Lê Khánh Mai
Hương vị quê nhà - Huỳnh Kim
Tết....của người tha hương - Vũ Trà My
Trầm tích văn hóa biển - Nguyễn Thị Hậu
Chợt đọc…chợt nghĩ rồi…viết, vừa viết vừa ngẫm - Vũ Ngọc Tiến
Nắng cuối năm - Nguyễn Thúy Ái
Những ngày cuối tháng chạp - Trần Quang Phong
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)