Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.266
123.160.138
 
Mắt tình soi vào nhau long lanh
Lê Vũ

(Đọc tập thơ MẮT TÌNH của Thạch Thảo – NXB Thanh niên quý I-2009 )

 

Trườn lên trườn lên từ lỗ đen ẩm mục

những lá xanh non bật mầm không kiệt sức

uống vốc trăng đầy uống ngày mới nở

khai sinh vũ hội mùa hoa

 

Vâng, là mùa HOA THẠCH THẢO, những lá xanh non bật mầm, trườn lên khai sinh ngày mới nở. Cô giáo, nhà thơ trẻ Thạch Thảo của sông nước Vĩnh Long đã không kiệt sức khi lần lượt gửi đến chúng ta Vườn cây chim hót,  chút xưa dịu dàng, Thơ tình và hôm nay Mắt tình …Ngồi đây tôi vẽ chân dung Thạch Thảo lên nền trời đông xám, nhịp thước gõ vào khô trưa nhưng thơ lại chảy ướt nổi niềm : đăng đắng mùa thu mưa ngâu nhớ mẹ, mắt lệ lông tuôn nhớ thầy, và đặc biệt Mắt tình thiếu nữ cứ đăm đắm đến ngu mê …

 

Ngu mê vì năm anh hai mươi em mới sinh ra đời; ngu mê xóa bỏ mọi biên giới ngăn cách, chấp nhận yêu mà bấp bênh mà lõa lồ miệng tiếng thế gian. Những con chữ chảy ra tràn bờ xúc cảm, không màu mè, không điệu đàng  mà thấu suốt nhân gian, xuyên qua mấy cõi tình đăm đắm :

 

anh ơi chợ tan ngày chợ tan

em về tìm lại chút tro tàn

ngày đó gặp anh buổi chợ đông

đăm đắm tình…      

(Đăm đắm tình)

 

Ngu mê vì thời gian không thể nào làm lành vết thương phỏng rộp dù đã mười năm, mười năm của một thanh xuân đợi chờ từng cơn thắc thỏm :

Mười năm rười rượi mặt đời

phập phồng từ buổi vắng người

chợ trưa              

( Thu chiêm bao )

 

Hỡi thế gian, Tình là gì ? Câu hỏi của tiểu thuyết gia Kim Dung treo lên trên đỉnh phận người mưa gió, không lời giải đáp. Còn thiếu nữ ngu mê Thạch Thảo thì tự nhủ tình là khúc hát tóc xõa :

Bản tình ca ngực vang lừng tóc xõa

Từng sợi, từng sợi níu đời nhau

Vụng dại !              

( Từng sợi níu đời nhau )

Nhưng hát là hát nỗi đau tình, hát ngày lơ ngơ :

lưng chiều gió/ hát ngu ngơ

xôn xao bướm/lượn/ ngày lơ ngơ tình

( lơ ngơ tình )

 

Đôi khi ít nhều tỉnh ra, TT tự thú :

bùa mê chàng bỏ ít nhiều/ trăm năm vấn vít sợi thề tương tư…

( Bùa mê )

 

Sợi tương tư không đào thành hầm hố khổ đau mà một sớm mai ra, làm nên mùa xuân tịnh ý :

 

Sáng mai

Gặp anh giữa dòng người ồn ĩ

Xuân rất lạ xuân phơi ngày tịnh ý

Vũng mắt anh sâu thẳm nỗi dịu dàng

Gió hát mừng sợi tóc bỗng kêu vang…( Sợi tóc bỗng kêu vang)

Đâu đó,  hận treo lên, sầu cúi mặt, chút quay quắt phơi nắng trần lưng nhưng Mắt tình bao giờ cũng đầy vẽ dịu dàng, mê hoặc.

hận mang mang /sầu lênh loang

mang tình đi giữa hoang đàng/ cuộc chơi  ( Đỉnh tháp tình )

Đặc biệt, giữa dòng thơ trẻ khá ồn ĩ hiên nay, không thiếu những tuyên ngôn tình dục, những phơi bày thân thể, Mắt tình  tuyệt không hề nhuốm màu tình dục, dù một chút, nhiều lắm là một nụ hôn, một vai quàng :

 

Chạm đáy cốc bờ hoa cỏ mật

Anh khuấy cho đều vị ngọt môi em ( Cà phê Ngô Thụy Miên )

 

Đăm đắm đến ngu mê nhưng TT đã biết dừng lại bên bờ tình cỏ xanh hoa trái để không bi lụy than khóc với cô đơn hay với thân thể trụi trần nhịp sống yêu cuồng loạn. Hơn thế, chữ TÌNH của TT đáng trân trọng khi trải ra bốn bề nỗi đau nhân sinh, dành cho những mặt người thân yêu, những vùng đất tổ quốc .

 

Những cây cầu phục sinh rồi Lặng lẽ các anh những giọt nước mắt viên lại thành thơ, những câu thơ đầy nỗi tiếc thương nhưng mở ra ngày mai rộn vui, những bình minh hồng tươi  với vú non trăng sáng ngày giêng hai.

 

Không
rồi cây cầu sẽ mọc lên mùa xuân

phục sinh những giọng cười đa âm tiết

ngôn ngữ không viết bằng máu

bằng sắc hoa bằng dòng chảy của thác xe vận hành

vú sẽ non trở lại và mắt mẹ

hắt lên ánh trăng ngày giêng hai...

( Những cây cầu phục sinh )

 

Ở đâu và bao giờ Thạch Thảo cũng dành cho mẹ những yêu thương trìu mến.  Từ một lưng cong gióng gánh hai đầu  đến mắt cười chiêm bao, từ lời ru trưa hè đến đôi chân không dép lăm nhăm đá sỏi, mẹ là tất cả, chắt cho con vị ngọt thương yêu và thơ bay lay phay mưa ngâu, thiết tha mà tội tình :

 

Mùa thu mưa ngâu mưa ngâu

mẹ đã về  với cha bước qua cầu

Ô thước

còn mình con ở lại dưới mưa ngâu ...

( Dưới mưa ngâu )

 

Bản thân là cô giáo đứng lớp, TT hiểu hơn ai cái câu bán tự vi sư nên mùa thu xanh rất trời, thu vàng đỏ lá, thu bạc tóc thầy. Một tiếng trống khai trường mà khua đầy nỗi nhớ :

 

Chiều lau lách thu tìm về gục mặt

sông trôi nhớ tiếng trống tan trường

( thu xưa )

 

Thế đó, Thạch Thảo không hề ồn ào và thơ không kêu vang ầm ĩ những tuyên ngôn chữ nghĩa, những rêu rao nữ quyền luận đầy tính dục. Thơ thả vào một trời xanh lả, những mắt khói un tình rơm rạ lay, những xuân tươi hồng đảnh lễ cội hoa/ nghe câu kinh tụng la đà

Này đây là mùa xuân bật thức :

 

Bò đi bò đi những chú kiến trên đôi chân nhẫn nại

ngọn râu vểnh chào ánh ngày ấm áp truyền vang thông điệp

 

Rồi Bát ngát xuân, áo xuân, lộc xuân … với sắc áo vàng mai, với ngõ lúng liếng những môi cười mở nụ tình phơi phới dậy. Này là những chắt chiu của mẹ chuẩn bị về quê thăm nhà, những gói lo toan đùm đúm rất đời thường đã nén lại thành thơ :

 

Mẹ gầy vai buổi xa quê  bươn chải

Xếp gánh gồng quầy quả chiều nay

Quần áo bánh quà đúm đùm mấy gói

Đêm ngồi thức sợ trễ tàu sớm mai

( Xuân về bỗng thiếu )

 

Sống giữa lòng phố thị nhưng cảnh quê với nhịp lốc cốc ngựa nâu hồng, với  ngõ trúc cỏ lá, mặt người chân chất vẫn là nét vẽ chủ đạo trong Mắt tình . Bởi lẽ thành phố công nghiệp hóa còn đó nỗi buồn nhân tình nhợt nhạt, những mặt nạ ngoại giao ơ hờ.

Mùa xuân ngày không nhạt

khi không phải xuống phố một mình

lời đẩy đưa mục ruỗng quen trong từng nếp nghĩ

( Thành phố lên men )

 

Chất nhân văn còn thấm đẫm hơn trong khúc hát về những vùng đất tổ quốc

 

Hồn rực lửa từ Xóm Xoài Xóm Suối

Để hôm nay bừng dậy tương lai

Du lịch Đại Nam sông núi đỏ ngọn cờ

Mỹ Phước xanh trời màu áo công nhân

(Ngày hương ánh sáng )

 

Những tên riêng va vào nhau, tự hào quá khứ, hân hoan hôm nay và tràn trề hy vọng ngày mai.  Đi về Miền Trung quê anh, TT  lặng nghe những thang âm dấy lên từ đất bùn, sóng dậy  để mà

 

bờ thương bờ nhớ xói lòng em :

Những âm tiết sóng dội quê nhà

Anh lầm lụi

Một thời ông cha đuổi giặc

Áo bùn nâu đỏ bóng bình minh

Một thời anh áo nhuộm mặt trời

( Thương người thương cả quê xa ).

 

Có thể tạm mượn nhận định của Ferlinghetti về thơ để diễn đạt Mắt tình.

“Thơ là ánh mặt trời tràn xuống giữa những vầng mây buổi bình minh.”

 

Vâng, Mắt tình có rất nhiều mặt trời, những bình minh , những chùm mây và trăng sao đăm đắm, không hề có uế khí, ám khí, tử khí *. Nhưng không, T.T không cưu mang tham vọng làm người hát rong đã cứu sống những con mèo hoang của tình yêu hay làm một ngọn hải đăng hướng chiếc loa phóng thanh của nó về ngàn khơi** . Thơ, với TT,  là lời tự tình nhỏ nhẻ, khúc hát yêu thương soi vào trong mắt nhau, là cái tôi bộn bề xúc cảm hát lên những quãng ba tình giữa cuộc thế ngổn ngang, si mà không sân , hỷ mà không nộ

 

Lại đặt Mắt tình trong dòng chảy thơ, hỏi, thơ mới hay cũ, truyền thống hay hiện đại, theo trường phái nào…, tôi nghĩ,  với TT là không quan trọng lắm. T T có lẽ sẽ đi hết con đường thơ của mình bằng …lục bát, những vần thơ trong veo mà hồn hậu đậm đà chất truyền thống. Đã có những vần lục bát mới trong cách diễn đạt và cả hình thức trình bày .

 

mùa đông rét/ mùa đông giông

chim di trú / ẩn phập phồng cõi em

Hay :

bộn bề cơm/áo miệt mài

ngày thiêm thiếp mệt/ chiều ngai ngái buồn

 

Nhịp 3 đã được khai thác hữu hiệu  nên tiết tấu, ngôn từ và cả cách trình bày đã ít nhiều vượt lên tầm của lục bát mới. Bên cạnh, TT đã có những vần điệu tự do, tung hê cảm xúc vào nhịp sống hiện đại ngổn ngang. Mùa Xuân bật thức, Giấc mơ mùa thu, Thành phố lên men, Những cây cầu phục sinh… là tiêu biểu cho ý thức canh tân cũng là sự phóng thoát trong xúc cảm nhà thơ trẻ

 

Một ngày rất Huế, mơ

chân nghe lạc cung đình rêu phong mái

hồn nghe đắm sợi khói chiều giăng

bụi thành xưa lớp bùn ký ức

hồ sen hồ sen thơm ngát ban trưa 

( Huế mơ )

 

Một Huế rất với nhiều cung bậc thênh thang bay từ lớp bùn quá khứ đến ban trưa thơm ngát hôm nay, ảo mà thực trên bước chân mênh mang của thơ tự do  .

 

Mắt tình mắt tình ! Trong buổi đông tàn ngày xuân sắp mở hé nụ hôn, đọc tập thơ tôi bỗng nghe dùng dằng gió giữa hai bờ cỏ và thương biết mấy khi TT cũng đành để anh xanh . Đâu đó, Mắt tình còn đá dăm với hạt sạn khi ngôn từ còn dẫm lên vệt chân người, nhịp đi đôi khi còn rối, hình ảnh còn mờ nhạt…Tôi nghĩ, tất cả là chuyện nhỏ. Con đường thơ còn dài với T.T. Muốn gặt hái một mùa bội thu tất phải trải mình giấy trắng, phải vật vả, lao đao; còn phải vắt kiệt mình để nuôi một giấc mơ lớn . Mắt tình, cuối cùng,  là thành công khi mở ra mùa xuân hoa trái của tình yêu & tình người. Đọc Mắt tình, ta sẽ thấy lòng nhẹ tênh, thênh thang đi giữa cuộc trần gian dù ở đó vẫn còn đó áo cơm bộn bề, nhưng chia lìa đôi ngã …Trên tất cả , Mắt tình, soi vào nhau long lanh .

 

Cuối đông 2008

 

-  những in nghiêng trích tập thơ

* Từ của Thanh Tâm Tuyền

** Nhận định về thơ của Ferlinghetti

Lê Vũ
Số lần đọc: 2424
Ngày đăng: 25.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chơi thú văn - Nguyễn Chí Hoan
Căn Phòng Của Jacob - Trần Vũ
MA NET, quá trình chuyển giọng từ hiện đại đến hậu hiện đại - Inrasara
Lê Xuân Tiến ,Người đi tìm hồn (*) - Vũ Ngọc Liễn
Chế Lan Viên – Trong hồi quang của ký ức - Đông La
Đọc Cõi Trú của Thiên Hà : xanh trong nét bút trắng ngần đôi tay - Đoàn Vị Thượng
Lê Khánh Mai– Định mệnh thi ca - Hồ Thế Hà
Những ám thị phố trong thơ Châu - Liêu Thái
Lê Khánh Mai – Đẹp , buồn và trong suốt như sương - Inrasara
Đồng hồ một kim của Phan Trung Thành : Sự Khuyết Tật Bản Nguyên - Lê Huỳnh Lâm
Cùng một tác giả
Vùng xoáy (truyện ngắn)
Nửa tình nửa thơ (truyện ngắn)
Mùa xuân phía trước (truyện ngắn)
LiLi (truyện ngắn)
Con gái của bố (truyện ngắn)
Hiền Lương (truyện ngắn)
Chớp mắt (truyện ngắn)
Di chúc mùa xuân (truyện ngắn)
Chim yến treo mình (truyện ngắn)
Chữ và nghĩa (tạp văn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)