Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.255
123.155.474
 
Hồn Tết
Nguyễn Thúy Ái

Khi còn là một sinh viên xa nhà, dù tiền túi eo hẹp nhưng Tết đến là tôi thắt lưng buộc bụng, dành dụm tiền để về quê cho bằng được. Vì tôi cảm nhận lờ mờ rằng , nếu ở lại Sài Gòn tôi không có Tết để mà …ăn, dù bạn bè, họ hàng ở thành phố hào hiệp, hào hoa này sẵng lòng đãi  đằng tôi hậu hĩ… Và một lần, bị mấy cô  em họ dỗ ngon dỗ ngọt,  tôi thử ở lại với họ, một gia đình gốc miền Trung khá giả về vật chất, giàu có về tinh thần. Cũng được tham gia gói bánh tét, làm dưa món cùng các lọai bánh mứt truyền thống khác như một người con gái khéo tay chuẩn bị tết cho gia đình mình, rồi đi chợ hoa, đi lễ chùa  và dự những lễ hội ngày Tết của thành phố lớn nhất nước này . Cũng mặc áo đẹp và cười vui hớn hở cùng mọi người cho khỏi …xui, thế nhưng  từ trong lòng mình thì tôi buồn thỉu buồn thiu và nhận ra rằng một trăm niềm vui phương xa không bằng một ngọn lửa ấm nơi xó bếp quê nhà! Tôi thường xuyên cố gắng dập tắt hình ảnh rằng giờ này những thành viên của gia đình mình ở quê đang cúng kiếng , ăn uống ra sao để khỏi ứa nước mắt. BỞi Tết chính là khát vọng đòan  viên của mỗi gia đình Việt, người đi xa cũng cố gắng về, cả người chết, tổ tiên khuất núi từ lâu cũng hiện diện trên bàn thờ cùng người thân, con cháu.  Cho nên dù đang ăn Tết ở Sài Gòn nhưng  “hồn tết” của tôi lại bay về tận Quảng Ngãi. Đến khi lập gia đình, có con và quyết tâm lập nghiệp ở thành phố, ngày càng bén rễ sâu vào nơi này thì cái Tết của tôi mới bắt đầu có hồn, mới thật sự rung động khi đón xuân cùng chồng con … Nhưng  thỉnh thỏang cũng không tránh khỏi hồn mộng lại mơ tưởng đến cái Tết nhà quê thuở nhỏ. Không mê tín nhưng  tôi cũng bắt chước bà nội tôi, dọn nhà cửa tinh tươm để đón năm mới,  dặn các con  kiêng cử đủ thứ, nào không được khóc lóc, tức giận, nói những lời mất vui, khoan dung với mọi lỗi lầm của người khác...

 

Ngày Tết, mọi thứ phải hòan hảo. Ở quê tôi có câu “Tử tế như ba ngày tết”, mọi người trong xóm làng đều đến thăm nhau, được mời ăn uống , trẻ con được lì xì , và bà con  hàng xóm ai có giận hờn gì  nhau  thì Tết là dịp để họ hóa giải mọi đố kỵ trong năm khi đến nhà thăm, mời nhau tách trà năm mới với một lời chúc tụng. Những người nông dân lam lũ nhất cũng không ra đồng vào ngày Tết. Có lẽ đó là dịp duy nhất họ được hưởng một chút “phong lưu” khi mặc chiếc áo lành, xỏ đôi chân nứt nẻ vào đôi guốc, đôi dép qua nhà hàng xóm nhâm nhi chén rượu, miếng thịt. Với trẻ con thì Tết là một thiên đường, tha hồ vui chơi, được mặc áo đẹp, ăn bánh mứt thỏa thích được lì xì tiền mới và nhất là không bị la mắng khi lỡ phạm một cái lỗi nào đó.

    

Một cuộc sống như thế  là mơ ước của mọi người nhưng  không đủ điều kiện  sống cho 365 ngày nên  ai đó nghĩ ra cái Tết để được “sống thử” trong 3 ngày mà thôi. Quả là một mô hình sống vô cùng nhân bản. Cho nên dù quy định trong 3 ngày nhưng  nhiều người  quá lưu luyến Tết nên nấn ná  kéo dài đến 5, 7 ngày như chúng ta vẫn thấy. Có lẽ trong tương lai , khi mức sống người dân cao hơn thì định mức ngày tết truyền thống cũng nên chính  thức nâng lên thêm thành 4, 5 hay 6 ngày cho … đã. Xem như “thiên đường” được nới rộng.

     

Một cặp vợ chồng người Việt là bạn thân của gia đình tôi định cư ở Hoa Kỳ kể, ngày Tết bên ấy gia đình anh không thiếu một thứ gì. Từ bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, mứt gừng, mứt bí … Các con anh còn nhỏ cũng xúng xính áo dài, khăn đóng, nhà anh cũng trang trí một cành mai …giả. Dù ăn hàng chục cái tết như thế nhưng  anh vẫn thấy rằng đó là những cái tết vô hồn! Cho đến khi việc về quê hương trở nên dễ dàng, anh đưa cả nhà về  Sài Gòn  ăn tết cùng bà mẹ già, thì mới được ăn một cái Tết thật. Anh cảm động, vui sướng như trẻ nhỏ. Trong phút giao thừa thiêng liêng, dịp duy nhất trong năm, cả dân tộc cùng một ý hướng , một  hy vọng . Anh đi đâu cũng thấy màu sắc, âm thanh, mùi vị của Tết… . Càng về những miền quê xa xôi thì hình ảnh của tết càng đậm nét hơn . Nhà nào đi ngang trông vào cũng thấy bàn thờ ông bà giữa nhà,  nhan trầm tỏa thơm,  đèn tỏa sáng rực rỡ, cành mai hay cành đào khoe sắc , trên bàn hộp mứt bình trà chờ sẵng đón khách …Mọi người trông phong lưu , thơ thới hơn… Điều đó làm sao có được ở bên Mỹ, khi anh chỉ là một người ngụ cư . Ngày Tết nếu trúng cuối tuần thì mới được nghỉ, còn không vẫn phải đi làm, Tết mạnh ai nấy ăn, tối đến mới rảnh gọi điện chúc tết người thân …

      

Nước ta mỗi năm dịp Tết đến luôn là bài toán khó của ngành giao thông vận tải, biết làm sao được khi ngày càng đông người dân các tỉnh  đến những  thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,  Hà Nội làm ăn, học  hành và ngày Tết người ta nháo nhào tìm cách về quê. Có khi từ tháng Mười âm lịch họ đã tìm cách đặt vé, mơ màng đến cái Tết quê nhà. Nhiều người rất khó khăn nhưng  họ muốn về quê với vất cứ giá nào. Nhiều người  sinh sống ở thành phố đã vài chục năm, giàu có , thành đạt nhưng ngày Tết đến họ cũng  đưa cả nhà về quê ăn tết. Có người bảo, ở đâu chẳng ăn Tết, về chi cho vất vả, cho tốn kém. Khi còn dạy học, tôi từng chứng kiến những học  viên của mình, đều là người truởng thành, trên dưới  30 tuổi , nam nhi chi chí , ấy vậy mà khi không được về Huế ăn tết cùng gia đình, mùng một họ nằm trùm mền khóc rưng rức như con trẻ  bị ăn đòn. Tội. Phải tạo điều kiện cho người đi xa về quê ăn Tết.

     

Tết đâu chỉ là ăn ngon, mặc đẹp hay những lễ hội bày vẽ chỉ có tính hình thức rườm rà, phô trương theo kiều “hàng mã” xong rồi đốt, bằng những ý tưởng nông cạn của ai đó vẽ ra. Tết thực sự dù đơn sơ nhưng vẫn có hồn, khi nó kết tinh từ văn hóa dân tộc, từ những mơ ước sống đẹp, sống tử tế  được hun đúc từ ngàn đời.  Cái “hồn Tết” đó ở đâu ? Ở cái gốc của mỗi con người. Nơi người ta yêu thương, gắn bó    dù ở phương trời nào cũng đau đáu hướng về. /.

Nguyễn Thúy Ái
Số lần đọc: 2112
Ngày đăng: 29.01.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tản mạn về Trâu - Nguyễn Khắc Phước
Mồng một tết : Lộc Bình An - Nguyễn Hữu An
Lớp trẻ - Vũ Ngọc Tiến
Mùa Xuân Chín - Nguyễn Hữu An
Ăn tết – phiếm đàm về cái sự ăn! - Trần Huy Thuận
Chuyện Trâu - Cao Quảng Văn
Người trẻ phải tự chủ - Nguyễn Trung
Thanh Hải – Mùa xuân thi sĩ - Lê Khánh Mai
Hương vị quê nhà - Huỳnh Kim
Tết....của người tha hương - Vũ Trà My
Cùng một tác giả
Mẹ và Con trai (truyện ngắn)
Bàn tay lạ (truyện ngắn)
Sống cùng hoa (tạp văn)
Người trong mộng (truyện ngắn)
Hồn Tết (tạp văn)
Vườn xưa (truyện ngắn)
Cơn giông (truyện ngắn)