Qua nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, có một người đàn ông đứng tuổi, mà trong ánh mắt bộc lộ ngay lập tức tính tinh nghịch, đến tìm tôi với một tập bản thảo thơ khá dày dặn. Người tinh nghịch tuổi Mậu đó là Tăng Thế Phiệt, tác giả tập thơ mà bạn đang cầm trong tay. Với cái tên Đi cùng năm tháng, có thể là rất chung, rất phổ quát, tưởng như là chẳng phải tên một cuốn thơ, như là một chuyên mục lịch sử, văn hoá… Nhưng, đó mới chính là Tăng Thế Phiệt. Đọc hết 54 bài thơ, thấy tác giả rất có ý thức làm thơ, để mỗi bài, ứng với một năm, mà trong đó mọi diễn biến, xáo trộn, vui buồn, thua thiệt, ngọt ngào của tác giả. Như thế, tác giả đã ý thức rõ ràng, số phận của mình, của mỗi bài thơ đã đeo đẳng cùng với những năm tháng của đời người, của đất nước. Mở đầu là bài viết về năm 1948, năm tác giả chào đời, để cuối tập thơ, là năm 2000, năm cuối cùng của thế kỷ XX. Làm nhiều nghề, nhiều ngành, nhưng ấn tượng nhất với Tăng Thế Phiệt là những năm tháng gieo neo của đất nước, cũng là những năm lận đận của tác giả, của từng số phận con người Việt Nam.
Trăm năm chất đầy tiếng nổ
Đời người cát bụi trầm luân
Ngàn sao khi mờ khi tỏ
Nắng mưa giông gió xoay vần
(Đi cùng năm tháng)
Từ một tuổi thơ:
Quê xa nghèo lắm
Làm gì có kem
Bạn cùng trang lứa
Nghe kể mà thèm.
(Ăn kem - 1959)
nghe thương thương, rớm nước mắt, đến những tháng ngày vất vả:
Cơm cháy của cô nhà bếp
Thương chàng sinh viên giấu đưa
Để cho thế gian này biết
Ái tình luôn đẹp như thơ.
(Tình cơm cháy-1978)
Hai mươi năm sau, vẫn nặng lòng về “cái ăn”. Âu đó cũng là cái thường tình của một thế hệ.
Cũng không hẳn là buồn lo, thống thiết mà có cả những niềm vui, đôi khi rất nhộn, rất hài hước.
Cuối năm tôi được mời đám cưới
Chị cả nhà bên đi lấy chồng
Thiệp cầm tay bâng khuâng hồ hởi
Là đoàn viên, mình đã lớn rồi chăng?
(Đoàn viên-1964)
Thì ra cái dấu ấn “đoàn thể chính trị” ấy lại là một “giấy thông hành” để đàng hoàng được mời dự đám cưới, đàng hoàng lớn lên, trưởng thành. Hay như cái chuyện vừa cười, vừa tủi cho một ông già:
Ông Hai xây cái nhà to
Trăm phòng cao như trái núi
Tuyển hơn chục cô hầu gái
Bảo gì chúng cũng dạ ran
Nhưng bảo con mình không được
Ông buồn héo cả tâm can.
(Ông Hai - 1997)
Tôi chỉ đủ chỗ để trích ra vài đoạn như thế của Tăng Thế Phiệt. Là lính, là kỹ sư, là thợ, là nhà quản lý, và giờ này, anh đang làm cái việc nghiên cứu thế nhân trụ thế (cái thế đứng của con người trong cõi thế). Nhưng say mê và đắm đuối của anh vẫn là cái cõi thơ. Anh làm thơ từ sớm, như mọi người trẻ tuổi có chút năng khiếu và lòng đam mê. Bạn thơ của anh giờ đã là nhà thơ, nhà báo, chính khách. Còn anh, anh vẫn đắm đuối với cõi người:
Lưng cong như dấu hỏi
Ngồi bệt bên vệ đường
Mắt sâu màu mệt mỏi
Một bà già tha hương.
…
Về đâu, bà không biết
Đi đâu, bà không hay
Cũng như không ai biết
Bà từ đâu tới đây!
…
Lũ trẻ bán vé số
Nghe cổ tích của bà
Cầu mong bọn phù thủy
Trời sẽ đánh không tha.
…
Bà chắp tay: Mô Phật!
Đừng nói thế các con
Rồi đi tìm cõi lặng
Trong sôi động Sài Gòn.
(Người tha hương - 1998)
Phải chăng đây mới chính là cái thế đứng của nhân thế? Tôi trích đoạn một bài thơ khá hay, xúc động mà cũng dễ làm cho có người khó thông cảm của Tăng Thế Phiệt, để giới thiệu Đi cùng năm tháng với bạn đọc, trong đó có nhiều người là bạn thân ái của anh.
4-2008