Lê Khánh Mai vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ thứ năm của mình. Sau những “Trái chín” (1990), “Nước mắt chảy về đâu” (1998), “Cổ tích xanh” (2000), “Cát mặn” (2001) và bây giờ, đầu hè 2005, là “Đẹp, buồn và trong suốt như sương”. Đọc tên những tập thơ của chị, ta đã có cảm giác Lê Khánh Mai là một nhà thơ duy mỹ. Với chị, “trái”, tất nhiên sẽ “chín”, “cổ tích”, luôn luôn “xanh”, “cát” phải “ mặn” như biển và “nước mắt” dù có “chảy về đâu” thì bao giờ cũng “đẹp, buồn và trong suốt như sương”. Đọc thơ chị, ta càng thấy cảm giác đó là đúng. Quả thật, Lê Khánh Mai có cách cảm nhận cuộc đời , cảm nhận tình yêu, cảm nhận thơ theo những tín điều vĩnh cửu về cái đẹp. Chị đã hơn một lần tâm sự với chúng ta về cái “Thánh giá của riêng mình”:
Thánh giá của riêng mình
Mang trong tim khó nhọc
(Nhà thơ)
Tôi là ai
Bạn là ai
Chỉ như khói thoảng sương bay thôi mà.
Đường về La Mã vời xa
Vác cây thánh giá vượt qua phận mình
(Ơi người)
Thánh giá là một biểu tượng của tôn giáo. Và cây thánh giá mà Lê Khánh Mai “khó nhọc vác” để “vượt qua phận mình” là biểu tượng của một thứ tôn giáo của riêng chị:
cái đẹp. Thơ Lê Khánh Mai là một cuộc theo đuổi kiên tâm, dâng hiến hết mình, hướng tới một cái đẹp trọn vẹn của cuộc sống, tình yêu và của thơ ca theo cách một tín đồ của Chúa. Trước hết, với chị, "Thơ đâu phải trò chơi con chữ/ Trả giá một đời chỉ gặt hái đôi câu” (Tâm sự thơ ca). Thơ phải cần cho con người vào lúc mà cơm ăn, nước uống, tiền bạc đã bất lực:
Tôi đói
Thơ không thể là cơm ăn
Tôi khát
Thơ không biến thành nước uống
Tôi nợ nần
Thơ không đem cho tiền bạc
Nhưng khi tôi rơi xuống hố thẳm khổ đau
Thơ vực tôi đứng dậy
(Tôi và thơ)
Lê Khánh Mai từng cảm nhận ở mình một “số phận Trương Chi”:
Khát tình yêu ta mãi đi tìm
Tận cùng trời chẳng gặp nàng công chúa
Thuyền ta trôi giữa biển đời ồn ã
Ta hát đến tàn hơi.
Đáp lại chỉ thinh không.
Cùng với mối tình đơn phương, không mong được đáp đền của chàng đánh cá Trương Chi, với Lê Khánh Mai, mối tình Adam – Eva, mối tình sinh ra giữa khu vườn cấm của cặp tình nhân dám ăn trái cấm, là mối tình ám ảnh chị nhất. Ám ảnh đến mức, có lần đứng giữa thung lũng Đà Lạt hôm nay, chị vẫn tưởng tượng ra rất rõ cái chốn địa đàng thâm nghiêm của nghìn năm truớc:
Dẫu không tin sẽ tìm thấy tình yêu
Nơi thung lũng mù sương huyễn hoặc
Tôi vẫn đứng đây, trên miệng vực
Tưởng tượng đáy sâu kia là chốn địa đàng
Có vòm lá xanh ẩn hiện, mơ màng
Có chùm quả ngọt lành cám dỗ
Và Adam đợi tôi ở đó…
Đọc thơ Lê Khánh Mai, ta có thể dễ dàng nhận thấy: Sự phân vân giữa “chết vùi đi hay là thắp lửa” nếu có cũng qua đi rất nhanh và sự lựa chọn của chị bao giờ cũng là “thắp lửa”, dù là cháy bùng lên như ngọn đuốc hay cháy thầm như giọt nến, chứ không bao giờ chịu “chết vùi, tắt lịm”. Khát khao vươn đến một cái đẹp hoàn thiện, một cách sống hết mình, bất chấp mọi rào cản, mọi tấm biển cấm, bất chấp mọi khổ đau, bất hạnh, Lê Khánh Mai phản ứng quyết liệt với mọi sự nửa vời, nhàm chán, tẻ nhạt, vô cảm, không cam chịu đi theo những lối mòn, mong muốn xoá hết những dị bản nhạt nhoà. Thơ chị luôn khắc khoải nhắc tới những “chân trời màu lam”, những chốn “cao xanh” hay “ngàn khơi” nào đấy mà con người cần vươn tới.
Nhưng khi chị viết:
Vịn gió tôi bay
Dù mặt đất nồng nàn hoa trái
Thương cánh bay vụng dại
Chưa một lần chạm được đỉnh mây
Thắp lên niềm kỳ vọng bầu trời
Tôi ký thác hồn mình nơi cao xanh vời vợi
Dù có thể sau ngàn mây kia
Là thăm thẳm một cõi hoang lừa dối
(Tâm khúc)
Thì ta hiểu những “kỳ vọng”, “ký thác” của chị vào những “nơi cao xanh vời vợi” là không hề ảo tưởng chút nào. Linh cảm về sự có thể của “thăm thẳm một cõi hoang lừa dối” nơi mình đặt hết tin yêu là một linh cảm rất đau đớn, rất trưởng thành, và có thể nói, rất hiện đại. Rất nhiều hoài nghi, thậm chí đã không ít lần vỡ mộng nhưng vẫn không bao giờ rời bỏ nổi đức tin, phải chăng đó là một trong những bi kịch lớn nhất của con người thời hiện đại?
“Cánh cửa mở về phía hoàng hôn. Người đàn bà trong ngôi nhà nhỏ. Ngoài kia những dải mây bay, chầm chậm như một lời giã biệt….
Dừng chân giữa hai bờ hư thực. Lắng nghe thời gian đi, thầm thì trong tiếng lá, phiêu diêu hồn của muôn loài.
Đã thôi kiếm tìm mệt nhoài, vô vọng, nẻo trời xa rời rã cánh chim. Gom vào gió nỗi yêu tin ngờ vực. Gọi một chiều thanh khiết.
Chiều ơi!”
Đoạn thơ trích trong bài “ Chiều ơi” trên đây diễn tả thật hay, thật tinh tế, thật trong trẻo cái giây phút thất vọng, mệt mỏi tột cùng của con người khi ngộ ra những chân trời mà mình mải miết tìm kiếm thực ra chưa bao giờ có. Có lẽ chúng ta hiểu vì sao Lê Khánh Mai gọi cái buổi chiều “dừng chân giữa hai bờ hư thực” kia là một buổi “chiều thanh khiết”. Trong buổi chiều đó ta như cảm nhận và chia sẻ với chị, cùng với một lời giã biệt là một nỗi hân hoan chào đón, cùng với một sự kết thúc là một bắt đầu thật thanh khiết, tinh khôi.
Thật ra, Lê Khánh Mai không chỉ có một buổi chiều kết thúc và bắt đầu. Thơ chị là một chuỗi không ngừng những mộng mị và bừng tỉnh, những kết thúc và bắt đầu như thế. Theo đuổi đến kiệt sức một cái đẹp hoàn thiện ở chốn cao xanh để rồi nhận thấy cái đẹp trong sự chưa hoàn thiện của cuộc đời mới chính là cái đẹp cần theo đuổi. Tìm kiếm miệt mài một thứ “hạnh phúc thiêng liêng xa vời bí ẩn”, luôn cảm thấy đơn côi lạc lối, “đánh mất tình yêu, đánh mất chính mình” giữa cái đời thường từng làm tan nát trái tim một Maiacopxki vĩ đại để rồi hiểu ra “có thể nào chạy trốn đời thường nhật/ đánh đổi sự vững bền lấy cái mong manh” và khẳng định “ giữa đời thường hạnh phúc chín đầy”.
Và thơ Lê Khánh Mai ấm áp, “chín đầy” không phải là khi “gồng trên vai vũ trụ”ï mà là khi cúi “rạp mình trước cỏ”, khổ đau, hạnh phúc với tất cả những gì gần gũi bình dị của thiên nhiên, cuộc sống quanh mình và của chính đời mình. Đó là quê hương Tu Bông quanh năm gió với những cô gái “suốt ngày tóc rối” và cái “bếp nghèo ướt ngọn lửa gầy mẹ hong”. Đó là “cái màu vàng thánh thiện hoa ô môi/ lọc tôi đến trong veo thiếu nữ” . Đó là dòng sông Hương trầm cảm và bí ẩn “Gom nước mắt để trong/ nhận bão giông mà lặng” . Đó là hình ảnh người chồng thân yêu trong “Cơn giông lúc nữa đêm” kinh hoàng làm cho “cánh cửa ngôi nhà bị giật tung” nhẹ nhàng trở lại “bình yên, tin cậy” để “khép cửa ngôi nhà, neo giữ tình yêu”. Đó là lời nguyện cầu giản đơn mỗi ban mai “Cầu cho đôi mắt anh / là khoảng trời trong biếc/ và tấm lòng bạn bè/ như lúa khoai chân thật …” . Đó là nỗi sợ hãi khi thấy mình dửng dưng, vô cảm trước khổ đau của người khác với câu hỏi đầy day dứt “hồn tôi hoang mạc tự bao giờ”. Đó là lúc chị nhìn thấy một người đàn bà nắm chặt trong tay đồng tiền ướt đẫm mồ hôi… “lặng lẽ đi từ đầu chợ đến cuối chợ/ đôi chân rã rời/ chiếc giỏ vẫn rỗng không”. Đó là khi chị được “ngả nghiêng”, “ngật ngưỡng” như vô hạn vô hồi trong tình bạn, tình thơ dù chỉ là một chiếc chiếu hoa với chén rượu hạt mít giữa những “người thơ tỉnh lẻ”.
Từ muôn kiếp nào thơ đã ủ men
\Trái tim ta chứa đầy quá thể
Phím lòng ngân biết mấy cho vừa
Ta uống rượu
Uống thơ
Uống đêm huyền diệu
Đêm cao nguyên hoá rượu tự bao giờ
(Uống rượu với bạn thơ (Đắc Lắc)
Trong bài thơ “Tự khúc chiều”, Lê Khánh Mai viết:
Và tôi thấy mình bé nhỏ
Trước bao bất trắc, trước chiều
Trái tim không gì che đỡ
Gồng lên theo gió phiêu diêu
Mắt người nói lời chân thật
Xui tôi trao mảnh lòng thành
Ngẩn ngơ bầu trời cứu rỗi
Đất như cũng hết mình xanh
Ngẫu nhiên một chiều Tam Đảo
Người về thanh thản đời thường
Hồn tôi như hồn núi ấy
Giăng mây giấu một thánh đường
Có lẽ điều tâm đắc nhất Lê Khánh Mai muốn nhắn nhủ với chúng ta là, cái cứu rỗi con người không phải là cái gì khác hơn một “mảnh lòng thành”. Thánh đường, thánh ca, thánh giá mà Lê Khánh Mai thường nói đến tưởng rằng rất đạo hoá ra rất đời, tưởng như quá cao xa nhưng rốt cuộc lại vô cùng gần gũi. Đó chính là tấm lòng thành trước cuộc đời, trước tình yêu và trước thơ. Giữ được nguyên vẹn tấm lòng thành ấy giữa bao, bất trắc, cạm bẫy, thăng trầm của phận người hôm nay, dù không dễ dàng, dù rất khó nhọc nhưng sẽ rất hạnh phúc.
Tạp chí Văn hiến Việt Nam số 10 (54) năm 2005 (Bản do Lê Khánh Mai gửi)