Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.237
123.153.922
 
Bà lão hàng xóm
Huỳnh Văn Úc

1-

- Đói quá! Ối giời ơi! Đói quá!

Tiếng kêu thảm thiết của bà lão hàng xóm khiến tôi không thể cầm lòng. Bà lão rong chơi trên cõi đời này đã hơn 90 năm, muốn chết lắm rồi, cầu mong được chết, mà giời nào có cho chết, giời còn bắt bà đối diện với một bể khổ mênh mông, vô tận, sự hiện diện của bà trên thế gian này hầu như chỉ còn là những lời rên rỉ, ngày nào bà cũng rên rỉ muốn được chết, những lời rên rỉ thốt lên da diết, thiết tha như thể nguyện cầu:

- Ới con ơi! Ới các con ơi! Sao không về đưa mẹ đi với, các con ơi! Trời ơi! Sao không cho tôi được chết đi hở trời!

 

Tôi ở căn hộ tầng 1 của chung cư 5 tầng, mở cửa phía sau thì trông qua cửa sổ để thấy bóng bà lão với những lời kêu than não lòng; mở cửa phía trước, nhìn qua khoảng sân của khu tập thể là phố Xã Đàn rộng 6 làn xe. Con phố này là đường nối từ Kim Liên đến Ô Chợ Dừa, dài hơn cây số, đã được báo chí gọi là con đường đắt nhất Hà Nội, đắt nhất Việt Nam, đắt nhất hành tinh tính theo giá thành thi công. Giá đất mặt đường 160 triệu, 180 triệu đồng/ mét vuông nên nhà mặt phố chỉ có đại gia mới mong sỡ hữu. Có lẽ chẳng bao lâu nữa, nó sẽ trở thành Wall Street của Việt Nam, vì từ bây giờ, đi độ mươi mét, ta lại thấy biển tên của các ngân hàng: Sài Gòn Công Thương, BIDV, Agribank, SHB...cả ở bên phải và bên trái. Đồng tiền đã tạo nên những câu chuyện cười ra nước mắt. Một dãy dài sáu bảy ngôi nhà bốn tầng, năm tầng của các tướng tá Quân khu Thủ đô, có mặt sau nhìn ra con đường, tưởng đã có dịp may đổi đời khi chuyển cửa sau thành cửa trước, nhưng không may cho họ, khoảng đất trống từ mép vỉa hè đến tường nhà-có chiều rộng khoảng 40 cm và chiều dài chạy suốt dãy nhà-đã bị một cò đất nhanh tay sở hữu rồi xây lên một bức tường che, và đòi bán lại bức tường ấy với giá vài chục tỉ đồng. Xe của Đài Truyền hình Việt Nam đã đến quay phim và phỏng vấn chủ các ngôi nhà và người dân hàng xóm, nhưng kể từ khi con đường được đưa vào sử dụng, được gắn biển tên phố Xã Đàn đã hơn một năm, sự việc vẫn rơi vào im lặng, quên lãng.

 

Con phố ồn ào sôi động với những toan tính làm ăn, những dòng xe ồn ào xuôi ngược từ sớm tinh mơ cho tới tận đêm khuya, đâu có biết chỉ cách đó một nhà chung cư có tiếng kêu than não nùng của bà lão.

 

Mỗi lần nghe tiếng kêu than, tôi tự hỏi, không hiểu trên đời này có còn kiếp người nào khổ ải hơn không? Bà lão có hai người con, một trai, một gái, lúc sinh thời, anh con trai trưởng làm nghề lái xe, cô em gái có gánh hàng khô, nhưng cả hai người đều bảo nhau chết trước từ lâu; anh con trai chết đi, để lại vợ, bốn đứa con gái và ngôi nhà bốn tầng, xây được nhờ tiền bán đất. Bà lão sống với người con dâu và các cháu nội ở tầng một trong ngôi nhà 4 tầng ấy, giang sơn của bà là chiếc giường đôi với chiếc chiếu đã sờn và cáu bẩn, bốc mùi vì lâu ngày không được giặt và vì những thứ mà bà vô tình thải ra, bà không tự di chuyển được vì mắt hầu như không còn trông thấy gì và khi đã ngồi xuống thì không tự đứng lên được, mà không phải lúc nào ở gần bà cũng có người để giúp đỡ khi cần thiết. Các cháu nội của bà lần lượt đi lấy chồng, vì thế người trong nhà ngày càng vắng đi, người con dâu nhận một chân tạp vụ ở UBND phường, giờ hành chính vắng nhà, vì thế, nhiều lúc tưởng như thế gian này chỉ còn trơ trọi có một mình bà với những tiếng kêu than ai oán.

- Đói quá! Ối giời ơi! Đói....

 

Tiếng kêu đột nhiên im bặt. Có tiếng kẹt cửa chính của ngôi nhà, lúc này đã hơn 11 giờ trưa, có lẽ người con dâu trở về nhà, sau đó cánh cửa sổ trông sang phía sau nhà tôi được khép kín lại. Như thế tốt hơn đối với tôi, để tôi khỏi phải mắt thấy tai nghe sự đau khổ của một kiếp người, để lòng tôi khỏi phải day dứt vì nhân tình thế thái, để con tim tôi khỏi thắt lại khi nhìn qua khung cửa sổ thấy bóng bà lão đang loay hoay, quờ quạng trên chiếc giường đôi cũ kỹ nhưng có lẽ rộng mênh mông như nỗi khổ của bà.

 

2-

Từ sau cái hôm tiếng kêu đói của bà lão bỗng nhiên im bặt, tôi thấy hơi lạ vì không thấy còn tiếng kêu than hằng ngày qua khung cửa sổ vọng đến tai tôi nữa. Tiếng kêu đã quen với tôi đến nỗi thiếu đi, lòng tôi thấy bâng khuâng trống vắng. Tôi đoán già đoán non, có lẽ bà lão mệt đến nỗi không còn sức để kêu nữa, hoặc người con dâu và các cháu nội bỗng dưng chăm sóc tử tế đến mức bà lão hài lòng và thấy không cần thiết phải kêu lên một lời nào nữa, nếu được như thế thì lòng tôi thanh thản biết bao nhiêu.

 

Rồi đến hôm nay, từ 5 giờ sáng khi tôi còn chưa thức giấc, tiếng trống, tiếng kèn, tiếng hồ, tiếng nhị và cả tiếng đàn bầu qua khung cửa sổ vọng đến tai tôi ai oán, nỉ non. Tình cảm trong tôi thật lạ, nửa buồn, nửa vui; buồn vì một kiếp người đã rời bỏ nhân gian để về nơi yên nghỉ ngàn thu, vui vì khi nhắm mắt xuôi tay, có lẽ trên môi bà lão nở nụ cười mãn nguyện, có phải ai trên cõi đời này cũng ước mong được chết và mãn nguyện trong phút giây lâm chung như bà lão hàng xóm của tôi đâu?  Tôi lắng tai nghe mà không thấy có tiếng khóc, tiếng gào của người thân xót thương người quá cố, trên loa phóng thanh chỉ có bài khóc theo công thức của người khóc thuê ăn nhịp với tiếng kèn, tiếng nhị, bài khóc đều đều, vô cảm, thỉnh thoảng  vang lên. Hỡi ơi! Trên thế gian này có bao nhiêu đám tang ráo hoảnh không một giọt lệ rơi mà chỉ có những lời văn sáo rỗng khóc thuê? Chẳng hạn, nếu người đến viếng là cháu gọi người quá cố là cô ruột thì chỉ cần rỉ tai người khóc thuê kèm theo tờ bạc dúi vào tay là có ngay một bài khóc: Cô ơi cô! Sao cô nỡ bỏ cháu mà đi....

 

Những tia nắng đẹp của một ngày mới rực vàng một góc sân. Tôi bước qua khoảng sân ấy để ra vỉa hè thoáng và rộng của con đường rộng rãi 6 làn xe. Bước mấy bước, tôi đến bức tường trị giá vài chục tỉ đồng, bức tường vững chãi như Vạn lý trường thành che mặt dãy nhà các tướng tá Quân khu Thủ đô. Cạnh đấy, trụ sở mới 5 tầng chiếm mặt tiền 2 số nhà của Ngân hàng Agribank to đẹp, khang trang vừa mới khai trương, tấm vải điều khổ rộng buông từ nóc đến hết tầng 2 hứa hẹn với người đến giao dịch món quà khuyến mại có giá trị, thời gian khuyến mại kéo dài đến hết tháng 2-2009.  Nhịp sống hối hả cuốn bước chân vô định của tôi đi cho đến khi tiếng kèn, tiếng nhị chỉ còn văng vẳng mơ hồ đâu đó xa xa...

 

Mười giờ sáng, tôi đi cùng với các ông bà trong tổ dân phố đến chia buồn cùng tang chủ. Ông tổ trưởng dân phố đi trước cùng với một vòng hoa, một tay cầm xấp phong bì tiền phúng viếng của các thành viên trong đoàn, tay kia cầm thẻ nhang. Chúng tôi đi một vòng quanh linh cữu người quá cố. Không sai mấy so với sự tưởng tượng của tôi, nhìn qua khung kính, khuôn mặt nhăn nheo lấm tấm tàn nhan của bà lão toát lên một vẻ mãn nguyện khó tả, đôi mắt vẫn còn mơ hồ nét cười trước khi nhắm lại, đôi môi hé mở cho thấy hàm răng còn dăm chiếc do nước ăn trầu lâu ngày nhuộm thành một màu nâu đậm. Chị con dâu, mấy đứa cháu gái, bà con thân thuộc...trắng vòng khăn tang, nhưng tuyệt nhiên không có một giọt nước mắt rơi, chỉ có tiếng trống, tiếng hồ, tiếng nhị và tiếng đàn bầu nỉ non, thổn thức tiễn đưa bà lão về nơi an nghỉ cuối cùng. Viếng xong, tôi về nhà ngồi viết tiếp những dòng này, như một nén nhang thắp cho bà, cầu mong cho bà sớm phiêu diêu nơi miền cực lạc.

 

Hà Nội, tháng 1-2009

Huỳnh Văn Úc
Số lần đọc: 3355
Ngày đăng: 03.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lõm to - Trần Kỳ Trung
Lại một mùa xuân - Mang Viên Long
Man đảo - Trương Thái Du
Những mảnh lụa… - Lê Xuân Tiến
Hồn trầm - Văn Xương
Chết nơi đất khách - Ngô Kế Tựu
Ba điều ước - Huỳnh Văn Úc
Nhan sắc mùa xuân - Nguyễn Minh Phúc
Sông Phố - Khải Nguyên
Mùa xuân rồi sẽ đến - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Nguyễn Tuyết Lê Sen (truyện ngắn)
Dã man ! (truyện ngắn)
Ngỡ ngàng (truyện ngắn)
Trực chiến (truyện ngắn)
Mèo ơi ! (truyện ngắn)
Cu Tí (truyện ngắn)
Ký ức Trường Sơn (truyện ngắn)
Ba điều ước (truyện ngắn)
Bà lão hàng xóm (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Nể vợ mày (truyện ngắn)
Chồng tôi và thơ (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Trả nợ miệng (truyện ngắn)
Phố tím (truyện ngắn)
Người em họ (truyện ngắn)
Thủ trưởng (truyện ngắn)
Chị Bông (truyện ngắn)
Có thờ có thiêng (truyện ngắn)
Thằng Bờm mất ao (truyện ngắn)
Số phận con Cún (truyện ngắn)
Một mất mười ngờ (truyện ngắn)
Ai thắng ai ? (truyện ngắn)
Con cá chép (truyện ngắn)
Lão Hạp (truyện ngắn)
Bánh vẽ (truyện ngắn)
Hoa cỏ may (truyện ngắn)
Có tật giật mình (truyện ngắn)
Số đỏ (truyện ngắn)
Thằng nhà quê (truyện ngắn)
Xung đột (tạp văn)
Luật rừng (truyện ngắn)
Tai qua nạn khỏi (truyện ngắn)
Ngủ đường (truyện ngắn)
Hoa hồng có gai (truyện ngắn)
Anh yêu em! (truyện ngắn)
Song Hỷ (truyện ngắn)
Luân hồi (truyện ngắn)
Chuyện động trời (truyện ngắn)
Bộ mặt thật (truyện ngắn)
Thằng mất dạy (truyện ngắn)
Tấc đất tấc vàng (truyện ngắn)
Cái vạ văn chương (truyện ngắn)
Sinh ngày 13 tháng 7 (truyện ngắn)
Ngẩu pín (truyện ngắn)
Bản ấn đền Trần (truyện ngắn)
Nhạc vàng (truyện ngắn)
Một thời vang bóng (truyện ngắn)
Con vẹt (truyện ngắn)
Đồ quỷ! (truyện ngắn)
Tinh thần thể dục (truyện ngắn)
Ngọn lửa bất diệt (truyện ngắn)
Bóng đè (truyện ngắn)
Bất hiếu (truyện ngắn)
Dỗi (truyện ngắn)
Chiến tranh (truyện ngắn)
Thơ thẩn (truyện ngắn)
Ông ngoại (truyện ngắn)
Tình muộn (truyện ngắn)
Giông tố (truyện ngắn)
Nạp Phi (truyện ngắn)
Lời Trăn Trối (truyện ngắn)
Theo đóm ăn tàn (truyện ngắn)
Ngục Trung Ký Sự (truyện ngắn)
Cá Gỗ /Stop! (truyện ngắn)
Đẻ Khó (truyện ngắn)
Thơ Lạc Vần (tạp văn)
Putin Rơi Lệ (đối thoại)
Oan Cho Hắn Quá! (đối thoại)
Khổ Thân Thằng Mõ (đối thoại)
Kê Cân (đối thoại)
Một Phần Vạn (đối thoại)
Vũ Như Cẩn (tạp văn)
Chuyện chàng cốc sĩ (truyện ngắn)
Ksenia Sobchak (đối thoại)
Ngọn giáo (đối thoại)
Anhekđot (đối thoại)
Alexey Navalny (nhìn ra thế giới)
Tổng thống suốt đời (nhìn ra thế giới)
Tổng thống và rượu (nhìn ra thế giới)
ĐỐI THOẠI (truyện ngắn)