Biết tôi quan tâm tới tiền sử dân tộc, một người bạn từ nước ngoài gửi cho mấy bản báo cáo đọc tại Hội thảo Việt học vừa tổ chức tại Hà Nội:
1. Người Nam Á, Nam Đảo và sự hình thành các quốc gia cổ ở Việt Nam của GS Lương Ninh.
2. Mối quan hệ văn hóa giai đoạn hậu kỳ Đá mới giữa Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc của tác giả Trình Năng Chung.
3. Giao lưu văn hóa Đông Sơn ở vùng ven biển và hải đảo của PGS.TS Trịnh Sinh.
4. Tiếp cận với Đông Nam Á học và Việt Nam học của GS.TS Phạm Đức Dương
Người bạn yêu cầu cho nhận xét về những báo cáo này.
Mới đọc được bài viết của G.S Lương Ninh và G.S Phạm Đức Dương, tôi ghi lại vài sưy nghĩ:
1. Vế báo cáo của Giáo sư Lương Ninh.
Tôi thật ngạc nhiên khi vị Giáo sư ngơ ngác hỏi: “Việt Nam đứng ở đâu trên con đường lữ hành của người Nam Đảo?”
Mười năm trước, năm 1998, câu hỏi này đã được di truyền học phân tử trả lời qua công trinh Genetic relationship of populations in China của Y.J Chu et al (www.pnas.org/content/95/20/11763.full.pdf+html.) Khám phá về gene trong công trình này cộng với những dữ liệu phong phú về tiền sử Đông Nam Á giúp rút ra nhận thức như sau:
Khoảng 70.000 năm trước, vào kỳ Băng hà, mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 met, con người từ châu Phi theo ven biển Nam Á tới Đông Nam Á. Họ chiếm các hải đảo Đông Nam Á rồi qua đó vào miền Trung Việt Nam. Tại Việt Nam, người tiền sử hòa huyết sinh sôi và khoảng 50.000 năm trước, một bộ phận từ đây di cư ra các đảo ngoài khơi Đông Nam Á và sang châu Úc. Cuộc di cư này là liên tục, người từ Việt Nam không những cung cấp nguồn gene Indonesian, Melanesian cho dân hải đảo mà còn đem tới đó giống lúa giống kê, giống gà, giống chó, giống lợn, tạo nên văn hóa nông nghiệp ở đây. Khoảng nửa cuối thiên niên kỷ III TCN, do cuộc xâm lăng của người Mông Cổ chiếm đất Bách Việt, những thuyền nhân từ lưu vực Hoàng Hà di tản ra khắp Đông Nam Á, mang theo nguồn gene Mogoloid phương Nam tới Việt Nam và các đảo Nam Thái Bình Dương. Sự kiện này tạo ra quá trình Mongolid hóa dân cư Đông Nam Á. Cho tới khoảng 2000 năm TCN, hầu hết dân cư Đông Nam Á trở thành Mongoloid phương Nam. Chỉ ở vùng núi xa, sâu trên đất liền và một số hòn đảo hẻo lánh, dân bản địa vẫn giữ nguồn gene ban đầu từ châu Phi sang.(1)
Những nhóm Nam Á 1, 2 và Nhóm Malayo-polynesia trình bày trong báo cáo cũng không ngoài tình trạng chung đó. Trong cuốn sách nổi tiếng Địa đàng ở phương Đông, Stephen Oppenheimer viết: “Cách giải thích đơn giản nhất là khu vực sử dụng ngữ hệ Nam Á – và quê hương đầu tiên của ngữ hệ Austric – là nằm dọc bờ biển của Việt Nam, nơi các thứ tiếng Nam Á vẫn còn được sử dụng chủ yếu và phổ biến đến tận ngày nay, hoặc ở trên lục địa Sunda cố. Trong trường hợp đó, những người bản địa nói tiếng Nam Á không di cư mà ở lại phần đuôi của lục địa cổ xưa.” Nhà ngôn ngữ học của New Zealand, Charles Higham nói: “Quê hương của ngữ hệ Nam Á phải là vùng Đông Nam Á.” Nhà khảo cổ học Mỹ Wilhelm Solheim cho rằng, ngôn ngữ Austric được sử dụng trên toàn bộ vùng Đông Nam Á nội địa và lục địa Sunda trước khi nó bị nạn hồng thủy cuốn trôi… Còn các thứ tiếng Nam Đảo lại phát triển trong những dân cư hải đảo” (Tr 216-217). Những phát biểu trên là chính xác, riêng Solheim hơi lầm: Tiếng Nam Đảo cũng là ngôn ngữ bản địa, dấu ấn của tổ tiên Australoid tới Việt Nam 70.000 năm trước.
Tuy vậy, để chắc ăn, những ý tưởng trên cần phải được kiểm định bằng di truyền học.
Khảo sát nhân chủng, lịch sử, văn hóa những nhóm sắc tộc anh em sống trên lãnh thổ Việt Nam là đề tài thú vị nhưng không thể giải quyết chỉ bằng khảo cổ học, ngôn ngữ học. Cần phải áp dụng công cụ tiên tiến nhất của nhân loại là công nghệ di truyền. Ngày nay người ta hiểu rằng, bất cứ nghiên cứu nhân chủng nào nếu không được kiểm định bằng công nghệ gene sẽ không đáng tin cậy.
Dễ hiểu vì sao, nghiên cứu của vị Giáo sư đáng kính còn dừng lại ở những giả định mà không có những kết luận mong đợi.
2. Báo cáo của Giáo sư Phạm Đức Dương
Trong báo cáo của mình, vị giáo sư lão thành nêu thực trạng đang buồn trong quan hệ của khu vực Đông Nam Á: “Chúng ta hiện nay đang sống trong một thảoch lý:Việt Nam sinh ra, lớn lên có nhiều quan hệ cội nguồn và tiếp xúc lâu đời, có chung một thân phận lịch sử và một cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập và tự do cho dân tộc, đang cùng nhau xây dựng một tổ chức khu vực ASEAN hợp tác và phát triển... nhưng chúng ta lại ít hiểu biết về. khu vực, về các nước xung quanh…”
Đáng tiếc là khi đi vào giải quyết vấn đề, ông không nêu lên thực chất cái “cội nguồn”. “thân phận lịch sử” ấy là gì thì đã vội đi chứng minh:
“Ðông Nam Á là nơi hội tụ văn hóa và quá trình hội tụ bắt nguồn từ nhiều trung tâm khác nhau… Nghiên cứu biến đổi của vãn hóa Việt Nam dưới ảnh hưởng của sự tiếp xúc, chúng tôi chia thành bốn lần tiếp xúc. Lần thứ nhất: Tiếp xúc văn hóa giữa các dân tộc Đông Nám Á tại châu thổ sông Hồng, chủ yếu là giữa hai nhóm cư dân Môn-Khmer làm rẫy trên núi và cư dân Tày - Thái cổ quanh vịnh Hà Nội. Kết quả đã hình thành cộng đồng người Việt cổ với nền văn hóa lúa nước vùng châu thổ sông Hồng được huyền thoại ghi bằng mô thức lưỡng hợp bố Rồng- mẹ Tiên.”
Nói như vậy, phải chăng Giáo sư coi cư dân Môn-khmer, Tày-Thái cũng như nông nghiệp lúa nước là từ Đông Nam Á hải đảo du nhập?
Thực tế lịch sử phản bác một ý tưởng như vậy. Công trình dẫn trên của Chu et al cho thấy, người Việt Nam có đa dạng di truyền cao nhất, có nghĩa là người cổ nhất ở Đông Á. Vậy những cư dân kể trên phải có nguồn gốc bản địa. Nông nghiệp được phát sinh sớm nhất ở Việt Nam và chuyển giao cho khu vực và thế giới.
Giáo sư viết tiếp:
Lần thứ hai: Tiếp xúc giữa người Việt với các dân tộc với văn hóa Hán (người Việt),
văn hóa Ấn Ðộ (người Chăm và người Phù Nam) hình thành nền văn hóa quốc gia dân tộc với một phức thể gồm ba yếu tố: văn hóa núi, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển. Yếu tố đồng bằng tuy có sau nhưng đóng vai trò chủ thể…”
Chúng tôi cho rằng, cách giải thích như vậy không nói lên bản chất vấn đề. Có thể diễn ra tình hình sau: suốt thời Đông Sơn, trên địa bàn Đông Nam Á, từ nam Dương Tử tới Đông Dương, Malaysia, Indonesia là một khối thống nhất về dân cư và văn hóa do tộc Lạc Việt (Indonesian), lãnh đạo. Các Vua Hùng ban trống đồng, một thứ quyền trượng cho các thủ lĩnh vùng miền. Từ sau Công nguyên, với cuộc xâm lăng của nhà Hán, đất Giao Chỉ bị tách khỏi cộng đồng Việt tộc Đông Nam Á, chịu Hán hóa. Phần còn lại, do không có sự chỉ huy thống nhất nên phân hóa thành những quốc gia cổ như Champa, Phù Nam cùng các đảo quốc. Các quốc gia này du nhập văn minh Ấn Độ chủ yếu theo đường biển. Do biến động lịch sử như vậy nên tại Việt Nam, văn hóa Việt cội nguồn bị mai một. Những yếu tố Việt nhất chỉ được bảo tồn tại những tộc anh em trên Tây Nguyên, cũng như trên các đảo Đông Nam Á.
Chúng ta biết rằng, từ 2000 năm TCN, Đông Nam Á là khu vực thống nhất với đại bộ phận dân cư thuộc chủng Mogoloid phương Nam (Nguyễn Đình Khoa, 1983) và văn hóa Việt cổ. Sự phân cách như hiện nạy là do hoàn cảnh lịch sử 2000 năm qua với các cuộc xâm lược của nhiều thế lực thực dân gây ra. Tuy nhiên các quốc gia Đông Nam Á vẫn đồng nhất về dân cư và có chung cội nguồn văn hóa Việt cổ. Mọi sự tiếp xúc văn hóa phải trên cơ sở đặc điểm này.
3. Kết luận.
“Việt Nam đứng ở đâu trên con đường lữ hành của người Nam Đảo?”
Câu hỏi như vậy được đặt ra ít nhất từ nửa thế kỷ nay. Thiết tưởng tại Hội thảo này, Giáo sư Lương Ninh phải là người đứng ra dõng dạc trả lời câu hỏi ấy! Câu hỏi mãi mãi là câu hỏi nếu chưa có lời đáp. Và đấy chính là món nợ của học thuật Việt Nam trước cuộc sống! Thực tế cho thấy, không thể trả lời những câu hỏi như vậy nếu chỉ dựa vào khảo cổ học và ngôn ngữ học. Cần một khoa học mới, là sinh học phân tử! Phải từ những giọt máu nóng hổi của những người đang sống để tìm ra con đường bí hiểm đẫn những tộc người anh em có mặt trên đất Việt. Có thể họ từ hải đảo Đông Nam Á du nhập. Nhưng tôi cho rằng, họ là hậu duệ của chủ nhân văn hóa Hòa Bình mà do sống biệt lập lâu dài nên có diện mạo hiện nay. Tuy vậy, đó cũng chỉ là phỏng đoán. Khi chưa được chúng nghiệm bằng DNA thì mọi giả thuyết về nhân chủng chỉ có ý nghĩa như lời phán của thày bói sờ voi.
Báo cáo khoa học của hai học giả hàng đầu chứng tỏ sự tụt hậu của Việt học, nền khoa học nhân văn không-di truyền học (non-genetics). Một khoa học nhân văn không có được những kết luận khoa học, tự tin về gốc gác sinh học, cội nguồn và bản sắc văn hóa dân tộc nên dễ bị uốn theo những mục tiêu chính trị thời vụ. Vì vậy không thể dẫn dắt dân tộc đi lên.
Sài Gòn, cuối năm Mậu Tý
1. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008.