Thêm một lần nữa, nhà thơ và công chúng yêu thơ lại về gặp mặt trong Ngày Thơ Việt Nam hằng năm. Rằm tháng Giêng năm nay, đã là lần thứ VII chúng ta cùng chia sẻ với nguồn thơ lai láng của các nhà thơ Việt Nam, những giá trị tinh thần của những dòng sông thơ đã khẳng định làm nên phù sa cho văn hoá, cho lịch sử. Nói như vị hoàng đế, thi sĩ, thiền sư Trần Nhân Tông mà năm qua cả nước dùng danh xưng Phật Hoàng để tưởng niệm 700 năm ngày viên tịch của ông, ấy là “ Vạn sự thuỷ lưu thuỷ- Bách niên tâm ngữ tâm”, muôn việc như nước chảy theo nước, trăm năm riêng lòng nói với lòng, một tâm hồn đã thức nhận đã chứng ngộ, ngoài mọi niềm mong đợi. Chúng ta tự hào về những nhân cách thơ và sự tác động của những nhân cách ấy vào bánh xe lịch sử Viêt Nam, vào cuộc “mở luân xa” cho cơ thể văn hoá Việt Nam, níu giữ ngàn trùng bằng những khoảnh khắc, để tin cậy, để bao dung, để những nghiên bút chân tâm làm tổ cho bông sen trí huệ .
Bảy đêm thơ Nguyên Tiêu lần lượt trong bảy năm từ khi Hội Nhà văn khai sinh Ngày Thơ Việt Nam đến nay, chúng ta luôn được tiếp cận với sự tôn vinh tinh hoa thơ Việt, với những tên tuổi mà tâm thức Tổ quốc và nhân dân đã giành những vị trí trang trọng, như mọi người thường diễn đạt, chiếu ngồi của các thi nhân lớn trong lịch sử đất nước, không ngoài khu đền thiêng của những đấng khai thị, những nhà hiền triết, những bậc hào kiệt. Ở một đẳng cấp nhất định, nhà thơ đồng nghĩa với cụm từ anh hùng văn hoá. Cái ý nghĩa ấy xác lập mối liên quan giữa ngôn ngữ thi ca Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh…với tâm linh, tâm lý, tình cảm của dân tộc, đến cơ vận thăng giáng của lịch sử văn hoá nước nhà.
Chúng ta đã đi qua những năm tháng trọng đại của thế giới phẳng, của tốc độ toàn cầu hoá trong thiên niên kỷ thứ ba, vậy thì cái đáp án nào cho bài toán bản sắc và hội nhập, văn hoá và văn minh, truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế… Đương nhiên, một nền thi ca lớn không hề tách rời những gì mà hiện thực đời sống đang kham, những câu hỏi lớn mà thời đại đặt ra, những trao truyền của ký ức và những mệnh lệnh của sự tiên báo… Trong thế giới văn minh kỹ trị phương Tây, người ta có xu hướng tìm về bí ẩn của văn hoá Đông Phương, những hồi niệm nguyên thuỷ, tâm lý khước từ xã hội tiêu thụ, tìm trong hỗn độn cái hài hoà, một dung thông giữa cơ học lượng tử với bước sóng tâm linh. Thơ ca cũng tiên phong lặng lẽ theo cái cách ngàn năm xác tín của mình với những lốt y phục khác nhau của thời đại, chở che cho một thân phận đầy mẫn cảm dung chứa cả thiên lương, những nộ khí trước bạo lực, những đồng quy của các nguồn mạch về biển cả của nhân ái và công bằng. Những bất công, những dung tục, sự nô dịch và thống trị được tạo ra như những quái thai của những quyền lực bất chính, những mưu mô tranh danh đoạt lợi, những đố kỵ hẹp hòi, những man trá được hoá trang lộng lẫy và tinh xảo trong hiện thực cuộc sống đều đặt ra những thách thức cho con đường cam go hoàn thiện những vẻ đẹp của thơ trong mọi thời đại. Thơ ca có mặt như một nhân chứng của lịch sử và mạch đập của nó hướng về bầu trời chân thiện mỹ, đòi hỏi biết bao ở tài năng, ở nhân cách, ở sự quả cảm và kiên trì, ở dung lượng và tốc độ con đò tư tưởng nghệ thuật của các nhà thơ đương thời. Máu của Ức Trai dù chảy xuống thời gian hơn sáu trăm năm rồi vẫn đỏ là vì như thế. Lệ của Tố Như hơn hai trăm năm rồi vẫn mặn là vì như thế.
Nhiều năm rồi, người ta đã lên tiếng báo động về sự thu hẹp của văn hoá đọc trong biểu đồ tiêu dùng của xã hội, mặt khác, đồng hành với nó là sự lạm phát của thơ. Điều ấy cũng là một trở lực của thời đại bùng nổ thông tin, mặt trái của phương tiện văn minh thực dụng. Ai cũng biết, tạo hoá dường như không hề hào phóng trong việc phân phối tài năng thi ca cho các thời đại, những áng thơ khả dĩ làm thổn thức trái tim cộng đồng luôn luôn là những món quý hiếm trong mâm cỗ đời sống tinh thần và mặt khác, cái cách của thơ đi đến với những tâm hồn đồng điệu cũng xa lạ với cái cách của một món hàng thương mại. Nhưng biết làm sao được, cũng khó ai có thể loại trừ những nét nhẫn tâm trên khuôn mặt phổng phao của cơ chế thị trường.
Dòng sông nào cũng vậy, thác ghềnh vừa là rào cản vừa tạo những ấn tượng, vấn đề lịch sử và cuộc sống đòi hỏi ở thơ là từ một thân phận, bản ngã, bản sắc dân tộc riêng đem đến một chia sẻ vô bờ bến không lệ thuộc vào biên giới của thời gian, của sắc tộc, của tín ngưỡng, của các quốc gia hay châu lục. Điều này bắt buộc nhà thơ phải đi tận cùng cảm xúc và tư duy, sinh thành tác phẩm bằng một nội lực thâm hậu, đủ vóc vạc và tâm hồn cho cuộc hội tụ kết tinh giao lưu và lan toả. Trên đẳng cấp ấy, trên bình diện ấy, trái tim nhà thơ đồng nghĩa với chức năng của một kinh đô văn hoá.
Những cụm từ như “lễ hội văn hoá”, “một mỹ tục mới” để ám chỉ sự buông neo của con thuyền ngày thơ Việt Nam trong đời sống xã hội hôm nay đã tạo cho chúng ta một sự hoà hợp, nâng tầm mối liên hệ giữa giữa thơ và các lĩnh vực đời sống, giữa nhà thơ và công chúng. Rằm Tháng Giêng hằng năm đối với nhà thơ và công chúng yêu thơ đã trở thành cuộc tắm gội dưới trời thơ. Năm nay, cả nước hướng vào Nghìn năm Thăng Long, 50 năm đường Trường Sơn- huyền thoại và chủ điểm Hồ Chí Minh. Ở Bình Định, Ngày thơ còn hướng vào chủ điểm Hoàng đế Quang Trung nhân kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa. Một nén hương dâng lên những hương hồn thi ca Đất Võ Trời Văn , xứ sở của anh hùng dân tộc Quang Trung- Nguyễn Huệ, xứ sở của những văn tài châu tuần dọc các thế kỷ hiên ngang và thâm trầm: Đào Duy Từ, Đào Tấn, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Đào Phan Duân, Hồ Sĩ Tạo, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Yến Lan, Phạm Hổ… Hy vọng những nhà thơ Bình Định đương đại sẽ tạo được dấu ấn của thế hệ mình trong lòng một xứ sở mà sự ngoảnh mặt với những giá trị thơ ca sẽ trở nên lạc điệu.