Xin trích lại nguyên văn bài thơ:
TRÊN SÔNG
Tình cờ ghé tạt bến sông
thương bầy cá nhỏ thở trong khoang thuyền
tôi vui tay vét chút tiền
chuộc bao phận bạc trả miền nước xanh
Cái niềm thú vị mỏng manh
như đùm gốc cỗi bật thành lộc non
đồng lương thơ phú gầy mòn
vẫn mua được sự sống còn bình minh
Người chài lưới kẻ phóng sinh
đều mong thế giới sẽ bình tâm hơn
gửi mông lung tiếng cười giòn
ghe trườn bến rộng xe bon đường dài
NGUYỄN THANH MỪNG
Ba câu thơ đầu là trần thuật, thông báo: thương bầy cá nhỏ thở trong khoang thuyền..., nếu thay chữ thở bằng chử ở thì đâu gợi được sự thoi thóp. Đến câu thứ tư, tác giả đã đổi thủ pháp, dùng hai ẩn dụ tạo thành một tiểu đối: chuộc bao phận bạc/trả miền nước xanh. Giống như một con chim sắp bay, ba câu trên như những bước chạy trên mặt đất để cho câu thứ tư cất cánh.
Chợt nhớ đôi lần đã gặp, ngày mai là rằm tháng Bảy (Âm lịch) thì đêm mười tư, trên bến sông quê khá đông các bà các chị đến sát mí nước dịu dàng thả những con cá chép. Xá tội vong nhân. Con người bao dung, độ lượng với cả những sinh vật bé nhỏ. Có khác chăng? Người ta thả cá chép vì tin vào giáo lý, có chuẩn bị, trước trời đất thần thánh sẽ cầu khấn, còn tác giả Trên sông chỉ là Tình cờ ghé tạt, ngẫu hứng, có phút ngạc nhiên với cả chính mình: như đùm gốc cỗi bật thành lộc non. Cỗi không phải cằn cỗi, gốc cỗi là gốc cây, xưa thường gọi cây là cội là cỗi, Chim lạc bầy thương cây nhớ cội (Ca dao), Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra (Kiều).
Đồng lương thơ phú gầy mòn, một câu thơ chân thực, nhưng lại một lần nữa, lấy chân thực là điểm tựa, tác giả đẩy tới trừu tượng, cõi ảo: vẫn mua được chút sống còn bình minh. Đối lập tàn tạ tăm tối, với cứu sinh, sự sống, phát triển. Không còn đơn thuần câu chữ, các chiều liên tưởng đã được mở rộng, lóe sáng. Có thể coi đây là một diệu cú.
Bốn câu cuối, có phần lý giải: hai ngả đường khác nhau mà vẫn một con đường, hai hành vi trái ngược nhau đó mà chung mục đích. Đọc lại, trong bốn câu thơ đầu có chữ “vui”, bốn câu thơ tiếp theo có chữ “niềm thú vị”, bốn câu cuối bài thơ có “tiếng cười giòn”. Thơ bộc lộ tính cách. Chan hòa, nhân ái. Phải chăng là một tiếng cười vui, có phần giễu mình? Người đời thấy cảnh này cũng dễ cho là gàn, gàn nặng. Không gàn mà người ta chài lưới vất vả được chút cá bán lấy tiền sinh sống, mình lại mua để… thả, với “đồng lương thơ phú gầy mòn”, mà muốn thành đấng cứu thế… Nhưng, lúc vào rừng rậm mà không còn nghe thấy tiếng chim, đến bến sông sâu thấy ngư dân tung lưới mắt nhỏ thu về cả những con cá tép bằng hạt bưởi hạt quýt, lại có chỗ nổ mình giết cả trứng cá, mới hiểu cái gàn này cũng là gàn của một thi sĩ minh triết.
Gửi mông lung tiếng cười giòn, nghe tiếng cười trong bài thơ, chợt nhớ đến một tiếng kêu trong thơ cổ, bài Ngôn hoài (Tỏ nỗi cảm hoài) của Dương Không Lộ (thời Lý): Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư (Một tiếng kêu vang, lạnh cả trời). Có khác xưa là tiếng kêu vang của một thiền sư ẩn dật, tiếng kêu lạnh cả trời, cô quạnh, còn nay là tiếng cười giòn, ấm áp, hào sảng của một thi sĩ nhập thế trăn trở!
Không dám nói đến toàn bích, song bài thơ Trên sông của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (Bình Định) đáng ghi vào trong số những bài hay dòng thơ lục bát.