Sư bà Tuệ Nguyên mỉm cười nói với mẹ Vượng: “Tôi chia vui với thím, cháu đã có đủ duyên lành để có điều kiện sống và hành thiện sau này rồi. Con người –điều quan trọng là chọn cho mình một cái nghề đúng đắn…”.
Mẹ Vượng xin phép Sư Bà cho lên chánh điện lễ Phật, rồi vội vàng quay về nhà với niềm vui tràn ngập trong lòng. Vạn vật quanh bà, dưới mắt bà, như được phớt lên một sức sống mới – mới lạ và tươi sáng hơn. Bà vừa lâm râm niệm Phật, vừa quét lại vuông sân, chặt tỉa bớt các cành cây hoa Sứ… Bà muốn ngày nào trở về, Vượng sẽ được sống trong căn nhà cũ ấm áp, sáng sủa, quên đi những tháng năm lận đận lao đao đã qua…
Vượng – con trai út của bà Sáu Minh (bà là người con thứ 6, và Minh là tên của chồng bà), vừa báo tin đã dự lễ tốt nghiệp, đã nhận cấp bằng đại học y khoa loại giỏi – đang chuẩn bị thu xếp mọi thứ để trở về. Vượng đã gọi điện về thị xã cho chị Tuyết cách nay mấy hôm nhờ chị về thăm mẹ báo lại. Tin vui đến bất ngờ với bà trong lúc đang nóng lòng chờ ngày trình luận văn của Vượng, càng khiến bà lật bật, bàng hoàng suốt ngày. Bà cảm thấy mình như trẻ lại, như được tiêm chích bởi một thứ thuốc kích thích nào cho dòng máu như nóng lên, chạy tràn vào cơ thể vốn nguội lạnh bấy lâu.
Còn Vượng, những ngày cuối sắp chia xa với căn gác trọ ọp ẹp, với những con đường quen thuộc từng hàng cây, cột điện dẫn đến trường, với quán cháo huyết – cà phê kho đầu ngõ, với bạn bè đã bao năm sẻ chia từng chút niềm vui nỗi buuồn – và nhất là với Thảo Phương, đã khiến anh vừa bồn chồn nao nức, vừa ngậm ngùi tiếc thương. Nhìn lại cái dĩ vãng sáu năm vừa mới trôi qua mờ nhạt ẩn hiện như một giấc mơ. Vượng không ngớt băn khoăn, xao động. Thời gian thì đã lướt qua, nhưng dư vị của của nó vẫn còn bảng lãng đâu đây. Như màn sương mỏng bao trùm lên tâm hồn trí óc của anh; có lúc làm anh như ngơ ngẩn, im lặng. Chưa đến thì ước mong, nhưng đến rồi thì lại ngần ngại.
Chiều hôm qua khi mọi việc đã tạm ổn ; Vượng có ý định đến nhà Thảo Phương thăm nàng, cũng để nói lời tạm biệt. Anh muốn biết thái độ Thảo Phương lần gặp cuối này để quyết định … nhưng do dự mãi, chưa thực hiện được. Anh lại nghĩ sẽ viết thư cho Thảo Phương thay cho lần gặp, như vậy sẽ nói được nhiều điều mà có thể lúc gặp nhau anh sẽ không thể nói được. Nơi phòng khách sang trọng, kiểu cách ở nhà Thảo Phương sẽ không phải là chỗ anh giải bày nỗi lòng, tình yêu… Nhiều lần Vượng đã cảm thấy ngỡ ngàng, lạc lõng khi ngồi vào chiếc ghế salon nệm mouse to tướng như lọt thỏm vào một nơi xa lạ. Chông chênh. Hai ngày qua, anh thường ngồi yên lặng trên căn gác trống trơn để nhẩn nha nhớ lại quá khứ. Quá khứ, dầu vui hay buồn – cũng được coi như vốn liếng để dành, cho những lúc trống trải như lúc này …
Sau hai lần thi đậu vào trường Y bị từ chối không cho cắt hộ khẩu, Vượng đã nản lòng, xuống thị xã ở với chị Tuyết; có ý định đi học một nghề nào đó; kiếm sống qua ngày. Trong lúc lênh đênh chưa biết sẽ làm gì cho hết ngày tháng, thì người anh rể giới thiệu cho Vượng một nơi dạy kèm tại nhà cho hai cô con gái con ông Giám đốc – cũng là thủ trưởng của hai vợ chồng anh.
Vậy là các buổi tối và cả ngày chủ nhật được lấp đầy khoảng trống nhạt nhẽo lêu bêu! Anh chăm chỉ dạy cho hai cô con gái ông Giám đốc – một đang học 11 và cô út đang học lớp 9; không để ý đến giờ giấc. Có hôm, cô út nhắc giờ nghỉ – có hôm cô chị vừa học vừa che miệng ngáp! Sau cùng, ông Giám đốc phải ân cần vỗ vai Vượng: “Cháu dạy chú ý cho em nó nghỉ giải lao nhé! Cứ đúng giờ là tốt rồi…”
Lần thứ ba – Vượng lại thi đậu vào trường Y, và lần này – đã “đủ duyên” cho anh cắt hộ khẩu nhập học! Cửa ải thứ nhất đã lọt qua, nhưng còn biết bao “cửa ải” khác đang chờ đón cậu sinh viên nghèo, phải xa nhà vào tận miền đất xa lạ và giàu sang để theo học trong quãng thời gian dài… Ra đi với một ít tiền trong phong thư của Sư Bà Tuệ Nguyên – (Sư Bà Tuệ Nguyên là chị ruột của cha Vượng), một ít của các chị góp lại. Vượng đã lặn lội xin một chỗ dạy kèm, rồi một chân chạy bàn cho một nhà hàng ở làng nướng đường Cách Mạng Tháng 8, trong suốt 6 năm mới có thể trang trải tạm đủ các khoản chi ngày một dài thêm và tăng cao !
Bây giờ, Vượng đang sắp sửa chia tay với bao nỗi nhọc nhằn cũ, để bước sang một khúc quanh mới của cuộc đời- nhưng anh mơ hồ thấy đoạn đường phía trước đang đón đợi anh cũng không mấy êm ả, trơn tru. Cảm giác này đã nhen nhuốm trong anh lúc Thảo Phương chủ động đến nhà trọ thăm anh – với gói quà trên tay, gọi là để tiễn anh về quê – trong khi anh chưa viết xong lá thư.
Thảo Phương bước lên gác, cười hồn nhiên : “Anh đã thu xếp mọi thứ xong chưa?”.
-Chưa – Vượng thoáng ngạc nhiên, đáp giọng lơ lửng – có nhiều cái … không thể thu xếp được.
-Vậy anh ở nán lại vài hôm nữa … Thảo Phương đề nghị, đến ngồi trên chiếc divan đối diện Vượng – nhìn anh cười trong trẻo.
-Có ở nán lại vài tháng chưa chắc gì đã xong. – Giọng Vượng buồn buồn.
-Việc gì mà rắc rối dữ vậy, anh ? – nàng bật cười khanh khách.
Vượng rất muốn nói “Việc của em đấy, sao em thờ ơ đến vậy?” nhưng nghĩ sao – anh chỉ thoáng cười: “Chuyện tình cảm ấy mà…” – “ Lại phải lòng cô con gái bà chủ nhà rồi chứ gì?” – Thảo Phương lại cười – “Khổ nổi là không phải vậy…”.
-Là một ông bác sĩ đẹp trai, hiền lành, hoạt bát … như anh thì có khối cô mê – còn buồn gì?
Vượng lại muốn nói “Vậy mà có một người không yêu anh, có phải vậy không? Là em đấy, Thảo Phương ạ!” nhưng anh đã nói lãng sang chuyện gói quà đang nằm im lìm trên bàn : “Anh xin cám ơn em… anh không dám nhận quà của em đâu”.
-“Anh chê quà của em sao?” Giọng nàng có vẻ hờn lẩy, trách móc bất chợt.
-Anh không bao giờ chê những gì thuộc về em, nhưng anh sợ… - Vượng đứng dậy, quay nhìn ra khung cửa sổ nhỏ – chùm nắng chiều vàng vọt đang đậu chếch một góc phòng. – “Anh sợ gì?” – Thảo Phương thẩn thờ đứng dậy – “Anh sợ anh không xứng đáng với gia đình em, với tình cảm của em Thảo Phương à!”.
Trở về quê – Vượng có cảm giác như được tách rời hẳn cuộc sống cũ – cuộc sống quay đều, vội vã theo một thời khóa biểu nhàm chán mà không có thời gian để nhận biết sự nhàm chán khi mặt trời vừa ló dạng. Mấy hôm đầu, anh cảm thấy lơ ngơ trống trải lạ. Những thói quen của cái “thời khóa biểu” cũ đã tuân thủ nghiêm ngặt bao năm vẫn còn nhắc nhở trong tiềm thức chưa chịu rời xa. Về quê – thời gian như quay chậm lại, không gian như nhẹ nhàng lướt qua – đến nỗi Vượng không còn chú ý đến giờ giấc nữa: Đó là cái cảm giác lâng lâng hạnh phúc được sống ở quê nhà với mẹ…
Sau vài lần lui tới các bệnh viện, Sở Y tế để xin việc, Vượng nghĩ tới đề nghị của Thảo Phương “… hay về thăm nhà rồi anh vào lại Saigon xin việc nhé!” – cảm thấy băn khoăn. Xin việc ở huyện, ở tỉnh lẻ đã khó – vào Saigon làm sao mà “chen chân” vào được khi mình đơn thương độc mã. Một giáo một ngựa có lẽ sẽ sớm quỵ ngã trước xe pháo rầm rộ?. Lý do chắc chắn mà anh không thể bỏ qua được là cái ước mơ thuở hàn vi thi cử lận đận là sẽ được sống ở quê với mẹ. Quê nhà, nó như một sợi chỉ vô hình nhưng bền chắc – khó có thể cắt đứt đi được. Hơn thế, lời của cha anh khi mất trăn trối được mẹ nhắc lại; lời của Sư Bà Tuệ Nguyên; lời của Diễm mới hôm qua đây – như một sức mạnh kìm giữ anh ở lại.
Cuối cùng rồi Vượng cũng đã được ông Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện đồng ý thu nhận nhưng với điều kiện sẽ phục vụ tại Trạm Y tế xã. Anh cũng đã vui vẻ nhận lời vì biết rằng, với mảnh bằng loại giỏi – ân huệ như thế là cũng khá lắm. Vượng chỉ có một yêu cầu là sẽ được làm Trưởng Trạm Y tế nơi xã quê của anh. Ông Giám đốc vui vẻ gật gù : “Tôi thỏa mãn cho anh, ở xã Nhơn Phúc vẫn còn thiếu…”.
Lại nói về Diễm – cô học trò lớp 11 năm xưa con gái ông Giám đốc, nay đã là một cô giáo cấp 3- dạy Anh Văn. Nghe tin Vượng đã ra trường, trở về quê, Diễm đã cùng chị Tuyết đến thăm anh. Ban đầu, nghe chị Tuyết rủ, Diễm do dự: Mình đến thăm anh ấy trước, hóa ra là mình đã bày tỏ tình cảm yêu thương với anh ấy rồi hay sao? Không được. Con gái – lại là cô giáo kia mà, phải kín đáo. Dù là sống trong thế kỷ nào, thời đại nào – người con gái không còn nét e thẹn, kín đáo, thâm trầm – thì sẽ không còn bản chất cao quý hồn nhiên trời ban cho nữa… Nghĩ vậy, nhưng khi nghe chị Tuyết nại ra lý do “thầy xưa, trò cũ” – tình cảm ấy cũng cần được trân trọng, cho dù “Thầy Vượng” chỉ dạy thêm cho Diễm trong một năm. Ông bàø mình cũng đã bảo “Nhất tự vi Sư, bán tự vi Sư” đó sao ? Nghe chị Tuyết nói, Diễm thấy cũng có lý. Có sức thuyết phục. Và nàng đã ngồi lên sau xe của chị Tuyết. Xe chạy…
Gặp lại Diễm, Vượng hơi bối rối, có lẽ vì cô bé học trò ngày nào nay phổng phao xinh đẹp, cũng có lẽ do sự có mặt đột ngột của Diễm ở nhà anh – và sau cùng, có lẽ vì tình cảm thương mến cũ dành cho cô học trò ngoan hiền đã trở lại sôi nổi trong lòng …
Tuy vậy, phút ban đầu ngỡ ngàng gặp lại nhau của cả hai đã sớm tan biến, dành cho cuộc chuyện trò rộn rã đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Cả hai chưa dám đụng tới tình cảm riêng của mỗi người, có lẽ đều muốn để cho thời gian đưa đẩy. Nhìn thấy Vượng và Diễm gần gũi, thân thiết, cùng dạo chơi trong vườn – bà Sáu Minh rất vui lòng. Trong thâm tâm, bà muốn cho con được vui, có đôi lứa hạnh phúc, và sau cùng bà được ẵm bồng cháu nội trước khi nhắm mắt. Ông Minh chỉ được nhìn thấy ngày vu quy của Tuyết, chưa được ẵm bồng cháu ngoại. Ngày Mai có chồng chỉ còn một mình bà bơ vơ ngồi trong bàn họ. Bà cảm thấy tủi thân và thương con. Nay Vượng đã trưởng thành. Ước mơ sau cùng của bà là được nhìn thấy nó có đôi có bạn… Lời trăn trối của ông Minh, bà chỉ mới thực hiện được một nửa!
Trạm Y tế nơi Vượng làm việc có ba nhân viên: Hai cô y tá và một hộ sinh. Thông thường, theo lịch quy định, anh chỉ đến khám chữa bệnh trong buổi sáng – buổi chiều chỉ có y tá trực. Tuy vậy, anh luôn có mặt đủ hai buổi – nhất là khi có bệnh nhân nằm lại trạm cần theo dõi. Anh không bao giờ quên năm mẹ anh bị nhiễm độc gan, người phát sốt cao – được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Bà được đưa vào nằm chờ ở tầng hai sau khi được khám qua loa. Cả hai giờ sau, cũng chẳng thấy ai lui tới hỏi han gì mà người bà cứ giật lên vì sốt. Vượng phải chạy đi báo với bác sĩ. Vị bác sĩ nhìn anh giây lâu, hỏi: “Bệnh bà ấy nặng lắm, có đủ tiền không?” – “Thưa, đủ!” – anh trả lời, tuy biết số tiền ít ỏi còn trong túi sẽ không đáp ứng được cho lòng tham của ông. Vượng gọi ngay cho vợ chồng chị Tuyết, chị Mai – lúc ấy bà mới được cấp cứu – vừa xoa đá, vừa truyền dịch … Anh nghĩ thầm, chín điều di huấn của Y tổ Hải Thượng Lãn Ông có lẽ đã dần dần bị quên lãng. Tám “tội” cần tránh của người thầy thuốc cũng đã được Ngài dạy rõ rành rành mà có ai chịu nhớ đâu?. Tội thứ Tám – Tội thất đức: “Khi thấy kẻ mồ côi, góa bụa, người hiền, con hiếm mà nghèo đói, ốm đau thì cho là chữa mất công, vô ích, không chịu chạy chữa hết lòng…” Từ đó, anh mới hiểu được câu nói sâu sắc của người xưa : “Làm nghề y , suy ba đời” là một kinh nghiệm được lưu truyền quý báu!
Chưa đầy một năm về làm Trưởng Trạm Y tế Nhơn Phúc, Vượng đã là người thân của cả xã: Các ngày giỗ, cúng tất, ăn nhà mới – tất cả đều nằng nặc mời anh đến. Thậm chí, những dịp cưới hỏi của con cháu, họ cũng vừa gởi thiệp mời, vừa mang ve rượu đến nhờ anh có mặt trong bàn họ. Những lúc vậy, Vượng cảm thấy khó từ chối, dù lý do của anh thật chính đáng. Làm sao mà khướt từ một tấm chân tình ?
Một buổi sáng anh đến Trạm sớm hơn mọi ngày gặp người bưu tá xã ngay ở cổng. Nhìn thấy Vượng, ông vội vã reo lên : “Bác sĩ, bác sĩ có thư …” – “Thư của ai?” – anh cười cười, hỏi. “Của ai thì bác sĩ biết chứ tui làm sao mà biết?” – gã mở túi xách chứa đầy ắp văn thư, lôi ra một phong thư lớn: “Đây này, của cô… của cô…”.
Thư của Thảo Phương. Hơn ba tháng qua, không có thư cho anh. Thư của Thảo Phương ngày càng thưa dần, tỷ lệ thuận với thời gian. Nghĩa là thời gian tháng năm càng lùi xa, thì dáng nàng càng mờ nhạt. Tình cảm cũng phôi pha. Vượng thường nghĩ – có phải câu “xa mặt, cách lòng” có thể đúng cho nàng? Sự vắng thư dần của bạn bè cho anh, anh có thể hiểu rõ – nhưng với Thảo Phương thì sao? Số bạn bè “trụ” lại ở Saigon thì dính mắc vào các thói quen, và luôn ràng buộc bởi những cái hẹn làm cho họ không có cái khoảng trống, khoảng lặng để nhớ nhau. Còn số đông tản mác về quê cô thế như anh – cõ lẽ cũng đang chật vật, vất vả kiếm tìm một chỗ làm. Tháng trước, Đệ bảo đã đồng ý làm cho bệnh viện tỉnh hai năm không lương để chờ một xuất về hưu của vị bác sĩ từ miền Bắc vào. Quế cũng thế. Tốt nghiệp loại giỏi như anh, nhờ cậy hết phương, mới được vào phục vụ không lương ở bệnh viện Chợ Rẫy. Học hành cam khổ là thế, mà cuộc đời cứ mãi khép kín? Nghe Vượng tâm sự, than thở về cuộc tình với Thảo Phương có thư Thanh đã nổi quạu : “… Mày hãy dẹp bỏ bớt cái tính lý tưởng, mơ mộng đi – rồi mày sẽ thấy rõ được nhiều thứ” – Dep bỏ ? Dẹp bỏ cá tính của một con người đâu phải dễ … Nó giống như chùm rễ của một thân cây – cắt rễ đi, còn lại là một thân cây chết! Có bao nhiêu “thân cây chết” ấy đang múa may làm trò trong đời sống nhỉ?
Thư Thảo Phương không đem lại cho Vượng một niềm vui nào mà lại làm cho anh khó xử: “… Em theo đoàn tham quan có ghé lại thành phố Quy Nhơn một ngày – anh về Quy Nhơn gọi điện cho em số 09087712…vào sáng ngày 29 tháng này nhé! Em mong gặp lại anh …” – “Đi tham quan ghé lại, đâu phải đi thăm mình nhỉ?” – Vượng cười nói bâng quơ một mình – gấp phong thư nhét vào túi áo, bước vào phòng làm việc đang có bệnh nhân ngồi chờ…
Qua hàng rào hoa lài được cắt tỉa thấp, thẳng tắp, gọn gàng – Vượng ngạc nhiên thấy mẹ đang đi đến cổng nhà. Anh bỏ vội quyển sách “Ngọc Sáng Trong Hoa Sen” của John Blofeld do Diệu Huệ vừa mang đến cho mượn lên kệ sách.
-Sao mẹ về sớm vậy? – Vượng đứng dậy đón bà vào nhà – mẹ ở chơi với các cháu vài hôm cũng được, con ăn cơm bên Sư Bà kia mà!
Bà Sáu Minh ngồi chắc chắn vào chiếc ghế dựa – giọng mệt mỏi: “Buổi sáng ở đằng con Mai, chiều sang nhà con Tuyết định bụng sẽ ở chơi với mấy đứa nhỏ vài hôm nhưng …”. Bà bỏ lửng câu nói, thở dài thườn thượt. Mặt đăm chiêu buồn.
-Nhưng sao hả mẹ? Vượng lo lắng.
Bà liếc nhìn Vượng – cái nhìn vừa thương hại con, vừa tủi thân mình.
-Nhưng con Tuyết đón mẹ ở cửa, có ý không cho mẹ vào …
- Sao lại thế ?
-Có sao đâu? – Bà gượng cười – Vì có bà mẹ con Diễm đang sang chơi ở trên lầu …
Bà kể : “Nó muốn mẹ đi đâu đó chơi, đợi mẹ con Diễm ra về, rồi hãy đến… Mẹ buồn vì có biết nơi nào đâu mà đi, chi bằng lên bến xe đi về nhà mình!”.
Vượng nín lặng.
Bước vội ra sân …
Nắng chiều vàng úa trên bờ rào hoa lài lốm đốm trắng. Hương lài thoang thoảng quanh sân. Vượng nhớ lại cảm giác lúc đến nhà thăm lại Diễm lần đầu đối diện mẹ Diễm với bao câu hỏi bao lời mời mọc khách sáo – anh không tìm được chút ấm áp thân tình nào. “Bà ấy đỏm dáng, kênh kiệu và khó tính” – Vượng đã thầm nghĩ vậy. Hôm nay chị Tuyết lại không đồng ý đón mẹ chỉ vì sự hiện diện của bà, phải chăng chị ta đã biết rõ hơn anh về cá tính của bà? Chị không cho mẹ gặp mặt bà để che đậy sự nghèo khó, thua thiệt của mẹ mình? . Nếu quả vậy thì chị đã lầm. Quá lầm. Lỗi lầm lớn nhất đầu tiên là chị đã tự khinh thường mẹ mình, gia đình mình… Chị đâu có biết sự che đậy, dối trá đâu có thể sống được lâu dài trong tình yêu ?
Vượng chẳng hề trách gì mẹ của Diễm vì trước mắt bà, quanh bà, toàn là hạng người cầu lợi hám của, nhưng chỉ thương Diễm phải bị bà rầy rà lúc có anh đến thăm. Diễm yếu đuối, không thể vượt thoát ra khỏi được sự che chắn lo toan quá kỹ của mẹ. Có lần, hẹn gặp nhau ở Café Cây Phượng, Diễm đã khóc sướt mướt. Những giọt nước mắt ấy đã cho Vượng nhận ra rõ hơn sự mềm yếu và bất lực của nàng trước vòng giam hãm của mẹ. Có lẽ nàng đang trông chờ ở anh một sức mạnh nào đó để đưa nàng ra khỏi vùng sương mù dày đặt của thứ tình thương vị kỷ, lạc hậu của mẹ; nhưng ngoài tình yêu thương nàng, anh còn có thứ gì để chống đỡ nữa đâu? Vượng cảm thấy quanh mình bức tường ngăn cách đã được dựng lên từ bao thế kỷ nay vẫn kiên cố, tuy đã được sự sơn phết lên bao lớp màu sắc quái gỡ! Sức mạnh của quyền lực và tiền bạc luôn chế ngự con người từ ngàn năm nay rồi cơ mà! Vượng cảm thấy mình bất lực trước những giọt nước mắt khổ đau của Diễm – Thầm nghĩ : “Chẳng lẽ tình yêu nào rồi cũng được kết thúc bằng những dòng nước mắt hay sao?”.
Vượng tự ý hạn chế dần các cuộc gặp gỡ, viết thư cho Diễm; dành thời gian đọc sách về Thiền tông do Sư cô Diệu Huệ cho mượn. Đôi lúc có cuốn sách nào mới, hay, về triết lý Đạo Phật, Diệu Huệ cũng đích thân mang sang nhà cho anh. Gọi là “Sư Cô” vì Vượng nhìn thấy Diệu Huệ mặc áo nhật bình màu xám, tụng kinh gõ mõ thường xuyên, lại ăn chay ở chùa nên tự anh nghĩ ra cách gọi ấy, chứ Diệu Huệ chưa được xuống tóc (chỉ cắt gọn ngắn lại thôi). Diệu Huệ có học, sáng trí, hoạt bát – nhất là rất dễ thương, nên được Sư Bà Tuệ Nguyên cho gần gũi bên bà để giúp việc khi cần – Diệu Huệ đang làm công việc của một thị giả.
Lần đầu tiên đến vấn an Sư Bà khi từ Saigon trở về – Vượng đã có dịp gặp Diệu Huệ đứng cạnh Sư Bà, hầu nước. Cảm giác ban đầu của anh nghĩ về Diệu Huệ là khuôn mặt ấy không bao giờ biết buồn là gì. Khuôn mặt thon bầu tươi hồng, đôi mắt tròn đen, nhất là chiếc miệng với đôi môi như được bôi phớt lên chút son luôn mỉm cười. Nếu Diệu Huệ không cười, nhìn vào đôi môi ấy, nét mặt ấy – Vượng luôn cảm thấy như nàng đang chớm cười. Như một đóa hồng đang nở. Luôn luôn tươi tắn, hồn nhiên – xinh đẹp. Anh thầm nghĩ, chỉ có người có một tâm hồn trong sáng, thánh thiện – mọi suy tính ưu phiền đều đã được gạn bỏ, mới có được một khuôn mặt an vui, gợi cảm như thế.
Sau này – ngoài thời gian đọc sách, Vượng rất thường sang thăm Sư Bà Tuệ Nguyên. Anh thường đi ngõ tắt – hàng rào chắn ngang ranh giới khu chùa với nhà Vượng, được cắt bớt một đoạn nhỏ do gợi ý xin phép của mẹ anh, từ ngày Vượng xa nhà đi học. Tiếng đọc kinh, tiếng chuông mõ sớm chiều vang vọng sang nhà anh, nghe rõ từng lời. Mẹ anh bảo, đã nhờ âm thanh ấy- bà mới an vui sống được bấy lâu. Hôm nào vắng đi một buổi, bà lại cảm thấy bồn chồn, lo lắng chạy sang chùa … Còn Vượng, anh sang chùa, vào hầu chuyện với Sư Bà bắt đầu từ nỗi trống vắng, từ những nỗi buồn không tên. Gặp Sư Bà, anh có thể tìm lại đôi nét thân thương của cha – tưởng tượng ra thuở hai chị em cùng sống chung trong một nhà. Và sau cùng – với tư cách là người cô ruột, Sư Bà đã giúp Vượng tự mình vượt qua được những phiền muộn đã đẩy anh vào ngõ cụt.
Sang thăm Sư Bà, gặp bữa, anh cũng đã tự nhiên ngồi ăn chung – chuyện trò rôm rả như ở nhà mình. Như một đứa cháu nhỏ ngoan ngoãn.
Sư Bà nhắc :
-Ăn cơm đi chứ – cháu ?
Tiếng Diệu Huệ vọng lại từ bên kia sân cát nối liền với khu nhà bếp:
-Anh Vượng không ăn cơm chay được đâu bà! – Tiếp theo là tiếng cười dòn, trong trẻo.
-Cô Huệ lầm rồi! – Vượng cười lớn, thời còn là sinh viên, tôi đã từng “ăn chay” nhiều rồi… Đã đến các ngôi chùa ở Saigon mà ăn nữa đấy!
Sư Bà chậm rãi, từ tốn – giải thích:
-Không biết cháu sang nên cô không bảo Diệu Huệ làm thêm chút thức ăn…
-Cô ăn được cả đời, cháu ăn không được vài tháng hay sao? – Giọng Vượng chân thành.
Vượng áy náy hỏi “Tại sao Diệu Huệ chưa xuống tóc như các cô chú trong chùa, thưa cô?”.
Sư Bà không trả lời Vượng, mà kể về Diệu Huệ cho anh nghe. Ngoài các chi tiết anh đã được mẹ và các cô chú cho biết về Diệu Huệ (cha mất rất sớm lúc nàng vừa lên chín, mẹ tái giá, người dượng say sưa cộc cằn, bị mẹ ruồng bỏ…) – Sư Bà còn cho anh biết thêm về cuộc tình dang dở của Diệu Huệ cách nay hai năm: Người bạn trai lặng lẽ xa nàng – cưới vợ nhà giàu, đã cùng nhau về thành phố sống…
Sư Bà tự tay rót hai tách trà – giọng bình thản : “Xuất gia không phải vì thất vọng, vì trốn nợ đời; mà người được làm Trưởng tử Phật phải là người yêu thương đời, là người có nhiều khát vọng cho bản thân mình và cho mọi người – cháu à!”.
Lời giảng giải của Sư Bà gián tiếp cho Vượng hiểu rõ thêm về trường hợp của Diệu Huệ – nàng chưa đủ duyên để cạo bỏ mái tóc xuân thì truân chuyên để thảnh thơi cùng kinh kệ. Điều khiến Vượng ngạc nhiên nằm ở khuôn mặt Diệu Huệ. Với nét mặt hồn nhiên, tươi tắn ấy tưởng không bao giờ biết tới muộn phiền khổ đau là gì, sao lại có cuộc đời bất hạnh là vậy? Cuộc đời đã dày vò tất cả hay sao?
Vựơng tìm dịp gần gũi Diệu Huệ hơn, có lần cố tình “gây sự” với nàng để xem gương mặt ấy có biết sân giận hay không. Một hôm, được Sư Bà bảo mang sang cho Vượng một dĩa trái xây – Vượng đưa Diệu Huệ ra tận ngõ – anh cười cười : “Này Diệu Huệ, tôi nghe có người nói cô đi tu vì … thất tình – có đúng vậy không?”. Diệu Huệ thoáng ngạc nhiên (đôi mắt nàng bảo thế) nhưng chiếc miệng đã bật lên cười: “Anh không còn chuyện nào đáng quan tâm hơn nữa sao?”.
-Không – Vượng đáp gọn, đôi mắt nhìn chăm chăm lên khuôn mặt tươi hồng của Diệu Huệ.
-Thế thì tôi nói nhé- Đúng như vậy – nàng lại che miệng cười – vừa lòng chưa, ông bác sĩ?
Diệu Huệ bước đi như chạy “Tôi về kẻo Sư Bà có việc cần gọi…”.
Sau hôm ấy, Vượng đã thử viết thư cho Diệu Huệ. Thư gởi đi đến ba lần, nhưng Sư vãi già cũng cứ vẫn nhìn anh cười cười. Còn Diệu Huệ, vẫn cứ tỉnh bơ thản nhiên sang nhà gặp anh – Khi thì đổi cho anh cuốn sách, lúc thì mời anh sang dùng cơm với Sư Bà nhân ngày cúng giỗ… Vượng tìm đủ mọi cơ hội để dò xét ý nghĩ của nàng, nhưng trên gương mặt luôn tươi mát ấy, trong đôi mắt mở to lay láy ấy không hiện ra một nét gì khác biệt ngày thường. Càng mong mỏi tìm hiểu Diệu Huệ – Vượng càng nhận rõ trong anh một điều : “Mình đã yêu nàng thật rồi sao ?”.
Qua Sư Bà, Diệu Huệ biết được Vượng sắp được chuyển về công tác ở Bệnh viện Đa khoa thị xã. Sư Bà mỉm cười! “Nó lưỡng lự không muốn đi – đó là ý muốn của vợ chồng con Tuyết…” –
Từ ngày ngành bưu điện phát triển độc quyền thu về lợi nhuận cao, gia đình Tuyết có nhiều thay đổi rõ rệt: Nhà cửa tiện nghi sáng láng hơn, các kiểu áo quần model hơn, nhất là chiếc Dream mới toanh vừa được khui ra từ trong thùng bằng tiền thưởng của hai vợ chồng…
Diệu Huệ tự dưng cảm thấy lơ lửng, như vừa để rơi mất một vật gì quý báu từ lúc Sư Bà cho biết Vượng sắp ra đi. Nàng cảm thấy hụt hẫng, xao xuyến trong từng nhịp đập hơi thở lúc ngồi thiền – “Nên gặp anh ấy hỏi lại cho rõ…” – nàng tự nhủ.
Sau thời kinh buổi sớm, Diệu Huệ xin phép Sư Bà sang nhà bàu Sáu Minh gặp Vượng để l;ấy lại mấy cuốn sách. Lần đầu tiên Diệu Huệ đi theo ngõ tắt- gỡ tấm phên tre che chắn lối qua – bước nhẹ nhàng đến ô cửa sổ nơi phòng Vượng. Trời còn mờ mờ tối – khu nhà yên tĩnh như đang mơ ngủ.
-Diệu Huệ đấy à? – Tiếng Vượng vọng lại từ tản đá nhỏ làm kệ ngồi dưới gốc cây nhãn.
-Em … anh dậy sớm thế sao! – Diệu Huệ quay lại phía Vượng.
-Tôi thường thức dậy theo tiếng đọc kinh của Diệu Huệ – Vượng lững thững bước lại gần nàng.
-Có việc gì mà em sang sớm vậy?
-Em có cái này gởi cho anh – Diệu Huệ dừng lại một phút – nhưng anh phải hứa với em một điều …
-Dĩ nhiên, anh hứa …
-Anh chỉ được mở thư ra lúc anh đã về làm việc ở thị xã – Diệu Huệ nghiêm giọng – Anh nhớ không?
-Nhớ rồi! – Em cứ yên tâm, anh đã hứa là sẽ làm – Vượng thoáng cười.
Diệu Huệ trao cho Vượng một phong thư mà bì thư là phong bì cũ của Vượng đã gởi cho nàng trước đây. Anh đỡ lấy, xếp đôi lại, bỏ vào túi áo Pyjamas. Diệu Huệ chớm quay đi – Vượng đã kịp lên tiếng: “Nhưng nếu anh không chịu về thị xã thị sao?”.
-Anh đã chẳng nói với Sư Bà….
-Đó là dự định của vợ chồng chị Tuyết – Tiếng Vượng nhỏ lại – chị ấy có ý muốn lo cho anh về…
-Còn ý anh thì sao ?
-Dĩ nhiên là anh chỉ muốn sống ở quê với mẹ cho đến khi …
Bất ngờ, Diệu Huệ chồm đến, thòng tay vào túi áo Vượng định rút lại phong thư – nhưng Vượng đã kịp giữ tay nàng lại. Anh kéo nàng vào lòng, ôm lấy hai bờ vai thon thả của nàng – trong lúc Diệu Huệ úp mặt vào ngực anh – nức nở khóc…
Hai người vẫn đứng yên.
Tiếng chim chuyền cành buổi sớm thỉnh thoảng vọng lại chỗ hai người như những tiếng cười trong trẻo. Tiếng chim quen thuộc đã bao lần anh đã nghe – nhưng sao lúc này anh bỗng thấy trong tiếng chim ríu rít réo gọi ấm áp kia đã làm cho lòng mình rộn rã niềm vui…
Tháng 6.1997