Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
711
123.238.968
 
Nanh sấu.
Sương Nguyệt Minh

Người ta bảo đạo diễn Lê Mãnh là một người tài ba, đức độ. Bằng chứng là dưới bàn tay ông cả chục diễn viên trở thành những gương mặt sáng giá. Không hiểu vì lí do gì, trong số những cô gái đẹp ấy, có nàng còn tiếp tục lên màn ảnh đều đều, lại có nàng chỉ xuất hiện một lần rồi thôi hẳn.

 

Lê Mãnh có cái thú ăn thịt thỏ rán và uống rượu sâm panh từ hồi ông còn ở nước ngoài học đạo diễn. Chuồng thỏ đặt ở góc sân. Những chú thỏ trắng ngơ ngác mua về ông chỉ nuôi thêm vài ngày trong lồng sắt rồi thịt. Lê Mãnh coi thú ăn đó như một kiểu chơi, nên nhiều con thỏ non đã bị ông thịt, ông" măm "một cách không thương tiếc.

 

Lê Mãnh đã trải qua vài ba cuộc tình tưởng như sắp cưới đến nơi. Nhưng có thể người ta bỏ ông, hoặc ông bỏ người ta. Đã năm  mươi tuổi, ông vẫn sống độc thân trong căn nhà ba tầng, đầy đủ tiện nghi đắt tiền. Nhà ông có mảnh sân đặt cây cảnh thường là nơi bạn bè, đồng nghiệp đến giao du. Tầng một ông để tiếp khách, tầng hai vừa là nơi làm việc vừa là nơi ngủ: cũng là nơi dành riêng để ông tiếp một số cô gái trẻ đẹp thường lui tới. Còn tầng ba ông đặt bàn bi a để thư giãn.

 

Lê Mãnh đang chuẩn bị làm một bộ phim về đề tài chiến tranh. Ông và đồng nghiệp đã mất khá nhiều công phu đi tìm diễn viên phù hợp với kịch bản và ý đồ sáng tạo của ông, nhưng vẫn chưa tìm ra. Băn khoăn vì những ý định chưa thực hiện, Lê Mãnh ngả người xuống đivăng thả hồn vào tâm tưởng.

- Cạch... cạch...cạch.

- Mời vào!

 

Lê Mãnh ngồi ngửa mặt lên trần nhà rít thuốc ba số. Ông trầm tư thả những vòng khói tròn tròn bay lên, rồi tan biến vào không trung.

 

Trần Lâm, trợ lý đạo diễn bước vào. Bên cạnh anh ta là một cô gái trẻ non tươi như một con thỏ bạch. Lê Mãnh giật mình trước vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ, hoang dã như bông hoa đồng nội của cô bé. Trần Lâm đến sát bên Lê Mãnh nói nhỏ vào tai ông: “Thưa anh! Cô gái này rất hợp với vai Hà trong bộ phim của anh. Một cô gái quê thứ thiệt, sắp tốt nghiệp đại học, đang học thêm khoá đào tạo diễn viên điện ảnh của nhà văn hoá thành phố.” Hắn quay sang cô gái: “Giang ở lại đây nói chuyện với đạo diễn Lê Mãnh.” Hắn lại ghé sát vào tai Giang: “Đây là cơ hội để em có tiền và nổi tiếng đó. Hãy cố gắng và phải biết vâng lời nghe em.”

 

Trần Lâm đi ra, cánh cửa phòng khép lại. Giang ngồi nem nép vào góc đivăng. Căn phòng sang trọng quá. Bất giác, Giang nhớ về xóm nhỏ bên dòng sông Vàm Tàu và người mẹ nghèo khó bị bệnh, cô vừa đưa từ quê lên thành phố đang nằm viện.

 

Lê Mãnh vẫn ngồi nhâm nhi ly rượu sâm panh. Ông mở to mắt nhìn thẳng vào mắt Giang. Cô bắt gặp cái nhìn của ông đạo diễn. Cái nhìn có ánh sáng ma quái làm Giang cụp mắt xuống không dám nhìn lại. Giang có cảm tưởng mình là con thỏ non đang mắc trong hàm cá sấu. Cô dúm dó, sơ sệt. Lê Mãnh chợt cười khe khẽ:"Tôi biết cô chưa hề đóng phim, nhưng tôi sẽ giúp, hi vọng cô sẽ thành công". Giọng Lê Mãnh có vẻ thân mật, quyến rũ, phá tan bầu không khí im lặng trong phòng. Giang mạnh dạn hẳn lên: "Dạ! Cháu xin chú dạy bảo". Lê Mãnh bật cười. Ông nhìn mớ tóc xoăn xoăn xoà trên vầng trán hơi rộng và cái mũi cao thật đáng yêu của Giang: "Cô thấy tôi già lắm sao?". Giang rụt rè trả lời: "Không! Thưa anh...". Ông đạo diễn đứng dậy, bảo: "Giang yên tâm! Đại loại công việc thế này..."

 

Giang bị chinh phục ngay bởi giọng điệu ông đạo diễn nói về nhân vật trong phim  mà cô sắp đóng. Giọng ông Lê Mãnh lúc chùng xuống rồi đột ngột vút lên, lúc sang sảng lúc da diết, bâng khuâng. Trước mắt Giang là dòng sông hiện ra và cô gái mòn mỏi chờ người yêu. Rồi ngày chiến thắng, chàng trai đã có vợ. Cô gái thấy mình bị phụ bạc. Cô đứng ở nơi ngày trước đã hò hẹn. Cô gái hồi tưởng... nụ hôn... vòng tay...

Ông đạo diễn cắt ngang dòng suy tưởng của Giang: "Cô có điều gì muốn nói không?". Giang chợt bừng tỉnh: "Dạ thưa chú...à... thưa anh! Em hổng có ý kiến gì ạ". Lê Mãnh nói bằng một giọng rất đằm: "Em ngoan lắm. Bản hợp đồng đây, Giang đọc và ký vào. Sau đó gặp chủ nhiệm phim và thủ quỹ tạm ứng trước một nửa tiền cátxê, nửa còn lại sẽ thanh toán khi bộ phim  quay xong".

 

Giang đọc lướt qua. Tay cô run run ký vào bản hợp đồng. Giang tưởng mình đang mơ. Rồi đây cả nước sẽ ngắm nhìn gương mặt cô. Tên tuổi của Giang sẽ nhan nhản trên các tờ báo và tạp chí. Cô không ngờ mình được mời đóng phim mà lại là phim của một đạo diễn nổi tiếng. Giang sung sướng, nước mắt ứa ra. Món tiền cát xê không nhỏ, nó sẽ trang trải mọi khoản cho ca mổ của má cô trong bệnh viện. Chưa lúc nào Giang cần tiền nhất như lúc này. Cô muốn nhanh chóng trở lại bệnh viện mang tin vui về với má. Giang ra về, cô bước đi như trong mộng du. Những chú thỏ trắng trong chuồng thi nhau nhảy nhót như cũng biết niềm vui của Giang.

 

Buổi quay thử đầu tiên khá trọn vẹn. Giang đang ở thời kì đi thư viện lấy tài liệu viết luận văn tốt nghiệp nên công việc đóng phim và chăm sóc mẹ ốm rất thuận lợi. Những người trong đoàn làm phim  khen Giang thủ vai rất thật và có chiều sâu nội tâm nhân vật. Lê Mãnh không khen, ông tỏ ra kiệm lời và dè dặt. Lê Mãnh hé cho Giang biết nếu cô diễn xuất tốt và chịu khó nghe lời đạo diễn, ông sẽ dành cho Giang vai chính trong bộ phim sắp tới mà ông là người viết kịch bản và đạo diễn. Lê Mãnh dặn dò Giang buổi chiều đến nhà ông, ông sẽ dành thời gian phân tích cho Giang hiểu về nội tâm nhân vật và các tiểu tiết hành động để sáng hôm sau quay chính thức. Ngồi trên xe về thành phố, Giang thấy mặt đường sáng hẳn lên, cô mừng và tự tin lắm.

 

Bản sonnê buồn buồn làm cho Lê Mãnh thấy lòng man mác. Ông ngả người trên đi văng thả hồn vào giai điệu dìu dặt, nhè nhẹ. Đã bao nhiêu cô gái đi qua đời ông. Người đến với ông vì tiền, vì danh vọng của sự nổi tiếng, kẻ đến với ông như một sự thể nghiệm, tò mò. Nhiều lúc Lê Mãnh thầm cảm ơn cuộc đời và nghề nghiệp đã làm ông hiểu biết phụ nữ khá tinh tường, sâu sắc. Chỉ cần nhìn vào mắt, ông có thể biết người đàn bà trước mặt ông đang muốn gì. Nếu họ là thỏ non ông vòng tay âu yếm. Nếu họ là sư tử ông biết tránh móng vuốt và nanh nhọn, đến khi ông dùng roi chỉ còn nước nem nép chui vào lồng sắt để ông sập cửa lại.

 

Lê Mãnh có một nỗi đau đời. Dạo ông mới tốt nghiệp đạo diễn ở nước ngoài về, một cô diễn viên hạng bét khi ấp bộ ngực vào những vết sẹo u cục, gồ ghề, chằng chịt ở người ông, đã hét lên sợ hãi, nhảy khỏi giường bỏ chạy. Ông thấy mình bị kinh tởm. Nhưng buốt nhói nhất là đêm  đầu tiên người tình ngủ với ông. Cô ta giật mình, trố mắt kinh ngạc nhìn thân hình nát bét những sẹo vằn, nham nhở của ông. Cô ta ngồi dậy mặc quần áo rồi lẳng lặng bỏ đi, mặc cho trái tim ông đang thổn thức, thân hình ông đang rực lửa. Lê Mãnh nhận ra mình bị bỏ rơi. Từ đó ông quyết không bao giờ để mình bị hạ nhục một lần nữa.

 

Tiếng gõ cửa quen thuộc và giọng kim eo éo: "Anh ơi!". Lê Mãnh vẫn nằm nghĩ mông lung, không trả lời. Ông cố kéo dài mạch suy tưởng không muốn ngắt quãng. Dường như không thể chờ đợi được nữa, người đứng ngoài đẩy bung cửa bước vào. Một cô gái mặc mini díp trắng hiện ra: "Em chịu hết nổi cứ tưởng anh đang làm gì trên giường". Ông đạo diễn thờ ơ, lạnh nhạt nhìn cái bộ mặt đỏ phừng phừng và cánh mũi phập phồng của cô bé. Không thèm để ý đến thái độ của ông, cô ta sà xuống lòng Lê Mãnh và đặt ngay một dấu son hình trái tim lên má phải của ông. Lê Mãnh từ tốn gỡ đôi tay trần đang vít cổ ông: "Anh Đào! Em sôi sục quá". Anh Đào ngúng ngẩy: "Cũng không quyết liệt bằng trái tim anh. ứ ừ... anh khôn lắm. Người ta đồn anh hay ngồi với đàn bà xem hoa quỳnh nở. Đêm nay anh có mời em ở lại không?". Ông đạo diễn vẫn điềm tĩnh: "Em ghen à? Tôi không mời em cũng vẫn ở lại kia mà". Anh Đào nguýt dài: "ứ! Ghét ghê ". Cô đưa đôi tay trần vò vò cái đầu tóc muối tiêu của Lê Mãnh. Anh Đào đặt luôn vào má trái ông một dấu son hình trái tim nữa.

 

Lê Mãnh ngồi dậy vuốt vuốt mái tóc ngắn của Anh Đào. Ông cọ cọ cái cằm cộm râu vào má cô bé: "Cẩn thận kẻo bố em bảo tôi quyến rũ em. Ông ấy cho tôi nghỉ việc luôn đó". Cô bé lần tay vào trong áo Lê Mãnh mân mê những vết sẹo trên da thịt ông: "Em đã mười tám , anh không thể quyến rũ em. Em tò mò và em thích anh". Lê Mãnh nhíu mày giả vờ ngạc nhiên: " Em cũng thích tôi?". Đột nhiên ông ghé sát mặt Anh Đào: "Cưng ơi! Chiều nay tôi có công việc...". Anh Đào giận dữ cắt ngang lời ông. Cô bé bảo ông đạo diễn thờ ơ với cô. Rằng cô bỏ giờ phụ đạo Lịch sử điện ảnh đến đây với ông không phải để nghe ông nói những lời như thế. Rồi cô khóc. Cô bảo những thằng trẻ thì vụng dại, hời hợt, những thằng già thì đểu giả, lừa lọc. Chỉ có ông là thiên thần, là tình yêu của cô. Lê Mãnh cười khì: "Cô bé không nói thật! Nhưng mà thôi, tôi sẽ chiều". Ông bế Anh Đào quay một vòng rồi tung cô bé xuống giường đệm mút. Ông nhếch mép cười thích thú nhìn Anh Đào. Gió thổi tốc ngược váy cô bé để lộ rõ mồn một cái xilíp màu đỏ. Lê Mãnh nhảy lên giường vòng hai tay ôm eo rồi vục mặt vào ngực cô bé. Anh Đào quằn quại ôm ghì cái đầu tóc muối tiêu của Lê Mãnh. Chợt ông đạo diễn buông cô bé ra: "Hãy khoan chờ anh đã". Lê Mãnh với tay lên giá bút ở trên bàn rút ra một vật có đầu nhọn, trắng như ngà. Anh Đào hốt hoảng: "Anh làm gì thế?" Lê Mãnh cười nheo nheo đuôi mắt: "Yên tâm đi cô bé. Cái nanh sấu sẽ cứu sống người đàn ông khi cần thiết". Ông lại ghé sát vào tai Anh Đào thì thầm thì thào. Anh Đào chợt hiểu ra, cười ré lên: "Trời ơi! Bao nhiêu người đàn bà đã phải dùng cái nanh sấu này để cứu sống anh ở cái giường này? Anh trả lời đi". Ông đạo diễn cười hì hì, quệt nhẹ cái vật nhọn vào xương cụt của mình: "Đề phòng thôi. Anh còn khoẻ lắm, yên tâm đi. Bây giờ đàn bà các em mấy người còn cài trâm đầu..."

 

Cộc... cộc... cộc... Tiếng gõ cửa nhẹ và chậm rãi. Lê Mãnh cầm nanh sấu cắm lại vào giá bút, ông nói vọng ra: "Xin chờ cho một lát". Ông đạo diễn lấy khăn lau vết son ở hai má rồi phát nhẹ vào mông cô bé: "Anh Đào về đi. Em vui lòng để khi khác vậy. Ra mở cửa giúp tôi".

 

Giang sững người khi bắt gặp cái nguýt trề môi của cô gái lạ. Giang bối rối né người tránh lối cho cô bé đi ra. "Giang ngồi xuống đi". Lê Mãnh bước vội xuống cầu thang theo Anh Đào: "Em  quên cái xắc". Cô bé vênh vênh cái mặt trông thật đáng ghét và cũng thật đáng yêu: "Nè! Đừng có mới nới cũ là không xong với em  đâu. Đêm nay em đến đó". Ông đạo diễn búng nhẹ vào cái mũi hếch của cô bé: "Ôi! Đàn bà bao giờ cũng là đàn bà". Anh Đào ném xoạch cái sắc vào giỏ xe, nổ máy rồ đi. Cô gái quệt phải cái xe đạp mini của Giang làm nó đổ đánh rầm. Mấy chú thỏ trong chuồng lộc xộc lồng lên.

 

Trong phòng, Giang ngồi nơm nớp. Lê Mãnh rót sâm panh: "Mời Giang". "Thưa chú, à, thưa anh. Em hổng quen". "Giang dùng coca-cola vậy. Thế nào, vừa đóng phim, vừa làm luận văn bận không?". "Bận lu bù hà. Em vừa ở thư viện đến đây ngay". Lê Mãnh mở tủ lạnh, tự tay ông bật một hộp nước ngọt có ga đưa cho Giang. ánh mắt ông loé lên phóng những tia sáng man dại vào mắt Giang. Cô vội vàng cụp mắt. Mớ tóc xoăn loà xoà phủ xuống che kín mắt, thỉnh thoảng Giang lại vuốt lên. Cô nhấm nháp e dè thật chậm, đầu lưỡi hơi cay cay, ngọt ngọt, ga xộc lên mũi thơm thơm.

 

Lê Mãnh say sưa nói về nhân vật trong phim. Giang đón nghe như nuốt lấy từng lời. Giang đã từng yêu và bối rối trước lời cầu hôn của những bạn trai. Nhưng chưa bao giờ Giang cảm nhận được vị ngọt tình yêu như ônh đạo diễn nói. Chả lẽ khi đóng phim, tình yêu phải như vậy. Cái hôn nóng bỏng thế sao? Tim đập vỡ lồng ngực nữa? Giang nghi ngờ. Cô chỉ thấy những lần đuổi bắt trâu dọc bãi sông Vàm Tàu là tim đập thình thịch muốn chui khỏi ngực thôi. Lê Mãnh bật tiếp một hộp nước ga ướp lạnh nữa: "Uống thế này Giang sẽ thấy thú vị". Lê Mãnh cho thêm  một ít sâm panh vào cốc đưa cho Giang. Cô vừa uống vừa nghe như nuốt từng lời ông đạo diễn nói. Ga bốc lên làm gương mặt Giang ửng hồng. Khuôn mặt phương phi có đôi lông mày xếch của đạo diễn Lê Mãnh cũng hơi đỏ: "Nào bây giờ Giang tập thử". Giang đứng dậy mắt hoa lên. Đạo diễn Lê Mãnh nhẹ nhàng nói: "Giang hãy tưởng tượng trước mắt là dòng sông và cô gái đang đứng". Lê Mãnh đổi giọng xưng hô: "Nào bắt đầu, em đang đứng trên triền sông... Kìa, em ngửa mặt lên trời nhớ lại..."

 

Giang nhắm  mắt. Cô nhập vai. Ôi! Nụ hôn... Nụ hôn cháy bỏng thật. Giang thấy mình đang được yêu, lòng cô rạo rực. Giang hoá thân vào nhân vật. "Vừa hồi tưởng vừa đi... đi nữa...". Tiếng đạo diễn giục giã: "Đi nữa... chậm thôi... dừng lại... từ từ cởi cúc áo... lao xuống dòng sông... đừng sợ, đã có đi văng rồi...".

 

Xoảng! Giang vô tình gạt phải cái chai. Cô chợt bừng tỉnh: "Em hổng thấy kịch bản có đoạn cởi áo". "Tôi biết! Nhưng buộc lòng phải thay đổi chi tiết đó mới phát hành phim được". Tai Giang ù đặc. Cô không còn nghe thấy ông đạo diễn nói gì nữa. Giang lao xuống cầu thang, chạy ra ngoài. Mấy chú thỏ trắng nhốt trong chuồng ở góc vườn ngơ ngác nhìn Giang. Trước khi ngồi lên xe đạp, Giang còn ngoái đầu nhìn lại. Căn nhà ba tầng có giàn hoa giấy leo nhập nhoạng trong bóng xế chiều. Những nhánh xương rồng cảnh túa ra bên lan can tầng hai trông như những nanh hàm cá sấu.

 

Lê Mãnh điên người cầm tập kịch bản phân vai ném vèo vào góc nhà. Kể từ dạo người tình bỏ đi, đây là lần đầu tiên ông bị một người con gái bỏ chạy khỏi nhà. Giang đã nhìn thấy vết sẹo trong người ông chăng? Không! Chưa hề. Ông bực bội nện giầy cồm cộp trên sàn nhà. Ông lồng lên như một con thú bị thương. Lê Mãnh cầm chai sâm panh dốc vào họng ừng ực. Mùi rượu thơm khiến ông nhớ tới món thịt thỏ rán. Thịt... Thịt... Ông sẽ xơi tái hết mọi con thỏ trong chuồng chứ không cần phải rán! Rồi ông ngồi xuống đi văng cười sằng sặc: "Hừ... Cô bé ơi, cô ngây thơ lắm, nhạy cảm và trong sáng lắm. Cứ chạy đi, thế nào cũng phải quay lại cô bé ạ!". Lê Mãnh lim dim mắt nghĩ đến những người đàn bà đã đi qua đời ông. Có người từng trải, khôn ngoan, hung dữ như con sư tử cái còn phải nép vào bên ông, huống hồ là một con thỏ non.

 

Dường như hơi mệt mỏi, Lê Mãnh nằm xuống đi văng gối đầu lên tay. Quạt trên trần vẫn quay vù vù. Gió thổi lật lật các trang giấy bay trắng khắp nền nhà. Những trang nháp luận án của Giang và kịch bản phân cảnh bay lẫn lộn. Lê Mãnh uể oải ngồi dậy nhặt nhạnh xếp lại. Ông giật mình khi bắt gặp dòng chữ: "Văn tế cá sấu ở sông Vàm Tàu " trích từ thư tịch cổ trong tập tài liệu Giang bỏ quên. ừ nhỉ! Sông Vàm Tàu. Ông đã quần nhau với cá sấu. Hơi men đã bốc lên, mặt Lê Mãnh đỏ phừng phừng. Ký ức một thời ở trong ông bỗng bừng lên thức dậy.

 

...Ngày ấy, đã hơn hai mươi năm. Tổ đặc công nước của Mãnh và Hai Dũng được giao nhiêm vụ đánh tàu Mađốc 3 ở cửa sông Vàm Tàu. Mãnh và Hai Dũng hẹn nhau ráp mìn vào vỏ tàu xong sẽ bơi về tập kết ở Cồn Lu chờ người đằng mình đón đi. Mãnh còn nhớ Cồn Lu là một doi cát nổi lên ở giữa sông Vàm Tàu. Đoạn sông rất nhiều cá sấu nên rất ít khi bị địch phục kích. Mãnh và Hai Dũng bơi qua khu vực Cồn Lu phải bơi đứng. Cá sấu quện xung quanh. Có con luồn ở dưới nâng cả chân lên. Có con nổi lên mặt nước, cứ lừ lừ bơi theo. Mãnh sợ lắm, người bủn rủn. Hai Dũng vừa phải bơi vừa đẩy Mãnh bơi theo.

 

Từ xa tàu Mađốc 3 nổi lù lù như một con cá sấu đen sì. Pha đèn cực mạnh quét loang loáng trên mặt nước. Thỉnh thoảng bọn lính trên tàu lại đem  lựu đạn rút chốt ném tới tấp xung quanh mạn tàu. Có thằng lại động cỡn chĩa súng R15 xuống sát vỏ tàu kéo hết băng. Hai Dũng bảo Mãnh: "Mỗi đứa một mạn tàu chờ bọn nó liệng hết thùng lựu đạn thì lặn xáp dô kẻo bọn người nhái xuống đó".

 

Con tàu không bị đánh đắm. Nó chỉ bị thương vì lượng thuốc nổ không đủ. Mãnh không dám áp sát vỏ tàu. Khi tiếng nổ phát ra cũng là lúc Mãnh quay người bơi ngược sông Vàm Tàu. Đang bơi, Mãnh thấy mình bị kéo ghì xuống, mặt áp sát lòng sông. Có một sức mạnh vô hình như ngàm bẫy sập xuống ngang bụng Mãnh khoá luôn cả hai tay dọc theo hông không thể vùng vẫy được. Cá sấu! Mải nghĩ về chuyện đánh tàu. Mãnh quên mất phải bơi đứng. Mãnh nghĩ bụng: "Đời coi như hết". Mãnh cố sức đập hai chân và rút tay ra khỏi hàm sấu nhưng không thể cựa quậy được. Mãnh cố cử động, bàn tay chạm phải mắt con vật. Trong đầu Mãnh chợt loé lên một ý nghĩ trong lúc khốn cùng. Mãnh dùng ngón tay bấm hết sức vào mắt nó. Con cá sấu đau quẫy đuôi đập nước ầm ầm, đầu nó lắc lắc. Mãnh ấn tiếp thật sâu, ngoáy ngoáy ngón tay trong hốc mắt nó. Con cá sấu đau quá há miệng. Mãnh nhanh tay rút dao găm và thoát hai tay khỏi hàm sấu. Con sấu lại sập hàm giữ ngang bụng Mãnh. Những nhát dao đâm liên tục vào mắt, vào đầu và bụng làm con sấu đau. Nó há hoác miệng ra. Mãnh thoát khỏi hàm sấu, đạp chân vào đầu nó bơi lao đi. Con sấu quyết không bỏ mồi, đuổi theo. Nó há hoác miệng một lần nữa đớp. Mãnh kịp rút quả mỏ vịt đeo bên hông ném vào miệng con sấu. Một tiếng nổ bụp trong nước. Con sấu lật ngửa, nổi lên mặt sông. Mãnh bơi thêm một đoạn, lết đến Cồn Lu rồi ngất xỉu.

 

Ba ngày sau, Mãnh tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong hầm. Người Mãnh đầy vết nhai của nanh hàm cá sấu. Mãnh thấy vợ Hai Dũng ngồi bên khóc. Mãnh hiểu ra, cấp trên giao nhiệm vụ cho cô Hai đưa thuyền ra Cồn Lu đón chồng và Mãnh. Mãnh bàng hoàng nhớ lại cuộc tử chiến với cá sấu...

 

Gần hai chục ngày sau, vết thương của Mãnh đã ổn định. Trên người Mãnh đầy sẹo. Cô Hai đưa lại số mìn Mãnh đeo về và lặng lẽ không nói. Đêm Mãnh mò ra sông Vàm Tàu, vứt mìn xuống nước. Con cá sấu chết, sóng đánh dạt vào bãi sông đã vữa, mùi thối bốc lên khó chịu. Mãnh lấy dao găm  cạy hàm sấu lấy hai cái nanh dài.

 

Ngày chia tay với cô Hai, Mãnh quàng vào cổ vợ bạn sợi dây đeo chiếc nanh cá sấu có khắc chữ M. Mãnh bảo nhất định sẽ trở lại dòng sông Vàm Tàu. Cô Hai thở hổn hển. Cổ ngẳng ra, nổi đầy gân xanh, ức thí thóp thở. Cô Hai khóc, nước mắt dàn dụa nhìn theo bóng người đi. Mãnh vừa đi vừa ngoái đầu lại nhìn. Cái nanh sấu lấp loá dưới cổ người thiếu phụ...

 

 

Mấy ngày liền Giang không trở lại trường quay. Cô cũng nghỉ luôn lớp học diễn viên điện ảnh của Nhà văn hoá thành phố mở ban đêm. Ngoài những lúc chăm má, Giang ngồi lỳ trong thư viện với ý nghĩ quyết hoàn thành luận văn tốt nghiệp đạt loại ưu để xin việc được ngay. Giang biết chỉ có thế mới giúp được má con cô trong những ngày khốn khó này. Giang nhớ về bãi sông Vàm Tàu nơi má đi qua chiến tranh hết thời tuổi trẻ. ở đó, má con Giang sống nghèo khó, tần tảo suốt tuổi thơ Giang cho đến bây giờ Giang và má tuy sống rất nghèo mà hạnh phúc, dù đó là thứ hạnh phúc đơn sơ, bình dị. Bây giờ, má con Giang đang cần tiền, cần rất nhiều tiền cho má chữa bệnh. Chưa bao giờ Giang thương má như lúc này. Mấy năm nay má yếu nhiều vì vết thương cũ lại tái phát... Mải nghĩ lung tung, cả buổi chiều thứ bảy, Giang chỉ chép được vẻn vẹn mấy chục dòng: "Văn tế cá sấu" ở thư tịch cổ mà lần trước đã tra cứu xong, chẳng biết bỏ ở đâu. Giang mệt mỏi, cầm tờ giấy mới chép kẹp vào tập luận văn: "Gia đình và cộng đồng trong văn học cổ" đang viết dở dang. Cô dắt xe ra cổng trường.

 

Trợ lý đạo diễn Trần Lâm chờ Giang từ lúc nào chẳng rõ: "Xin lỗi! Đạo diễn Lê Mãnh cho mời cô đến gặp". Lâm ngồi trên xe máy, một chân thả xuống đất. Đôi ria mép của anh ta rậm đen không tương xứng với cặp lông mày thưa. Giang miễn cưỡng: "Nhờ anh nói giùm, tôi sẽ gặp ổng ở trường quay". Giang đạp xe đi. Trần Lâm nổ máy chạy vè vè bên cạnh: "Cô bỏ quên kịch bản ở nhà đạo diễn làm sao thuộc vai được. Anh Lê Mãnh yêu cầu cô đến cầm về đọc lại. Thời gian quay rất gấp. Đề nghị cô cộng tác nghiêm  túc để hoàn thành kế hoạch của đoàn".

 

Trần Lâm  xổ ra một tràng dài rồi rú ga xe máy vọt lên trước. Giang vừa đạp xe vừa nghĩ mông lung. Công việc đóng phim, ánh mắt ông đạo diễn, kỳ thi tốt nghiệp và căn bệnh hiểm nghèo của má... Bao nhiêu việc dồn dập đến, dường như quá sức chịu đựng của Giang. Nhưng dù sao lúc này má vẫn là trước hết, là tất cả. Giang đạp vội xe đến bệnh viện.

 

"Trời ơi! Má mầy ngóng hoài. Bả mệt dữ. Tao ép hổng chịu ăn cái chi hà". "Cám ơn dì út đã giúp má con"."ơn với huệ gì đâu. Tao thấy  má mầy bệnh nặng tao thương hà. Thôi chạy vào nhanh với má mầy đi". Giang không còn hồn vía nào nữa. Cô chỉ sợ má đi. Giang chạy gấp lên tầng hai. Vào phòng bệnh, Giang thấy mấy người thăm bệnh nhân đứng xung quanh giường má nằm. Giang rẽ người len vào bên má. Bà Hai cầm lấy tay con từng hơi mệt nhọc: "Con ơi! Má biết bệnh tình má nặng lắm. Nếu chữa được phải bán cả nhà ở quê cũng không đủ tiền. Con lại còn ăn học... học...". "Bác sĩ ơi! Má tôi... má tôi nè". Giang hoảng hốt gọi. Một bóng áo trắng ló đầu vào: "Cái chi mà làm dữ vậy". Giang rân rấn nước mắt chỉ vào má: "Má tôi... má tôi nói chạng lạng rồi". Ông bác sĩ bấm  còi cấp cứu. Mấy cô y tá chạy đến. Họ chạy máy thở oxi và tiêm thuốc nâng huyết áp cho má Giang. Một lúc sau, bà mới tỉnh táo lại. Trước khi ra khỏi phòng, ông bác sĩ bảo Giang: "Cô yên tâm. Bây giờ thì hổng sao nữa. Má cô càng mổ sớm ngày nào càng tốt ngày đó. Nhớ chuẩn bị tiền mua máu và thuốc tiêm, thuốc uống cả đợt cho bả". Giang đứng lặng, nước mắt cứ trào ra. "Khổ thân má con mầy. Tiền đây, bà con cùng là người bệnh quyên góp, gọi là của ít lòng nhiều. Cầm lấy đi con". "Con hổng dám  cầm đâu. Dì út và mọi người tốt với má con con lắm". "Ơ, cái con nhỏ này. Chúng tao thương má con mầy thiệt lòng. Thôi đi ăn uống chút gì đi hổng đói. Tao coi má mầy cho". Giang khóc nức nở. Dì út ấn nắm tiền lẻ toàn loại một, hai ngàn đồng vào tay Giang.

 

Tối chạng vạng. Phố phường đã lên đèn. Giang đạp xe như bay đến nhà ông đạo diễn. Giang bước vào sân. Cô giật mình. Dưới ánh đèn nêông một con thỏ trắng bị trói chặt quẳng ở góc hè. Khổ thân nó sắp bị làm lông và lên thớt. Giang ngồi thụp xuống vuốt ve bộ lông của nó rồi đứng dậy. Giang sững người bắt gặp một thiếu phụ từ nhà đạo diễn Lê Mãnh đi ra. Chị vừa đi vừa lau nước mắt. Chợt chị dừng lại nhìn Giang rồi nở một nụ cười héo hắt. Giang tần ngần đứng ngoài hiên. Cô nghĩ: bao nhiêu đời con gái đã đi qua căn nhà này? Những nhánh xương rồng cảnh tua tủa gai nhọn hoắt làm Giang liên tưởng đến nanh hàm cá sấu.

 

"Mời Giang vào". "Dạ". Giang đánh liều bước vào nhà Lê Mãnh một lần nữa. Lần này ông mặc bộ pizama màu tối. Nét mắt ông không vui: "Cô đã phá kế hoạch của đoàn, tức là phá hợp đồng. Theo luật cô phải bồi thường toàn bộ số tiền tạm ứng và chịu trách nhiệm về thiệt hại của đoàn vì đã ngừng quay". Mắt Giang hoa lên. Cô đã mua thuốc cho má hết số tiền thù lao tạm ứng. Còn những khoản chi phí khác cho má sắp đến ngày lên bàn mổ? Giang nấc lên trong nước mắt: "Ông... ông..." Cô không nói hết điều cô muốn nói. Cổ Giang nghẹn lại. Lê Mãnh lim dim mắt: "Xử xự thế nào là tuỳ cô. Tôi không hoàn toàn ép buộc. Nhưng tôi phải có trách nhiệm với bộ phim vốn hàng trăm cây vàng mà cô làm dở dang". Miệng ông đạo diễn bình thản thả từng vòng khói thuốc tròn tròn bay ra cửa sổ. Ông kéo cái mặt giở khóc giỏ mếu của Giang lên và nhìn mắt cô: "Tôi nghĩ. Em nên vâng lời tôi". Lê Mãnh lại vỗ về: "Em có mất mát gì đâu".

 

Hình ảnh người mẹ tàn sức trong bệnh viện lại hiện lên trong đầu Giang. Không còn cách nào khác, Giang thấy mình chơi vơi trên lòng sông đầy cá sấu há miệng, hàm nhọn hoắt. Giang nói trong nước mắt: "Vâng! Thưa ông! Nhưng ông hãy cho em đi tắm. Nghe ông nhắn gọi, nhưng em phải vào bệnh viện bây giờ mới tới được". Ông đạo diễn nở nụ cười mãn nguyện: "Xin Giang cứ tự nhiên. Mời Giang vào, tôi sẽ hướng dẫn các thiết bị phòng tắm. Cầm bộ đồ này thay, tôi mua ở Pháp có nhã ý tặng Giang từ hôm mới gặp".

 

Mùi nước hoa tulíp thơm dịu bay khắp nhà, đạo diễn Lê Mãnh đi lại, đi lại thích thú nghe tiếng xối nước trong phòng tắm. Ông dập chân, khe khẽ hát theo điệu nhạc sonne buồn dìu dịu. Ông đến bên bàn rút chiếc nanh sấu ở giá bút rồi ngồi xuống đivăng ngả đầu dựa vào thành ghế nét mặt ông rạng rỡ mãn nguyện.

 

Một lúc sau, Giang thẹn thùng bước ra. Cô nhìn thấy ông đạo diễn mân mê cái nanh sấu trên tay, đôi lông mày nhíu lại. Chợt ông ngẩng lên: "Ôi! Giang đẹp lắm. Như bà hoàng Ai Cập". Ông nheo nheo mắt cầm nanh sấu quệt nhẹ vào má mình. Ông thong thả từng tiếng: "Thôi cô về đi, tối rồi". Giang ngạc nhiên: "Em hổng có hiểu, thưa ông!". Ông đạo diễn cắm cái nanh sấu vào giá bút: "Tôi đã bảo cô về đi. Tôi đọc trong mắt cô một sự dâng hiến bắt buộc. Tôi muốn một sự tự nguyện từ nơi cô. Cô nhớ sáng mai làm việc ở trường quay". Giang thảng thốt: "Trời ơi! Tôi chưa bao giờ gặp một người như ông".

 

Giang lao sầm sầm xuống cầu thang. Cô đẩy cánh cổng rầm rầm làm mấy chú thỏ trong chuồng nhớn nhác, hoảng loạn. Giang ngồi lên xe, đạp vèo vèo không ngoái đầu nhìn lại, người và xe loang loáng trước mặt cô.

 

Trời sắp sáng, Giang giật mình tỉnh giấc. Cô nhớ lại tối hôm  qua má nhìn Giang ngỡ ngàng, lạ lẫm. Lúc đó Giang chợt hiểu ra, người cô đầy mồ hôi nhễ nhãi trong bộ đồ xa lạ. Giang đi sang phòng vệ sinh rửa mặt và thay bộ đồ đang mặc. Đến khi Giang trở lại ngồi bên giường bệnh, gục đầu vào lòng má, cô mới thấy lòng mình ấm  áp lại. Chốc chốc nước mắt Giang lại trào ra, mùi nước hoa tulip vẫn còn phảng phất. Má lo lắng hỏi: "Mấy ngày nay má linh cảm thấy có điều không hay. Có làm sao không? Nói thiệt đi con". Giang lắc đầu khe khẽ. Má thở phào. Từ lúc ấy Giang cứ thao thức, má cũng không ngủ được, mỗi người theo đuổi những suy nghĩ riêng tư. Rồi Giang thiếp đi lúc nào không biết.

 

"Giang ơi! Ngồi lại đây con má biểu". Giọng má yếu và nhỏ. Giang dụi mắt: "Má hổng ngủ suốt đêm phải không?". Má nắm lấy tay Giang: "ờ! Má nghĩ kĩ lắm rồi. Con đã lớn. Má không thể giấu con được nữa. Đây là cái vòng ngọc má dành dụm cả đời người, chờ khi con lấy chồng má cho...". "Con hiểu má ơi! Người còn là của còn". "ờ! Đến nước này thì má không muốn vì tình mẫu tử mà con phải đánh đổi cả đời người con gái". "Má! Má bình tâm kẻo bệnh phát nặng thêm nữa". Giang khóc. Má cũng khóc: "Còn đây là cái nanh sấu, kỉ vật thiêng liêng có khắc chữ M...". Má nhẩn nha kể chuyện ngày xưa... Giang lại nhớ cái nanh sấu nhọn hoắt ông đạo diễn mân mê trong tay.

 

Sáng. Giang đeo cái nanh sấu má trao vào cổ rồi cầm chiếc vòng ngọc và dắt xe đạp mini, vật có giá cuối cùng đến hiệu cầm đồ. Lấy tiền xong Giang quyết định đến nhà ông đạo diễn, nơi có một cái nanh sấu nữa.

 

Giang bước lên vỉa hè. Trần Lâm xịch xe đỗ luôn bên cạnh. Hắn mừng ra mặt mời Giang vào nhà đạo diễn để đón ông cùng ra trường quay luôn. Hai người mới vào đến sân đã thấy Anh Đào sồng sộc chạy ra. Cô bé hoảng hốt, mặt tái mét không nói ra thành lời. Giang nhìn thấy những giọt máu đỏ thấm vào mini díp màu trắng của Anh Đào. Cô bé miệng ú ớ chỉ tay lên gác ra hiệu gì không rõ. Trần Lâm vội chạy lên cầu thang, ập vào phòng ngủ của Lê Mãnh. Giang cũng vào theo. Lê Mãnh nằm nghiêng, người cứng đờ. Xương cụt ông bị chọc choe choét máu. Cái nanh sấu trắng vấy máu tươi rơi xuống nền nhà. Giang chột dạ sờ lên cổ. Cô nhìn ông đạo diễn nhắm nghiền mắt, tay ông còn nắm  chặt cái quần xilíp mỏng màu đỏ.

 

Tháng 5. năm 1996

Sương Nguyệt Minh
Số lần đọc: 2667
Ngày đăng: 11.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vó ngựa xa xăm - Nguyễn Hoàng Đức
Bên ngọn đông phù - Giang Kiều
Bầu trời ngoài ô cửa - Vũ Minh Nguyệt
Nguyễn Tuyết Lê Sen - Huỳnh Văn Úc
Mẹ và Con trai - Nguyễn Thúy Ái
Bà lão hàng xóm - Huỳnh Văn Úc
Đêm thánh vô cùng - Sương Nguyệt Minh
Đêm biển động - Nguyễn Minh Phúc
Lõm to - Trần Kỳ Trung
Lại một mùa xuân - Mang Viên Long