Xe gần ra khỏi thành phố biển mà mới chỉ có ba người khách. Anh lái xe cho xe chạy chậm, rề theo con đường cũ kỹ với những ngôi nhà cũ kỹ, hàng cây lâu năm và rồi dừng lại trước một quán bia hơi với mấy bộ bàn ghế có thể vứt rác bất cứ lúc nào! Cô nhân viên bán vé vội vàng nhảy xuống đường, chuyển mấy cái can nhựa nặng lên xe cho khách. Mùi nước mắm lập tức lan tỏa trong khoảng không gian chật hẹp của chiếc xe buýt liên tỉnh.
Khách lên xe gồm hai người, một trung niên và một thanh niên. Cứ xem bước chân xiêu vẹo của ông trung niên từ cửa xe tới băng ghế cuối cùng là đủ biết ông ta đã thấm rượu. Cậu trai mặc chiếc áo thun trắng sọc ngang màu xanh lá cây có vẻ tỉnh táo hơn nhưng qua mấy câu nói với ông lớn tuổi (cậu ta gọi là chú và xưng cháu), nói với cô nhân viên bán vé và cả với anh lái xe, mấy người trên xe đều biết là anh ta cũng đã say! Hai chú cháu ngồi cả ở băng ghế sau cùng còn trống. Ông trung niên nằm ngả người, dựa đầu vào thành xe, hỏi cậu trai với cái giọng nhừa nhựa:
- Đi đúng xe không đó mậy?
Cô bán vé hỏi:
- Hai anh đi đâu?
Cậu trai "Hừ" một tiếng:
- Bậy nà! Sao kêu chú tôi là anh? Phê bình cô đó! Cho chú cháu tôi xuống cây số 52.
- Hai vé năm mươi hai ngàn. Mười ngàn tiền ba-ga. Tổng cộng là sáu mươi hai ngàn.
Ông trung niên bật dậy:
- Sao mắc thế? Sao lại lấy tiền ba-ga? Định "chém" khách hả?
- Bốn can nước mắm là tám mươi lít rồi. Hành lý trên mười ký lô đã phải tính tiền ba-ga. Tôi chỉ tính mười ngàn là rẻ đó.
- Mắc quá! Bớt đi! - Đến lượt cậu trai lên tiếng.
- Xe buýt có giá! Nếu hai anh thấy đi được thì cho xin sáu mươi hai ngàn tiền xe. Tiền ba-ga cũng có vé. Còn nếu không chịu thì xe sẽ dừng để hai anh xuống đi xe khác...
- Vẫn còn bậy nha! Sao cứ kêu chú tôi là anh? Chú à... Đi hay xuống...?
Ông trung niên đã nằm dài trên băng ghế cuối, vừa ngáp dài vừa trả lời:
- Đ... đ... i... đi...
Cô bán vé nhận tiền, trả lại tiền thừa và vừa quay đi lên phía trên xe thì đã bị cậu trai gọi giật ngược:
- Nè cô kia! Bộ thấy người ta... s... sa... say... rồi ăn gian hả? Vé in có hai mươi bốn ngàn sao lấy hai mươi sáu? Trả lại bốn ngàn đây!
Cô nhân viên hơi gắt giọng:
- Anh không thấy dấu đỏ đóng hai mươi sáu ngàn kế bên giá in đó sao?
- H... hừ... Xăng giảm giá rồi mà sao tiền xe không giảm lại giá cũ?
Không nghe cô bán vé trả lời. Mà xe cũng vừa dừng lại để đón khách, một nhóm năm người toàn phụ nữ, già có, trẻ có.
Chiếc xe buýt thoát khỏi trung tâm thành phố, bắt đầu tăng tốc. Lúc này đã hơn ba giờ chiều và dọc đường, anh lái xe liên tục ghé lại đón khách. Chỉ trong đoạn đường vài cây số, khách lên xe đã ngồi gần kín ghế. Tới lúc xe dừng lại đón hai bà đứng tuổi thì hai người khách say ở băng ghế cuối phải ngồi ngay ngắn lại, dành chỗ cho hai bà kia.
Vừa ngồi vào chỗ, một bà đã kêu lên:
- Trời ơi! Hôi mùi rượu bia quá nè trời!
Bà còn lại cũng nhăn nhó:
- Mấy cái can kia là nước mắm phải không? Hôi quá đi...
Cô nhân viên xuống thu tiền nhỏ nhẹ:
- Hai dì thông cảm. Hai anh này chỉ đi hai phần ba tuyến. Cũng sắp tới nơi họ xuống rồi...
Chiếc xe buýt tiếp tục gặp may. Khách đón bên đường lên thì nhiều mà khách xuống dọc đường lại ít. Tới lúc xe dừng ở một cây xăng đón thêm mấy cô cậu học sinh thì đã có mấy người phải đứng ở lối đi giữa xe. Xe vừa tiếp tục lăn bánh thì có tiếng la của ông trung niên say:
- Xì... xì tốp... Xì t...ốp! Còn người đang đi "tưới cây" dưới kia kìa...
Mọi người nhìn về phía dưới cây xăng, thấy cậu trai cháu của ông trung niên đang chạy như bị ma đuổi về phía khu nhà vệ sinh. Cô bán vé nói:
- Không biết "ông nội" xuống hồi nào nữa!
Ở băng cuối, cả hai bà khách cùng lên tiếng:
- Ai biểu đi xe đường dài mà còn nhậu?
- Cũng may vừa tới cây xăng, chớ không cái xe này có thêm mùi nước đái!
Nhiều tiếng cười rộ trên xe.
Cậu thanh niên trở lại, vẻ mặt tươi tỉnh hẳn. Vừa lách bước về chỗ của mình ở phía cuối xe, anh ta vừa luôn miệng: "So-ri! So-ri!", cứ như một quý ông người nước ngoài thừa lịch sự!
Xe chạy. Hai chú cháu người say bắt đầu câu chuyện riêng của họ. Cả hai đều nói lớn tiếng. Nội dung câu chuyện chỉ có họ mới hiểu rõ, còn mọi người thì chỉ lờ mờ hiểu là họ đang nói về một vụ làm ăn thất bát.
Bỗng, cô bán vé chen khách đứng giữa xe để xuống phía dưới, nhìn ông trung niên giọng nghiêm khắc:
- Yêu cầu anh tắt thuốc lá! Trên xe buýt không được hút thuốc lá!
Một bà ngồi cạnh bỏ cái khăn đang bịt mũi ra:
- Phải đó! Tắt thuốc ngay đi ông ơi! Hôi quá!
Giọng ông trung niên lè nhè:
- Cho tôi hút một điếu thôi mà!
- Không được! - Giọng cô bán vé vẫn nghiêm khắc - Yêu cầu anh bỏ ngay điếu thuốc đang hút!
Lại có thêm một giọng phụ nữ trong xe:
- Hôi thuốc lá quá ông ơi!
Tới lúc này điếu thuốc mới được ném qua cửa xe xuống đường cùng giọng cằn nhằn của người bị ngăn chặn: "Hút điếu thuốc cũng không cho! Xe đâu mà k... kh... khó! Người đâu mà a... á... ác..."
Khách xuống vẫn ít hơn khách lên. Chiếc xe buýt vẫn dừng lại liên tục, bất chấp quy định về tải trọng.
Trong xe, lúc này không còn nghe tiếng nói chuyện giữa hai chú cháu người say nữa. Cũng không có tiếng cằn nhằn của hai bà đứng tuổi ở băng ghế cuối. Thay vào đó là những tiếng ồn ào của đám đông xen lẫn tiếng còi xe...
- Hai anh xuống cây số 52 chuẩn bị ra gần cửa để xuống nghe chưa!
Tiếng cô bán vé vang lên từ phía trước. Đằng sau lập tức có lời đáp lại: "Có ba-ga xuống đó!".
Xe chạy chậm lại rồi dừng hẳn. Chú cháu người say phải khó khăn lắm mới chuyển được mấy can nước mắm từ cuối xe ra tới cửa. Cô bán vé đứng đợi sẵn phía dưới, giúp họ đưa xuống đất. Cô nói với cậu trai:
- Lần sau mà lỡ nhậu xỉn thì lên xe đừng có nói nhiều, người ta cười cho đấy!
Cậu trai cười hì hì:
- B... i... bi... biết! Nhưng mà đâu phải chuyện gì chú cháu tôi cũng làm sai! Từ lúc xe đông, chúng tôi cũng biết nhường chỗ cho người già, phụ nữ chớ bộ!
Xe bắt đầu lăn bánh. Từ bên lề đường còn vọng lên lời của người trung niên:
- Đừng có đón thêm khách nữa bác tài ơ...ơi! Vi phạm luật giao thông đó!
NST Vũng Tàu, ngày chờ bão số 10, 17/11/2008