Lilia ra tận đầu đường đón tôi. Người đàn bà búi tóc, nhỏ nhắn, đứng dưới bóng râm cây ô-liu, sau khu chợ trái cây ở công trường Fiori, thành Rome.
Chị ôm vai tôi, hôn nhẹ hai bên má, ánh mắt long lanh niềm vui, như đón người em gái bao lâu mới gặp lại.
- Chị cứ lo em bị lạc ở cái mê cung phố cổ này.
- Chị xem thường em đấy, dẫu gì em cũng thành dân Roma hai tuần rồi.
Nói xong, cười thầm mình hơi “chảnh”! Ba hôm đầu có Lisa, cô bạn Ý, dẫn đường, mọi sự êm xuôi. Ngày thứ tư, tự tin có bản đồ trong tay, tôi một mình đi thăm đền Pantheon thì lạc xây xẩm cả buổi chiều. Thành Rome huy hoàng giữa những đền đài, nhà thờ uy nghi cổ kính, những con đường nhỏ quanh co như rắn lượn, có đường bề ngang chưa tới 2 mét, lọt thỏm giữa hai dãy nhà cổ xưa, vẻ kín đáo bí mật, như những con hẻm sâu hun hút ở Saigon thời trước. Lisa kể, các Vua La Mã thời xưa, muốn kiến trúc đường phố như Labyrinth, kẻ thù đến xâm chiếm thành Rome, khó tìm đường rút lui.
- Đến Rome em thích nơi nào nhất? Lilia hỏi.
- Có lẽ em thích hồ Fonta de Trevi, nhất là về đêm, ánh đèn xanh chiếu sáng trên mặt nước lấp lánh, các pho tượng thần trông vĩ đại, kỳ bí hơn ban ngày.
- Thế em có ném đồng tiền xuống hồ nước để cầu phước không?
- Cái đó thì chưa, nhưng thấy nhiều người, cả bọn trẻ con thi nhau ném tiền xuống nước cầu may. Sao em tìm hoài không thấy cái tiệm uốn tóc hồi xưa?
- Tiệm nào, đừng nói là em đã đến Rome để cắt tóc, uốn tóc rồi nhé!
Tôi cười:
- Tiệm uốn tóc gần hồ Trevi, hồi xưa tài tử Audrey Hepburn đóng vai Công chúa Anne trong phim Roman Holiday đến cắt tóc đó!
Lilia phá ra cười, đôi mắt nâu buồn, trở nên tươi hơn:
- Chúa ơi, bộ phim từ năm 1953, hơn nửa thế kỷ rồi, bao nhiêu biến cố, làm gì còn cái tiệm đó mà tìm.
- Vì mê bộ phim đó mà vừa có Passport là em theo Lisa bay qua Rome ngay. Không tìm ra tiệm đó nhưng may mắn gặp chị.
Lilia nắm tay tôi, ân cần, bàn tay chị gầy, nhưng mềm dịu.
- Nghe Lisa kể về em hoài, chị cũng mong gặp em. Gặp đồng hương nói chuyện, tưởng như đang ở Việtnam.
Đồng hương! Cùng họ Nguyễn, nhưng phải nói với nhau bằng tiếng Anh. Lilia không biết tiếng Đức, tiếng Việt bập bẹ, chưa xóa mù chữ. Tiếng Ý của tôi mới có một từ: Grazia (cám ơn)!
Chúng tôi đứng trước cửa hàng mỹ phẩm của Lilia, nổi bật hai chữ Lá Xanh, viết đúng chữ Việt!
Hai bà khách ăn mặc sang trọng đang chờ trước cửa. Họ phải đi từ thành phố khác đến mua hàng, đang lo ngay ngáy bà chủ tiệm nghỉ bán đi tìm Mina. Hai bà hỏi thăm về Mina, tôi tưởng đó là con gái Lilia. Hóa ra Mina là chú chó cưng của chị Lilia, có tính lăng nhăng, hay theo người yêu bụi đời dài ngày, khiến chị nhiều phen phải đóng cửa tiệm, đi tìm tở mở.
Không biết trên đời có cửa hàng nào nhỏ hơn Lá Xanh, bề ngang hơn 2 mét, sâu có 1m50, chỉ kê được cái tủ kính bày hàng làm mẫu. Khách mua hàng nhiều, Lilia phải trèo lên cái thang dựng thẳng đứng để lấy hàng trên gác thượng. Trên tường treo nhiều hình photo lớn, chụp phong cảnh khắp nơi ở VN, bãi biển Nha Trang, thác Bản Giốc, Sapa mù sương, đám nữ sinh áo dài trắng đi xe đạp, những nụ cười răng sún, đôi mắt tròn xoe đen hạt nhãn của trẻ em, gương mặt hom hem của các cụ già, những người gánh hàng rong ở Saigon, Hànội. Khách đến mua hàng, không nghe bà chủ tiệm quảng cáo mỹ phẩm mà nghe toàn chuyện lạ về xứ Việtnam xa xôi, nhiều người bước vào Lá Xanh chỉ để hỏi thăm Tour du lịch Việtnam!
Lilia đã về thăm Việtnam nhiều lần trong vòng 5 năm gần đây, mang về đủ kiểu áo dài khăn đóng, guốc dép, nón lá, nón quai thao, quà bánh, tặng không mấy bà khách hàng. Lần cuối, vì mang hàng quá nhiều, hải quan nghi ngờ chị đi buôn, định bắt nộp thuế.
Chị khoe với tôi cái áo gấm ngắn đang mặc, cổ cao với hàng nút cài bên hông, như áo dài cắt ngắn tà, của cô bạn VN may tặng. Cái áo được diện với cái rock đen dài, có vẻ đông tây hòa điệu, trông đỏm dáng. Tôi khen đẹp, Lilia vui ra mặt.
- Chị còn cái áo nữa màu hồng, đẹp lắm, để dành tặng em.
- Chị về VN du lịch chơi thôi hay tìm kiếm gì mà về nhiều lần vậy? Tôi thắc mắc.
- Đâu phải khi không chị trở về, tất nhiên có lý do.
Lilia mở cuốn album của gia đình. Người đàn ông Việtnam trong hình, gương mặt hơi tròn, mũi thấp, đôi mắt một mí giống hệt Lilia. Cô bé tóc vàng, em gái Lilia thì như khuôn đúc của người mẹ Pháp.
&
Ông họ Nguyễn, ở Marseille có hàng tá ông Nguyễn, nên người ta gọi ông là ông Bùi Châu, theo tên quê ông. Đó là ông tự nhận, chứ thật sự nguồn cội ông ở đâu, không ai biết. Không một ai, kể cả bà vợ Pháp, hiểu được vì sao ánh mắt ông buồn như vậy, vì sao không nghe ông nhắc tên một người bà con ruột thịt nào ở quê nhà. Tuyệt đối không có một hình ảnh về VN, sách báo tiếng Việt trong nhà. Ông cũng hạn chế giao du với đồng hương. Mấy lần đổi chỗ ở, vườn nhà ông luôn luôn có một, hai cây chuối. Hai chị em Lilia thắc mắc:
- Sao Papa chỉ trồng cây chuối?
- Vì cây này giống hệt cây chuối quê mình.
- Quê mình là tận đâu vậy Papa?
Ông lầm lì quay đi, như muốn chôn kín quá khứ. Chưa bao giờ Lilia nghe ông trả lời, nhưng chị mang máng hiểu, dù cố tình dứt bỏ nguồn gốc, tận thẳm sâu trong ông, vẫn nghĩ về “quê mình” nhiều lắm.
Tên chị Lilia là do ông đặt, vì “cái tên có âm hưởng như hoa lý ở quê mình”. Thật ra Lilia là hoa loa kèn, màu trắng tinh khiết. Cô em gái cao lớn, mắt xanh tóc vàng, xinh xắn, tươi vui như mẹ, trong khi Lilia theo gene của cha, thân hình mảnh dẻ, dáng dấp người châu Á, tóc nâu, và mắt nâu, mênh mang nỗi buồn xa xăm như cha.
Hai chị em sinh ra và lớn lên ở Pháp, như dân Tây chính gốc, không vướng mắc ý nghĩ về “quê mình”. Chưa từng thích thú tìm hiểu gì về quê hương cha, Lilia không biết nói, biết nghe một từ tiếng Việt. Cô em sau này lấy chồng Tây, bỏ họ Nguyễn, theo họ chồng như mọi người đàn bà Tây phương.
- Nhưng chị, 2 lần lập gia đình, lần đầu với người chồng Pháp, lần sau với người Ý, vẫn giữ họ Nguyễn của mình.
Lilia tâm sự.
Khi nghe tin cha đau nặng, trở về Pháp gặp cha lần cuối, qua những lời trăn trối sau cùng, Lilia bắt đầu hiểu ra bóng tối trong đời ông, cùng lúc hiểu ra nguồn cội mình.
- Cha chị bỏ nhà ra đi lúc còn nhỏ. Ông từ bỏ gia đình, bỏ quê ở miền Bắc, vào tận Bình Dương tìm việc làm, sống cực khổ năm mới 15 tuổi. Sau này gặp mẹ chị là con chủ đồn điền, dù gia đình ngăn cản, vì yêu, mẹ chị nhất quyết lấy ông, hai người đưa nhau về Marseille sinh sống, vì ở đây khí hậu nắng ấm giống VN.
- Có lẽ cha chị muốn chị trở lại Viêtnam để tìm thân nhân chăng? Tôi hỏi.
- Không biết thực sự thâm tâm ông có ý đó không, nhưng trong mấy ngày cuối, ông chỉ kể riêng với chị. Lý do ông dứt áo ra đi là từ cái chết của bà mẹ. Nửa đêm, bà treo cổ tự tử ngay trong nhà vì chồng có vợ lẽ khác, gia đình chồng đối xử tàn tệ với bà. Ông không hiểu mẹ ông có lỗi gì mà bị cha phụ rẫy. Suốt đời ông bị ám ảnh với hình ảnh mẹ mình đung đưa trên sợi dây treo cổ, mặt tím bầm, mắt trợn trắng, trừng trừng nhìn người với sự căm thù. Một mình, không bà con, không tiền bạc, ông vào miền nam tìm sống, với lời thề độc: không bao giờ trở về quê, không nhìn mặt ai, kể cả người cha tội lỗi. Ông nuôi mối hận gia đình gai góc quá. Đôi khi nghĩ lại, chị vẫn tự hỏi, như vậy cha chị có cứng rắn quá không?
Tuy bệnh nặng, cha chị ra đi nhẹ nhàng, không đau đớn, như thoát được xiềng xích của quá khứ, nhưng bóng ma ấy lại phủ lên đời Lilia.
&
Làng Bùi Châu. Tên đó có thật không, hay vì muốn dấu sinh quán, người cha đã tự vẽ ra, từ tên Bùi Chu. Với mỗi cái tên đó, chị Lilia đến tận miền Bắc, đi qua nhiều nơi, tìm gặp, hỏi tin từ những người già cả, cha xứ. Không ai biết đến dòng họ Nguyễn x. nào đó, có gian nhà thờ lớn, có một phụ nữ treo cổ tự vẫn, có người con trai bỏ xứ ra đi. Chị trở vào nam, lặn lội từ Bình Dương đến Gò Vấp, Long Khánh, nơi nào nghe đồn có xóm người di cư gốc Bùi Chu. Nhưng Việtnam, đất nước một thời của chiến tranh, biết bao sinh ly tử biệt, biết bao số phận phải bỏ xứ tha phương. Chuyện gia đình Nguyễn X. nào đó chỉ là chuyện nhỏ, thường tình, nào ai biết, ai nhớ, mọi dấu tích kể như xóa sạch. Chính cha chị muốn cũng xóa đi những ngõ ngách của quá khứ kia mà, khốn nỗi, ông xóa kỹ quá, nên chỉ cái tên làng xã quê quán thôi, cũng không biết hư thật là đâu.
Hôm ấy trời mưa, Lilia lang thang trên đường phố Saigon, ngày mai chị phải trở về Ý. Gia đình, công việc, không thể bỏ tất cả để đi tìm mãi cái gốc tích mơ hồ. Đây là lần cuối trở lại đây, đành chịu đầu hàng mọi sự.
Bất ngờ một đám ma diễn ra trên đường, hàng dài người theo sau xe tang chở quan tài. Lần đầu Lilia nhìn thấy đám ma ở Việtnam, chị lặng lẽ theo sau, tò mò muốn biết phong tục tang ma.
Những người đi hàng đầu mặc áo sô trắng, đầu đội khăn sô phủ mặt. Giấy tiền, giấy vàng, giấy bạc tung ra hai bên đường. Người con trai cả đi đầu, tay cầm gậy, tay kia cầm ảnh cha, đi giật lùi trước xe tang. Khi quan tài đưa xuống huyệt sâu, nhiều người vật vã kêu khóc thương tiếc người chết. Chỉ một cô gái nhỏ đi sau cùng không khóc.
Vẻ thầm lặng của cô gái lôi cuốn chị. Khi nghĩa trang chỉ còn mình Lilia và cô gái nhỏ, chị đến bên cạnh cô bé:
- Người chết là thế nào với em? Sao không thấy em khóc như người khác?
Cô gái gỡ tấm khăn sô ra, gương mặt xinh, như tạc với người trong tấm ảnh vừa khắc trên bia mộ:
- Chị nhìn em, thấy em giống ba em không? Ba em mất nhưng em có cảm giác như ông vẫn ở bên em.
Lilia lặng người, có điều gì sáng dần lên trong tâm trí chị:
- Thì ra mọi sự đơn giản vậy thôi, bao lâu nay mình cất công đi tìm cội rễ mình, thật ra nó không ở đâu xa, không phải ở bên ngoài. Nó ở sẵn trong máu mình, trong tim mình. Nếu mình còn nghĩ về nó, thì nó vẫn ở trong mình. Vì cha mình chối bỏ nó, nên ông đánh mất nó. Từ nay không nhọc sức tìm kiếm nữa, mình đã tìm thấy nó rồi.
Chị nghĩ đến cha chị, nghĩ đến nỗi oán hận ông đeo mang cả đời, tự hỏi sao ông cứ trói buộc ông với quá khứ, khi đời người chỉ là thoáng qua như thế. Lần cuối Lilia rời Việtnam với tấm lòng thanh thản, cũng là lúc chị buông bỏ gánh nặng buồn thương người cha xấu số.
Chúng tôi đi ra công trường Venezia, nơi có điện Capitol vĩ đại, tấp nập khách du lịch, xe cộ qua lại. Lilia nói:
- Để chị thuê xe ngựa, mình đi xem đường phố thành Rome.
Tôi kêu lên:
- Chị chơi sang vậy, đi xe ngựa thời buổi này là quí tộc đấy.
Lilia cười:
- Chị muốn chiêu đãi em, khách quí mà.
Tưởng tượng ra mình đang ngồi ngất ngưởng trên xe ngựa, nệm bọc nhung, mái che có tua riềm vàng, hoa lá kết đầy chung quanh xe, giống ông hoàng bà chúa đời xưa, tôi hãi quá, dứt khoát từ chối.
Lilia đổi đề tài:
- Vậy chị sẽ đưa em đến Thiên Kim, nhà hàng VN duy nhất ở Rome cho em thưởng thức.
- Chịu liền, món này thì em dứt khoát nhận. Có điều em muốn biết thêm, thật sự chị về Viêtnam chỉ để tìm gốc tích thôi sao? Hình như còn điều gì khác nữa phải không?
Chị nhìn tôi, đôi mắt nâu tươi vui, không có ánh buồn như những tấm hình chị hồi trẻ.
- Ban đầu chị tưởng mình chỉ đi tìm nguồn gốc, dần dần chị hiểu ra, chị muốn gặp những người trong gia tộc cha chị, để biết tại sao người ta lại đối xử với mẹ ông tàn nhẫn vậy, khiến ông mang hận thù dai dẳng như vậy, tuổi thơ của ông phải trôi nổi vất vả như vậy, hình như trong sâu thẳm chị muốn trả mối hận cho cha chị. Nhưng bây giờ chị thấy điều đó thật vô nghĩa, chị nghĩ phải biết xóa đi ân oán để đi tiếp cuộc sống. Điều khác hơn là sau khi về VN mấy lần, nhìn thấy nhiều cảnh đời, nhiều phận người đau khổ hơn cha chị, chị đã thôi không dằn vặt mình nữa, như thấy mình được giải thoát khỏi bóng ma ám ảnh từ quá khứ cha chị.
Mainz, tháng 10.2008