1. Hắn và anh
“Anh từ đâu đến…” Tôi hỏi hắn. Có vẻ ban đầu tôi định nói “Anh từ đâu đến, hay chỉ tình cờ đi qua đời em”. Do ngôn từ xắp xếp vừa xong, tôi đã nhận ra độ “sến” hơi nặng nên bỏ lửng. Phần ngập ngừng nén lại ong ong trong đầu, như thể tôi đang tự hỏi mình.
“Anh từ biển” – Hắn nói với một chút trầm ngâm.
Biển chiều nhiều mây. Sóng bạc đầu đuổi nhau. Một chiếc thuyền đánh cá nhỏ cắm sào nghỉ ngơi cuối tầm mắt. Nó không quá bé để ta ví von như xác lá dật dờ trên mặt nước, không quá lớn để thành chiếc võng thư nhàn đang đong đưa giữa bầu trời.
“Em không tin?” – Hắn cười vang rồi giơ một bàn tay ra hiệu hãy chờ. Hắn đi về phía biển, đi sâu vào biển. Hắn biến mất khỏi ánh mắt tôi chừng bốn mươi lăm giây, bằng chiều dài hơi lặn của một người bình thường. Vọt khỏi mặt nước, hắn ào chạy đến tôi. Tôi bật ngửa ra cát vì bị hắn dụi cái đầu ướt mèm vào ngực, vào bụng. Tôi nhột nên kéo khuôn mặt hắn lên. Nụ hôn mằn mặn. Hắn thì thào “Anh yêu em biết chừng nào!”. Thế rồi hắn động cỡn, bế xốc tôi, vừa chạy dọc bãi biển vắng vừa gào thét “Anh yêu em… Anh yêu em…”.
Lúc ấy tôi tin đúng là hắn đến từ biển. Biển xa mà núi thì gần. Nghịch lý thị giác ấy tôi cũng biết. Tầm nhìn xa trên biển chỉ hơn mười cây số nhưng cách Vũng Tàu năm mươi kilomet bạn đã thấy núi ở bên cạnh.
*
Đêm xuống rất nhanh. Hàng dương sâm sẫm. Những chớp đèn ngoài khơi, xa hút như sao trời. Lâu lâu mới có một con tàu lớn băng ngang. Hắn chỉ cho tôi đèn mạn màu xanh và đỏ, đèn cột, đèn mũi… Hắn dẫn giải tỉ mỉ cách nhìn đèn để biết hướng tàu chạy.
Sương bắt đầu xuống, tôi ớn lạnh khi thì thầm với hắn rằng hắn sẽ bỏ chạy một mình nếu cướp xuất hiện chứ. Hắn cười toáng lên. Hắn bảo tôi đừng bao giờ đặt những câu hỏi đã có sẵn trả lời. Hắn kể đêm Noel nọ, đứa em út hắn bị dí dao trên cầu Sài Gòn. Chú chàng nhanh tay rút chìa khóa xe máy và ù té ngay, mặc cô bồ lóng ngóng chưa biết xử trí thế nào. Hiện nay cô gái kia đã là em dâu hắn. Hắn bồi thêm chuyện thứ hai: Bạn trai hắn dẫn người yêu vào rừng thông Đồ Sơn mùa đông. Chưa bi bô xong tình huống giả định múa võ cứu người đẹp thì ma cô đến. Cặp tình nhân đành líu ríu lộn hết túi áo túi quần mời chúng lấy tiền và năn nỉ xin lại giấy tờ tùy thân. Đôi ấy cuối cùng cũng hạnh phúc và thành đạt.
Mặc hắn tránh né, tôi vẫn muốn truy bằng được cách hắn định xử trí. Hắn bảo trong tình huống ấy tôi phải bình tĩnh, hắn sẽ lôi kéo sự chú ý của bọn lưu manh để tôi bỏ chạy trước. Nhất thiết mỗi người một phía, la hét cầu cứu liên tục…
Hắn tỉnh táo quá. Tỉnh táo như một triết gia. Tôi biết đêm nay nàng trinh nữ tôi không có gì để lo, dẫu phải dùng tay hắn làm gối trong ngôi nhà rông chúng tôi thuê cạnh biển.
Tôi rúc vào lòng hắn. Sóng ngoài kia rì rào mãi bản tình ca dang dở. Hắn cũng không ngủ. Gần sáng hắn đoán gió chắc đang đổi hướng. Biển êm. Hắn bảo hắn nghe được hạ âm tưng tức của sóng lừng sắp hình thành.
Tôi bất ngờ có cảm giác an toàn như từng ở bên anh. Tôi biết hắn hơn anh ở chỗ đã làm tôi rung động. Tôi trèo lên người hắn, hôn từ mắt xuống môi, xuống cổ. Hắn luồn tay qua áo ngủ xoa lưng tôi, thì thào những lời yêu lịm ngọt.
“Anh sẽ suốt đời cho em cảm giác an toàn như thế này nhé” – Tôi gần như van xin hắn.
“Anh không phải một vị thánh. Anh từng trải và kiềm chế được tính dục vì như em biết anh đã một lần đổ vỡ” – Giọng hắn đều đều – “Cái gì của anh sẽ là của anh. Khi đến với em, anh cũng đâu mong gặp được một người con gái hoàn hảo”.
*
Về nhà sau chuyến đi chơi biển xa ấy, tôi bắt đầu mơ về một đêm tân hôn huyền diệu. Tôi viết tay tặng hắn một đoạn Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Đã cho vào bậc bố kinh
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Ra tuồng trên bộc trong dâu
Những con người ấy ai cầu làm chi
Phải điều ăn xổi ở thì
Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày
Gẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi – Trương.
Mây mưa đánh đổ đá vàng,
Quá chiều trước đã chán chường yến anh.
Trong khi tựa cánh liền cành,
Mà lòng rẻ rúng đã trình một bên.
Mái tây để lạnh hương nguyền,
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.
Hắn cẩn thận kẹp tờ giấy học trò có kẻ ô ly nhạt vào giữa một quyển sách dầy chưng trong tủ. “Chính em sẽ làm khổ em thôi” – Tôi không hiểu hắn muốn nói gì.
Bên hắn tôi lại bất an. Càng bất an tôi càng muốn gần hắn. Tôi ngửi được và thích ngửi cái mùi đàn ông đặc trưng trên da thịt hắn. Nó chứa nam tính một cách rõ ràng, (lại) hơn anh. Nếu định nghĩa tình yêu là giá trị gì đó ngoài xác thịt thì tôi yêu anh chứ không hề yêu hắn. Anh đến với tôi khi tôi bắt đầu trở thành thiếu nữ. Bao nhiêu mùa xuân cứ trôi, anh vẫn chẳng vượt qua những nụ hôn thiếu lửa. Thiếu lửa, nhưng tôi chết cháy trong niềm khát khao trở thành đàn bà.
Rồi hắn xộc đến. Hắn là một con công trống lão luyện. Hắn biết tôi thích vũ điệu nào. Tôi kể về hắn cho anh nghe. Anh không chúc tôi hạnh phúc và cũng không muốn giật tôi trở lại vòng tay anh. Tôi cay đắng nhận ra anh là đàn ông nhưng không phải giống đực, ít nhất là ở ham muốn. Trong nền văn hóa của đất nước tôi, khi nói về giới tính, người ta nói về “giới tính xã hội” hơn là “giới tính sinh học”. Ngôn ngữ của chúng tôi rành mạch đến độ thiếu hụt, không có giống trung, không có giới tính thứ ba.
*
Một hôm tôi bảo với hắn từ nay thi thoảng tôi sẽ ngủ lại căn hộ độc thân một giường của hắn. Hắn mở tủ đưa tôi quyển sách dầy cộp kẹp giữ đoạn thơ Kiều. Hóa ra đây là tuyển tập các gương phụ nữ tiết liệt, nghĩa tháo, trung trinh, lay động muôn đời. Hơn nửa số truyện dịch từ sách Tàu. Có cả ảnh không ít miếu thờ, sắc phong triều đình nêu gương “trinh liệt nữ thần”. Hàng ngàn năm, biết bao nhiêu câu chuyện người ta cho là cảm động.
“Bây giờ em mới hiểu, không ít quyển sách nên bị đốt. Đốt sách chưa chắc là tội ác.” – Tôi cực đoan một cách độc địa.
Hắn bật nhạc. Dàn máy nhiều đèn chỉ thị, nút điều chỉnh nào cũng có đèn, bộ lọc tần số nhấp nháy hàng chục cột từ thấp đến cao. Căn phòng tối bỗng biến thành một góc trời đầy sao. Nhạc Văn Cao và Phạm Duy, những nét Đường thi đẹp mê hồn lấp lánh trong ca từ. Tôi không thích Trịnh Công Sơn của Sài Gòn ba trăm năm, dù hát thơ cũng là một nghệ thuật đáng trân trọng.
Tôi thực sự chưa hiểu tại sao mình chẳng chút e thẹn khi khỏa thân lần đầu tiên bên một người đàn ông. Vì màn đêm đồng lõa chăng? Tôi ôm hắn thật chặt. Chiếc linga căng đầy tự tôn, nóng rẫy áp vào đùi tôi. Ông Tứ Tượng từng lấy dương vật làm cầu tạm. Bà Nữ Oa đã sưởi ấm đoàn nhà trai rước dâu ướt lạnh bằng âm hộ của mình. Người Chăm xem sự hòa nhập giữa Yoni và Linga làm nên biểu tượng sáng tạo và sinh sôi của thần Siva, làm nên vẻ đẹp tôn giáo.
Hắn trốn chạy tôi và trốn chạy chính hắn. Hắn nghĩ chưa chắc chúng tôi sẽ gắn bó với nhau trọn đời. Hắn là người đốt lửa nhưng không muốn tôi biến thành thiêu thân? Hắn dùng một phạm trù đạo đức để chế ngự tự nhiên, trong khi tôi tự nhủ nếu hôm nay tôi không thành đàn bà thì hắn không phải người tôi tìm kiếm.
Đêm hẵng còn dài. Hơi thở của hắn không thể liền lạc. Nó ứa ra từ những kẽ nứt của thời gian và sự thinh lặng. Cẳng chân hắn giống cẳng chân tôi một cách kỳ lạ, như tôi và hắn là anh em ruột, như hắn chính là tôi và ngược lại.
Bỗng nhiên anh từ đâu nhảy xổ vào óc tôi. Anh nói hắn không phải là anh. Hắn chỉ là một phần mà tôi mong đợi ở anh. Muộn quá rồi. Hắn đã trườn lên người tôi. Vết đâm buốt óc. Bên dưới của kìm nén là cuồng nộ và mạnh bạo. Tôi cắn môi để khỏi bật khóc. Nước mắt rát đắng.
*
Và tất nhiên, cuối cùng tôi phải chia tay hắn. Tôi không thể lên giường với hắn và tưởng nhớ đến anh, mường tượng sự êm ái và nhẹ nhàng nếu anh là hắn.
Từ đó tôi thường tự giới thiệu với xã hội là tôi đã có một đời chồng. Tôi nhắc đến hắn làm gì. Tôi muốn nói về tôi. Tôi phát tín hiệu rõ ràng cho tất cả những quí ông mon men xung quanh mình. Có như vậy họ mới thôi suy già đoán non, ao ước, mong đợi nơi tôi một cô gái không khiếm khuyết, tối thiểu là ở khía cạnh bóng bẩy truyền thống.
Tôi không có lý do trách cứ hắn. Trong truyện ngắn này tôi bắt buộc phải gọi một trong hai nhân vật nam là hắn. Để tránh nhầm lẫn, đơn giản chỉ thế thôi. Bạn đọc đừng lần theo lối mòn, hãy thoát ra khỏi nhà tù khái niệm, hãy xem “hắn” là một danh từ chỉ ngôi thứ ba bình thường. Hoặc nếu không thích, bạn có thể thay “anh” bằng “hắn” và “hắn” bằng “anh” tại các ngữ cảnh gián tiếp, với vài thủ thuật vi tính văn bản. Tôi đã thử và thấy mạch truyện dịu đi rất nhiều. Ngôn ngữ đánh lừa chúng ta thâm sâu và hiểm độc như thế đấy.
2. Anh và hắn
“Anh từ đâu đến…” Tôi hỏi anh. Có vẻ ban đầu tôi định nói “Anh từ đâu đến, hay chỉ tình cờ đi qua đời em”. Do ngôn từ xắp xếp vừa xong, tôi đã nhận ra độ “sến” hơi nặng nên bỏ lửng. Phần ngập ngừng nén lại ong ong trong đầu, như thể tôi đang tự hỏi mình.
“Anh từ biển” – Anh nói với một chút trầm ngâm.
Biển chiều nhiều mây. Sóng bạc đầu đuổi nhau. Một chiếc thuyền đánh cá nhỏ cắm sào nghỉ ngơi cuối tầm mắt. Nó không quá bé để ta ví von như xác lá dật dờ trên mặt nước, không quá lớn để thành chiếc võng thư nhàn đang đong đưa giữa bầu trời.
“Em không tin?” – Anh cười vang rồi giơ một bàn tay ra hiệu hãy chờ. Anh đi về phía biển, đi sâu vào biển. Anh biến mất khỏi ánh mắt tôi chừng bốn mươi lăm giây, bằng chiều dài hơi lặn của một người bình thường. Vọt khỏi mặt nước, anh ào chạy đến tôi. Tôi bật ngửa ra cát vì bị anh dụi cái đầu ướt mèm vào ngực, vào bụng. Tôi nhột nên kéo khuôn mặt anh lên. Nụ hôn mằn mặn. Anh thì thào “Anh yêu em biết chừng nào!”. Thế rồi anh động cỡn, bế xốc tôi, vừa chạy dọc bãi biển vắng vừa gào thét “Anh yêu em… Anh yêu em…”.
Lúc ấy tôi tin đúng là anh đến từ biển. Biển xa mà núi thì gần. Nghịch lý thị giác ấy tôi cũng biết. Tầm nhìn xa trên biển chỉ hơn mười cây số nhưng cách Vũng Tàu năm mươi kilomet bạn đã thấy núi ở bên cạnh.
*
Đêm xuống rất nhanh. Hàng dương sâm sẫm. Những chớp đèn ngoài khơi, xa hút như sao trời. Lâu lâu mới có một con tàu lớn băng ngang. Anh chỉ cho tôi đèn mạn màu xanh và đỏ, đèn cột, đèn mũi… Anh dẫn giải tỉ mỉ cách nhìn đèn để biết hướng tàu chạy.
Sương bắt đầu xuống, tôi ớn lạnh khi thì thầm với anh rằng anh sẽ bỏ chạy một mình nếu cướp xuất hiện chứ. Anh cười toáng lên. Anh bảo tôi đừng bao giờ đặt những câu hỏi đã có sẵn trả lời. Anh kể đêm Noel nọ, đứa em út anh bị dí dao trên cầu Sài Gòn. Chú chàng nhanh tay rút chìa khóa xe máy và ù té ngay, mặc cô bồ lóng ngóng chưa biết xử trí thế nào. Hiện nay cô gái kia đã là em dâu anh. Anh bồi thêm chuyện thứ hai: Bạn trai anh dẫn người yêu vào rừng thông Đồ Sơn mùa đông. Chưa bi bô xong tình huống giả định múa võ cứu người đẹp thì ma cô đến. Cặp tình nhân đành líu ríu lộn hết túi áo túi quần mời chúng lấy tiền và năn nỉ xin lại giấy tờ tùy thân. Đôi ấy cuối cùng cũng hạnh phúc và thành đạt.
Mặc anh tránh né, tôi vẫn muốn truy bằng được cách anh định xử trí. Anh bảo trong tình huống ấy tôi phải bình tĩnh, anh sẽ lôi kéo sự chú ý của bọn lưu manh để tôi bỏ chạy trước. Nhất thiết mỗi người một phía, la hét cầu cứu liên tục…
Anh tỉnh táo quá. Tỉnh táo như một triết gia. Tôi biết đêm nay nàng trinh nữ tôi không có gì để lo, dẫu phải dùng tay anh làm gối trong ngôi nhà rông chúng tôi thuê cạnh biển.
Tôi rúc vào lòng anh. Sóng ngoài kia rì rào mãi bản tình ca dang dở. Anh cũng không ngủ. Gần sáng anh đoán gió chắc đang đổi hướng. Biển êm. Anh bảo anh nghe được hạ âm tưng tức của sóng lừng sắp hình thành.
Tôi bất ngờ có cảm giác an toàn như từng ở bên hắn. Tôi biết anh hơn hắn ở chỗ đã làm tôi rung động. Tôi trèo lên người anh, hôn từ mắt xuống môi, xuống cổ. Anh luồn tay qua áo ngủ xoa lưng tôi, thì thào những lời yêu lịm ngọt.
“Anh sẽ suốt đời cho em cảm giác an toàn như thế này nhé” – Tôi gần như van xin anh.
“Anh không phải một vị thánh. Anh từng trải và kiềm chế được tính dục vì như em biết anh đã một lần đổ vỡ” – Giọng anh đều đều – “Cái gì của anh sẽ là của anh. Khi đến với em, anh cũng đâu mong gặp được một người con gái hoàn hảo”.
*
Về nhà sau chuyến đi chơi biển xa ấy, tôi bắt đầu mơ về một đêm tân hôn huyền diệu. Tôi viết tay tặng anh một đoạn Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Đã cho vào bậc bố kinh
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Ra tuồng trên bộc trong dâu
Những con người ấy ai cầu làm chi
Phải điều ăn xổi ở thì
Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày
Gẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi – Trương.
Mây mưa đánh đổ đá vàng,
Quá chiều trước đã chán chường yến anh.
Trong khi tựa cánh liền cành,
Mà lòng rẻ rúng đã trình một bên.
Mái tây để lạnh hương nguyền,
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.
Anh cẩn thận kẹp tờ giấy học trò có kẻ ô ly nhạt vào giữa một quyển sách dầy chưng trong tủ. “Chính em sẽ làm khổ em thôi” – Tôi không hiểu anh muốn nói gì.
Bên anh tôi lại bất an. Càng bất an tôi càng muốn gần anh. Tôi ngửi được và thích ngửi cái mùi đàn ông đặc trưng trên da thịt anh. Nó chứa nam tính một cách rõ ràng, (lại) hơn hắn. Nếu định nghĩa tình yêu là giá trị gì đó ngoài xác thịt thì tôi yêu hắn chứ không hề yêu anh. Hắn đến với tôi khi tôi bắt đầu trở thành thiếu nữ. Bao nhiêu mùa xuân cứ trôi, hắn vẫn chẳng vượt qua những nụ hôn thiếu lửa. Thiếu lửa, nhưng tôi chết cháy trong niềm khát khao trở thành đàn bà.
Rồi anh xộc đến. Anh là một con công trống lão luyện. Anh biết tôi thích vũ điệu nào. Tôi kể về anh cho hắn nghe. Hắn không chúc tôi hạnh phúc và cũng không muốn giật tôi trở lại vòng tay hắn. Tôi cay đắng nhận ra hắn là đàn ông nhưng không phải giống đực, ít nhất là ở ham muốn. Trong nền văn hóa của đất nước tôi, khi nói về giới tính, người ta nói về “giới tính xã hội” hơn là “giới tính sinh học”. Ngôn ngữ của chúng tôi rành mạch đến độ thiếu hụt, không có giống trung, không có giới tính thứ ba.
*
Một hôm tôi bảo với anh từ nay thi thoảng tôi sẽ ngủ lại căn hộ độc thân một giường của anh. Anh mở tủ đưa tôi quyển sách dầy cộp kẹp giữ đoạn thơ Kiều. Hóa ra đây là tuyển tập các gương phụ nữ tiết liệt, nghĩa tháo, trung trinh, lay động muôn đời. Hơn nửa số truyện dịch từ sách Tàu. Có cả ảnh không ít miếu thờ, sắc phong triều đình nêu gương “trinh liệt nữ thần”. Hàng ngàn năm, biết bao nhiêu câu chuyện người ta cho là cảm động.
“Bây giờ em mới hiểu, không ít quyển sách nên bị đốt. Đốt sách chưa chắc là tội ác.” – Tôi cực đoan một cách độc địa.
Anh bật nhạc. Dàn máy nhiều đèn chỉ thị, nút điều chỉnh nào cũng có đèn, bộ lọc tần số nhấp nháy hàng chục cột từ thấp đến cao. Căn phòng tối bỗng biến thành một góc trời đầy sao. Nhạc Văn Cao và Phạm Duy, những nét Đường thi đẹp mê hồn lấp lánh trong ca từ. Tôi không thích Trịnh Công Sơn của Sài Gòn ba trăm năm, dù hát thơ cũng là một nghệ thuật đáng trân trọng.
Tôi thực sự chưa hiểu tại sao mình chẳng chút e thẹn khi khỏa thân lần đầu tiên bên một người đàn ông. Vì màn đêm đồng lõa chăng? Tôi ôm anh thật chặt. Chiếc linga căng đầy tự tôn, nóng rẫy áp vào đùi tôi. Ông Tứ Tượng từng lấy dương vật làm cầu tạm. Bà Nữ Oa đã sưởi ấm đoàn nhà trai rước dâu ướt lạnh bằng âm hộ của mình. Người Chăm xem sự hòa nhập giữa Yoni và Linga làm nên biểu tượng sáng tạo và sinh sôi của thần Siva, làm nên vẻ đẹp tôn giáo.
Anh trốn chạy tôi và trốn chạy chính anh. Anh nghĩ chưa chắc chúng tôi sẽ gắn bó với nhau trọn đời. Anh là người đốt lửa nhưng không muốn tôi biến thành thiêu thân? Anh dùng một phạm trù đạo đức để chế ngự tự nhiên, trong khi tôi tự nhủ nếu hôm nay tôi không thành đàn bà thì anh không phải người tôi tìm kiếm.
Đêm hẵng còn dài. Hơi thở của anh không thể liền lạc. Nó ứa ra từ những kẽ nứt của thời gian và sự thinh lặng. Cẳng chân anh giống cẳng chân tôi một cách kỳ lạ, như tôi và anh là anh em ruột, như anh chính là tôi và ngược lại.
Bỗng nhiên hắn từ đâu nhảy xổ vào óc tôi. Hắn nói anh không phải là hắn. Anh chỉ là một phần mà tôi mong đợi ở hắn. Muộn quá rồi. Anh đã trườn lên người tôi. Vết đâm buốt óc. Bên dưới của kìm nén là cuồng nộ và mạnh bạo. Tôi cắn môi để khỏi bật khóc. Nước mắt rát đắng.
*
Và tất nhiên, cuối cùng tôi phải chia tay anh. Tôi không thể lên giường với anh và tưởng nhớ đến hắn, mường tượng sự êm ái và nhẹ nhàng nếu hắn là anh.
Từ đó tôi thường tự giới thiệu với xã hội là tôi đã có một đời chồng. Tôi nhắc đến anh làm gì. Tôi muốn nói về tôi. Tôi phát tín hiệu rõ ràng cho tất cả những quí ông mon men xung quanh mình. Có như vậy họ mới thôi suy già đoán non, ao ước, mong đợi nơi tôi một cô gái không khiếm khuyết, tối thiểu là ở khía cạnh bóng bẩy truyền thống.
Tôi không có lý do trách cứ anh. Trong truyện ngắn này tôi bắt buộc phải gọi một trong hai nhân vật nam là hắn. Để tránh nhầm lẫn, đơn giản chỉ thế thôi. Bạn đọc đừng lần theo lối mòn, hãy thoát ra khỏi nhà tù khái niệm, hãy xem “hắn” là một danh từ chỉ ngôi thứ ba bình thường. Hoặc nếu không thích, bạn có thể thay “anh” bằng “hắn” và “hắn” bằng “anh” tại các ngữ cảnh gián tiếp, với vài thủ thuật vi tính văn bản. Bạn thấy không, mạch truyện đã dịu đi rất nhiều. Ngôn ngữ đánh lừa chúng ta thâm sâu và hiểm độc như thế đấy.
Thảo Điền , 24.2.2008