Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.178
123.148.784
 
Hương hoa móng rồng
Trần Kỳ Trung

...Trước khi ra về, vợ đưa cho ông chiếc phong bì đựng tiền, bà còn dặn dò rất cẩn thận:

-Tôi về nhà chuẩn bị bữa liên hoan mừng cho ông qua cơn bạo bệnh. Đây là chiếc phong bì năm trăm ngàn đồng, tiền bồi dưỡng cho cô ấy. Chẳng gì cô ấy vừa trực tiếp cứu chữa, chăm sóc  lại vừa lấy máu của mình tiếp cho ông. Bây giờ có người Bác sỹ tốt như vậy là quý lắm...

 

Vợ ông còn nói thêm nhiều điều nữa, nhưng lúc này hình như tai ông cứ như bùng nhùng không nghe thấy gì. Khuôn mặt người nữ Bác sỹ trực tiếp cứu chữa cho ông cứ như ẩn, như hiện. Hình như khuôn mặt của người nữ Bác sỹ này rất quen với ông.  Nhất là ánh mắt của người nữ Bác sỹ ấy cứ đau đáu như bắt ngươì ngồi đối diện phải nhìn rõ sự thật. Nhất định! - trong suy nghĩ, ông khẳng định- Mình đã gặp ngươì nữ Bác sỹ này ở đâu rồi.

 

...Để gói tiền bên cạnh chỗ ông ngồi, ra đến tận cửa, vợ ông vẫn không quên nhắc lại:

- Lát nữa người nữ Bác sỹ vào khám lại ông lần cuối, trước khi ông ra viện,  ông phải mời bằng được cô ấy về nhà mình dự bữa cơm liên hoan chiều nay.Ông nói khéo để cô ấy nhận chiếc phong bì tiền này, chứ không tôi áy náy lắm...

 

trả lời, cũng không gật đầu với vợ, ông vẫn ngồi lặng lẽ. Trong ông lúc này vẫn là khuôn mặt của người nữ Bác sỹ mà ông đang cố nhớ. Trong sâu thẳm, ông có huy động tất cả các nơron thần kinh để gợi lại mọi kỷ niệm.

 

Chợt ! Ông " À" lên một tiếng, quả là trí nhớ của ông cũng chưa đến nỗi nào ! Người nữ bác sỹ vẫn chăm sóc, chữa bệnh cho ông bấy lâu nay là con bé Tám, cháu nội bà Năm. Đôi mắt của người nữ Bác sỹ ấy giống y như đúc đôi mắt bà Năm, chẳng lẫn vào đâu được.

 

Một hình ảnh xa xưa vụt đến trong ông.

...Hôi đó gia đình bà Năm là cơ sở hoạt động bí mật do ông gây dựng. Hai bà cháu âm thầm nhận những công việc của ông trực tiếp giao như tra số lượng lính, vũ khí... của đối phương, chuyển tài liệu ra vùng giải phóng...Căn hầm giấu ông, hai bà cháu bí mật đào ngay dưới bệ thờ chồng bà. Trong căn hầm nhỏ hẹp đó lúc nào cũng thoang thoảng hương hoa móng rồng. Bà Năm giải thích :"...Có hương hoa móng rồng, hầm bớt muỗi, nó còn làm lạc hướng chó đánh hơi. Hoa móng rồng còn là vị thuốc chữa bệnh thấp khớp. Chú nằm hầm cả ngày dễ mắc chứng bệnh đó lắm.". Tính cẩn thận,  chu đáo của bà Năm , hương hoa móng rồng và ánh mắt của bé Tám, lúc ấy nó mới hơn mười tuổi, mỗi lần  nó xuống hầm đưa cơm cho ông, có một thời ông rất nhớ.

Một hôm, hình như có điệp báo, cơ sở bà Năm bị lộ. Chúng vào nhà lôi bà Năm ra đánh đập, trong hầm lúc đó có ông và bé Tám. Trên miệng hầm, phía ngoài sân bà Năm bị tra tấn ác liệt, tiếng đấm, tiếng đá, tiếng tra khảo dội xuống hầm, ông và bé Tám nghe rất rõ. Bé Tám cắn chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc, còn ông phải kìm lại nỗi căm thù. Bà Năm bị đánh đau như thế nhưng nhất quyết không khai ra hầm bí mật. Cuộc tra tấn kéo dài của lũ " mặt người dạ thú ", không moi ra được ở bà Năm những điều chúng cần tìm. Ngoài tiếng roi quật, tiếng đấm, tiếng đá... là tiếng trả lời của bà Năm :"... Nhà tôi không có hầm bí mật..."."...Tôi không biết ..."." ...không biết...". Một lúc sau ông và bé Tám nghe thấy tiếng nói có lẽ của một thằng lính:" Báo cáo trung uý, con mẹ già này sắp chết rồi...".  Tiếng thằng trung uý đáp trả lại:" Đ... mẹ, con mẹ già gầy thế mà gan.! ". Một phát súng nổ làm cho ông và bé Tám cùng giật mình. Mắt con bé Tám mở trừng trừng, lạ nhất lúc đó nó không khóc. Hai chú cháu ôm chặt lấy nhau, lòng căm thù nén lại.

 

Đến chiều cầm chắc bên đối phương đã rút đi, ông và bé Tám đội hầm lên. Xác bà Năm nằm đó, một vạt đất thấm máu đỏ.

Từ đó bé Tám thay bà Năm làm những việc ông giao.

Chuyện mới đó xảy ra đã hơn hai chục năm.

 

Sau ngày đất nước được thống nhất, hoà bình. giữ trọng trách lớn, việc lại nhiều... cũng đôi ba lần ông định ghé thăm gia đình bà Năm, hỏi thăm cuộc sống của bé Tám. Dự định là như thế, cuối cùng ông cũng không thực hiện được. Đến lúc ông về hưu thì trong người phát bệnh, không đi  đâu được,  trí nhớ lại tệ, lúc nhớ, lúc quên, thành ra...

 

Cũng còn may, không ngờ ông gặp lại bé Tám, nay nó đã trở thành người  Nữ bác sỹ chăm sóc, chữa bệnh cho ông bấy lâu nay.

 

Cùng lúc đó người nữ Bác sỹ bước vào điều trị, thấy ông có vẻ khoẻ mạnh, nét mặt của cô mừng rỡ.

- Trông nét mặt của chú, cháu biết bệnh tình đã đỡ nhiều. Nhưng trước khi ra viện, cháu phải khám lại cho chú. Nghe cô nhắn cháu vào gặp chú, có việc gì không, chú ?

Ông cười rất tươi, nhìn trìu mến người nữ Bác sỹ, rồi lấy tay kéo nhẹ người nữ Bác sỹ ngồi xuống cạnh mình, giọng cảm động:

- Gặp cháu là chú nhận ra ngay, hồi chống Mỹ bà cháu đã cứu chú, lần này lại đến lượt cháu.

 

Người nữ Bác sỹ nhìn ông cười ngượng nghịu:

-Thế mà cháu tưởng chú...quên.

- Chú quên thế nào được - ông vỗ vai người nữ bác sỹ - Thấy cháu là chú nhận ra, có điều vừa rồi do ...người mệt, chưa nói được nhiều với cháu - Giọng ông có vẻ quan tâm - Vậy cháu trở thành Bác sỹ từ hồi nào mà không tin cho chú hay?

- Lần chú không cho cháu vào gặp chú đó!

Ông nhăn trán, con mắt đưa đẩy có phần lạ lẫm:

- Lần nào hè !

- Năm đó cháu tốt nghiệp phổ thông , trên có tiêu chuẩn ưu tiên thi đại học nếu trong gia đình có người là liệt sỹ.Việc Nội hy sinh, chỉ có chú là biết được. Mấy ông lãnh đạo xã nói với cháu, nếu có sự xác nhận của chú thì Nội sẽ được công nhận là liệt sỹ. Cháu lên thành phố, các chú công an gác cổng không cho vào. Nói mãi mới gặp được anh thư ký của chú. Sau khi nghe cháu trình bày, anh thư ký liền nói : " Bây giờ chú rất bận, việc này để anh ấy trình lại cho chú, rồi trả lời cho cháu sau...". Cháu đã để lại địa chỉ, về nhà đợi mãi, không thấy chú trả lời mà thời gian nộp hồ sơ thi Đại học không còn nhiều.Cháu nghĩ:" Bây giờ chú bận toàn việc đại sự.Việc cỏn con này, tự mình cũng lo được.". Cháu quyết tâm thi bằng được vào đại học. Kết quả như bây gìơ chú thấy.

 

Nghe lời người nữ Bác sỹ kể, ông tự trách thầm, những chuyện nhờ vả xác nhận như vậy, hồi ông còn đương chức, nó xảy ra vô vàn, không ít chuyện làm cho ông bực mình. Nên ông không nhớ là phải. Ông nói với người nữ Bác sỹ như người có lỗi:

- Chú xin lỗi về việc đó, có thể do chú sai sót. Giờ đây chú cháu mình gặp lại, chú mừng lắm.

- Cháu cũng vậy, thấy chú qua được cơn bạo bệnh, cháu cũng rất mừng.

Ông rút trong túi chiếc phong bì đựng tiền của vợ đưa,  rồi nhìn người nữ Bác sỹ, nói cân nhắc:

- Cháu chăm sóc chú quá chu đáo, vợ của chú muốn gửi cho cháu một ít tiền gọi là " bồi dưỡng" chứ không phải tiền " công cán" gì. Tình cảm giữa chú và cháu, cháu cứ nhận,  đừng có ngại.

 

Người nữ Bác sỹ khẽ khàng từ chối:

- Cháu chữa bệnh không riêng gì cho chú, mà còn chữa bệnh cho nhiều người khác phải làm thật tốt. Cô, chú đừng áy náy, vì đó là lương tâm, trách nhiệm của cháu...

- Cháu đã lấy máu của mình tiếp cho chú.

- Người Bác sỹ nào trong trường hợp của cháu cũng sẽ làm như thế.

 

Biết khó có thể bảo cô ấy nhận phong bì tiền và quả thật trong thâm tâm, ông cũng thấy việc làm như vậy, nó thế nào ấy !!! Ông cất lại phong bì tiền vào túi, cầm tay người nữ Bác sỹ:

- Cháu chăm sóc chú như thế này, gia đình chú cảm động lắm. Chiều nay chú ra viện, tiện thể có ô tô của thằng con trai đến đón, chú muốn mời cháu về nhà chơi cho biết nhà. Cháu thấy có được không ?

 

Ông chờ đợi sự đồng ý của người nữ Bác sỹ, dẫu thế người nữ Bác sỹ lại từ chối:

- Cháu cảm ơn cô, chú! Nhưng hôm nay xin phép cô chú, cháu không thể đi được!

- Vì sao thế ?

- Vì cháu có việc bận.

- Bận mấy thì bận, chẳng lẽ cháu không thể thu xếp sau giờ làm việc sao? Chú sẽ bảo thằng con trai cho xe chờ cháu - Ông nài nỉ.

- Không được chú ạ! Vì ngày hôm nay là ngày giỗ của NỘI - Người nữ Bác sỹ nói, giọng nhỏ lại, ánh mắt thoáng buồn.

 

Đến lúc này ông mới để ý trong tay người nữ Bác sỹ cầm một chùm hoa móng rồng.

Hương hoa móng rồng thơm bay thoang thoảng./.

Trần Kỳ Trung
Số lần đọc: 2499
Ngày đăng: 23.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làng Bạch Ngưu - Phùng Phương Quý
Cô Tấm và Quả thị - Đỗ Ngọc Thạch
Cặp truyện ngắn sinh đôi - Trương Thái Du
Người đàn ông cùi - Nguyễn Minh Phúc
Người đàn bà và cái tổ sẻ ri - Vũ Minh Nguyệt
Chim chào mào - Nguyễn Khắc Phước
Thiên nga trắng. - Văn Xương
Một đêm ở quê nhà… - Mang Viên Long
Nữ võ sĩ huyền đai - Đỗ Ngọc Thạch
Lilia Nguyễn ở thành Rome - Minh Thuỳ
Cùng một tác giả
Người đánh trống (truyện ngắn)
Bằng di tích (truyện ngắn)
Đọp-nhà thơ (truyện ngắn)
Lầm lẫn (truyện ngắn)
Chỉ tại con ruồi (truyện ngắn)
Chuyện của Cậu tôi (truyện ngắn)
Lõm to (truyện ngắn)
Mẹ (truyện ngắn)
Hương hoa móng rồng (truyện ngắn)
Bài văn tả…! (truyện ngắn)