Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.269
123.156.264
 
Bềnh bồng sông nước miền Tây
Huỳnh Kim

Giao thương nào phải chỉ là chuyện đi ra ngoài bán buôn mà còn là rủ người ngoài vào buôn bán. Xin kể chuyện của Ben và Ánh, cặp vợ chồng Việt – Pháp với “ba chị em” du thuyền mang tên dòng sông Hậu và hai nhà hàng trên bến Ninh Kiều…

 

 

- Công ty TNHH Xuyên Mê-kông – Trans Mékong – một cái tên rất Việt - Pháp và ý tưởng kinh doanh cũng rất miền Tây, đúng không?

Ben chìa danh thiếp, nói tiếng Việt giọng dí dỏm. Nguyệt Ánh liếc chồng:

- Lúc còn ở Hà Nội, Ben đã vẽ hình một chiếc du thuyền.

Ben tiếp lời vợ:

- Tới năm 1977 về Cần Thơ, mình đã mơ ước ngày nào đó được sống trên một chiếc du thuyền.

           

Bây giờ, hai vợ chồng đang thỏa ước mơ. Bên bến Ninh Kiều thơ mộng, họ mở hai nhà hàng mang tên Nam Bộ và Sao Mai với phong cách ẩm thực xen kiểu Nam bộ và kiểu Pháp. Nhà hàng Sao Mai nằm gọn trong chợ cổ Cần Thơ, một ngôi chợ do Pháp xây từ hơn 100 năm trước. Chỉ vài bước chân xuống bến tàu trước mặt là gặp “ba chị em” du thuyền mang tên Bassac, tên dòng sông Hậu ngày xưa. Đó là ba chiếc thuyền gỗ đen bóng, lâu lâu về đây neo đậu chờ đưa đón khách đi chơi qua nhiều tỉnh đồng bằng. Cách đó vài khu phố là văn phòng Công ty Xuyên Mê-kông. Vài bước vào con hẻm gần văn phòng trên đường Ngô Quyền, là tổ ấm của Ánh và Ben, với ba cô con gái nhỏ và ông bà ngoại.

- Vì sao anh chị đặt tên du thuyền là Bassac? - Tôi hỏi. Ben lại nói tiếng Việt làu làu:

- Nó mang cái hồn sông nước miền Tây Nam bộ. Nó cũng mang cái hồn của một chiếc thuyền chài miền Tây.

           

Không phải đi xa, Ben thuê xưởng đóng tàu Hiệp Lợi bên Xóm Chài đối diện bến Ninh Kiều đóng chiếc “thuyền chài” đầu tiên. Ben giải thích:

- Phòng nghỉ và mọi bài trí của thuyền đều bằng gỗ, cả những chiếc đèn lồng cũng được chạm khắc gỗ có hoa văn chữ Thọ và chữ Triện.

- Có vẻ ấm áp gia đình quá! - Tôi nói. Ben cười lúm cái đồng tiền:

- Nhưng nó phải biết “giao thương quốc tế”, tức là không làm cho du khách nước ngoài thấy quá xa lạ khi đi chơi với nó trên sông nước miền Tây.

           

Rồi anh lấy thí dụ, lắp ổ điện phải tiện tay khách, đường dây điện, bố trí máy, vô-lăng, hệ thống nước uống, nước lạnh, máy lạnh… phải tạo tiện nghi cho khách và phải an toàn, có cách âm, cách nhiệt, chống cháy.

           

Vợ chồng Ben tin là du khách nước ngài sẽ về với miền Tây ngày càng nhiều hơn, vì theo lời Ben: “Sông nước ở miền Tây thanh bình và đẹp mê hồn”. Công ty Xuyên Mê-kông đang hợp tác với nhiều hãng lữ hành để đưa du khách từ bến Ninh Kiều bềnh bồng sóng nước sông Hậu, sông Tiền, qua Trà Ôn, Cái Bè, lên Mỹ Tho, về Long Xuyên, Châu Đốc… và sẽ có ngày sang cả Campuchia. Tới tháng 2-2009, giá cả các tour này như nhau, 204 USD cho một người đi hai ngày, một đêm. Tất nhiên đi càng đông thì giá càng giảm. Nhưng cũng không đông lắm, chiếc Bassac “chị Hai” chỉ đón 12 du khách, “hai cô em gái” kia thì mỗi chiếc đón 24 khách.

           

Nhìn xa xa, “chị Hai Bassac” có dáng giống chiếc ghe bầu gốc Cần Đước của giới thương hồ miền Tây. Vợ chồng Ben đã “thổi cái hồn kinh doanh” vào thành chiếc du thuyền ba tầng, có sáu phòng ngủ đôi, phòng đọc sách, phòng xem phim, nhà hàng; có bếp nấu ăn riêng để mở những tour dạy nấu ăn kiểu Nam bộ mà hai nhà hàng trên bến Ninh Kiều lo phần “chủ xị”. Nguyệt Ánh giải thích về khoản này:

- Du thuyền lo phục vụ khách những món ăn đặc sản của miền Tây, nhất là các món cá và tôm nước ngọt.

           

Ben bổ sung:

- Khách cần sẽ có thêm thuyền kayak và xe đạp để ai thích thì bơi kayak trên kênh rạch hoặc lên bờ chạy xe đạp trong thôn xóm miền Tây.

           

Nói rồi, Ben sửa kính cận, nheo mắt “chốt lại” ý tưởng kinh doanh của mình:

- Muốn khám phá hết tính chân thực của đồng bằng sông Cửu Long, phải đi bằng tàu vì đặc sản của vùng này là giao thương sông nước.

 

*

Ben là tên Việt. Ít ai ở Cần Thơ còn nhớ rõ tên thật của anh là Benoit Berdu. Cũng ít người biết ông Tây vui tính dễ thương này quê gốc Normandie, tận miền Tây Bắc nước Pháp, đã từng đến Paris học kỹ sư cơ điện. Mà thời sinh viên, anh lại khoái học tiếng Hoa, tiếng Nhật và khi đi làm thêm ở thư viện Diên Hồng của cộng đồng người Việt ở Paris thì lại mê tiếng Việt. Thế là năm 1992, tốt nghiệp đại học, anh khoác ba lô sang Hà Nội để “khám phá Việt Nam”.

Bây giờ, thỉnh thoảng dân Cần Thơ hay gặp Ben ghé ăn phở Minh ở đường Huê Viên, nơi có nhiều bóng cây hoàng hậu. Có vẻ mắc cỡ, Ben nói:

- Nó luôn gợi nhớ phố ăn uống Cấm Chỉ ở Hà Nội.

 

Nguyệt Ánh lại liếc chồng:

- Ở đó bọn em có nhiều kỷ niệm.

 

Rồi chị kể, hồi còn là sinh viên sư phạm ngoại ngữ ở Hà Nội, chị cùng một nhóm bạn, tối đi làm thêm tại quán Café Paris, hay gặp anh chàng “Tây mắt kiếng” làm việc cho tập đoàn xây dựng GEC Alsthom. Lạ là anh chàng này tối nào cũng ghé quán và cứ thích rủ Nguyệt Ánh đi ăn phở phố Cấm Chỉ.

- Sợ lắm, không dám đi một mình, phải rủ thêm đám bạn.

 

Nguyệt Ánh cười, còn Ben thì hài hước:

- Tán tỉnh một người nhưng phải rủ mười người đi ăn cháo cá Cấm Chỉ suốt hơn hai năm trời.

Và rồi vào mùa xuân năm 1996, họ làm đám cưới. Tới cuối năm 1997, anh hai chị “thiên di” vào Nam với “hai chú chim non bé bỏng”, Ngọc Sương 16 tháng tuổi và Thiên Nga mới hai tháng tuổi.

- Chỉ vì ước mơ được sống như phù sa sông nước miền Tây.

Ben lại ví von như vậy. Và anh đã làm tổng giám đốc liên doanh Total Gaz Cần Thơ bốn năm, sau đó thêm một năm làm giám đốc chi nhánh Groupama, một công ty chuyên về bảo hiểm nông nghiệp của Pháp tại Việt Nam lúc ấy. Ben nói:

- Tất cả sự khởi động đó là để thực hiện ước mơ làm du thuyền Bassac để được bềnh bồng trên sông nước miền Tây.

 

Nom hai vợ chồng Việt – Pháp này có vẻ ăn ý với nhau quá, tôi cố tìm một câu hỏi tế nhị để nghe họ chia sẻ. Cả hai đều nhẹ nhàng kể, họ đồng cảm với nhau trong những chuyện tưởng chừng khó hòa nhập hết mình bởi cội nguồn văn hóa khác nhau. Tỷ như chuyện chỉ một mình Ben là người Pháp sống chung với một gia đình Việt có lúc đông tới tám người. Ben nói:

- Ở bên Pháp không như vậy, nhưng ở đây Ben sống rất thoải mái vì tính Ben rất cởi mở, đó là cách sống hòa thuận.

 

Anh lại hài hước:

- Từ người nước ngoài, giờ mình đã trở thành người nước trong, gạo trắng mất rồi!

Tôi hiểu Ben chơi chữ, vì Cần Thơ nổi tiếng câu ca dao: “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi tới đó lòng không muốn về”. Còn chị Ánh thì nói:

- Ánh thích sống thiệt tình. Mà đất miền Tây, đất Cần Thơ này dễ chịu lắm. Nó làm cho mình cảm thấy thanh bình trong cuộc sống.           ./.

 

Trên du thuyền Bassac Ảnh: Benoit Berdu

Huỳnh Kim
Số lần đọc: 2901
Ngày đăng: 25.02.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cánh cò trên đảo Đình Vũ - Khải Nguyên
Miền gốm cổ Gò Sành- 1. - Sương Nguyệt Minh
Miền gốm cổ Gò Sành- 2. - Sương Nguyệt Minh
Một thoáng Yên Báy - Khải Nguyên
Nơi phía tây bắt đầu - Ngô Kế Tựu
Anh Ba Xuân - Huỳnh Kim
Mùa xuân Biên giới - Phạm Minh Hoàng
Tình Ca - Ban Mai
Năm Thánh Đức Mẹ TàPao 2009 : Ngày hành hương dành cho giáo sĩ. - Nguyễn Hữu An
Nghĩ từ chuyện giải oan cho Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Nguyễn Hoàn
Cùng một tác giả
Hàn vi (thơ)
(thơ)
Xa nhau (thơ)
Đêm (thơ)
Thu (thơ)
Nuôi cu (thơ)
Cánh Bướm nâu (truyện ngắn)
đất (thơ)
(thơ)
Đây là Scotland. (lịch sử)