Tấn đi dọc theo dãy kệ chất đầy thực phẩm khởi đầu từ gian bánh kẹo, trái cây khô, cà phê, sữa, bột, đậu, đường, đồ hộp… để kiểm xem hàng hóa có bị khách mua hàng chuyển dịch lộn xộn khi đổi ý không mua món hàng mà họ thuận tay lấy trên kệ này bỏ sang kệ khác. Mọi thứ có vẻ ngăn nắp, chỉ vài ba món thay đổi vị trí nhưng cùng trên một dãy nên không mất thời gian nhiều lắm. Công việc này thấy đơn giản vậy mà nhiều lúc cũng mệt hoa cả mắt. Tấn phải mất hơn ba tháng mới làm quen được cái việc đơn giản này. Rồi, sau khi đã quen với những cái tên nhãn mác, hình dáng gói sản phẩm, anh chỉ cần nhìn qua một lượt là phát hiện ra được món nào ở vị trí nào. Kể từ đó, anh được nhận làm việc chính thức, có bảo hiểm, ngày phép đàng hoàng. Mỗi ngày tám tiếng đồng hồ anh cứ đi hết dãy này đến đến dãy kia trong ngôi chợ Sak’n Save rộng thênh đầy ắp hàng hóa với chiếc xe đẩy, nhặt những thứ khách hàng vứt lung tung xếp lại cho đúng vị trí. Sau ba năm chăm chỉ làm việc ở các khâu kiểm hàng, anh được cất nhấc lên làm tổ trưởng khu hàng thực phẩm khô và tươi sống.
Trong tổ anh có cả thẩy bốn nhân viên, công việc do anh cắt đặt mỗi ngày mỗi người một việc. Người thì đi chỉnh trang sắp xếp hàng, người chịu trách nhiệm vào kho mang hàng bổ sung lên kệ, hai người thì xách máy scan mã số hàng cập nhật số lượng hàng và giá cả của khu hàng thực phẩm. Tấn không làm gì, chỉ đi tới đi lui theo dõi hàng hóa mỗi ngày và viết bản báo cáo nộp lên cho tay quản lý trước giờ nghỉ làm ba mươi phút.
Ba tháng trước đây, hai nhân viên tổ anh bị cho nghỉ việc vì tình hình doanh thu trong năm vừa qua giảm sút đáng kể do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Chính anh đã đưa tên hai nhân viên trong tổ anh lên cho tay quản lý quyết định. Việc này làm anh cảm thấy khó xử vô cùng! Ai cũng làm việc tốt, biết chọn ai đây? Nhưng không còn cách nào hơn. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh, thu nhập của từng cá nhân và các thành viên gia đình của họ, anh quyết định chọn ra hai người độc thân đưa vào danh sách. Xét cho cùng, người độc thân dễ xoay sở kiếm việc làm hơn những người đã có gia đình và con cái còn nhỏ. Họ cần thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Thời buổi kinh tế eo xèo như thế này, đi xin một việc làm hoàn toàn không dễ chút nào. Tiền trợ cấp thất nghiệp cũng chẳng bao nhiêu, nhưng với người độc thân, thì chuyện nghỉ đi kiếm việc nơi khác dù sao cũng dễ chịu hơn những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nghĩ vậy, Tấn đi gặp tay quản lý trình bày lý lẽ của mình. Tay quản lý lạnh lùng nói:
- Sao cũng được, miễn là cắt hai nhân viên trong tổ anh. Tôi chỉ quan tâm đến con số nhân sự phải cắt giảm để bù vào chi phí đầu ra. À, này ông Tan, tôi lưu ý ông nên để mắt tới vấn đề mất mát hàng hóa chỗ ông phụ trách. Theo báo cáo mỗi ngày của ông đều có ghi nhận mấy vài ba món. Tuy không đáng giá bao nhiêu, nhưng ông thử tính xem mỗi ngày năm mười đô, ba tháng nay con số cộng lại khá nhiều. Và ông hãy hình dung, toàn bộ cái chợ rộng lớn này có cả thảy mười khu vực và nhiều món đồ có giá trị vài chục đô trở lên, con số mất mát còn nhiều gấp bội, đúng không?
- Vâng, thưa ông, tôi sẽ lưu ý! Tấn đáp một cách máy móc, rồi quay lưng ra cửa.
- À, ông Tan này! Sẵn tôi thông báo với ông luôn nếu trong quý tới tình hình doanh thu không mấy sáng sủa, chúng ta sẽ phải tiến hành một đợt cắt giảm nhân sự nữa. Lần này là cấp quản lý từ tổ trưởng trở lên. Tôi chưa biết chọn ai vào danh sách. Tấn nở nụ cười xã giao nói:
- Cảm ơn ông! Tôi không có ý kiến gì về vấn đề này. Tôi trở về làm việc đây. Tấn khôn ngoan, không muốn dây cà dây pháo vào chuyện không phải của mình. Lắng nghe, làm việc là thượng sách đối với cấp trên ở cái xứ này.
Trở về phòng làm việc, Tấn cảm thấy băn khoăn về những lời nói ban nảy của tay quản lý. Hắn nói ra kế hoạch của công ty dường như cố ý đe dọa mình. Thế nhưng hắn dùng chữ “chúng ta” nghe có vẻ thân thiện, dân chủ lắm. Kỳ thực muốn cho ai nghỉ việc là quyền của hắn. Không biết hắn đã thông báo chuyện cắt giảm nhân sự lần hai với những người khác chưa hay chỉ mới nói với mình. Tấn lờ mờ hiểu ra chỗ làm của mình đang bị lung lay và cũng có thể mình là người đang nằm trong tầm ngắm. Mặc, tới đâu hay tới đó, nghĩ ngợi làm chi cho mệt óc. Tấn cất bản copy báo cáo vào học tủ, đóng cửa phòng, rồi quay trở ra ngoài khu hàng hóa.
Giờ đây, công việc mọi khi của năm người chia đều cho ba người còn lại trong tổ. Rõ là sự bốc lột sức lao động của người khác nhưng Tấn chỉ dám nói trong bụng chứ không chia sẻ cùng những người trong tổ. Họ đương nhiên biết rõ, và cũng như Tấn im lặng, cật lực làm việc như những con lừa dễ bảo, không còn thời gian rảnh dành cho nghỉ giải lao, bù khú với đồng nghiệp nói dăm ba chuyện thời sự, uống nước hay ra ngoài đứng hút thuốc lá nhìn trời nhìn đất.
*
Vào một chiều thứ sáu, Tấn chuẩn bị đi lên văn phòng tay quản lý nộp báo cáo thì một người phụ nữ da trắng khoảng bốn mươi tuổi đi tới gặp anh để hỏi một đơn xin việc. Hẳn nhiên, chợ không có nhận người nữa, nhưng anh không thể nào trả lời là không theo qui định của luật lao động. Và cứ theo thủ tục, anh trở lại văn phòng lấy một lá đơn trao cho người phụ nữ ấy. Bỗng người phụ nữ lên tiếng giới thiệu tên mình một cách tự nhiên với anh để làm quen:
- Tên tôi là Sandy. Tôi bị thất nghiệp ba tháng nay rồi, tuần nào cũng đi tìm việc nhưng chưa có chỗ nào nhận.
- Thế bà có xin trợ cấp thất nghiệp chứ? Tấn không giới thiệu tên mình, hỏi thẳng vào vấn đề của người khách mới quen.
- Vâng, mỗi tuần tôi nhận được 250 đô. Hiện tôi rất cần có việc làm. Với số tiền thất nghiệp làm sao tôi có thể trả nào là tiền nhà, tiền điện, tiền nước và tiền… Số tiền mỗi tháng chi trả làm tôi điên mất ông à. Ông xem có cách nào nhận tôi vào làm việc nơi đây không?
- Tôi hiểu và thông cảm với bà. Cuộc sống thật sự khó khăn nhưng tôi chỉ có thể giúp bà bằng cách chuyển đơn xin việc lên phòng nhân sự. Tôi không có thẩm quyền quyết định, tôi cũng chỉ là một nhân viên làm việc ở đây thôi. Mong bà hiểu cho. Tình hình kinh tế lúc này ạch đụi quá, chỗ nào cũng sa thải nhân viên! Mấy tháng trước, chợ này cũng cho một số nhân viên nghỉ việc do tình hình buôn bán, như bà thấy đấy.
Tấn đưa tay chỉ vòng quanh chợ thưa thớt người mua, cố ý diễn tả cho người phụ nữ đang trò chuyện để bà ấy hiểu rằng khó mà kiếm được một chỗ làm nơi đây. Nhưng thủ tục là thủ tục, muốn nhận được trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, người thất nghiệp phải chứng minh cho cơ quan trợ cấp biết thái độ hợp tác trong việc tìm kiếm việc làm. Thật ra, nhiều người cứ đến đại đâu đó lấy cái đơn xin việc điền vào, nhận thì làm không nhận thì cũng chả sao, vì cơ quan trợ cấp yêu cầu người thất nghiệp phải chứng minh cụ thể nơi nộp đơn xin việc và số phôn để họ có thể gọi điện xác minh.
Đột nhiên Tấn thấy người phụ nữ này thật đáng thương. Đây là lần đầu tiên một người phụ nữ bản xứ không quen biết ta thán về hoàn cảnh của mình trước một người khác chủng tộc, một người Mỹ da vàng, tóc đen. Nói là lời ta thán hình như không phải cho lắm. Bà ta đang bức xúc một điều gì đó, ánh mắt xanh lơ buồn rười rượi và lời nói thoát ra một cách tự nhiên dễ khiến người mới gặp lần đầu tin tưởng. Tấn thường gặp những người đến tìm việc, chỉ cần lấy cái đơn, cắm cúi điền thông tin vội vã, cảm ơn, rồi quay ngoắc đi một nước. Nhưng bà Sandy thì khác. Mà sao phải là bà nhỉ? Tấn tự hỏi, người phụ nữ da trắng trước mặt kia chắc chắn nhỏ tuổi hơn anh nhiều.
- Bây giờ chỗ nào cũng sa thải nhân viên. Tấn nói một câu trống không và thấy lời nói thật vô duyên trong lúc này, nên anh đỡ lại lời nói “Gia đình bà chắc đang gặp khó khăn! Chồng bà có bị thất nghiệp không?”.
- Không ông xã tôi mất cách đây hai năm rồi. Một mình tôi phải nuôi hai đứa con nhỏ. Đã mấy năm nay, tôi phải sống nhờ vào sự trợ giúp thực phẩm của chính phủ.
- Ồ, xin lỗi, tôi xin chia sẻ với bà! Tấn đối thoại y như bài học tiếng Anh đã học khi xưa ở nhà trường.
- Cảm ơn ông đã quan tâm! Xin lỗi đã làm mất thì giờ của ông. Ngày mai tôi sẽ quay lại nộp đơn. Nếu không phiền, ông có thể có tôi xin số điện thoại để liên lạc.
Tấn ngần ngại khi nghe lời đề nghị này. Vì từ nào giờ anh ít khi cho số phôn riêng đối với người lạ không quen biết. Sau mấy giây chần chừ, Tấn lấy bút, ghi số điện thoại của phòng nhân sự lên lá đơn.
- Bà có thể gọi số này để hỏi xem họ có nhận bà vào làm việc không. Nếu không phiền bà ghi cho tôi số điện thoại nhà để tôi liên lạc. Tôi có quen vài chỗ, có lẽ một trong những nơi đó cần người. Lương không cao nhưng công việc tôi nghĩ phù hợp với phụ nữ hơn.
- Ông quả là người tốt bụng! Cảm ơn ông nhiều lắm! Xin chào!
Người phụ nữ đi rồi, lòng Tấn chợt dấy lên một nỗi thương cảm. Có lẽ hoàn cảnh của Sandy cũng giống như anh, một người đàn ông độc thân. Anh đã ly dị và mỗi tháng vẫn phải chu cấp tiền nuôi con cái. Tiền lương lãnh ra chi phí mỗi tháng vào các khoản , tiết kiệm lắm được một hai trăm đồng. Cà phê, nhậu nhẹt với bạn bè rồi cũng đi đứt. May là kinh tế sau ngày khủng bố nước Mỹ hồi phục nhanh, anh chỉ thất nghiệp có sáu tháng là tìm được việc làm tại ngôi chợ này đến giờ, lại có được một vị trí nho nhỏ, có thêm chút lương trách nhiệm. Tuy thế, nhiều lúc nằm vắt tay lên trán, anh vẫn mông lung nghĩ suy anh đánh đổi cuộc đời ở Mỹ như thế là quá tệ. Hai mươi năm ở Mỹ vẫn ở nhà thuê, vợ con có nhưng cũng như không. Tối ngày chúi mũi đi làm, để dành dụm được vài năm, lại về Việt Nam tiêu hết. Anh ngẫm nghĩ đến lời nói của tay quản lý, và cảm thấy hơi bất an, nếu sắp tới người thất nghiệp là anh, thì cuộc sống sẽ ra sao. Chắc chắn vẫn thoải mái hơn cái bà Sandy lạ hoắc vừa mới rời khỏi nơi này. Tấn lại nghĩ đến người phụ nữ ban nảy và đoán bà tuổi khoảng dưới bốn mươi. Có chồng, có con mà thân hình còn rất thon thả không như những người phụ nữ Mỹ khác, ở độ tuổi này thường không nở bề ngang cũng nở chiều dọc. Nghĩ lẩn thẩn một hồi, anh chợt nhớ đã hết giờ làm việc. Anh trở về phòng, chuẩn bị giấy tờ bàn giao công việc cho người tổ trưởng ca hai.
*
Tôi xin tự giới thiệu tôi là kẻ thứ ba trong câu chuyện, chẳng ăn nhập gì đến Tấn hoặc bà Sandy mà các bạn vừa đọc ở trên. Thế nhưng, trong cuộc sống lại có những khoảnh khắc bất ngờ khiến chúng tôi quen nhau trong một tình huống ngẫu nhiên và tôi trở thành bạn của Tấn. Số là: Chợ Sak’n Save đang có đợt giảm năm mươi phần trăm cho các mặt hàng, nên thu hút khá đông các bà nội trợ. Tôi không thuộc hàng các bà nội trợ thích mua hàng giá rẻ. Nhưng nghe giảm giá, tôi vội lái xe đi mua thức ăn về chất trong tủ lạnh coi như tiết kiệm được nửa số tiền thực phẩm trong tháng. Thời buổi này cắt giảm được đồng nào hay đồng nấy. Đó cũng là phương châm tiêu xài của tất cả mọi người trong thời buổi hai chữ “thất nghiệp” cứ treo lơ lửng trên đầu con người của cái xứ nào giờ người ta luôn tự hào có nền kinh tế hùng mạnh và giàu nhất thế giới.
Bãi đậu xe chật cứng, tôi chạy lòng vòng tìm chỗ. Vừa đánh vòng trở xuống phía cửa chợ thì liền bị một chiếc xe trờ tới suýt chút nữa quẹt phải. Tôi lầm bầm chửi “lái xe ngu như bò, bộ định kiếm tí tiền bảo hiểm hả?”, Chưa kịp nói hết câu thì một cái đầu phụ nữ ló chồm ra cửa, khoác tay ra dấu xin lỗi. Chiếc xe Toyota Corola đời 98 của người phụ nữ da trắng đó đậu ngay cửa chợ, trong xe còn có hai đứa trẻ ngồi ở băng sau. Người phụ nữ có vẻ vội vàng như chỉ vào chợ mua một món hàng gì đó rồi ra ngay nên không tắt máy. Tôi cũng kiếm được một chỗ đậu an toàn, thong thả đi vào chợ. Vừa đúng lúc đó, một quang cảnh nháo nhào rượt đuổi chạy từ bên trong chợ ra phía ngoài chiếc xe hơi đang đậu trước cửa. Tôi nhận ra người phụ nữ da trắng tôi mới chửi hồi nảy, tay cầm một gói thịt to tướng quẳng vào xe, mở cửa, cẩn thận de lui để tránh đụng nhầm một vài người phía trước, rồi lái thẳng ra đường. Trong lúc hổn loạn, Một người quản lý cũng kịp chạy ra phía ngoài, lấy bút ghi lại số xe của người phụ nữ. Anh ta cũng chợt nhận ra điều gì đó, khiến anh ngựng lại trong giây lát. Tôi đứng bên anh, tò mò nhìn vào lòng bàn tay còn đang mở để xem anh ghi được những gì: “XY… 378”. Tự dưng tôi buột miệng “anh ghi nhầm rồi “XYJ… 478” mới đúng, tôi đọc rất kỹ”. Anh nhìn tôi bằng cái nhìn thân thiện của người đồng hương và hỏi lại “chắc chứ?”.
Tôi với Tấn quen nhau ngay sau đó. Tấn trạc tuổi tôi, trước kia cũng là một thầy giáo dạy Anh ngữ ở Thủ Dầu Một. Tôi hỏi anh:
- Vậy là anh báo cáo lên xếp về cái số xe của người phụ nữ da trắng ấy chứ?
- Đầy đủ.
- Thật sao? Tôi ngạc nhiên nhìn anh.
- Đầy đủ những chi tiết của văn bản báo cáo. Nhưng thiếu một chi tiết vô cùng quan trọng có lợi cho người phụ nữ ấy. Có nghĩa là…
- Tôi hiểu, anh đã giải thoát mọi rắc rối cho người phụ nữ ăn cắp gói thịt bò ngay gian hàng anh phụ trách. Thật không thể tin được! Ở Mỹ lại có người đi lấy cắp gói thịt. Lấy gì có giá trị không lấy sao lại nhằm vào gói thịt. Không biết lúc hành động bà ta có suy nghĩ không. Tốn một hai đồng xăng để chạy đến chợ, lấy cắp cục thịt trị giá mười đồng.
- Dù sao thì bà ấy cũng may mắn, hôm đó chợ tiết kiệm tiền không gọi cảnh sát đến bảo vệ. Tấn trầm ngâm giây lát rồi nói “nếu tôi không làm thế thì hoàn cảnh của bà ấy sẽ khốn đốn như thế nào, khi bà ấy chưa kịp nấu món thịt tươi ngon cho hai đứa con ăn, thì cảnh sát đã ấp đến nhà”.
- Và cuối cùng, anh vẫn bị sa thải do làm việc không cẩn thận?
Tấn không trả lời, hình như đang nghĩ ngợi trong đầu điều gì đó. Mãi một lúc lâu anh mới nói “có lẽ bà ấy đang bị bấn loạn tinh thần”.
*
Tôi và Tấn vẫn thỉnh thoảng đi uống cà phê gần đấy. Cứ mỗi lần xe dừng lại ngay ngả tư chờ đèn xanh, chúng tôi cùng đưa mắt nhìn bãi xe trống trơ cùng với những ô cửa kính to đùng của ngôi chợ Sal’n Save bịt kín bằng những tấm ván. Chợ đã bị phá sản. Và tôi vẫn đùa với Tấn, khi nào tôi trúng số, tôi sẽ mua lại ngôi chợ này, mướn anh làm quản lý và bà Sandy làm nhân viên. Anh còn giữ số phôn của bà ta không đấy? Tôi cười cười nhìn Tấn. Tấn cũng nhìn tôi, hai thằng cười ha hả./.