Tu est un autre. ( A. Rimbaund) *
Bùi Giáng (1926-1998) đã đi vào thiên thu hơn một thập niên qua; ông đã để lại**cho chúng ta vô số bài viết về thơ,văn và họa.Ròng rã mấy mươi năm trước đây và cho đến nay,người ta viết về ông, định nghiã về ông từ trong văn chương ra đến cuộc sống,và liên tục bình phẩm về hai mặt giá trị ấy để thẩm định đích thực con người của Bùi Giáng. Gần như những người yêu Bùi Giáng hay những người thích nói về Bùi Giáng đều có cảm giác như người còn vất vưởng đâu đây hoặc có thể là tin đồn không chứng thực về một cái chết;chỉ “chết giỡn”thôi mà ! Do đó; Bùi tiên sinh vẫn còn sống mãi với chúng ta,thơ văn của ông luôn luôn hiện diện trực tiếp trong đời sống thường ngày,có những bài thơ thấm nhuần tư tưởng đạo đức,triết lý,có những câu thơ vô cớ,lảng nhách của những khi xuất thần, đột biến,tuông trào từ trong một ý thức siêu lý để trở thành thơ; đã làm cho người đọc ngẫn ngơ,suy tưởng,dảy nãy bởi đó là cõi phi của thi sĩ,chính”cõi phi” ấy làm cho đời định nghiã sai lạc về ông và nhìn ông dưới nhãn quan không được bình thường(?).
Nói cho ngay; thơ Bùi Giáng gần gủi với quần chúng,với thiên nhiên cây cỏ,với bầy thú loanh quanh đem lại cho tác giả một giọng thơ văn hồn nhiên cho dù một vài câu thơ hay chữ nghiã của ông ngâm nga như vô lý,siêu tưởng nhưng tựu chung cũng có thể lý giải được cả và dần dà trở nên quen thuộc,không mơ hồ khó giải về thơ”thi thị khả giảng bất khả giảng chi gian”.
Cái hay của thơ Bùi Giáng là cái siêu lý của một con người hiện sinh.Thơ,văn,họa của ông đã vượt khỏi biên cương ngôn ngữ và nghệ thuật,chữ nghiã,màu sắc “bấn loạn”của một trí tuệ vượt thoát khỏi cõi phàm,một sáng tạo trong sáng tạo để dựng lên một âm ngữ mới cho văn chương;chính vì thế mà ông lâm vào một hoàn cảnh ngộ nhận,cái ngộ nhận(le malentendu) như ngộ nhận của A.Camus.Nhưng Bùi Giáng khước từ sự ngộ nhận để đạt được một chân lý kẻ sĩ thời thượng “Lời phiêu dựng lại một điệu chào dị sai”(Lá Hoa Cồn)*** Ông đã làm cho người ta nghĩ về ông như một hiện tượng”huyễn mộng cuồng điên” và; ông từng mĩm cười với thế gian ấy là cái siêu thực đầy huyễn mộng trong ngôn ngữ của Bùi Giáng và sự tồn sinh trong văn chương của ông mà đến nay người đời vẫn tiếp tục đào khoét để tìm thấy cái chân lý thật hư tiềm ẩn trong tâm hồn của tác giả.Cái gì vượt thoát(nhất là thơ) là cái hay,cái gì ôm đầm là cái dở “Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo…” (Quách Thoại trong tạp chí Sáng Tạo) đó là cốt tủy của thơ,văn mà ông đã xử dụng để đưa tới cái gọi là thể tính của thi ca.
Bùi Giáng là một con người thông tuệ,một thiên tài hơn những thiên tài khác,chính tác giả đã nhìn thấy “bản lai diện mục” của mình qua thần sắc,thần khí cấu tạo nên một hình hài khác lạ hơn người,cho nên ông phải thoát xác,những gì mà tầm mắt ông nhìn là cõi phàm không siêu thoát cho ông . Bùi Giáng cần bung mình trong văn chương,trong cuộc đời tạo dựng cho mình một thế giới trong một thế giới;văn phong cá biệt,phong cách độc đáo đó là tư tưởng của một con người hành thế.
Thị phi đã gắn cho ông những tên gọi khác nhau,nhưng Bùi Giáng vẫn tự tại và tạo cho mình một cốt cách riêng,một minh triết trong đời sống để xác định “cõi điên” của mình,một thứ triết lý vô ngôn của bỉ ngạn ngôn giữa hữu thức và vô thức,giữa đấu tranh và oán hận,giữa tình yêu và cuộc chiến.Bởi vì thế Bùi Giáng đã yêu tất cả mọi thứ trên đời, ông không chối từ,không chấp trược ông dấn thân vào đời như một kẻ đương đầu,mở đường cho một thế giới bất vụ lợi, đầy vị tha tấm lòng nhân ái ấy đã trải dài trong văn thơ của ông. Ông chấm mút mật đắng giữa cõi đời này,mà cõi đời đâu có hay ! Bùi Giáng sống rất mực của kẻ sĩ dám làm và dám nhận,nghiã khí của một đấng mã thượng.Cuộc đời đối với ông là một cuộc đời ngao du “hành hiệp”một cuộc đời phiêu bồng “Tiêu dao suốt cả mù sa bên rừng”.
Dấn thân của Bùi Giáng là nụ cười vị tha, đón nhận những bi thương mà đời đã đổ xuống,do đó ông phá chấp có nghiã là tự giải thoát cho chính mình: với đời sống giản dị, cơm áo là chuyện thường tình, ông ăn uống những gì mà đời bỏ, ông nhận những thừa thải một cách hài hòa;không phải ông khùng mà hành động như thế nhưng đó là chọn lựa của một người vượt thoát ra khỏi con người,không dể dầu gì người đời làm được thế. Âu đó cũng là nét đặc thù,một kiểu cách sống ’life-style’ của Bùi Giáng.Trong tư thế ấy;từ những ngày “tĩnh táo” cho đến những ngày “bộc phát,bức xúc” Bùi Giáng như ta đã thấy,trước sau như một,không tơ hào đến danh vọng mảy may,tất cả dưới mắt Bùi Giáng là phù phiếm là hư ảo, ông có thể từ chối chức năng làm việc để đi hoang,không tơ vương cho dù không thê nhi;có chăng là có với ‘nàng thơ’ “Mờ con mắt một lần lên tiếng thử/Em ồ em,anh nói một lời này”(Những Nhành Mai).
Đời ông vô hình dung trở nên giai thoại,bởi do thơ văn của ông mà ra, đời đã nói lên vô vàn tiếng nói thực hư.Bùi Giáng không nao lòng,vẫn âm thầm sống như đã sống như tâm nguyện và ông có cảm giác như nhiên,chính cảm nhận đó mới thành thơ và ông vượt ra khỏi vũ trụ quan để có cái nhìn siêu nhiên chính vì thế mà ông làm cho người đọc hoài nghi tư tưởng của tác giả và đã có một số mạnh dạn phê bình một cách chính đáng “…có những câu thơ tuyệt hay,nhưng chính sự lập lại những khám phá ngôn ngữ buổi đầu khiến cho thơ ông trở thành khuôn sáo về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng …”
(Thụy Khê). Đành rằng thơ Bùi Giáng không nhất thiết thơ hay mà đôi khi còn gọi là thơ ngông nhưng cái không hay của thơ dở cũng khó cho ai muốn làm thơ dở như ông,mặc dù lập ngôn ! Trong văn học nghệ thuật một triệu bài viết dù hay, dở,chỉ cần một hai bài để đời là có được một chùm giá trị của nó. Thơ văn họa của Bùi Giáng tỏ ra nhiều cái ngây ngô và chính trong cái ngây ngô ấy là sắc thái hôm nay.Tất cả ba dạng thức đó là dạng thức của một thứ nghệ thuật vô thức (unconscious);với thơ thì còn gọi là vô ngôn,nhưng với họa là một trường phái nguyên sơ,khởi thủy (raw-art) một trường phái mà ngày nay người ta rất chú trọng.Tất cả những gì Bùi Giáng suy tưởng đó là ý thức về ngoại giới và nội giới tạo nên một trạng thái tâm thần xa lạ nằm trong trạng thái xuất thần.Bùi Giáng đẩy sự sáng tạo của mình đối diện với cái đẹp vũ trụ,trong khi thưởng thức hay ngao du với cái đẹp ông đã vất bỏ những cái khô khan thường sống,những dự mưu của cuộc đời,Bùi Giáng trở nên “vô ngôn” không suy luận không phán đoán mà ông tập trung tinh thần vào đối tượng,quên mình vào sự vật.Hình tượng của sự vật hoàn toàn choáng hết tâm hồn của một con người siêu thực hiện sinh,cũng như quên hết ngoại giới xung quanh,mê man vào thế giới “vật ngã đồng nhất” và chính cái trạng thái tâm lý đó trong lúc giao cảm giữa thơ với tâm hồn thì đó là trực giác hình tướng;một thứ nghệ thuật nguyên sơ (naïve- art) mà thi sĩ Bùi Giáng đã xử dụng cho thi,họa.Nói một cách khác thơ,văn,họa của ông xuất thần,nhập thế vốn đã tự có trong con người của Bùi Giáng.”Chính ngôn ngữ sáng tạo ra tư tưởng” (Ferdinand de Saussure)
và chính Bùi Giáng cũng đã xác nhận “Tôi lớn lên giữa linh hồn cỏ mọc” đó cũng là tinh thần vô dự của một ngôn ngữ không-giống-ai; ông đưa chúng ta vào thế giới của ‘bóng vang’ “…và ta hãy là bóng vang của ông” (Thanh Tâm Tuyền).
Thơ văn Bùi Giáng gói trọn tính cô độc cố hữu con người ông “Tôi ngồi khóc lóc hoang mang/Một mình cô độc muôn ngàn tương tư”(Nàng Tiên).
Bùi Giáng đi về với bóng đêm trong bước chân âm thầm trong những suy tư riêng mình để đi tới hành động,hành động của hành xác từ đó tìm thấy sự vỡ toang trong văn chương và lúc này ông được nhìn như một hiện tượng linh động giữa một trào lưu văn học thời bấy giờ…từ thập niên 1960 ông đã bắt đầu bước vào’ngổn ngang,gò đống’ của cuộc đời nhưng không phải vì thế mà ông mất đi khí thế người viết. Ông sáng suốt trong thi văn :Lá Hoa Cồn,Ngàn Thu Rớt Hột,Thi Ca Tư Tưởng,Sương Tỳ Hải,Sa Mạc Phát Tiết,Sa Mạc Trường Sa,Sương Bình Nguyên,Tháng ngày ngao Du…chuyển dịch có: Hòa Âm Điền Dã (La Symphonie Pastorale) của A.Gide,Con Người Phản Kháng(L’homme Révolté) của A.Camus.Trăng ChâuThổcủaM.Heidegger.PhượngLiên(OpheliaHamlet)của W.Shakespear.Thiên Đàn Đã Mất( Lost Paradise) của E.Hemingway.Hoàng Tử Bé (Le Petit Prince)của Saint-Exupery…
Và gần đây ông rất tĩnh táo,vẽ bìa(1994) cho tập Hòa Âm Điền Dã và phụ bản cho tập Hoàng Tử Bé,tranh ông cũng có đặc giá ở một vài gallery trong nước.10 năm trước khi chết(1985) Bùi Giáng vẫn không mất sự lạc quan về tình người khi mường tượng chuyện tình”Kết chùm diễm lệ”.Dĩ nhiên đó là tình người trong sáng không phải thứ tình người ‘mất trí’mà tình được (Môi Hường Mở Ra) “Rì rào bốn xứ ba phương/Kết chùm diễm lệ môi hường mở ra” (Phương Triều-Hồn Việt 9/07).
Vậy thì; không lý do gì xác quyết Bùi Giáng là một người “điên-trong-thành-phố”.Bởi mỗi khi mang chứng hổn loạn tâm thần thì trí tuệ đâu còn sáng suốt để xuất thần, để định lượng,huống là thơ văn.Bề ngoài và lối sống của Bùi Giáng là lối chơi lạc hướng để có nơi cho ông dung dưỡng tâm hồn một cách rộng mở,nhất là ở cái thời buổi nhiễu nhương bấy giờ.
Càng đọc văn thơ ông viết là càng si mê mơ màng mộng ảo bềnh bồng là dìu dặt vào vị đắng cay ngọt bùi của thiết tha mời gọi,của Monreo,Bardot,Kim Cương, Phùng Khánh, Phùng Tăng,của mấy em thôn nữ,gái quê,con mọi nhỏ…”Tình em bao xiết êm đềm/Tình tôi như thể chênh vênh lạ thường”(Thôn Nữ).Thơ ông cho đến nay vẫn còn rất đông người thưởng ngoạn,diễn ngâm,diễn ca hay diễn đọc,càng rung lên thần khí càng chao đảo tâm thần;từ đó sự tiếp cận văn phong của Bùi Giáng không còn xa lạ với người đọc dù những ngôn từ vô cùng thần bí mà vẫn đem lại nguồn hứng bao la vi diệu.Xác định cụ thể Bùi Giáng không phải là người mất trí để hóa điên dể dàng như thế,mà phải nhìn nhận rằng ông đã sống hết mình cho tới hơi thở cuối cùng với đời với học thuật. Ông là một văn nhân thời đại,một con người có nếp sống hiện sinh đúng nghiã.Hai chữ hiện sinh ở đây không dể định nghiã,gán ép một cách khơi khơi như thế mà phải sống và làm việc như Bùi Giáng mới xứng tên gọi của nó. Ông đã phóng ngoại để sống thực, ông đã sống như một cuộc chơi, ông ví phỏng cuộc đời là cõi tạm,như trích tiên và ông tha hóa đối với tha nhân.Bùi Giáng không đem đạo vào đời;xin lỗi cái nầy xưa lắm rồi ! mà ông là hành sĩ tức là hành đạo như một chân như một sáng thế giới thoát tục mà bản thân chúng ta không tìm thấy chân lý hành đạo của Bùi Giáng. Ông phá chấp; đó là lý do đời gọi tên ông là nhà-thơ-điên.Bùi Giáng biết điều đó nhưng không gợn sóng trong lòng, ông vẫn an-nhiên-tự-tại.Mà phải nói ông là một con người tân-thời-đại (new morderation).
Ông thiên tài;bởi ông biết vận dụng ngôn ngữ siêu việt, ông chơi chữ một cách dể dàng,hào phóng và đầy rẫy,gây âm hưởng ảo hóa cho người đọc “Nghe dậy hồng một mùa cũ tái sinh”một câu thơ như thế có thể làm cho người đọc dị ứng(?)phải đọc nhiều lần mới ngân vang vào đáy tâm hồn,mới thức tĩnh trí tuệ,mới cảm nhận ngọn ngành thi tứ của Bùi Giáng. Ông độc quyền ở cái chỗ đó! mặc cho đời nghĩ suy…Đọc những truyện chuyễn ngữ của ông ta mới hải hùng,kinh sợ lối diễn dịch siêu thoát,thần sầu,tận mạng của tác giả truyện, đánh thức dùm cho Hoelderlin,Neitzch,Heidegger,Rilke,
Shakepears,Saint-Exupery,Hemingway,Vương Duy,Khuất Nguyên,Lão Tử,Nguyễn Du,Xuân Hương,tất cả; ông đã rốt ráo diễn dịch triệt để cái cốt tủy văn chương bác học trở nên văn chương bình dân dí dõm và trào lộng, đầm ấm như ca dao và mộc mạc như hương rừng cỏ nội…”Tôi chấp nhận trăm lần trong thổn thức/Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đen/Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt”.
Đọc thơ văn Bùi Giáng ta không nên cưỡng từ, đừng vội ngập ngừng hay phán xét mà hãy để cho trí tuệ dự cuộc đàng hoàng,thấm thấu lý-tuệ-sinh của thi sĩ trôi theo giòng mạch lờ đờ,tào lao ứng khẩu để rồi hội nhập vào cái thanh cao diệu vợi, một tổng thể trọn vẹn giữa ý và nghiã, đó là thơ của Bùi Giáng mà đôi lần chúng ta đã ngộ nhận cho tiên sinh.
Quê hương của Bùi Giáng là quê hương của vùng trời bao la,ngút ngàn một khung trời rộng mở cho Bùi Giáng ngao du đó đây,cho người dừng chân nhâm nhi bên đường,quê hương là đầu-đường-xó-chợ,bầu bạn sớm hôm và tình nhân ông là thơ rượu(nếu có) là nguồn mạch suốt cả quảng đường dài từ ngày đó cho tới ngày mãn phần.
Đoạn kết
RỠM
Bùi Giáng đã rỡm tất cả văn nhân,mặc khách,sinh tử ông đều rỡm.Do đó đời rỡm ông luôn.Nhưng ông đâu có buồn chi.Trong Nam Hoa Kinh(Thi Ca Tư Tưởng 1969) ông phán một vài câu như thế nầy để xem ông điên thật hay điên giỡn :
“Nhe răng cười trong bóng tối; ấy là đạo vậy”
“Gọi Phùng Khánh bằng mẫu thân; ấy là đạo vậy”
“Đêm tối trần gian đau đớn vô cùng mà vẫn bảo trần gian lộng lẫy ; ấy là đạo vậy “ …
Đọc thơ văn hay ngắm tranh của Bùi Giáng tiên sinh để cảm rồi đi tới ngộ từng cơ duyên.Chính Bùi Giáng đã thốt lên trong cuốn” Đi Vào Cõi Thơ” như sau: “Đi vào cõi thơ tự nhiên tao ngộ,cơ duyên sẽ dun dũi chẳng nên gò ép cưỡng cầu,những bài thơ đến rồi đi.Lời nhận định cũng đi rồi đến …” ./.
(chestermere xuânphân kỷsửu khôngchín)
*“Tôi khác người ta” A.Rimbaud
**Lời của Mai Thảo,Thanh Tâm Tuyền,Thanh Tuệ :”BG có đến 1000 bài viết đủ các thể loại”
***Tất cả thơ trong bài nầy rút ra từ những tập thơ của Bùi Giáng.(sđd)