Sừng sững giữa cảnh quan thâm nghiêm, hùng vĩ của văn học trung đại Việt Nam, “Truyện Kiều” là kết tinh tài năng và tấm lòng của đại thi hào Nguyễn Du. Qua từng dòng thơ, đoạn thơ, “Truyện Kiều” thấm đẫm nước mắt và làm rơi lệ người đọc bao thế hệ. Ở đó, có nước mắt của lòng trắc ẩn, có giọt lệ của nỗi cảm thương, có giọt tương sùi sụt của oán hờn đau khổ, có giọt châu của niềm vui đoàn tụ. Chúng ta, những người đọc hôm nay, mỗi lần đọc lại tác phẩm, cũng không ngăn được nước mắt như người xưa. Nhưng không chỉ biết đồng cảm với tác giả, với nhân vật, chúng ta còn phải biết lau nước mắt, để tỉnh táo hơn, lùi ra xa, khám phá những nội lực đã làm nên sức quyến rũ mê hồn của tác phẩm. Là một trong vài kiệt tác của văn học trung đại Việt Nam, “Truyện Kiều” hội tụ những phẩm chất đặc trưng của văn học trung đại, cũng qua từng dòng thơ, đoạn thơ. Nhưng đặc trưng của thời kỳ văn học này ra sao, biểu hiện của nó trong tác phẩm thế nào, dấu vết của nó in hằn nơi đâu, trong một đoạn thơ cụ thể?
Đi tìm câu trả lời, tiểu luận này xin chọn một góc nhỏ của “Truyện Kiều”, khảo sát một đoạn thơ ngắn, tiêu biểu cho tài năng và tấm lòng của tác giả:
“Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc vui đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?
Mặc người mưa Sở mây tần,
Những mình, nào biết có xuân là gì?
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ?
Đòi phen nét vẽ, câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
Thờ ơ gió trúc mưa mai,
Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân.
Ôm lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!”
*
Đây là đoạn thơ đặc tả tâm trạng đau khổ, tủi nhục ê chề của Thúy Kiều nơi lầu xanh. Nàng phải đem tấm thân đức hạnh của mình ra tiếp khách làng chơi, bởi “chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”. Chuỗi ngày nhơ nhớp này của nàng là kết quả những âm mưu lừa gạt, mà nàng là nạn nhân (bởi bọn Mã Giám Sinh, Sở Khanh). Nàng cũng phải hứng chịu những trận đòn, sự sỉ nhục (bởi Tú Bà). Nàng còn bao phen bị vùi dập, bị dày vò thân xác (bởi bọn khách làng chơi). Bấy nhiêu tâm trạng ấy, uất ức, đau đớn, xấu hổ, não nề, đã khiến Thúy Kiều phải thổn thức, trào tuôn những nỗi lòng tê tái.
Một thành công đáng ghi nhận của Nguyễn Du, ở đoạn thơ này, chính là sự vận dụng đầy bản lĩnh và sáng tạo, những yếu tố đặc trưng văn học trung đại.
*
Văn học trung đại luôn thể hiện cảm thức của con người trước tự nhiên. Con người thời này xem thế giới là một thể thống nhất. Như vạn vật, con người là một phần tử, có quan hệ hữu cơ với thế giới, cả về thân xác và tâm linh. Con người thấy trong tự nhiên có mình:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu”.
Khi lòng buồn, Thúy Kiều muốn tìm ngắm cảnh để vơi đi. Nhưng nhìn bốn phía, đâu đâu cũng có nỗi sầu đeo bám. Mối dây sầu não ấy, thực ra, do ánh mắt nàng mà có. Nàng thấm thía nỗi cô đơn, trống vắng, lạnh lẽo của mình, qua cái lạnh lẽo của tuyết, qua cái xa vời, rợn ngợp của trăng thâu. Thiên nhiên sẽ chẳng còn ý nghĩa gì, một khi con người không tìm thấy, ở đó, sự đồng cảm với mình. Kiều “thờ ơ” với “gió trúc mưa mai” cũng vì lẽ ấy.
Mặt khác, con người luôn cảm thấy trong bản thân mình có cả vũ trụ. Con người được xem là một tiểu vũ trụ, là sự khúc xạ cái đại vũ trụ luôn biến dịch không ngừng. Biểu hiện rõ nét nhất của nó là con người thấy tâm trạng mình trong trường giao cảm với thiên nhiên:
“Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”
Ngược lại, thiên nhiên cũng như người, hiểu được lòng người: “Đòi phen gió tựa, hoa kề”. Thiên nhiên vốn dĩ tác động trực tiếp đến “tâm – chí – khí – thần” của con người. Người ta vui hay buồn, đầy sức sống hay bạc nhược, đều bởi liên thông với vũ trụ. Ở đây, Kiều đang buồn, nỗi buồn câm lặng, chất ngất. Nó tràn đầy, đến nỗi lan ra, tỏa rộng, thấm đẫm cảnh sắc, đất trời. Cảnh như phải động lòng mà âm u, ứa lệ. Hẳn là Nguyễn Du đã quá thương Kiều. Thiên nhiên như thay thế tấm lòng tác giả, để kề cận, đồng cảm và sẻ chia nỗi cô đơn cùng cực của một phẩm giá sáng ngời bị lưu đày vào chốn bùn nhơ.
Một điểm nữa, con người hay đi từ cái nhận thấy được mà đi tới cái không thấy được. Gương mặt mỗi người mang những dáng nét riêng cụ thể. Có kẻ là mặt mốc, có người là bạch diện, thiết diện, có bậc đáng được gọi hồng nhan. Con người trung đại tìm thấy, ở những đặc điểm cụ thể, bên ngoài ấy, sự phản chiếu cái vô hình: cốt cách, số phận của đời người. Đây là hạng tiểu nhân, kia là lớp thư sinh nho nhã, nọ là bậc kỳ tài. Còn đấy, lại là một kiếp tài hoa mệnh bạc... Nhân vật Kiều cũng tự thấy mình bằng cảm quan như thế. Sau những khoảnh khắc “giật mình” giữa chốn lầu xanh, nàng tự soi mình trong gương, để rồi thốt lên đau đớn:
“Mặt sao dày gió dạn sương”
Lúc này, nàng đâu còn thấy gì thần sắc kém sút, nhạt phai của gương mặt vừa hoan lạc thâu đêm. Nàng chỉ thấy một con người khác, trong bản thân mình: tê dại, chai sạn, lì lợm và trơ trẽn. Nàng thấy cả một nỗi tủi hổ, nhục nhã cùng cực đang hằn lên, bồi thêm trên gương mặt dày dạn của mình.
Cũng thế, nàng nhìn lại tấm thân. Nàng đâu còn thấy cái cơ thể đang rã rời vì kiệt sức. Nàng tê tái nhận ra sự khinh khi, rẻ rúng của người đời đối với mình:
“Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”
Từ thân thể đã thành ra thân phận. Biết bao khách tìm hoa từng vồ vập kiếm tìm, giờ đã chán chường tấm thân ấy. Bởi “con ong đã tỏ đường đi lối về”. Sau cuộc chơi, bọn họ có còn nhớ gì, quan tâm gì, một bông hoa tội nghiệp. Đến nỗi, thân phận ấy phải chán chường với cả chính mình. Chỉ một thân, mà dằn vặt mãi, tự dày vò mãi, thành ra đau đớn đến “bấy thân”, thành ra một khối nặng nề, tủi nhục.
*
Trong đoạn thơ này, cảm thức của người xưa về thời gian được diễn tả đậm đặc, gây hiệu quả lớn lao về tư tưởng – nghệ thuật. Thời gian được con người tri giác theo hai cách. Một là, vũ trụ và con người vận hành theo thời gian tuyến tính, hết ngày tới đêm, hết xuân rồi đến hạ. Đời con người, hết thuở ngây thơ, sang thời tuổi trẻ, sau phải đến tuổi về già. Ở thời gian tuyến tính, dòng thời gian chảy trôi, không bao giờ trở lại. Hai là, vạn vật theo thời gian chu kỳ, xoay vòng, không có thời gian trống rỗng, trừu tượng, mà bao giờ cũng chứa chất một nội dung cụ thể. Người xưa thấy quá khứ trở về trong hiện tại. hiện tại bao giờ cũng mang vết hằn của quá khứ, kỷ niệm. Có khi, thời gian và không gian hòa trộn vào nhau, tụ kết vào thế giới tâm linh. Khi ấy, thời gian, cả không gian, như được vật chất hóa, rõ hình, đậm nét.
Có thể thấy, ở đoạn thơ này, kiểu thời gian tuyến tính:
“Cuộc vui đầy tháng, trận cười suốt đêm”
Trận cười kéo dài “suốt đêm”, tức từ đầu hôm đến rạng ngày. Đó là thời gian dành cho những kẻ lấy đêm làm ngày, lấy cái thời khắc nghỉ ngơi yên tĩnh của người khác làm lúc nghiêng ngả nổ trời cho mình. Màn đêm dày đặc của vũ trụ thật hợp với cảnh sống tối tăm của bao cuộc đời, nhất là đời người kỹ nữ. Những cuộc vui ấy lại kéo dài “đầy tháng”. Cách nói thật khác lạ, không có “ngày dài tháng rộng”, cũng chẳng “năm rộng tháng dài”. Thời gian ở đây như bị chắn lại, bị tù hãm. Nó vẫn trôi, nhưng vật vờ, loanh quanh, trôi từ đáy hố thẳm, rồi trào mãi lên, trào mãi thành đầy, “đầy tháng”. Thời gian “đêm, tháng” được tác giả sử dụng tài tình, như gợi ra những kiếp sống trượt dài trong ô nhục, bị vây hãm trong ma động, âm trì.
Đoạn thơ vẫn còn một dòng thời gian tuyến tính khác, đó là:
“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh”
Trên là thời gian cho cả đám người, còn đây mới là thời gian của một người, của riêng Thúy Kiều. Nói “khi tỉnh rượu” là ngầm nhắc, trước đó, cả một chuỗi thời gian điên đảo cùng cơn say, say đến tê liệt thần kinh, mụ mẫm phách hồn, lý trí. Thời khắc tỉnh rượu này đã tách Kiều thành hai phần đời: một phần trượt dài trong mê lạc, một phần giật mình chết sững, bàng hoàng tỉnh ngộ, nhận ra hiện tại tồi tệ của mình. Cũng thế, “lúc tàn canh” là khi đêm hết, chấm dứt trận cười buông thả của đám người “bướm lả ong lơi”. Kiều nhận ra “lúc tàn canh”, khi mà lũ bướm ong bay hết. Con người bị cuốn vào thác loạn đã phải rời rã, ê chề, trở về bản chất thật của mình, cô đơn và cay đắng. Thời gian “tỉnh rượu, tàn canh” có ý nghĩa biết bao đối với nàng Kiều. Đó là lúc tâm hồn Kiều tự vá víu lấy vết thương của mình, tự phán xét, thanh lọc chính mình.
Còn nữa, trong đoạn thơ, một kiểu thời gian chu kỳ. Vẫn là cuộc vui “đầy tháng, suốt đêm”, nhưng chúng được miêu tả cụ thể hơn, qua không khí náo nhiệt:
“Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”
Chúng ta khoan hẳn nói về những nhân vật phong nhã của chốn làng chơi ấy. Cảnh tượng “sớm đưa, tối tìm” diễn tả những thời điểm lặp đi lặp lại. Công việc cũng lặp đi lặp lại. Chẳng có gì đổi khác, chẳng chút gì biến động ở chốn lầu xanh này. Nó đúng là cảnh bán mua tấp nập, kẻ đến người đi. Thời gian cũng hỗ trợ cho chốn ăn chơi. Hết sớm rồi tối, thời gian xoay vòng, hút lấy và quay tít bao con người trong đó. Cái lặp lại, trong bối cảnh này, không hề là hồi quang của quá khứ đẹp đẽ. Trái lại, nó là cái hố thẳm, tối ngòm có sẵn. Nó là vòng thời gian quanh quẩn, kín bưng, xô con người vào, buộc họ ngụp lặn hổn hển, rồi tự dìm chết chính mình.
Ngoài ra, thời gian chu kỳ cũng được nhắc đến, qua những giờ khắc tâm hồn Kiều thoát khỏi cảnh bùn nhơ:
“Đòi phen gió tựa hoa kề”
“Đòi phen nét vẽ câu thơ”
“Đòi phen” tức là nhiều phen, nhiều lần, cũng tại hoàn cảnh ấy, thời gian ấy, con người cố lặp lại một hành động đã xảy ra. Cũng có thể nhiều lần, mình phải sống với hoàn cảnh hệt như trước. Những lúc thế này, Kiều thoát khỏi chuỗi thời gian u ám và nhơ nhớp của “sớm , tối, đầy tháng, suốt đêm”. Kiều tựa vào gió, kề bên hoa, để hy vọng vơi bớt nỗi cô đơn. Nàng cũng nhiều lần xướng họa, ngâm thơ với những khách làng chơi muốn tỏ ra nho nhã. Nhưng nàng có tìm được đâu, một chút tri âm, đồng điệu, nói chi đến tìm được một tâm hồn.
Tuy nhiên, ám ảnh, da diết nhất, trong đoạn thơ, chính là thời gian hồi tưởng. Có lúc, Kiều lặng người thổn thức. Một thời quá khứ êm đẹp ngày xưa, trong phút chốc, bỗng ùa về, làm náo động cả tâm tư:
“Khi sao phong gấm rủ là”
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”
Ngồi đối diện với chính mình, tâm hồn Kiều băng về quá khứ, sống lại với thời “trướng rủ màn che”. Nó là khoảnh khắc quý giá mà Kiều có được, sau những đêm dài ngụp lặn, u mê. Và, đó cũng là lúc quá khứ đồng hiện với thực tại, bày ra trước mắt Kiều hai cảnh đời trái ngược. Cũng là mình đó thôi, mà quá khứ sao êm đềm, sung sướng. Vẫn là mình đây thôi, mà hiện tại sao sóng gió, tan tác, đớn đau. Cùng một lúc, Kiều nhận ra hai con người thật của mình: con người quá khứ thơ ngây, trong trắng bao nhiêu, con người hiện tại chai sạn, dạn dày, vẩn đục bấy nhiêu. Quá khứ như trêu ngươi hiện tại, càng khiến vết thương lòng của Kiều rướm máu. Giá như Kiều đừng bao giờ kịp nhớ về quá khứ thì nàng đâu phải tự dằn vặt với hiện tại của chính mình. Chính thời gian chu kỳ đã bất chợt trở về trong tâm hồn Kiều như thế. Nó là quá khứ không thể mất đi, là kỷ niệm sống mãi, là nỗi ám ảnh đeo đẳng suốt một đời người.
*
Bên cạnh thời gian là cảm thức về không gian. Có không ít loại không gian đã được gợi tả trong đoạn thơ này. Không gian tự nhiên ít được đề cập, bởi đây là đoạn tả tâm trạng. Chúng chỉ là vài nét chấm phá, như một bức tranh thủy mặc:
“Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu”.
Cảnh được chọn lọc, đến mức không thể nào hàm súc hơn được nữa. Nó gợi một gian phòng, không gian riêng nhỏ bé của Kiều. Khung cửa sổ buông nửa rèm, chừng như nửa muốn tách biệt với ngoại cảnh, với cuộc sống bên ngoài; nửa còn đợi chờ, mong ngóng một điều gì ngoài kia. Đối lập với không gian nhỏ bé này là một vũ trụ bao la, ngoài cửa sổ. Chẳng thấy nhà cửa, làng mạc, cỏ cây. Chỉ có vầng trăng lạnh lẽo, tỏa khắp bốn bề trời đất, rọi sáng suốt đêm thâu. Cầu nối giao cảm giữa con người và ngoại cảnh, lúc này, chỉ còn gió và hoa: “gió tựa, hoa kề”. Đến chi tiết này, không gian thiên nhiên đã thành không gian nỗi niềm mất rồi! Thúy Kiều muốn tựa vào gió, kề bên hoa, để tìm một nơi nương tựa, sau những nỗi tê tái, ê chề. Nhưng nàng có tìm được hơi ấm nào đâu. Tuyết vẫn rơi, vẫn “ngậm” trên rèm cửa. Trăng vẫn soi, vẫn tỏa khắp bốn bề. Phía ngoài kia, chỉ toàn lạnh lẽo và trống vắng. Kiều biết tìm niềm an ủi nơi nào?
Trong đoạn thơ, còn có một không gian lầu xanh. Chốn ăn chơi hiện lên thành một thế giới khác, tách biệt với cuộc sống đời thường. Xung quanh không gian này, không thấy cửa nhà, không một cảnh sinh hoạt thường nhật của mọi người. Nó cũng không được miêu tả chi tiết, chỉ có bóng người lởn vởn, nghiêng ngả vào nhau. Chỉ rõ nhất là không khí buông thả của đám làng chơi: “lả lơi, dập dìu, đưa đón, cuộc say, trận cười...”. Đây quả là không gian thu hẹp của một xã hội bán thịt buôn người, ăn chơi trác táng. Đây là không gian của những gã nổ trời, đốt tiền bạc để mua lấy cuộc vui. Đây là không gian của những kẻ bất nhân, đem bán nụ cười, khoé mắt của bao thân phận đáng thương, để moi tiền bạc. Không gian lầu xanh đúng là một thế giới âm u, khó bề thấy được mặt người. Bởi, nó là không gian của những kẻ chơi đêm, chuộng phần “con” mà buông thả phần “người”. Riêng những thân phận đáng thương, biết ý thức về phẩm giá, như Kiều, lại rơi vào tủi hổ. Nàng cố lẩn mặt, giữa đám người lả lơi, dập dìu đưa đón. Nguyễn Du, dường như cũng không nỡ tả nàng giữa không gian lầu xanh. Nàng chỉ hiện ra, khi đã thoát khỏi đám người ấy, khi nàng trở về được với riêng mình, chính mình. Có thể thấy, không gian lầu xanh, qua cái nhìn riêng của Nguyễn Du, là một xã hội buôn thịt bán người thu nhỏ. Nhà thơ nhờn gớm nó, nhưng đồng thời đau xót, chở che cho những kiếp đời bất hạnh bị cuốn vào nó.
Thương cảm Thúy Kiều, Nguyễn Du dành cho nàng một không gian khác. Đó là không gian nỗi niềm, cùng với dòng hồi tưởng:
“Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”
Không gian trong quá khứ trái ngược hẳn với hiện tại. Nó được tượng trưng, qua cảnh “phong gấm rủ là”. Nào “gấm”, nào “là”, đấy là khuê phòng, là cảnh sống của Thúy Kiều ngày xưa, “phong lưu rất mực hồng quần”. Trong cảnh sống ấy, không một thanh âm phồn tạp nào của cuộc đời vang động đến, xáo động được cuộc sống hồn nhiên của chị em nàng:
“Êm đềm trướng rủ, màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”
Kiều nhớ lại gian phòng của chị em mình ngày xưa, cũng chính là hồi tưởng về một phần đời hồn nhiên nhất, đẹp nhất, hạnh phúc nhất của chính mình. Gấm như phong kín lại, là như rủ hết, che kín đi những báu vật: phẩm giá cao quý của chị em nàng. Hẳn nhiên, đây chỉ là cách nói tượng trưng, có quá đi một chút, nhưng thật sự tương phản với không gian thực tại. Thực tại cũng không được miêu tả trực tiếp. Tuy vậy, người đọc vẫn hình dung được, nó là cái thế giới lấy đêm làm ngày trên kia. Phải sống với thực tại, Kiều đành nhập cuộc. Ngỡ rằng, nàng chỉ toàn những cuộc vui: say, cười, đưa, tìm... Khách đến tìm nàng toàn những bậc hào hoa, khác nào Tống Ngọc, Tràng Khanh thuở trước. Nhưng đáng thương cho nàng, bọn họ, thực chất, chỉ là những kẻ “dập liễu vùi hoa”, toàn hạng người “chơi cho liễu chán hoa chê, cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời”. Bởi thế, khi còn lại một mình, nàng phải nghẹn ngào, trước tình cảnh “giờ sao tan tác như hoa giữa đường”. Bông hoa tan tác ấy đâu chỉ tượng trưng cho một kiếp hồng nhan bị vùi dập. Nó còn gợi một không gian hắc ám, vô nhân đạo, nơi đọa đày những ai có tên trong sổ đoạn trường.
*
Một đặc trưng khác của văn học trung đại là tính cao nhã. Nói cao nhã là nói đến sự cao quý, thanh nhã, biểu lộ ở quan niệm về văn chương, về công việc sáng tác, cả về người sáng tác... Người xưa quan niệm, văn chương là tinh khí của đất trời. Văn nhân là kẻ được trời ban cho tinh khí, nên cái tinh khí ấy đòi hỏi được vung bút thành “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Người cầm bút, một khi lựa chọn việc viết cái gì, viết thế nào, viết để làm gì... đều là hành động tự ý thức, làm tăng sự cao nhã của bản thân mình. Nguyễn Du cũng thế! Dẫu rằng đánh tiếng “lời quê chắp nhặt dông dài”, nhưng thực tình, ngòi bút nhà thơ lại vô cùng cao nhã. Điều đó thể hiện ngay cả trong cảnh tượng thô thiển nhất: cảnh ăn chơi ở lầu xanh. Đây là đề tài nhờn gớm đối với các vị hủ nho, cả khi bút chưa chấm vào nghiên mực. Nói thế mới thấy bản lĩnh lớn, cái tâm lớn của nhà thơ. Chỉ vài nét bút, cảnh đã hiện lên, thần tình, sống động, nhất là giữ được cao nhã. Nhắc đến khách làng chơi, nhà thơ mượn con ong, cánh bướm. Khi cần tả cốt cách, vóc mạo của chúng, tiên sinh mượn hình ảnh Tống Ngọc, Tràng Khanh, những tay ăn chơi đẹp trai, trăng hoa của thời Sở, Hán. Tả chuyện khách chơi sỗ sàng lựa chọn, nhà thơ nhờ điển tích “lá gió cành chim”. Hay chuyện quay cuồng hoan lạc, nhà thơ trở về cảnh cũ: “mưa Sở, mây Tần”. Tỏ ra cao nhã như thế, không phải nhà thơ muốn thêu hoa dệt gấm cho chốn ăn chơi, nhằm đề cao, cổ xúy. Trái lại, như đã nói, đó là dấu hiệu một bản lĩnh lớn. Tả đúng cảnh nhờn gớm, đáng khinh mà không hề nhầy nhụa, trơ trẽn. Người đọc, đến đoạn này, không phải đỏ mặt, hổ thẹn vì trót chứng kiến cảnh bùn nhơ. Mặt khác, đó cũng là biểu hiện của một cái tâm lớn. Nhà thơ không muốn bóc trần cái địa ngục đầy ung nhọt, nơi người con gái mà mình thương cảm nhất, đang bị lưu đày. Bởi, làm sao có thể để Kiều dính lây cái bọc vỡ tanh tưởi ấy, một khi nó bị phanh phui bằng ngòi bút lạnh lùng của mình?
Cảnh ăn chơi trác táng còn giữ được vẻ cao nhã như vậy, những cảnh tượng khác càng thanh thoát nhiều hơn. Nhắc thời con gái êm đềm, trinh trắng của Kiều, nhà thơ nhắc cảnh “phong gấm rủ là”. Thực tế, một gia đình “thường thường bậc trung” đâu đủ giàu sang đến độ dùng “gấm”, dùng “là”, mà phong kín khuê phòng con gái. Nhưng phải ước lệ, tượng trưng như thế mới gây hiệu quả, mới làm bật được danh giá, phẩm hạnh cao quý vô vàn của chị em Kiều.
Hay, tả cảnh Kiều tiếp khách làng chơi nho nhã, Nguyễn Du chỉ phác họa vài chi tiết: “nét vẽ, câu thơ, cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa”. Cuộc chơi toàn thú vui thanh lịch của tao nhân mặc khách: cầm, kỳ, thi, họa. Không có kẻ “ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ” nhưng cũng nào có tri âm, tri kỷ mặn mà. Cuộc vui đúng là tao nhã, nhưng tình vẫn gờn gợn đâu đó dư vị làng chơi:
“Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai”
Hình ảnh “nguyệt, hoa” thật đẹp và thơ mộng. Nhưng để gần “nguyệt” với “hoa” thì bỗng thành “trăng hoa”, sao vẫn gợi nhắc thói trăng hoa? Kiều bao lần vẩy bút vẽ tranh, làm thơ, nâng phím gảy đàn, đánh cờ,... vậy mà vui chỉ là “vui gượng”. Kẻ trong cuộc với nàng chẳng phải “tri âm”, cũng không chút “mặn mà”. Những cuộc chơi ấy, nếu không do áp lực, cũng là kiểu trá hình của chuyện thuận bán vừa mua. Tả cảnh làng chơi mà thật cao nhã, dùng chi tiết cao nhã nhưng vẫn lộ dư vị làng chơi, Nguyễn Du quả xứng danh một bậc thầy ngôn ngữ.
Cũng theo hướng này, nhà thơ tả cảnh vui, đẹp bằng chi tiết “gió trúc mưa mai”. Trúc gặp gió, hoa mai gặp mưa, cảnh vi vu, tươi tốt thế, đúng là buổi hội ngộ của mặc khách tao nhân. Có điều, đây chỉ là “vui gượng kẻo là”. Bởi thế, trách làm sao Kiều không khỏi “thờ ơ”.
*
Một nét đặc trưng nữa của văn học trung đại chính là tính vô ngã. Xã hội trung đại là xã hội của chữ “lễ”, của ký hiệu. Trong xã hội, con người phải dẹp bỏ cá tính, tâm tình riêng của mình, để giữ được “lễ”. Đó là kiểu con người vô ngã, sống với tư cách công dân, theo cảm thức nho giáo về một xã hội ổn định, bất biến, sùng cổ, tuân theo thứ bậc, đẳng cấp. Con người vô ngã, vào tác phẩm văn học, là kiểu người chỉ có hành động mà không biểu hiện tâm lý. Trái lại, mang tính cách nổi loạn, phá vỡ là con người hữu ngã. Đây là con người đã nghiêng về phần ý thức cá nhân mình, có khả năng tự soi rọi thế giới nội tâm của mình, thấy mình không giống người khác.
Soi vào đoạn thơ, ta không thấy con người vô ngã đâu hết. Chỉ thấy trọn vẹn con người hữu ngã, một Thúy Kiều đang tự ý thức về cá nhân, đang độc thoại với chính mình. Sao có thể ngờ, người con gái đức hạnh, hiếu thảo với mẹ cha, tự nguyện “gìn vàng giữ ngọc” lại phải dãi dầu, dấn bước vào chốn lầu xanh. Sa vào chốn này, Kiều bị ép phải lả lơi, dập dìu đưa đón, rồi say, rồi cười. Mọi thứ không còn khuôn phép gì nữa. Hành động của Kiều phản chiếu sự ngả nghiêng, xộc xệch của xã hội đương thời. Làm sao có được một xã hội ổn định, bất biến, khi vẫn còn đó những chốn lầu xanh và những số phận long đong, chìm nổi như Kiều?
Diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật đã được Nguyễn Du phân tích tinh tế, thấm thía. Con người vô ngã làm sao có được trạng thái cảm xúc kỳ lạ thế này:
“Giật mình, mình lại thương mình xót xa”
Những tưởng, Kiều đã chìm đắm trong cơn say, ngủ vùi trong mê muội, hay lạnh lùng, bất chấp cuộc đời. Thế nhưng, đáng quý biết bao, Kiều đã biết giật mình. Đó là phần ý thức về phẩm giá trỗi dậy, Kiều tự phán xét sự sa ngã của mình. Những phẩm hạnh tốt đẹp khiến nàng bàng hoàng nhìn lại cuộc sống hiện tại. Quay cuồng xung quanh mình, biết bao công tử, khách chơi thanh lịch. Nào câu thề ước, lời âu yếm, giọng ngọt ngào,... hóa ra, tất cả chỉ là giả dối. Giờ đây, khi mình cần có một tri âm, thì chỉ còn có mình ôm lấy vết đau của chính mình. Cuối cùng, chỉ mình thương lấy thân mình mà thôi! Ba chữ “mình”, nhưng gom lại, chỉ là một nỗi cô đơn khủng khiếp. Nhìn ra cảnh vật, Kiều thấy được thế giới nội tâm của mình. Vừa vơi tủi nhục, nàng đã rơi vào cô đơn, rũ buồn. Niềm vui cũng có, nhưng chỉ “vui là vui gượng kẻo là”. Thành ra, tiếp khách mà cứ “thờ ơ”, nhìn đâu cũng thấy “ngẩn ngơ”, để rồi đau khổ và tủi hổ tột cùng:
“Ôm lòng đòi đoạn xa gần
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau”
Không chỉ tách khỏi nghĩa vụ, bổn phận với cộng đồng, theo chữ “lễ”, con người hữu ngã còn tồn tại như một khối cô đơn. Cô đơn đến độ chỉ biết “ôm lòng”. Đau đến đứt ruột. Tâm trạng ngổn ngang, rối bời như tơ. Cả thể xác lẫn tinh thần như đang chịu bao vết thương nhức buốt. Tự mình khổ, tự mình đau, bởi tự mình dày vò, trừng phạt chính mình. Kiều thực sự là con người hữu ngã trong văn học trung đại, hiện diện với tất cả chiều sâu nội tâm và những trạng thái tâm lý phức tạp. Miêu tả con người cô đơn của Kiều, Nguyễn Du đã mang đến cho văn học trung đại một hướng khám phá hiện thực mới mẻ, thông qua những thân phận cụ thể của con người hữu ngã. Chế độ phong kiến hà khắc không chỉ buộc con người thủ tiêu ý thức cá nhân mà còn khiến họ phải sống trong nỗi dày vò, đau đớn về tâm hồn. Càng có ý thức cá nhân, càng coi trọng phẩm hạnh, con người càng rơi vào bi kịch tinh thần, mà chính mình là người phán xét.
*
Văn học trung đại còn một đặc trưng khác, đó là quy phạm và bất quy phạm. Nó xoay quanh vấn đề khuôn phép. Tính quy phạm, thực ra, là hệ quả, là tổng hợp của cảm thức thẩm mỹ, sự cao nhã và tính vô ngã. Trong văn học thời này, mọi cách chọn đề tài, thể loại, hình tượng nghệ thuật, kết cấu, tính hàm súc của ngôn ngữ... đều phải tuân theo những “quy”, những “phạm”. Từ đó, những gì ngược với quy phạm đều bị xem là bất quy phạm.
Trong đoạn thơ này, tính quy phạm thể hiện không ít. Đó là thể thơ lục bát, với tính đăng đối chặt chẽ về ý tưởng lẫn thi luật. “Cuộc vui đầy tháng” đối với “trận cười suốt đêm”. Hễ có Tống Ngọc phải có Tràng Khanh. Đã có “sớm đưa” thì phải “tối tìm”. Bằng đối trắc, thời gian với thời gian, nhân vật cùng nhân vật... Chúng tạo cho đoạn thơ âm điệu nhịp nhàng, du dương, uyển chuyển. Về thi liệu, khi đề cập những thú vui tao nhã của khách làng chơi, đoạn thơ cũng theo quy phạm: cầm – kỳ – thi – họa. Ngay như cảnh lầu xanh ô hợp, đoạn thơ cũng cố gắng giữ một chừng mực, theo lề lối, định thức: chuyện bướm - ong, lá - cành, gió - chim, trăng – hoa, mưa Sở – mây Tần... Chúng là những hình ảnh, đã thành “quy phạm”, nói về chuyện trai gái lả lơi, về chốn buôn hương bán phấn.
Về mặt ngôn từ, tính quy phạm thể hiện qua việc sử dụng cách diễn đạt hàm súc. Văn học trung đại quan niệm “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Nó cũng là tiêu chuẩn phân biệt văn thơ đích thực với kiểu nôm na mách qué. Ở đoạn trích này, những hình ảnh vừa nêu cũng không nằm ngoài nhu cầu diễn tả, một cách cô đọng nhất, cuộc sống náo nhiệt, giả dối và tình cảnh bi đát của Kiều ở chốn lầu xanh.
Tuy nhiên, đoạn thơ, phần nhiều, lại rơi vào bất quy phạm. Như đã nói, văn chương là tinh khí của đất trời, chỉ chuộng những đề tài cao nhã, theo lối mòn có sẵn. Hết Phong - Hoa - Tuyết - Nguyệt đến Mai – Lan – Cúc – Trúc, lại Ngư - Tiều - Canh – Mục,... Chuyện thế sự thì quẩn quanh Trung – Hiếu – Tiết – Nghĩa, Trung thần – Liệt nữ... Vậy mà, thật động trời, Nguyễn Du lại miêu tả một gái làng chơi. Mà đây đâu phải hạng gái tầm thường, một mẫu mực cho nhân, nghĩa, tiết, hạnh... Người con gái ấy cũng ngả nghiêng, cười cợt, lả lơi, say túy lúy... Có lúc, nàng còn đem cả phẩm giá, tiết hạnh mà tự soi rọi, phán xét chính mình. Nàng đã làm được những điều mà các nhân vật phụ nữ, trong văn học trung đại, chưa mấy ai làm được. Đã vậy, nàng còn sống ngay trong cảnh làng chơi. Không chuyện gì của chốn ăn chơi trác táng không được đề cập, kiểu “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”. Ngay như, chuyện cầm – kỳ – thi - họa vốn chỉ dành cho bậc vương hầu, nho sĩ thưởng lãm, nhà thơ cũng lôi cả vào chốn ăn chơi, cho Kiều phục vụ khách tìm hoa. Những chi tiết bất quy phạm này khác nào cái chồi cây đại thụ, đã bắt rễ, đâm tược, ngay kẽ nứt sụp của bức tường thành phong kiến mục ruỗng. Thành ra, ai đó, thay vì dựa hơi các vị hủ nho, lên án Nguyễn Du, cần thấy được và ngợi ca sức sống mãnh liệt của tư tưởng và tài năng nhà thơ mới phải.
Xét về phương diện chữ viết, thời bấy giờ, thơ ca, muốn được xếp hàng quý phái, phải nhất nhất tuân theo chữ Hán. Vậy mà, Truyện Kiều nói chung, đoạn thơ nói riêng, lại dùng thứ chữ Nôm, trong đó, đậm đặc lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân. Giả như dùng chữ Hán, nhà thơ làm sao có được những dòng thơ xuất thần, có sức ám ảnh lớn thế này:
“Giật mình, mình lại thương mình xót xa”
So với chữ “ngã” đầy cao đạo, đại từ “mình” dân dã, mộc mạc hơn, nhưng biến hóa lạ kỳ. Nó có thể phân cực tâm trạng con người: phần ảo mộng, phần hồi tỉnh, phần xót xa. Ba mình nhưng thật ra là một. Ba “mình”, nhưng chỉ là một nỗi cô đơn khủng khiếp.
Hay như cách nói nghiêng về khẩu ngữ:
“Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó, mặn mà với ai”
Những điệp từ “vui, là”, cùng cách nói bỏ lửng “kẻo là”, đã tạo được ấn tượng lặp lại chán ngắt, một tình cảnh gượng ép, ngay giữa cuộc vui. Từ ngữ “ai, vớí ai”, đầy bóng gió xa xôi, đã gây nên cảm giác dằn vặt, nặng nề, hụt hẫng, của nàng Kiều, trước tình người ồn ào, giả dối. Cũng thế, điệp từ “sao” cất lên, nghe như có mũi dao, từng nhát, từng nhát, nhói sâu vào cơ thể: “khi sao, giờ sao, mặt sao, thân sao”. Mọi thứ đều là của mình, quá khứ, hiện tại, gương mặt, tấm thân,... Vậy mà, mình không hiểu nổi chính mình. Đến khi hiểu ra, mình lại càng thêm chán ngán, ghê tởm chính mình.
Ngay như các cách nói, từ ngữ quen thuộc, đã sóng đôi thành cặp, bỗng bị nhà thơ giằng xé ra: “bướm ong, lả lơi, chán chường, lá cành, gió chim, gió sương, dày dạn...”. Chúng đột nhiên được kết hợp lại, tạo thành những tổ hợp mới, gây nên những ý tưởng lạ, những chấn động không ngờ: “bướm lả ong lơi, bướm chán ong chường, lá gió cành chim, dày gió dạn sương...”. Chuyện ong bướm lả lơi thành “bướm lả ong lơi” quả là sự buông thả, ngả ngớn, người mua kẻ bán xô cả vào nhau, quấn riết lấy nhau, xô bồ, vồ vập. Ong bướm chán chường thành ra “bướm chán ong chường”, nó chuyển từ tình trạng “ong bướm” chán nhau thành ra một nỗi nhục nhã của chính Thúy Kiều: tấm thân nghìn vàng của mình đã bị bọn “ong bướm” chán chường, khinh rẻ. Còn nỗi bẽ bàng, tê tái nào hơn, khi chính mình nhận ra thân phận rẻ rúng của mình, dưới mắt bọn người đê hạ. Hay như tổ hợp từ “dày gió dạn sương” đã khiến gương mặt Kiều thêm phần chai sạn hơn, trơ trẽn hơn, đã thành mặt dày mày dạn. Cách diễn đạt sáo mòn bỗng mang sinh khí mới, lột tả được tình cảnh dầu dãi, ê chề của Kiều trong kiếp đời sương gió.
Những chi tiết thành công này đều là hiệu quả có được của tính bất quy phạm. Bằng tài năng lớn, Nguyễn Du dám vượt khỏi dấu mòn xe cũ, mở một con đường mới trên đồng cỏ mênh mông. Người đọc cùng theo lối đi của nhà thơ, không chỉ hiểu những gì tác phẩm chứa đựng mà còn nhận ra cả một không gian rộng mở, mới mẻ của văn học trung đại: khả năng sáng tạo, từ việc phá vỡ tính quy phạm thâm căn cố đế suốt nghìn năm.
*
Chắc rằng, còn nhiều điều sâu sắc, phong phú hơn, về trích đoạn “Truyện Kiều” vừa được khảo sát. Những gì tiểu luận trình bày chỉ mới là bước chân theo dấu các bậc thầy đáng kính, những người đã dành tâm huyết cả một đời để nghiên cứu di sản văn học dân tộc. Có lẽ dư vị ngọt ngào nhất, đọng lại trong tiểu luận này, chính là những cảm thụ và thấu hiểu của người viết về một trong những đoạn thơ tài hoa nhất, cảm động nhất của “Truyện Kiều”. Thấy được dấu vết văn học trung đại trong đoạn trích này, chúng ta càng thêm kính trọng một tài năng lớn, một tấm lòng yêu thương mênh mông của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Mỹ Tho, tháng 07 năm 2002